Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Quang Hồng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Quang Hồng. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Mười năm mất nhà ngữ học Cao Xuân Hạo (6): Hoài niệm về anh Cao Xuân Hạo

Nguyễn Quang Hồng

Tôi hay tin giáo sư Cao Xuân Hạo từ trần ngay sau giờ phút anh lâm chung, qua điện thoại của một bạn trẻ. Đã từ mấy tháng nay, anh em trong giới ngữ học chúng tôi đều biết Giáo sư lâm bệnh nặng, tuổi cao sức kiệt, khó lòng qua khỏi. Nhưng vào giờ phút ấy, khi biết rằng trên đời này sẽ chẳng bao giờ còn có thể trò chuyện cùng Anh được nữa, lòng tôi bỗng trĩu nặng, ngậm ngùi…

[ Cao Xuân Hạo ]

Mãi đến năm 1965, tôi mới có dịp quen biết anh Cao Xuân Hạo. Khi ấy, tôi vừa chân ướt chân ráo từ Đại học Bắc Kinh trở về, đang lao vào tìm hiểu tiếng Việt, thì may mắn được làm quen với các thầy và các bậc đàn anh ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tại khu sơ tán Đại Từ, Thái Nguyên. Nhưng lần đầu tiên tôi gặp anh Cao Xuân Hạo là tại Hà Nội, ngay nơi căn phòng Anh ở. Tôi biết khi ấy anh Cao Xuân Hạo đã thành danh, và đang sống những ngày khó khăn. Anh đã dành trọn một buổi chiều (một buổi chiều mùa Thu như chiều Thu hôm nay) để giảng cho tôi nghe về lí thuyết âm tiết tiếng Việt của Anh. Nhìn vào đôi mắt chăm chú theo dõi của tôi, một đồng nghiệp trẻ mới toanh đang hăm hở cầu học, anh Hạo như thấy yên tâm để giải trình một cách chi tiết những ý tưởng của mình. Và quả thật là hấp dẫn, tất cả những gì mà anh “nung nấu” và dàn dựng là một lí thuyết hoàn toàn mới mẻ về ngữ âm tiếng Việt, mà trước đó tôi chưa từng được tiếp xúc. Về sau, anh đã công bố một cách vắn tắt lí thuyết này trong bài “Le problème du phonème en vietnamien” (Vấn đề âm vị trong tiếng Việt) in trong tập Essais linguistiquesÉtudes Vietnamiennes N.40, 1975. Cho mãi đến năm 1985 Anh mới có dịp công bố tại Paris toàn bộ lí thuyết ngữ âm của mình trong một tác phẩm chính Anh viết bằng tiếng Pháp Phonologie et linéarité (Âm vị học và tuyến tính), mà bản thảo sách này Anh đã viết xong vào năm 1979 (đến năm 2001 bản tiếng Việt mới được in ở Hà Nội). Trong công trình này, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã thảo luận cặn kẽ về nhiều vấn đề cơ bản trong ngữ âm học và âm vị học đại cương, cũng như đề xuất một chủ thuyết mới cho việc phân tích và xác lập đơn vị ngữ âm cơ bản của tiếng Việt.

Để bạn đọc có thể phần nào lĩnh hội được lí thuyết về âm tiết tiếng Việt của Giáo sư Cao Xuân Hạo, tôi xin được trình bày đôi dòng sơ lược như sau. Với ngữ âm tiếng Việt, các học giả thuở ban đầu (như M. B. Emeneau, Lê Văn Lí, v.v.) thường bê nguyên xi cách phân tích và xác lập hệ thống ngữ âm theo hệ “âm vị nguyên âm – âm vị phụ âm” trong âm vị học phương Tây, nghĩa là cũng như các ngôn ngữ châu Âu, hệ thống ngữ âm Việt sẽ phải gồm bao nhiêu âm vị phụ âm, bao nhiêu âm vị nguyên âm, phụ âm có thể đứng đầu hoặc đứng cuối từ (âm tiết), v.v. Sau này khi tôi được sang Nga học, mới biết rằng cái cách miêu tả ấy từ những năm 30 của thế kỉ XX đã bị E.D. Polivanov nghi ngờ, và ông đề nghị một mô hình gồm 4 thành tố kế tiếp nhau để miểu tả âm tiết tiếng Hán (gần như đồng thời với Polivanov, Đường Vực ở Trung Quốc cũng hình dung âm tiết tối đa gồm có 4 thành tố như vậy). M.V. Gordina là người đầu tiên áp dụng mô hình đó cho tiếng Việt. Ở Việt Nam, cách miêu tả ngữ âm tiếng Việt theo mô hình gồm 4 đối hệ “âm đầu – âm đệm – âm chính – âm cuối” như thế đã được trình bày một cách rất sáng sủa trong giáo trình của anh Đoàn Thiện Thuật. Điều khiến mọi người dễ “cảm tình” với mô hình này là ở chỗ nó phần nào thoát khỏi cái hình ảnh châu Âu về hệ nguyên âm và hệ phụ âm, đồng thời theo từng “đối hệ”, người ta có thể tìm mối liên hệ với chữ cái của chữ Quốc ngữ (lại chính là bộ chữ ABC có được từ sự phân tích ngữ âm châu Âu). Bởi vậy, cho đến nay, và có lẽ còn về lâu về dài, mọi người vẫn dễ dàng chấp nhận nó để đưa vào dạy ở nhà trường, và nghĩ rằng đó chính là hình ảnh lí tưởng của ngữ âm tiếng Việt được mô tả một cách khoa học nhất đã được lựa chọn. Trong khi đó thì Cao Xuân Hạo, ngay từ những ngày cuộc chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra, đã bắt đầu trăn trở về một cách miêu tả ngữ âm tiếng Việt sao cho đúng với bản chất âm thanh và chức năng của nó. Theo Anh, âm tiết tiếng Việt là một chỉnh thể mà về mặt chất liệu âm thanh cũng như về mặt chức năng không có một căn cứ gì để có thế “cắt khúc” nó ra thành 4 thành tố kế tiếp như vậy. Cũng như trong hệ thống ngữ pháp tiếng Việt, âm tiết là đơn vị ngữ âm cơ bản tối thiểu không chịu sự chia cắt ra thành những cái gì “ngắn” hơn được nữa. Và do đó, không làm gì có được những âm vị mang tính “khúc đoạn” ở đây, và Anh đề xuất quan điểm “phi đoạn về âm vị và cấu trúc âm tiết Việt Nam”. Theo Anh, “trong tiếng Việt, người bản ngữ nghe các âm tố như những quá trình âm vị học động, kết quả của những động tác cấu âm, nghĩa là nghe âm tiết đúng như thực trạng của nó. Trong các thứ tiếng châu Âu, do nhu cầu phân biệt trật tự của các âm tố ở bên trong âm tiết, các âm tố được tri giác như những trạng thái tĩnh”. Quan điểm của anh mới lạ và gây sửng sốt cho nhiều người, trong nước thì đã đành, ở nước ngoài cũng vậy. Đến nỗi, có một vị từ một nước Đông Âu đến Thành phố Hồ Chí Minh dự một cuộc hội thảo, sau khi biết qua quan điểm “âm vị phi đoạn” của anh Cao Xuân Hạo, liền hỏi nhỏ người ngồi bên cạnh: “Ông Hạo đã học qua giáo trình nào về âm vị học chưa?”(!). Thực ra, giá như vị này có biết chút ít về D.E. Polivanov (Nga) hay Ch.F. Hockett (Mĩ) thì sẽ có thể bình tĩnh hơn, vì từ những tác giả như thế, ta đã thấy một dự báo về khả năng không chia cắt âm tiết tiếng Hán ra thành các âm vị “đoạn tính” là nguyên âm hay phụ âm như trong các ngôn ngữ châu Âu. Kể ra, nếu như bên trời Nam chúng ta có Cao Xuân Hạo một mình gây dựng bếp núc cho một lí thuyết “âm vị học phi đoạn” (tức là “phi tuyến tính”) vào những thập niên 60, thì cũng trong khoảng thời gian ấy, ở bên trời Tây cũng xuất hiện một vài tác giả nói đến “âm vị học phi tuyến tính” (như Prince Mc-Carthy, Selkirt, v.v.). Bản thân tôi chỉ vừa mới biết chuyện này gần đây qua một vài tài liệu gián tiếp từ các học giả Trung Quốc, mà bên Trung Quốc người ta cũng chỉ mới biết đến Prince Mc-Carthy, Selkirt vào khoảng những năm 80 của thế kỉ XX. Trong công trình của Cao Xuân Hạo không thấy tên những tác giả phương Tây này. Như vậy, hiển nhiên là lí thuyết “âm vị phi đoạn” của Cao Xuân Hạo được hình thành một cách độc lập trên tư liệu các ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính mà tiêu biểu là tiếng Việt, chứ không hề được gợi ý từ các tác giả của thuyết “âm vị học phi tuyến tính” bên Tây vốn bắt nguồn từ tư liệu các ngôn ngữ vùng Trung Đông.