Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

Không gian trưng bày nghệ thuật ở Việt Nam: Những căn phòng đẹp nhưng im lặng

 Tobi Trần – Giám tuyển Độc lập

 

Trong hệ sinh thái nghệ thuật, không gian trưng bày không chỉ đóng vai trò là nơi trình hiện tác phẩm mà còn là cơ chế tri nhận, nơi nghệ thuật được kiến tạo như một cấu trúc tri thức, một công cụ tư duy và một hình thái giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đương đại thì từ hệ thống bảo tàng công lập đến các không gian nghệ thuật tư nhân, gallery và art space phần lớn đều đang vận hành trên nền tảng lỏng lẻo về cấu trúc, hạn chế về tư duy giám tuyển và phi học thuật trong cách kiến tạo diễn ngôn.

Ở cấp độ thể chế, các bảo tàng công lập hiện vẫn mang dấu ấn nặng nề của mô hình hành chính hóa nghệ thuật khi mà tác phẩm được xếp loại như hiện vật lịch sử hơn là đối tượng thẩm mỹ có tính chất đối thoại. Cách thức trưng bày thường tuyến tính, xếp theo giai đoạn thời gian hoặc theo các phạm trù văn hóa, dân tộc học nhưng không tạo ra bất kỳ ngữ cảnh hóa tư tưởng nào có khả năng kích hoạt khả năng tri nhận đương đại.

Nghệ thuật bị đóng băng trong các mảnh lưới phân loại khô cứng và không gian bảo tàng trở thành một dạng “lưu trữ có thuyết minh” hơn là nơi tư duy thị giác được phát triển và được khai mở chiều sâu nội tại.

Đáng lo ngại hơn, vị trí giám tuyển bảo tàng vốn giữ vai trò then chốt trong mọi thiết chế bảo tàng học hiện đại thì gần như không hiện hữu trong các bảo tàng công ở Việt Nam. Các triển lãm được tổ chức theo chỉ đạo hành chính, thiếu hệ quy chiếu học thuật, không có nghiên cứu nội dung và càng không có hệ diễn giải về ngữ nghĩa thị giác. Triển lãm trở thành một hình thức hành chính hóa như thực hiện các nhiệm vụ trong năm thay vì là hoạt động kiến tạo tri thức.

Hệ quả là nghệ thuật bị mất đi khả năng hiện diện như một thực thể sống động và thay vào đó là sự tồn tại lặng câm trong không gian trưng bày đông cứng.

Trong khi đó, hệ thống các không gian trưng bày nghệ thuật tư nhân bao gồm gallery thương mại và các art space độc lập lại tồn tại như một mặt đối lập nhưng không kém phần bất ổn.

Bề ngoài có vẻ là năng động, cởi mở và mang tính thử nghiệm cao hơn nhưng phần lớn vẫn vận hành trong mô hình hậu thuộc địa của thị trường hóa nghệ thuật, nơi gallery là nơi giao dịch hơn là nơi phát triển tư tưởng nghệ thuật. Phần lớn các cuộc trưng bày ở đây vẫn tuân theo nguyên lý “treo - ngắm - bán” và thiếu vắng hoàn toàn sự hiện diện của giám tuyển, của diễn ngôn tri thức đi kèm cũng như cơ chế phản biện học thuật nội bộ.

Một trong những điểm nghẽn then chốt là sự hiểu sai, thậm chí là không công nhận các vai trò của giám tuyển như một chủ thể học thuật. Giám tuyển tại Việt Nam nếu có thì thường chỉ là người điều phối sự kiện, chịu trách nhiệm logistic, treo tranh hoặc viết vài dòng giới thiệu mang tính mô tả.

Khái niệm giám tuyển như là một hoạt động kiến tạo diễn ngôn, nơi giám tuyển đóng vai trò đồng tác giả trong việc xây dựng trải nghiệm tiếp nhận tác phẩm vẫn còn rất xa lạ. Việc thiếu vắng tư duy, lập trường và cách diễn giải của giám tuyển (curatorial voice) trong triển lãm khiến toàn bộ không gian trưng bày chỉ còn là một bề mặt tiêu dùng thị giác mà không có chiều sâu lý giải, không có va chạm tư tưởng và không tạo ra bất kỳ chuyển động tri nhận nào.

Một điều không kém phần quan trọng càng đáng nói hơn là sự đứt gãy toàn diện trong cấu trúc liên kết giữa các thiết chế nghệ thuật như trường đào tạo mỹ thuật không kết nối với không gian trưng bày; các nghệ sĩ trẻ thiếu nền tảng lý thuyết để xây dựng thực hành sáng tác mang tính phản biện; gallery không có cơ chế hỗ trợ thực hành giám tuyển cho giám tuyển trẻ và bảo tàng không mở cửa cho các dự án hợp tác giữa nghệ sĩ, giám tuyển và cộng đồng khi vẫn ưu ái những tên tuổi lớn hơn thay vì tạo cơ hội cho các họa sĩ trẻ có tiềm năng được phát hiện từ giám tuyển độc lập.

Hệ sinh thái nghệ thuật tại Việt Nam hiện đang vận hành như một tập hợp rời rạc của các cá thể tự xoay xở khi ai đủ năng lực thị trường thì sống sót còn những ai đặt câu hỏi, tìm kiếm chiều sâu thì thường bị loại bỏ bởi sự im lặng của hệ thống.

Dù vẫn có một vài ngoại lệ khi các không gian độc lập đã và đang nỗ lực định hình lại không gian trưng bày như một diễn đàn tri thức nhưng những nỗ lực này vẫn mang tính cục bộ, lẻ loi và chưa thể tạo thành hệ hình có khả năng định hướng toàn cảnh.

Vì vậy, nghệ thuật không thể phát triển bền vững trong một môi trường thiếu vắng cơ chế tri thức, phản biện và “phân phối” học thuật. Không gian trưng bày nếu chỉ dừng ở mức “đẹp” và “dễ xem” thì dù có được đầu tư kỹ lưỡng về thiết kế, cơ sở vật chất vẫn không thể trở thành nơi sản sinh ra năng lượng tư duy mới.

Thực trạng này cho thấy một nghịch lý căn bản khi Việt Nam đang có sự phát triển về số lượng không gian trưng bày “đẹp” nhưng đồng thời lại rơi vào khủng hoảng về chất lượng diễn giải. Sự vắng mặt của giám tuyển học thuật không chỉ là một thiếu hụt nhân sự trong vấn đề xác thực học thuật mà là một lỗ hổng mang tính cấu trúc trong toàn bộ chuỗi giá trị của nghệ thuật thị giác từ sáng tác, trưng bày, tiếp nhận, lưu trữ và giáo dục.

Nói một cách khác, nghệ thuật thị giác Việt Nam hiện đang tồn tại trong một môi trường hậu thực dân về thẩm mỹ và tiền hiện đại về thể chế, nơi nghệ sĩ bị kỳ vọng phải tự làm giám tuyển, tự làm truyền thông, tự viết tuyên ngôn và tự định vị mình trong một hệ thống không có tiêu chuẩn đánh giá học thuật rõ ràng.

Trong hoàn cảnh đó, người nghệ sĩ không chỉ bị cô lập mà còn bị tước đoạt quyền được tồn tại trong một hệ thống nâng đỡ có cấu trúc.

Nếu chúng ta muốn thay đổi điều đó thì không thể chỉ trông chờ vào vài giám tuyển dám “dấn thân”, vài gallery “có tâm” hay vài chương trình nghệ thuật cộng đồng được tài trợ ngắn hạn.

Điều cần thiết là một cuộc cải tổ toàn diện từ chính khung tri thức: luật pháp nên công nhận giám tuyển như một nghề chuyên biệt; trường mỹ thuật phải tái cấu trúc giáo trình để tích hợp đào tạo giám tuyển; các thiết chế văn hóa phải thiết lập chuẩn vận hành và hệ thống đánh giá học thuật; và đặc biệt, cần hình thành các không gian trưng bày mang chức năng học thuật nơi giám tuyển, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng có thể tương tác như những chủ thể tri thức bình đẳng.

Khi nào nghệ thuật còn bị nhìn nhận như một sản phẩm “phụ trợ văn hóa” hơn là một công cụ nhận thức thì chừng đó các không gian trưng bày sẽ vẫn tiếp tục đẹp nhưng vô nghĩa và lặng im...