Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025

Luật nhân quả, ký ức cộng đồng, luật tại thiên thư

Nguyễn Hoàng Văn


Khi những tài phiệt Mỹ tỏ ý tiếc vì đã góp phần đưa ông Donald Trump trở lại với đỉnh cao quyền lực thì giới Trump haters, không ít, đã viện dẫn karma mà cho là đáng đời nhưng đó, liệu, có thực là luật nhân quả? [1]

Sâu trong tâm khảm thì chúng ta vẫn hằng mong đợi vào một thứ “luật” như thế. Giữa cái thời mà oan khuất chồng lên oan khuất thì lẽ công bằng luôn là một trong những khao khát tha thiết nhất của cộng đồng. Chúng ta mong mỏi cái ngày bọn vô nhân trả giá, bọn đạp lên đầu người khác leo cao bị ngã đau, bọn vĩ cuồng tô đậm tên mình bằng máu đồng loại bị phỉ nhổ, nguyền rủa. Dẫu biết rằng đó là một thứ luật của đời, có thể kiến giải bằng logic, bằng xã hội học, chúng ta vẫn mong mỏi về nó như một thứ luật của Trời để, về thời gian, là tính nhãn tiền và, về sự nghiêm minh, là tính tuyệt đối của sự báo ứng để không thủ phạm nào lọt lưới.

Sáu năm trước, trong ký sự “Sè sè nấm đất bên đường”, nhà thơ Thanh Thảo đã bày tỏ niềm tin đó khi tìm mộ Tạ Thu Thâu, nhà cách mạng chào đời ở Long Xuyên nhưng bị thủ tiêu ở Quảng Ngãi vào mùa Thu năm 1945. Niềm tin về sự phù hộ mà tác giả nhìn thấy ở sự giỏi giang thành đạt của con cháu gia đình nông dân đã mấy đời chăm sóc và hương khói mộ phần nhà cách mạng chẳng chút liên quan máu mủ với mình. [2]

Thì ai cũng mong thế, như là luật của Trời. Ai cũng mong rằng, đâu đó trên cao, hương hồn những người ái quốc như thế vẫn nhìn xuống cõi nhân gian để, với quyền năng nào đó, có thể làm nó tốt đẹp và công bằng hơn, không nhiều thì ít. Nhưng mong thì mong, chỉ bằng logic thông thường thôi, sẽ thấy rằng một gia đình như thế nhất định phải có một cái hậu như thế. Phải là người thiện lương thì mới có những nghĩa cử phúc đức và, một gia đình như thế nhất định phải có những quan hệ xã hội lành mạnh, có đường hướng giáo dục con cái tốt và đó là gì nếu không là nền tảng để con cháu thành công?

Cũng ý nghĩa đó nhưng đi ngược hướng, là cái cảnh nhố nhăng của buổi giao thời đúng nửa thế kỷ trước với bọn đập chùa phá miếu:

Người nách thước, kẻ tay dao

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi

Cũng ào ào theo diễn tả của Nguyễn Du nhưng hung bạo và dữ dội hơn mấy bậc khi, thay cho “nách thước - tay dao”, là những búa tạ - xà beng và, hậu vận của bọn đập phá này, thường, đều không ra gì. Chúng không ngóc đầu lên nổi mà con cháu, hai ba thế hệ sau, cũng khó mà khá hơn khiến người đời, không ít, tặc lưỡi rằng rằng đó là “nghiệp báo”.

Thì cứ cho là vậy nhưng sự báo ứng này vẫn có gốc gác khoa học của nó. Thiêng hay không thiêng thì chùa miếu là nơi để người khác gởi gắm niềm tin, để nương tựa những lúc mất phương hướng, bất an và điều quan trọng là phải tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Để làm được việc này thì, thường, là hạng vô học và khi vung tay đập phá như thế, họ đã tự cô lập chính mình ngay giữa cộng đồng của mình. Đã thiếu học thức mà còn bị cộng đồng xa lánh, tẩy chay, cái sự không ngóc đầu lên nổi là lẽ đương nhiên và, cha mẹ mà đã thế, cái việc dưỡng dục con cái cũng khó mà tốt hơn nên chuyện đời sau khó ngóc đầu cũng là điều dễ hiểu.

Hay một chuyện “ứng nghiệm” cụ thể khác mà tôi được nghe mấy chục năm trước nhân một lần về quê ngoại “chạp mả”, nơi là vùng “giải phóng” trong thời chiến. Trong một cuộc hành quân, một nhóm lính Mỹ trẻ đã tháo bộ chiêng trong một nhà thờ tộc ra gõ boong boong như nghịch rồi phá ra cười hô hố và, chẳng bao lâu sau, đã sa vào ổ mìn, chết gần một tiểu đội.

Có phải là những hương hồn ngụ trong nhà thờ đã “xui khiến” khiến mấy anh lính trẻ kia đi vào chỗ chết? Tôi thì chú ý đến cảnh họ “cười hô hố” bên cái chiêng đồng bởi, như là thành viên của một đội quân quy ước mà phải chiến đấu trong một chiến trường phi quy ước, họ phải cực kỳ cẩn trọng trước muôn vàn cạm bẫy vô hình. Ra trận thì hoàn toàn khác với du lịch để khám phá những điều mới lạ mà, ở đây, mấy anh lính trẻ đã lấc cấc như những học trò trung học trong kỳ cắm trại nên xác suất của việc sa bẫy không thể nào không cao.

Nhưng khái quát hơn là mô thức thành đạt mà cổ nhân đã đúc kết: “Nhứt mệnh, nhị vận, tam phong thủy, tứ âm công, ngũ độc thư”, quan niệm cho rằng học vấn – “ngũ độc thư”, tức người đọc sách – là hạng bét.

Theo quan niệm này thì yếu tố thành công đầu tiên thuộc về mệnh số, vận hội rồi đến phong thủy tốt và phúc đức tổ tiên sâu dày và tín lý này, xem ra, khá rất là… tâm linh. Tuy nhiên xét cho cùng thì nó vẫn là một quy luật xã hội học, có thể thể kiến giải bằng logic thông thường.

Bắt đầu từ “mệnh số”, hình thành từ xuất thân, dòng dõi, tức thuộc về cái gene di truyền:

Một trai con thứ rốt lòng

Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia

Xưa thì “nối dòng Nho gia” và nay thì, trong mô thức “tư bản thân hữu”, là “dòng cai trị” với giai tầng tân quý tộc đang nắm giữ những yết hầu kinh tế và chính trị trong mối quan hệ cộng sinh. “Thượng phẩm vô hàn môn, hạ phẩm vô thế tộc”, phẩm trật cao đâu vào tay kẻ bần cùng, phẩm trật thấp đâu đến tay con nhà hào môn và, nếu “mệnh” đã thế thì “vận” cũng thế. Vận hội đã tới thì ắt phải thành công nhưng vấn đề là vận hội nằm trong tay họ, được họ ban phát cho chính họ mà chúng ta thường nghe qua chính sách dùng người mang tên “quy hoạch” hay “cán bộ nguồn”.

Phong thủy là một ý niệm huyền bí nhưng sự “ứng nghiệm” vẫn không khác trên cái nhìn xã hội học. Bỏ qua những tín lý về ảnh hưởng của nước, khí, gió của cuộc đất đến họa phúc của một con người, một gia đình, hay một dòng họ; ý nghĩa xã hội học của nó là, để được tốt về phong thủy, dương trạch hay âm trạch, thì phải có gia thế, tài lực.

Hãy nghĩ đến sự sống và sự chết của một người bình thường hay dưới mức bình thường trong xã hội hiện tại. Sống thì chỉ là một cái xó ẩm thấp nào đó trong khu ổ chuột, trong một căn nhà trên phố chính nhưng chật hẹp, phải chen chúc mấy thế hệ, hay một đơn vị tẻ nhạt trong một chung cư tẻ nhạt. Mà chết thì phải hóa thân trong một lò hỏa táng hay gởi thân trong một phân lô bốc thăm ở một nghĩa trang bình dân hoặc, thậm chí, nói theo Phùng Cung, là một chút “thổ phần bò xéo cuối thôn” tại một xó quê nào đó. “Phong thủy”, với tầng lớp này, là cái gì đó cực kỳ xa xỉ, chỉ dành riêng cho tầng lớp tân quý tộc. [3]

Mà cả âm công, còn huyền bí hơn cả phong thủy, vẫn là một yếu tố xã hội học. Nếu đó là phúc đức của ông bà, tổ tiên, dòng họ thì, muốn thi ân bố đức, thì phải có thế lực và có tiền, nghĩa là gia thế phải thuộc hạng hào môn.

Hào môn như mấy tài phiệt Mỹ đang đấm ngực mea culpa vì cái sự “misplaced faith” mà, diễn giải bằng lời Tố Hữu là, “Trái tim lầm chỗ để trên đầu”, dâng nỏ thần cho kẻ nêu cao cuộc chiến thuế quan để bây giờ lo sợ trước viễn ảnh sa vào bãi mìn của chính cuộc chiến ấy. Cái karma này có thể phân giải từ nhiều góc độ khác nhau và, ở đây, là cái nhìn của triết gia Mỹ George Santayana (1863-1952): “Kẻ không thể nhớ lại quá khứ thì sẽ lặp lại quá khứ. [4]

Vì không hề nhớ nên, trước những tuyên ngôn ồn ào về thuế quan trong thời kỳ vận động tranh cử, họ không mảy may bận tâm đến cái vết ố sâu đậm nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản, cuộc Đại Khủng Hoảng 1930. Khủng hoảng đã bùng nổ sau khi, đang thời kỳ suy thoái, mà Herbert Hoover (1874 – 1964) – Tổng thống thứ 31 và là một trong mười 10 Tổng thống tệ nhất trong lịch sử Mỹ – lại phát động cuộc chiến thuế quan. Lỗi lầm là do mình nhưng, khi khủng hoảng bùng nổ, Hoover lại đỗ lỗi cho những di dân Mexico và tiến hành những cuộc bố ráp thiếu quang minh để trục xuất về Mexico, dẫu họ chào đời trên đất Mỹ, đến 1.8 triệu người. [5]

Không hề nhớ nên họ chẳng mảy may nghĩ đến James Buchanan (1791-1868), Tổng thống thứ 15 (nhiệm kỳ 1857-1861), bị xem là Tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ bởi đã khơi sâu cái hố chia rẽ của nước Mỹ và, do đó, đã gây ra cuộc nội chiến tàn phá nước Mỹ, trong vòng năm năm (1861-1865).

Nội chiến nổ ra vì miền Nam kiên quyết bảo vệ chế độ nô lệ với sự đồng lòng từ đầu đến cuối của Buchanan. Buchanan can thiệp để Tối cao Pháp viện có đa số nghiêng về những ông chủ nô lệ. Buchanan can thiệp để xem đó là quyền tự quyết của từng tiểu bang và, nhờ thế, khu vực miền Nam vẫn khư khư với quyền cầm giữ nô lệ. Buchanan, như thế, đã không bày tỏ một tý ty thiện chí xoa dịu sự chia rẽ mà còn xát muối, khơi sâu. Nội chiến Mỹ bùng nổ sau khi thất cử, Buchanan vẫn bị xem là thủ phạm để rồi, phải bỏ suốt phần đời còn lại để thanh minh, bào chữa.

Không hề nhớ nên họ cũng không nghĩ đến việc, gần 100 năm trước, năm 1933, chính những “đồng nghiệp” của họ, những tài phiệt Đức, đã ủng hộ để Adolf Hitler lên làm Thủ tướng. Họ mong mỏi rằng Hitler không chỉ bảo vệ mà sẽ giúp họ bành trướng đế chế kinh doanh của mình nhưng những gì diễn ra sau đó thì ai cũng biết. Tên diệt chủng này chỉ cần bỏ ra vỏn vẹn 53 ngày là triệt hạ hoàn toàn nền dân chủ Đức, đẩy nước Đức và cả Âu châu vào cảnh hủy diệt và, do đó, hủy diệt luôn cả những đế chế kinh doanh của họ. [6]

Hẳn nhiên là nước Mỹ hiện tại không hoàn toàn là bản sao của nước Đức gần 100 năm trước. Mà ông Tổng thống thứ 47 hiện tại cũng không phải là bản sao của ông Tổng thống thứ 15 hay thứ 31. Tuy nhiên, qua những gì đã thấy thì, nói theo một phát biểu thường được gán cho Mark Twain: “Lịch sử không tái điệp y chang. Nó chỉ lặp lại cùng một “nhịp”. [7]

Nhưng lặp lại y chang hay theo nhịp thì, nói theo Santayana, đều do sự què quặt của trí nhớ và đây, phải chăng, là lý do khiến nhà độc tài nào giống nhau trong cách ứng xử với ký ức của cộng đồng?

Bị giới Nho gia viện dẫn sách xưa mà phê phán, Tần Thủy Hoàng thẳng tay “phần thư khanh nho” mà mục tiêu là tái tạo lịch sử, là tẩy xóa ký ức của cộng đồng. Và khi ra lệnh cho đám Hồng vệ binh tàn phá chùa miếu trong Đại cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đã nhắm đến mục tiêu nào ngoài việc tẩy xóa ký ức của người Trung Hoa để thay vào hình ảnh lồng lộng của mình như là nhà cầm lái vĩ đại của nước Trung Hóa mới, với một nền văn hóa mới? Mà, xem ra, từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Mussolini, Mao Trạch Đông, v.v., nhà độc tài nào cũng thích rửa mắt công chúng với trò đốt sách và đập chùa phá miếu nhằm tái tạo lịch sử. Và cả hiện tại, khi tẩy xóa cống hiến của người da màu và di dân trong ký ức tập thể của nước Mỹ thì, thực chất, ông Tổng thống thứ 47 của nước này cũng đang tái điệp lại cái trò tẩy xóa này. [8]

Nhưng khi làm như thế thì họ – những nhà độc tài hay lãnh tụ mơ được làm độc tài – cũng đã què quặt trí nhớ như nhau khi quên rằng, dẫu sử dụng đến bao nhiêu bó đuốc, bao nhiêu bộ máy kiểm duyệt, chẳng ai có thể tẩy xóa ký ức của một dân tộc và tái tạo nên thứ lịch sử chỉ để phục vụ riêng mình.

Đơn giản như ký ức hay lịch sử của chúng ta, với những câu chuyện như mới hôm qua: dẫu bị kiểm duyệt và, thậm chí, cả bị trấn áp gắt gao theo kiểu du kích đánh lén, những cái ngày làm nhói tim người Việt Nam trong lịch sử hiện đại nhất cũng chẳng thể bị tẩy sạch ra khỏi ký ức chung, ngày 19/1/1974, ngày 17/2/1979 và ngày 14/3/1988.

Và khi quên điều đó, họ cũng đã quên rằng luật nhân quả, như một thứ luật đời vẫn lặp đi lặp lại như một “nhịp điệu của lịch sử” với những kẻ ngang nhiên giẫm lên luật đời, hay thứ luật thiêng liêng của Đất và Trời, thứ luật đã “Tiệt nhiên phận định tại thiên thư.

Tham khảo:

1. https://www.huffpost.com/entry/bill-ackman-donald-trump-tariffs_n_67f3796ae4b0b8ddefde8174

https://www.news.com.au/world/north-america/us-politics/karma-is-coming-telling-sign-elon-musks-white-house-days-are-numbered/news-story/91f5cb419073fe7da346f44af9c4b7f4\

https://www.msn.com/en-au/news/other/wall-street-bankers-are-just-like-trump-voters-they-have-no-one-to-blame-but-themselves-opinion/ar-AA1CAnU1?ocid=msedgdhp&pc=LCTS&cvid=d05c0ce1ecd84184ad5ee8de83581c27&ei=40

2. https://www.diendan.org/viet-nam/se-se-nam-dat-ben-duong

“Tôi nghe mà rưng rưng mừng thầm. Gia đình chị Chi đã được anh hồn cụ Tạ phù hộ. Vì họ là những người rất tốt, sống nhân nghĩa, thủy chung. Nội chuyện gia đình họ đã ba đời chăm sóc, bảo bọc ngôi mộ chí sĩ Tạ Thu Thâu đã nói lên tất cả.”

  1. Trích từ bài thơ Lúc ra đi của Phùng Cung ((1928-1997)

Men về thung cũ

Quì dưới chân quê

Trăm sự cúi đầu

Xin quê rộng lượng

Chút thổ phần bò xéo cuối thôn

Vì truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn (1956), Phùng Cung bị bắt giam vào năm 1961 và đến năm 1973 mới được trả tự do.

4. “Those who cannot remember the past are condemned to repeat it.”

5. https://www.history.com/articles/great-depression-repatriation-drives-mexico-deportation

6. https://lithub.com/in-the-room-where-german-tycoons-agreed-to-fund-hitlers-rise-to-power/

7. “History doesn’t repeat itself but it often rhymes”

https://quoteinvestigator.com/2014/01/12/history-rhymes/

8. https://thehill.com/opinion/white-house/5223544-trump-executive-order-revises-american-history/