Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2025

Mùi thời cuộc

 (Đọc Mùi rơm rạ)

Tạ Duy Anh

Khi đọc lại các tác phẩm của những bậc tiền nhân, thứ tò mò và hấp dẫn tôi nhất là muốn xem xã hội thời ấy người ta sống thế nào, ăn nói, ứng xử ra sao, đôi khi kể cả muốn biết thời giá của một số thứ để suy ra mức sống của từng sắc dân thời ấy...

Hóa ra chức năng phản ánh xã hội theo kiểu tấm gương soi thời Balzac dù đang bị lu mờ, có nơi còn bị miệt thị khi nhiều cây bút trẻ đưa ra cách viết mà họ gọi là hậu hiện đại, thì nó vẫn không mất đi. Văn học không phải là lịch sử, nhưng văn học không thể thoát ly hoặc ra ngoài lịch sử. Không có đời sống, không có xã hội thì cũng chả có và chả cần đến văn học làm gì!

Suy nghĩ này của tôi ngoi lên khi tôi đọc Mùi rơm rạ của nhà văn Đào Quốc Vịnh. Tôi coi Đào Quốc Vịnh như người anh ruột, mọi tâm sự to nhỏ của hai anh em đều đến tai nhau. Vậy mà ông lén viết văn lúc nào tôi không hề biết. Cho đến khi ông đến chơi và lôi ra tập sách thiếu nhi. Tôi đọc mất một buổi và dù còn nhiều vụng dại, tôi vẫn nhận lời viết giới thiệu khi ông xuất bản. Bởi tôi thấy ở đó một khao khát cầm bút mãnh liệt, để viết về thời của chung chúng tôi.

Đến Mùi rơm rạ, Đào Quốc Vịnh tiến một bước dài cả về chữ nghĩa, cách hành văn, thủ pháp, lối kể cũng như độ chính xác, tinh tế trong miêu tả tính cách. Nhiều chỗ ông khiến tôi bất ngờ. Chẳng hạn khi ông nói về nỗi dằn vặt của nhân vật Khang (nhân vật xưng tôi trong sách) khi để vợ mới cưới đi làm việc ở Liên Xô vì áp lực sinh nhai (chương 3). Hoặc khi ông phóng bút, mỗi chỗ chỉ vài dòng, mà hàng chục nhân vật hiện lên khá sắc nét. Đặc biệt, Đào Quốc Vịnh có khả năng phân thân, nhập vai rất ấn tượng trong đối thoại, thứ luôn là thử thách và là thước đo để đánh giá độ lão luyện, cao tay của một ngòi bút.

Trào lưu văn học trẻ tuyên bố phi thể loại khi sáng tác. Nghĩa là họ cứ viết mà không quan tâm xem nó là thể loại gì. Tôi quá cũ kĩ, cổ lỗ để không thể nào còn theo kịp mà nhập cuộc vào trào lưu quá mới đó, dù thấy họ thật can đảm và đáng học hỏi. Với tôi, tiểu thuyết không thể viết như kí (trong đó có hồi kí) hay tự truyện, dù chúng đều là văn xuôi. Trong tiểu thuyết (mà tôi quan niệm) mỗi chữ, mỗi câu, mỗi hành động của nhân vật đều không được thừa, đều có nhiệm vụ, đều mang theo "ý đồ" của tác giả, nhằm đúng vào cái đích tư tưởng, thẩm mỹ nào đó.

Xét theo tiêu chuẩn nghiệt ngã đó, nếu là tôi, tôi sẽ ghi thể loại cho Mùi rơm rạ là tự truyện. (Xin nói rõ: trong văn học không thể loại nào thấp kém hay cao giá hơn thể loại nào. Chúng bình đẳng). Người đọc dễ dàng nhận ra, qua lối kể và qua điểm nhìn, tác giả viết về cuộc đời mình, trong một thời đoạn bi hài của lịch sử. Ông lục trí nhớ và lôi ra bất cứ thứ gì thấy còn lưu lại. Có cảm giác thứ gì ông cũng thấy tiếc, thấy không nỡ nếu bỏ sót, hoặc bỏ ra ngoài cuốn sách. Bỏ hoặc quên chúng sẽ khiến bức tranh thời cuộc bị khiếm khuyết. Vì thế, theo dòng thời gian của tác giả, hàng chục, thậm chí hàng trăm tên người, tên địa lý, tên công việc... ít nhiều có liên quan đến ông, chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hầu hết biến mất với tư cách một nhân vật tiểu thuyết, hoặc tác giả chả thấy cần phải nhắc đến họ khi ông chuyển sang chuyện khác mà họ không liên quan.

Sau những chuyện kể thú vị, gây tò mò, ấn tượng đọng lại là mối tình giữa nhân vật Tôi và Thanh (nguyên mẫu là tác giả và vợ ông). Trải qua bao thăng trầm sóng gió, khổ đau, nghi kị, chìm nổi cùng với cuộc đời, được tác giả kể lại một cách chất phác lại có nhiều yếu tố hư cấu của những nhân vật tiểu thuyết hiện đại. Đó không còn chỉ là tình yêu, mà là sự cứu rỗi để bất cứ ai lâm vào cái bể khổ của tác giả, cũng không tuyệt vọng.

Nếu bạn muốn trải nghiệm đời sống khốn khổ, cười ra nước mắt của thời bao cấp luôn khiến ai đã sống qua chưa hết hãi hùng, thì Mùi rơm rạ là lựa chọn hoàn hảo.