Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

Phòng khám

Truyện ngắn Văn Giá


Lão Ký lần đầu tiên đi khám bệnh theo chế độ bảo hiểm sau hưu. Có bệnh thì chữa. Mấy hôm nay lão thấy trong người khang khác. Có lúc đường thở như hụt hơi. Con người ta lạ lắm. Lúc đang còn công tác, chả mấy khi đau ốm, đến khi cầm sổ hưu, bệnh tật ở đâu cứ sầm sập ập về. Có người bảo lúc đang đi làm, người ta như cái động cơ, bắt phải chạy, không chạy không được, chạy để còn làm việc, không được phép ốm. Đến khi hưu, cỗ máy được dừng, tự nhiên không còn động lực nữa, nên nó hư hao dần, uể oải dần. Lúc đó bao nhiêu mầm bệnh lâu nay nằm phục sẵn, chờ dịp nhất loạt kéo nhau khởi nghĩa. Thì đấy, chả hiếm người cả đời khổ, thoát việc về hưu, tưởng nhàn nhã thong dong hưởng đời chuyến vét thế mà đùng đùng ốm rồi đùng đùng tịch.
Nay lão rời nhà thật sớm, lúc còn nhọ mặt người. Ấy thế mà tới nơi đã thấy đông ngàn ngạt. Toàn những người cao tuổi. Đầu hói. Lưng còng. Tóc bạc. Hom hem. Phểu phào. Dặt dẹo. Bỏ mẹ, hình như mình thuộc diện trẻ nhất ở đây thì phải. Trẻ nhất trong số những người già, rất già. Các cụ hưu rảnh việc nên đi xếp hàng khám bệnh sớm. Cũng do các cụ ít ngủ. Già rồi thì hay dậy sớm. Dậy sớm thì đi sớm. Có cụ tự ra xe buyt để đi. Có cụ khua con cháu đang say giấc mở mắt dậy để đưa đi. Thể nào cũng bị cằn nhằn đôi câu rồi chúng mới miễn cưỡng dậy, miễn cưỡng đưa...
Đây là lần đầu tiên lão Ký đi khám ở bệnh viện này. Theo tiêu chuẩn, nghỉ việc xong một cái là lão chuyển sổ bảo hiểm về đây. Có n5gười khuyên lão không nên. Chỗ ấy chỉ tốt cho dưỡng bệnh thôi, chứ chữa bệnh thì nên tránh. Lý do? Thì có người bảo ở đấy đội ngũ y bác sĩ thuộc diện “5 C”, tức là toàn “con cháu các cụ cả” được ưu tiên điều về làm việc, chứ không phải qua tuyển chọn, thi cử gì. Thế thì lấy đâu ra người giỏi?... Nói thế thì cũng vơ đũa cả nắm. Có phải hễ cứ con ông cháu cha đều dốt cả đâu. Cũng có những người giỏi chứ! Đã đành. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng ở những chỗ ngon ăn như thế, ô dù như thế, người giỏi thì quả thật hơi bị ít.
Nghe thì nghe vậy, nhưng lão lười, lão chả biết cậy cục ai, chả biết chuyển thế nào. Mà thấy bảo chuyển cái bảo hiểm từ chỗ nọ sang chỗ kia là nhiêu khê lắm. Mà tại sao chế độ bảo hiểm lại cứ phải ấn chết vào một bệnh viện nhỉ? Đã là bảo hiểm thì tôi được quyền chữa bệnh trên khắp cả nước này chứ? Không hiểu. Không thể hiểu. Cái nền quản trị xứ này có nhiều thứ lão, và không chỉ có lão, rất nhiều người không hiểu. Không hiểu nên sợ. Không hiểu nên ngại. Không hiểu nên tặc lưỡi cho qua.
Sau một lúc quan sát các biển chỉ dẫn, lão bụng bảo dạ phải làm quen dần. Từ nay trở đi đời lão phụ thuộc vào cái bệnh viện bảo hiểm này cho đến lúc ngoẻo thì thôi. Lão hỏi han mấy cụ xem đường đi nước bước thế nào. Ngồi gần cạnh lão là một cụ. Cạnh cụ là một cái tay can. Chắc cụ này về hưu dễ không dưới chục năm. Cụ bảo, anh như người giời ấy nhỉ? Anh chưa đi khám bao giờ à? Dạ, đúng là lần đầu tiên em đi khám. Em mới về hưu mà. Thì đấy, anh lấy số chưa? Lấy số là thế nào ạ? Là ra cái máy kia kìa, ấn vào cái nút, nó tòi ra cái giấy có đánh số thứ tự. Rồi ra ngồi đây, khi nào người ta gọi số thì vào... À, ra thế. Lão Ký đứng dậy lấy số. Ồ, vừa mới sớm ra đã đến một trăm có lẻ thế này? Quay về chỗ ngồi. Cụ ông vừa nãy đi đâu không biết. Một bà cụ thế chỗ, ngồi bên cạnh. Hai mắt cụ nhắm nghiền, miệng lầm rầm những âm thanh gì không rõ. Chắc là bệnh nhân tâm thần? Hơi hoảng. Định thần, lão cố nghe xem bà ta nói gì. Nam mô a di đà... Thì ra bà cụ đang đọc kinh nhà Phật. Không rõ cụ cầu khấn những gì. Hay đơn giản chỉ là một cách thiền... Nếu mà Phật độ cho cụ thì chắc cụ đã chẳng phải đi bệnh viện. Lão tự cãi với lão trong đầu như thế.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên lão đi khám bệnh theo chế độ bảo hiểm. Khi còn đang ăn cơm nhà nước, lão cũng đã mấy lần. Lão đã biết cái sự khốc liệt của nó rồi. Lão biết hễ những người đi khám từ tinh mơ sáng đều thuộc thành phần các cụ hưu. Từ khoảng 6 giờ trở đi mới là các bệnh nhân thường, tức là những người còn trẻ, vẫn đang độ tuổi làm việc. Đông khủng khiếp. Bệnh viện nào cũng vậy. Lý do đông, thì đúng rồi, người ta có bệnh người ta mới đến khám. Nhưng thấy bảo có một đội ngũ các cụ tre trẻ đang còn sức rất chăm đi khám, mỗi tháng dễ có đến hai lần, để làm gì ư? Để lĩnh thuốc do bảo hiểm chi trả? Để làm gì nữa? Để đem bán lại cho các hiệu thuốc quen. Ồ thì ra cũng là một cách lao động kiếm tiền. Thời nay có nhiều cách kiếm tiền lắm. Riêng chỗ bệnh viện, đi chăm nuôi bệnh nhân cũng là cách kiếm tiền. Đi bán máu cũng là một cách kiếm tiền. Đi đẻ thuê cũng là một cách nữa. Ấy là chưa kể bọn chuyên cò mồi, có khi cấu kết với nhân viên bệnh viện dụ dỗ, chèo kéo, mách nước, lừa đảo người bệnh...
Đang ngồi đọc sách để chờ đến lượt vào khám, con gái lão gọi điện đến. Bố đây. À, bố chịu được. Bố ngồi đọc sách thôi...À, bố vừa đọc vừa để ý, đến lượt họ khắc gọi chứ. Còn lâu. Số của bố ngoài một trăm, mà bây giờ mới chưa đến 20. Con nói sao? À, nếu phải sang chiều thì bố sẽ ra ngoài cổng viện ăn trưa. Hà hà... Bố cứ thi gan một lần xem sao. Bố có sách rồi, ngồi chờ mà đọc sách cũng là một cái thú chứ, con!... Đứa con gái cưng của lão nó cứ ân cần lo cho bố mọi lúc mọi nơi thế đấy. Còn thằng cu thì chẳng ỏ ê gì đâu. Bọn con giai hay vô tâm. Kệ nó. Nhưng riêng chuyện “Trẻ cậy cha, già cậy con” thì các cụ ta xưa nói đúng, mà chỉ là đúng với con gái thôi, chứ đừng hòng trông vào con giai, con dâu. Con giai thì vô tâm, đoảng tính. Con dâu thì “khác máu tanh lòng”, cho dù nó có xót thương thì cũng không thể tận lòng, động lòng bằng cái đứa con gái được. Bao nhiêu cứt đái, đờm dãi, rơi vãi, lau rửa, tắm giặt... đứa con gái nó làm hết, cứ nhẹ như không, như là bổn phận, như là thương xót, thậm chí như là nỗi vui. Lão tự cho rằng ai có con gái thì là có cái sự may mắn ở đời. Thì cứ nghĩ thế cho đời nó tươi. Ai cấm được ý nghĩ của người ta. “Ting... ting”. Con gái lão nhắn tin. Lão lúi húi nhắn lại, con đừng mang cơm cho bố làm gì vất vả ra, bố ăn mấy đâu, bố ra cổng viện ăn bát phở cũng là xong, yên tâm con gái nhé! Đang nhắn, mắt lão nhòe đi. Ừ, trong nhà lão, vợ và thằng con giai thì không tính làm gì, chỉ có đứa con gái lão, cái “Zín”, lão gọi yêu thế, là hay làm lão cảm động thôi.
Lão mở quyển sách ra đọc. Bây giờ mới là 8 giờ. Nếu nhanh ra cũng phải cỡ 11 giờ mới hy vọng đến lượt. Lão lật chỗ trang gấp đánh dấu. Tác giả quyển sách này là một tay nhà văn khá nổi tiếng người Mỹ, học xong phổ thông thất nghiệp, có mấy năm làm nghề thợ xây, sống ở vùng ngoại ô nghèo, đam mê ca hát, giọng hay, thường được mời hát trong các hộp đêm, quán bar. Một lần, trong đám bạn hát, có một người đang tập tọng viết văn, rủ cậu chàng đi học lớp viết văn do một câu lạc bộ tư mở. Rồi anh ta viết. Anh ta dự thi. Ngay lập tức được giải. Và cứ thế, anh ta nổi tiếng... Ờ, thì ra con người ta rất lạ. Nếu không đi hát sẽ không gặp anh bạn kia. Sẽ không có chuyện đi học viết văn. Sẽ không có chuyện được giải. Sẽ không sủi bọt sủi tăm. Số phận một con người vẫn là chuyện muôn đời bí ẩn. Lão cũng thế chứ. Năm học hết cấp ba, lão bị gọi đi bộ đội. Vừa thi xong đại học, chưa biết điểm chác thế nào. Ừ đi thì đi. Bộ đội là một môi trường mới, mà mới bao giờ cũng hứa hẹn những điều thú vị. Cậu giai 17 tuổi phơi phới tòng quân. Vừa vào được có 3-4 ngày, chưa kịp phát quân phục, ông cụ sinh ra lão đạp xe xuống đơn vị, báo lão có giấy gọi trúng tuyển đại học. Rồi ông cụ lên gặp các cấp chỉ huy. Ngay sau đó, cậu giai 17 tuổi bị cho về. Lúc bấy giờ, đã là thời bình, nên có chính sách không lấy sinh viên đại học đi bộ đội. Thế là lão theo ông cụ ra về, lòng nửa vui nửa buồn, hay nói đúng hơn, buồn vui lẫn lộn. Vui được đi đại học. Buồn vì cái máu thích đi xa nhà để thỏa chí tang bồng đột nhiên dừng lại... Cũng lại là cái số. Đận ấy, bao nhiêu lính tráng đi cùng lão, sau mấy tháng huấn luyện rồi tất cả bị lùa sang Campuchia đánh nhau với bọn Pôn-pốt, hầu như chết sạch.
Lão Ký để mắt vào trang sách mà hầu như chả con chữ nào bám vào tâm trí. Lão chợt nhớ lại quyển sách màu vàng vàng của ông nhà văn ấy. Mồn một hiện lên cái truyện rất khá, rất có tầm. Ai đời, mụ vợ và thằng con trai như thỏa thuận với nhau thôi không chữa trị gì cho ông ta nữa, cứ để cho ông ta nằm đấy, chết dần chết mòn, chết khô chết khát. Thực ra thì trước đó cũng đã mang ông đi bệnh viện chữa rồi. Bao nhiêu của nả đi theo tiệt. Trong nhà, vốn đã chẳng khá giả gì, nay hoàn toàn xơ xác, không còn gì gọi là đáng giá. Nhưng có lẽ cái sự kiệt sức của bà vợ với thằng con giai mới đáng sợ. Kiệt sức dẫn đến kiệt tâm. Một giao ước ngầm để người bệnh nằm chờ chết đang được thực thi một cách lặng lẽ và quyết liệt. Chả biết tim con người ta còn biết đau không?
Lão đứng dậy cà nhắc vài bước chân cho đỡ mỏi. Gần lão là một cụ già đang đứng trước một ô vuông nhỏ trước quầy, phía trong là nhân viên bệnh viện. Từ đó vọng ra tiếng the thé như quát:
-Người nhà cụ đâu?
...
-Cháu hỏi người nhà cụ đâu?
...
-Giời ạ, cụ điếc à? Người thế này mà lại đi khám một mình thì làm thế nào?
Ngay sau đó, người đàn bà the thé xuất hiện, tay giằng lấy tập y bạ trong tay ông cụ, lật giở xem nhoáng nhoàng rồi cầm áo kéo cụ đi.
-Đây, cụ đi đằng này. Vào đây bác sĩ khám cho. Giời ơi, lại đái cả ra quần thế này à? Rõ tởm. Đi... Đi đằng này cơ mà!... Con cái ông đâu mà lại đi một mình thế này?
Tiếng quát tháo, cằn nhằn, chì chiết của người đàn bà the thé nhỏ dần...
Lão Ký thở dài lụi cụi về lại chỗ băng ghế ngồi chờ. Đây là hình ảnh tương lai rất gần của lão, của tất cả những người già đang chung quanh lão. Ngay lúc này lão muốn bỏ cuộc. Khám thì khám chả khám thì đừng. Khám thế này thì nhục quá. Người đi khám không được đối xử như “người bệnh” mà chỉ là “con bệnh”, con vật bị bệnh. Thế thôi. Lão cay đắng nghĩ. Nhưng mà đã mất cả buổi sáng, từ tinh mơ đến giờ chả lẽ lại bỏ cuộc ư? Thì gắng chút xem sao. Thì thi gan với nơi này một phen xem sao. Cứ cho là mất toi hẳn một ngày là cùng chứ gì. Đời lão cũng đã không ít lần xếp hàng về việc nọ việc kia rồi. Lão chậc lưỡi ngồi xuống. Bệnh viện chẳng phải là nơi thử thách lòng kiên nhẫn của con người đó sao!
Tự nhiên, lão nghe thấy tiếng rì rầm “Nam mô a di đà Phật”. Thì ra vẫn bà cụ khi nãy. Thì ra cụ cũng vẫn đang chờ đến lượt khám. Mắt bà cụ nhắm hờ. Mấy sợi tóc bạc rủ lòa xòa trên mặt. Gương mặt bà cụ bình thản, nhẹ nhõm. Bất chợt lòng lão chùng xuống. Có một thứ gì đó se sẽ khởi lên trong thân tâm lão. “Nam mô a di đà...”...
Ngày rằm tháng Sáu, 2025
VG