Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Cuộc nổi loạn của bầy thú (1)

 (The Revolt of the Animals)

Władysław Reymont, tiểu thuyết gia Ba Lan, Nobel Văn chương 1924

Charles S. Kraszewski, dịch từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh

Hiếu Tân, dịch Anh-Việt

Truyện ngụ ngôn

PHẦN MỘT

1

‘Bây giờ tao sẽ tính nợ với mày, đồ chó hoang khốn kiếp!’ mụ rít lên đắc thắng. Đẩy Rex vào góc, mụ bắt đầu dùng que cời lửa đánh nó, mỗi cú đánh kèm theo một câu chửi mắng giận dữ: 'Đây là cho miếng thịt quay này! Đây là cho xúc xích ngày hôm qua này! Cái này dành cho món gà tây này!’ Con chó quằn quại, rên rỉ, van xin, liên tục liếm chân mụ. ‘Còn đây là vì những chú chó chồn nhỏ, cho mày nhớ, mày là đồ ăn xin bẩn thỉu, mày không được đến gần những chú chó con của chủ, nghe chưa. Ôi, đồ tha quỷ ma bắt!'

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Buồng Biệt Giam Số 1

Nguyễn Ngọc Đức

Những ngày khủng khiếp nhất đời tôi là bài viết của bà Nguyễn Thúy Hạnh tháng 3/2025, kể lại 6 tuần lễ mà bà bị biệt giam tại buồng giam số 1 trong khu giám định tâm thần của Viện Pháp y. Bà phải trải qua những ngày khủng khiếp và muốn chết đi trăm lần, còn hơn phải sống qua sáu tuần kinh khủng ấy. Bà không bao giờ muốn nhớ đến nó, nhưng thỉnh thoảng cơn ác mộng đó lại hiện về khiến bà rùng mình không chịu nổi. Nên đã quyết định một lần viết ra với hi vọng vĩnh viễn xua đi được cái ký ức kinh hoàng ấy.

Ôi, Nhân loại! Về cuốn “Cuộc nổi loạn của bầy thú” của Władysław Reymont

 Charles S. Kraszewski, Lời giới thiệu tiểu thuyết Cuộc nổi loạn của bầy thú[*]

Hiếu Tân dịch

Một Orwell của Ba Lan

Người thứ hai trong số sáu người đoạt giải Nobel văn học của Ba Lan, Władysław Stanisław Reymont (1867-1925), không phải là một người vô danh bên ngoài quê hương của ông. Các bản dịch của ‘Những người nông dân’ (‘The Peasants’) [Chłopi, 1904-1909], tác phẩm đã mang về cho ông giải Nobel năm 1924, và tác phẩm trước đó của ông là ‘Đất Hứa’ (Promised Land) [Ziemia obiecana,1899] đã có bản tiếng Anh ít nhất là từ năm 1925 và 1927.¹ Không thể nói như thế về cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, ‘Cuộc nổi loạn của bầy thú’ (The Revolt of the Animals) [Bunt,1924]. Ngoài việc đăng báo theo kỳ vào năm ông mất, chỉ có ba phiên bản của tiểu thuyết này dưới dạng sách được in ở Ba Lan: phiên bản năm 1924 của công ty Gebethner and Wolff trước chiến tranh, phiên bản năm 1934, được xuất bản tại Warsaw bởi ‘Wydawnictwo Tygodnika Ilustrowanego’ [Illustrated Weekly Publications], và gần đây nhất là phiên bản của Wimana (Gdańsk: 2018).

Khi người dân mất chợ

 "Chợ truyền thống, nhất là ở nông thôn, là một thực thể kinh tế - văn hóa - xã hội quan trọng của người Việt và nước Việt. Cho tư nhân đấu thầu nhưng thiếu minh bạch và thả nổi trong quản lý, đã làm phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực và phản văn hóa, đẩy chủ thể của chợ là dân địa phương ra ngoài, đang gây hậu quả khôn lường cả về đời sống lẫn văn hóa. Chúng ta đã mất đình, mất chùa, mất miếu..., nếu chợ cũng mất luôn thì hậu thế không còn biết tìm văn hóa cha ông ở đâu. Đây là một vấn đề lớn cần được chính quyền thảo luận và có giải pháp." - Thái Hạo

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu bài nói của Thái Hạo, được đăng trên kênh Youtube của tác giả.



Nằm nghiêng

Phong Âm

Nàng dịch chuyển, người đàn bà yểu điệu sau tấm lưng sạm đen. Đôi bàn tay thon thả của nàng đang dâng lên cao hơn, hướng về đốm sáng vàng xô đẩy nhau từ chùm đèn đường hắt vào cửa sổ. Nàng không bao giờ mở mắt, nhưng trong màn đêm tối đen đôi mắt buông lơi mơ màng của nàng lại tràn ra ánh sáng vàng ngọt lịm của vầng trăng khuyết ngày tàn tháng.

Nàng là ma quái!

- Còn mày, có ai xấu xí hơn mày, cái thứ quái gởm ở đời. Thứ quái gởm… Ông ta phỉ nhổ một cách chát chúa trong giấc mộng của mình, một con đàn bà xấu xí vốn là vợ của ông.

Mụ nín lặng nghe tiếng rủa hàng đêm lẫn trong tiếng kêu thé tai của con cú lợn ngoài bãi tha ma, phải rồi đêm nay người chết rất có thể sẽ là mụ. Thầm lặng, nấp trong đêm lão chồng như xác sống trồi dậy, rồi như thể bị ma quỷ xúi giục y chồm xuống, hai con mắt mở thao láo, vồ lấy mụ, hai tay y tóm cái cổ ra sức mà ghì thật mạnh, “Cho mày xuống vực thẳm, thứ dị hợm” y nghiến răng ken két, ma quỷ hoàn toàn đã choán lấy y. Đêm nay mụ không vùng vẫy, chỉ nằm yên chờ cái chết, bốn mắt hằn học những tia máu soi chiếu trong nhau giữa khoảng đêm vô tận, cái chết đã trở thành một đầm lầy sâu hoắm. Thời điểm giáp ranh cõi tử, bản năng của mụ vùng vẫy để y hững hờ nhặt lấy ý thức lăn lóc dưới chân, nửa tỉnh nửa mơ, người đàn bà sau lưng y trở mình, nằm nghiêng áp đôi tay bên má mơ màng. “Nàng không bao giờ nói ra suy nghĩ của mình” y rú lên rồi bơi ngược trở về hiện thực mà chết lặng đi khi khuỷu tay chạm phải lởm chởm ụ thịt xù xì, “Mụ ta…”, y khinh hãi nhìn dáng nằm nghiêng của thứ quái gởm, bộ ngực chảy xệ vẹo sang một bên lép xẹp, cánh tay to phình từng cục như gã đồ tể đặt trẹo ra phía sau, bên chân trái đặt chéo nửa lên đùi phải, đúng chỗ đầu gối bị vặn ngược gót bàn chân nứt nẻ chổng hẳn lên… thế mà, hở ra một khoảng giữa bóng đêm bờ eo trên hông mụ lại đẹp kỳ lạ, uốn cong như ngọn sóng vỗ rì rào đáp vào làn cát cháy nắng. Y sợ hãi, hoảng loạn nhìn xuống đôi bàn tay đã buông thõng từ bao giờ.

- Mày là thứ quái đản. Y phỉ nhổ, rồi vùng vằng biến ra chiếc ghế phía ngoài phòng khách. Khoảng cách không gian loang ánh mờ càng khiến dáng người nằm nghiêng dưới thềm cửa sổ thêm mềm mại, láng mịn như thể quầng sáng dưới đáy ánh trăng.

Người đàn bà phía sau lưng vừa choàng mình thức giấc, nàng vươn vai, nhẹ vuốt bầu ngực trọn trịa rồi áp xuống ngọn sóng háu đói đang xối rì rào lên nhau đôi ngọn trắng màu, nàng ngả người, đặt tấm lưng yểu điệu lênh đênh trên mặt sóng biển. Giữa khơi xa, như thể nàng cũng hóa thành quầng sáng trăng, nhạt màu, tinh khôi.

*

Mưa dầm dề suốt mấy hôm nay, cơn mưa gõ liên tục xuống đêm khiến ngươi không sao ngủ được. Mùi ẩm mốc ám trên quần áo, dù chẳng dính phải chút mưa nào nhưng vẫn thấy rõ sự nhớp nháp, nặng nề không buồn dịch chuyển, mà cũng không thể ngồi yên. Đến đêm nay ngươi chợt phát hiện ra, những hạt mưa nhỏ nhưng “Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp[*] quả thực đã băng qua linh hồn ngươi, câu thơ vừa rồi ngươi không còn nhớ đã được ai đọc cho nghe, chỉ biết tác giả là Nguyễn Khuyến.

Ngươi vẫn còn trong đêm, mưa đêm, trời đổ mưa vào đêm nhưng đêm lại chẳng thể đem chính nó nhỏ giọt vào mưa, buồn thay chỉ có người nhìn thấy đêm soi chiếu hoặc xuyên qua mưa.

Bỏ lại nỗi ám ảnh về cái chết, ngươi đã leo lên giường nằm ngay bên cạnh mụ. Đôi mắt ngươi cay xè lẳng xuống khoảng hông người đàn bà đã quá nửa tiếng mà vẫn chưa giục ngủ, mùi người, mùi xà phòng, mùi ẩm mốc khai nồng ướt sĩnh trên vải…, ngươi thấy người mụ chảy nước, không phải tràn lênh láng, mà tứa ra từng giọt, giọt nhơm nhớp giọt đọng lại thành dòng chảy lan trên thân thể ngươi, hôi hám và tanh tưởi. Ngươi trở qua trở lại, nhắm chặt hai mắt cố không nghĩ đến mụ, rồi ngươi mách bảo bản thân phải ngừng thở, hóa ra chính ngươi mới là kẻ thèm khát cái chết. Cô đặc trong không gian, thứ nước đen ngòm đang quánh đặc lại bò lên nhồi nhét vào lỗ mũi, lỗ tai, miệng và mắt của ngươi. Quờ tay, quẫy đạp giữa vũng đêm, ngươi thấy mình nghiêng người mà chịu đựng, với mụ…, ngươi tiếp tục giáng vô số đòn xuống những ụ thịt trước khi tách khỏi bóng đêm dịch chuyển sang một bóng đêm khác, sạch sẽ hơn.

Đêm, ngươi lại dời khỏi giường nghỉ.

Ngoài trời mưa lớt phớt, cái giá rét của buổi đông thấm sâu hơn trong đêm. Ngươi đã quên đi ánh mắt sầu hận nhìn về phía người đàn bà nằm nghiêng người trên chiếc giường sâu hút giữa gian nhà trống. Tản bộ dưới mưa, loanh quanh rồi bất chợt ngươi ngừng bước trước bụi hồng bạch giữa sân, mưa đọng lại trên những tán lá răng cưa, chẳng cần ánh đèn, giọt của mưa vẫn lung linh trong đêm, ngươi thấy rõ mưa trong suốt, lớp màng thủy tinh bọc trên từng cánh từng cánh hoa, trắng sứ. Giọt trong suốt, mưa thủy tinh, đêm chẳng gió, mưa lần chần mà rời cành lá, mưa rơi rung rinh, mắc đủng đỉnh trên sợi tơ nhện giăng dưới bông hoa ướt át. Ngươi thổi nhẹ một làn hơi thở khiến con nhện giữa chùm tơ bay đâu mất, làn hơi thở của ngươi bị ướt nhưng vẫn nhẹ tan giữa đêm.

Cả thân thể của ngươi bỗng trở nên thanh sạch, nàng đã vươn người thức dậy, nàng là nhân tình của ngươi. Từ thân thể nàng ứa tràn dòng chảy, lênh láng nhưng chậm rãi, rớt từng giọt tưới xuống da thịt ngươi. Những giọt nước trong suốt theo nhau chảy vào lỗ mũi, lỗ tai, miệng và mắt của ngươi mát mẻ. Ngươi không thể nhòm được nàng, chỉ soi chiếu trên lớp màng thủy tinh bọc ngoài cánh hoa làn da nàng trên làn da ngươi, trắng phấn. Ngươi thèm thuồng cúi xuống, mớm lấy giọt mưa căng nứt như ngớp lấy nàng cho linh hồn của ngươi thanh khiết. Một giọt, một cánh hoa, lại một giọt rơi rụng thêm một cánh hoa, trẫm trong cơn say ngươi rùng mình bởi sự mong manh của cái đẹp, cuối cùng sót lại trên đài xanh giữa đám nhị khô héo chỉ còn một cánh hoa dị dạng giống như con bướm trắng buông lơi trước gió. Thật lạ lùng, đây là kết quả của cuộc gặp gỡ tình cờ giữa đêm hay sao… kìa, nàng của ngươi đang hạ thấp cơ thể nghiêng người quờ tay qua lại nơi những cánh hoa nát tan. Không ánh đèn, mà dẫu có ngươi cũng chẳng thể ngắm nghía nàng thêm nữa. Than ôi! Giá như đài hoa, cánh hoa và gió hóa thành ba con bướm trắng thì tốt biết bao, nếu như vậy có lẽ ngươi sẽ rõ vì sao ngươi không thể cảm nhận được sự tồn tại của chính mình.

Giữa khe trống nhị hoa và cánh hoa, mụ nghiêng người, không thấy rõ được cả tấm thân rung chuyển, chỉ hiện ra vỏn vẹn trong bóng đêm một khoảng da thịt bằng gang tay, cong cong mềm mại. Xuyên qua bóng đêm, ngươi chỉ đành ngửa cổ lên mà thở dốc, chân tay ngươi run lẩy bẩy, ngươi lao ra khỏi không gian đem theo nàng đã say ngủ bước vào không gian khác mà giục giã, mà đánh đập, những nắm đấm của ngươi rơi loạng choạng xuống ụ thịt sần sùi, mụ rên ư ử rồi lịm đi.

Ngươi vẫn còn thức thần, đôi mắt sâu hoắm trên gương mặt gầy guộc gộc nhìn u mê xuống nền đất, đôi chân ngươi vắt chống ngũ đang dạo theo điệu nhạc, với mụ ngươi là gã đàn ông gàn dở, thô bạo và bệnh hoạn. Đôi chân của ngươi lại vắt lên nhau mà đung đưa theo điệu nhạc, với tha nhân ngươi là người đàn ông nhã nhặn, cao thượng. Ngươi bắt lí trí gọi tên sự phân định đó là nét hiền từ.

Đêm, kẻ tình cờ

Ngồi ngâm nga

Liếc mắt dại khờ, đêm

cúi nhìn sâu thẳm, đêm

…lặng… có tiếng gõ sắc ngọn vang trong tiếng ngâm nga

Liếc mắt, cúi nhìn

Kẻ tình cờ

ghép những mảnh vỡ đêm

lên những khoảng trống đêm

… lặng... sự câm lặng sắc nhọn vang trong tiếng ngâm nga.

Nắng ban ngày, nắng sau trận mưa rả rích vừa hong khô những ướt át trong tâm hồn vừa đẩy tầm nhìn ra xa hơn để ngươi trông thấy… một người bạn bước ra từ ánh nhìn đến với cuộc đời ngươi. Bạn ngươi là một người đàn ông chớm sáu mươi mới nhậm chức trưởng thôn đâu tháng trước, ông ta là người lúc nào cũng than phiền về thái độ sinh hoạt của cộng đồng ở thời điểm hiện tại… “Sao họ lại nhác nhớn đến thế?”.

Ngươi cũng suy nghĩ một hồi. Chọn lấy một mẩu ký ức, ngươi cứ chậm rãi kể lại cho ông ta nghe.

Hôm trước có đám ma bên họ, khách vắng teo, tôi ngồi với ông trưởng xóm cũng nghe loáng thoáng chuyện gọi thông báo cho dân làng. Chiều, sau giờ liệm khoảng đâu hơn tiếng, lác đác có vài người hàng xóm dãy nhà đối diện sang hỏi thăm, đội lễ vào phúng điếu rồi ra ngồi bàn xơi nước chia buồn cùng tang gia nhưng cả thảy chỉ có hơn chục phút, lúc ra về câu ngỏ ý của họ giống hệt nhau: Khổ, không người trông coi cửa tiệm. Đám ma ngoài phố ấy và cứ thế bớt ồn ã hơn thường lệ. Hoạch định thành từng khu, cư dân sống hiện tại lỏng lẻo hơn hai tiếng gọi là dân làng. Cái khí thế xưa vụt mất không phải bởi thời gian, sự thay đổi, mà rằng cuộc sống của mọi người đang dần được lấp đầy. Đời ông cha cả năm quanh quẩn vài thước ruộng, hoa màu và trâu bò. Ngày không việc đồng áng thì thong dong đi chăn thả, công việc thì đã có sẵn phân kỳ nào ra giêng, rằm tháng tám, có tháng giáp hạt, lại có tháng ăn chơi, hội hè cũng theo phân kỳ. Háo hức chờ đợi cả năm, khi ấy làng có lũy tre, có duy nhất một chiếc cổng làng để ra vào. Mấy năm nay, cũng hội hè nhưng người đến chỉ lác đác vài mống, tiền quỹ vận động dân làng đã trả tiền đặt cỗ mà lần nào cũng dư phân nửa. Một lần thì không nói, mấy lần khác hỏi sao không đi thì họ bảo quên, đi làm không nghe được loa thông báo, mà cũng chẳng thể nhờ mấy bà được, người nhanh nhẩu thì họ đi công ty hết rồi. Khi trước nhớ các cụ bảo dòng sông bồi đắp lên làng, mấy năm nay theo chính sách của nhà nước bờ kè chống sạt lở được xây dựng, bê tông thay cho tre, chỉ còn lại cái cổng làng đã được làm mới nhưng không mấy ai qua lại vì làng đã mở nhiều đường hơn. Mấy ông vẫn thường nói với nhau là những tổ chức làm cho con người ra người hơn còn gì, làng là một tổ chức khép kín, đơn độc, duy nhất, thời nay hay thời nào cũng vậy sự tồn tại đó là vô lí, nếu như làng không tìm được sự đối xứng thì các thành viên của nó phải cố đi tìm, chúng ta đã tìm hàng ngàn năm nay rồi.

Cũng gật đầu nhưng chắc chắn ông ta sẽ hỏi thêm ngươi về hoạt động liên làng, giao làng trong những dịp sinh hoạt tín ngưỡng và hội hè. Đến chính ngươi cũng nhận ra rằng bản thân đang dùng một thứ giọng điệu nhạo báng để nói chuyện, nhưng phải có chừng mực, đến lúc cần ngươi phải tự nhắc mình dừng lại. Ngươi không biết bản thân đã sống như vậy từ bao giờ, có lẽ là từ lúc lấy mụ hoặc từ lúc nàng xuất hiện trong cuộc đời của ngươi. Một thế giới đơn độc chỉ có duy nhất một người, kế đến một thế giới hai người mà dường như có đến ba kẻ cùng tồn tại, và sau cùng là những tín điều nơi cộng đồng ngoài kia song trùng giữa định mức và sự thiêng liêng, ngươi vẫn là ngươi, cũng thấy khác ngươi rất nhiều.

- Thì phải dịch chuyển chứ, – ngươi trả lời nét mặt đăm chiêu nhìn lên khuôn mặt người rồi hắt ra một hơi thở dài, ngươi lại nói – vài ba lần rồi trở về, vẫn chưa xong đâu. Cái gọi là hoạt động hội hè của mấy làng đồng giao thực chất chỉ là để củng cố mối liên kết bên trong thôi. Ắt là do ngưỡng cởi mở của chúng ta khác nhau, nên với tôi đành cho rằng sự kết giao đó tạo ra một sự tồn tại giả, đối xứng và cân bằng. Đồng thời chính nhờ sự tồn tại này bên ngoài mới có thể can thiệp vào công chuyện của làng.

Ngươi cười khẩy, nếu như không có sự tồn tại của nàng, sẽ không có nút giao thắt giữa cuộc đời ngươi và mụ.

**

Ngươi không bao giờ nói với ai là căm ghét mụ, đến chính ngươi cũng không biết mình có thực là căm ghét mụ hay không, chỉ là sự tồn tại của mụ một thứ ám ảnh xấu xí, chẳng ra làm sao… lại tàn nhẫn đến thế.

Sáng nay trời vẫn còn mưa, ngươi nhìn qua giọt trong suốt bám trên cửa kính mà mờ ảo thấy một cánh chim đơn côi lướt qua. Cảm giác nhớp nháp của đêm hôm trước như được gợi lại, lúc này chỉ còn mình ngươi ở nhà, mụ thoắt ẩn thoắt hiện. Ngươi thực cảm thấy vướng víu vì không hiểu sao sớm nay lại nghĩ đến người đàn bà đó nhiều như thế, so với mẹ với chị của ngươi liệu mụ đã làm chủ được cuộc đời chưa. Nếu sự tồn tại của mụ là đeo bám là dai dẳng, vậy tại sao ngươi không đuổi mụ đi, một lúc nào đó ngươi sẽ không ghét mụ nhiều như thế.

Quãng trưa trời hửng nắng, giữa tháng mười hai hanh khô, người đàn bà ngồi nhóm lửa nấu nồi nước gội, vỏ bưởi, bồ kết và lá sả xông lên lan khắp không gian mà tóm lấy nắng vàng khiến cái cảm giác khô hanh của mùa đông càng thêm khó chịu. Ngươi nằm dài trên chõng tre vờ như đang ngủ, người hàng xóm nhà bên có ghé qua, nhòm vào để hỏi mụ “Bác không có nhà hả chị, chào chị nhé” mà lặng lẽ ra về. Mụ gội đầu rồi tắm táp, hòn đá rát chà đi chà lại lên trên da thịt mụ đỏ ửng. Vì nghĩ rằng ngươi đang ngủ, tắm táp xong mụ với lấy chiếc ghế đẩu đặt ra chỗ chùm nắng dưới chân chiếc võng tre mà giở tấm khăn ra lau tóc. Mùi thứ nước gội, nhiều hơn là mùi của thứ da thịt bắt nắng, ngươi nằm nghiêng mà thấy bức bối. Một sự kinh tởm dâng lên, kế đó có một bàn chân thô nứt nẻ đạp tung lồng ngực của ngươi, tung trào nỗi tức tưởi, căm hờn không rõ nguyên do, chỉ thô bạo, là những thô bạo vũ phu phải quăng đòn đá ghế, phải trút xuống thể xác ngươi, phải đánh đập, phải bóp cổ ngươi mới thấy mình dễ chịu. Đúng là ngươi căm ghét mụ như vậy! Thế nhưng ngươi chỉ nằm nghiêng, im lặng mà tưởng tượng thể xác ngươi đang dịch chuyển chà đạp lên thể xác và linh hồn mụ.

Ngoài ngõ vang tiếng trẻ con réo nhau đi học, chó sửa ầm ĩ, ngươi thấy người rạo rực muốn điên cuồng bật dậy quát thét, rồi ngươi lại thấy ngươi bình thản tự nhắc nhở mình chìm vào giấc ngủ. “Ngủ đi để quên chút rối loạn”. Nàng vẫn chưa thức giấc, ngươi không thể nhớ được chân dung và mùi thơm của nàng buổi đêm qua. Ngươi nheo mắt, cảm tưởng sương giá vỡ tan trên gương mặt ngươi, những ụ thịt… những ụ thịt sần sùi bốc mùi hôi thối, thứ mùi thịt dính thịt lâu ngày không thể đưa khăn mặt vào cọ rửa, thỉnh thoảng bám dính vào không khí hăm hăm tanh nghóe. Mà hình như chỉ có mình ngươi ngửi ra thứ mùi này, hoàn toàn là thái cực đối lập với nàng của ngươi. Da thịt mụ được nắng hanh hong khô, tựa người vào chõng tre mụ đã ngủ quên từ bao giờ cho nắng chiếu cháy xém da thịt, ngươi rùng mình những ụ thịt ngay phía sau lưng, nhàu nhĩ phảng phất thứ mùi hương ấm áp, dễ chịu. Thứ mùi ngươi rất quen, là của nàng, không thể là của nàng, đó chỉ đơn giản là thứ mùi mà bất cứ người đàn bà nào cũng có.

Ngươi trở người mà tức giận, thô bạo đạp mụ ngã sõng soài đè lên chùm nắng, da thịt mụ trầy sước, máu đỏ rỉ ra đọng lại trên nền bê tông thô rát, lại cũng được nắng vàng hong khô, ngươi nhìn mụ lặng thinh mà rít một hơi chờ đợi. Máu, máu, tanh tanh! Ụ thịt, ụ thịt, xô xát! Mụ lấy đâu ra sự thanh tao, ngươi nhoẻn cười: “Biến đi, phúc cho mày đấy!”.

Mụ ngước lên sợ hãi, lổm nhổm bò dậy rồi ôm chiếc ghế đẩu lủi vào trong bếp. Ngươi lại nhìn mụ mà phấn khích, bao giờ cuộc đời của ngươi với mụ giao nhau? Liệu mụ có phải một thực thể khác của ngươi, hoặc là bùn đất để thực thể đó của ngươi tồn tại – người chồng vũ phu. Khi biết có lẽ chẳng ai gọi ngươi là người nữa.

“Nhưng nào đã có ai biết”. Chính ngươi và mụ đều khẳng định sự thật này, mối quan hệ giữa ngươi và mụ đã đánh đổ không gian, khi ngươi thoát ra gặp mọi người mụ sẽ biến mất, ngược lại khi ngươi biến vào trong mụ sẽ xuất hiện. Hàng xóm, họ hàng, ngay cả đến người thân cận nhất với ngươi, đã có ai từng thấy ngươi và mụ cùng tồn tại trong một không gian đứng trước mặt họ chưa. Tồn tại trong không gian ấy là gì? Không thực thể nhưng mối quan hệ vô hình giữa ngươi và mụ vẫn được họ xác nhận dù không có bất cứ thứ giấy tờ nào. Là như vậy, chùm nắng không thể phát quang trong không gian như cột đèn đường giữa bóng đêm, nhưng chỉ cần một giọt nước, xuyên qua giọt nước mà nhìn ngươi sẽ thấy sự phát quang của chùm nắng. Sự phát quang của nắng và đèn không bao giờ có thể gặp nhau, nhưng người vẫn biết rõ sự tồn tại không thể là một của chúng. Không gian hay thời gian, trước hết nên dừng lại ngay trước mặt tha nhân. Ánh sáng ẩn trong huyễn ảo làn sương mù, một chiếc xe máy như phóng ra khỏi đường hầm xé rách màn sương lao về phía ngươi. Ánh sáng của chân lý soi chiếu vào cuộc đời không ra gì, cuộc đời bệnh tật của ngươi những hãi hồn.

Điều gì khiến ngươi nghĩ rằng cuộc đời của mình như vậy?

Những vòng tròn luẩn quẩn, người hàng xóm lại sang vào mỗi buổi chiều, và ngươi cũng thích ông ta dạo chơi qua cuộc đời như vậy. Ông ta quả nhiên là con người của làng xã, năm tháng cuối đời những cố gắng, đơn xin, những câu chuyện cải tổ khiến người người nhà nhà mệt mỏi vẫn được triển khai từng quý. Nhưng thời nay – ngươi vẫn thường khuyên ông ta – thật giả đã lẫn lộn. Tín điều ông ca ngợi, thời xưa là thật, thời nay nó là giả thì theo đuổi sao được, già rồi ông đủ sức để băng qua lớp màng đó. – Ngươi hoài nghi, ngươi dời bỏ xã hội, khoảng thời gian đó ngươi đã quên mất rồi, hãy còn nhắm mắt, ngươi dụi dụi. Qua lớp da đóng kín nhìn về phía mặt trời, mặt trời thiên đỉnh chiếu thẳng xuống đôi mắt đóng lại của ngươi, tức tức chút sáng. Sao ngươi và người hàng xóm vênh nhau đến vậy?

Gập đôi tấm chăn trùm lên cơ thể, ngươi chợt nhận ra đã quên mất sự tồn tại của câu hỏi ban chiều. Dáng mụ nằm nghiêng, quẳng đống thịt lên thành giường cho những ụ thịt tràn xuống, chúng như thể mọc con mắt cứ nhìn chăm chăm về phía ngươi. Hàng loạt cái nhìn theo dõi ngươi, rít một hơi rồi ngả người, xã hội ngươi dời bỏ tại sao lại mặc nhiên thừa nhận mối quan hệ không cần giấy tờ minh chứng giữa ngươi và mụ. Chính ngươi quan sát, chính ngươi nhận xét nhưng ngoài kia có phải ngươi không. Mụ nghiêng mình, dáng người nằm nghiêng cho nàng tỉnh giấc.

***

Không đủ, ngươi sợ không đủ cho ngươi.

Nàng tỉnh giấc, nhưng thật lạ, với nàng ngươi không sao hiểu được. Đã hằng bao đêm mà nét người ấy không đậm sâu cũng không nhòa phai đi. Nàng của ngươi là bóng đêm, lý trí của ngươi sẽ sa đọa trong bóng đêm đó, tinh khôi và hoàn hảo, vậy mà mãi chẳng thể khớp vào nhau. Ngồi trong sâu thẳm, nghiêng chếnh choáng mà nhìn về phía nàng, nghiêng chếnh choáng cảm nhận sự rời rạc, cả thân thể ngươi nặng nề chìm mãi xuống.

Nửa chừng!

Nàng nổi lên từ màn đêm huyền ảo, hoàn toàn không mang theo dư ảnh, nàng là duy nhất. Đêm nay trong gian nhà trống, vẫn có ba người, khoảng xa mụ vắt ụ thịt lên thành giường, nhờ chút sáng đường hắt vào ngươi thấy mụ vặn vẹo dưới thềm cửa sổ, kinh hãi cùng cơn chờ đợi mụ đang điều khiển ám ảnh bệnh hoạn nơi đoạn mơ tưởng mệt mỏi, giật mình căng tròn hai mắt trừng trừng nhìn ngược vào bóng đêm chắc chắn mụ sẽ lại lịm đi. Nàng của ngươi đã dịch chuyển, tĩnh lặng, cũng thả dáng nghiêng dưới thềm cửa sổ, có thể ngươi đã nhìn chăm chú nhưng không thể đoán chừng được nàng đang bay bổng trong giấc mộng như thế nào, có vẻ như khoảng nghỉ ngơi nơi tiềm thức đã đưa nàng đến những dòng suối ngọt lịm, để dẫu có giật mình tỉnh giấc nàng vẫn cảm nhận được sự vỗ về nhẹ nhàng, trắng tinh, nàng lại áp mình chậm rãi ngả xuống giấc ngủ êm đềm. Nàng của ngươi cũng mơ màng.

Kỳ quái, lý trí của ngươi đứt đoạn, dường như không còn sự đối nghịch hoàn hảo nữa, không phải trên nền bóng đêm sâu thẳm sẽ không đủ cho sự cảm nhận. Dõi theo, là ánh sáng hay bóng đêm, là xác thịt hay sự mĩ miều trong vắt, cổ họng ngươi khô khan, dục vọng của ngươi lại thêm một lần rạo rực… giữa cái nền tĩnh lặng không gian đổ nghiêng, chuyển động, những khoảng trống đêm từ vị trí đối chiếu bắt đầu so le với nhau.

Nàng là ánh ban mai của cuộc đời tôi!

Ngươi nhộn nhạo, nếu như mụ biến mất chắc chắn nàng của ngươi sẽ là dị dạng, làm sao có thể như thế được, ngươi nhìn về phía mụ đang khò khè từng tiếng thở lại nhìn về phía nàng nhẹ cọ tấm lưng vào da trần ngươi mà nhẹ nhõm.

Nghiêng người xuống không gian, ngươi bước vào giấc mộng sau khi đã xô được những khoảng trống trở lại vị trí ban đầu. Mù mịt, dưới bầu trời sương mù đóng kín thành một lối đường hầm trắng xóa, thoáng có thứ ánh sáng vụt qua cuộc đời ngươi, đêm và sương héo hon chút tàn sáng, ngươi thấy cả không gian uốn éo. Bước chân ngươi trôi sõng sượt nhưng không thể chạm đến đâu lại như đang đuổi theo nàng nhưng mãi không thể thoát ra khỏi bức màn mờ ảo. Nàng oằn người, vặn vẹo. Trong mộng mị, ngươi tự hỏi có phải bản thân đang tỉnh táo trong chính giấc mơ hay không?

Nàng ở ngay phía trước mặt ngươi, vẫn dáng nằm nghiêng đủ kiểu, có khi quay lưng tựa trên da thịt ngươi, cũng có khi nàng tỉnh giấc cho nửa thân dưới bất động rồi vươn mình lại đặt lên cơ thể ngươi khuỷu tay nàng mong manh… ngươi chưa từng thấy mặt nàng, nhờ thế mà nàng trong ngươi tựa như đang bay, nhưng mãi không có cơn gió nào thổi cho nàng xiêu vẹo, cho nàng trải thân thể sõng soài.

Mụ vẫn ở ngay phía trước mặt ngươi, dáng người nằm nghiêng đủ kiểu, có khi quay lưng mà quẳng trong mệt mỏi cánh tay đồ tể ra phía sau cho lồi lõm một thứ hình hài quái gở, cũng có khi thứ đó đột nhiên chồm dậy, hai ụ thịt tóm lấy chắn song cửa sổ ra sức mà kéo, kéo đống thịt thối rữa tràn trên thành gường về phía sáng vàng héo hắt… không hiểu vì sao ngươi luôn cảm tưởng như thể mụ đã dán ánh mắt lên người ngươi, da thịt mụ khỏa lấp những con mắt, mụ là con quái của bóng đêm, nhưng có vẻ như chính ngươi cũng nhìn về phía mụ. Phải nhắm mắt lại! Ngươi lại nhìn, nhìn cho thật kỹ, soi chiếu từ khoảng trống đó ngươi sẽ nhìn thấy nàng... chao ôi chỉ một khoảng bằng bàn tay giữa kẽ trống nghiêng mà ngươi không sao có thể chối bỏ, đẹp lạ kỳ uốn cong rồi vươn lên chạm tới mạn xương chậu, nơi ngươi đã lặng nhìn mà yên giấc ngủ, là hình dáng con người, nàng sinh ra từ chốn ấy, nhưng không thể song trùng, mụ phải là sự đối nghịch tuyệt đối với nàng. Ở hiện tại ngươi không thể nghiêng người, chỉ lặng nhìn những ô trống một lần nữa dịch chuyển so le với nhau, và ngươi nghĩ rằng bản thân đối với mụ chưa bao giờ là sự căm ghét.

Mụ là gì?

Con người này, ngươi hỏi nàng, ngươi có phải là đức tin của mụ, và những trận đánh đập như một liều thuốc mê. Mụ không giống như những người đàn bà khác, mụ có phải một thực thể thực sự hay không. Ngươi với mụ là gì, lúc này lòng bàn tay nóng ran lên, ngươi uất hận với ai, trong mối quan hệ với ngươi liệu nàng có biết nửa phần ngươi coi mụ như một thứ gánh nợ mà cuộc đời phải mang theo. Nghĩ đến đây… phần nào nàng cũng là gánh nợ của cuộc đời ngươi. Nhưng ôi thôi, nàng thanh bạch như vậy, không có nàng cuộc đời ngươi sẽ ra sao. Sương mù giăng kín cả bầu trời, chùm đèn phát quang trải xuống khoảng không tấm màn mờ ảo mưa bay, giọt mưa đọng lại trên mi mắt nàng để ngươi nhìn thấy qua người đàn bà lơ lửng sự phát quang giữa sáng vàng của chùm đèn đường chiếu trong đêm. “Nàng!” – tiếng ngươi thầm gọi nghe kinh hãi sự ngộ nhận, loạng choạng đứng dậy, ngươi run rẩy bám lấy bờ tường vôi mà dời đi. Mưa nảy giọt trên hàng lăn tăn, ngươi đi về phía dòng sông vắng bóng bờ bụi để thở, khi biến khỏi căn nhà ngươi không còn nghĩ đến nàng và mụ nữa, nhưng đêm ấy không hiểu sao cả nàng và mụ lại cùng thức giấc lặng lẽ đi tìm ngươi.

Cuộc đời mụ chưa bao giờ sợ hãi như thế! Cả ngày hôm ấy mụ thật xa xôi, nước xối lai láng trong mắt mụ, dòng sông nhận lấy tiếng thở của ngươi, và lúc này nó để lại trong ngươi sự đứng yên. Bất động trên giường, mà ngươi cũng chẳng buồn cử động nửa người bên trái đã mất hoàn toàn cảm giác. Ở đằng xa mụ đứng trò chuyện với người đàn bà nhà đối diện, khi cơn mưa tạnh, chẳng còn ai ở lại nữa. Toàn thân ngươi run rẩy nhìn qua ô cửa, qua cánh cổng ngọn núi lâu năm hiện hữu trong mờ ảo, còn mụ đã ngồi bên cạnh vắt chiếc khăn rồi đặt lên lòng bàn tay ngươi mà lau nhẹ. Cả không gian, chỉ còn tiếng nước chảy róc rách, là cả nước mắt của ngươi trào ra chảy trên dòng sông trên cả mặt hồ lai láng, ngoài trời lại mưa, cả không gian chìm trong nước. Ngươi nhắm mắt lại, miệng méo xệch thổi phập phồng từng nhịp thở. Bàn tay mụ và tấm khăn ấm nóng đặt xuống da thịt ngươi lạnh ngắt, ngươi nhìn mụ ánh mắt thẫn thờ không buồn mắng chửi. Đã bao lâu rồi mụ mới được chạm vào ngươi một cách tự nhiên như vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên. Bởi vậy nên dù chỉ còn lại tấm thân thể bất động cũng đủ khiến mụ ta ngại ngùng luống cuống, âu yếm, lại vương chút thấp thỏm, rơi vào ánh nhìn xa rộng, ngươi thấy mờ mờ gương mặt nhăn sạm của mụ ửng đỏ. Có lạ lùng đâu, cũng chẳng phải lần đầu ngươi trông thấy, mọi thứ trong mụ hiện lên ở ngươi rõ mồn một… ngươi hắt ra một tiếng thở tỏ rõ sự lạnh nhạt rồi nhắm mắt lại. Vẫn còn ánh nhìn xa rộng, quang cảnh hiện ra trước mắt rung lắc nhẹ và trở về lại vị trí tĩnh tại của nó, tính chất của sự tồn tại ấy rất giống với sự bình yên của con người.

Thực sự là rất giống.

Mụ không dám mân mê cơ thể ngươi lâu hơn, nhưng buổi tối hôm đó khi nằm cạnh ngươi những ụ thịt của mụ không còn đặt trên thành giường nữa. Ngươi cảm tưởng mình vẫn có thể nói được nhưng lại chẳng buồn quát mắng mụ nằm xê ra. Đêm nay, hai thể xác nằm sõng soài dưới ánh trăng ngày mười hai khuyết mờ. Đêm nay, hai thể xác dời bỏ linh hồn để da thịt tan ra tràn xuống nền nhà ẩm ướt. Đêm nay, hai thể xác lại tái sinh quằn quại từ máu và nước mắt, những dơ dáy hôi tanh, những thơm tho thanh khiết và những sần sùi ụ ị, những mịn màng thon thả… đêm nay, chỉ còn lại một xác người chẳng trộn lẫn. Ngươi nhắm nghiền mắt chao đảo, thấy ngả nghiêng, đêm nay chỉ còn mình ngươi nghiêng người nhìn trong sâu thẳm không dám thức giấc, ngươi sợ những ụ thịt của mụ tan chảy hóa ra hình hài nàng. Đêm nay, thể xác còn lại co giật nảy cơ thể lên không trung lại quẳng cơ thể xuống tấm mành tre những đau đớn… mãi cho đến khi ụ thịt to ụ thịt nhỏ được đặt trở lại thành giường ngươi mới chịu quay trở lại, ngươi đã trở về và tiếp tục sống, ngươi ráng ho từng tiếng dứt khoát cho mụ biết ngươi còn có thể nói, hai mắt ngươi nhìn vào bóng đêm như thể khẳng định chỉ vậy là đủ. Đêm nay dù cả mụ có trở về vị trí ban đầu nàng cũng không đến.

Nửa buổi mấy người hàng xóm có ghé qua hỏi thăm bệnh tình của ngươi, sự trân trọng trong mắt họ dường như da diết hơn. Ngươi tựa lưng vào thành giường rồi lôi ra từ ô tủ một mẩu giấy nhăn nhúm và cây bút bi gần cạn mực, đọc qua dòng chữ mang hy vọng tự do ngươi lật giở trang sau và viết lên một dòng chữ tự do khác. Hóa ra ngươi đã từ bỏ xã hội từ rất lâu rồi, có nghe thấy gì không, ngươi đang nói rằng ngươi đã từ bỏ xã hội từ rất lâu rồi.

- Mai họ chặt bỏ cây gạo giữa làng, lại chuyện mở đường sá, mở đường sá cũng vậy thôi.

Vậy thôi là vậy thôi thế nào, ngươi thầm nghĩ. Những con đường hay là những lối đi, nếu như là lối đi nó sẽ còn ở đấy về lâu về dài, qua rất nhiều thế hệ và được cải tạo thường xuyên, ngươi đã tự gọi đó sự mới mẻ của điều quen thuộc. Còn những con đường lây lan và xâm lấn, những con đường như cỏ dại mọc lên, ngươi thích gọi đó là những ngã rẽ của sự trở về.

Những con đường để đi, nhưng không thể trở thành lối đi để trở về. Những lối đi được xây đắp lên, những lối đi ban đầu của tuổi người chập chững biết đi hay đạp xe loanh quanh cuối buổi dù được đập đi làm mới hay đập đi để mới, dù có phá bỏ bao nhiêu, thay đổi bao nhiêu lần quang cảnh xung quanh thì vẫn là lối đi xưa cũ. Nhưng nếu muốn lấp đường mà bẻ hướng chỉ để lại chừng một đoạn một khúc thì lúc đó lối đi chẳng khác gì một con đường chỉ để sải bước và dịch chuyển.

- Những lối đi xê dịch, thế là họ quyết định rồi đấy. Giờ này dân làng cũng chẳng mấy ai quan tâm, hoa gạo có nở cũng chỉ là chuyện của hoa, tôi còn nhớ bà già kể nơi cây gạo giữa làng có cô gái trẻ treo cổ chết trắng tinh giữa màu hoa gạo đỏ. Thần cây đa ma cây gạo, từ trên cao cây gạo nhìn xuống cánh đồng, nhìn xuống cổng làng lại nhìn qua hiếm hoi khoảng trống trên đôi ba ngôi nhà mái ngói để hướng về sông. Chúng ta đã quá già để chờ đợi rồi. Ma gạo hóa thần, thần bị hạ bệ, người vẫn sống đấy thôi. Họ sống bằng gì?

lặng ngâm….

Còn lại xác trắng bệch

Trái tim đỏ vỡ tan

Nằm giữa đám hoa đỏ

Nhựa huyết gạo trào dâng


Hoa ơi cứ thế rơi

Rơi trước chuyện thế sự

Nhân gian phủ cát bụi

Vứt muối vào vết thương


Trên đồi cây cô đơn

Ai biết câu chuyện cổ

Cứ vô tình năm tháng

Sống cho trọn thời gian


nghe ngân nga

- Rối tung cả đầu tôi lên, thì sao đủ cho cuộc tồn tại là được.

Giấc mơ của linh hồn không thể trở lại. Ngươi tự nhủ khi trượt người xuống giường.

- Không cần đâu, cứ để tôi tự làm.

Sự kiệt quệ này, mọi thứ đang dần chìm sâu xuống đến mức ngươi chẳng còn phân biệt được là thực hay giả ở chính ngươi. Trôi nổi trên dòng sông, tận mãi bên bờ xa ngươi nhìn thấy những chùm lồng đèn tí hon đỏ rực giữa tầng không, phải chăng nàng của ngươi cũng từng ngự trị tại nơi đó. Dạt vào bến bờ, chỉ còn lại triền cỏ đậm sắc xanh giữa hai bên đất đổ lởm chởm gạch vữa thuộc về dự án bờ kè đã tiến hành hơn năm nay. Hình như… à không… mà phải rồi, điểm nhìn của ngươi và người ngày càng thu hẹp lại. Nếu như không có ngôi nhà mái ngói bỏ hoang có lẽ từ dòng sông ngươi không thể nào nhìn cây gạo như ngọn đuốc đang rực cháy lần cuối trước lúc tàn lụi. Nước vỗ vào thân thể ngươi tê dại, gạo đỏ màu nặng từng bông rơi từ cành nảy trên cành rồi cũng đập xuống đất tê dại. Khi cây gạo bị chặt đi sẽ chẳng còn ánh mắt thuộc về vô hình cúi xuống nhìn cánh đồng nữa.

- Cả ông và tôi hóa ra chỉ là những tảng đá sống.

Không phải bởi thời gian mà chính ngươi đang tự mài mòn chính mình, đáng ra đêm ấy ngươi phải cố mà lết đi, cơn đau tràn qua ranh giới ngăn cách giữa ngươi và mụ. Đêm nay nàng thức giấc trong sự điên dại của ngươi, trong cơn mê sảng nàng và mụ cùng tỉnh dậy. Họ có phải hai người đàn bà của cuộc đời ngươi hay không, nàng tựa bông trôi phẳng lặng trên gợi sóng lăn tăn, ngươi thì điên dại lội đi chẳng màng sống chết cứ lao ngược chiều ngọn sóng xối bọt trắng màu, còn mụ thì đứng ở bến bờ quẳng dây mà ghì ngươi lại. Nước sông buổi đêm ánh màu ngọc đen, là thứ màu ngậm sắc xanh không đáy. Nàng - ngươi - mụ chới với theo nhau. Bắt đầu từ đêm nay sự hững hờ sẽ biến mất, sự hững hờ vốn là quy luật, là chu kỳ, là vòng tròn khép kín. Đêm nay nếu như không đuổi kịp… nàng sẽ tan vào dòng sông, còn mụ thì sục nước quẫy đạp đôi chân bật ngửa để tìm ngươi, sợi dây đã thòng sẵn ở cổ, từ đêm nay ngươi không thể chết cũng chẳng thể sống cho ra hồn nữa.

Như thể chợp mắt để chìm vào giấc ngủ dài, lênh đênh trên dòng sông phải chăng đã mở ra trong ngươi một khoảng trống, đủ để tĩnh tại giữa đêm đen ngậm ngọc. Ngươi không thể và hóa ra không thể quay cuồng đủ lâu và dữ dội như ngươi tưởng tượng, ngươi không thể chết như những cái chết của người thế kỷ trước, đứt dây thần kinh mà chết. Một thực thể người hãy còn sống đang từ từ ngoi lên. Một khúc sông của đoạn vắng, tắt qua bờ bụi ngó lên con đường ngươi thấy núi xa đang ủ mình trong tấm khăn choàng tựa như làn khói trắng, lại có phần giống dải sương mù hơn, quấn quanh thân cây già ẩn đi nửa phần tồn tại để lộ cho người thấy nét phai nhòa, lam nhạt dịu dàng chớm tầng mây, nhưng kìa núi vẫn hiển lộ nét oai hùm chớm đến tận tầng mây và bên này nước rìa sông như láng bạc thấy ba tháp điện nối tiếp nhau tắt qua sông chừng ba sáu đường dây đen nhám hơi thõng xuống… ngươi không biết nữa cho đến khi chiếc xe máy đem theo ánh sáng đỏ phóng qua khúc vắng ngươi cứ thế chìm xuống bởi sự o ép hai chiều cùng hướng nhau mà ngươi thì chới với ở giữa.

****

Tiếng côn trùng kêu râm ran suốt đêm, trong sâu thẳm còn nghe được cả tiếng vạc lạc bầy của tháng ba ức nghẹn nứt ra từ lòng đất. Nghe kỹ hơn lại thấy giống tiếng loài ễnh ương, nhưng không phải vì suốt mấy đêm nay trời đâu có mưa. Rơi xuống những tầng thế giới sống, ngươi nghe được sự lạc lõng của chính không gian, những mảng đơn độc trong tổng thể không ngừng trôi nổi và chồng xếp vào nhau nhưng không thể chạm đến nhau. Cuộc đời ngươi chính là vậy. Ngươi sống những cuộc đời trôi tuột qua nhau dù vốn là của ngươi nhưng khi bám vào cuộc đời này ngươi lại rùng mình đâm ra lo lắng bởi chính sự xa lạ với cuộc đời khác. Cuộc đời của ngươi liệu có đúng? Phải là cuộc đời của ngươi chứ không thể là thế giới của ngươi được.

Những cuộc đời trôi tuột qua nhau. Ngươi trôi tuột qua cuộc đời mình.

*****

Đủ lâu nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều, và chắc chắn là không thể tìm thấy bất cứ sự bù đắp trọn vẹn nào. Ngươi nằm nghiêng quay người về phía khoảng trống không gian. Tối đen, mất điện giữa đêm, không củi, không đèn cầy, cũng chẳng có chiếc đèn pin nào để mở, và hơn hết mụ đã thiếp đi say giấc trong bóng đêm nặng trĩu. Ngươi không thể ngừng nghĩ về nàng, đôi mắt khép kín suốt cả cuộc đời vào những hôm như đêm nay sự chìm xuống của nàng liệu có khác đi.

Ngả xuống bờ eo mà ngủ, nàng nằm trong bọng kén đêm không tỉnh giấc. Nấp nơi thời điểm chờ đợi sự mất mát ùa đến ngươi đã vượt không gian bám lấy không gian mà nhảy tầng đi tìm kiếm.

- Ngươi à, tại làng quê đâu phải mọi thứ đều quê, ngươi còn nhớ được điều gì, khi dấu chân thế hệ ngươi ùa tan trên con đường mòn mỏi, ký ức mới sẽ được xác lập và lại chìm sâu trở thành hồi ức cũ. Có những con người không thể đuổi kịp nhau. Họ vẫn thường bảo rằng thời gian là tuyến tính là sự trôi đi một cách tự nhiên, thật kỳ lạ, thế mà từ bao giờ lại có sự phân chia con người và thiên nhiên trong khi cả hai đang tàn sát lẫn nhau vẫn không thể xé cái tự nhiên mà tồn tại lâu hơn. Thật khó để hít thở. Những người xung quanh ngươi chỉ thích nói loanh quanh sự thay đổi nhỏ nhặt, họ sợ cái to tát, to tát bởi trước hết nó bao quát cuộc sống của họ, chu cấp cho cuộc sống của họ. Tốt hơn và phải tốt hơn, tự nhiên tốt hơn, gắng sức cho tốt hơn. Sẽ thật tệ nếu có kẻ bảo rằng ngụ ý sau cùng là cái tự nhiên hoàn thiện.

Hơn sáu mươi năm cuộc đời, ngươi viết ra hạn định cho sự tồn tại bằng lý trí phi phàm, khắc trên những ngôi mộ đóng rêu xám ngắt. Nhìn từ hiện tại của ngươi phóng ra chỉ còn thấy nấm mồ của người ông quá cố ngâm trong dòng lũ dưới cánh đồng phủ sóng nước bàng bạc.

Khi vén ngọn lúa trĩu xuống mà đi, ngươi chợt nhận ra hai bàn tay đã được phủ kín bởi lớp bụi mịn đen ngòm, bụi là tàn tích, người ông cũng như bụi. Khác với sự hình dung tan trong gió và mưa, ngươi ngay chính giây phút này đang tan ra trước dòng sông và cánh đồng. Ngồi trên ngôi mộ, hệt cách ngươi đã leo lên đó mà nằm như trước đây, hành động đó đâu phải sự phỉ báng, hãy cứ coi như đứa trẻ đang tựa vào người thân quen của nó ngôi mộ nhé. Ngôi mộ ngâm trong lũ, ngươi nhớ mang máng đã từng nghe được trong nhiều đám tang người khóc thuê của đoàn thợ kèn vẫn thường kêu trong tiếng nhạc sầu thảm, hình như hát sau đoạn âm dương cách biệt: “Chỉ còn chiều nay nữa thôi, hồn tựa nơi nao… chỉ còn chiều nay nữa thôi, hồn ra ngoài đồng.” Hồn sẽ thấy trong những mênh mông, chẳng phải xếp cạnh nhau nữa, hồn đơn độc trên chính mảnh ruộng từng cày cấy, theo hướng đông nam mà nhìn ngược lại về phía cánh đồng, những ngôi mộ được đặt ở khoảng ruộng dưới chân đê nhờ vậy mà như kết thành làn ranh giới vô hình, bao bọc lấy ngôi làng. Thật lạ lùng, người còn sống – họ chẳng hề có chút mảy may suy nghĩ nào về hành động kiến tạo những điều khỏa lấp đời sống một cách thiêng liêng, nhưng vô tình vẫn cùng nhau tạo nên và phục tùng những tín điều vô hình đó, cánh đồng khi ấy là khoảng trống hòa vào những tháng năm lao động. Trước mắt ngươi, những dải sóng xanh óng ánh ùa theo nhau tràn về phía dòng sông, dòng sông nhiều khi cũng tràn sang ngang đem những gợn sóng vàng dập dềnh choán lấy cả cánh đồng và để ngậm lấy những ngôi mộ bọc lên lớp bùn non nâu nâu ánh vàng trước khi lui về lãnh địa của nó.

Thế mà suốt mấy chục năm nay người của làng chẳng còn thấy ai nhắc đến chuyện dòng sông đã bồi đắp lên làng như thế nào, là chừng ba bốn thế kỷ trước một số người ở bên kia bờ sông chuyển sang sinh sống nơi soi bãi mà dần hình thành cộng đồng dân cư. Khi bờ kè vá hai bên bờ sông, lũ vẫn đến, bờ kè sụt lún rồi bờ kè lại được vá lại, nay ngươi nhìn rõ dưới chân kè dấu hiệu không thể khác của một bên sông lở và một bên sông bồi nhưng mong manh đến mức chính dòng sông rơi vào tình trạng chênh vênh, làng còn là của sông thực chất chỉ là sự lừa dối.

Bờ bãi giãn cách bờ bãi trên con đường ngươi hướng lên làng trên. Khoảng trống không thuộc về sự dư thừa bởi địa hình hoặc sâu trũng hoặc gồ ghề quá mức, khi còn trẻ ngươi ghét những chuyến đi băng qua các vùng đất lười nhác, ngươi gọi như vậy bởi sự chướng mắt – thứ cỏ dại xâm lấn, sau cùng đến một lúc nào đó của cuộc đời như ngươi ở hiện tại nỗi sợ lại biến chuyển theo chiều hướng ngược lại – kiếp cỏ dại di tản. Chỉ có vô hình mới thực tồn tại, hoặc tồn tại lâu hơn. Như thể là ngươi nói hoặc chắc mẩm trên chuyến hành trình của riêng ngươi đã gần chạm đến kết thúc, thõng bước chân xuống nhưng chẳng chạm đến đâu, khi nhìn về phía gò đất lố nhố, san sát những mộ uốn cong thành dải sóng rớt lại cả trên những hố đất, di tản và tập kết. Trời ơi, ngươi tản bước, qua khoảng tách biệt lại thấy không gian lần nữa được khỏa lấp bằng những bụi tre thân vàng, trồng thẳng lối san sát nhau tựa như hàng rào thuộc về chủ nhân căn nhà trắng cách đó chừng trăm mét. Chẳng phải do trọng lượng, sự sụt lún hiện tại chỉ nằm ở ngươi, bởi khi nãy thoáng qua trong ký ức ngươi thấy thấp thoáng lối đi bên hai hàng găng tím – lối đi giữa um tùm cây cối nối liền đường đi, soi bãi và dòng sông. Trời ơi, ngươi đổ khuỵu xuống, một bên vai như thể bị bẻ gãy, tự ngươi nuôi dưỡng loại bệnh khốn nạn này – không thể cân bằng.

Sự bước đi lần này của ngươi hóa thành sự bước ra chỉ để nhìn những điều xa lạ, đối mặt lúc này là chấp nhận, là thôi điên loạn. Đi ngươi phải đi tiếp, từ tốn mà đi, mình ngươi trên con đường ấy. Trong cuộc tồn tại, vốn dĩ đã là vậy, không có cuộc đổi thay nào có thể hoàn lại cảm quan ban đầu.

Qua một dải đê, lùi dần những khoảng trống chỉ còn lại lưa thưa đống đất chen lẫn những bờ rào, những hộp tôn thụt vào bên trong cách hàng điện cao áp chừng hai nhăm ba mươi mét. Con đường lại một lần nữa đứt gãy, tắt qua lối mòn dẫn vào bên trong ngươi thấy nơi không gian bừa bộn đôi ba tốp chừng năm, bảy người đi cùng nhau cũng tắt qua một lối mòn mỏi tìm kiếm sự giải thoát khỏi đời sống tạm bợ. Có thể hay không, ngươi bước theo họ giẫm lên dấu chân trùng lặp của bao tốp người vốn chỉ đến với thế giới một lần để đi tiếp.

Những sáng choang đèn điện trên những dải đường phân cách, giữa hai bên lề nối tiếp nhau thẳng tắp hàng cây bàng lá kim, ngươi đã choáng ngợp bởi sự rộn ràng nhưng đặng thanh cao, vương chút rầu rĩ của loài hoa ban trắng đua nhau bung nở giữa dòng sông. Thoáng đãng quá, ngươi theo ngọn gió, lại theo cánh hoa xoay vòng bên vệ đường mà táp vào không gian thuộc về những phân xưởng đã quét tước đều đặn theo mốc thời gian chỉ định. Không còn những ngôi nhà riêng, không cá nhân, không trước sau, không có một sự cao thấp, cũ mới xấu xí… tách biệt ra một khu phân thành từng lô. Họ nói với nhau thành phố đã có được hình hài của nó, rồi tới đây sự mới mẻ và giàu có sẽ lan dần đến đám dân cư di tản, chẳng mấy nữa những khoảng đất trống sẽ được lấp đầy bằng các loại hình dịch vụ tiện ích và náo động.

Phả làn hơi thở của một kiếp người lụi tàn, ngươi là kẻ khác biệt quá tuổi và cũng từng điên loạn như bao kẻ khác biệt ít tuổi khác. Là trưởng thành, là bao nhiêu năm, sau cùng vẫn thật dễ để ngủ quên vào lúc chiều tà, chiều đổ bóng cho chiếc bóng của ngươi chùng xuống dáng người ngồi khom dưới hàng rào. Lúc này ngươi chỉ còn là con vật vờ mắc trên sợi tơ nhện giăng ngang nền đất, mụ không còn tìm được ngươi nữa.

Tắt qua giấc mộng, nàng đến với cuộc đời của người chỉ còn thấp thoáng tựa bước nhảy, trắng toát trong khoảng không gian ngập nắng. Nàng là đóa sen trắng đầu mùa trên đôi ba thửa ruộng lan tràn tấm lá non mới nhú. Nơi nàng, ngọn gió thích chao động đã tìm được khoảng không gian trống để oằn mình, lắc nhẹ giọt nước trong suốt láng quanh bề mặt lá. Lúc này chìm vào giấc mộng, ngươi biết nắng thực ra trắng tinh, chiếu xuống bông sen cho lá sen nhuộm trắng. Ấy là chút mênh mang duy nhất ngươi còn tìm được. Nàng vẫn nằm dáng nghiêng nhưng không còn là người đàn bà nhỏ nhắn mang hình hài con người, nàng to lớn hơn đôi ba thửa ruộng, nàng không chen chúc cùng nét thị thành mới chớm, chạm đến ranh giới, tự nàng xóa nhòa linh hồn mờ nhạt tựa như đường vân dưới chân đám mây chiều. Đóa sen trắng nở trên vòng eo thon thả chẳng kẽ hở không gian của nàng. Và lúc này nàng không còn có thể đi đâu được nữa, chỉ trầm lặng chờ đợi những điều tại nơi ấy mà chính nàng cũng không thể biết.

Ngày hôm ấy đã tàn, chiều những đám mây chết chóc!

******

Nỗi buồn đã ăn sâu vào tâm khảm, là nàng hay ngươi buồn, sao có thể buồn đến thế. Thật dễ dàng để loanh quanh hết ngày này tháng nọ, cũng thật khó để những người chung quanh bỏ rơi kẻ ngớ ngẩn ấy như chính cách hắn ta thù hận bản thân trong nỗi day dứt. “Chẳng còn có thể làm gì được”.

- Sao ông lại ngồi đây, người thân đâu hết rồi, có còn nhà cửa để về không?

Kẻ khốn khổ đó nhìn ngươi không nói, hắn cũng già rồi, đầu lẫn hai thứ tóc trội hơn là lớp tóc mang màu xám trắng của chân mây cuối chiều. Ngồi dưới hàng rào, ngồi trong bờ giậu, ngồi nơi gầm cầu thang… hắn là kẻ vô gia cư không thích thú với chuyện chiếm giữ một khoảng không gian cho riêng mình.

- Sao không giữ lấy một chút gì đó, một chút gì đó mà ông ngang qua.

Ngươi còn muốn hỏi hắn xem thử cuộc đời khốn nạn của y có gì, sao hiện tại lại sống riêng ra một thế giới. Có phải hắn đang mong cầu sự tồn tại vô hình. Kỳ lạ, hắn cứ lặng lẽ đi trước ngươi rồi rẽ sang và biến mất trên con đường khác. Từ con đường ấy ngươi thấy không gian mọc ra tua tủa những huyễn ảo của quy luật bất tương xứng, xấu xí và méo mó. Khác với người bạn hàng xóm của ngươi, khi điều không thể gọi tên ấy được hiện hữu bằng sự nổi loạn, thật cực đoan, bất thường, đáng trách nhưng lại sáng rõ. Cả ngươi và hắn lẫn người hàng xóm đều đang u mê.

Đi tiếp, đi tiếp, kìa sao ngươi không lao đi như điên dại. Mất điểm tựa rồi cuộc đời của ngươi còn hơn gì một thứ máy móc nhưng là ngược lại, ngươi nguội lạnh với chính cuộc tìm kiếm, cứ ngả xuống đi, lịm dần cuối buổi chiều tà. Trong giấc mơ, không biết có phải trong giấc mơ hay không, con đường rộng thênh thang, bầu trời cao xanh thăm thẳm và núi vững chãi tạc phía cuối đường chân trời. Ngoại hai mươi tuổi ngươi từng mơ về núi, sau cùng giống bao người khác, ngươi và người vẫn ngoặt sang những ngã rẽ của cuộc đời, khác với sự bộn bề và lãng quên đến khi trắng toát, núi thiêng lại gọi ngươi dời đi thêm một lần nữa. Thoát ra khỏi ngã rẽ cuộc đời tự ngươi cũng dự phòng được trước, xám xịt khung cảnh, xám xịt bức hình chân dung, ngươi của hiện tại đã ngoài sáu mươi. Một kẻ gần đất xa trời mơ về bản thân trong chính giấc mơ của y. Dù vậy tôi vẫn phải dời đi, tôi choàng cho mình màu xám xịt.

Người đàn ông biến mất chỉ còn lại phân nửa chiếc bóng xiêu vẹo đang gấp rút lùng sục một xó xỉnh nào đó để chạy trốn bóng tối mà không hề biết rằng cái bóng của xó xỉnh cũng sợ hãi sự co giãn, sự thu phóng khi phải chứa chấp thêm nó. Mãi không thể tìm thấy, cái bóng nhảy chập chùng rồi lao xuống đáy vực vỡ nát tan thành từng cục xám xịt.

“Ới ơi”, có tiếng người đàn bà gọi chiều vọng trong giấc mộng của ngươi, men theo tiếng hú ngươi rẽ vào những con đường trắng xóa, là khói, là bụi đâm vào mắt ngươi cay xè. Những ụ thịt nhấp nhô đặt trên hàng chục ống xả lố nhố. Ngươi thấy mình lạnh ngắt dù sức nóng từ các công xưởng luyện kim đã nung đỏ cả thành phố, một thành phố đã dần mất đi sự sống, gắn liền với ý thức kiếm sống, để gọi tên như một nơi trở về đối với tâm thức của họ ắt không mấy dễ chịu. Mài mòn và âm ỉ, họ như thứ tro bụi rải khắp tứ phương, họ câm lặng cùng sự mệt nhoài dĩ nhiên không phải vì quen rồi mà họ được đánh thức bởi tiếng gọi phải quen ròng rã từ ngày này qua ngày khác. Vừa lúc ngươi chuẩn bị nghiêng người, hỡi ôi, cả thành phố rung chấn, sụt lún chẳng một mảnh vụn, hệt như chưa từng có. Chỉ còn duy nhất ngươi cân bằng trong cuộc tồn tại. Khốn nạn! Gió mang bão táp thổi ngút ngàn để lộ ra cho ngươi một cách nhìn mơ hồ mà thông qua nó chợt hiển lộ hằng dặm đất trống trơ, hàng dặm hoang tàn đất. Lại vọng lên tiếng gọi, không phải là của người, những ụ thịt của mụ không còn vang lên tiếng kêu, chỉ còn thấy nó mấp máy như thể đang chuẩn bị cho sự phun trào sau ngần ấy năm tích tụ. Những ụ thịt thở phập phồng nứt ra hình hài linh hồn của ngọn đồi non vừa nhú.

Thức giấc, một mảnh của hoang sơ đón lấy ngươi bước vào không gian của riêng nó, không gian bị con người bỏ lại. Đại ngàn và sâu thẳm lối đi duy nhất.

Đấy là lối đi trong giấc mơ của ngươi. Loài đơn mọc thành khóm, lấm tấm từng chùm quả trắng muốt, đi xa hơn ngươi thấy những đoạn xoan, keo trồng xen lẫn nhau chen lấn khoảng không gian đã có người sở hữu. Ngươi đi, đi tiếp qua sự hữu hình tồn tại ấy để chạm vào một thân cây bạch đàn trắng ngà chỉ còn lại rễ trống không cheo leo giữa ranh giới của mảng nứt toác. Khi sự vô hình tồn tại bị xem nhẹ tất cả lá của cây chợt như hóa thành bạc ròng, ngươi có muốn nhặt nhạnh thứ đó như một sự ám ảnh gỡ gạc lại cuộc đời ngươi hay không?

“Con người ấy đang đi trên vực thẳm, đi song song cùng lối thoát vô hình không còn nằm trong quy luật cân bằng. Khi con người ấy tỉnh giấc nơi cơn mộng mị, hắn ngước nhìn bầu trời đêm, nhìn vầng trăng dịch chuyển từ khoảng trời trống không vào biển mây, cùng với bước đi của hắn vầng trăng đang bơi, bơi chậm rãi. Sự tồn tại sóng đôi ấy, thảy đều là sự tồn tại trong nhận thức của người, hắn thấy mình mênh mang, lại thêm một lần nữa hắn được lạ lùng với cuộc đời của mình. Tôi cũng nhìn thấy gã đàn ông mà hắn tính bám theo, đó là gã đàn ông của triền đê chiều luôn ăn mặc xộc xệch. Gã bị điên! Không cần ai nói thì kẻ mới gặp cũng biết tâm thần gã không bình thường, gã luôn giữ cái miệng cười hếch lên từ ngày này qua tháng nọ. Ngày hôm đó thật lạ, lấp dưới lòng bàn chân của hắn, kẻ điên đấy cho cả tôi thấy bộ mặt nhăn nheo nhìn về phía lối thoát của y. Hai gã đàn ông cứ thế rượt đuổi nhau!”.

“Ới ơi”, tiếng người đàn bà từ dòng sông vọng trở lại, trong trắng xóa ngươi thấy chưa, dòng sông phì ra từng làn hơi thở giống của người. Lao xuống, ngươi đã từng lao xuống, cái chết trên dòng sông cắt xẻ không gian, nhưng ngươi đã đi, ngươi đã đến vùng phố thị, sao lại như thế hay do ngươi đã quay trở lại, ngươi đang luẩn quẩn trên chính đoạn đường của mình. Chiều vẫn còn ở đó, có vẻ ngươi thuộc về chiều, lớp men ngai ngái trên bề mặt được ủ trong chiều càng thêm nồng nàn dư vị đắng nhẹ chấm nơi đầu lưỡi. Ngươi muốn há miệng, ngớp men say, ngươi đã thì thầm bảo được mình há miệng, ngớp… không sao được, hai bờ môi khô nhớp nháp dính chặt lấy nhau, cố dãn căng cơ mặt đến mức đôi con ngươi sọc tia máu, ngươi muốn đưa tay lên bới móc, nước của dòng sông lưng chừng ngay dưới cổ, ngươi muốn gục mặt xuống thấm đẫm sự câm lặng trong cơn khoái trá, dường như dòng sông cũng hiểu nó cuốn lấy ngươi rồi lùi ra phía xa để chiều lan từ tầng không chảy xuống ngươi thứ dịch nhầy kiệt quệ, mắc kẹt, đè nén đến chết bởi cơn khát tột cùng. Ngươi tựa vào trống không, cố gọi lý trí mở miệng ngớp lấy chút sức sống, nước mắt ứa tràn, giọt nước mắt lai láng tứa ra từ tiếng gọi đau nhói của ngươi, khóc đi, mau khóc như một đứa trẻ, mau lên. Cuối cùng ngươi đã có thể mở miệng, ngớp, ngươi ngớp và thấy chiều trùm xuống biến ngươi về hiện thực.

Áng mây đỏ au au trên bầu trời, kiêu hãnh nhưng là dị thường, một dấu hiệu để phỏng đoán cơn dông cuối ngày. Gió thổi, bụi dưới làn đường như ngọn sóng cuốn lấy nhau, bầu không nghẹt thở, hơi tanh mát rượi nén trong vết nứt của lòng đất, mọi thứ vẫn bình thường cho đến khi… không biết từ lúc nào. Dòng sông bị hút lên bầu trời, dòng sông của ngươi biến mất không thấy đâu trong lòng thành phố đang được xây cất, là dòng sông không chảy qua chốn này hay nó đã bị ai đánh cắp.

Có người nào to lớn đến mức vác dòng sông của ngươi mang đi?

Sự vĩnh cửu hóa ra chỉ nằm trên và xen lẫn lớp màng phía trên sự mong manh mà thôi, nàng của ngươi thu lại từ hai ba thửa ruộng, nàng chìm đắm trong đầm lầy óng ánh, đầm lầy nổi ở bãi cỏ ven bờ sông, đong đầy từ cơn mưa của nhiều ngày trước, gợn sóng đã giữ cho mình sự lắng sâu đến trong suốt, trắng tinh. Làn da nàng trắng ngần, hay chăng sóng nước như tấm áo choàng chùm lên dáng nghiêng của nàng thanh thoát, chỉ cách một khoảng sự sống thôi, dòng sông vẫn đang chảy da diết trước mắt nàng. Thế mà dòng sông ấy lại biến mất khỏi cuộc đời của ngươi, chỉ nàng và người đàn bà nhìn thấy, ngươi tìm và thấy dòng sông qua đôi bóng người. Ngươi nhìn trầm lặng, tách ra, bước đi trên nét vẽ không loang màu, nét vẽ duy nhất trên nền trống trơ biến ảo, chẳng còn hư vô, cuộc bỏ đi lần này hóa ra ngươi chưa từng quay đầu nhìn lại.

Trên đoạn đầu cầu cuối cùng, tôi chợt nhận ra mình như thể định nghĩa về cuộc đời của y, cố nhô ra, nhoài theo, nhưng vẫn bị bỏ lại!

****

Những khoảng trống dịch chuyển, đối nhau, so le và trùng khít vào nhau. Và sẽ có những khoảng trống ở giữa những điều đang dịch chuyển ấy, là sự tồn tại phiền hà cùng sự ra đi không sao có thể lẩn tránh, ngay trong chính cơn mộng mị ngươi thực muốn ngoặt sang ngã rẽ kia, ngươi đã ngoặt hẳn sang trước khi kịp tỉnh giấc. Sự dịch chuyển của ngươi chững lại trận mưa phùn dai dẳng, cũng câm nín những inh ỏi trưa hè, thu, đông, ngươi thấy thời gian đang bị mài mòn, linh hồn ngươi đã đằm xuống quá lâu và hiện tại nó ngoi lên nhưng không còn nhớ gì về sự dị dạng, linh hồn ngươi cũng bị mài mòn.

Thành phố già, ngươi đã bước chân đến thành phố già!

Nhưng làm sao có thể là hình hài thành phố, trước mặt ngươi, có cả một dòng sông, cuồn cuộn từng xoáy nước, xoáy nước kéo nhau nuốt chửng dãy tre ven bờ, có thực là mọc ven bờ hay không thì ngươi còn chưa rõ, nhưng nhờ dòng chảy xối tựa như lũ đó mà ngươi thấy được tầng tầng lớp lớp của tre từ ngọn già đến nhánh non đều dẻo dai ngả theo sóng nước, thi thoảng nhón lên rồi chìm xuống trong miệng xoáy nước đang xiết lấy nhau, như thể một trò ú tim không biết xoáy nước nào sẽ nuốt xoáy nước nào, tầng tầng lớp lớp tre trên dòng sông không bị bẻ gãy vì đã chấp nhận chịu đựng sự mài mòn, tồn tại bất khả kháng tại nơi ấy. Chao ôi! Một sự nhai nhá tệ hại, sao là chân dung của thành phố, ai mang dòng sông của ngươi đến đấy.

Phía sau ngươi vẫn còn một dòng sông!

Đã qua hẳn đoạn đầu cầu, đoạn đường tròn trước mặt trải xuống bốn lối rẽ vào phố, nhảy xuống, ngươi không thể nhảy xuống mà tiến vào ngõ hẻm, ngươi cũng không thể thoát khỏi ngõ hẻm. Những ngõ hẻm bọc lấy phố thị nhưng không phải là hàng rào hay làn giáp ranh, lùi xa, hạ thấp, cũng không phải là bị bỏ lại hoặc để đó trống không. Ngươi nên đi tiếp, chiều đã bám lấy gót chân ngươi, men theo lối rẽ thường, trải bước qua các hàng quán để tiến vào con hẻm, ngươi đã chạm đến bóng của những kẻ lang thang cùng bước. Dòng sông rõ không phải là kẻ dẫn đường, vậy mà đưa ngươi đến đây thì khắp xung quanh nước rút cạn thể như chưa từng có, ngươi nhìn xuống, đôi bàn chân ngươi bắt đầu bỏng ran trong đôi dép tổ ong ngả màu.

Sống ở thành phố đã bao năm mà chưa bao giờ ngươi để ý, hóa ra thành phố cũng mang nét quê mùa đến vậy, không phải bóng hình của lớp người di tản từ tỉnh xa đến đây, “cơn bão đã qua”, họ nói như vậy hoặc họ là những cuộc đời sống trầm lặng trong cơn bão, không phải là bám trụ, không phải là dịch chuyển, chỉ cảm thấy có chút dai đẳng.

- Tôi chỉ thức vào buổi muộn và sáng sớm. Một thời điểm thuộc về sự im lặng, thời điểm còn lại thuộc về khả năng đánh thức.

Nhìn thật giống ông cụ, người đàn ông đó cũng ngoại sáu mươi nhưng tóc đã trắng cả, nom da dẻ rất mái. Lúng túng kéo chiếc ghế nhựa sát sang bên hàng quán, ông ta vẫy vẫy tay rồi chui vào ngõ hẻm trước, không thấy tiếng bước chân nữa, hình như ông ta đang chờ người. Chỉ một gian phòng. Ngày mai sẽ đi.

- Ngày mai tôi đi, thế nhé!

Chiều vẫn còn, buông trống không xuống gian phòng trống, người đàn ông nhấc theo một chiếc ghế, có vẻ là để dành cho ngươi. Đóng cánh cửa lại, ông ta đi trước, lại là những câu chuyện trong sự câm lặng của chiều.

- Ngồi đây, chút nữa chủ quán sẽ mang nước ra, hai ly trà đá với vài điếu thuốc là tàn ngày.

Bức quá, gió không thể nén chui vào khoảng trống giữa hai dãy nhà tập thể san sát là nhà và đoạn, từng đoạn ngõ hẻm đang dần được lấp đầy bởi người và bóng tối.

- Ít thức quà, tối nay tạm lót dạ bằng ít bánh trái, chiều đến vẫn có gánh qua đây trước khi về nhưng lẫn trong dòng người hiếm khi kịp gọi lại.

- Sao họ vẫn giữ nét già nua và buồn bã ấy.

- Vừa là người, lại vừa không phải do người, có lẽ mảnh đất này muốn thế, nó cũng già rồi và người của nó sẽ già nua theo nó. Không chỉ lũ trẻ mà người già cũng dễ lạc trong những con hẻm vào khoảng cuối chiều.

Người đàn ông trỏ ngón tay về phía quán trà đá trước mặt.

- Mưu sinh.

Một làn bụi thổi ngược lên không trung, như có điều gì vừa vụt qua mất, biến mất và đã hiện hình ở ngay trước mặt, quán trà đá còn lác đác một vài người.

- Đó là lũ trẻ không thể khóc. Ông lão bên quán bảo rằng chúng mãi không thể gặp nhau, có đứa trẻ bảo rằng nó không còn có thể cảm nhận được niềm vui. Tại sao vậy, nó bảo những trạng thái cảm xúc ở lại với nó quá lâu, nó đã chìm xuống.

- Đứa già nhất hình như gần sáu mươi.

- Nó có buồn không?

Không gian chẳng vách ngăn, nước từ dòng sông lại cuộn trào ngay trước mặt ngươi, đứa trẻ già ấy có buồn không. Ngươi còn nhớ giọt nước mắt mặn chát chảy xuống miệng ngươi đói khát hay không? Như có máu tứa ra vô hình từ trái tim. Đón lấy ly trà đá… có tiếng gọi… bóng người nghiêng ngả nhìn thành phố tựa như hai bên bờ trút đều xuống dòng sông đen ngòm. Là ngươi, bóng người của kẻ luôn ám ảnh chính mình, lại nghiêng đi mà nhìn. Thành phố già vẫn còn ở đó, những đứa trẻ cúi chào bóng đêm.

- Trở về sẽ không còn là sự cố định nữa, một điều gì đó, một người nào đó, một nơi nào đó…

Làm sao có thể như thế, ngươi vẫn còn nàng.

- Trở về liệu có giống như ký ức.

- Chiều tàn rồi, thể như chưa từng có, những cuộc trò chuyện buổi chiều chẳng chạm đến đâu, chỉ để lại chút tàn dư ám ảnh nhưng không thể nhớ là của ngày tháng năm nào và đang nói về điều gì. Về thôi.

Không thể làm khác được, ngươi phải theo người bạn về, và đêm hôm ấy ngươi đã dời đi. 10 giờ, thành phố thường chỉ thức giấc vào khoảng giữa đêm muộn, trong khúc gấp ngõ hẻm tiếng xe kẹt bô rú điên cuồng rồi lao vào con ngõ lớn để tới và dừng lại ngẩn ngơ trước ba mặt tường không lối thoát. Hóa ra ngươi vẫn sợ thành phố, sợ trò cá cược của nó, trong sâu thẳm ngả xuống bức tường cuối ngõ mà nghiêng người vọng ra, ngươi thấy gì, trên làn đường chằng chịt sợi bóng chồng chéo lên nhau, ánh sáng soi chiếu khắp nơi đến tận cùng ngõ ngách. Đêm, thành phố sẽ dẫn ngươi đi, lý trí sẽ dẫn ngươi đi… liệu nàng có theo ngươi đến thành phố.

Mẹ nói rằng khi chết bà của ngươi đã mếu, mếu như một đứa trẻ thời điểm nó ra đời. Khi tiếng mếu dứt bà của ngươi đi vào bóng tối, còn đứa trẻ tiến về phía ánh sáng. Ngươi hãy cứ nằm nghiêng, bóng tối cũng đang nghiêng mà trườn xuống để đón lấy ánh sáng, hơi thở của ngươi bỗng nhẹ bẫng, hơi thở của ngươi cũng đang nghiêng để dãn nở không gian, tại sao ngươi lại nghĩ đến cái chết lúc này chẳng phải ngươi đã chết rất nhiều lần ở những cuộc đời của mình hay sao. Hệt như một giấc mộng, ngươi cứ nằm đây mà đi như chết giữa khoảng trống trắng.

Dòng sông chảy từ các nẻo đường đổ về phía ngươi, thu nhỏ lại bằng bức hình chân dung, là vẽ ngươi nhưng không mặt mũi chỉ có những nét loang màu tựa dòng chảy. Ngươi soi chiếu chính ngươi cùng sự kiến tạo bản thân qua tầng tầng lớp lớp trống không đã xô lệch, những người đàn ông ngươi gặp cũng nằm xuống cùng nghiêng.

****

Ngươi nhớ về mụ, nhớ về nàng!

Hai người đàn bà ấy là mảnh đất, tại sao lại gọi tên mảnh đất thì dường như ngươi không thể lý giải.

Những người đàn bà ngang qua và ở lại, họ chưa bao giờ làm cho ngươi hư hỏng.

Vũng nước gợn từng làn ánh sáng, nàng không thể xuất hiện thêm nữa! Đêm nay vẫn vậy, ngươi đi tìm nàng hằng đêm. Không thể chạm tới nhưng cứ hiển hiện ngay trước mặt, phải chăng là khao khát, cũng bởi biết vậy mà lại nghiêng người nhìn tất thảy, linh hồn người và lớp vảy ánh sáng, làn đường trũng xuống cho ba bức tường lồi lõm. Trong lòng thành phố loài chuột rón rén tìm kiếm thức ăn, đơn độc băng qua dòng chảy giữa hai hàng rào, lúc này bóng đêm đã trốn trong sâu thẳm mà loài vật nhỏ bé cũng chẳng bị dòm ngó, trốn đi, lại rình rập, đêm nay ngươi sẽ mang thứ gì trở về, ngươi vẫn trở về hằng đêm đấy thôi. Thật lạ, có một dòng chảy chưa từng đứt đoạn, cũng chưa bao giờ thấy ngừng lại. Giữa làn đường, dòng chảy phá vỡ hai bên hàng rào, và con chuột nhỏ cũng đã tìm đến bên ngươi. Nước sông sẽ xối lên cánh đồng, mùa mạ non tháng sáu không gian đêm đóng lấy bốn mặt gương thả xuống ô ruộng méo mó, gắn trên bầu trời quang vắng tưởng như đặc quánh đêm và dựng bên dãy núi chồng chất núi phía xa, tấm cuối cùng là đặt sau dải nhà lố nhố nhà bên tháp nước chếch nghiêng giữa làng. Dòng sông tiến vào cánh đồng, ngươi đã từng nghĩ sẽ bơi ngược dòng chảy mà đi, luân chuyển cùng nước trên những thửa ruộng, mạ non sẽ chia tách, sẽ đẻ nhánh, lên bông đòng đòng và trĩu hạt vàng óng. Suốt bao năm ngươi giữ lại ám ảnh về sự trôi chảy, ngươi ngừng lại ngắm nghía nỗi sợ của bao nhiêu người khác hiện hữu trong ngươi, nhỏ nhoi và thật nhỏ nhoi. Tủn mủn, hai từ tủn mủn hiện lên trong đầu ngươi, sự mênh mang sao lại ngắn ngủi đến thế… đóng kín lại lối thoát, cảm xúc trói buộc lũ trẻ ngươi gặp ban chiều. Nghiêng người quay lưng về phía ba mặt tường, ngươi được vọng ra nhưng mãi vẫn bị trói buộc, cuộc đời đã đong đầy lẫn nhau bằng chính sự xô lệch mà ngươi vờ như không mấy quan tâm, hóa ra vẫn còn điều gì đó ngươi không thể chấp nhận.

Cuộc tồn tại bày ngay trước mắt, ngươi vẫn đang nói với mình đấy thôi. Tại sao ngày đấy ngươi lại trở về. Nàng như nơi trú ẩn đón lấy ngươi, đó là người đàn bà chưa từng nhìn về phía ngươi… giá như có thêm cơn đau thể xác, lý trí ngươi sẽ suy giảm, mất tập trung trong giây lát, nó sẽ không còn nhìn vào trong sâu thẳm gọi tên nàng và sự trống trắng, đó phải chăng là sự giải thoát ra khỏi trạng thái xô lệch của không gian, xô lệch qua những ranh giới, xô lệch những vùng đất và xô lệch trong cả cảm tưởng về người. Ngươi, ngươi… sao không đứng thẳng hướng về phía cuộc đời, nằm thẳng mà chìm xuống cuộc đời.

Phập phồng từng nhịp thở của người nằm nghiêng, không sao có thể từ chối nhưng cũng chẳng hài lòng đón nhận. Kẻ nằm nghiêng thở, đôi mắt buồn không sao tràn ngược lên bầu trời mênh mông. Không còn người leo lên đôi hàng rào dựng quanh làn đường trên phố, ai sẽ gõ đêm cho nứt cuộc ồn ã, người trong không gian nhòa sáng lại càng thêm cô đơn, giấc ngủ như tảng băng chắn phía trước hoặc rình rập ở phía sau và sớm thôi sẽ lại hút người về phía nó, nơi không gian đổ nước ngươi thấy cá thể người nhìn xuống chiếc bóng rồi lại cất bước tiến về phía xa, xa hơn, dòng sông trôi trên cả gợn sóng lùa về ngõ hẻm, ngõ hẻm thêm sâu hơn.

Đến bước này, có chút ngờ ngợ ngươi nhìn khắp không gian chứa linh hồn và da thịt ngươi, đã đi hay chưa, có đúng là đã dời đi rồi không?

Người và mảnh đất, ngươi chỉ thấy nghẹt thở, không rối loạn, không ngắt ngứ cũng chẳng lặp lại. Giọt nước mắt bị ép tràn xuống cơn đói khát gây nên trong ngươi sự ám ảnh, sự xáo trộn cuối cùng vẫn chẳng thể tạo ra cuộc thăng trầm nào, một màu trắng ngốn lấy ngươi. Lũ trẻ ngồi vắt vưởng ở quán cà phê đối diện thực sự đã khiến ngươi nhớ về cuộc đời mình, băng qua một dải trắng toát và hố không gian, dòng sông lùa sóng nước mơn man da thịt, tĩnh lặng. Câm nín, tinh thần ngươi như được vực dậy ngay giữa thành phố già, trong ngõ hẻm đóng kín ba bức tường. Thật dễ chịu, nhưng cũng thật bức bối. Ngươi thấy mình như không tuổi, lại thấy thời gian thấy cuộc đời như sóng nước đuổi nhau đến tận cùng và đã tràn ngược lên không trung… xô lệch.

Hiện tại của trạng thái xô lệch.

Nghiêng!

*****

Tầng tầng lớp lớp, ngươi ám ảnh kẻ ngồi gõ vào bóng đêm chỉ để lấy những mảnh vỡ đêm vá vào khoảng trống đêm trên cái nền sâu thẳm. Thứ hắn cảm nhận được khi ấy không phải là sự giam nhốt… không biết nữa, dường như hắn đã dứt đứt cuộc đời mình lúc nào không hay?

Hắn cười khờ khạo. Hãy cứ để những gì không thể ước định, không thể gọi tên trong tôi hóa thành người.

Ngươi không tin cuộc đời là vòng lặp bởi vậy sẽ không còn ý niệm về cuộc đời thể như con đường thẳng trục. Không có cảm tưởng giam cầm nên cũng chẳng có sự kiếm tìm cầu giải thoát. Hiện tại xô lệch, dòng sông đón lấy mụ nơi bến bờ, hư vô ôm lấy mụ và nàng kéo lên không trung lấp vào khoảng trống còn lại. Nghiêng, trong con ngõ hẻm ngươi xô lệch. Đôi tay ngươi bám lấy tấm kính không gian, xô lệch…


[*] Nghĩa: Mưa nhỏ tầm thường nhưng cũng sợ nó xuyên qua lá (bài Sơn trà của Nguyễn Khuyến). Chính Nguyễn Khuyến dịch là Mưa bụi những kinh phường xỏ lá (chú thích của Văn Việt).

Đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 Hồi ký Nguyễn Như Mây


Gần trưa ngày 1 tháng tư năm 2001, nhạc sĩ Từ Huy gọi từ Sài Gòn báo tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã qua đời. Nửa tin nửa ngờ vì đó là ngày “Cá tháng Tư” nhưng tôi vẫn đổ đầy bình xăng để chạy vào Sài Gòn (200 km) ngay với hành trang lúc nào cũng gọn nhẹ: một bộ áo quần để thay và vật dụng cá nhân cho mọi chuyến đi... Khoảng 3 giờ chiều hôm ấy tôi về tới nhà anh Trịnh Công Sơn, 47 C đường Phạm Ngọc Thạch, thì lúc bấy giờ lễ Thành phục đã xong. Công ty nước ngọt Pepsi cử nhiều nhân viên mặc đồng phục tới phục vụ nước uống miễn phí cho khách. Họ còn giữ xe miễn phí cho khách dọc hai bên đường và đầy kín trong sân các biệt thự gần đó suốt ngày đêm. Có vài người từ Nhà Bè qua rồi tự giăng giây giữ xe hai bánh ngay trên hai lề đường để kiếm tiền. Con đường ấy xưa giờ vốn khá đẹp và yên lặng nhưng hôm nay đã trở nên náo nhiệt và tấp nập người và xe vì đang có đám tang. Ở hai ngã tư đầu đường, người ta bắc hai băng ghế dài của trường học chận ngang đường để cản xe hơi vào.

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Bây giờ mình đi đâu?

 Truyện Hoàng Chính

 

Di dân trục xuất từ nước Mỹ, đến Panama City. Ảnh của Matias Delacroix - Associated Press (cho tờ The New York Times)

Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại – nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là – gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.

Mắt nghiêng

Phong Âm

“Thu cả bầu trời đổ nghiêng vào trong đôi mắt thẫn thờ của người đang thở, tôi đã tìm thấy và vờ như ghé qua đoạn cầu thang nơi người đàn ông gửi thể xác ở lại. Có cô gái trẻ đi ngang qua để lại một chút thức ăn như làm dấu tích và như giữ lại một chút gì đó của ngày gần tàn lụi cho riêng mình. Thành phố về chiều của những người từ tỉnh xa đến đã không còn là cuộc hẹn, chiều tại thành phố, người đàn ông nằm trên cây cầu vượt hai tai đặc sệt tiếng rống nghẹt thở của dòng sông chảy qua địa phận mong manh giữa hai cõi sanh và tử, ục ặc những chiếc cần cẩu cũ rích như đứa trẻ mải chơi đùa trong trống trải trên đống cát, những hạt cát ẩm ướt bám dính lấy nhau theo bàn tay của đứa trẻ chảy xuống cát và rác đen ngòm trên dòng sông được vớt lên không trung lại rơi xuống rác ven bờ sông. Trong đôi mắt nghiêng của người, dòng sông xưa cũ đã không còn, dưới làn đường người và xe cộ, cuộc di chuyển trong bế tắc và gấp gáp của họ mới thực hóa thành dòng chảy của sông bởi nó có điểm bắt đầu và được đổ đến tận cùng sự mênh mông”.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Khánh Ly, và ít điều chưa kể

 Tuấn Khanh


Nghe tin ca sĩ Khánh Ly có thể sẽ không trình diễn nữa, sau cơn đau gần nhất ở tuổi 80. Những bài tình ca không hạnh phúc của Trịnh Công Sơn chắc rồi cũng sẽ đến lúc vắng lời tri âm của một đời người, giã từ một thế hệ lắng nghe nhiều hơn ý nghĩa thưởng thức.

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (20)

 Thụy Khuê

Chương 11

Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

I- Cuộc đời

 

Bối cảnh lịch sử

Nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam dười triều Gia Long và Minh Mạng, giai đoạn quan trọng trong lịch sử cận đại: Gia Long hoàn tất việc thống nhất đất nước, Minh Mạng xây dựng một quốc gia hùng mạnh ở Đông Á khiến các nước Tây phương không thể xâm phạm.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

“Cuộc nổi loạn của bầy thú” của Władysław Reymont

 Wiesiek Powaga, dịch giả tiếng Ba Lan, European Studies Blog, 17.1.2018

ChatGPT dịch, Văn Việt hiệu đính

Một bài viết gần đây trên blog Nghiên cứu châu Âu của Masha Karp xem xét lịch sử xuất bản của tác phẩm Animal Farm [Trại súc vật] của George Orwell bằng các ngôn ngữ Đông Âu. Việc cuốn sách này duy trì được vị thế kinh điển trên toàn cầu trong hơn 70 năm là minh chứng cho tính chân lý phổ quát của nó. Nhưng khi Orwell ngồi xuống để viết câu chuyện – một lời cảnh báo về sự xâm lấn âm thầm của chủ nghĩa cộng sản Xô Viết dựa trên nhận thức ngày càng sâu sắc của ông về sự tàn bạo của nó – liệu ông có biết rằng mình không phải là nhà văn hiện đại đầu tiên sử dụng phép ẩn dụ về cuộc nổi dậy của loài vật để nắm bắt logic điên rồ của cách mạng hay không?

Bìa ấn bản Bunt gần đây của Władysław Reymont (Warszawa, 2004).

 

Bunt – Tiểu thuyết bị lãng quên

Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi từ khi tôi phát hiện ra Bunt ("Cuộc nổi dậy") của Władysław Reymont khi nó tái bản ở Ba Lan năm 2004. Lớn lên ở Ba Lan thời cộng sản vào những năm 1970, tôi đọc Animal Farm qua một bản in chui (samizdat). Tôi cũng quen thuộc với các tác phẩm khác của Reymont – những tác phẩm này là sách bắt buộc ở trường và rất phổ biến qua các bộ phim và chương trình truyền hình chuyển thể. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe – và chắc chắn rất ít người ở Ba Lan lúc bấy giờ biết – về Bunt.

Sự tương đồng với Animal Farm là rất rõ ràng. Điều đáng chú ý nữa là cả hai câu chuyện đều mang tính cảnh báo. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cuốn sách mất nhiều thời gian đến vậy để tái xuất, nhất là khi bài học của nó tưởng như đã bị lãng quên. Nhưng có lẽ đó chính là bản chất của những sự thật và bài học lịch sử.

Władysław Reymont. Chân dung do Jacek Malczewski vẽ năm 1905, khi Reymont được công nhận là tiểu thuyết gia hàng đầu của Ba Lan, tác giả của Những người nông dânMiền đất hứa, hai bức tranh toàn cảnh về Ba Lan nông thôn và công nghiệp cuối thế kỷ 19. (Hình ảnh từ Wikimedia Commons).

 

Nội dung và ý nghĩa của Bunt

Bunt kể về cuộc nổi dậy của các loài vật trên trang trại. Chúng làm việc cho chủ nhân, thậm chí có con còn yêu quý ông ta, nhưng đổi lại chỉ nhận được sự khinh miệt, bóc lột tàn nhẫn và những trận đòn roi. Cuộc nổi dậy ban đầu được khơi mào bởi con chó Rex, kẻ kêu gọi tất cả loài vật đứng lên chống lại chủ trang trại và theo nó đến miền đất hứa của công lý và sự no đủ – nơi nào đó ở phương Đông. Nhưng cuối cùng, những con vật kiệt sức vì cuộc hành trình vô tận đã quay sang chống lại lãnh đạo của mình và cầu xin một con khỉ đột – sinh vật gần giống con người nhất mà chúng có thể tìm thấy – cai trị chúng.

Tất nhiên, hai câu chuyện có nhiều điểm khác biệt về chi tiết và giọng điệu – một câu chuyện đầy bi kịch, còn một câu chuyện mang màu sắc hài hước cay đắng. Nhưng về cơ bản, ý tưởng và cách thức truyền tải bài học đạo đức đều giống nhau – một câu chuyện ngụ ngôn về những lý tưởng cao đẹp bị bản năng động vật nhấn chìm. Đây là một bài học về khiếm khuyết cố hữu trong cách mạng, hay rộng hơn là bản chất của quyền lực: Dù kẻ thống trị có thay đổi – từ kẻ áp bức sang kẻ bị áp bức – thì cơ chế áp bức vẫn không hề thay đổi, và không có cách nào thoát khỏi vòng lặp đó.


Số phận bị quên lãng của Bunt

Trang bìa lót của Bunt (Warszawa, 1924).

Ban đầu, Bunt được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Tygodnik Ilustrowany của Ba Lan vào năm 1922, sau đó được xuất bản thành sách vào năm 1924 – năm Reymont giành giải Nobel Văn học, và ngay trước khi ông qua đời ở tuổi 58. Dù là một trong những phản ánh văn học đầu tiên về Cách mạng Nga, tác phẩm hầu như không gây tiếng vang trong giới phê bình.

Jan Kaczkowski, một nhà ngoại giao Ba Lan đồng thời là dịch giả tiếng Đức của Reymont, cố gắng tìm một số phận tốt đẹp hơn cho Bunt. Ông đưa cuốn sách đến một nhà xuất bản Thụy Sĩ vào năm 1926 với tựa đề Die Empörung: eine Geschichte vom Aufstand der Tiere (Cuộc nổi dậy: Một câu chuyện về cuộc nổi dậy của loài vật). Sau đó, khi chuyển công tác sang Hà Lan, ông tiếp tục thúc đẩy việc xuất bản bản dịch tiếng Hà Lan năm 1928 với tên gọi De Rebellie. Và đó cũng là lần cuối thế giới nghe nói về Bunt.

Bìa ấn bản hiện đại của Die Empörung (Frankfurt am Main, 2017).

 

Liệu Orwell có biết đến Bunt?

Trong một thời gian dài, tôi tìm kiếm manh mối để xem Orwell có từng tiếp xúc với câu chuyện của Reymont hay không. Liệu ông có quen thuộc với Reymont với tư cách là một nhà văn đoạt giải Nobel? Liệu các bản dịch của Bunt có thể đã lọt vào tay ông khi ông làm việc tại tiệm sách Booklover’s Corner? Orwell không biết tiếng Đức hay tiếng Hà Lan, và Bunt chưa từng được dịch sang tiếng Pháp – một ngôn ngữ mà Orwell đọc được (ông từng đọc Chúng ta của Zamyatin qua bản dịch tiếng Pháp).

Một khả năng khác là thông qua bạn bè của Orwell – những người biết tiếng Đức, Hà Lan hoặc Ba Lan, và quan tâm đến văn học Đông Âu cũng như Cách mạng Nga. Họ có thể đã thảo luận về Reymont và nhắc đến câu chuyện như một phần của lịch sử cách mạng, liên hệ nó với sự quan tâm của Orwell đối với truyện cổ tích (thứ mà ông đặc biệt hứng thú trong thời gian làm việc tại BBC, ngay trước khi viết Animal Farm). Có thể đó là các nhà xuất bản như Victor Gollancz hay Fredric Warburg? Hay Tysco Fyvel, một người gốc Đức, hoặc Jon Kimche, một người gốc Thụy Sĩ, những người từng làm việc với Orwell tại Booklover’s Corner? Hoặc Arthur Koestler, người đã thảo luận với Orwell về cách mà logic cách mạng vận hành? Có thể một người Ba Lan nào đó mà ông gặp ở Tây Ban Nha?

Tôi vẫn chưa tìm thấy một mối liên hệ trực tiếp.


Một bước ngoặt bất ngờ

Cuộc điều tra của tôi bất ngờ rẽ sang một hướng mới. Trong một cuộc thảo luận với bạn bè tại Thư viện Anh, một người đã kể cho tôi về một câu chuyện khác cũng nói về cuộc nổi dậy của loài vật, lần này đến từ Nga, và được viết trước cả Bunt – vào năm 1880!

Theo manh mối mới này, tôi phát hiện ra Skotskoi Bunt ("Cuộc nổi dậy của loài vật") của Nikolai Kostomarov, được viết vào năm 1880 nhưng chỉ được xuất bản sau khi tác giả qua đời, vào năm 1917 trên tạp chí Niva, ngay trước khi Cách mạng Tháng Mười đẩy nó vào quên lãng vĩnh viễn.

Làm thế nào mà câu chuyện này lại bị lãng quên trong suốt một thời gian dài như vậy? Reymont có thể đã biết đến nó không? Phải chăng chính Skotskoi Bunt mới là tác phẩm đã len lỏi vào văn hóa cách mạng và truyền cảm hứng cho cả Reymont lẫn Orwell?

Có thể. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Hay phải chăng vẫn là cùng một câu chuyện? Hãy chờ xem.

George Orwell: Biến việc viết về chính trị thành một nghệ thuật hoàn toàn

 Liễu Trương

George Orwell, 1943. | Via Wikimedia commons, montage Slate.fr.

George Orwell là nhà báo, nhà phê bình văn học và là nhà văn. Ông là nhân chứng của thời đại ông, trong những thập niên 1930-1940.  Sau Đệ Nhị thế chiến, tiểu thuyết chính trị viễn tưởng 1984 của George Orwell vừa ra mắt độc giả tức thì trở nên một best-seller trên thế giới. Tác phẩm này tạo nên khái niệm Big Brother và làm thức tỉnh những người đang trong cơn mê của một hệ tư tưởng cực quyền.

George Orwell là ai và ông quan niệm vấn đề viết như thế nào?

Thơ Nguyễn Đức Tùng

 

NGƯỜI ĐI CHÂN ĐẤT

                                                                                                         trường ca

Chương 1

Đó là về bàn chân. Đó là cách đặt xuống.

Đó là cách bàn chân uống sương trên cỏ.

Đó là nhịp điệu. Bước đi. Đó là bước đi trong nghi ngại.

Đi trong tỉnh thức.

Đó là ác mộng giữa hai bờ sinh diệt. Đó là trống rỗng. Buông bỏ.

Đó là về bàn chân tự mình giải thoát. Đó là ý thức tự mình bước đi.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

"Dọc đường 2" và cuộc cày xới của một trí thức

 Minh Anh

Ngay từ rất sớm ông đã đứng riêng một hàng ngũ khác, nơi văn chương không có giả trá, không có dối gian…

Trong lời giới thiệu cho cuốn Từ Đông sang Tây của cố tác giả Cao Huy Thuần, nhà văn Nguyên Ngọc từng viết: “Trí thức chính là “người xớ rớ”, là người thường xuyên làm cho mọi chuyện tưởng đã yên hóa ra không phải là đã yên, là người thường xuyên “đặt lại vấn đề”, về mọi chuyện, và bất kỳ ở đâu, với bất kỳ ai”. Và không đâu khác ngoài Dọc đường 2 thì tác giả của nó đã hiện lên như một trí thức đích thực, dù bản thân ông không tự thừa nhận và cũng có lúc chịu nhiều đày ải từ khái niệm này.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Sách, chì và giả kim thuật của Anselm Kiefer

 Nguyễn Man Nhiên

Anselm Kiefer

Anselm Kiefer (sinh năm 1945) là một trong những nghệ sĩ đương đại có tầm ảnh hưởng lớn nhất của nước Đức, được biết đến với sự nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, ký ức và thần thoại, đặc biệt là quá khứ phức tạp của quốc gia này. Kiefer khám phá những chủ đề như bản sắc Đức, thảm họa Holocaust và sự phức tạp của ký ức văn hóa, thường lấy cảm hứng từ văn học, thuật giả kim và triết học.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Những ngày khủng khiếp nhất đời tôi

 Nguyễn Thúy Hạnh

 Nguyễn Thúy Hạnh bên cạnh bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của Phạm Đoan Trang

 

Đó là thời gian tôi bị đưa đi giám định tâm thần, phải trải qua những ngày khủng khiếp mà tôi thà chết đi trăm lần còn hơn phải sống qua sáu tuần kinh khủng ấy.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

Mặt khác của trăng của Claude Lévi-Strauss

 Dương Thắng

1. Nhà nhân chủng học lỗi lạc Claude Lévi-Strauss đã có một niềm đam mê và gắn bó dài lâu với đất nước Nhật Bản, niềm đam mê được nuôi dưỡng ngay từ thủa ấu thơ: “[...] cha tôi, vốn là họa sĩ, hồi trẻ đã sưu tập một thùng các-tông chất đầy các bức tranh mộc bản của Nhật Bản, vào quãng năm tôi 5 hay 6 tuổi, ông đã cho tôi một bức [....], kể từ đó mỗi khi có thành tích học tập ở trường tôi lại được thưởng một bức tranh khắc Nhật Bản [...], vì thế có thể nói tuổi ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu, tình cảm và suy nghĩ của tôi đã trải rộng cả ở Nhật Bản lẫn Pháp, nếu không muốn nói là ở Nhật Bản nhiều hơn” (trang 10-11).

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2025

Bùi Mai Hạnh, Người Hát

 Nguyễn Đức Tùng

Cảm nhận nhiều ánh sáng. Nhắm mắt lại và bạn nhìn thấy ánh sáng xuyên qua hiện hữu của mình, qua mọi hiện hữu. Bạn chấp nhận đời sống, những niềm vui và những nghịch cảnh của nó. Bạn thừa nhận sự yếu đuối của bạn. Bạn nhìn thấy sự nguy hiểm, sự không an toàn của đời sống. Bạn nhìn thấy sự chọn lựa của mình, buông bỏ và bắt đầu, tin vào sự chọn lựa ấy, sống với nó, và bạn được tưởng thưởng. Và giờ đây bạn ca ngợi sự chọn lựa ấy.

Cùng làm cho cơ thể Việt Nam tốt lành hơn: Lê Học Lãnh Vân thở bụng

 Đỗ Quyên

 

Chưa hẳn là tạng người “sinh ra phải viết văn” Lê Học Lãnh Vân viết tản luận, bút ký, hồi ký bằng ngay các chuyện, sự việc, chi tiết có thật từ bản thân, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp qua môi trường xã hội và làm việc của ông. Từ và về đất nước - con người Việt Nam mà bản thân ông rất, rất gắn bó…

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025

Thơ của ba người: duyên – Lê Chiều Giang – Nguyễn Thị Khánh Minh

 Trịnh Y Thư

Không rõ do một cơ duyên nào mà ba người ấy – ba nhà thơ nữ, ba tâm hồn, ba định mệnh, ba trải nghiệm, ba cuộc đời, ba ngọn suối nguồn thơ ca lại rủ nhau về hợp lưu tụ hội trong một tuyển thơ đặc sắc, hiếm có. Có lẽ là chữ duyên. Vâng, đúng rồi. Một trong ba người nữ ấy có bút danh là duyên, một chữ duyên duy nhất, không viết hoa, không họ, không chữ lót, còn hai người kia thì tên tuổi đã gắn với văn chương, nghệ thuật từ nhiều năm, trong nước cũng như hải ngoại bây giờ: Lê Chiều Giang, Nguyễn Thị Khánh Minh.