Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Mắt nghiêng

Phong Âm

“Thu cả bầu trời đổ nghiêng vào trong đôi mắt thẫn thờ của người đang thở, tôi đã tìm thấy và vờ như ghé qua đoạn cầu thang nơi người đàn ông gửi thể xác ở lại. Có cô gái trẻ đi ngang qua để lại một chút thức ăn như làm dấu tích và như giữ lại một chút gì đó của ngày gần tàn lụi cho riêng mình. Thành phố về chiều của những người từ tỉnh xa đến đã không còn là cuộc hẹn, chiều tại thành phố, người đàn ông nằm trên cây cầu vượt hai tai đặc sệt tiếng rống nghẹt thở của dòng sông chảy qua địa phận mong manh giữa hai cõi sanh và tử, ục ặc những chiếc cần cẩu cũ rích như đứa trẻ mải chơi đùa trong trống trải trên đống cát, những hạt cát ẩm ướt bám dính lấy nhau theo bàn tay của đứa trẻ chảy xuống cát và rác đen ngòm trên dòng sông được vớt lên không trung lại rơi xuống rác ven bờ sông. Trong đôi mắt nghiêng của người, dòng sông xưa cũ đã không còn, dưới làn đường người và xe cộ, cuộc di chuyển trong bế tắc và gấp gáp của họ mới thực hóa thành dòng chảy của sông bởi nó có điểm bắt đầu và được đổ đến tận cùng sự mênh mông”.

Không biết ông ấy đang nghĩ gì, cuộc đời của ông ấy thật vô nghĩa, cứ như con thiêu thân lao ra khỏi cuộc tồn tại đến sau cùng ông đã thỏa mãn chưa. Những chiếc mặt lạ, tại sao ông không đeo nó lên bằng suy nghĩ như thể quy luật để bảo vệ ông, tại sao ông không chịu để mình biến mất. Chính ông mới thực sự là thứ quái quỷ, một tinh thần đổ đốn. Ông gàn dở và hiện tại ông ngờ ngẫn hơn cả mụ đàn bà đần độn mà ông hằng căm ghét, không biết trong hai chúng ta ai mới là kẻ hèn nhát.

“Tôi thấy mụ cười điên loạn, dường như mụ đang nghĩ đến mối quan hệ ngớ ngẩn trong chính cuộc tồn tại. Chỉ mụ và y, thật vô lý, cuối cùng y vẫn là kẻ cực đoan những vô lý. Tôi thấy mụ lẩm bẩm, đôi mắt rũ xuống bởi sự tuyệt vọng, mụ nói với chính mình tiếng mắng chửi người đàn ông… giải thoát, ông nói như thể chính tôi là kẻ giam giữ, phải rồi hóa ra cuộc đời tôi là một chiếc lồng. Nhưng cuộc đời của ông cũng là một chiếc lồng… trời ạ, mụ cắn vỡ nửa câu nói nuốt vào câm lặng”.

Đã từng muốn căm ghét ông, tôi đã tin rằng chỉ khi căm ghét ông tôi mới thực hiện hữu. Nực cười cho nỗi sợ của riêng tôi, tại sao không lặng lẽ bám víu nhau sống cho đến lúc chết, đứa con vẫn thường xuyên trở về, nó hay hỏi tôi tại sao cha nó lại trầm mặc như vậy, cha ít nói, ít cười và tại sao chưa bao giờ con thấy cha mẹ cùng xuất hiện đứng cạnh con. Sau ngày ông bỏ đi, tôi đã nhắc nó nên tìm cho mình một người đàn bà.

- Người đàn bà sẽ giúp con bớt hư hỏng.

Nhưng tại sao khi những người đàn bà đến với cuộc đời ông lại hư hỏng như vậy?

- Mẹ thấy thương cô gái trẻ ngâm mình dưới dòng sông và thương hơn cho những linh hồn không được dòng sông đón nhận, trong đó có một người đàn bà cực kỳ xấu xí gương mặt bà ta là bùn lầy, thể xác là như chiếc bình vôi sứt mẻ mỗi bộ phận trên cơ thể đều khuyết đi một phần, bởi có những khoảng trống này nên càng nom vào càng thấy cơ thể người nhầy nhụa, sâu hoắm một màu đen cứ nhũn ra chảy vào bên trong. Cả thể xác và tinh thần của bà ta đều bất ổn, ngoại hai mươi bà ta lấy chồng. Mẹ chẳng nhớ nữa, tít trong con ngõ hẻm, chắc đã hai ba mươi năm, linh hồn bà ta vẫn đơn độc, thể xác chưa bao giờ cùng bất cứ người đàn ông nào hợp hoan. Con nghĩ người đàn bà đó có thực tồn tại không?

“Tôi thấy mụ bước dần lên ba bậc cầu thang sau cuối, song song cùng chàng trai trẻ mà bước đi, tiếng dép của mụ lẫn trong tiếng giày gõ xuống lối đi bằng sắt từng cơn ho hen độc hại, chậm lướt qua, mụ dừng lại khi chỉ còn cách người đàn ông một khoảng, tấm áo cánh mặc được đôi ba lần che đi hai cánh tay gầy guộc bám trên đoạn lan can rỉ sét. Mụ soi mình dưới dòng sông bóng dáng của người quá lứa đã hao mòn bởi năm tháng. Ừ nhỉ, mụ cũng đã già, già rồi còn phải đi tìm chồng”.

Tôi không biết tại sao cuộc đời của mình lại trôi xa đến như vậy. Sau cùng tôi và ông vẫn là sự đối nghịch nhau, chỉ là ngang qua nhau mà sống. Bao nhiêu năm qua nhiều khi tôi đã lẫn lộn mà nghĩ rằng… bản thân trở thành điểm dừng của cuộc đời ông. Tủi hờn, ba năm trước khi người đàn bà nhà bên sang chơi, nhờ chị ta nói tôi mới biết sau lưng mình có một cái nốt ruồi thịt, không biết mọc nên từ lúc nào. Có gì đâu, tôi thản nhiên nói với chị ta.

Sau lưng tôi cũng có một cái nốt ruồi, không sờ thấy, soi gương cũng không thấy, cũng chẳng biết mọc nên từ bao giờ, năm hai mươi tuổi lấy chồng tôi mới biết mình có cái nốt ruồi đó. Không biết giờ nó to như thế nào, cũng thật lạ, rõ là nốt ruồi trên cơ thể mình mà cứ như không thuộc về mình. Sao chị ta lại thật thà đến thế, lúc ấy tôi chỉ nhìn sang mà chị ta đỏ ửng mặt, thẹn thùng hệt như một cô gái chưa chồng. Sau lưng mẹ tôi cũng có một cái nuốt ruồi màu hồng nhạt, khi mẹ ngoại bốn mươi nốt ruồi của bà lớn bằng đầu ngón tay út của một đứa trẻ, tròn trịa, căng bóng, khi mẹ ngoại tám mươi nốt ruồi của bà bằng đầu ngón tay út của một cô gái mới lớn nhưng méo xẹp, nhăn nheo. Tôi quên không hỏi… mẹ có để ý đến chuyện nốt ruồi của mình có từ bao giờ hay nó lớn như thế nào không. Nhưng, làm gì có nốt ruồi sau lưng nào thuộc về người phụ nữ?

Nghĩ lại mới thấy tôi dời đi khỏi tôi thật xa,

“Mụ vẫn còn đứng đó nhìn về phía người chồng, ánh mắt không vương chút thương xót, chẳng u sầu, chẳng căm giận… chẳng có gì ngoài sự tôn kính. Mụ đã bám lấy sự tôn kính đó mà bỏ ra hơn ba mươi năm thương yêu một linh hồn và một thể xác tách rời – đều không thuộc về mụ. Người đàn ông nằm trên nền đất, quần áo đã lấm lem, gót bàn chân tấy mủ, để mặc ruồi bọ vo ve trong sự câm lặng”.

Tôi không thể căm ghét ông được.

“Giá như tôi có thể đi vào tâm trí của mụ, lật giở lại trong ký ức câu chuyện cũ, họ đã ngang qua đời nhau như thế nào. Tôi tự vẽ cho mình một câu chuyện, tôi vẽ thêm cho mình một ánh mắt từ những hỗn độn, những ngổn ngang giữa khoảng trống chỉ còn thu lại và nằm gọn trong một ánh nhìn. Tôi đuổi theo mụ khi người đàn bà dừng bước”.

Thực ra chúng ta vẫn luôn mạnh mẽ hơn những gì mình tưởng. Nhìn dáng vẻ của ông ở hiện tại, tôi chưa bao giờ nghĩ đến mà chăng có chớm một thoáng mong manh tôi cũng chẳng dám nghĩ đến. Đã có bao nhiêu cuộc đời đàn bà lưu lại dấu vết trên cuộc đời ông, vẫn thanh sạch, chẳng cần cọ kỵ.

“Tôi thấy mụ ứa nước mắt, nửa vế còn lại tôi lại phải tự kiếm tìm câu trả lời. Chỉ biết được thêm một chút về những con người chới với đuổi theo nhau và mãi, mãi không thể bắt được cuộc đời của chính mình”.

Có thật nhiều cách để mơ, không biết ông mơ với cuộc đời mình bằng cách nào. Những bóng người, lại những bóng người trên đoạn đầu cầu, tôi mơ thấy mình đã đi xuống. Mơ trong buổi chiều, những con người chạy nạn dần mất đi màu sắc, cuối cùng chỉ thấy trong không gian xám xịt họ đỏ au au mà ùa theo nhau về phía cánh cửa. Giấc mơ chiều của người đàn bà, tôi ngờ tỉnh, kiệt sức. Những người đàn bà thường mang sự trầm lặng vào chiều tàn ngày. Rồi tôi sẽ lại mơ, tôi đã mơ và nhìn thấy ngổn ngang quang gánh của một kiếp kiếm ăn, còm cõi. Nửa phần đời tôi đã chọn cách sống như mẹ mình, lội dưới cánh đồng bước chân thụt lún, mờ dần và chìm xuống, tôi hãy còn buồn mặc dù lúa đã sang vụ. À, chợt nhận ra đã lãng quên thời gian khi nhớ lại đời mình đang sống.

“Đang sống, cách ăn nói của mụ thật thô kệch. Thời gian và đang sống, liệu có song trùng lẫn nhau, hay tách nhau ra mà lãng quên nhau cho cả hai cùng tồn tại. Lúc này mụ lại nằm ở giữa. Tôi thấy cánh đồng khô nứt nẻ, gió nghiêng mình lõm những hố lõm tiếp nối nhau như một sự lan đi không bến bờ và tấm nền ấy đã dần ngả vàng chỉ còn trơ lại sự trống không, là nứt nẻ, là mênh mông sóng nước, là biển vàng hạt sữa, ngậm căn cốt, nuốt thời gian, hình như mụ đang chới với trong sự cảm về cuộc đời, cuộc đời với TÔI. Với mình mụ không còn nhận thấy mảng màu sắc nào. Mụ nằm ở giữa và xóa nhòa”.

Đến mức này, đã đến mức này mà trong tôi vẫn không sao thay đổi. Trong giấc ngủ đêm tôi vẫn còn nhớ được, hằng đêm ông bật tỉnh rồi ngồi ngẩn ngơ hoặc lặng thầm dời đi.

“Tôi không biết mụ đang nghĩ gì, giọt nước mắt, giọt nước mắt của mụ tiến vào sâu thẳm đêm, đen đặc và trống không. Có lẽ chính mụ đã và vẫn đang mong tự mình sẽ có cách ứng xử khác đi, nhưng để làm gì, cứu vớt hay chỉ đơn giản là sự vớt vát sau cùng?”.

Tôi cứ nhìn ông, vẫn chưa thấy trong suy nghĩ bóng dáng người đàn bà tiến lại gần hoặc ngồi xuống vuốt ve theo lẽ thông thường, cũng chưa thấy bóng dáng tôi lủi thủi ra về…

“Mụ câm lặng, sao mụ lại nghĩ nhiều đến như thế”.

Ông chẳng biết gì về sự chai lì của người đàn bà cả.

“Đôi mắt mụ đổ nghiêng, trên đoạn đầu cầu nhìn xuống lề đường mụ chỉ thấy lề đường, dẫn vào ngõ hẻm thì vẫn là ngõ hẻm”.

Tại sao lại có thể như thế? Tôi đã biết về cuộc đời của mình nhưng vẫn câm lặng sống như vậy.

“Ngoái nhìn, đôi mắt mụ lại đổ nghiêng, đổ xuống sự xa xôi vào đôi mắt nghiêng của người trên đoạn cầu sắt nghiêng xuống làn đường, xuống dòng đời, xa mãi”.

Tiếng chó sủa canh năm, tiếng gà gáy sáng, tôi sẽ nhớ về dải suông mù trắng muốt, con cò trắng lẽo đẽo theo bóng một con trâu, loanh quanh từ tinh mơ sáng cho đến cuối chiều. Con cò trắng gầy guộc của năm tháng không thể đong đếm nỗi buồn vẫn sẽ bay về với đàn của mình. Tôi không thích con cò trắng hạ cánh, bay. Qua bầy vịt trời đôi mắt nó mờ đục khác hẳn đôi mắt vịt trời hệt như giọt lệ, trong suốt.

“Con cò trắng mãi không cất tiếng kêu, máu của nó đã chảy vào tiếng gào vô thanh. Con cò trắng mãi lẽo đẽo theo đàn trâu, lạ quá cả hai vốn là loài khác biệt. Tôi đã lao ra cánh đồng tìm kiếm và thấy giữa đồng hoang, cỏ thu tàn úa con cò trắng bay lên rồi lại hạ cánh xuống. Trâu mẹ và hai con nghé con không ngừng dịch chuyển, buổi nay nó không lãng quên cứ hướng về phía con cò trắng gầy guộc như muốn xua đi. Tôi trở lại nhưng không bảo mụ rằng: con cò ấy lại bay lên để rồi hạ cánh xuống những khoảng trống quanh con trâu, thật lâu, thật lâu”.

Đôi mắt nghiêng nhìn về phía sự tồn tại.

“Tôi không biết mụ đang suy nghĩ gì? Khi người đàn ông dắt con trâu già trở về chỉ còn lại một bóng cò mong manh tan ra cùng chiều không gian. Vọng đến hoang vắng tiếng ù ù của sáo diều đã át hẳn tiếng oe oe của nghé con mãi xa.

Những đám mây trôi tuột trên bầu trời mùa thu, bật lên cho ngọn cỏ úa trầy xước mà va vào nhau tựa ngọn gió sượt qua… cánh cò trắng dạo cô liêu trên bầu trời nhưng lúc này đã thấm vào bóng chiều không còn trắng muốt, tan ra hay biến mất, cánh cò cũng theo chiều mây trôi đi”.

Chiều, xô lệch, tôi sẽ thu vén của đời mình sao đây. Tôi đã biết rằng ông không tự dời đi mà sẽ biến mất bởi sự xô lệch cuộc đời ấy.

- Ông sẽ không trở lại.

“Tôi thấy mụ ta bật khóc”.

- Tôi biết, một cuộc đời không thể nào thuộc về một cuộc đời khác nhưng than ôi cuộc đời người khác ấy sẽ viết lại và nhớ mãi cái kết của cuộc đời ông. Tắt qua cuộc đời tôi, sao lại quyết định một cái kết đau đớn đến thế.

“Người đàn ông chưa chết, chỉ là không bao giờ còn trở lại. Chiều ấy tôi không biết mụ trở về bằng cách nào… chỉ là chiều nay mụ ốm không thể ngồi dậy, người đàn bà gầy gò nằm trên chiếc gường đặt cạnh cửa sổ, đôi mắt mụ chao nghiêng, là mắt nghiêng tựa như ánh nhìn của người đang nằm trên đoạn đầu cầu sau cùng. Trong mắt mụ con cò trắng lẻ loi vẫn liệng cánh trên đồng hoang, qua kẽ hở lùm cây chiếc ô tô trắng băng băng qua đường cao tốc nhỏ nhoi nhưng không lạc lõng như cánh cò. Chiều mờ dần, vẫn có những ảo ảnh bám lấy cuộc đời mụ. Mắt nghiêng thuộc về người tật bệnh, nghiêng để giọt lệ đem một ảo ảnh chảy từ con mắt này xuống giọt lệ mang ảo ảnh tương đương mà tuôn trào bớt phần cay đắng. Cô độc, người đàn bà đâu sợ chiều đến như thế, hình như cũng chẳng phải sự đeo bám, đó chỉ là sự trầm lặng đang lạc vào hồi chuông thế kỷ. Người đàn bà ấy tựa như loài cỏ cây không bao giờ dời bỏ vùng đất của mình. Tôi thấy trong mắt mụ màu hoa tím ngắt, bìm bịp từ bờ giậu ôm lấy chân đê và nửa ranh giới còn lại trên đầm lầy mùa thu lục bình trải trên cỏ chỉ ông úa màu một dải tím ngát men đến rìa dãy núi xa. Lùi về phía sau, tôi cũng nhìn qua dáng người nằm nghiêng của mụ, chỗ đoạn xương hông nhô lên trải xuống không thấy mềm mại như lọn sóng cũng chẳng dễ coi như triền đồi thoai thoải hoặc trũng xuống như hố đen nằm giữa thung lũng thăm thẳm… than ôi, nhìn qua khoảng eo mụ tôi quên mất sự tồn tại của dáng người đàn bà, thảy cảm giác về sự đẹp đẽ, cái đẹp trắng tinh nguyên sơ bị đâm xuống cùng nếp gấp của da thịt. Hóa ra cuộc đời họ đã va vấp vào nhau thương đau đến thế, dõi theo ánh mắt, sự nghiêng đi của cá thể còn lại tôi tìm kiếm lấy câu trả lời về sự xô xát, nhưng không hỏi thêm là bao lâu, vì vốn chẳng có sự chịu đựng nào. Mụ vẫn nhìn về phía dãy núi, mụ náu mình trong một hốc hang như bao người đàn bà khác, lặng chờ đợi. Cái hang như ngôi mộ đơm những hoa và quả, khác với những người đàn bà đã dời khỏi chiếc hang mụ nhớ nó như một dấu tích của cuộc đời mình, sao đến cả mụ cũng sống nhiều cuộc đời đến thế? Bìm bịp sẽ nở hoa cho đến đầu mùa đông, người đàn bà và người đàn ông đều ngả xuống xác hoa, dáng người tựa dáng núi, từ hốc núi chảy xuống một đám dây leo xanh rờn”.