Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2025

Thực – Mơ

  (Về triển lãm “Đất Mẹ” của họa sĩ Nguyễn Như Đức)

Lê Thiết Cương

Dù là chùa ở làng hay ở kinh đô thì cũng chỉ có một cổng. Cánh cổng ấy luôn mở, ai vào cũng được. Thánh đường nghệ thuật cũng vậy, mỗi người hãy tự chọn cho mình một con đường riêng để đến với nghệ thuật. Người đi xe, người đi tàu, người đi bộ, người đi bằng trừu tượng, người đi bằng hiện thực. Gì cũng được, miễn là đến nơi. Cánh cửa nghệ thuật luôn rộng mở và đón chào. Tóm lại có rất nhiều con đường để đến với nghệ thuật.

Nguyễn Như Đức chọn con đường hiện thực, chính xác là ở giữa mơ và thực. Gặp nhau thì đúng hơn chứ chọn sao được? Con đường thực - mơ này phát hiện ra Đức, hiểu theo một ý khác thì Đức tìm thấy mình, phát hiện ra mình qua con đường thực - mơ ấy. Không phải vẽ kiểu hiện thực thì không hay nhưng với tính người của Đức có vẻ như anh muốn “hóa vàng” cái khía cạnh nhìn thấy, cái vỏ của đời sống thực đã đông cứng để làm cho nó phải “hóa thân” vào một hiện thực khác một hiện thực riêng có cho mình. Một mơ ước muôn đời của những người làm nghệ thuật đâu phải chỉ mình Đức. Quá trình tìm ấy chính là “sang sông”, đến bờ bên kia được hay không thì còn do “ý Chúa”. Cho nên cứ vẽ đi, tìm tòi đi, bởi Niết bàn nằm ở đường đi chứ đâu phải đích đến.

Trong 33 tác phẩm của lần bày này có nhiều bức vẽ về đề tài Mẹ nhưng ngay cả những bức không vẽ về chữ Mẹ cụ thể như những bức: Vườn yêu, Trái ngọt, Vụ mùa, Mùa xuân ở Hội An thì cũng đều là câu chuyện Mẹ, về tình mẫu tử. Chọn được một đường dây câu chuyện xuyên suốt cho triển lãm đã là một phần của thành công. Mẹ là một đề tài lớn, có phần đến mức trừu tượng, không hiển hiện ra đời sống cụ thể hàng ngày nhưng Mẹ luôn ở xung quanh ta, trong từng câu chuyện nhỏ. Bằng hội họa của mình, Đức đã đưa được một đề tài lớn trừu tượng ấy thành những câu chuyện hữu hình đời thường, gần gũi, giản dị thông qua con đường mơ thực, thực mơ. Tư duy Mẹ trong nguồn mạch tinh thần của người Việt cũng là một truyền thống khởi từ Mẫu hệ, Đất mẹ, Mẹ thiên nhiên, sông Cái (sông Hồng), cột cái (cột to nhất ở trong một ngôi nhà ba gian)… Ở nhiều bức Đức thích mượn hình ảnh một người phụ nữ có nhiều tay từ tượng Phật Quan Âm Chuẩn Đề. Ám ảnh nhiều tay ấy của “Mẹ” được Đức chuyển hóa thành những ý nhiệm về sự bao bọc, nâng đỡ, che chở, cứu rỗi.

Một hình tượng nữa được Đức quan tâm nhiều đó là thiên nhiên, vườn tược, tán lá, bầu trời, ánh trăng… Thực ra đấy cũng là Mẹ, đấy cũng là thiên ân, ân huệ của đất trời ban cho loài người một môi trường sống an lành. Một bức tranh cũng như một bản nhạc, ngoài bè chính, bè phụ còn có những khoảng lặng. Những khoảng trống, tối, không chi tiết trong tranh của Nguyễn Như Đức cũng là dấu lặng. Nhưng người ta vẫn có thể nghe được, nghe thêm được đôi điều trong đó mà chưa chắc những phần có hình dù diễn tả công phu, tỉ mỉ với một tay nghề cao đã nói được. Mà liệu thì có nhất thiết phải nghe thấy không? Có nhất thiết điều gì cũng phải lý giải tường tận không? Sự im lặng, bí ẩn, hấp dẫn đã là đủ để người xem tưởng tượng theo cách của mình. Nó là cái duyên thầm trong các tác phẩm của Đức.

6. 2025

(Triển lãm cá nhân đầu tiên “Đất Mẹ” của họa sĩ Nguyễn Như Đức trưng bày 33 tác phẩm trên chất liệu sơn dầu, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 3/7 đến hết 10/7/2025).