Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2025

Lan man về THUYỀN (1)

 Lê Học Lãnh Vân

GIỚI THIỆU

THUYỀN là tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Đức Tùng nói về vượt biên, câu chuyện của Việt Nam hơn bốn mươi lăm năm trước làm rúng động thế giới.

THUYỀN đáp ứng các yêu cầu của một tiểu thuyết. THUYỀN là câu chuyện một người vượt biên bằng thuyền, được kể bằng văn xuôi, với những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực. Các câu chuyện trong THUYỀN phức tạp, được kể trong mối liền lạc gắn kết nhau.

THUYỀN có chủ đề táo bạo, ít nhất là táo bạo trong môi trường văn hóa - chính trị Việt Nam, có tính phi cấu trúc, phi tuyến tính, chen vào dòng sự kiện là nhiều suy nghĩ, nhận thức của tác giả được trình bày theo nhiều cách. Mạch viết ấy, nếu để giải trí thì là cuộc giải trí mệt nhọc, không chỉ vì hình thức mà chủ yếu vì nội dung khêu gợi nhiều tầng lớp liên tưởng, nghĩ suy...

THUYỀN có năm mươi lăm phần có thể gọi là chương nếu ta nhìn vào hình thức. Ông Phạm Xuân Hùng gọi năm mươi lăm chương đó là năm mươi lăm Khúc (Những lát cắt từ chuỗi xoắn kép, Phạm Xuân Hùng, https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhung-lat-cat-tu-chuoi-xoan-kep/). Chữ Khúc gợi trong lòng người tiếng ca hay tiếng ngâm bài thơ song thất lục bát cất lên diễn tả nỗi buồn. Cung Oán Ngâm Khúc, khúc Ai Tư Vãn. Chữ Khúc cũng ngầm mang ý văn phong THUYỀN mang nhiều chất thơ. Tôi đồng ý và xin mượn cách dùng chữ Khúc của ông. Quả thực, năm mươi lăm khúc ấy tạo nên một dòng chảy ký ức mang nhiều nỗi niềm trong THUYỀN.

Dòng sông ký ức ấy có thể chia thành những đoạn chảy khác nhau, a) đoạn dành cho sự chuẩn bị chuyến đi từ lãnh thổ Việt nam; b) đoạn cho sóng gió thuyền nhân với hải tặc, giết người, hãm hiếp; b) đoạn cho khoảng đời trên đất Thái Lan; c) đoạn cho quảng đời ở Canada, và d) đoạn dành cho những bước chân trở về...

Đoạn thứ hai dành cho sóng gió thuyền nhân gồm nhiều khúc nhất, bắt đầu từ khúc thứ 6, Vòng Cẩm Thạch, tới khúc thứ 28, Chiếc Dép, chiếm 38.3% số chữ. Cũng hợp lý, tựa của tiểu thuyết là THUYỀN nên phần dành cho biển phải nhiều hơn phần dành cho đất liền!

Năm mươi lăm khúc ấy được bắt đầu bằng khúc Thầy Bói và kết thúc bằng khúc Gọi Hồn. Tác giả có dụng ý gì không khi bắt đầu và kết thúc bằng hai khúc nhuốm đầy sương khói tâm linh?

HÌNH ẢNH VÀ SỐ PHẬN CHIẾC THUYỀN

Hình ảnh và số phận của chiếc thuyền vượt biên trong THUYỀN được tác giả vẽ lên rất ám ảnh!

Đầu tiên là đi coi bói. “Thời trước, người ta xem để hỏi ngày lành tháng tốt, tiền tài, hạnh phúc lứa đôi, nhưng năm ấy, mọi người hỏi: có đi được không?”.

Có đi được không, câu hỏi ám ảnh cả xã hội thời ấy. Câu hỏi ấy được khúc 1, Coi Bói, giải rằng “Anh đi được. Chị không”. Thủ pháp viết hình như cố ý cho biết hậu vận không may của người con gái để mối đau lòng khôn tả cho người con trai...

Những người vượt biên đầu tiên thuộc dân Miền Nam, tổ tiên theo Nguyễn Hoàng Hoành Sơn Nhất Đái, đã bao đời đổ máu và mồ hôi khai phá vùng đất hoang mênh mông thành mảnh đất mới giàu đẹp cho tổ quốc, chiếm hai phần ba giá trị nền kinh tế chung của Việt Nam. Những người dân ấy luôn mong muốn góp sức vào sự phát triển ấm no bền vững của con Rồng cháu Tiên, một sáng "bừng con mắt dậy thấy mình tay không", không còn vai trò, chỗ đứng trên mảnh đất này. Người trụ cột gia đình vào trại cải tạo. Tài sản mồ hôi nước mắt không còn, phải đi kinh tế mới. Con cái gần như không được vào đại học... Một liều ba bảy cũng liều, đi có thể vùi thân đáy biển, làm mồi cho cá hay bị nạn hải tặc, nhưng nếu thoát thì có cơ hội, còn ở lại làm gì để sống và lo cho tương lai đám nhỏ đây!

Có đi được không? Có đi được không? Câu hỏi văng vẳng trong đầu bậc cha mẹ lo cho con cháu, trong đầu thanh niên nghĩ tới tương lai, trong đầu những người nghĩ mình bị cướp đi quyền sống...

Phải vượt qua những bất trắc trên đường tới điểm hẹn, lên thuyền. Sau bao lênh đênh trốn tránh, thuyền ra hải phận quốc tế thì gặp cướp biển. Thuyền bị vỡ ở đuôi, máy hư hại vì “một quả mìn có sức công phá lớn nổ ngay bánh lái, loại mìn tựa như thủy lôi được ném xuống”! Thuyền “Chết máy. Bánh lái thuyền vỡ nát. Con thuyền dừng lại, xoay vòng ” gợi hình ảnh chiếc thuyền lớn của cộng đồng mất phương hướng trên tiến trình phát triển suốt quảng đường dài...

Những người đi trên con thuyền đó chịu nhục nhã, bị trấn lột, bị hãm hiếp, bị giết chết trong cô khổ, lênh đênh giữa biển. Không có lực lượng nào của cộng đồng đứng sau lưng! Và họ biết, có thoát khỏi hải tặc họ cũng không có lối quay về! Chỉ có một con đường, chạy xa, chạy xa hơn nữa! Về nơi họ mong ước có tự do, có phẩm giá, có tình người...

VÀNG XƯA ĐẦY DẤU CHÂN

Sau đoạn dành cho sóng gió thuyền nhân là đoạn đời tị nạn trên đất Thái Lan. Sóng tạm êm, lửa tạm tàn dù cuộc sống tạm trên đất Thái Lan chưa phải là nơi ổn định lâu dài.

Khúc 31, Vàng Xưa Đầy Dấu Chân, kể trên “chiếc xe buýt dài chở chúng tôi từ bờ biển miền nam Thái Lan ngược lên phía bắc vào trại tị nạn”, đoàn thuyền nhân “người Việt tan tác”, ly hương tình cờ nghe tiếng hát chắc là của Thái Thanh. “Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa. Vàng xưa đầy dấu chân”...

Những người đàn ông liếc nhau và thấy giọt nước mắt vừa khô trên má bạn mình. Những giọt nước mắt đầy nỗi niềm tha hương ngộ cố tri, chính là nỗi lòng đau xót của kẻ sống xa quê! Người xưa ly hương còn hy vọng ngày hồi hương, những người vượt biên thời ấy của Nguyễn Đức Tùng không mong một chuyến quay về. Sau bao khổ nạn trên biển khiến bạn cùng thuyền ly tán, người thân mất đi, trên đất sống tạm, tiếng bài hát Việt cất lên giúp họ tìm lại khoảng đời tưởng vĩnh viễn mất đi, nên nghe tiếng hát ấy lòng họ còn xúc động mạnh hơn kẻ tha hương gặp bạn cũ từ quê xưa!

Những giọt nước mắt vừa khô trên má người đàn ông thấm mặn lòng người đọc là tôi. Dù không phải vượt biên, chuyến xuất ngoại gần bốn mươi năm trước của tôi cũng là một chuyến đi không định ngày trở lại. Lòng đau xé mỗi khi nghĩ mình đã mất hẵn ba mươi năm đầu đời nắng mưa kỷ niệm quê nhà.

Năm ấy, bước chân đi, với tất cả những gì đã nếm trải, tôi tưởng mình không bao giờ khóc được nữa. Vậy mà hơn hai lần nước mắt rơi vì nỗi tha hương!

Lần thứ nhất, khi bước ra ga metro Orsay một trưa tháng Sáu, thấy nắng in bóng tàn cây rõ rệt trên mặt đường. Nắng Paris thường nhàn nhạt, đường viền bóng tàn cây nhòe. Hôm ấy, nắng chiếu thẳng in rõ bóng tàn cây, cũng in rõ bóng quê nhà trong lòng khách tưởng trọn kiếp tha hương.

Lần thứ hai, khi gõ cửa phòng người bạn qua Pháp thực tập tiếng Pháp. Bạn người Sài Gòn gốc Hà Nội, mới qua Pháp khoảng ba tháng, nhờ tôi sửa chiếc va-li hư sợi kéo. Hôm đó dịp Tết, cửa phòng vừa mở, mùi nhang thơm ra. Nương theo mùi nhang, điệu hát chèo văng vẳng tiếp theo bởi một làn vọng cổ, rồi tiếng hát Những Đồi Hoa Sim...

Những lần đó, khi nước mắt dấn mi mới hiểu tình cảm quê hương chứa trong lòng nó tất cả các loại kỷ niệm và thương nhớ dài theo năm tháng, chính là tất cả cuộc đời đã qua. Với phương tiện di chuyển thập niên 1980, quê hương thực thể không xa lắm, nỗi tha hương chỉ trở thành đoạn trường khi người ta thấy mình vĩnh viễn bị mất quê hương.

Ngày 20 tháng 6 năm 2025