Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2025

Người đàn bà ở Brno

 Kiều Thị An Giang

Tôi đến Brno vào một ngày hè rất xấu, trên chuyến tàu chạy qua những đồi Moravia. Bên ngoài cửa kính, mưa rơi lộp độp như ai đó đang gõ nhịp buồn vào trái tim tôi. Tôi ngồi gần như bất động, nhìn những giọt nước kéo dài thành vệt, phản bội đôi mắt đỏ hoe mà tôi cố giấu suốt chuyến đi.

Tôi không định đến Brno. Cái tên nghe đã thấy buồn và cụt ngủn, như bị nguyền rủa từ hàng trăm năm trước. Thành phố này quá nhỏ để có tên trong danh sách những nơi phải ghé qua. Nhưng Julia nhắn tin: “Nếu cậu muốn trốn Berlin vài ngày, cứ đến đây. Chìa khóa dưới tấm thảm trước cửa.” Đi trốn và được bỏ rơi – giống như được thất tình thêm một lần nữa. Không vui – nhưng không cần tấm gương nào soi vào để diễn.

Căn hộ nhỏ trên phố Pekařská chỉ còn lại tôi và tiếng mưa đập vào cửa sổ. Tôi ngồi xuống chiếc sofa cũ, chiếc vali còn nguyên cạnh cửa. Bất giác, tôi nghĩ về người đàn ông đã bỏ tôi lại ở Berlin, nghĩ về tin nhắn cuối cùng: “Anh mệt rồi. Chúng ta đừng làm khổ nhau nữa.”

Tôi không khóc. Tôi đã khóc quá nhiều ở Berlin rồi.

Ngoài kia, mưa rơi không ngừng. Tôi lấy áo mưa, khoác lên, và bước ra phố. Tôi cần hít thở không khí của một thành phố xa lạ. Cần cảm giác đôi chân mình đang đi, để tin rằng mình vẫn còn sống.

Brno đón tôi bằng những con phố lát đá trơn trượt, những mái ngói đỏ ướt sũng và ánh đèn vàng hiu hắt hắt xuống quảng trường Zelný trh. Tôi dừng lại, đứng dưới mái hiên của một quán cà phê, nhìn ra những gian hàng đã dọn dẹp, chỉ còn lại mùi thì là, dâu chín, mật ong và oải hương vừa thu hoạch.

Tôi mua một hũ mật ong nhỏ từ người bán cuối cùng còn đứng đó. “Cho ấm người,” ông ta nói, giọng tiếng Anh bập bõm. Tôi mỉm cười, một nụ cười mà tôi không nhận ra mình vẫn còn có thể làm được.

Trời đổ mưa lớn hơn khi tôi đứng trước Old Town Hall. Tôi nhìn lên tháp đồng hồ hơi lệch, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dồn dập – định nhắn tin cho Julia thì một giọng trầm vang bên cạnh:

“Hồi xưa, dân Brno cho chuông đổ sớm một tiếng để đánh lừa quân Thụy Điển. Và từ đó đến giờ, chuông vẫn kêu 11 tiếng thay vì 12.”

Là một người đàn ông khoảng bốn mươi, gương mặt góc cạnh, đôi mắt xám nhạt và mái tóc sẫm hơi ướt. Anh mặc áo khoác dài màu than, tay cầm chiếc ô đen như thể nó vốn được mang theo chỉ để che cho một người khác.

“Thành phố biết giả vờ kết thúc trước khi thực sự kết thúc,” anh ta nói thêm, giọng lẫn tiếng mưa rơi lộp độp trên mái hiên. “Giống như câu chuyện của tôi. Hoặc của em và ai đó.”

Tôi bật cười lặng lẽ, kéo cao cổ áo. Mưa như loãng hẳn ra. Rồi đột nhiên nặng hạt. Những giọt nước to như viên sỏi rơi lộp độp trên mái hiên. Tôi nép sâu hơn vào góc tường, tự nhủ sẽ chờ đến khi mưa ngớt để quay về căn hộ.

Chiếc ô đen mở ra trước mặt tôi.

“Trời mưa thế này, đứng đây dễ cảm lạnh lắm.”

Giọng nói trầm, hơi khàn nhưng ấm áp.

Gì chứ những cuộc làm quen kiểu như này tôi rành lắm. Nhưng trông anh ta có vẻ vô hại. Brno thì hoá ra quá phẳng phiu – đến mức, nếu không có một biến cố nào, sẽ là thành phố chết.

“Có một quán cà phê ngay gần đây. Em muốn trú mưa không?”

Tôi không lắc. Cũng không gật. Tôi chỉ đi theo. Sau này tôi nhớ lại khung cảnh ấy – không chỉ một lần. Chiếc ô đen dưới vòm mưa thẫm màu. Đôi mắt màu tro rực rỡ trên quảng trường Tự do – và nụ cười rất ấm. Chắc thượng đế đã gửi anh đến để tôi nhớ nơi này – bởi trong muôn vàn thành phố đã đặt chân – Brno là nơi mờ nhạt nhất.

Chúng tôi ngồi ở một quán cà phê nhỏ trên phố dốc dẫn lên nhà thờ Petrov. Cửa kính mờ hơi nước, bàn gỗ cũ kỹ, và những bông lavender khô đặt trong lọ nhỏ. Anh chọn bàn gần cửa sổ, kéo ghế cho tôi rồi gọi espresso. Tôi chọn trà gừng.

“Anh là người địa phương?” Tôi hỏi, giọng hơi rụt rè.

“Không. Người Pháp. Khách du lịch như em thôi. Tôi đi qua nhiều thành phố để vẽ.”

“Trông em giống khách du lịch lắm à?”

“Không phải giống – mà là…”

“Là sao?”

“Là em đến không phải để ở lại.”

Anh nói chậm, từng câu mỏng nhẹ hơn cả tiếng mưa rúc rích ngoài kia, miệt mài trên những con đường dốc đá.

Hình như anh – một người hoàn toàn xa lạ hoặc ít nhất vẫn còn là người xa lạ cho đến lúc ấy – cũng ngại, không nỡ làm tôi đau.

Tôi im lặng, không biết phải nói gì tiếp. Anh cũng thế – quá nhiều cho một buổi tối mưa nhiều như ở nơi đây.

Rồi anh lấy từ túi áo khoác ra một quyển sổ phác thảo và bút chì. Trong lúc tôi hơ tay trên tách trà nóng, anh bắt đầu vẽ.

“Anh vẽ gì vậy?” Tôi hỏi.

“Em.” Anh nói ngắn và gọn gàng, mắt không rời trang giấy.

Tôi nhìn ra cửa kính đọng hơi nước, để tránh phải đối diện với ánh mắt của anh. Ngoài kia, phố xá ướt nhẹp, những viên đá lát đường lấp loáng ánh đèn như một bức tranh ẩm lạnh. Tôi chợt nhận ra tim mình đập hơi nhanh – một cảm giác lạ lẫm sau những ngày chỉ toàn trống rỗng.

“Cảm ơn em” – Anh nói, giọng trầm.

“Vì sao?”

“Vì đã trao nỗi buồn đó cho một người vừa mới quen.”

Tôi nhìn xuống bức vẽ. Là tôi – mái tóc ngắn, hơi rối, đôi mắt xa xăm nhìn qua cửa kính. Trong tranh, trông tôi buồn hơn cả cảm giác tôi tưởng mình đang mang.

“Em không biết mình buồn thế.” Tôi nói, nụ cười mỏng đi.

“Tôi chỉ vẽ những gì đôi mắt em đang nói.” Anh đáp, đặt bút xuống. “Em đang chạy trốn điều gì đó, phải không?”

Tôi hơi sững người. Không thừa nhận, không giải thích. Thế cũng là quá nhiều cho một chiều mưa cổ quái ở nơi đây. Anh cũng chỉ ngồi đó, để yên một khoảng lặng dễ chịu tràn ra giữa chúng tôi.

Mưa ngớt, anh hỏi:

“Em đã từng lên tháp Old Town Hall chưa?”

“Chưa. Anh thì sao?”

“Lần nào đến Brno tôi cũng lên. Thành phố này nhỏ, nhưng từ trên cao nhìn xuống, nó luôn trông như một bức tranh chưa kịp hoàn thiện.”

Tôi biết, mình vừa có bạn đồng hành, vừa có hướng dẫn viên, vừa có người biết gợi chuyện mà không thúc ép.

Rất tự nhiên, hai người xa lạ đến Brno – một để trốn chạy, một để kiếm tìm và lưu giữ – trở thành nhóm ghép. Dẫu sao thì cũng đỡ phải lang thang cô độc một mình.

Chúng tôi leo lên những bậc cầu thang hẹp, chỉ có âm thanh hai đôi giày vang vọng. Tôi cố giữ khoảng cách nhưng bàn tay anh đôi lần khẽ chạm vào khuỷu tay tôi, đỡ tôi qua những bậc trơn trượt. Một cử chỉ nhẹ, không vồ vập, không lạm dụng hay né tránh – đủ để làm tôi ấm lên dưới lớp áo khoác ẩm nước.

Trên đỉnh tháp, Brno trải ra trước mắt: mái ngói đỏ lốm đốm giữa những kiến trúc dang dở, một sự pha trộn cẩu thả kiểu con nhà giàu được thừa kế di sản nhưng không đủ tầm quản lý nó. Brno đẹp, nhưng vẻ đẹp bị gọt bớt bởi sự nhàn rỗi và ngái ngủ. Nơi đây vừa buồn tẻ, vừa tinh túy, vừa lười nhác, vừa bất cẩn – như người đàn bà thất tình mà vẫn biết mình không phải đồ bỏ.

“Anh đã vẽ Brno chưa?” Tôi hỏi.

“Chưa. Tôi chưa tìm thấy màu nào để vẽ thành phố này.”

“Tại sao?”

“Có lẽ… tôi đang chờ một người cùng nhìn nó.”

Tôi quay đi, cố giấu nụ cười thoáng qua.

Tối, anh đưa tôi đến một quán nhỏ ven phố. Quán treo những chùm đèn vàng, tường gỗ ấm và mùi bánh mì hấp thoang thoảng. Anh gọi cho tôi phần bánh mì hấp với sốt thịt và củ cải ngựa, còn mình chọn rượu vang Moravia.

“Em thường đi du lịch một mình?”

“Không. Đây là lần đầu tiên. Trước đây… luôn có một người đi cùng.”

Anh không hỏi tiếp. Tôi thấy biết ơn sự tử tế đó.

Rượu vang làm má tôi ấm dần. Tôi liếc anh – người đàn ông ấy đang rót thêm rượu, cử chỉ chậm rãi như thể thế giới không bao giờ vội vã. Tôi tự hỏi vì sao mình thấy an toàn đến vậy, bên một người lạ.

Khi rời quán, trời lại đổ mưa. Anh mở ô che cho cả hai. Vai anh sát vai tôi, một khoảng cách nhỏ nhưng đủ để tôi nghe thấy mùi hương gỗ nhè nhẹ trên áo khoác anh. Hay da thịt anh, tôi không biết nữa. Lâu lắm rồi – tôi mới biết cảm giác mình có thể đi bên cạnh ai đó mà vẫn đủ đầy, thậm chí an toàn – mà không cần đến hắn – người đã bỏ tôi ở Berlin: “Em quá lãng mạn. Mà đời thì không cần tiểu thuyết.”

Khuya lắm, chúng tôi dừng lại trước cửa căn hộ của Julia. Mưa rơi vẫn thấp thỏm không dừng. Tôi đứng yên, hai tay đút túi áo, còn anh vẫn cầm ô, ánh mắt xám nhạt nhìn tôi, như giữ một câu hỏi mà cả hai đều không dám thốt ra.

Anh cúi xuống, ngón tay khẽ gạt sợi tóc ướt dính trên trán tôi. Tôi ngẩng lên, nhận ra đôi môi anh gần đến mức chỉ cần khép mắt lại…

Nhưng tôi lùi lại. Và anh cũng không tiến thêm.

“Ngủ ngon.” Anh nói khẽ, rồi quay đi.

*

Chúng tôi gặp lại nhau ở chợ Zelný trh. Tôi mua một trái táo đỏ, thơm như vừa mới hái. Anh mua một bó oải hương tươi bọc trong tấm giấy báo cũ. Không ai nói về việc hôm qua, như thể cả hai đều đồng ý giữ im lặng về điều chưa kịp xảy ra.

Trưa, sân ga Brno. Anh xách vali hộ tôi, đôi tay anh chắc chắn và chậm rãi.

“Chúng ta sẽ gặp lại chứ?” Anh hỏi, giọng nhỏ như gió.

“Em không chắc. Có những ký họa chả phải… chỉ nên dở dang sao.” Tôi đáp, cố dõi mắt theo đoàn tàu.

“Em… có thể nhận nó không?” Anh chìa ra bó oải hương. Tấm giấy báo đã rách. Mùi oải hương bị vần vò, sực lên.

Tôi cầm. Tay chúng tôi chạm nhẹ. Cảm ơn anh – về tất cả. Tôi nói, rút nhẹ tay lại.

Biết mình sắp khóc, tôi quay đi thật nhanh. Tôi đến đây để chạy trốn – giờ lại chạy trốn một lần nữa. Chạy trốn khỏi một phiêu lưu mà trái tim tôi quá mệt để bước vào.

Cửa toa đóng. Tôi nhìn qua ô kính, thấy anh đứng đó, tay đút túi áo, ánh mắt xám nhạt như mưa Brno – xa xăm, không níu kéo, nhưng rất buồn.

*

Provence, mùa hè năm 2015

Cuối cùng, chúng tôi cũng đến Provence bằng xe ô tô, chạy thẳng từ Berlin. Chồng tôi đi tàu đến Paris thăm bà dì và mấy đứa em sang du lịch. Tôi ở lại. Không gì quyến rũ tôi bằng những cánh đồng lavender bạt ngàn nơi đây.

Không. Đúng là tôi không định bước vào gallery ấy. Một ít xà phòng lavender, tinh dầu, và rượu vang, mua ở đâu chả thế, rồi quay về căn hộ thuê trên đồi. Nhưng tôi đã đến.

Cái tên trên tấm biển gỗ trước cửa gallery khiến tim tôi khựng lại:

“Léonard B. – Peintre”

Tôi đứng yên, bàn tay vô thức chạm vào quai túi vải, trái tim gõ những nhịp lạ. Đã bao nhiêu năm rồi? Sáu? Hay bảy? Đủ để tôi tưởng mình quên. Đủ để tôi nhận ra mình chưa từng quên.

Căn phòng ngập ánh sáng chiều. Trên tường treo những bức tranh lớn nhỏ – Vienna mờ sương, Prague rực rỡ, và Brno…

Tôi đứng chết lặng trước một bức tranh.

Là tôi – cô gái ngồi trong quán cà phê Brno, mái tóc ngắn, áo sơ mi đỏ, đôi mắt nhìn ra cửa kính mờ hơi nước. Đâu đó là anh. Hoặc anh ở khắp không gian ấy. Tôi thấy hai má mình nóng bừng.

“Anh biết em sẽ ghé qua.”

Giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng. Tôi quay lại. Anh đứng đó, vẫn đôi mắt xám nhạt, nhưng sâu hơn, điềm tĩnh hơn. Mái tóc hơi bạc ở thái dương. Bàn tay vẫn vương chút màu sơn khô cầm ly rượu vang đang uống dở.

“Anh…” Tôi khẽ thốt.

“Lâu rồi.” Anh mỉm cười.

“Phóng viên nhiếp ảnh – bà Mühle. Có phải bà đi lấy tin cho tờ Bưu điện buổi sáng không?”

Anh biết nhiều hơn tôi tưởng. Tôi bật cười. Chìa tay ra. Anh chuyển ly vang sang tay trái, để nắm lấy tay tôi. Không phải là bắt – mà nắm lấy. Tôi không rút lại như đêm mưa Brno ấy. Có lẽ bởi bây giờ tôi không cần phải trốn chạy.

Chúng tôi ngồi ở quán nhỏ ven phố, bàn gỗ cũ, những chùm nho treo lơ lửng trên giàn. Tôi cầm ly rượu, cố giữ cho tay không run.

“Anh đã từng nhắn tin cho em.” Anh nói.

“Em biết.” Tôi đáp, giọng nhỏ. “Nhưng lúc đó… em nghĩ tốt hơn là không trả lời.”

“Anh hiểu.” Anh không trách, chỉ rót thêm rượu.

Chúng tôi nhắc đến Brno – về đêm mưa, về bánh mì hấp, về bức ký họa mà tôi không bao giờ nghĩ anh sẽ hoàn thiện.

Chúng tôi nói không nhiều. Nhưng có rất nhiều khoảng lặng. Bỗng anh bảo:

“Anh biết trước sau gì em cũng đến đây.”

“Vì sao?”

“Có ai thích lavender mà không đến Provence chứ?”

“Anh đừng nói là anh ở lại đây vì em chứ.”

“Anh sẽ không nói thế.

Dù phim ngôn tình họ vẫn làm thế. Nhưng anh mua quả đồi này, và mở phòng tranh. Ông sếp em không vô tình muốn có bài về phòng tranh ở tận miền Nam nước Pháp đâu.”

Tôi im lặng.

“Bây giờ… em có số điện thoại của anh.” Anh nói, ánh mắt dịu dàng.

“Và anh còn biết em có cả thẻ nhà báo nữa.” Tôi đáp, vẻ trách móc.

Chúng tôi nhìn nhau thật lâu. Có hàng trăm lời nói muốn thoát ra, nhưng không lời nào thành tiếng.

“Trong khoảng thời gian ấy…” anh nói, giọng chậm rãi, mắt nhìn ra con phố nhỏ nơi mưa đang rơi nhẹ, “anh đã kịp lấy vợ, ly dị… rồi lại lấy.”

Tôi bật cười, tiếng cười vang lên như tiếng ly rượu chạm nhau.

“Anh vẫn như thế. Dễ yêu và dễ rời đi.”

“Không hẳn.” Anh quay sang tôi, ánh mắt xám nhạt hơi nheo lại. “Anh đã thử… ổn định. Nhưng không ai thực sự hiểu những chuyến đi của anh.”

Tôi nhấp một ngụm rượu.

“Còn em?” Anh hỏi.

“Chưa ly dị.” Tôi nói.

“Em luôn gặp anh khi đang thất tình, có để ý không?”

Cả hai cùng cười phá lên. Tiếng cười ấy vang vọng trong quán nhỏ, lẫn với mùi oải hương treo trên giàn gỗ. Chồng tôi ở Paris – giờ này. Còn tôi ở đây với một phần ký ức tái hiện về.

Rồi anh đột ngột nghiêng người về phía tôi.

“Anh đã rất nhớ em…”

Môi anh chạm vào môi tôi. Một nụ hôn lạnh – lạnh như cơn mưa Provence ngoài kia, như đôi bàn tay đã lâu không chạm nhau, như khoảng cách mười năm mà chúng tôi đã bỏ lỡ.

Nhưng ẩn trong cái lạnh ấy là mùi oải hương dịu nhẹ, vị vang chát trên đầu lưỡi, và vị ngọt đắng của Brno – đêm mưa mười năm trước.

Chúng tôi hôn nhau lâu đến mức tôi thấy mình như đang chìm xuống một lớp ký ức sâu, nơi mọi thứ đều ướt át, mờ nhòe nhưng ấm áp.

Khi buông ra, anh khẽ thở, trán chạm trán tôi.

“Lẽ ra…” anh bắt đầu, rồi dừng lại.

“Lẽ ra?” Tôi hỏi.

“Lẽ ra anh không nên để em đi đêm ấy.”

“Nhưng anh đã để.” Tôi đáp, mắt nhìn sâu vào đôi mắt xám nhạt. “Và em cũng không dừng lại.”

Bên ngoài, mưa bắt đầu rơi nhẹ. Một đôi tình nhân người Pháp đi ngang qua, tay nắm tay, chia nhau chiếc ô nhỏ xíu. Tôi nhìn họ, rồi chợt thấy tay mình nằm gọn trong tay anh – ấm áp nhưng lạ lẫm.

“Chúng ta rồi lại sẽ xa nhau.” Tôi thì thầm.

“Ừ.” Anh nói, giọng trầm. “Nhưng ít nhất… lần này, anh có số điện thoại của em.”

Tôi cười, giọt nước mắt không biết từ đâu rơi xuống.

“Và cả ông sếp của em nữa. Anh biết rõ những gì anh muốn.” Tôi khẽ nói, làm ra vẻ đay nghiến một chút.

“Em sẽ liên lạc với anh chứ?”

Tôi không trả lời, chỉ siết nhẹ tay anh.

Anh đưa tôi về đến cửa khách sạn. Không có lời hứa hẹn, không có ánh mắt van nài. Chỉ có đôi tay anh – chắc chắn và ấm – khẽ giữ tay tôi lâu hơn một chút trước khi buông.

“Anh sẽ gọi.”

“Có thể em sẽ trả lời.” Tôi mỉm cười, mắt cay xè.

Anh đứng đó, dưới mái hiên, khi tôi bước vào sảnh. Tôi không ngoảnh lại, nhưng tôi biết – trên con phố nhỏ của Provence, người đàn ông ấy vẫn dõi theo tôi, như đã từng đứng dưới mưa Brno nhiều năm trước.

*

Berlin, mùa Thu 2025

Thu năm nay đến sớm, vặt trơ lá rải trên đại lộ 17 Juni. Tôi đi chậm trên con đường lát đá, tay nhét sâu trong túi áo khoác. Đôi giày boots kêu cồm cộp trên nền gạch lạnh.

Chợ đồ cũ chuyên nghệ thuật trải dài suốt đại lộ. Những gian hàng bày đủ thứ: sách cũ, đồng hồ hỏng, gương mẻ cạnh, và vài bức tranh đóng bụi. Tôi không định mua gì. Nhưng rồi mắt tôi dừng lại ở một bức tranh.

Cô gái ngồi trong quán cà phê, tóc ngắn, đôi mắt nhìn qua cửa sổ mờ hơi nước như nhấn cả thành phố vào nỗi buồn không đáy. Phía sau là quảng trường Brno mờ trong cơn mưa.

Tôi nhận ra mình ngay lập tức.

“Cô thích bức tranh này à?”

Tiếng một chàng trai trẻ vang lên phía sau quầy. Cậu mặc áo len xám, tóc rối và đôi mắt hơi trũng sâu.

“Tôi… từng ngồi như thế. Ở Brno.” Tôi nói, giọng lạc đi.

“Bố cháu vẽ đấy.” Cậu đáp, giọng không giấu được tự hào – nhấc bức tranh lên, phủi nhẹ bụi. “Cô biết không, ổng vừa cho, vừa bán gần hết tranh để sống… trừ bức này.”

Tôi đứng lặng.

“Trừ bức này, tại sao?”

“Ông bảo đây là bức tranh duy nhất ông không nỡ bán. Lúc cháu sang Berlin học hội hoạ, ông bảo cháu cầm đi, tặng lại cho người mẫu nếu tìm được.”

“Vậy sao cậu không tìm?”

“Cô biết đấy, cháu thậm chí còn quên đã từng mang đi một bức tranh.”

“Vì sao… giờ cậu bán nó?”

“Cháu sắp rời Berlin, không muốn mang theo quá nhiều thứ.”

Tôi nhìn bức tranh lần nữa. Một phần tôi muốn từ chối – vì tôi không chắc mình đủ can đảm để mang về nhà bức tranh ấy, với những mùi hương của Brno, Provence, và của chính anh. Nhưng phần khác… sâu hơn, yếu đuối hơn, chỉ muốn ôm nó thật chặt, như ôm lại những năm tháng đã lỡ.

“Tôi muốn mua nó.”

“Cô lấy đi. Miễn phí. Bố cháu sẽ vui.” Cậu nói, mắt nhìn thẳng vào tôi.

“Bảo với ông ấy. Cô gái ở Brno đã tìm lại được nó.” Tôi không khóc. Nhưng nước mắt cứ ứa ra.

Cậu thanh niên đã nhận ra tôi. Có rất nhiều biểu cảm trên gương mặt lãng tử ấy – gương mặt anh – nhưng thời chúng tôi chưa hề quen biết.

Cậu nói,đầu hơi cúi, rất khẽ:

“Bố cháu mất rồi… Cháu xin lỗi.”

Tôi thấy đôi tay mình run run khi đón lấy bức tranh. Nó nặng hơn tôi tưởng – nặng như cả một quãng đời.

*

Tôi treo bức tranh trên tường phòng khách. Ngồi đối diện, ly vang trên tay, tôi nhìn cô gái trong tranh. Đôi mắt ấy vẫn buồn như hôm tôi rời Brno. Và người đàn ông ngoài khung cửa vẫn đứng đâu đó – mãi mãi chỉ là một bóng hình.

*

Tối đó, chồng tôi về nhà muộn. Tôi vẫn ngồi, với ly vang uống dở. Anh nhìn lên tường và thấy bức tranh “Người đàn bà ở Brno.”

“Thế quái nào mà cô lại vớ được nó vậy?”

“Anh nói thế nghĩa là gì?”

“Lẽ ra cô nên để lại mọi thứ ở Brno”

“Tôi không thể”

“Cái thằng hoạ sĩ người Pháp chết tiệt ấy chả phải đã chết rồi à? Chả phải tôi đã gửi trả lão bức tranh rồi à?”

Anh ta chợt im bặt.

Tôi biết, có những ánh mắt có thể không giết người, nhưng giết chết một mối quan hệ đã không còn gì chắc chắn. Ánh mắt tôi lúc đó hẳn nói nên nhiều điều. Hoặc quá nhiều, hoặc chẳng còn gì để nói.

Thủ tục ly dị tiến hành ngay sau đó.

*

Sau này tôi còn đến Brno vài lần nữa. Lần nào, trời cũng mưa.

Brno càng ngày càng cũ đi, nhưng không bao giờ hư hỏng. Nó chỉ giống chính nó hơn mà thôi.

Nơi người ta đến không phải để trốn chạy, mà để tìm về.

Sống một lần –

đủ cho trăm năm. Dù trăm năm, cũng chỉ dài như một hơi thở.

18/7/2025