Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Chừa lại cho mình một đường lui

 Phan Thanh Sơn Nam

Những năm mình học cấp hai, ba mẹ và các anh chị mình đi làm suốt ngày, nên học bài xong là mình tranh thủ ra chợ mua đồ ăn cho cả nhà. Có lần thấy một cô đang ngồi mua số đề, bỗng nhiên lật đật chạy rồi trốn sau lưng một quầy tạp hóa. Một cô khác cùng vài người nhìn mặt dữ dằn xuất hiện, tìm cô kia để đòi nợ. Thấy con nợ đã bỏ trốn, không đòi được tiền, cô chủ nợ lớn tiếng chưởi bới dọa nạt một hồi rồi cũng bỏ đi, còn cô con nợ lại xuất hiện và tiếp tục mua số đề như chưa hề xảy ra chuyện gì cả. Lúc đó mình thật sự không hiểu, mình và nhiều người khác trong chợ thấy rõ cô con nợ trốn sau quầy tạp hóa, tại sao cô chủ nợ lại không thấy, mà cái chợ quê nhỏ xíu, muốn tìm người cũng đâu có gì khó. Thậm chí vài người quen của cô chủ nợ đang có mặt ở đó, họ biết chỗ cô con nợ đang trốn, nhưng họ cũng giả bộ không thấy gì.

Thời sinh viên, có lần theo đoàn từ thiện về miền Tây phát quà, miền Tây thời đó có những vùng trù phú nhưng cũng có những vùng nghèo xơ nghèo xác. Mình và một cô trong đoàn phát hiện có người nhận quà rồi, sau đó quay lại nhận quà thêm lần nữa. Mình nhắc nhỏ cho cô biết, thì cô giả bộ không nghe mình nói gì, phát thêm phần quà nữa cho người ta, rồi còn cười nói vui vẻ hỏi thăm vài câu. Trên đường trở lại Sài Gòn, ngồi trên xe, cô nói với mình, có lẽ người ta đã vô đường cùng, không còn cách nào khác nên mới phải làm như vậy, thôi thì mình giả bộ không biết để giữ cho người ta chút thể diện nha con. Làm từ thiện, mình muốn trao 10 phần quà mà đúng địa chỉ được 7 phần là vui lắm rồi, sống ở đời đừng khắt khe quá. Rồi cô bất chợt thở dài xót xa, ở đời, có ai muốn phải đi nhận hàng từ thiện đâu con ơi.

Ngày mới chập chững vào nghề, một vị sư phụ của mình đã dạy, trên đời này không có công trình khoa học nào hoàn hảo hết, nếu có ngồi hội đồng thì phải lựa cái đúng cái hay để cho điểm, chứ không được lăm le tìm cái sai để trừ điểm. Sư phụ luôn dạy mình, đi theo con đường làm khoa học, muốn thành công thì tuyệt đối không bao giờ được đuổi cùng diệt tận ai cả. Bởi vậy, khi ngồi hội đồng, phải nói về hạn chế hay sai sót của người ta, mình cũng chỉ nói một phần trước mặt hội đồng thôi, còn lại mình sẽ góp ý riêng cho người ta để họ chỉnh sửa lại cho tốt hơn. Dĩ nhiên mình càng không bao giờ đi kể những hạn chế hay sai sót của người khác ra ở chốn đông người. Có những lần trên hội đồng, biết chắc rằng nếu mình tiếp tục hỏi về vấn đề đó, người ta sẽ không trả lời được câu hỏi, nên mình giả bộ nói lảng qua chuyện khác.

Cũng vào thời điểm mới chập chững vào nghề, mình có cơ hội được làm việc với một vị sư phụ khác. Một ngày đẹp trời, sư phụ mình phát hiện ra có người tự ý lấy một kết quả nghiên cứu của sư phụ để đưa vào công trình khoa học mà họ là tác giả. Thời đó, internet mới xuất hiện, muốn tra cứu thông tin cũng phải vất vả ra thư viện quốc gia, chứ không phải dễ dàng như sau này khi hầu hết mọi thứ đã online. Trên tấm hình đó, có vài chữ viết tay, và mình nhận ra đó chính là nét chữ của sư phụ. Mình không rõ họ vô tình hay cố ý, nhưng không hiểu sao họ lại hồn nhiên để lại nét chữ viết tay của sư phụ trên tấm hình đó. Lúc đó, có người khuyên sư phụ phải làm lớn chuyện này để đòi lại công bằng, cũng có người khuyên sư phụ bỏ qua cho người ta. Cuối cùng thì sư phụ mình đã chọn cách im lặng và bỏ qua sự việc đó.

Gần 20 năm trước, mình được trường cử đi làm thanh tra cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 ở một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. Chuẩn bị phát đề, mình đi dạo một vòng, đang đi, bất chợt phải dừng lại đột ngột, trong phòng thi, cô giám thị lôi ra một cái phao nhỏ xíu từ trong người một thí sinh. Nếu mình bước thêm vài bước nữa, cô sẽ thấy mình, và dĩ nhiên là thí sinh kia sẽ bị đình chỉ thi ngay, dù chưa có cơ hội sử dụng phao, dù chưa nhận được đề thi. Mình vội quay người đi ngược lại, giả bộ không thấy gì cả. Kỳ thi kết thúc, trên đường ra bãi xe, cô giám thị cố ý chờ mình và nói, “Cám ơn thầy”, mình buột miệng nói lại, “Dạ em cám ơn cô”, bất ngờ nên mình cũng không hiểu cô cám ơn vì chuyện gì. Bởi vậy những năm làm thi cử, mình luôn yêu cầu tất cả thầy cô giám thị và giám sát kiểm tra thật kỹ càng ngay từ đầu, để tránh phải khó xử khi xảy ra sự cố.

Mẹ mình, một người phụ nữ quê mùa ít học, chỉ biết chữ vừa đủ để đọc được truyện Kiều. Mẹ biết mẹ là người ít học, nên mẹ không dám nói những điều cao siêu, mẹ chỉ dạy mình theo những trải nghiệm ở trường đời của mẹ. Thời bao cấp khó khăn, đến mùa khoai mì, mẹ xắt củ mì ra từng lát để phơi khô, phần thì để bán lấy tiền, phần thì để độn mì lát vào cơm, cái món ăn mà mình sợ đến giờ. Mẹ rất quý con dao bầu dùng để xắt lát củ mì. Một ngày, có người lại nhà mình mua nông sản, và con dao bầu biến mất. Mẹ đoán được ai là thủ phạm, nên sau đó mỗi lần đi chợ mẹ đều để ý người bị tình nghi. Một sáng đẹp trời, ở chợ, mẹ phát hiện ra người ta đang dùng con dao bầu của mẹ. Giữa chợ đông người, mẹ chỉ đến khen sao người ta mua được con dao tốt quá, rồi mẹ bỏ đi. Ngay trưa hôm đó, mình đang ăn trưa thì có người tới trả lại con dao cho mẹ.

Sống càng lâu, mình lại càng thấm thía lời của người xưa dạy, rằng chuyện lớn chuyện nhỏ gì thì cũng phải chừa cho người ta một con đường sống, cũng chính là chừa lại cho bản thân mình và con cháu mình một đường lui…