Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Thuyền – Thi pháp và diễn ngôn thơ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đức Tùng

 Đặng Thơ Thơ

Có một nơi trên trái đất ở đó người ta không chết, họ chỉ biến mất.

[…]

Ý nghĩa của sự ra đi?
Biến mất khỏi một đời sống.
Tức là chết?
Không. Từ chối nó.

Làm sao để thoát khỏi sự lặp lại một ký ức tập thể – tuy bi tráng nhưng đã có phần cũ mòn – để viết đề đề tài thuyền nhân như một kinh nghiệm riêng tư và tươi mới? Đây là một thách thức khó vượt qua với người cầm bút. Nhất là ở thời điểm gần nửa thế kỷ sau những biến cố, khi đã có nhiều tác phẩm chi li tình tiết về những chuyến vượt biển, tù đày, giam cầm; nạn hải tặc, mất tích, đắm tàu; những thanh lọc, tuyệt thực, tự vẫn, hồi hương, hội nhập…
Bạn sẽ nói, mỗi người là một nhân chứng với những kinh nghiệm riêng. Mỗi người là một câu chuyện khác, một sự thật khác.
Vâng. Ngoài vô số các tập sách, tuyển tập, truyện ký về thảm kịch thuyền nhân, về mặt sáng tác chúng ta đã có những tác phẩm văn chương sâu sắc và mang tính nhân bản như Thuyền nhân của Mai Kim Ngọc, Mấy sông cũng lội của Hoàng Chính, Vực xoáy của Châu Thuỵ, và những truyện ngắn “Tạ ơn” của Nguyễn Mộng Giác, “Đảo San Hô” của Trần Vũ, “The Boat” của Nam Lê… Trên nền của một lịch sử chung, Nguyễn Đức Tùng đã chọn kể câu chuyện vượt biển của anh theo cách riêng mà anh tham dự, bằng một bút pháp riêng, được tinh lọc từ những xúc cảm và suy nghiệm phức tạp về ý nghĩa của cuộc ra đi, của những quyết định, những chọn lựa trong cuộc sống, và việc chọn phải sống. Thuyền là một dòng ý thức đầy chất thơ, pha trộn ký ức và sự trôi chảy của thời gian, tình yêu và sự mất mát, sự tìm kiếm và nỗi cô đơn, ám ảnh của quá khứ; sự liên kết các mảng ký ức, sự hoài nghi những giá trị. Tác giả sử dụng các chi tiết thị giác, chi tiết xúc giác và khứu giác, cùng những cảm xúc đa dạng để tạo nên một không gian nghệ thuật mang yếu tính sống động của những giấc mơ. Với phong cách viết mà tôi tạm gọi là hiện thực hồi ức kết hợp với cảm thức, Nguyễn Đức Tùng dựng lại một hành trình, tưởng như theo hình thức tuyến tính của một chuyến đi và những hệ quả tàn phá của nó. Tôi nói “tưởng như,” bởi vì bên dưới bề mặt của câu chuyện, ngay từ đầu, và cho đến cuối, vẫn là một vùng hỗn mang của hồi tưởng, ký ức, tâm thức, vừa hoảng loạn vừa tĩnh lặng, mang bản chất phi tuyến tính của nỗi đau và lòng thương nhớ:

Sự thương nhớ một người đã mất không phải là một đường biểu diễn có thể vẽ được trong không gian và thời gian, nó là một phương trình phi tuyến, sau khi tôi mất một người thân, sự đau khổ choán ngập tâm hồn tôi và sự thương tiếc chiếm lĩnh tất cả. Mỗi hơi thở, mỗi tế bào, nó không buông tha bất cứ một điều gì.

Nguyễn Đức Tùng viết về lòng thương nhớ, một trong những chủ đề truyện, như dự báo một nỗi đau dai dẳng, lặp lại, khó lành. Những nỗi đau đến từng đợt, như sóng, rút đi để lại một khoảng tĩnh lặng tạm thời, trước khi một đợt sóng khác tràn đến. Sự đau thương và cảm thức mất mát có mặt trong mỗi đoạn văn, trong mỗi chương truyện, trên từng trang tiểu thuyết. Đó là một thứ DNA làm nên xương thịt truyện. Được đánh số từ 1 đến 55, mỗi chương truyện là một tầng khuất, liên kết chồng chéo nhau, hoặc chất vấn hiện tại, hoặc hướng đến tương lai, hoặc đào sâu đến tận cùng hồi ức để moi lên những gì còn chìm trong bóng tối của tâm thức. Nguyễn Đức Tùng muốn khai thác chiều sâu thăm thẳm của từng giây hiện hữu, mỗi giây chứa đựng những biến cố của cả một đời, tại bất kỳ toạ độ nào trên hành trình của Thuyền.

Phi tuyến tính không chỉ là thủ pháp mà còn là tâm thức của nhân vật, trong không gian nơi xảy ra đồng loạt mọi thứ, hoặc tất cả thời gian cùng đồng hiện: hình ảnh người yêu khi sống và khi chết cùng hiện hữu, ngôi nhà hoang của hai anh em thời thơ ấu và trog không gian của thế giới bên kia, những người phụ nữ ngồi chải tóc cho nhau trên thuyền và tóc họ trở thành những tàng liễu rủ ven sông, Kyra hiện tại và Liên Hương quá khứ nhập một, “mùi của hoa lài rung nức nở” và ánh đèn dầu trên bệ cửa ngay giữa trưa, mọi thời khắc đều có độ nén đậm đặc của những ám ảnh quá khứ, như “một ngày trời mưa, áo quần ướt nhẹp, nhưng khuôn mặt sáng lên như đến từ hai hiện thực. Một từ cơn mưa, một từ hiện tại.” Những đoạn như thế tràn ngập cuốn sách, trên từng trang sách, tạo ấn tượng mơ hồ nhưng day dứt, liên kết các phần trong truyện bằng không khí ám ảnh và đẹp lạ kỳ.

Cấu trúc Thuyền là sự ghép lại của những không gian tâm trạng phức tạp, mỗi mảnh là một khung cửa sổ mở vào tâm hồn đầy những hình ảnh thật và ảnh chiếu từ thực tại. Nguyễn Đức Tùng đã vận dụng sở trường của anh là thi pháp tự sự thơ để xây dựng truyện dài từ những đoạn văn đẹp, ấn tượng, sâu thẳm, truy vấn, đau đớn, trong tình huống ngặt nghèo, cấp bách, bi thương, khốn khổ, xấu xa, vô vọng và cũng đầy hy vọng, làm bật lên ý nghĩa của đời sống. Những đoạn văn của một nhà thơ. Mỗi chương có thể đọc riêng như một truyện ngắn hay truyện chớp độc lập, hay đoản văn, có khi là một dạng ghi chép như nhật ký. Xét về mặt tạo hình, cấu trúc này giống như con thuyền làm bằng những mảnh ván ghép lại, mảnh nào cũng đều có thể nổi trên mặt nước. Điều người đọc ghi nhận, là trong khoảnh khắc đó, mọi hình ảnh tái hiện, những đoạn phim quay lại, những cảm xúc dồn dập nâng cấp, về đời sống, về những gì đã va đập vào ý thức của nhân vật, và nhân vật đã rơi vào tâm trạng như thế nào để kéo theo người đọc cùng rơi, cùng nhập cuộc, với mình.

Tôi không thể nhìn thấy mình. Tôi không thể nhìn thấy cử chỉ của mình như khi nhìn vào một tấm gương. Tôi không thể nhớ lại hình ảnh của tôi được. Vì vậy mà tôi nhớ lại tất cả những hình ảnh xung quanh tôi, những người đàn ông, những người phụ nữ, những tên cướp, mặt biển đen như một tảng thạch, ngọn lửa, củi thông nổ lách tách. Những hình ảnh ấy làm nên hình ảnh của tôi, làm nên ký ức của tôi về một số phận. Chúng ta tồn tại vì chúng ta tồn tại trong mắt người khác, hèn nhát hay can đảm. Con người cần một phút để làm người, và nếu có thể sống, thì sống mà kể lại. Biết là hối hả hành động tất dẫn đến thất bại, đến cái chết. Nhiều người trong chúng ta chứng kiến một người thân trước giờ họ ra đi. Nhiều người trong chúng ta nhìn thấy cái chết. Tôi đã vuốt mắt cho người khác. Vào khoảnh khắc ấy, đôi khi tôi không biết rằng tôi đứng ở ngay cánh cửa cuối con đường. Bọn cướp chất củi, tưới thêm dầu vào lửa.

Chúng ta vừa đọc một đoạn trong chương “Lửa trên thuyền,” tiêu biểu cho bút pháp của Nguyễn Đức Tùng. Một thủ pháp khác mà anh thường vận dụng trong truyện là sự chuyển đổi đột ngột giữa các ý tưởng: đang tường thuật một câu chuyện lớp lang thì chuỗi tường thuật đó bị một dòng suy nghĩ khác cắt ngang. Sau đó, chuyện tường thuật sẽ quay lại nhưng đã đi chệch hướng, rồi thì màn sương hồi tưởng phủ xuống, trong đó những hình ảnh, vô số những hình ảnh, là phiên bản của nhau, của một thế giới đẹp đẽ đã qua, hoặc chưa đến, tất cả những thứ đó trộn lại để làm nổi bật khuôn mặt hiện thực mà nhân vật đang dự phần. Cảm xúc mỹ học sẽ bật ra từ đó, khiến người đọc đồng cảm, và suy ngẫm. Sự chuyển đổi này phản ảnh những xáo trộn và tính đa diện của tâm trạng nhân vật, và cho người đọc thấy mọi sự kiện và cảm nhận đều được lọc qua lăng kính chủ quan của nhân vật, thể hiện trạng thái nội tâm và cách nhân vật nhìn và diễn giải thế giới. Trong toàn truyện, mạch văn viết tự do trôi chảy và không theo quy ước thời gian. Các ý nghĩ, cảm xúc, hồi ức đan xen lẫn nhau một cách tự nhiên, không bị gò bó theo cấu trúc câu chặt chẽ hay trình tự rõ ràng. Có nhiều chương đọc như thơ xuôi, câu văn dài, nhiều mệnh đề phụ, thể hiện sự miên man của dòng suy nghĩ; đặc biệt hai chương “Người đọc” và “Người kể chuyện” khá dài nhưng hoàn toàn không có dấu chấm, các mệnh đề chỉ ngắt bằng dấu phẩy để các ý luồn vào nhau, nối các câu với nhau thành một chuỗi bất tận.

Nhân vật chính của Nguyễn Đức Tùng có giọng kể không hẳn đáng tin cậy: tác giả sử dụng nhiều câu hỏi tu từ để tạo sự hoài nghi, sự băn khoăn và không chắc chắn về lựa chọn trong quá khứ, về giá trị của tự do, về bản chất của tình yêu và ý nghĩa của cuộc sống. Các chương thường kết lửng lơ, có thể bằng một ý tưởng đột hiện để gây sững sờ, bằng một chuỗi những câu hỏi mà không cần câu trả lời, hoặc những câu trả lời triệt tiêu lẫn nhau, để lại một khoảng lặng bất an trong suy nghiệm của người đọc. Truyện kể ở ngôi thứ nhất, để quan sát, ghi nhớ, và thu hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị của thế giới, trong cách nhìn thân mật, riêng tư, và mang chủ kiến của chính tác giả. Đôi khi ngôi thứ nhất bị đẩy ra khỏi vai trò chủ thể, trở thành đối tượng để nhìn ngắm, để soi chiếu, để một đôi mắt nào đó dán vào. Đôi mắt của một người đã chết, đôi mắt của thế giới bên kia. Khi đó, chúng ta nhìn thấy nhân vật trong sự trơ trọi và đơn độc kinh khiếp, bị tách khỏi bản thể, ly tâm khỏi trọng lực của cuộc sống và gần như mất ý chí chống chỏi. Đó là những lúc nhân vật bị dằn vặt bởi mặc cảm của người sống sót. Hơn thế, mặc cảm rằng sự sống của anh được đánh đổi bằng cái chết của Liên Hương, người yêu dấu. Cô có thật đã nhảy xuống nước, cô đã chết chìm, hay cô đã bị hải tặc bắt đi, hay còn điều gì nữa? Một điều ghê gớm mà ký ức phải từ khước chuyện ghi lại? Phần tường thuật cái chết và diễn biến lúc đó không đủ chi tiết để khẳng định rốt ráo điều gì trong giây phút hoảng loạn thần trí. Nên việc nhân vật chính còn sống sót, hoặc bị cái chết từ khước, cũng không thể thuyết phục được chính anh. Anh được một người đánh cá tốt bụng dẫn đến tàu giàn khoan và được vớt. Nhưng anh cũng có thể đã chết nhiều lần trong giấc mơ nhảy xuống biển để khỏi bị hải tặc chặt ngón tay đeo chiếc nhẫn vàng. “Lịch sử là quá khứ đã được chọn lọc,” nên tính bất khả tín của ký ức, việc ký ức tự chọn lọc các chi tiết như một phương thức sinh tồn “survival mechanism,” tất cả những câu hỏi trực tiếp và gián tiếp nảy sinh trong tiến trình đọc đã mở ra cho độc giả quyền tự chọn: đâu là những gì đã xảy ra trong chuyến đi, đâu là phần ảo giác, đâu là khoảng giao thoa giữa những thực tại chênh vênh nhau – thực tại có thể kiểm chứng được và thực tại lọc qua mỹ cảm, đâu là điều khả tín, điều mà nhân vật muốn tin rằng có thật, đâu là tự truyện, đâu là tiểu thuyết. Người đọc có thể tự hỏi, có phải điều đang đọc là hư cấu chăng, hay tất cả những sự kiện này được lồng vào thể giả-tiểu thuyết, như một diễn ngôn-thơ, để dẫn tới những diễn dịch bất ngờ nhất?

Một mặt nào đó, kỹ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Đức Tùng với nhiều chất thơ, tư tưởng và hình ảnh mang đến những nét nghệ thuật độc đáo lẫn những thách thức đối với độc giả và tác phẩm. Các hình tượng thi ca trong văn Nguyễn Đức Tùng tạo ngôn ngữ đa tầng, đa nghĩa, gợi cảm và đầy nhạc tính. Thủ pháp này mở rộng không gian diễn giải để khám phá những ý nghĩa tiềm ẩn trong những hình ảnh kết nối với nhau. Ngôn ngữ mang tính biểu tượng và ẩn dụ giúp tác giả truyền tải những suy nghĩ phức tạp một cách tinh tế, tự nhiên, lắng đọng. Giá trị Thuyền nằm ở việc tác giả đã sáng tạo một thi pháp rất riêng để tường thuật.

Thử thách của thủ pháp này là việc khó tiếp cận đối với một số độc giả đã quen với lối kể chuyện tuyến tính và mạch lạc, đòi hỏi nỗ lực trong việc theo dõi cốt truyện. Một truyện dài cần có sự cân bằng giữa việc kể chuyện và biểu lộ cảm xúc trữ tình. Sự tập trung quá nhiều vào miêu tả nội tâm và hình ảnh cảm quan có thể làm mờ đi diễn biến chính của câu chuyện, khiến độc giả khó nắm bắt được các sự kiện và mối quan hệ giữa các nhân vật, dẫn đến việc làm chậm nhịp điệu câu chuyện và trì hoãn chuyển động của tình tiết- vốn là yếu tố chính để đẩy tiểu thuyết đi tới và kéo người đọc đi cùng. Kỹ thuật viết truyện dài với nhiều chất thơ và suy tưởng là một con dao hai lưỡi. Khi được sử dụng một cách vừa phải và tinh tế, chúng ta sẽ có những tác phẩm độc đáo, giàu cảm xúc và ý nghĩa. Bằng không, tác phẩm trở nên lê thê và giảm đi sức hấp dẫn đối với độc giả. Nguyễn Đức Tùng có vốn ngôn ngữ phong phú, khả năng vận dụng hình ảnh sáng tạo và tư duy trừu tượng sâu sắc, nên Thuyền là sân chơi để anh thao túng thủ pháp này. Sự thành công của kỹ thuật này phụ thuộc vào bản lãnh, kinh nghiệm và tài cân bằng liều lượng nơi người viết: giữa tính thơ và tính truyện; giữa tường thuật, đối thoại, miêu tả và suy nghiệm; giữa việc đào sâu những tâm trạng khuất lấp ở tầng ngầm và việc dàn trải những phóng tưởng theo bề rộng. Chương kết “Gọi hồn” là phần mang nhiều tính truyện nhất, giúp khẳng định Thuyền là một tiểu thuyết vận dụng những chất liệu của đời sống, sắp xếp chúng theo một trật tự, phối trí thành một kiến trúc gồm những khối rubik ghép lại, mà chương kết có khả năng mở khoá mọi khối rubik trước đó. Đoạn kết này khiến tôi bàng hoàng cảm động, một cái kết mở ra những suy tưởng mới và thâu tóm mọi biến cố trong một chớp mắt của khải thị.

Trôi trên dòng ý thức của nhiều dạng hiện thực, trong đó ký ức pha trộn với cảm thức, Thuyền chuyên chở một diễn ngôn không đi ngoài tầm mong đợi của người đọc về những chấn thương cá nhân và thảm kịch tập thể, những xung động ngầm bên trong tâm lý nhân vật, cùng những suy tư sâu sắc và đa chiều trong những đối thoại xuyên không gian và thời gian giữa những người yêu nhau và đã mất dấu nhau. Thuyền là một bản truy vấn về biên giới mong manh giữa siêu hình và thực thể. Thuyền là một khả thể cho phép con người, người viết, người đọc, và nhân vật cùng trải nghiệm và sống với mọi chiều kích của hiện hữu. Thuyền giúp chúng ta vượt qua khoảng cách nghìn trùng của thời gian-không gian như những hạt lượng tử tự do. Thuyền cầm giữ lại cho chúng ta những cảm xúc, mùi vị, ký ức khỏi sự mất mát, thờ ơ, và vô vọng. Thuyền mang trong lòng nó sự khoan dung khi nhìn lại số phận, như trong so sánh sự thương tiếc với “một người lớn trở về quan sát một đứa trẻ từ ngoài cửa sổ, ân cần nhìn nó” – với nỗi an ủi, rằng nỗi đau có thể một ngày nào đó, một lúc nào đó, tách khỏi chúng ta, quay lại nhìn ngắm chúng ta, với lòng thương xót và trìu mến, và chúng ta sẽ nguôi đi, sẽ dịu bớt, tập chấp nhận dần dần nỗi đau, để sống chung với nó, như một định mệnh không thể nào khác được, và chúng ta hiểu ra “sự thương tiếc không làm cho ai tốt hơn, nó chỉ giúp chúng ta trở thành chính mình, và tiểu thuyết không phải là cách thoát khỏi thực tại, tiểu thuyết là cách nhìn vào thực tại, nhờ thế tình yêu được trở lại là nó, là thân xác và ngôn ngữ, vốn không có mục đích, không dẫn tới điều gì, như cuộc đối thoại của hai đứa trẻ, một cậu bé và một cô bé, ngồi trên khúc gỗ giữa cánh đồng buổi chiều khi mặt trời đang xuống.”

Tôi nghĩ, việc đọc Thuyền là một kinh nghiệm giúp chúng ta nhìn lại những gì tưởng là đã mất, những ký ức tưởng là đã bị tẩy xoá hoàn toàn, và tìm thấy chúng trong một luồng sáng khác, với những cảm quan trở nên tươi mới hẳn, sau nhiều năm lãng quên.