Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc cuộc chiến (30.4.1975 - 30.4.2025): Phillip Noyce và “Người Mỹ trầm lặng”, bộ phim về khởi nguồn của cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975)

 Huỳnh Duy Lộc

Phillip Noyce – đạo diễn  bộ phim The Quiet American (2002)

Phillip Noyce sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại thành phố Griffith, bang New South Wales của Úc, năm 12 tuổi theo cha mẹ về sống ở thành phố Sydney. Từ thời niên thiếu, anh đã làm quen với cả những bộ phim kinh phí thấp và những xuất phẩm lớn của điện ảnh Mỹ. Năm 18 tuổi, anh thực hiện cuốn phim đầu tay có thời lượng 15 phút có tựa đề Better to Reign in Hell (Tốt hơn hết là trị vì ở địa ngục - 1969) với kinh phí có được từ việc phân vai, bán cho những người bạn. Năm 1973, anh trúng tuyển vào Học viện Điện ảnh Quốc gia Úc và vào học ngay trong năm đầu tiên Học viện này khai giảng. Khi đang học tại đây, anh thực hiện phim tài liệu có thời lượng 50 phút với tựa đề Castor and Pollux sẽ giành được giải thưởng Phim ngắn xuất sắc của Úc vào năm 1974. Bộ phim đầu tiên anh thực hiện với tư cách một đạo diễn chuyên nghiệp là phim tài liệu God Knows Why, But It Works (1976), bộ phim đã mở đường cho anh thực hiện phim truyện đầu tay có tựa đề Backroads (1977) có sự tham gia diễn xuất của nhà hoạt động xã hội Gary Foley và diễn viên Úc lừng danh Bill Hunter, diễn viên sẽ đóng tiếp trong hai bộ phim sau đó của anh. Năm 1978, anh hợp tác viết kịch bản và đạo diễn bộ phim Newsfront, bộ phim sẽ giành được giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc hay nhất tại lễ trao giải Phim Úc. Newsfront không những rất thành công tại Úc mà còn được chọn để mở màn Liên hoan Phim London và cũng là phim đầu tiên của Úc được trình chiếu ở Liên hoan Phim New York.

Sau thành công của bộ phim Heatwave (1982) tại Liên hoan Phim Cannes, anh được mời đạo diễn bộ phim Dead Calm (1989), với các diễn viên có tên tuổi của Hollywood như Nicole Kidman, Sam Neill và Billy Zane. Hollywood đã mở rộng cửa đón nhận anh và suốt một thập niên sau đó, anh đã thực hiện 6 bộ phim, trong đó có Patriot Games (1992), Clear and Present Danger (1994) với diễn viên Harrison Ford và The Bone Collector (1999), với các diễn viên Denzel Washington và Angelina Jolie.

Năm 2002, anh trở về Úc, thực hiện hai bộ phim sẽ được chiếu ở các rạp chiếu phim khắp thế giới: The Quiet American (2002) với diễn viên Michael Caine, được đề cử giải Oscar và có trong 20 danh sách Top ten phim hay nhất, và Rabbit-Proof Fence (2002) dựa trên câu chuyện có thật về 3 thiếu nữ thổ dân Úc bị chính phủ cưỡng bách rời khỏi gia đình mình vào năm 1931 theo chính sách tái định cư lúc bấy giờ, bộ phim giành được giải thưởng Phim hay nhất ở Liên hoan Phim Úc. Hai bộ phim The Quiet AmericanRabbit-Proof Fence đã mang lại cho anh giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất của Hiệp hội Điện ảnh và Các nhà phê bình điện ảnh New York.

Cơ duyên với Việt Nam và bộ phim The Quiet American

Phillip Noyce đã kể về cơ duyên khiến anh đạo diễn bộ phim Người Mỹ trầm lặng: “Vào năm 1995, tôi tới Việt Nam lần đầu tiên để nghiên cứu khả năng có thể cứu vãn dự án phim Saigon hay không nhưng đồng thời cũng là vì tôi nghe thấy có một cuộc hội ngộ hiếm có diễn ra tại miền Bắc Việt Nam để kỷ niệm ngày xuất hiện của đội tình báo Con Nai của Mỹ vào năm 1945. Đây là một nhóm thuộc Cơ quan Tình báo Chiến Lược (OSS), tiền thân của CIA, những người đã nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ hai. Nhiệm vụ của họ là liên hệ và trang bị vũ khí cho quân khởi nghĩa do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì thế ông Hồ và những người đồng chí của ông có thể thực hiện chiến tranh du kích chống lại người Nhật. Những người còn sống của đội Con Nai, như được mời, đã trở lại miền Bắc Việt Nam 50 năm sau đó để gặp gỡ những người bạn Việt Nam tại nơi ở của ông Hồ trước đây (Việt Bắc). Lắng nghe những người lính ngày xưa và câu chuyện của họ, chúng ta không thể nào ngăn được cảm giác ân hận. Quay lại Hà Nội ngay sau cuộc tái ngộ trong rừng, tôi đã được bán cho một cuốn sách có bìa màu xanh. Tôi đã định mua tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, nhưng khi tôi mở cuốn sách trên chuyến tàu chậm từ Huế đến Hội An ở miền Trung Việt Nam, tôi nhận ra rằng trước mặt tôi lại là cuốn Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene. Bị vây quanh bởi những linh hồn người Việt trong cuộc chiến giành độc lập, tôi đã thực sự xúc động bởi ý tưởng mà Graham Greene đã đưa ra – được đúc kết từ sự quan sát của ông trong khoảng đầu và cuối thập kỷ 1950 – trả lời rất nhiều điều, đặc biệt là một câu hỏi cơ bản về cuộc chiến tranh Việt Nam-Mỹ: Tại sao? Tại sao chúng ta đánh nhau? Tại sao chúng ta trút bao nhiêu kinh hoàng dữ dội xuống Việt Nam lâu đến thế?...” (Phillip Noyce: Backroads to Hollywood, Ingo Petzke, tr. 435)

Bộ phim The Quiet American (2002) dựa theo kịch bản của Christopher Hampton và Robert Schenkkan, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Michael Caine, Brendan Fraser và Đỗ Thị Hải Yến là bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene ra mắt năm 1956 kể lại câu chuyện, theo lời Ingo Petzke, “Thomas Fowler đang tận hưởng cuộc sống của một nhà báo nước ngoài tại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của chế độ thực dân Pháp. Nhưng khi Phượng, cô nhân tình xinh đẹp người Việt của ông, trở thành đối tượng say mê của Alden Pyle, một thanh niên Mỹ đang thực hiện một chương trình từ thiện, thì cuộc sống của Fowler bắt đầu chao đảo trong bối cảnh của cuộc chiến tranh và sự dính líu của người Mỹ vào cuộc chiến”.

Thomas Fowler, một nhà báo Anh ngoài 50 tuổi, đã sang Việt Nam hơn hai năm để tường thuật cuộc chiến chống thực dân Pháp của người Việt. Ông đã gặp ở Sài Gòn Alden Pyle, một chàng trai Mỹ có tinh thần lý tưởng, thật ra là một nhân viên CIA hoạt động dưới vỏ bọc nhân viên một phái đoàn viện trợ của Mỹ. Pyle có quan điểm về Việt Nam theo lý thuyết của York Harding, một giáo sư đại học đã viết những cuốn sách về Việt Nam nhưng có kinh nghiệm thực tiễn nào về những nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, chủ trương rằng cả chủ nghĩa thực dân lẫn chủ nghĩa Cộng sản đều không thích hợp với một đất nước như Việt Nam, chỉ một “lực lượng thứ ba” kết hợp được nhiều truyền thống của quá khứ mối có cơ may thành công. Khi gặp nhau lần đầu, chàng thanh niên Pyle đầy nhiệt huyết bày tỏ mong muốn nhờ nhà báo lão thành Fowler giúp anh ta hiểu thêm về Việt Nam. Pyle tin rằng người Mỹ sẽ giúp “lực lượng thứ ba” thắng thế ở Việt Nam, nhưng Fowler có tinh thần thực tế hơn, đã không nhìn mọi vấn đề như anh ta. Fowler có một nhân tình trẻ là một cô gái đẹp người Việt mới 20 tuổi tên Phượng, trước đây là vũ nữ ở nhà hàng Arc-en-Ciel trên đường Jaccareo. Chị của cô muốn cô kết hôn với một người đàn ông giàu có có thể giúp đỡ gia đình mình nên không tán thành mối quan hệ giữa cô với Fowler, một người đàn ông trung niên đã có vợ tại Anh. Trong một bữa ăn tối với Fowler và Phượng, Pyle đã gặp người chị của Phượng và cô ta bám riết lấy anh ta, tra vấn anh ta về mọi chuyện vì hy vọng anh ta sẽ có thể kết hôn với Phượng. Cuối bữa ăn tối, Pyle mời Phượng khiêu vũ và Fowler cảm nhận ngay hai kẻ mới tập tễnh khiêu vũ trên sàn nhảy đã bắt đầu để ý tới nhau. Fowler đến Phát Diệm để tường thuật một cuộc chiến và Pyle đã theo ông đến Phát Diệm chỉ để thú nhận rằng anh ta đã yêu Phượng ngay từ đêm đầu tiên gặp mặt nàng và muốn cưới nàng. Fowler chẳng nói gì, nhưng vài ngày sau nhận được một bức thư cảm tạ của Pyle. Lời lẽ đầy tự tin của Pyle trong bức thư làm ông điên tiết vì Pyle tin chắc rằng Phượng sẽ bỏ ông để lấy anh ta. Đúng lúc ấy, ban biên tập của tờ báo lại có quyết định rút Fowler về Anh.

Pyle đã đến chỗ ở của Fowler và Phượng, yêu cầu Phượng chọn giữa anh ta và Fowler. Phượng đã chọn Fowler mà không dám thừa nhận rằng tự trong thâm tâm, nàng cũng mong muốn có một sự thay đổi. Fowler đã viết ngay cho vợ ở Anh yêu cầu bà tiến hành thủ tục ly dị. Fowler và Pyle lại gặp nhau ở vùng chiến sự. Khi ẩn náu trong một tháp canh, hai người đã thảo luận về nhiều vấn đề, từ vấn đề tình dục cho đến vấn đề tôn giáo. Lính Việt Minh đã tấn công tháp canh và Fowler đã cứu mạng Pyle khi hai người tìm đường trốn thoát. Khi trở lại Sài Gòn, Fowler nói dối với Phượng rằng vợ ông đã ly dị ông, nhưng Pyle đã tố cáo với Phượng rằng đó chỉ là những lời nói dối, buộc nàng một lần nữa phải chọn giữa anh ta và Fowler. Giống như một đất nước nhỏ bé bị xâu xé giữa hai thế lực thực dân, Phượng đã lựa chọn vì lợi ích trước mắt của mình, rời bỏ căn hộ của Fowler để về sống với Pyle.

Sau khi nhận được thư phúc đáp của Fowler, Ban biên tập của tờ báo quyết định cho Fowler ở lại Việt Nam thêm một năm nữa. Fowler đến một vùng chiến sự để tường thuật các sự kiện rồi trở lại Sài gòn, tìm gặp Pyle ở cơ quan của anh ta để nói mọi chuyện cho ra lẽ. Pyle không có mặt ở cơ quan nên sau đó đến gặp Fowler ở quán rượu và hai người đã bàn bạc một hồi lâu về việc ai sẽ kết hôn với Phượng. Một ngày cuối tuần, một chiếc xe hơi có gài chất nổ nổ tung ở Sài gòn, giết chết nhiều thường dân vô tội và Fowler phát hiện ra Pyle có dính líu tới tới âm mưu đánh bom này. Pyle đã liên kết với tướng Trình Minh Thế, giúp ông ta thực hiện vụ đánh bom để gây thanh thế cho “lực lượng thứ ba” mà ông ta là một trong những người đại diện. Thấy rõ những ảo tưởng ngây thơ của những người như Pyle có thể gây ra những tác hại như thế nào, Fowler đồng ý hợp tác với những kẻ thù của Pyle để trừ khử anh ta. Pyle đã bị người của Việt Minh ám sát và Fowler có chứng cứ ngoại phạm nên không bị cảnh sát nghi ngờ gì. Sau khi hay tin Pyle đã chết, Phượng lại trở về chung sống với Fowler như trước kia.

Bộ phim The Quiet American: http://phim.in.net/.../phim-ga-nguoi-my-tram-lang-the...

Ảnh: Phillip Noyce và bộ phim The Quiet American với các diễn viên Michael Caine, Brendan Fraser và Đỗ Hải Yến