Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Bây giờ mình đi đâu?

 Truyện Hoàng Chính

 

Di dân trục xuất từ nước Mỹ, đến Panama City. Ảnh của Matias Delacroix - Associated Press (cho tờ The New York Times)

Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại – nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là – gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.

Cả ba người đều đeo khẩu trang màu trắng. Hai người đi phía ngoài cột tóc sau gáy, thành một túm nhỏ. Chắc là nữ. Một người mặc quần cụt, một người mặc quần dài ống rộng. Người bên ngoài còn co cánh tay, nâng một cái túi trước bụng, trong túi có vật gì đó ló ra ngoài trông như chai nước. Vậy là họ cũng biết lo cho mạng sống của họ. Nước là thứ quan trọng. Người ta nhịn đói lâu được nhưng nhịn khát thì khó. Người đi phía trong tóc ngắn, hẳn là nam. Cũng có thể là nữ. Vì tóc xuôi vai thả sau lưng khó nhận ra. Người này bị hai người kia che khuất nên chỉ thấy anh (hay chị) ta mặc thứ quần bó ống. Người đi phía trong này đeo cái ba lô to, đầy ắp, cao gần tới đầu. Hai người kia đeo ba lô nhỏ hơn tụt thấp xuống phía sau lưng. Nặng nên xệ xuống, hay nhẹ nhưng quá mệt, không còn sức xốc lên. Hình chụp lúc họ đang rảo bước, chân trước chân sau. Không có gì cho thấy là họ đang trò chuyện. Cũng có thể là họ đang trao đổi những câu đối đáp nhấm nhẳng.

Chị ơi, họ đưa mình đi đâu đây. Ai mà biết. Sao họ không cho mình ở lại. Mình đâu xin xỏ gì nhiều. Chỉ cần một chỗ, nhỏ bé, chật hẹp gì cũng được, nhét cả nhà vào một xó cũng xong mà. Mình có dám đòi hỏi gì nhiều đâu. Thôi im đi. Nói lảm nhảm hoài.

Bên phải, phía trước họ là bức vách có giấy dán tường đầy hình những tòa dinh thự, mỗi tòa nhà có ba ngọn tháp, bên trên mỗi đỉnh tháp có một lá cờ, cả ba lá cờ đều có màu trắng và đều xuôi theo hướng gió chĩa về phía họ. Hai bóng điện trên trần phía bên phải họ, hắt bóng họ ra ngoài, phía người nhiếp ảnh viên cầm máy ảnh chĩa về phía họ để chụp tấm hình này.

Một cơn ho thắt họng. Tiếng thở hì hạch như sắp đứt hơi. Họ đang nghĩ gì? Họ có nghĩ gì không?

Đừng ho nữa có được không? Chúng nó thấy ho, chúng nó nhốt riêng một chỗ bây giờ. Em đói quá. Sao họ không cho mình ăn cái gì. Lát nữa người ta có cho mình ăn không. Im đi. Nói thì có bớt đói chút nào không?

Dáng đi của họ – nhìn như thể – đang lao về phía trước. Như những kẻ tuyệt vọng, không còn gì để bám víu, đành nhắm vực sâu mà lao tới. Những ánh mắt lạc thần, xoáy về phía trước đã nhòe nhoẹt những mong đợi, đã tàn mạt những ước mơ. Họ phải lao về phía trước vì túi hành lý nặng trĩu sau lưng kéo ghì họ lại hay vì họ đang nhắm mắt đưa chân. Họ đang buông thả. Nhưng có gì trong mấy cái ba lô mà nặng trĩu hai vai như thế?

Mày nhét cái gì vào ba lô mà nặng muốn gãy lưng? Vài bộ quần áo nhà thờ dúi vào tay hôm nào. Em mừng quá, chưa kịp nói cảm ơn người ta thì đã phải chạy tán loạn. May mà trốn kịp. Trốn có được bao lâu đâu! Ít ra cũng được vài hôm. Được vài hôm êm ấm mà không thích à! Im đi. Lảm nhảm hoài.

Những cái ba lô to xù. Gia tài có bao nhiêu dồn cả vào đấy. Vải vụn thôi mà sao trĩu nặng. Bước đi lảo đảo chúi về phía trước. Dáng đi của những sinh vật bị mũi súng thúc vào lưng. Phải chúi về phía trước. Mặc, đến đâu thì đến. Họ đã kiệt sức sau bao nhiêu ngày tháng chồng chất lo âu. Trốn tránh. Sợ hãi bóng đêm. Sợ tiếng máy xe đang chạy bỗng nghe như chậm lại ngoài đường phố. Sợ những bóng người. Sợ những người lạ. Sợ những người quen. Sợ người vẫn thuê mình cắt cỏ khoảnh sân trước nhà họ. Sợ người vẫn đưa mình ra đồng nhặt sâu trên lá. Sợ tiếng chó sủa. Sợ tất cả mọi thứ. Ở thiên đàng nhưng vẫn sợ, bởi thiên đàng không còn là nơi thiên thần dạo bước, thiên đàng không còn là nơi chốn bình yên. Thiên đàng bây giờ là nơi loài quỷ dữ ngự trị.

Mình cũng giỏi chứ. Cái gì cũng sợ mà mình vẫn sống, vẫn thở. Bây giờ thì hết sợ rồi. Tụi bây đừng nói nhảm nữa được không. Bây giờ mình không còn phải trốn tránh nữa. Bây giờ mình được tự do. Làm ơn im đi mà.

Thì ra họ đã có một thời lén lút ở thiên đàng, bấp bênh miền đất hứa. Hạnh phúc như thế được bao lâu rồi? và bây giờ họ sẽ về đâu? Họ có quê nhà để về không?

Họ vẫn lầm lũi đi. Họ có còn gì để nói với nhau không? Chắc là có. Nhưng mà họ sẽ nói với nhau những gì?

Từ từ xem nào, đi đâu mà vội thế. Đi mau không lỡ chuyến xe bây giờ. Chuyến xe nào? Im lặng. Một lát lại cái giọng giục giã, Đi gì mà chậm như rùa thế. Nó bỏ lại đây thì chết cả đám. Mệt muốn đứt hơi đây này. Chân đang đau muốn chết. Làm gì mà đau? Bữa hôm chạy trốn, em trượt chân ngã, chị quên rồi à? Cũng phải cố mà đi cho mau. Nó bỏ lại bây giờ. Nó bỏ lại đây làm gì. Đến trước hay đến sau gì thì cũng đến thôi, việc gì phải cuống lên.

Một khoảnh khắc lặng im để thở. Rồi lại giọng cằn nhằn, Ban nãy có quên cái gì không? Mình có gì đâu mà quên. Toàn nói nhảm không à!

Im lặng. Chợt tiếng một người, Chết rồi, bỏ quên đồ rồi. Quên cái gì? Giọng hoảng hốt ngắt lời. Quên cuốn sách. Cuốn sách gì? Cuốn sách học Anh văn. Tìm ở đâu ra mà có sách Anh văn. Bữa hôm xe lấy rác đầu khu phố, em bới đống recycle – phải đọc là recycle không? – tìm được cuốn sách, trong cái thùng màu xanh bỏ bên lề đường. Mày nói tiếng Mỹ nghe tức cười quá. Người ta đuổi là phải rồi, mà ai bỏ sách cho mày nhặt vậy? Cuốn sách bị ướt hết nhưng vẫn còn đọc được chữ. Sách học tiếng Anh. Mày cất ở đâu mà quên? Im lặng. Người ta tống cổ mình đi còn học hành làm gì nữa. Lại im lặng. Tiếng thở dồn dập. Tiếng ho khan. Sao mà ho hoài thế. Mấy viên thuốc cảm bà Smith – phải tên cái bà Mỹ hiền lành tóc bạc là Smith không – thuốc bà Smith cho có mang theo không? Không. Sao không mang theo? Bây giờ đau ốm thì làm sao? Mang làm sao được mà mang. Người ta khám xét từng món đồ trước khi quăng cái ba lô lại cho mình. Có vài viên thuốc cảm cũng bị tịch thu.

Im lặng. Tiếng chân kéo lẹt xẹt trên nền xi măng. Một lát. Người ta đưa mình đi đâu vậy nhỉ? Ai mà biết. Đi mau lên, ở đó mà lải nhải mãi. Đi đâu cũng vậy thôi. Thắc mắc làm gì. Một khoảng lặng, rồi có tiếng thở dài và, Đưa đi đâu thì cũng vậy thôi. Mình như đã chết rồi. Người chết thì có sợ gì ba cái thứ cảm cúm vớ vẩn.

Trước mặt họ là cả một vùng tối ám. Nhìn không rõ hết cái hình người đi trước họ. Chỉ thấy một cẳng chân, một cái ba lô to xù, và một cái đầu trùm khăn. Hai bàn chân đi dép Nhật. Một bọc đồ kéo lê trên nền xi măng.

Chị ơi, bây giờ mình đi đâu? Chị không biết đâu. Đừng hỏi chị nữa, nhé.

Tôi đang kể câu chuyện của họ. Tôi thấy họ trên một tấm hình đã gần hai tuần lễ rồi. Tấm hình được ghi chú là “Di dân trục xuất từ nước Mỹ, đến Panama City”. Tấm hình làm tôi buồn. Mỗi lần nhìn nó tôi lại ứa nước mắt. Tôi cứ hình dung tôi là họ, thiên đường sau lưng vừa đóng sập cánh cửa, mũi súng lạnh băng dí sau gáy, bóng tối trước mặt như loài yêu quái đang sắp sửa nuốt sống tôi. Tôi lạnh người. Tôi rùng mình, hoảng kinh với cảm giác ấy. Cảm giác ấy cứ cắn xé tôi. Tôi nghĩ tôi sắp chết. Rồi khi tôi lôi tôi ra được khỏi vùng tăm tối ấy, tôi thấy xấu hổ vì tôi không làm gì để giúp họ. Bởi ngày xưa tôi cũng là thứ vô tổ quốc, một thứ stateless trên giấy tờ và ngoài đời sống, một thứ bị chèn ép đến phải bỏ xứ mà đi như họ. Tôi tù đày, đói khát, tôi trốn chui trốn nhủi, tôi lao ra biển, đâm nhào vào cõi chết để tìm ra đường sống. Nhưng tôi may mắn hơn họ. Tôi lao đao, và tôi ngã chúi vào những vòng tay nhân ái.

Còn họ thì không.

Những con người bị xua đuổi như những kẻ ăn mày mạt hạng. Những con người bị săn đuổi như những con thú không thể giết lấy thịt làm món ăn, không thể vặt lông đem đi dệt áo, những con-thú-người vô tích sự. Từ hôm báo The New York Times đăng tấm hình này đến nay đã gần hai tuần rồi. Bây giờ họ ở đâu?

22-03-25