Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2025

Một cuộc phỏng vấn về một số vấn đề văn học

 Hữu Loan

Năm 1989, lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi truyện ký và tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật được giao trách nhiệm chính đối với cuộc thi, đồng thời đảm nhận giai đoạn đọc, chọn sơ khảo. Tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật đã mời một ban giám khảo ba thành viên, gồm nhà văn Trang Thế Hy (trưởng ban), nhà thơ - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, tổng biên tập NXB Trẻ lúc đó. Giải nhất cuộc thi được trao cho nhà văn Nguyễn Đức Thọ (Đồng Nai) với truyện ngắn “Hồi ức làng Che”.  Thật bất ngờ khi chúng tôi nhận được trích đoạn hồi ký của nhà thơ Hữu Loan gửi đến dự thi với tựa “Một cuộc phỏng vấn về một số vấn đề văn học”, song tác phẩm của ông không thể đăng được.

Tuy nhiên, được sự đồng ý của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã trao cho tác giả “Màu tím hoa sim” một giải đặc biệt để cảm ơn ông, một tác giả lớn cũng là một nhân cách lớn trong văn  học Việt. Cụ Hữu Loan đã đến tòa soạn (số 161 Lý Chính Thắng, Q.3, TP. HCM) để nhận một khoản tiền nhuận bút đáng kể, thế nhưng vài ngày sau nhà thơ Nguyễn Duy cho biết khoản tiền đó đã bị mất trộm. Số là, nhà thơ lão thành cho toàn bộ tiền vào một chiếc cặp táp rồi ràng buộc cẩn thận trên yên sau xe đạp mà cụ mượn được để đi lại những ngày ở Sài Gòn, không ngờ bọn kẻ trộm đã cắt hết dây buộc, lấy mất chiếc cặp táp!

Được tin, chúng tôi đã vận động anh em trong báo Tuổi Trẻ đóng góp và có được đủ số tiền bằng nhuận bút đã trao cho cụ. Và nhà thơ Hữu Loan đã vui vẻ nhận giải thưởng lần thứ hai!

Đã hơn bốn mươi năm từ khi Hữu Loan viết những trang hồi ký này, thật may mắn là chúng tôi vẫn giữ được nguyên vẹn bản thảo viết tay của cụ.

NGUYỄN TRỌNG CHỨC


MỘT CUỘC PHỎNG VẤN

Về một số vấn đề văn học

(Trích hồi ký “Bóng tối và ánh sáng” của Hữu Loan)

Trưa nào cũng vậy, cứ về là tôi dựng xe thồ vào hiên chuồng lợn rồi đi thẳng lên hè nhà trên nằm võng thật thoải mái, sau đó rửa mặt mũi xong mới đi ăn cơm. Lần này nhìn lên võng thấy có ai đang nằm hình như là một anh thanh niên. Tôi chưa vào đến nơi anh đả nhổm dậy bỏ võng ra hiên chào tôi:

-  Anh Hữu Loan! Xin phép được gọi bằng anh! Thơ anh trẻ lắm, bao giờ cũng trẻ.

Tôi đùa lại:

-  Thơ ai mà chả trẻ vì khi làm thì nhà thơ nào chả còn trẻ!

Tôi đang định hỏi anh ta là ai và ở đâu thì anh đã đón trước:

-   Em là X. phóng viên báo Quân đội về công tác ở vùng ta.

-   Vợ tôi nói hôm qua và hôm kia cũng có anh nhà báo nào đến tìm tôi.

Anh cười:

-   Chính em đây. Hôm nay em quyết tâm phải gặp kỳ được anh vì có một số vấn đề về nghề nghiệp mà nhiều người trả lời còn lơ mơ khó hiểu. Em chắc chỉ có anh là có thể giúp em được.

Tôi nhìn vào bàn gỗ giữa nhà. Vẫn như mọi ngày, phần cơm trong mâm đậy lồng bàn vẫn chờ tôi. Tôi bảo anh:

-   Vậy thì ta đi ăn cơm đã. Anh chưa ăn chứ gì?

Anh đi ra chỗ để ba lô, xách khăn bao gạo lại:

 -  Vậy để em gửi anh gạo.

Tôi xua tay:

-   Thôi, thôi! Xin miễn, cất gạo đi.

 -  Thành việc em mà tốn anh.

Anh vừa nói vừa ngập ngừng đem khăn bao gạo lại để dựa vào ba lô. Tôi không khỏi xót xa nhớ đến cái tính hiếu khách truyền thống đã mất. Đã thành quán tính mới: Sợ khách đến tốn cơm. Khách đi đâu phải đeo gạo. Sự thăm hỏi nhau thưa thớt dần và trở thành bất đắc dĩ.

@@@

Mở mâm cơm ra thấy có canh cua đồng rau đay và một đĩa tôm kho, đĩa cà và nước mắm. Có quả chanh đã cắt sẵn và hai quả ớt. Trông ngon nhất là một đĩa cá rô rán. Anh ta như lạ lùng:

-   Sang quá.

-   Cá rán là bất thần. Còn thường thường ngày nào cũng có những món cơ bản kia mà tôi gọi là bữa cơm gia đình Việt Nam (cá hoặc tôm kho, canh rau đay cua đồng, cà xổi hoặc cà sống cùng mắm tôm chanh ớt).

Anh ta nói:

-   Sang quá đấy anh ạ! Chúng tôi cơm đã tồi, đã gạo bục còn thức ăn chỉ rau muống già chấm nước muối. Hôm nào có mì chính thì độ hai lai mì chính phải một xoong quân dụng Liên Xô nước rau muống…

Tôi cắt ngang:

-   Tôi ta vừa ăn vừa đi vào việc. Ăn xong nghỉ ngơi một chút, tôi còn đi thồ buổi chiều.

@@@

Anh vào đề nói như người phân trần:

-   Em muốn đến thăm anh từ lâu nhưng nhân dân họ cứ dọa em là anh hay đuổi khách lắm. Có lần anh đã đuổi cả một đại tá và một cục trưởng ở Hà Nội về.

-  Có thật. Hôm ấy tôi đã nói với mấy ông như thế này: “Nếu các ông có lệnh về bắt thì tôi đi, còn về để chơi thì tôi không có thì giờ tiếp. Tôi bận làm ăn”. Tôi rót nước trắng cho họ và nói: “Tôi có chè ngon nhưng để mời những ông già nghèo trong xóm và những ông ăn mày, những người cả đời không biết chè móc câu uống nó ra làm sao cả, còn các ông thì thiếu gì chè tiêu chuẩn”. Họ chán ra nhà thờ thắp hương cho mẹ tôi rồi đi. Ngày xưa hồi bí mật mẹ tôi đã nhịn cháo rau để nhường cho mấy ông cách mạng. Đấy đối với những khách chính trị thì tôi chán như vậy, nhưng đối với những anh em văn nghệ  và nhất là những anh em trẻ thì tôi phải phủ phục lạy cả nón mà thưa rằng: “Con lạy các bố thánh dám coi trời bằng vung. Cái nghề kêu vay khóc mướn quyền rơm vạ đá con đang phải bỏ trốn mà các vị lại xông đến thì quả là con người là thật! Nó là ma là quỷ nhưng cũng cả là thần thánh nữa”.

Chỉ vì thích đại đội trưởng để ra oai với gái, thích công an, phòng thuế béo bở mà người thì bỏ nhạc, người thì bỏ thơ, bỏ họa. Bọn ấy bây giờ giầu cả, có anh có cúp, có nhà cửa khá đồ sộ. Gặp tôi họ nói như hú vía: “Không chuồn sớm thì bây giờ em cũng khổ quá anh!”. Nhưng nhiều anh khác, có anh rất trẻ như anh hôm nay thì vẫn mê tơi văn nghệ như mê gái.

Anh nhà báo trở vào đề:

-   Em muốn hỏi anh mấy vấn đề sau đây.

-   Anh cứ nói.

-   Dân càng ngày càng khổ. Những người có chức có quyền kết bè nhau làm sai một ngày một trầm trọng. Vậy em có nên viết thật hết không?

-   Tốn bao nhiêu xương máu để giành độc lập mà người dân khi nói thật còn run sợ thì tôi thấy nhục thật. Nhưng như anh đã thấy, nếu anh viết sự thật thì họ không đăng, lại còn kiểm điểm bắt làm tự thuật, không được tăng lương hoặc có thể bị đuổi việc hay bị đưa ra tòa.

-   Vậy không viết thật nữa sao?

-   Anh có quyền viết, có nhiệm vụ viết nhưng chỉ viết để để lại như họ Thái sử ngày xưa.

-   Vậy nếu họ toàn phạm tội mà mình cứ bịa ra mà khen họ như thần thánh thì sao?

-   Thì người ta đăng cho anh ngay, còn đưa anh lên cấp cao, lãnh đạo rồi kết nạp vào hội.

-   Nhưng như thế cũng ngượng cũng nhục cho ngòi bút lắm. Em thấy nhiều anh là hội viên mà viết lách có ra gì. Cứ đem mà thi lại cái hội nhà văn hoặc đem cho độc giả đánh giá từng ông thì mới lạ đấy.

-  Vậy thì anh cũng còn có lương tâm đấy.

Anh lại hỏi tôi:

-   Theo anh thì phải đạt những tiêu chuẩn gì để nhà văn có thể nổi tiếng?

-   Có hai cách để nổi tiếng: nổi tiếng ngay và lâu mới nổi tiếng hay là dễ và khó nổi tiếng.

Anh ta có vẻ sốt ruột:

-   Anh trao ngay cho cái phép làm sao để nối tiếng ngay.

Nghe anh ta dùng chữ phù phép mà tôi buồn cười:

 -  Đúng là phù phép thật. Phi phù thủy cao tay thì không làm nổi.

 -  Lạ quá anh dạy cho.

Tôi dằn từng chữ:

-  Đây nhá ghi lấy: Muốn thành nhà văn nhà thơ nổi tiếng ngay thì lại “đừng viết văn”.

Anh càng ra vẻ lạ thêm:

-   Vậy thì nên làm gì?

-   Nên làm gì à? Nên làm quan. Quan càng to thì văn càng hay. Thơ văn càng như mèo mửa thì bọn cơ hội, bọn nịnh hót càng hít, càng thổi lên tận mây xanh. Chúng đặt ra những là “Những vì sao đất nước” hay “Những tác gia Việt Nam” để đưa anh vào hàng chục trang mà mới có tiểu sử. Trong khi những người có công với văn học, có tác phẩm nổi tiếng lại không được chữ nào.

Anh bật cười lên:

-   Ha ha! Đúng quá!

Anh hỏi thêm:

-   Liệu có bền được không anh?

-   Nếu tôi bảo thời gian sẽ trả lời là tôi không muốn khẳng định ngay.

-   Còn anh nói cho nghe về trường hợp nổi tiếng vì thực tài.

Tôi đang sắp trả lời thì anh lại bảo:

-  Viết tài được như anh khó quá!

Tôi vội nói như để cải chính:

-  Các anh hay quá khen lắm lúc tôi rất ngượng. Thực ra tôi thấy tôi viết được như vậy là do tâm và chí, mà tâm và chí thì ai cũng có được nếu muốn. Tâm là cái lòng thiện, lòng nhân đức trước những người dân bị đau khổ, bị cường quyền áp bức, bóc lột, lừa dối. Chí là cái cương quyết vượt mọi khó khăn, mọi nguy hiểm có khi đến tính mạng để thực hiện cái lòng thương ấy bằng thơ văn thì thơ văn phải xúc động, phải tài. Nếu có tâm mà không có chí thì không thể có tài.

-  Nhưng có chí như anh thì cũng khó lắm!

-  Khó hay không là ở mình. Phải dám vứt vàng không tiếc tay nếu là vàng phi nghĩa. Phải dám bỏ xe đi đất, phải dám bỏ ngôi cao nếu ngôi ấy là ngôi bù nhìn ngồi để làm tay sai, để thi hành những điều ác, trái tâm, trái đạo. Phải không sợ bênh vực người oan trước cường quyền, không dùng cường quyền để làm hại người, cướp của người, cướp vợ người, làm hại những đời con gái tử tế. Phải bất chấp mọi dư luận rất rờm tai quanh mình, nào là “chậm tiến, không tiến bộ, dại, không biết gió chiều nào che chiều nấy, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, người ta chịu được mình chịu được, v.v.”.

Đến đây anh hỏi tôi:

-   Vậy anh không thấy khổ à?

-   Tôi đã nghĩ nhiều lần đến điểm này mỗi khi gặp khổ và vượt khổ. Có lẽ cái này liên quan đến gien, đến tính mẹ đẻ. Theo tôi, sướng hay khổ quan trọng là ở tâm. Nếu tôi cho sướng cứ phải ô tô, nhà lầu, phải vợ đẹp thì thật là vô cùng, không thể nào thỏa mãn được. Có 1 muốn có 2, có 3, có 4…, đoạt được mãi như vậy không thể không phạm tội ác. Còn sướng tại tâm thì trong một xã hội càng bất lương đến đâu, người có lương tâm lại thấy mình càng nghèo; càng trong sạch thì lại càng tự hào, càng bằng lòng mình. Mình không phải sợ pháp luật, không sợ ai thù oán mình.

    Nhà tôi dột những đêm mưa to, tôi dậy giữa đêm tìm mo, tìm ni long dọi nhà. Nhớ đến chuồng lợn dột tôi ra dọi chuồng lợn. Tối có cái vui là vợ con ngủ khỏi bị dột, cái vui là con lợn được ngủ yên. Giá người ta thương dân như tôi thương con lợn.

Tôi hỏi lại anh:

-   Anh thấy có đúng không?

Anh rơm rớm nước mắt trả lời tôi:

-   Đúng quá chứ anh nhưng cũng khó thật.

-  Tôi thì tôi lại cho là dễ. Làm nên một tài sản tỉ phú mới khó. Phải rải thây trăm họ. Không phải là người khát máu, coi mạng người không ra sao thì anh không làm nổi. Còn đi tìm cái vui, cái sung sướng bên trong thì đơn giản hơn nhiều. Chỉ có tôi với tôi không cần ai khác. Tôi chỉ cần phóng tay phát động tôi, phát động cái chí của tôi để thực hiện cái tâm.

    Phát động được thì tôi có cái vui vô bờ bến là lẽ phải được bênh vực và tôi là người không làm trái lương tâm. Nếu không được thì lẽ phải bị chà đạp, có những người bị oan và tôi rất xấu hổ. Ở một nhà văn mà đem chí phát động được tâm thì tất nhiên tác phẩm phải đi sâu vào lòng người.

-   Theo anh thì thơ văn phải đạt những tiêu chuẩn nào để thành bất hủ?

-   Những điều đã nói với anh ở trên cũng như đã trả lời câu hỏi này. Những điều sau đây củng chỉ để bổ sung thêm. Lịch sử văn học thế giới đã cho thấy là những thơ văn bất hủ đều phải đứng về phía dân, phải trung với dân, phải chống cường quyền như Khuất Nguyên, Danté, Puskin… Thơ văn đứng về phía vua chúa như Tao Đàn, Thi Xã… Mấy ông vua phi dân muốn làm cho văn chương quên thiên chức của mình và muốn xua những nhà văn vào tổ chức như những chuồng bách thú để dạy họ làm xiếc, đem thơ văn để lừa dân, để làm tay sai cho mưu đồ phản dân của họ.

    Ngay giữa những thời ấy cũng đã có phản ứng của những nhà văn có lương tri. Có: rối nước, Trạng Lợn của Lương Thế Vinh. Có: thơ hiện thực của Cao Bá Quát và câu thơ ứng khẩu nổi tiếng của ông: “Ngán thay cái mũi vô duyên/ Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An…”.

    Anh ngồi suy nghĩ một chập như để nhớ ra câu gì rồi nói:

-   Suýt nữa tôi quên cái mà tôi cần hỏi nhất!

-   Điều gì vậy? – Tôi hỏi.

Anh nói:

-   Có nhiều nhà văn phàn nàn là sinh không gặp thời nên viết lách khó quá.

Tôi buồn cười:

-   Hay quá! Sao khéo gặp nhau như vậy! Cách đây không lâu anh em văn nghệ Hà Nội và Hải Phòng có viết thư thăm tôi và cũng phàn nàn như vậy. Nay tôi nhắc lại câu trả lời tôi đã viết cho họ: Thời đại chúng ta là thời đại của những nghệ sĩ lớn, có thể là rất lớn. Vấn đề không phải là có lớn được hay không mà có dám lớn hay không.

@@@

    Ba năm sau tôi nghe tin là anh này sau khi gặp tôi đã về xin giải nghệ nhà báo và khi hết nghĩa vụ thi vào học đại học sư phạm, và đã ra ngành ít lâu rồi. Anh có nói với bạn bè rằng: “Anh Hữu Loan khổ quá. Tôi nghĩ khi viết được như anh thì mình cũng phải khổ như thế hay sao. Sợ quá!”.

@@@

    Một hôm đứa con gái tôi làm giáo viên cấp 2 ở xã về bảo tôi:

-   Bố ạ, hôm nay ông X về kiểm tra trường con. Khi thưa thưa người, ông ấy gọi con ra một nơi rồi nhìn trước nhìn sau không có ai, ông gửi lời con về thăm bố.

    Con tôi dừng một chập rồi hỏi:

-   Bố ạ, có phải như thế là cũng quá hèn không bố?

-   Cũng không phải quá đâu con ạ. Còn khối người ngày xưa mang ơn bố rất nặng, như bố bênh vực cho khỏi đi tù, giúp đỡ cho đi nước ngoài cho khỏi chết đói mà còn không dám đến thăm bố, không được một lời hỏi thăm. Có học sinh ngày xưa của bố đi ngang qua bố ngoảnh đi không dám chào, trước công chúng không dám nhận là học trò bố.

    Nhưng trái lại có ông giáo không là học trò bố lại cứ nhận là học trò. Gặp bố đủn xe thồ là ông ta xuống xe cất mũ “thưa thầy” và nói với bố đều xưng con: “Con tiếc không được hân hạnh là học trò của thầy!...”.

    Con gái tôi đứng xích lại gần hơn và hỏi nhỏ:

-   Vậy đảng làm cho người ta sợ liên quan lâu như vậy có phải là sai không bố?

-   Đảng có những cái sai nhưng sai chính là bọn cơ hội kéo bè nhau làm sai, thổi phồng mãi những cái ngáo ộp lên để nát dân, để kiếm chác làm mất uy tín đảng, làm dân xa đảng, oán đảng. Đảng càng tin chúng là dân càng xa đảng. Còn sợ quá đến mất tư cách cũng không phải là yêu đảng mà chỉ làm đảng mất uy tín. Họ làm như đảng không bao giờ biết theo lẽ phải.

    Con gái tôi reo lên:

-   Đúng đấy bố nha! Ngay gương của bố đấy, bố lúc nào cũng nói thẳng nói thật mà bố có việc gì đâu?

-   Đúng! Chính mình làm mình hèn lại đổ tội cho người ta làm mình hèn.

(Thanh Hóa, Vườn Lỗi 1980)

HỮU LOAN

 

Tranh Bùi Quang Ngọc

Tranh Bùi Quang Ngọc