Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

Lan man về THUYỀN (2)

 Lê Học Lãnh Vân

 

PHỤ NỮ

Trong rất nhiều Khúc, hình ảnh người phụ nữ luôn được trau chuốt, nâng niu.

Phụ nữ chiếm nơi trang trọng, âu yếm nhất trên những trang sách và tất nhiên, trong tâm tư của tác giả.

Chắc chắn phụ nữ rất quan trọng với đàn ông, văn tài của Nguyễn Đức Tùng tạo nên những dòng tinh tế, đẹp như hoa, dịu như lụa, sủi tăm như rượu champagne, nồng nàn như bếp lửa. Nhưng cùng lúc, phụ nữ kiên trì, can đảm, mạnh mẽ, hy sinh trong tình yêu...

Trong khúc 1, Thầy Bói, tác giả, đưa Liên Hương coi bói. “Tôi xóc bài theo lệnh của chị thầy bói. Chia bài ra, lật một nửa những quân bài trên chiếu, trả lời câu hỏi”. Linh cảm gì của người phụ nữ khiến “Liên Hương níu tay tôi. Nàng sợ hãi, nỗi sợ hãi vô hình như dự báo”?

Chị thầy bói phán: “Anh đi được. Chị không”.

Chúng tôi im lặng”. Và ra về. “Liên Hương lặng lẽ theo sau”.

Tôi cảm nhận nỗi lo sợ luôn theo đuổi Liên Hương, dù cô không thốt ra. Cô có thực lòng muốn chấp nhận nguy cơ vượt biên không? Tác giả, bạn trai cô, có để ý tới nỗi lo sợ của cô không? Anh dắt Liên Hương rời nhà chị thầy bói, “ra đường, thấy lòng mình thật vui”!

Vì niềm vui và sự háo hức của tác giả - người yêu mà Liên Hương, dù lo sợ, vẫn theo anh dấn thân vào mạo hiểm.

Khúc 3, Cầu Khỉ, tả chuyến đi vừa bắt đầu đã trần ai! Trên đường tới điểm hẹn họ phải chạy trốn, “sau lưng, tiếng chân người, tiếng hò hét, tiếng súng tiểu liên lên đạn lách cách, chậm lại là bị bắt”. “Bên tai tôi tiếng thở dốc hào hển, tôi biết Liên Hương đã cố hết sức mình”, “Liên Hương lại ngã xuống lần nữa, vấp một tấm bia mộ”.

Phải chạy tiếp, hai người phải băng qua một cây cầu khỉ, tay vịn lung lay. Dân miền Tây đều biết người lần đầu đi qua chiếc cầu khỉ như vậy phải té xuống lòng kênh rạch. Trong cơn nguy cấp đó, “tôi ngoái nhìn ra sau, Liên Hương bất ngờ trở nên dũng cảm, bình tĩnh. Nàng bám chặt tay vịn, một tay níu được tay tôi, hai chúng tôi vọt lên”.

Người phụ nữ dù đang mệt lả, thấy người thân trong cơn nguy cấp thì tự có sức mạnh bình sinh. Sức mạnh ấy do tình yêu, lòng hy sinh. Qua cơn nguy cấp, “khi biết mình an toàn, cơ thể tôi rũ xuống. Liên Hương nôn ói, vọt ra”.

Tác giả và người bạn gái dìu nhau đi tiếp tới khi đuối sức nằm lăn ra ngủ đất cỏ,nửa đêm lại mò đi tiếp. “Đi một lúc, Liên Hương buông tay tôi ra, ngồi bệt xuống. Em không đi được nữa, nàng nói khẽ, tôi biết tính nàng, khi nói thế là đã hết sức”.

Rồi cũng xuống thuyền. Khúc 6, Vòng Cẩm Thạch, cho thấy một sự hy sinh của Liên Hương. Chiếc vòng kỷ niệm “xanh ngời trên cổ tay trắng muốt của nàng”  “được chật vật tháo ra nộp cho chủ thuyền”.

Liên Hương lại sợ, muốn về nhà. Tuy nhiên, khi biết chắc mình cùng người yêu đang trên thuyền vượt biên ra biển, cô mỉm cười, “nụ cười rạng rỡ sáng lên trong tối”.

Thuyền bị hải tặc bắt. Tác giả và Liên Hương ngồi lui lại sau chứng kiến những cảnh tượng man rợ. “Liên Hương cầm tay tôi một lần nữa, lắc nhẹ, nhiều lần. Tôi biết ý nghĩa của cử chỉ ấy. Tôi biết: cô không muốn tôi có một hành động nào nguy hiểm”. Khi những tên hải tặc đẩy nàng lên hẳn giữa cầu tàu, biết không thoát được, “Liên Hương bước đi không run rẩy”, “dáng đi mau lẹ, bình thản. Trong một phần mười giây đồng hồ, Liên Hương đột ngột biến mất. Nàng lao xuống biển như một con chim én”.

Hình tượng Liên Hương trong Thuyền mong manh như khói mà cũng bền bỉ, dẻo dai như nguồn sống muôn đời... Chiêm nghiệm qua cuộc đời thực của mình, tôi có cùng nhận xét với tác giả về độ bền bỉ, dẻo dai đó nơi người phụ nữ.

Và tôi lại nhớ hai câu thơ về người phụ nữ Việt trong chiến tranh Bắc-Nam.

Anh đi biền biệt chiến trường xa

Con tự lớn khôn, vợ tự già...

Trên quê hương Việt có vô số những phụ nữ “tự già” như vậy, những người Mẹ Việt Nam anh hùng, những người Mẹ không được phong anh hùng và những người Mẹ vô danh. Những người phụ nữ đó, họ anh hùng vì cầm súng hay anh hùng vì đi theo những người đàn ông của đời họ? Và những người đàn ông lôi phụ nữ vào cuộc chiến khốc liệt tương tàn, có thấu hết nỗi lòng, nỗi khổ vô cùng tận của những người phụ nữ của họ hay không?

PHẨM GIÁ

Dù đã mua bãi, có đường dây, các bất trắc vẫn rập rình. Khúc thứ 5, Cái Giếng, kể chuyện đoàn người đi tới chợ Ô Môn thì mất dấu người dẫn đường. Nhiều người bị bị truy đuổi, bị bắt, tác giả tìm đường trở về nhà, mỏi mệt, bơ phờ, tình cờ ngồi xuống thành giếng bỏ hoang. Lục túi còn chút tiền lẻ, tác giả mua một ly cà phê, uống trong nắng chiều: “trong một buổi chiều muộn, buồn, thất lạc, ly cà phê là người bạn tri âm trên con đường đi tìm phẩm giá”!

Nguyễn Đức Tùng từng nói anh vượt biên vì Tự do và Phẩm giá con người. Vì Tự do thì dễ hiểu, nhưng vì Phẩm giá là sao? Có người thắc mắc, nói như vậy phải chăng ngụ ý phương Tây có phẩm giá còn Việt Nam không có?

Tại buổi ra mắt tác phẩm, nhà văn Dạ Ngân phát biểu: “Một sự thật nghiệt ngã và tác giả THUYỀN xác quyết: Chúng tôi đi tìm phẩm giá! Càng nghiệt ngã hơn. Tôi gấp sách lại trong lòng, hai chữ Phẩm Giá khiến tôi phải dừng lại để độc thoại. Chúng tôi những người kết thúc chiến tranh và chúng tôi, phải vật lộn với phẩm giá từ hậu chiến và đến lúc này đây, mỗi ngày, trong mỗi lựa chọn và mỗi ứng xử, chúng tôi có phẩm giá không?

Hai chữ Tự Do, theo ý nghĩa thực tiễn và tính triết học của nó, là Tự Do trong mối liên hệ với con người, xã hội, phù hợp với luật pháp, đạo đức, phong tục tập quán, nghĩa là sự Tự Do được xã hội nhìn nhận tính hợp lý. Tự do, từ góc nhìn Dân chủ, còn có nghĩa có quyền tự do ứng cử, bầu cử cùng các quyền tự do đương nhiên trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Triết học và tôn giáo cho rằng Phẩm giá là giá trị nội tại trong mỗi bản thân, mỗi người sinh ra đã có. Phẩm giá của mỗi người khiến người đó xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội, với sự đối đãi theo nguyên tắc đạo đức, nhân bản. Phẩm giá không tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài như thể chế tự do hay độc tài. Thí dụ phẩm giá của Nelson Mendela vẫn sáng ngời khi ông bị giam cầm. Trái lại, phẩm giá của nhiều vị quan chức lại bị chính họ đặt dưới bùn nhơ dù đang ở vị trí tót vời.

Trong ý nghĩa đó của Tự Do, của Phẩm Giá, người ta có thể có sống với phẩm giá không khi không có tự do? Thực ra, người vượt biển sống chết bỏ quê hương tìm tự do để có thể thể sống với phẩm giá và người ở lại với cuộc sống không luồn cúi, nịnh nọt quyền lực chuyên chính cũng để được sống với phẩm giá. Người ra đi chịu nguy hiểm cao nhưng khi tới bến bờ tự do, họ dễ dàng sống với phẩm giá. Người ở lại thì phải Vật Lộn hàng ngày để được sống với phẩm giá. Cũng như trong lãnh vực kinh doanh, chấp nhận nguy cơ cao sẽ được lớn. Tuy nhiên sự đời luôn phức tạp, có những người sẵn sàng chấp chận nguy cơ nhưng không có phương tiện. Lại có những người bị ràng buộc bởi nhiều sợi dây tình cảm, trách nhiệm...

Dù không tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài, phẩm giá lại cần xã hội tự do, không đàn áp để được biểu đạt. Không có tự do, một người không thể nói lời phê phán theo lương tâm, bị đối xử không như con người mà như công cụ, như vật sở hữu của người khác... Con người không có quyền thể hiện phẩm giá, hay nói cách khác phẩm giá của con người bị xúc phạm, bị đàn áp, tóm lại là con người không được sống với phẩm giá.

Các yếu tố của khái niệm Phẩm giá luôn tiến về phía trước cùng đà tiến của nền văn minh nhân loại. Để được sống với phẩm giá, mỗi người đều cần luôn tự hoàn thiện mình, tự cứng cỏi hơn. Hai chữ Vật Lộn của chị Dạ Ngân đặc tả hoàn cảnh nghiệt ngã của người Việt. Tại sao để có những điều mà người trên thế giới có thể với tới một cách nhẹ nhàng, người Việt phải quá sức nhọc nhằn?

Ngày 20 tháng 6 năm 2025