Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2025

“Không làm gì được quyển lịch…”

Nguyễn Quỳnh Hương


Và không làm gì được kim đồng hồ.

Thẳng hướng mắt anh nhìn, từ giường bệnh – là chiếc đồng hồ. Ngày và đêm, nhích từng phút. Những ngày cuối, tôi sợ nhất là khi anh nhìn đồng hồ, dường như anh đang đo thời gian còn lại, dường như anh trì hoãn Cuộc Hẹn lớn lao đó.

Người Đàn Ông Nhâm Dần chống đối số phận. Kệ tất cả các xét nghiệm, kệ tất cả các kết quả Hội Chẩn, kệ tất cả các kết luận của bác sĩ – anh KHÔNG ĐỒNG Ý! Trên giường bệnh, cắm chi chít các ống truyền, anh vẫn tìm kiếm khắp nơi có một bác sĩ nào, có một bệnh viện nào đồng ý mổ. Vì khát vọng sống của anh lớn quá, vì anh yêu cuộc đời và tha thiết ở lại quá, vì anh quyết liệt không dừng lại nên tất cả người thân yêu của anh đều cùng anh hy vọng: sẽ có một ca mổ, để điều kỳ diệu được gửi đến!

15g50, ngày 16/7 chiều thứ Tư, anh tỉnh sau một giấc ngủ ngắn bởi thuốc giảm đau. Anh nói nhẹ lắm, chỉ như hơi thở mảnh: “Về Nhà! Về với Mẹ!”.

Đó là lúc anh đã đồng ý nhận cuộc hẹn cuối với Số Phận!

Tôi hiểu anh cần xác nhận, “Vâng! Em sẽ gọi Nhật, chị Hoa để mọi người đón anh về! Em gọi Việt Tú nữa, để lo các việc nhanh nhất. Bà đã chuẩn bị giường cho anh ở Nhà. Bây giờ em sẽ xếp đồ rồi chờ Nhật đưa anh về!”.

Thời gian có khi trôi lâu khủng khiếp –mỗi phút trôi qua rất lâu, rất lâu. Cuối ngày tắc đường, các thủ tục bệnh viện…

Sáng sớm 17/7. Bác Thảo mẹ anh đứng ở cửa chờ người đưa hoa, “Anh thích hồng thơm, để bình hoa trong phòng cho anh dễ chịu”. Nhà yên tĩnh, ánh sáng vàng ấm, với tranh và tượng và gốm – NHÀ CƯƠNG như mọi ngày, gian trong em Lý đang ngồi bên máy tính để xem các việc cần xử lý, chị giúp việc tỉa hoa cắm vào bình gốm, mẹ anh ngồi đau đớn bất động bên bàn nước nhìn con giai trong giấc ngủ biền biệt, chị Hoa em gái anh quán xuyến các việc trong nhà, vợ chồng Nhật Bảo đi lo đất. Các việc sắp đặt quy củ và bình tĩnh, thỉnh thoảng cửa mở để một người thân nào đó vào chào anh.

Thời gian ít quá. Thời gian trôi nhanh quá. Không làm gì được kim đồng hồ.

Ngày 3/7 anh vào Vinmec. Anh vẫn tin mình tìm được cơ hội để mổ. Anh mặc polo hồng, quần jean xám rất đẹp, đồ đạc mang theo gồm cả nước hoa, bàn cạo râu, khăn mặt mềm, set du lịch cá nhân, mở cửa phòng là bản Nocturne No.1 của Chopin nhẹ như hơi thở. Vẫn sách vẫn bút chì để note lề những đoạn anh thích, báo mới trong ngày, quyển Nguyễn Huy Thiệp – Trò chuyện với hoa Thuỷ Tiên kẹp trang giữa đọc dở.

Anh bị dị ứng Paracetamol và các loại giảm sốt. Nhưng anh bị nhiễm trùng máu, anh tự chọn phương án giảm sốt bằng đọc sách. Hết ông Nguyên Ngọc rồi đến ông Thiệp, anh mang ra làm liều hạ sốt. Đọc để quên đau, và cũng quên mình đang ốm.

Nhưng rồi thực tại vẫn ở đó. Anh nói đã chuẩn bị xong tác phẩm cho triển lãm ở VCCA vào tháng 12/2025. Còn lời giới thiệu triển lãm “cần hai bức đối xứng, một bức anh đã viết xong nội dung, đọc cho Lý đánh máy rồi – về triết lý điêu khắc của anh. Giờ bức còn lại, về lý do vì sao anh chọn chủ đề Hạt Gạo – sáng thế đời sống tinh thần của người Việt. Em note cho anh, mình tranh thủ lúc đang nhàn trong viện!”.

Trưa 11/7, NXB Trẻ gửi đến ba cuốn sách in test Tiếng Chợ  – tập tản văn, tạp bút của anh sẽ ra mắt trong tháng 7 này. Anh bảo chị Hoa mang một cuốn về tặng mẹ, một cuốn anh giữ, một cuốn anh ghi tặng tôi, thời gian dưới chữ ký khiến tôi điếng người: “A. Cương – 17/7/2025”.

Trong cuốn sách, có trích một câu của nhà văn Bảo Ninh: “Cách đây 38 năm mình làm gì nhỉ?”. Những ngày cuối, để anh phân tán khỏi cơn đau, tôi mang câu ấy ra hỏi anh, anh bảo: “để nhớ được ra anh sẽ nói…”. Tất nhiên tôi không bao giờ biết cách đây 38 năm, Lê Thiết Cương đã làm gì để tạo nên một hành trình rực rỡ vô tiền khoáng hậu của cuộc đời mình.

Giá mà mỗi lần mắt mở

đều là lần đầu tiên

Đề từ của bài Mòn Sen. Mọi khoảnh khắc sống đối với anh đều là bắt đầu, lần đầu tiên, duy nhất. Khát khao sự tươi mới và thuần khiết, ao ước mãnh liệt những khoảnh khắc chưa từng xảy ra. Từ chối sự lặp lại, cũ mòn, thói quen. Sống trọn vẹn trong hiện tại, tái sinh tinh thần qua đôi mắt nhìn trong trẻo “lần đầu tiên” tiếp nhận.

Anh Cương đã luôn sống như thế. Cả cuộc đời mình.

Hà Nội sẽ vắng vẻ nhiều lắm, tinh thần của Hà Nội – với người yêu văn chương, âm nhạc, hội hoạ, phố cổ, quà phố, nếp người nếp nhà – bị mất mát ít nhiều sau chuyến rong chơi “bất phục phàn” này của anh!

Người ta có thể ngưỡng mộ tài năng nhưng chỉ có thể yêu thương và kính trọng sự tử tế. Bạn bè anh ở khắp các miền xa xôi trở về bằng bất cứ phương tiện nào có thể, chờ chực ở hành lang bệnh viện và con phố Lý Quốc Sư, để được từ biệt Lê Thiết Cương. Một đời người như thế, không thể ao ước được hơn…

Anh nghỉ ngơi nhé, mệt vậy cũng đủ cho trái tim nặng trĩu không chịu nổi Sự Xấu trên cuộc đời này! Thương yêu anh nhiều lắm…