Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025

Hiện tượng Nguyễn Hữu Liêm (1)

Bài báo sau đây của Bảo Tích đã công bố trên trang của tác giả tập trung vào "Hiện tượng Nguyễn Hữu Liêm”, theo cách gọi của Bảo Tích.

Về phần tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, anh thông báo rộng rãi trên FB của anh về bài viết này của Bảo Tích và thẳng thắn khẳng định: “Đây là bài viết cần phải đọc. Chính xác và công bằng. Tôi xin chấp nhận hết tất cả những phê phán của GS Đỗ Quốc Bảo*”.

Nhận thấy sự trao đổi học thuật nghiêm chỉnh là cần thiết đối với bất cứ nền khoa học nào, và riêng với Việt Nam lại càng cần thiết vì quá hiếm hoi, Văn Việt xin đăng lại, hy vọng sẽ góp phần làm cho không khí học thuật nước nhà sôi nổi hơn.

Văn Việt xin cảm ơn tác giả Bảo Tích cho phép đăng lại bài viết công phu này.

Văn Việt


* Bảo Tích là bút danh chung của bốn tác giả Đỗ Quốc-Bảo, Nguyễn Huy-Đăng, Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Quốc Bình như chú thích 1 trong bài đã ghi rõ, chứ không phải của riêng GS Đỗ Quốc Bảo (chú thích của Văn Việt).

 

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU HAY MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MÔI TRƯỜNG TRIẾT HỌC TẠI VIỆT NAM

Một số điểm đáng lưu ý trong bài viết

HIỆN TƯỢNG NGUYỄN HỮU LIÊM

A. TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM

I. Trình độ hiểu từ Hán-Việt của GS NHL

1. Long Thụ 龍樹 là con rồng già

2. Chữ ‘chính’ 政 trong ‘chính trị’ 政治 là ‘chính đáng’ 正當, ‘chính nghĩa’ 正義?

3. Phân biệt Trí Tuệ và Trí Huệ

II. Trình độ tiếng Đức của GS NHL

III. Kết luận về trình độ ngoại ngữ của GS NHL

B. CƠ SỞ KIẾN THỨC CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM

I. Thế nào là làm việc một cách khoa học trong triết học

II. Cơ sở kiến thức của GS NHL

1. Cách sử dụng thuật ngữ triết học của GS NHL

a. GS NHL và từ Geist

b. Thuật ngữ do GS NHL tạo ra

2. Dịch sai các đoạn văn trích từ các triết gia khác nhau

a. Các trích dẫn từ các tác giả và triết gia không phải Hegel

b. Cách GS NHL hiểu những đoạn văn của Hegel

3. GS NHL và khoa học tự nhiên

III. Kết luận cho phần B

C. GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM VÀ HỌC THUYẾT LIÊMISM

I. Học thuyết Lịch sử của Hegel qua lời kể của GS Nguyễn Hữu Liêm

II. Học thuyết ‘Thời Quán’ của giáo sư NHL

III. Học thuyết Xa Luân Việt Nam của giáo sư NHL

IV. Vài góc nhìn về văn hoá Việt Nam của GS NHL

1. Văn chương Việt Nam của cái nhìn của GS NHL

2. Âm nhạc Việt Nam qua cái nhìn của GS NHL

V. Kết luận

D. GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM VIẾT VỀ KANT

I. Khả năng đọc Kant bằng ngoại ngữ của GS NHL

II. GS NHL phê phán luân lí học của Kant

III. Kant và vai trò của ngôn ngữ trong tư duy

IV. Sử tính trong triết học Kant

V. Học thuyết chính trị của Kant

VI. Kết luận cho bài phản biện Kant của GS NHL

E. TỔNG KẾT

Vài lời cuối đến độc giả

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Các tác phẩm của ông Nguyễn Hữu Liêm

Các tác phẩm của Hegel

Các tác phẩm khác

PHỤ LỤC

Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm: Trưởng khoa triết học Đại học San José?

Về bằng tiến sĩ ‘Triết học’ của GS NHL

Luận án Tiến Sĩ của ông NHL

Kiều và chúa Jesus: Một vài trích đoạn từ các tác phẩm của ông NHL

Kiều và Chúa Jesus

Chữ ‘Being’ và phê bình ngôn ngữ của ông NHL

Sự trình diễn của các chữ ‘Thời’

So sánh một số đoạn dịch tiếng Anh của ông NHL

1. Các trích dẫn từ các tác giả và triết gia không phải Hegel

2. Cách GS NHL hiểu những đoạn văn của Hegel

3. Những trích dẫn của Kant

 

LỜI NÓI ĐẦU HAY MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MÔI TRƯỜNG TRIẾT HỌC TẠI VIỆT NAM

In primisque hominis est propria veri inquisitio atque investigatio. Cicero (106 – 43 BC)


Sau một số bài viết gần đây trên trang Bảo Tích và trước một bài viết như thế này, chúng tôi nghĩ rằng một lời nói đầu như ở đây là cần thiết. Trong phần này, chúng tôi muốn nêu lên mục đích của mình khi viết những bài viết như thế này và cùng với đó nêu ra một vài quan sát và suy nghĩ của riêng chúng tôi về môi trường triết học tại Việt Nam.

Chúng tôi cần phải nói rõ tất cả những điều này là bởi e rằng những bài viết như thế này sẽ bị quy kết vào một ‘động cơ không trong sáng’, như người ta thường gọi, hay một thuyết âm mưu nào đó. Nhìn nhận một cách rõ ràng và khách quan, chúng tôi không được lợi ích gì khi thực hiện những bài viết này. Ngược lại, ngoài việc phải đầu tư thời gian và công sức để đọc những thứ không có giá trị gì cả và viết về chúng, chúng tôi cũng ý thức rõ ràng rằng những bài viết giống như thế này sẽ làm phật lòng, gây khó chịu đến những người liên đới và mạng lưới quan hệ của họ, tức sẽ khiến chúng tôi càng nhận được thêm nhiều sự ganh ghét, căm thù hơn. Vậy thì tại sao chúng tôi vẫn quyết định làm những điều như thế này? Câu trả lời ở đây đơn giản là chúng tôi coi những việc này là những việc nên làm.

Độc giả hẳn đã quen thuộc với suy nghĩ mà John Stuart Mill từng trình bày trong một bài diễn thuyết: ‘Để thực hiện được những mục đích của mình, kẻ ác chẳng cần gì khác ngoài việc những người tốt đứng nhìn và không làm gì cả’. Tất nhiên, tự gọi mình là ‘người tốt’ là một sự ngạo mạn. Nhưng chúng tôi không thể im lặng về những sự sai trái, gian dối đang hoành hành mà chúng tôi có bằng chứng rõ ràng. Chúng tôi tự hỏi, nếu những người có kiến thức không nêu lên tiếng nói cho điều mình đã thấy thì vai trò cho xã hội của họ là gì.

Chúng tôi nghĩ không ai thích cảm giác bị lừa, và gian dối là một trong những điều mà con người ta căm ghét nhất. Song đôi lúc, chúng tôi không khỏi cảm thấy phản ứng của người Việt đối với sự gian dối có gì đó không nhất quán, người ta có thể giận dữ, phẫn nộ trước sự giả dối trong kinh doanh hay quảng cáo sai sự thật, nhưng hoàn toàn dửng dưng trước sự giả dối trong sách vở, học thuật, loại ‘thức ăn tinh thần’ mà chúng tôi nghĩ là quan trọng không kém gì thức ăn vật chất. Cùng với sự phát triển của các công cụ dịch thuật tự động như Google Dịch hay các công cụ AI như ChatGPT thì có lẽ tình trạng hỗn loạn trong thị trường sách vở triết học tại Việt Nam có lẽ sẽ chỉ trầm trọng hơn. Trong một bài viết gần đây, chúng tôi đã cho thấy rằng có một dịch giả, tương đối nổi tiếng trong lĩnh vực dịch sách triết học, thực ra hoàn toàn không có kiến thức gì về tác giả mình đang dịch và chỉ sử dụng Google Translate, với những lỗi sai nghiêm trọng nhất của công cụ này; kèm theo đó là một sự gian trá rõ ràng khi người này dịch văn bản tiếng Anh (bằng Google Translate) nhưng lại nói rằng mình dịch từ tiếng Đức. Độc giả yêu triết học của Việt Nam không đáng phải chịu đựng tất cả những sự giả dối này.

Nếu như một giải pháp đối thoại mềm mỏng nếu có thể giải quyết được vấn đề thì đây đã chẳng còn là những điều đáng nói. Nhưng như chúng ta có thể thấy, sự cần thiết của việc thu hồi những chất độc đã lan tỏa trong hệ thống mạch máu tri thức tại Việt Nam còn là điều mà người ta không dễ dàng công nhận (không (cần) thu hồi những bản dịch kém chất lượng, không (cần) đính chính những sai sót trong sách dịch, không (cần) kiểm định chất lượng bản dịch v.v). Trong bối cảnh này, chúng tôi nghĩ rằng việc viết góp ý đơn thuần hay đối thoại mềm mỏng không còn có tác dụng gì nữa. Đó là còn chưa kể, những kẻ đã đầu độc cái môi trường này không bao giờ nghĩ gì đến hậu quả và tác động của những việc mà mình đã làm. Chừng nào chưa bị phát hiện thì những người kia sẽ không thay đổi thủ đoạn và hành vi của mình, và nếu bị phát hiện thì họ cũng không cần quan tâm đến việc xử lí hậu quả đã xảy ra, đơn giản là vì những người này chưa từng nghĩ tới độc giả đọc những sản phẩm do mình đã viết, đã dịch.

Xem xét tới tất cả những điều trên, một bài viết như thế này phải được viết ra. Những hậu quả đã được gây ra là lớn, nhưng vẫn còn là vô cùng nhỏ nếu nghĩ đến các thế hệ tương lai. Chúng tôi không trầm trọng hóa vấn đề. Sự thật là trong khi tất cả mọi người có thể vui vẻ hài lòng với những gì đang có, người cần danh được danh, người cần lợi được lợi, người vô tri yên lòng với sự vô tri, người hoài nghi có thể luôn luôn trì hoãn phán đoán của mình, thì thứ bị tổn thương duy nhất chính là thế hệ tương lai. Thế hệ tương lai, những người sinh trưởng từ, trong, hoặc bằng tiếng Việt, sẽ lãng phí thời gian và hao mòn trí lực khi phải vẫy vùng, ngụp lặn trong mớ ngụy học thuật được gán nhãn thần tượng và dân tộc. Với tình trạng chất lượng sách vở không được kiểm soát như vậy, độc giả không có kiến thức triết học sẽ đọc những thứ được dán mác là ‘Kant’, ‘Hegel’ và ‘Wittgenstein’ và tưởng đây thực sự là kiến thức về những triết gia này, trong khi thực sự thì những gì viết trong đó toàn là bịa đặt, là những điều hoàn toàn không liên quan đến những triết gia này. Ai may mắn không lấy sở tri làm sở chấp, đến khi đủ can đảm thừa nhận rằng mình đã bị lừa, sẽ lại phải tốn chừng ấy thời gian, có khi hơn, để tẩy trừ những tập khí cũ và sau đó thì phải bắt đầu lại từ đầu, nếu như họ vẫn còn muốn học. Nhưng nếu những người này dám cả gan khuyên ai đó đừng theo lối mòn sai lầm bị dựng nên bởi những nguỵ thánh ấy thì sẽ ngay lập tức bị vùi dập bởi những kẻ tôn vinh cái giờ đây đã là truyền thống và huyền thoại. Viễn cảnh này có thể được lặp lại đến mãi mãi trong một cái vòng xoáy ác nghiệt. Như đã nói, những gì ta mắc nợ là thế hệ tương lai.

Một nền triết học luôn có lịch sử, có truyền thừa hàn lâm minh bạch, có tiêu chuẩn khoa học rõ ràng; không có gì xuất phát từ hư không. Khi người ta gọi mọi thứ thượng vàng hạ cám là ‘triết học’, chỉ để xoa dịu một nỗi tủi thân hay mặc cảm tự ti là mình không có ‘triết học’, thì khi đó ‘triết học’ đánh mất ngay cái giá trị và tôn nghiêm mà người ta muốn gán cho nó. Khi trong một lớp học mà tất cả học sinh đều là ‘học sinh giỏi’ hoặc ‘học sinh xuất sắc’ thì những danh hiệu này cũng dần mất đi giá trị của chúng. Nếu mọi thứ, bất chấp phi lí hay vớ vẩn đến mức nào, được gọi là ‘triết học’, khi đó sẽ chẳng có gì là triết học nữa. Trong bối cảnh mà các công cụ AI phát triển như bây giờ thì tình trạng ‘vàng thau lẫn lộn’ có lẽ sẽ chỉ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không thể phủ nhận rằng có một số công việc đặc thù mà những công cụ AI có thể hỗ trợ người học. Song sẽ là thật là sai lầm nếu người ta tin rằng những công cụ này có thể thay thế việc đào tạo theo tiêu chuẩn hàn lâm, học thuật thực sự. Trên đường dài, việc sử dụng các công cụ AI khi không hề có kiến thức chuyên môn là lợi bất cập hại, không những không ngăn chặn được sự lan truyền của những thông tin không chính xác mà còn làm cho ranh giới thật-giả càng khó phân biệt hơn.

Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này? Chúng tôi nghĩ cách tốt nhất là mỗi người hãy nỗ lực, kiên trì, quyết tâm truy cầu cái đúng, không phải là cái mà mình tin hay là cái mà mình muốn tin. Và đặc biệt, nếu muốn theo đuổi triết học đến cùng, hãy kiên trì học ngoại ngữ, độc giả sẽ thấy ngoại ngữ quan trọng đến mức nào trong khi tìm hiểu triết học sau khi đã đọc hết bài viết này. Không có ngoại ngữ tốt, người ta có thể đọc triết học hàng chục năm mà không tiến bộ gì cả. Người Đức có câu ‘von Nichts kommt Nichts’, nếu như không nỗ lực, cố gắng thì sẽ không thể đạt được bất cứ thứ gì. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không muốn và không thể đóng vai ‘cảnh sát’ để chỉ điểm tất cả những hiện tượng tiêu cực đang xuất hiện trong môi trường triết học tại Việt Nam, song qua những hiện tượng lớn mà chúng tôi đã phân tích và trình bày chi tiết, chúng tôi hi vọng rằng độc giả qua đó có thể phát triển được một khả năng phán đoán, một ‘la bàn’ để dẫn lối mình trên con đường tìm hiểu triết học.

Chúng tôi muốn khép lại phần này bằng trích dẫn của Cicero mà chúng tôi đã trích ngay phần đầu: In primisque hominis est propria veri inquisitio atque investigatio. – ‘Đặc điểm đặc trưng của con người, trên tất cả, là tìm kiếm và theo đuổi chân lí.’

MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý TRONG BÀI VIẾT

Bài viết này tương đối dài, kích cỡ của bài viết giống với một quyển sách hơn là một bài luận đơn thuần. Bài viết được chia thành nhiều phần liên quan đến nhau song tương đối độc lập, mỗi phần đều có mở đầu và kết luận tương ứng. Độc giả có thể chọn phần mà mình quan tâm trong mục lục để đọc. Trong một chương, nội dung của các chương khác nếu có liên quan sẽ được nhắc lại để độc giả lưu ý, dù điều này có làm một số chủ đề xuất hiện nhiều lần; độc giả nếu đã đọc các phần này thì có thể bỏ qua. Gợi ý của người viết bài là độc giả đọc bài này theo đúng thứ tự các phần vì sự sắp xếp các phần là một lựa chọn có chủ ý của tác giả.

Các thông tin được tác giả cố gắng trình bày một cách chuẩn xác, khoa học và khách quan; trừ một số phần trong mục B và D có đòi hỏi cao về mặt ngôn ngữ và kiến thức tổng quát, các phần khác tương đối dễ đọc và ai cũng có thể đọc hiểu được. Các dẫn chứng liên quan cũng được trình bày rõ ràng và đầy đủ để cho độc giả có thể tự đọc, tra cứu và đưa ra đánh giá về những gì được viết tại đó. Một số đoạn văn thú vị nằm trong các tác phẩm ít được biết đến của Kant hay Hegel cũng đã được dịch để làm dẫn chứng.

Các trích dẫn từ các bài viết và tài liệu sẽ được giữ nguyên cách viết chính tả của bài viết gốc. Điều này cũng áp dụng với các đoạn trích bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Các tài liệu tham khảo được liệt kê ở cuối bài viết. Đa số các tài liệu được trích dẫn đã được số hoá và có thể dễ dàng tra cứu trên Internet. Những đường link thường được đặt trong những chữ như ‘tại đây’ hoặc tương tự, độc giả nên xem phiên bản pdf có thể click vào những đường link này để xem tài liệu tương ứng.

Một số đoạn dịch nếu không được ghi đặc biệt là ai dịch chính là được Bảo Tích dịch. Một vài thông tin liên quan đến nhân vật được đề cập trong bài viết sẽ được đặt trong phần phụ lục.


HIỆN TƯỢNG NGUYỄN HỮU LIÊM

Bảo Tích[1]

Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm (sau đây được viết ngắn gọn là NHL) có lẽ là một gương mặt quen thuộc cho những người quan tâm đến triết học tại Việt Nam.[2] Ông xuất bản một số cuốn sách có chủ đề liên quan tới triết học và lịch sử như Dân chủ Pháp trị (1991), Tự do và Đạo lý (1996), Sử tính và Ý thức (2018), Thời tính, Hữu thể và Ý chí (2018) và Phác thảo một Triết học cho Lịch sử Thế giới (2019). Ông NHL cũng đảm nhiệm vai trò Tổng chủ biên của Tạp chí Triết học và Tư tưởng (trước kia là Tập san Triết học và Tư tưởng). Ngoài ra, ông NHL cũng được biết đến qua những bài giảng được đăng công khai trên Youtube và các nền tảng khác.

Sau khi xem qua một số tác phẩm do ông NHL viết và những bài giảng công khai của ông trên Youtube, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì chúng chứa đựng rất nhiều sai lầm nghiêm trọng ở trình độ hết sức cơ bản. Trong rất nhiều trường hợp, những sai sót này xuất phát từ việc ông NHL không biết gì về chủ đề mình đang nói nhưng vẫn muốn bàn luận về chủ đề này. Học thuyết Liêmism, học thuyết triết học mà ông NHL đề xuất, cùng với những điều mà ông NHL nói về văn hoá Việt Nam cũng chứa đựng rất nhiều những mâu thuẫn, những giải thích phản khoa học và nguỵ biện.

Bài viết này được viết nhằm chỉ ra một vài trong những số sai sót vừa nhắc đến, giúp độc giả quan tâm đến triết học ở Việt Nam được tiếp cận với những thông tin chính xác hơn về chủ đề này, biết thêm về những tiêu chuẩn khoa học, hàn lâm, học thuật trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Độc giả sau khi đọc bài viết này cũng sẽ biết thêm một số cách đặt câu hỏi phê phán (critical) đối với những thông tin được truyền đạt, và sẽ cảnh giác hơn trước những hiện tượng tương tự trong tương lai.

A. TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN HỮU LIÊM

Cũng giống như những bài phê bình trước của Bảo Tích, chúng ta sẽ phân tích khả năng ngôn ngữ của ông NHL trước tiên, vì ngôn ngữ là cơ sở par excellence của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có triết học. Không có kiến thức ngôn ngữ tốt, người học sẽ không thể đọc được các tài liệu khoa học bằng các ngôn ngữ khác nhau, nhất là các tài liệu chủ yếu (primary source). Như đã chỉ ra trong các bài viết trước đây, chúng tôi xem khả năng ngôn ngữ là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất cho trình độ của một người làm việc trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Như phần phân tích sau đây cho thấy, ông NHL không biết nghĩa của các thành tố Hán-Việt và không có kiến thức gì về tiếng Đức, hai công cụ rất cần thiết cho những người Việt Nam muốn tìm hiểu triết học, vì kiến thức về các thành tố Hán-Việt giúp người ta biết được chính xác nghĩa của các thuật ngữ triết học (thường là Hán-Việt), còn tiếng Đức là cần thiết để đọc được nguyên tác các tác phẩm triết học Đức. Việc ông NHL không biết hai điều trên thực ra cũng không đáng nhắc đến nếu như ông NHL ý thức về giới hạn kiến thức của mình và không giảng giải những chủ đề mà mình không biết. Tuy nhiên, trong các bài giảng và các tác phẩm của mình, ông NHL lại thường đi phân tích thành phần từ Hán-Việt và tạo ra những ‘thuật ngữ’ mới, dẫn đến việc mắc những lỗi sai hiển nhiên. Cũng tương tự là việc ông NHL trích và nói tiếng Đức. Giờ thì chúng ta đi đến phần phân tích chi tiết.

I. TRÌNH ĐỘ HIỂU TỪ HÁN-VIỆT CỦA GS NHL

1. LONG THỤ 龍樹 LÀ CON RỒNG GIÀ?

Trong bài giảng Suy niệm về khổ và an lạc trong đạo Phật, ông NHL trong lúc nhắc đến tên ngài Nāgārjuna (Long Thụ/Long Thọ) đã giải thích tên của vị này như sau:[3]

Rồi là ông Na-ga-ju-ra-na tức là Long Thọ, Long là rồng, Thọ là già đó, con rồng già này là đời sống tình dục cũng mạnh lắm (...)

Những người biết Hán-Việt một chút sẽ ngay lập tức biết rằng, chữ ‘thọ’ trong tên Long Thọ (một cách đọc khác của chữ ‘thụ’ 樹) hoàn toàn không liên quan gì đến ‘già’ cả. Chữ ‘thụ’ 樹 ở đây có nghĩa cái cây, không hề liên quan gì đến chữ ‘thọ’ 壽 mà ông NHL lầm tưởng.

Long Thụ là cách dịch ý của người Trung Quốc cho cái tên ‘Nāgārjuna’ trong tiếng Phạm. Tên này nguyên là một phức hợp từ Phạm ngữ, được cấu thành từ nāga, tức là ‘rồng (/rắn)’ hoặc ‘voi’ và arjuna, ‘màu trắng,’ hoặc tên của vị hoàng tử thứ ba của dòng tộc Pāṇḍava[4], hoặc là tên của một loại cây có tên khoa học là Termina­lia arjuna (họ Trâm bầu). Như vậy, cái tên Nāgārjuna hoàn toàn không hề có nghĩa là ‘rồng già’ như ông NHL nghĩ và liên tưởng sau đó, ‘con rồng già này là đời sống tình dục cũng mạnh lắm’. Đây cũng là một khiếm khuyết học thức của GS Liêm, không phân biệt được từ ‘thụ’ 樹 trong tên Long Thụ 龍樹 là chỉ một loại cây. ‘Thụ’ 樹 cũng được đọc là ‘thọ’ ở miền Nam, và như vậy, đồng âm với từ ‘thọ’ 壽 trong thọ mệnh 壽命, ‘tuổi thọ’, nên bị NHL hiểu sai lệch là ‘rồng già’.

2. CHỮ ‘CHÍNH’ 政 TRONG ‘CHÍNH TRỊ’ 政治

LÀ ‘CHÍNH ĐÁNG’ 正當, ‘CHÍNH NGHĨA’ 正義 ?

Trong bài giảng Thành công và thất bại của triết học chính trị Tây phương, ông NHL phân tích từ ‘chính trị’ như sau:[5]

"‘Chính’ là ‘chính nghĩa’, hay là ‘chính đáng’, hay là ‘chính thống’, tất nhiên là ‘đúng’, ‘Trị’ là ‘cai quản’, ‘cai trị’, ‘trị quốc’ đó."

Đây lại là một lỗi chữ Tác đánh chữ Tộ khác của ông NHL. Chữ ‘chính’ 政 trong ‘chính trị’ 政治 là một chữ ‘chính’ khác với chữ ‘chính’ 正 ‘đúng, phải, ngay thẳng, không lẫn lộn’ trong ‘chính nghĩa’ 正義 hay ‘chính thống/tông’ 正統/宗. Chữ ‘chính’ trong ‘chính trị’ có nghĩa là ‘làm cho ngay thẳng, sắp đặt công việc’ (do ráp hai chữ ‘chính’ 正 và ‘phộc’ 攴[攵] ‘đánh khẽ’ với nhau). Chiết tự chữ ‘chính’ như ông NHL sẽ gây ra một loạt những vấn đề khác liên quan đến những từ ghép có chữ 政. Nếu hiểu chữ này có nghĩa là ‘đúng’, ‘chính đáng’, chẳng lẽ ‘bưu chính’ 郵政 có nghĩa là ‘gửi thư đúng, chính đáng’, ‘chính thể’ 政體là ‘cái thể đúng đắn’, ‘chấp chính’ 執政có nghĩa là ‘nắm lấy đúng, chính đáng’?

Nếu như ông NHL không biết Hán văn và không hiểu đúng ý nghĩa của các thành tố Hán-Việt thì phân tích những thuật ngữ Hán-Việt làm gì để rồi lại mắc những lỗi sai sơ đẳng như vậy?

3. PHÂN BIỆT TRÍ TUỆ VÀ TRÍ HUỆ?

Trong chương 9, trang 139 cuốn Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới (sau đây gọi tắt là cuốn Phác thảo), trang ông NHL viết:

Nếu đạo Phật là con đường Trí tuệ khi mang Ý chí Tự do từ con đường chuyển hóa từ Tri kiến đến Trí Huệ – Transcendental Enlightenment – thì văn minh Lý tính của Hi Lạp chỉ muốn dừng lại ở Trí tuệ – Wisdom – để giải quyết ván bài khó khăn ở thế gian mà thôi.

Tạm gạt vấn đề nội dung đoạn văn sang một bên[6], có một vấn đề lớn hơn nhiều đang xuất hiện ở đây. Ai biết tiếng Hán một chút sẽ đều biết rằng ‘tuệ’ và ‘huệ’ chỉ là hai cách đọc khác nhau của cùng một Hán tự là 慧 (hoặc chữ ít gặp hơn là惠), giống như ‘thọ’ và ‘thụ’ chỉ là hai cách đọc khác nhau của Hán tự 樹.

Hay bởi ‘trí huệ’ là một từ liên quan đến Phật giáo nên ở đây được phép phân biệt với ‘trí tuệ’? Câu trả lời là không có lí do gì để đưa ra sự phân biệt này ở đây, vì trong những đoạn văn trước đó thì ông NHL viết văn với lối ‘tổng hợp’, ‘đồng hoá’ tất cả những khái niệm với nhau. Chẳng hạn, tại trang 25, ông NHL viết:

Khi Ta đản sinh, chính là lúc Ta bước vào bình diện hiện tượng để quy luật của Pháp tính (Logos) nắm lấy nhân duyên tác thành và hủy diệt cho cái Ta nay đã thành Ngã thể.

Như đã thấy trong đoạn văn trên, ông NHL đã coi Pháp tính 法性 (dha­rmatā)[7], một khái niệm trong Phật giáo, đồng nghĩa với Logos, một khái niệm trong tư duy Hi-lạp cổ đại. Nếu như hai khái niệm thuộc về hai hệ thống tư tưởng riêng biệt như vậy còn được coi như đồng nghĩa thì không có lí do gì để phân biệt hai cách phát âm gần gũi của cùng một từ. Mặt khác thì trong Phật giáo thì chữ 慧vẫn có thể được đọc là ‘tuệ’ mà không phải ‘huệ’, chẳng hạn như ‘trí tuệ ba-la-mật-đa’ (pra­jñāpāramitā). Tuy nhiên, ông NHL hoàn toàn không biết những kiến thức này mà lại coi ‘huệ’ và ‘tuệ’ là hai từ khác hẳn nhau và rồi viết được câu văn như vừa trích dẫn.

Vài lỗi sai trên đây đã đủ để kết luận là ông NHL không có đủ kiến thức về các từ Hán-Việt để có thể hiểu và viết văn triết học tiếng Việt. Điều đáng nói hơn là tuy ông NHL không hiểu rõ các thành tố chữ Hán đứng sau âm Hán-Việt, ông lại thường có thói quen tạo ra những từ ‘Hán-Việt’ khi viết triết học, và tất nhiên là rất nhiều từ ông tạo ra là vô nghĩa và chính ông đôi khi cũng không rõ là mình đang dùng từ gì với nghĩa gì.[8] Thêm vào đó, ông NHL, chính mình không biết những từ Hán-Việt thực sự có nghĩa gì, lại không hiếm khi phê bình khả năng đọc Hán-Việt của người Việt Nam:[9]

"Mà con người thời nay là con người nó rất là hời hợt, không có những suy nghĩ có chiều sâu về những cái từ Hán-Việt. Bây giờ chúng ta phần lớn, 99% người Việt Nam chúng ta, đọc chữ Hán không hiểu là gì."

Nên nhớ rằng, những lỗi đọc nhầm từ của ông NHL là những lỗi rất căn bản, một người có thể tránh được tất cả những sai sót này nếu chủ động tra từ điển để học hỏi thêm. Việc tìm hiểu vấn đề cho rõ ràng để biết cái gì đúng là một yêu cầu tối thiểu đối với những ai muốn đứng lên giảng bài cho người khác. Việc ông NHL, tự nhận mình là giáo sư, quả quyết rất tự tin về những gì mình không biết và đưa cho thính giả những thông tin sai lệch là một việc không thể chấp nhận được trong khoa học.

II. TRÌNH ĐỘ TIẾNG ĐỨC CỦA GS NHL

Ông NHL không đọc được tiếng Đức, điều này thì ông tự nhận và ông cũng nói là không muốn tạo ra ấn tượng rằng mình biết tiếng Đức. Tuy nhiên, cũng giống với việc thích phân tích các từ Hán-Việt như vừa kể trên, ông NHL trong những bài viết hoặc bài giảng của mình cũng thỉnh thoảng đọc hoặc trích tiếng Đức. Qua cách ông NHL nói về tiếng Đức và cách ông trích thuật ngữ tiếng Đức thì người ta được phép kết luận là ông hoàn toàn không biết gì về ngôn ngữ này, dù là những khái niệm cơ bản nhất về nó, thứ mà người ta được phép kì vọng từ một ‘giáo sư triết học’. Chẳng hạn, trong bài giảng ‘Triết học Hegel: Hiện tượng luận trí năng’, ông nói:[10]

"Geist là G-E-I-S-T, Hegel chữ Đức thì nó có thêm chữ -es của đằng sau nữa."

Nếu như ông NHL đã muốn giải thích tiếng Đức thì nên giải thích cặn kẽ. Chữ Geist trong nhan đề ‘Phänomenologie des Geistes’ có thêm đuôi ‘-es’ vì đây là dạng sở hữu cách (Genitiv) của danh từ này. Còn nếu nói ‘Hegel chữ Đức’ nên nó có thêm cái đuôi -es đằng sau nữa thì không chính xác và khá hàm hồ. Chẳng lẽ chữ tiếng Đức nào cũng có thêm cái đuôi -es đằng sau? Sau đó, ông NHL có nhắc đến một số khái niệm trong triết học Đức:[11]

"Chữ Geist ở đây, trong cái sự chuyển động của nó, thì Hegel dùng chữ Reason, tất nhiên là Vơ-mânt, là Hegel phải dịch khác với chữ Vơ-đen, của Understanding nữa, hai ba chữ..."

Nếu như không nghe ông đọc nói đến Reason và Understanding thì những người biết tiếng Đức ở đây không thể nghĩ ra được là ông đang muốn nhắc đến hai chữ ‘Vernunft’ và ‘Verstand’ ở đây. Độc giả có thể xem video này để biết cách đọc đúng của hai chữ này là gì và qua đó thấy rõ hơn cách phát âm tiếng Đức khá kì lạ của ông NHL ở đây. Trước đó, ông NHL có nói:[12]

"Tôi thì không có đọc được tiếng Đức, mặc dù tôi viết luận án tiến sĩ tôi có dùng cũng khá tiếng Đức, nhưng mà tôi đọc tiếng Đức là lõm bõm vậy thôi..."

Điều mâu thuẫn lớn nhất ở câu này này là, nếu như ông NHL không đọc được tiếng Đức, thì làm sao ông có thể ‘dùng khá tiếng Đức’ được? Và ‘dùng khá tiếng Đức’ có nghĩa là gì nếu như không đọc được tài liệu bằng ngôn ngữ này? Vì vậy, chúng tôi đã tìm và xem qua những chỗ trích tiếng Đức trong luận án tiến sĩ của ông NHL.[13] Đa số những chỗ ông trích tiếng Đức là những từ đơn giản trong ngôn ngữ này như ‘Gegenstand’, ‘Geist’ v.v., có chỗ ông trích tiếng Đức vẫn còn lỗi sai chính tả, chẳng hạn như trong phần Endnotes, trang 291:

Chữ ‘ser’ đúng ra phải là ‘der’. Ngoài ra, có một chỗ trích tiếng Đức khác cho thấy ông NHL hoàn toàn không biết chữ tiếng Đức được trích có nghĩa gì; tại trang 101, ông viết:

Chữ ‘Uberhaup’ viết đúng phải là ‘überhaupt’, nhưng việc ông NHL viết hoa chữ này mới là điều đáng nói. Từ ‘überhaupt’ trong tiếng Đức chỉ là một trạng từ có nghĩa ‘nói chung’, ‘nhìn tổng quát’ v.v, gần giống như cụm ‘at all’ trong tiếng Anh; từ này không có lí do gì để được viết hoa cả, nhất là khi viết hoa là dấu hiệu của danh từ trong tiếng Đức. Có lẽ ở đây ông NHL nghĩ rằng ‘überhaupt’ là một tên riêng chăng? Lỗi này hoàn toàn không xuất hiện trong văn bản gốc mà ông NHL trích:

Không biết phiên bản luận án tiến sĩ được đăng trên trang ProQuest đã phải là phiên bản cuối cùng mà ông NHL đã nộp hay không, nhưng có vẻ đây là một phiên bản hoàn thiện vì có trang ‘Certificate of Approval’.[14] Về việc tại sao trong một luận án tiến sĩ mà vẫn còn những lỗi sai vụng về như lỗi ‘Uberhaup’ kể trên thì chúng tôi không đưa ra giải thích gì mà chỉ cung cấp thêm một số thông tin trong phần phụ lục.

Tất nhiên là vì không biết tiếng Đức nhưng vẫn muốn ghi tiếng Đức nên những gì ông NHL viết ra thường xuyên có sai sót. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một trong số những lỗi hài hước nhất của ông NHL, trích từ trang 45 trong cuốn Thời tính, Hữu thể và Ý chí:

Nếu độc giả định đọc để cố gắng hiểu nội dung đoạn trích trên thì chúng tôi xin cung cấp thêm một thông tin là ‘Thời Thể’, một từ do ông NHL chế ra, có nghĩa là ‘The Shape of the Time’[15] hoặc ‘Time-form’[16]. Còn việc tại sao thời gian (‘the Time’) lại có hình dáng (‘the Shape’) hoặc hình dạng, mô thức (‘form’) thì chúng tôi chưa rõ. Nhưng điều đáng chú ý nhất nằm ở câu đầu tiên trong đoạn trích, ‘Gottadamerung’ là gì? Từ cần được trích dẫn phải là ‘Götterdämmerung’, ‘Götter’ là số phức của Gott (thần linh, thượng đế v.v.), ‘Dämmerung’ là ‘buổi hoàng hôn’[17], ‘Götter­dämmerung’ là ‘hoàng hôn của những vị thần’, đây là thuật ngữ tiếng Đức dùng để dịch chữ ‘Ragnarök’ xuất hiện trong thần thoại Bắc Âu. Nếu như ông NHL không biết tiếng Đức thì ghi tiếng Anh hoặc tiếng Việt là được, đâu cần phải trích tiếng Đức để rồi lại sai như vậy?

Tổng kết cho phần này chỉ đơn giản là dù thỉnh thoảng ông NHL có nói hoặc trích tiếng Đức với những mục đích khác nhau, ông thực ra hoàn toàn không có kiến thức gì về ngôn ngữ này.

III. KẾT LUẬN VỀ TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ CỦA GS NHL

Như đã chỉ ra trong phần trên, ông NHL hoàn toàn không biết chữ Hán của các thành tố Hán-Việt và tiếng Đức. Điều này tự nó không có gì đáng nói nếu như ông NHL không tự nhận mình là một giáo sư, trưởng khoa triết học rồi sau đó giảng dạy triết học cho mọi người. Chính sự chênh lệch quá lớn giữa danh xưng ‘giáo sư triết học’ và những lỗi sai sơ đẳng như ‘Long Thọ là con rồng già’ mới là điều đáng nói ở đây. Thêm vào đó, những cái sai này ngay từ đầu lẽ ra đã không xuất hiện nếu như ông NHL không phát biểu về những chủ đề mình không biết một cách chắc chắn thái quá như vậy.

Việc ông NHL không biết tiếng Đức là một điều đáng nói đến vì ông NHL thường xuyên viết sách phân tích, ‘khai giải’ Hegel. Hegel là một triết gia Đức, nếu như không biết tiếng Đức thì làm sao ông NHL có thể đọc nguyên tác và nghiên cứu Hegel một cách khoa học được? Bản dịch tiếng Anh cho cuốn Phänomenologie des Geistes mà ông NHL sử dụng nhiều nhất là bản dịch tiếng Anh của Miller.[18] Nhưng một bản dịch luôn có những hạn chế tất yếu của nó và khi không biết tiếng Đức thì làm sao ông NHL có thể đọc và đối chiếu nguyên tác và bản dịch với nhau? Một vấn đề cũng quan trọng không kém là không phải tác phẩm nào của Hegel và về Hegel cũng đã được dịch ra tiếng Anh, và nếu không đọc được tiếng Đức thì một người không thể tiếp cận với những tài liệu đôi khi rất quan trọng này. Chẳng hạn, Rosenkranz là một học trò của Hegel và đã viết nhiều tác phẩm phân tích những tư tưởng và bài giảng của thầy mình; song đại đa số những tác phẩm này vẫn chưa được dịch ra tiếng Anh. Việc nghiên cứu triết học một cách khoa học không diễn ra trong một môi trường ‘chân không’ học thuật, tức bỏ qua tất cả những nghiên cứu, những tài liệu khoa học trước đó để tự mình giải thích hay phân tích suy diễn một tác phẩm nào đó. Đấy là còn chưa kể những văn bản mà ông NHL đọc được còn không phải là bản gốc mà chỉ là một bản dịch tiếng Anh.

Chỉ riêng việc ông NHL không biết tiếng Đức đã đủ để loại ông ra khỏi giới học thuật nghiên cứu triết học Hegel, bởi không có một học giả nghiêm túc nào lại không biết tiếng Đức khi nghiên cứu triết học Đức cả. Chẳng lẽ tiếng Đức còn khó học hơn triết học viết bằng tiếng Đức? Hay là tiếng Đức không giúp ích gì khi nghiên cứu triết học Đức? Ngoài ra, việc ông NHL không biết chữ Hán nhưng lại thường xuyên phân tích, chiết tự và tạo từ ‘Hán-Việt’ mới cũng để lại hậu quả là ông mắc những lỗi sai rõ ràng như chỉ ra bên trên. Với khả năng ngôn ngữ yếu kém như vậy, cả tiếng Việt lẫn ngoại ngữ, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi việc diễn giải triết học và lập triết thuyết của ông NHL có nhiều sai sót, mâu thuẫn và mang đậm màu sắc nguỵ khoa học (pseudoscience). Chúng ta sẽ xem xét kĩ hơn điều này trong phần tới.

[1] Đỗ Quốc-Bảo, Nguyễn Huy-Đăng, Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Quốc Bình.

[2] Học hàm ‘Giáo sư’ của ông Nguyễn Hữu Liêm, một cách có hoặc không có chủ ý, dễ gây ra nhiều hiểu lầm nơi độc giả. Xin đọc phần Phụ lục để biết thêm thông tin chi tiết.

[3] Xin xem tại đây, 41:27.

[4] Chính là nhân vật xuất hiện trong tác phẩm Chí Tôn Ca (Bhagavadgītā).

[5] Xin xem tại đây, 2:18.

[6] Chúng tôi sẽ phân tích điểm này kĩ hơn trong phần B.

[7] Trích Phật Quang Đại Từ Điển (bản Hán văn, Bảo Tích dịch), mục từ Pháp tính 法性: [Thuật ngữ Pháp tính] chỉ đến thể tính chân thực của các pháp. Có nghĩa là bản tính chân thực bất biến của tất cả pháp/hiện tượng trong vũ trụ. Cũng được gọi là ‘chân như pháp tính,’ ‘chân pháp tính,’ ‘chân tính.’ Cũng là cách gọi khác của ‘chân như’ (tathatā). Pháp tính là căn bản của vạn pháp nên cũng được gọi là Pháp bản. Đại trí độ luận (quyển 32) nói rằng: tổng tướng và biệt tướng của tất cả các pháp đều quay về Pháp tính, nghĩa là các pháp đều có tướng sai biệt (tức là các tướng sai biệt của các hiện tượng) và thực tướng […].

[8] Xin xem phần B.I của bài viết.

[9] Xin xem tại đây, 8:03.

[10] Xin xem tại đây, 11:15.

[11] Xem tại đây, 12:34.

[12] Xem tại đây, 9:05.

[13] Được lấy xuống từ trên thư viện ProQuest.

[14] Dù không chắc chắn tuyệt đối, rất có khả năng đây đã là phiên bản cuối cùng của luận án của ông NHL, xin đọc thêm phần Phụ lục.

[15] Trích từ trang 13, cuốn Sử tính và Ý thức: Một triết học cho sử Việt của ông NHL, 2016. (sau đây cuốn này sẽ được gọi tắt là Sử tính).

[16] Trích từ trang 22, cuốn Thời tính, Hữu thể và Ý chí (sau đây cuốn này sẽ được gọi tắt là Thời tính).

[17] Sau này, phần phim The Matrix Revolutions đã chơi chữ bằng cách đặt tên một bản nhạc trong phim là Neodämmerung, với thành phần đầu Neo- vừa có nghĩa là ‘mới’, vừa là tên của nhân vật chính trong bộ ba phim này.

[18] Như ông nói tại đây, 9:27.