Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2025

Nguyệt Cầm

 Trần Kiêm Trinh Tiên

Cuối cùng, tôi cũng mang được bức tranh của Thiều đến trước khu vườn nở đầy hoa tử vi ấy. Những cánh hoa màu tím trắng lang thang trong gió bay. Ngôi nhà ẩn mình dưới tàng cây ngập nắng vàng. Nét Huế xưa tìm thấy giữa ngôi làng đìu hiu ở một vùng phía đông nam của nước Pháp khiến tôi nao lòng. Bức tranh của gần ba mươi năm sắp cùng tôi chia tay. Tôi sắp làm xong lời hứa với Thiều. Sau tiếng hạt chuông rung, có bóng người bước ra. Ngập ngừng, rồi vội vàng. Chị khẽ khàng sửa lại chiếc khăn quàng. Chị là người thiếu phụ trong tranh, quàng chiếc khăn tím bay trên nền áo đen, trên bóng núi và nền chiều đã sẫm màu. Chỉ duy chút nắng vàng còn đọng trong đôi mắt màu rét lạnh. Tôi đứng lặng như cây thông ngoài thung xa.

 - Dạ, anh Phương...

Sau câu chào nhỏ nhẹ, chị lại đưa tay cầm một góc chiếc khăn quàng. Bàn tay đầy gân xanh ấy như đang tìm một điểm tựa. Tóc chị vấn cao, không còn xanh. Chị mở cổng và nhường lối cho tôi. Tôi vẫn chưa nói được câu nào. Có tiếng lao xao của sỏi. Dưới chân và ở một nơi nào khác.

Đã qua chưa những mùa dông bão trong đôi mắt bình lặng ấy? Xin chuyển lại chị bức tranh. Và câu chuyện phải được kể bắt đầu từ đâu, thưa chị?

Khác với mọi lần, đón tôi về sau tiết dạy cuối, Thiều có vẻ bồn chồn lạ lùng.

- Em sang bên Dòng mượn chiếc áo chùng đen của anh Tuệ giùm anh.

Chúng tôi về trễ buổi cơm trưa. Có giọng nói mát mẻ của mẹ chồng tôi từ phía sân sau. Lòng tôi như lửa đốt. Anh phải đi chiều nay, rất gấp. Anh đi mà chưa kịp sắp xếp chi cho em... Anh mong em hiểu cho... Ngồi ăn, tôi cúi mặt, chẳng dám nhìn anh. Anh ăn vội rồi đứng lên, đi đốt mớ giấy tờ sau bếp. Mẹ anh làu bàu:

 - Cái thằng thiệt lạ. Đã biểu để dành giấy để nhóm lửa mà không nghe.

Bà chỉ có hai người con. Anh Cả, sĩ quan Không Quân, thỉnh thoảng mới đưa gia đình từ Đà Nẵng ra thăm. Thiều là con trai út, rất được mẹ thương. Hôm ấy sắp sang Đông. Trời thường trở lạnh từ xế chiều. Tôi chọn chiếc áo dài đen, quàng khăn voan màu tím...

- Dạo này em hơi gầy...

Anh đến sau lưng. Tôi bật khóc. Trên vai áo anh ngày đó, tôi nhận ra lẫn trong mùi hăng hắc của thuốc lá, hương son môi Arden dịu dàng đến bùi ngùi. Anh nói nhỏ em nhớ đem theo áo ấm. Chiều lái xe về một mình, trời lạnh. Anh không còn cách nào hơn là phải nhờ em đưa đi...

Ghé qua nhà Thu Ba để đón anh Phương. Ngồi ở băng sau, anh Phương khoác vội chiếc áo chùng đen của anh Tuệ. Ra khỏi thành phố, chiếc Frégate lao đi nhanh, qua những cánh đồng ngợp gió. Dãy núi ở phía tây mù mây. Cả ba chúng tôi im lặng. Mạch máu ở thái dương anh giật liên hồi. Sao chẳng bao giờ anh tỏ lộ với em về những chuyện...? Yêu anh năm em mười tám. Thuở ấy lòng em như trăng rằm. Năm năm sau em về làm chiếc bóng bên đời anh. Em chỉ biết yêu anh và yêu nét vẽ tài hoa của anh. Nên chi mọi việc chiều nay đến bất ngờ làm em choáng. Qua khỏi một thị trấn nhỏ, anh dừng xe bên hông một trường học. Còn kịp để em lái về. Đi chậm và cẩn thận. Em nhớ những điều anh dặn. Nếu thuận tiện, sẽ có thư cho em... Trên đường về hôm ấy lòng tôi như khúc sông chảy xiết. Trong nhà, chỉ ba mẹ Thiều là rõ chuyện. Bà dặn tôi phải nói với anh Cả và mọi người là vì giận nhau mà Thiều bỏ tôi lên Đà Lạt dạy vẽ. Bà cũng không quên nhắc đến cái tuổi Dần khắc chồng, khắc con của tôi. Còn ngày nào anh về, không hề có ai dám nhắc tới.

Hai năm sau, tôi xin về trên nhà với mẹ tôi. Mẹ tôi ở Kim Long. Em gái tôi về làm dâu ở Vỹ Dạ, chỉ còn một mình mẹ với khu vườn nhiều cây trái đến “chim se sẻ bay qua không lọt”. Đi dạy về, tôi làm hết việc nhà cho mẹ như thời con gái. Nhiều đêm thức khuya chấm bài, nghe tiếng chuột reo, mẹ đến nói nhỏ bên tôi mai e mình có khách. Không chừng thằng Thiều về đó con. Ban đầu tôi cũng thấy vui vì cái điềm lành chuột reo ấy. Nhưng rồi anh vẫn biệt mù như cánh chim. Có hôm tôi đạp xe về lại nơi chia tay với anh – cạnh trường trung học. Chỉ có cánh đồng ngập gió và tôi. Đến một cái Tết nọ, nhiều người về, ghé qua nhà. Vẫn chẳng thấy anh. Mẹ khóc suốt tháng Giêng. Tôi tê tái cho cái tuổi Dần quái ác của mình. Trong nhà ai cũng nghĩ là anh không còn nữa. Cũng khó lòng qua khỏi những trận mưa bom ác liệt ở phía núi rừng trên kia làm rung cả từng ô cửa kính nhỏ ở dưới này. Mùa hè năm đó, khắp nơi trong thành phố, cây cối úa vàng rồi chết khô. Thường buổi trưa, trong gió Lào nóng rát lại nồng lên một mùi hăng khô khốc đến ngạt thở. Người ta nói với nhau về thuốc khai quang. Những hôm đi dạy về, qua cầu Bạch Hổ, tôi thường được chứng kiến những chiếc GMC chở quan tài. Có đôi khi người đi đường phải kín đáo đưa khăn lên mũi. Tuần rồi đánh lớn ở Cổ Bi, Hiền Sĩ..., ở A Lưới, A Sao... Những người già băn khoăn về chiến tranh. Vài người học trò cũ của tôi được tin chết ngoài mặt trận. Chiến tranh đối với tôi ngày đó lạnh lùng đến tàn nhẫn. Sự bất hạnh không quên một ai. Chiến tranh với nỗi ngóng trông anh khôn nguôi, là những bữa cơm chiều ăn vội để rút vào nhà đóng kín cửa. Mẹ tôi thường thắp nhang tụng công phu chiều. Đêm dài đầy lo âu và bất trắc. Tôi thường nằm chờ nghe tiếng chuông u minh từ trên Thiên Mụ vọng về lẫn trong tiếng rền xa của đại bác. Cuối năm đó, ba chồng tôi qua đời. Tôi về chịu tang, chịu luôn sự ghẻ lạnh của họ hàng. Qua năm sau đến lượt mẹ tôi. Anh vẫn là nhánh rẽ của sông chảy xuôi biền biệt. Không biết bao nhiêu mùa trăng, bao nhiêu chiều tà, bao nhiêu cơn mưa đi qua trên dòng sông trước nhà. Ngôi nhà càng buồn đìu hiu. Tôi thèm nghe bên tôi một tiếng người.

Cuối cùng, qua một mùa chấm thi ở một thành phố khác, tôi đã ném lòng mình vào biển sâu để có Nguyệt Cầm...

- Bao giờ Huế cũng nhỏ xíu và cay như một chén rượu phải không anh?

Thuở ấy, bao nhiêu là tai tiếng, sắc như dao cau, bổ dọc được cả tim người. Học trò nhìn tôi len lén. Đồng nghiệp nhìn tôi thương hại. Họ nói với nhau chuyện chồng con, chuyện sanh nở thật dễ dàng như đi dạo mát. Còn tôi, chỉ một cái trở mình của Nguyệt Cầm trong bụng ngày đó cũng đủ làm tôi xuyến xao.

Chị ngừng kể, đến bên lò sưởi châm thêm tí củi khô. Có tiếng nhạc dương cầm rất nhỏ ở một góc nhà. Tách trà trong tay tôi lạnh tanh. Tôi bùi ngùi nhớ những cơn mưa rừng trắng đồi trắng núi. Tôi cũng muốn nói cùng chị về cái ngày Thiều và tôi đi theo cánh quân đổ về Hương Trà, vào Thành Nội, qua cầu Đông Ba rồi về luôn miệt Gia Hội, Bãi Dâu. Lúc đó lệnh chung là không cho về thăm nhà. Vẻ thẫn thờ của anh làm tôi nhớ những hôm đi gùi gạo về ở phía sông Hai Nhánh. Im lặng, nhưng tôi hiểu anh cũng như tôi, muốn gửi lòng mình trên chiếc lá khô trôi theo con sông về xuôi. Khi đi qua trên cầu Đông Ba, Thiều lặng lẽ nhìn xuống phía nhà anh, ngôi nhà sơn vôi màu hồng ở gần con dốc. Nhưng chỉ vài giờ sau, anh đã nằm lại với mảnh đại bác xuyên thủng ngực. Cũng bên một khúc quanh của dòng sông. Từ đó, tôi miệt mài đi tiếp, mang thêm chiếc ba lô của Thiều. Trong ấy có bức tranh Thiều vẽ Tương Như. Còn người thiếu nữ trong khung hình để trên lò sưởi, tôi đoán là Nguyệt Cầm, cũng có đôi mắt và nụ cười của Tương Như. Cô bé ôm lấy mẹ trong vòng tay, cười hân hoan như ôm được cả bầu trời. Còn chị, chị kể lần đầu tiên ôm con vào lòng, chị khóc như chưa bao giờ được khóc.

Đã có vài tiếng chim đầu ngày kêu nhỏ trong vòm lá tối. Chị mang đến cho tôi tách cà phê nóng với chiếc bánh mì nướng. Lẫn trong mùi cà phê thơm dịu dàng, căn nhà ngập hương hoa lavande ngai ngái buồn. Chị khẽ nhắc Nguyệt Cầm mỗi lần đi học xa về đều chưng đầy hoa tím ấy. Còn với chị, tôi hiểu Nguyệt Cầm là nhành hoa quý của riêng chị.

Buổi sớm, lúc chia tay chị ở đầu con dốc, tôi mang tâm trạng một người lính trở lại mặt trận. Đi với tôi bây giờ, không còn bức tranh xưa của Thiều mà bó hoa lavande khô với mùi hương ngai ngái buồn và đôi mắt ngấn lệ của Tương Như.

(1998)