Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2025

Bản giao hưởng câm

 Trần Kiêm Trinh Tiên

Thôi thì cứ gọi thầy ấy là thầy Sáu.

Từ ngày về lại Dòng, thầy chăm lo phần việc giúp lễ cho các linh mục. Sáng tinh mơ, thầy đã ra vườn cắt hoa vào thay ở các bàn thờ. Không ai chú ý việc thầy vẫn chờ người đưa báo mỗi buổi sáng. Anh ấy chạy ngang, ném vụt tờ báo qua cánh cổng. Hôm nào rảnh rỗi và nhận ra thầy thì anh vẫy tay chào. Có lẽ đó là câu tiếng Việt duy nhất thầy nghe, đã từ lâu lắm. Và thường thầy hay đứng nán để chờ cho hai chấm đèn đỏ khuất sau rặng thông non của nhà nguyện. Trời vẫn chưa sáng. Chiếc xe ấy sẽ xuôi về phố, nơi có con kênh nước trong veo soi bóng những cây sồi già. Vâng, nơi ấy, gần tháp chuông cao trên đầu có con gà trống xoay theo hướng gió, băng qua chiếc cầu đá cũ là... Thầy khẽ thở dài. Thầy không biết nơi ấy gọi là gì. Thầy cho tay vào túi áo tìm tràng hạt. “Lạy Chúa, xin cho con một ngày bằng an. Con biết sáng mai chim vẫn hót trên cành cao, hoa huệ vẫn nở trắng ngoài đồng, mà sao lòng con đôi khi vẫn chưa tìm thấy được sự bình an?”.

Hôm nay chưa đọc xong phần Khải Huyền của Thánh Yoan thì có chuông báo thầy có khách. Khép hờ cánh cửa phòng, thầy xoay lưng đi nhanh, bước qua khoảng sân đầy bóng nắng. Chắc là Chân Như, con gái của ta. Không thể là ai khác... Trong thư con có nói khoảng tháng này là nó về thăm... Thầy nghe trong đầu mình ù lên cả ngàn vạn tiếng ong. Chân bước vội nên mấy lần thầy suýt vấp ngã. Ôi, mới nghĩ đến hai chữ vấp ngã thôi mà ngực thầy đã nhói đau.

Cô gái trẻ đứng chờ thầy tận ngoài bậc thềm. Đúng là Chân Như. Thầy đã nhận ra cái bóng cao khều của nó từ xa. Thầy cuốn lên vì nỗi vui gặp lại con. Thầy cũng cuốn lên vì bao nỗi niềm đang như ngọn triều dâng nhanh mỗi lúc mỗi cao trong lòng thầy. Mình phải bước chậm lại và giữ hơi thở đều để chế ngự sự xúc động. Không thể để cho con ta thấy những giọt nước mắt của ta.

Giữa trưa, tiếng “ba” của cô gái reo lên nghe vui như tiếng chim. Chân Như có đôi mắt cười, thông minh và thật thà.

- Hồi này con thấy ba ốm hơn...

Vẻ quấn quýt của con gái giúp thầy bình tĩnh. Đứng phía sau Chân Như là Thiên Ân. Vẫn như bao giờ, người thanh niên lễ phép chào thầy. Nụ cười trầm tĩnh và đôi mắt nghiêm sau cặp kính trắng. Anh có khuôn mặt của một vị linh mục. Thế còn ta, ta đã chẳng từng sắp chịu chức rồi đó sao?

Thầy xao xuyến nghe con gái nói về đủ thứ chuyện, kể từ lần gặp trước. Thầy còn nhớ ngày nó mới sanh ra đỏ hỏn, ôm con trong lòng, thầy đã nguyện xin cho thầy được đi theo giúp đỡ và chăn dắt nó suốt cuộc đời thầy... Mà thôi, có bao giờ ai bảo thôi sông ơi đừng chảy? Vô tình, thầy phác bàn tay trong không khí như để xua đi những điều thầy đang nghĩ. Chân Như ngừng nói.

- Thưa thầy, hôm nay con lên đây để xin thưa với thầy...

Giọng Thiên Ân đều đều và thành khẩn như đang đọc Phúc Âm.

- Tháng Sáu sắp tới Chân Như tốt nghiệp, chúng con xin phép làm lễ cưới vào tháng Tám, thưa thầy.

Nói đến đây, Thiên Ân đâm ra lúng túng. Chân Như bật cười. Nét mặt thầy thư giãn.

Thầy thấy nhẹ lòng. Giọng Chân Như vui như tiếng hạt chuông:

- Chúng con nhờ ba lo cho chúng con thánh lễ của đám cưới. Mẹ có nói mẹ sẽ lên gặp ba để bàn thêm.

Thầy cảm thấy như trời chợt trở gió. Thầy ngồi lặng, khẽ khàng hít vào một hơi thật sâu, tay níu vào thành ghế. Vẻ hân hoan của con gái thêm một lần nữa giúp thầy bình tĩnh...

Nếu trước đây tôi gọi em là bản giao hưởng của tôi thì Chân Như là nốt nhạc cuối cùng của tôi còn sót lại trần gian. Nó sắp đi qua chiếc cầu muôn thuở của loài người. Sắp đi qua vòm cổng có hoa và lời chúc tụng. Nơi mà khi chiếc nhẫn đã trao vào tay thì cứ ngỡ là vĩnh viễn. Nơi mà khi lời Chúa được đọc lên tưởng như lời ấy tự hằn ngay trên đá:

 “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân ly.”

* * *

Đối với mẹ tôi, tôi là “hạt giống rơi vào đất đá.”[1]

Tôi mất cha từ nhỏ. Vì sợ không dạy dỗ được con nên mẹ gửi tôi vào Dòng, lòng thầm mừng đã mang được hạt giống đi gieo ở vùng đất tốt.

Tôi được dạy về điều công chính, về lòng từ ái, về đức vâng lời, đức khiêm cung... Tôi lớn lên như nét ngay, sổ thẳng của bài tập viết vỡ lòng nhưng cuộc đời thì không bao giờ như bài tập viết ấy. Nhà Dòng là nơi trú ẩn của tâm linh tôi. Cho đến một hôm, sau buổi họp khẩn của linh mục Bề Trên, các linh mục trẻ phải sửa soạn dời về dòng chính, còn các thầy tạm về ẩn tu ở nhà của gia đình. Từ đó Nhà Dòng trở thành bệnh viện của huyện.

Tôi về ở với mẹ tôi. Sống và cầu nguyện trong niềm hy vọng chờ ngày được chịu chức. Tôi tìm một công việc tạm sống qua ngày. Ngoài ngày hai buổi đạp xe đến chỗ làm, tôi còn cùng với các bạn trong nhóm từ thiện đi viếng thăm, giúp đỡ những người đau yếu. Đôi khi chúng tôi phải mang phẩm vật và tiền bạc đến cho đồng bào thiểu số ở cao nguyên. Được hội nhập, với tôi là niềm vui. Việc nặng tôi không từ nan, bạn bè nào khó khăn tôi sẵn sàng chia sẻ. Tôi được tin cậy, được thương mến.

Tôi sống mỗi ngày bằng vọng âm của lời Thánh Kinh. Tôi biết là tôi đang đi qua cái “cổng hẹp”[2]. Mỗi lần đi gặp các vị Bề Trên về là lòng tôi thêm mòn mỏi. Phải chờ đợi. “Họ không muốn Nhà Dòng phát triển thêm linh mục...”. Ngày chịu chức trở nên xa vời, nên tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Xin Chúa thôi cho con làm con thuyền bơi ngược sóng.

Mùa chay năm ấy, nhận xong đợt thuốc trị bệnh và quần áo của Hội “Bác Ái” từ Pháp gởi về, nhóm chúng tôi tổ chức lên cao nguyên. Sắp lễ Phục Sinh, các bác trong nhóm bận theo việc Nhà Xứ nên lúc đi chỉ có Lạc Thư, Toàn, Sơn, Quý và tôi. Lạc Thư là chị của Đỗ Quyên, cô bé năng nổ nhất trong nhóm. Hôm ấy, Đỗ Quyên ốm nên ở nhà. Một lần, Đỗ Quyên kể chồng sắp cưới của chị Lạc Thư mất tích hồi 1975 ở mặt trận Quảng Tín. “Chị ấy hát và đàn dương cầm rất hay...”. Lạc Thư ít nói, thường chăm chỉ làm việc. Buổi chiều vừa lên đến nơi, các bạn thanh niên rủ nhau tối nay đi xem phim chiếu ngoài bãi. Ai cũng bàn tán về bộ phim Chiến tranh và Hòa bình. Chờ lâu lắm rồi hôm nay Đội Chiếu Bóng lưu động của tỉnh mới về.

Buổi chiều, một mình, tôi qua thôn Yên Khê ở phía bên kia đồi, mang thuốc đến cho hai người bị bệnh tim nặng. Vừa băng qua chiếc cầu tre, chợt có tiếng gọi.

- Thầy chờ em với.

Thì ra Lạc Thư. Chị đang đi xuống từng bước trên đoạn đường đổ dốc. Giải khăn quàng vàng cam làm ấm màu chiều xám. Tôi bâng khuâng nhớ màu của chiếc lá thu. Thuở ấy, tâm hồn như cỏ non, tôi chưa hề biết nhớ một màu áo. Bỗng từ đâu bay về bên suối hai chú vịt trời. Con trống, thong thả uống nước, bộ lông màu lục óng mượt quý phái xen với màu nâu sữa tươi. Con mái đứng im lìm, trông đằm thắm trong chiếc áo màu nâu đậm lấm tấm in hoa cũng màu nâu sữa tươi. Trời đất thật hài hòa, đến màu áo của chim muông cũng cưu mang dấu vết và kỷ niệm của nhau. Lạc Thư vẫn bước từng bước chậm ở đoạn cuối của con dốc. Một cánh tay chị đưa lên như vịn vào gió. Tôi đứng chờ bên cầu, đôi tay thừa thải.

Bận về, đêm đã khuya. Những vì sao núi đẹp lạ lùng trong thứ ánh sáng xanh biếc. Cơn mưa lúc chập tối làm con suối tràn nước qua chiếc cầu tre.

 Lạc Thư nhỏ nhẹ:

- Thầy cho em níu nhờ vạt áo của Thầy.

Cả hai chúng tôi đều bật cười sau câu nói . Nước trôi qua chân lạnh ngắt. Bàn tay chị mềm như cánh ngọc lan. Đi bên tôi, chị không còn phải đưa tay vin vào gió. Tôi mơ hồ nhận ra trong tôi thứ im lặng thẳm sâu bắt đầu lên tiếng. Như từng mớ rong tảo đang cuộn lên từ biển sâu.

Qua khỏi chiếc cầu tràn nước lũ, tôi buông tay chị. Thoảng trong gió, nhẹ có tiếng thở dài. Tôi xao xuyến. Lạc Thư rủ tôi lúc lên tới đỉnh đồi hãy ngồi lại ngắm sao. Trời trong như đôi mắt ai vừa khóc. Trên phiến đá lạnh, tôi ngồi xuống bên chị, nhìn sao.

Lạc Thư nhắc bài Rêverie[3]. Rồi chị hát cho tôi nghe.

Chiều rơi từ nơi nao xa vắng... Biết nhau chiều đó trở về đường cũ rồi biệt ly không ngờ... Người ơi! Về đâu từ khi lá úa? Thấy tinh cầu ngã tưởng là người cũ, là người của mong chờ...”

Tiếng hát như cánh hoa rời bay trong gió. Thì ra giấc mơ đời buồn đến như vậy sao? Tôi thấy mình ngô nghê như chàng chăn cừu của Alphonse Daudet[4]. Nhưng đêm nay không có vì sao nào nghiêng đầu ngủ quên bên bờ vai tôi. Mà cạnh tôi là một phiến sầu. Đêm đã thấm lạnh. Lạc Thư đứng dậy:

- Thôi mình về!

* * *

Mẹ tôi thường nói: “Vô tri” thì “bất mộ”.

Điều ấy khiến tôi không ngớt bị ám ảnh về một câu chuyện xưa. Chuyện kể rằng:

 “... Xưa có một vị thiền sư tìm đến tu ở một ngọn núi cao, chưa hề có bước chân người. Một hôm xuống suối quảy nước, ông nghe có tiếng trẻ khóc...

Đứa bé lớn lên, hôm sớm cạnh thầy. Mười tám năm sau, với tư chất thông minh, chú thuộc làu kinh kệ. Thầy mừng trong lòng nhưng tâm vẫn thấy chưa an. Ngày nọ, vào tiết lập xuân, thầy bảo người đệ tử hôm nay thầy sẽ đưa con đi xa hơn ngọn núi. Về tới đồng bằng, mỗi nơi đi qua thầy đều giảng giải này đây là cánh đồng. Đám cỏ xanh rì kia gọi là mạ, sẽ được đem ra trồng, lớn lên thành cây lúa. Cây lúa cho hạt lúa. Hạt lúa thành hạt cơm để nuôi người. Còn người là ai? Chú chưa hề trông thấy ai khác ngoài Sư phụ của chú.

Người đệ tử mơ hồ chưa hiểu ra điều thầy nói nhưng vẫn lặng thinh chưa dám hỏi. Lúc đi ngang qua một cánh đồng khác, có người thôn nữ đang cấy mạ. Chú ngạc nhiên đưa mắt nhìn cô gái và hỏi thầy:

- Thưa thầy, đó là cái chi?

- Cái nón.

 Về lại sơn cao, vị thiền sư nhận ra tâm tính người học trò mình thay đổi. Chú thẫn thờ, biến nói. Một hôm, sau hồi công phu khuya, thầy gọi chú lên để hỏi căn nguyên. Chú mở lòng bộc bạch cùng thầy:

Thưa thầy, con nhớ cái nón!

Mỗi ngày, tôi thấm thía nhận ra mình đang trượt xa dần niềm hy vọng. Như đang có thứ vọng âm nào khác từ bên ngoài cánh cửa đời. Thì ra tôi cũng giống như chú tiểu trong câu chuyện cổ. Sau một tối cầu kinh, tôi đến bộc bạch với mẹ là tôi đang muốn đi tìm cho chính tôi giấc mơ của cuộc đời. Mẹ tôi lẳng lặng vào phòng, không dấu được tiếng thở dài.

* * *

Cuối cùng em và tôi cũng thành tâm bước qua chiếc cầu giao ước ấy. Tôi mơ kéo được em ra khỏi giấc mơ buồn của cuộc đời, cho tôi trở thành bầu trời xanh của em. Khi em tìm lại nụ cười, lòng tôi như chuông ngân trong bản giao hưởng hạnh phúc.

Năm năm rồi mười năm.

Ngày đặt chân lên xứ sở mới, hành trang tôi mang theo cùng em là Chân Như và trái tim yêu thật thà. Dạo ấy mùa xuân, hoa đào nở đầy. Dọc hai bên xa lộ có loài hoa vàng giống Mimosa. Nơi đây thiên nhiên đẹp mà như bị lãng quên. Trong ngày có ai chú ý đến các sắc màu đổi thay của núi? Hay chỉ có mình tôi, ngồi chờ tiếng chim cu gáy nghe buồn thiết tha trên vòm cây?

Nhịp sống mới bắt đầu. Em và tôi như hai con chim yến làm tổ cheo leo bên vách núi đá thẳng đứng. Sáu giờ sáng em bắt đầu đi làm thì tôi về nhà, thay em để trông con và đưa con đến trường. Sau đó tôi ngủ vùi không mộng mị trong cái nắng ngày chói chang cho đến giờ đi đón Chân Như. Buổi chiều có em về với con là lúc tôi đến hãng. Sao Hôm vẫn chưa mọc. Tan ca khuya tôi không đủ giờ về nhà nên ghé thẳng trạm nhận báo, nằm ngủ ngoài xe. Gần sáng, chiếc xe tải chở đến những chồng báo còn thơm mùi mực. Báo mới về, được phân phát rất nhanh. Khâu cuối của tôi là xếp phần báo của mình để đi giao. Hôm nào trời mưa thì phải bỏ báo vào bao ni lông. Lòng thầm ngán ngao thêm một công đoạn nữa phải làm. Thao tác phải nhanh mới giao kịp hết lượng báo trước khi trời sáng. Nơi đây, đồng nghiệp của tôi phần nhiều là các anh thuộc thành phần H.O. Có những sinh viên đi làm thêm để ban ngày đi học và số còn lại là vài người di dân gốc Mễ Tây Cơ, hai vợ chồng người Đông Âu, hai mẹ con một bà người Ấn.

Buổi đầu tôi cũng được hỏi thăm:

- Chú là H.O. mấy?

- Như ông Bân là H.O. 9 tụi này kêu anh Chín, chú Hòa H.O. 4 thì kêu là chú Tư... tụi này kêu nhau riết thành tên. Gọi phôn tới cứ xin gặp anh Năm, anh Tám, các bà vợ chẳng hiểu giáp ất gì ráo trọi.

Chú Ba cười khà khà sau câu nói. Ấy là những buổi tán gẫu trước khi xe chở báo đến.

Ôi lịch sử đôi khi cũng để lại những dấu ấn đến quặn lòng!

Thời còn là chủng sinh, tôi rất mê phim Charlot. Hôm nào cha Phục chiếu phim Charlot, kể như hôm ấy là ngày Tết đối với tôi, thằng bé con chỉ mới lên mười. Tôi vẫn còn nhớ tiếng cười ngây thơ trong trẻo của anh em đệ tử chúng tôi.

Giờ đây, ở vào tuổi xế chiều, nơi xứ sở mới, tôi bắt tay vào công việc mới với tâm cảm của Charlie Chaplin. Tôi nghiên cứu địa bàn để làm sao xong công việc nhanh nhất. Nơi cụm chung cư san sát nhau, tôi chỉ cần vác báo chạy bộ. Chạy bộ và ném báo như một cái máy. Chạy bộ và được hít thở thứ không khí trong veo trước bình minh. Để một chút xíu nữa đây thôi, tiếng xe đã ầm ào phía xa lộ. Xứ sở này thức dậy cùng với mặt trời như thứ nhựa mùa xuân tràn trề sức sống.

Khi tôi về đến nhà, trăng non chếch bóng ở cuối bờ thành. Một vầng mây trắng nhạt viền dáng lưỡi liềm như vết quầng thâm của con mắt thiếu ngủ. Em thức dậy và ngồi lại với tôi được vài phút bên ly cà phê buổi sớm. Tôi không quên đưa cho em tờ báo có phần quảng cáo và phiếu mua hàng giảm giá. Chỉ vài lần đầu thì em vui. Về sau, tôi đọc được nỗi buồn pha chút thất vọng trong đôi mắt em. Khuôn mặt em đẹp quá khiến tôi thắt lòng.

Rồi em sẽ hiểu cho tôi. Tôi không còn nhớ lời Thánh Kinh tôi đã thuộc nằm lòng từ nhỏ. “Hãy để ngày mai cho ngày mai lo”. Tôi sợ sự túng quẫn. Cho em và con. Mãi mãi tôi muốn mình là bầu trời xanh của em và con.

Với năm tháng, thói quen của công việc biến tôi trở thành kẻ ù lì, ít nói. Mà nói gì nhỉ? Bước vào hãng là cứ nhắm mắt mà hàn cả trăm múi điện. Biết nói chi với những cọng dây xanh xanh đỏ đỏ ấy? Mỗi ngày, tôi còn phải chạy đua với thời gian để đưa tờ báo đến kịp lúc người đọc ngồi trước ly cà phê buổi sáng. Biết nói chi nữa đây với mấy dòng chữ vô tri, xa xỉ ấy? Nỗi thất vọng thoáng trong đôi mắt em như đàn mối khổng lồ đang gặm nát tôi. Sự im lặng mỗi ngày như lớp sương mù đặc quánh ngăn cách em và tôi. Chiều cuối tuần là dịp tôi thường ngồi nhìn đàn chim bồ câu nhẩn nha trên bãi cỏ xanh bên công viên. Trên những bờ cửa sổ cao của dãy chung cư đối diện, các chậu hoa nhiều màu đã được thay thế bằng những bàn đinh nhọn. Để ngăn không cho chim bồ câu đến. Một vài con rón rén ở bệ cửa sổ rồi cũng phải bay đi. Những buổi tối cuối tuần, thoảng từ cửa sổ phòng em, tôi được nghe lại tiếng em hát. Bao giờ em cũng hát về một khung trời cũ, nơi mà nỗi nhớ chẳng bao giờ tàn phai. Tiếng em hát như bão cát quất rát thần trí tôi. Tôi chỉ còn là cánh chim bồ câu lạc loài đang đứng bên bờ trái tim em.

* * *

Cứ như thế nhiều năm nhiều tháng, em và tôi là sao Hôm, sao Mai.

Một hôm, bản giao hưởng của tôi không nén được tiếng thở dài.

- Phải chi anh ở lại trong Dòng, còn hay hơn...

Lạc Thư nói bầu trời xanh của tôi chỉ là ảo vọng. Em hối hận vì yêu em mà tôi từ bỏ con đường mẹ tôi đã chọn cho tôi. Em nói với tôi em muốn trở lại đời sống độc thân. Và dường như không cầm được lòng, em buộc miệng:

- Em chỉ muốn sống một mình với Chân Như.

Những lời em vừa thốt ra không khác mũi tên lao đi từ chiếc nõ vô tri. Tôi lảo đảo như cánh chim giữa lưng chừng trời.

Từ ấy không còn ngồi lại với nhau bên ly cà phê buổi sớm. Em và tôi như những con búp bê nhảy trên băng tuyết. Chỉ một vòng dây thiều của số phận, cứ như thế mỗi người có một điệu nhảy của riêng mình. Em như ngại ngùng khi phải đi bên tôi, lúc nào cũng lếch thếch trong bộ cánh của gã đi giao báo. Tôi không còn hăm hở chạy bộ mỗi sớm mai mà đời sống trên vai tôi nặng trĩu như những bao bông gòn sũng nước trên lưng lừa. Khi tôi bước vào nhà là lúc em đi làm. Nói với nhau vài lời dặn dò những việc phải làm trong ngày cho Chân Như. Như cuộc đối thoại giao ca ngắn ngủi giữa hai người bảo mẫu. Rồi em bước vội vàng cho kịp bình minh. Tôi ngồi lại với ánh sáng của ngày đang tỏ dần bên ô cửa. Ngày của thế gian là giờ khắc đêm của tôi. Tôi là kẻ lội ngược dòng. Của thời gian và hạnh phúc.

Cuối cùng, tờ ly thư đến với tôi như chén đắng. Tôi cũng đã uống với nỗi buồn, với nỗi xao xuyến của Chúa Giêsu ở vườn cây dầu.

Thấm thoắt rồi cũng đến tháng Tám. Từ sáng sớm, Chân Như hân hoan trong chiếc áo cô dâu màu trắng của tuyết, theo sau là các thiên thần nhỏ xúng xính áo, hoa và nụ cười rạng rỡ. Ẩn trong đôi mắt dịu dàng của Thiên Ân là niềm hạnh phúc bình lặng. Còn em, hôm nay em đến trong chiếc áo dài màu xám xanh, lấm tấm kim tuyến màu trắng bạc. Em và tôi chào nhau như hai người bạn cũ, nỗi ngậm ngùi dấu kín. Rồi cả hai cũng tránh nhìn nhau. Em quấn quýt bên con gái, chăm chú sửa cho con từng nếp gấp của khăn, của áo cho đến khi tôi đưa con đi từng bước chậm lên bàn thờ lễ. Tiết tấu của bài The Wedding March khiến tôi liên tưởng đến một hành khúc. Mà cuộc đời nào khác chi trận mạc.

Chiều hôm qua, Thiên Ân một mình lên thăm tôi. Một già, một trẻ, nói chuyện đến khuya, như hai kẻ sắp chia tay nhau lần cuối ở một bến sông. Ngày mai con bước xuống thuyền, còn ta ngồi lại nơi đây cho hết đời mình để chiêm nghiệm.

Ngày xưa thầy sống như một người đãng trí. Thầy không đủ sự mẫn cảm để thấu hiểu hết những uẩn khúc trong tâm hồn mẹ của Chân Như. Nỗi lo cơm áo biến thầy trở thành người chồng giản dị đến tẻ nhạt. Ước vọng được làm bầu trời xanh không khác hai miếng da che hai bên mắt con ngựa, cứ như thế thầy bước đi ung dung trên một con đường thẳng. Đến mỗi một việc cùng ngắm sao trời với người mình yêu dấu cũng phải chờ đến ngày thái hòa. Mà làm sao có được? Thầy đã ngây thơ sống với triết lý chân phương của “gừng cay muối mặn”, đã là chồng vợ thì chẳng thể nào lìa nhau.

Nét mặt thầy u trầm như người vừa qua cơn say.

- Mãi đến bây giờ, con biết không, thầy vẫn không sao hiểu hết cõi sâu thẳm trong lòng người nữ. Ngày xưa, thầy ngô nghê chỉ mơ làm cây cao bóng cả của họ, nhưng không, sức chịu đựng của họ bền bỉ hơn ta tưởng, con ạ. Thầy khờ dại lo sợ sự túng quẩn của đời thường nhưng không...

Nói đến đây thầy đưa tay chỉ vào đầu mình:

- Sự túng quẫn ở đây mới đáng sợ con ạ. Có bao giờ con chú ý đến loài hoa đá bên bờ suối không? Cánh hoa màu đỏ li ti, rễ cũng li ti nhưng bám vào đá thì nước lũ có tràn lòng suối cũng không cuốn trôi đi được. Như thế đó con, hoa là họ, mà đá cũng là họ khi mình bị họ khước từ. Do thầy vụng về mà bản giao hưởng của thầy đã lặng câm.

Tiếng thầy cười khan trong đêm có dư vị cay của giọt rượu.

* * *

Khi cùng Chân Như đi ngang qua hàng ghế đầu tiên, màu áo của em nhắc cho tôi đêm sao trên đồi Yên Khê. Bên cạnh em vẫn là chiếc ghế trống.

Phải chi ngày đó em không nói “cho em níu nhờ vạt áo…”

(2002)

[1] L.M. Nguyễn Thế Thuấn, Tân Ước, trang 66: “… Thuộc về hạng “gieo vào đất đá”, là kẻ nghe Lời, thì tức khắc vui mừng lĩnh lấy; nhưng không “có rễ” trong mình, là hạng người nông nổi nhất thời; bách hại hay cấm cách xảy đến vì Lời tức thì nó vấp ngã...”.

[2] L. M. Nguyễn Thế Thuấn, Tân Ước, trang 38: “Cổng hẹp: Phải đi vào Nước Trời bằng một lòng cương quyết, bất cứ phải trả bằng giá nào...”.

[3] Schumann, Rêverie, lời Việt của Phạm Duy.

[4] Alphonse Daudet, Les Étoiles.