Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Thời gian ở ngoài mọi thời gian trong thơ Linh Văn

 Đinh Thanh Huyền

Có câu nói thế này: “Khi đàn ông không chơi thể thao, họ sẽ làm thơ”. Dĩ nhiên là hài hước thôi. Nhưng với một số người, thơ chính là môn thể thao tinh thần hấp dẫn. Có người chơi “bóng đá”, có người chơi “cờ”, có người “bơi”, và có người “đi bộ”. Tôi cảm thấy chàng Linh Văn, chủ nhân của tập thơ thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan (không viết hoa trong toàn tập) chính là một người “đi bộ”.

Linh Văn đủng đỉnh đi bộ theo một lộ trình gồm bốn phần: nhịp đời thứ nhất – thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan – mai này khi chúng ta rời khỏi – từ trước thoạt kỳ thủy. Bốn phần đó đều liên kết với cái huyệt đan điền thời gian. Với Linh Văn, chữ thời gian không dùng theo nghĩa từ điển mà được đo đếm bằng những sự kiện cảm xúc và tâm lí liên đới với nhau trong một khoảng xác định theo một cách nào đó, bởi một cơ duyên bí ẩn gì đó. Lộ trình bốn thời gian này là phi tuyến tính, nó xoay vòng, có chỗ tách bạch, có điểm giao thoa, có lúc trở đi trở lại. Bằng vào điều này, thời gian trong thơ Linh Văn có thể được xem là một “tên miền”.

nhịp đời thứ nhất bài thơ đầu tiên như lời tự giới thiệu thân thiện, hiền hòa cho những khao khát thầm kín thôi thúc tác giả viết xuống. Cấu trúc lặp lại liên tục “tôi ước” giống như những cú quẫy đạp mạnh mẽ, liên hồi trong lòng mẹ của một sinh linh muốn bước ra cuộc đời, mang theo trùng trùng kí ức về thế giới, con người, vũ trụ, thi ca từ ngàn vạn kiếp để bắt đầu nhịp thời gian thứ nhất: tôi ước một tà huy/ ai đó mượn đời tôi/ để biết thế nào là nỗi chết êm như nắng/ và mượn hồn tôi viết nên câu thơ thứ nhất/ với nhịp đập liên hồi bên trong những tử cung. Nhưng không chỉ là lời giới thiệu, bài thơ chứa đựng cái ý tưởng đặc biệt: không có gì bắt đầu từ số không. Vạn sự luôn khởi lên từ một cái gì đã có: mượn tim tôi để thở tiếp những năm/ không có trên một cuốn lịch nào, mượn tên tôi gọi những thứ không tên/ trở về bằng vụn xương khô từ dưới vực gió trắng, ai đó mượn thời gian của tôi để bước lên/ chuyến xe mù căm thế kỷ,… Ý tưởng này chạy suốt tập thơ như một quan niệm, một nhận thức đời sống mà nhà thơ hằng tin tưởng. Bởi thế, nhịp đời thứ nhất là những bước chân chậm rãi nhưng chắc chắn về với miền kỉ niệm – nguồn dữ liệu tiên thiên của mình.

Trong nhịp đời thứ nhất, thời thơ ấu là một khoảng riêng tư và thành thật tồn tại mãi mãi như biển sâu êm đềm mà đau nhói (vọng âm). Thơ ấu có hình bóng em, cái bóng nhỏ như một nốt lặng, khu vườn nơi “tôi” và “em” chôn kho báu dưới những tầng cỏ mục, là tiếng thở của lá, của mưa, của khu vườn tưởng tượng, nỗi buồn mênh mang của những tháng ngày dài ngóng đợi một tiếng động mơ hồ dội về từ vách núi bên kia (tiếng thở trong vườn). Thơ ấu là khi một người mở ra cánh cửa hư vô/ và rời khỏi đời sống này đến một buổi chiều của hàng trăm năm sau để gặp một chú bé nhìn mưa bay bên sông/ tiếng gõ nhịp bâng khuâng và thầm lén/ giữa nỗi buồn đầu tiên tràn dâng xâm chiếm/ mưa gửi đến bài kinh vô ngôn/ bằng chuyển động toả lan trên mặt nước/ vũ trụ tới ngồi cùng một nhân dạng ngây thơ (khiếm diện). Bài thơ này mang một cách nghĩ rất lạ: sự sống không được nhìn ở trạng thái già dần, chết dần mà ngược lại, trong sự ngây thơ vô tận như những chuyển động không ngừng của vòng sóng tỏa lan trên mặt nước.

nhịp đời thứ nhất là kỉ niệm về một thị trấn đẹp như mơ với dốc hoa vàng, ngôi nhà có tầng áp mái/ ô cửa sổ thơ mộng/ mở những buổi sáng mù sương/ khép những ban chiều nắng ngọt (thị trấn). Thị trấn có những chú bé con, những chàng thiếu niên chớm yêu và những người đàn ông trở về từ chiến trường. Thị trấn từng đi qua một trận kinh thiên của loạn li, tan tác, chia lìa. Và sau cuối, vẫn là nơi người tìm lại những điều đã mất/ để đón nhận tình yêu mênh mông kỳ diệu/ của bầu trời/ của mặt đất/ dưới bóng cây tuổi nhỏ/ người im lìm khép mắt/ nằm nghe nước chảy và gió thổi. Đó còn là kỉ niệm về gia đình lưu giữ trong một tấm ảnh (từ một bức ảnh gia đình). Nhưng tấm ảnh không phải gia đình. Nó chỉ là một nhát cắt dọc, đổ thời gian xuống mặt phẳng không gian. Bởi thế, dẫu biết bao mến thương ùa về thì vẫn có khoảng cách từ mắt tôi đến mắt họ những người thân trong tấm ảnh. Nhưng tấm ảnh gia đình lại cho nhà thơ một thức nhận: nó là cuộc trở về cần thiết, bởi lẽ dù là ai thì cũng có lúc bắt đầu từ cái nhìn thơ trẻ/ đầy háo hức về những khả thể của cuộc đời phía trước.

nhịp đời thứ nhất là những hồi ức hòa lẫn với hiện tại. Thị trấn cũ, người quen cũ, những tháng năm vừa bốc cháy vừa rơi. Quá khứ của một người là những chữ không cách gì đọc lại/cũng không cách gì còn có thể viết thêm. Và như thế, nhịp đời thứ nhất của một người luôn là nhịp đời đã qua. Nó không có ranh giới tuyệt đối để khu biệt với hiện tại. Nó cho biết rằng chúng ta luôn sống với những nhịp đời thứ nhất liên tiếp. Mỗi khoảnh khắc vừa qua là một khoảnh khắc thời gian biến thành tro bụi. Vì vậy, sự bắt đầu chỉ có thể tính bằng một cách khác thường: khi ta tập đánh vần bằng vết sẹo trên da (lời tro).

Chia tay, bài thơ cuối của nhịp đời thứ nhất có gì đó phảng phất Xuân Diệu xưa khi thấy nỗi tan nát của chia li tỏa khắp đất trời: chúng ta vừa nói lời chia tay với sương/ngay lập tức phố xá hiện rõ dưới chân ta đến từng chi tiết một,…chúng ta vừa nói lời chia tay với mây/ ngay lập tức những mái nhà mọc lên,… chúng ta vừa nói lời chia tay với hoa/ ngay lập tức cây cối được cắt tỉa. Chia tay với sương, mây, hoa là từ bỏ những gì lãng mạn, huyền ảo và nhận lại trần trụi, thô thiển, khô cứng, phản tự nhiên; là đánh mất, là hủy hoại và nhận lại cơn thịnh nộ của tự nhiên. (ánh mắt em chìm trong cơn lũ dữ/ trăng hay lưỡi hái tử thần treo trên nhánh cây khô?). Cũng như thế, con người có những cuộc chia tay – đánh mất không kém phần khốc hại: trong cuộc vong thân của những cặp tình nhân, họ sẽ phải quên tình yêu.

nhịp đời thứ nhất là thế, là khúc dạo đầu không hề đơn giản bởi nó giao hòa giữa niềm xôn xao tuổi nhỏ, từng mảnh kỉ niệm bất chợt hiện ra đâm nhoi nhói, rẽ vào những khúc quanh và lặng người bởi cảm giác vừa thân thuộc vừa xa lạ của hồi ức. Những sự kiện tâm hồn ấy quyện vào nhau, làm nên một thời gian.

Nhưng với thời gian thứ hai, mọi sự dường như đã khác. Quỹ đạo của tập thơ như tiến sâu hơn vào một vùng sương mù bảng lảng, một thế giới rất khó nhận biết rành rọt. Không khí chung thì mơ hồ bảng lảng khó nắm bắt nhưng từng chi tiết lại vô cùng xác thực. Ta dường như có thể nếm được vị của những trải nghiệm riêng tư ngai ngái trong miệng. Cảm giác đó khởi lên tôi khi đọc phần hai: thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan. Ở một cách thức nào đó, cuộc sống của chúng ta đầy tính giả định, và bởi thế nó luôn vừa phi lí vừa hữu lí. Thơ là cuộc chơi nguy hiểm bởi nó phơi bày người viết đến tận những góc xa xôi nhất, sâu kín nhất. Nhà thơ trước hết là con người, cũng e dè, thận trọng, cảnh giác trước bất cứ sự đưa đẩy nào có nguy cơ làm lộ ra cái tôi dễ tổn thương của mình. Nhưng mặt khác, nhà thơ, kẻ vốn ương ngạnh, cố chấp, vừa tự tin vừa ngây thơ đến khó hiểu sẽ tự nguyện vẽ “gương mặt” mình trên trang thơ. Chỉ có điều, anh ta đủ khôn ngoan để đặt tất cả sau các biểu tượng, thứ làm gia tăng cảm giác vô vọng của người đọc hơn là mời gọi.

Nói về biểu tượng, trong phần lớn các bài thơ của thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan (và cả tập thơ), mùa hè xuất hiện liên tục. Dường như ấn tượng về cái nóng, sự ngái ngủ, cảm giác đờ đẫn do mùa hè mang lại rất mạnh trong tâm trí nhà thơ. Và tất nhiên, nó phải là một yếu tố tạo nghĩa. Với hải trình, mùa hè gắn với biển, nơi “anh” không thể tìm thấy em giữa mênh mông. Với học cách thấy, mùa hè là ngục thất của da thịt, nơi con người phải học cách nhận thức trước cuộc chuyển kiếp âm thầm của những bụi tro. Trong chuyển điệu, mùa hè bất tận kéo nhân vật trữ tình gần như chìm vào một cơn mê ngắn. Cơn mê ấy, sự mệt mỏi ấy khiến cho khoảnh khắc thời gian chuyển điệu trở nên bất ngờ. Nỗi hoang mang cũng theo thế mà tràn ra.

Còn nhiều biểu tượng khác: biển, mặt nước, cánh cửa, bài hát, tro bụi, sẹo, lỗ rỗng… trở đi trở lại trong tập thơ. Sự có mặt của biểu tượng trong thơ Linh Văn cũng rất thú vị: không ồn ào, không gây ấn tượng “điểm nổ”. Chúng xuất hiện một cách “hiền lành” như thể tất nhiên chúng phải ở đó, vào lúc ấy: anh cùng chuyến hải trình/ nằm chết trong lòng biển/ rêu mọc trên mảnh xương khô những sợi tóc u buồn/ biển nhận vào mình một phế tích cổ sơ (hải trình); biển đã chảy theo chiều dọc/ vào trong lòng chính nó/ trước khi nuốt trọn chúng ta/ vào thứ ảo giác đầy mê dụ của một bến bờ khác (bờ bên kia); em ngoảnh mặt về phía tối/ giờ này/ biển là thứ anh không thể thấy/ hoặc là thứ duy nhất anh còn có thể/ trong tưởng tượng về kẻ đầu tiên đã can đảm rời khỏi dải lục địa (ba đoản khúc về biển). Những biểu tượng đó nói gì? Phải đặt nó vào bài hát tâm hồn của nhà thơ ta mới hiểu.

Nếu bài thơ là cách nhà thơ tự nhìn vào tâm hồn mình thì anh ta thấy gì trong đó? Câu trả lời phụ thuộc vào việc anh nhìn sâu đến đâu. thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan trải ra một bản đồ của những trải nghiệm riêng tư. Như đã nói, những trải nghiệm đó đều là những sự kiện cảm xúc và tâm lí. Có lúc là cảm giác bị thời gian xâm chiếm toàn thân và toàn bộ đời sống (thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan). Có khi là cảm giác về một khoảng thời gian tự nhiên biến mất (giữa tháng Hai và tháng Tư) như khoảng ngắt dòng phi lí/ giữa hai khổ trong một bài thơ. Khi khác, bài thơ là trải nghiệm về nhịp đi kì lạ của thời gian (chuyển điệu). Có vẻ như những chuyển động vô hình của thời gian đang nổi lên rõ rệt: chiếc xe chạy từ Đông sang Tây/ như viên thuốc sủi khổng lồ/ băng qua cơn mưa đầu tiên trong tưởng tượng đầu tiên/ về một thành phố bị xẻ thành nhiều mảnh nhỏ. Trải nghiệm riêng tư của nhà thơ còn là cảm giác bất lực khi đọc một nhà thơ khác, trước cái cách mà ông ấy biến bài thơ thành bất khả chiếm lĩnh: ông đã vặn nhỏ/ âm lượng của chữ và từ/ cho đến khi chỉ còn những tiếng thầm lạnh lẽo/ phả vào sau gáy người đọc (cảo bản). Khi khác, bài thơ lặn xuống thật sâu và chạm vào những thời đoạn quan trọng của tinh thần: rời bỏ. Bắt đầu là rời bỏ nơi chốn quen thuộc: tôi đi khỏi căn nhà ấy, thành phố ấy. Tiếp tới là rời bỏ danh tính: tôi cầm trên tay tờ giấy ghi tên một người lạ/ cần được đọc to lên như thể tên tôi. Sau nữa là rời bỏ thân thể: và tay chân mắt miệng này là của ai đó khác. Cuối cùng là rời bỏ trí nhớ: tôi đi khỏi căn nhà thành phố ấy/ bỏ trí nhớ của mình ở phía sau ngạch cửa/ như thể cố tình làm rớt lại một món đồ xoàng xĩnh. Không khó để nhận ra những biểu tượng của một bản ngã đang bị chính nó chối từ. Là những yếu tố thường dùng để định nghĩa “cái tôi”, khi từ bỏ dần như bóc một củ hành, đến cuối cùng sẽ không còn gì là “cái tôi” nữa. Có gì đó vừa kiên quyết vừa buồn bã trong hành trình rời khỏi chính mình mà không biết cuối con đường là gì. Chỉ còn lại nỗi băn khoăn: làm sao ta có thể đo được chiều sâu thế giới/ chỉ bằng đôi mảnh không còn lành lặn từ một chiếc bình vỡ? Có lẽ đó cũng là ý nghĩ của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau: anh để lại cái tên duy nhất của mình và bước xuống/ giữa anh và nó/ một tiếng gọi/ một cái tên khác cho tiếng gọi đã tắt: lưỡi – của – khoảng – trống/ bóng tối đang chồm tới nuốt chửng mọi cái tên (một cái tên khác).

Nhịp thời gian thứ ba của tập thơ: mai này khi chúng ta rời khỏi, tôi gọi đó là thời gian của sự chết. Những suy tư nào có nghĩa hơn đối với đời sống của chúng ta: về sự sống hay cái chết? Tôi tin rằng Linh Văn thiên về vế sau. Nhiều người cho rằng rằng sống là toàn bộ hành trình để đi đến cái chết. Nhưng chết có phải là hết? Câu hỏi siêu hình đó làm nhức đầu các triết gia và cả nhân loại còn lại. Với họ, hình như chết là một tai nạn hơn là một sự kiện có tính vượt thời gian để trở thành mục đích. Còn với nhà thơ của thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan, dường như suy tư về sự chết đưa anh chạm đến ranh giới của “giác ngộ” theo cách rất chân thực: anh đã dành cả cuộc đời/ cái chết đột ngột/ sự im lặng vĩnh viễn/ để dạy cho em về mọi thứ (cho Anh của Em (1977 – 2023), và ít nhiều gần với tôn giáo: một lần nào tôi gặp lại anh tôi/ giữa hồi kinh cầu nguyện không ngưng/ anh đứng lẫn vào những cái tên/ trong trang sách của Đức Phật về một xứ miền xa lạ/ tôi gọi bằng cơn rung chuyển của xương cốt/ một cuộc bái lạy tuyệt vọng/ cho những cái tên khác nhau mà thường ngày chúng tôi từng gọi/ nhưng rồi những cái tên của anh quay đi/ không thân phận/ không tuổi tác/ bỏ mặc tiếng gọi đồng thanh của tất cả chúng tôi/ chúng lần lượt quay đi/ lựa chọn hành trình của vô danh/ và thẳm tối. Những dòng thơ ấy không dừng ở cách biểu đạt có tính trừu tượng, không chỉ dựng lên một kiểu hình tượng bất nệ thực. Với tôi, đoạn thơ trên gợi đến một điều rất lớn: khi một người thân mất đi, những người còn sống rất khó để hình dung rằng mình đang khóc than cho một cái tên trong muôn vàn cái tên của người chết qua vô lượng kiếp. Sự chết được mô tả như từ điểm nhìn của chính người đã rời bỏ thế gian này, đi vào hành trình thẳm tối, không còn nghe thấy tiếng gọi của người còn sống. Bởi thế, tôi đôi khi có cảm giác được gặp lại anh tôi trong những cái tên xa lạ. Đối diện với sự chết, nhà thơ chợt thấm thía: mọi sự thật khác trên trần gian này, tôi tin, chỉ còn lớp vỏ (sự thật của tro).

Sự chết không chỉ là khi thân thể vật chất tan biến. Nó còn là lúc người ta sống để quên những ngày đang sống/ như biển trôi đi không nhớ nổi chính mình (những ngày đang sống). Hoặc nhận thấy tính chất giả dối, gá ghép của chính đời mình: càng ở lâu cùng nhau, tôi càng thấy/ xa cách với nó: giữa tôi và đời tôi/ một trang trắng giữa bìa và ruột sách/ một khoảng vời vợi/ giữa bàn chân của kẻ bộ hành và bí mật rừng sâu (một ví dụ kinh điển). Hoặc cảm thấy cái hư hoại, suy đồi như chiếc lưỡi liếm dần, cái miệng tham tàn nuốt dần thực tại (những ngày mưa chầm chậm). Hoặc hình dung về cái chết của mình như là sự thật (trời của lãng quên).

Suy tư về sự chết có lẽ là điều xâm chiếm sâu sắc tâm tư nhà thơ. Sự chết là cái gốc để những nhánh suy tưởng tỏa ra nhiều ngả, cũng lại là hạt nhân để những nhánh suy tưởng tụ về. Khi tôi thích những thời khắc một mình, có thể bình thản ngồi xuống như cái cây không rễ cũng là lúc tôi biết/ trong cái bóng kia/ những người còn những người đã mất/ và cả tôi ở đó cùng dăm mảnh vỏ khô (bóng cây).

Viết về sự chết – đó không phải đặc hữu của tập thơ này. Tuy nhiên, cách nhà thơ bày tỏ suy tư về sự chết cho biết mức độ tinh tấn của anh. Tôi không biết gì về đời sống tâm linh, xu hướng tôn giáo hoặc đức tin của tác giả. Nhưng tôi nhận ra rất nhiều dấu hiệu của nhận thức mang tinh thần tôn giáo trong thơ anh. Linh Văn nhìn sự chết không phải là mặt đối lập của sự sống. Chết là một khoảnh khắc quan trọng trong hành trình sống của một con người. Chết là một sự kiện có tính giáo dục đặc biệt, nó buộc người sống phải tự dạy mình mọi điều để đi về cái chết một cách bình an nhất. Nó hé lộ những điều người sống không thể hình dung nổi bằng trí nghĩ cạn cợt, bằng tri kiến cứng nhắc, bằng sự vô minh. Sự chết kinh hoàng hay huy hoàng là lựa chọn của người sống. Ai dành cả đời mình để suy tư về sự chết sẽ là người có thể bình thản viết: tôi đã đến chân trời/để thấy một chân trời khác: một bãi cát/ dẫn đến biển của những điều đã mất (tôi đã đến chân trời).

Nhịp thời gian cuối của tập thơ: từ trước thoạt kỳ thủy là thời gian của Thơ. Linh Văn dành phần kết cho những suy tư về sự viết. Chính phần này giúp tôi hiểu nhiều hơn về lối viết của tác giả.

Thơ, với Linh Văn không phải là cái gì cao xa khó hiểu. Nó gần gũi, kề cận nhưng không thể nhìn thấy như một vật thể: bài thơ không ở đây cũng chẳng ở đó: nó là cái cây không bao giờ được gọi tên/ mọc và chết ở bên ngoài mọi khu rừng/ hoặc mắt em đã mở/ để nhìn thấy và rời khỏi nó/ hoặc mắt em đã nhắm/ để hình dung về thế giới của những lời/ vốn không được sinh ra/ và do đó không bao giờ mất đi (bài thơ trong lòng bàn tay).

Sự viết, đối với Linh Văn là để cho thơ tự nó đến: theo một cách nào đó/ chữ đầu tiên đã lẻn vào bài thơ của tôi/và nó gọi những chữ kế tiếp (viết). Nhà thơ mô tả cách mà bài thơ ra đời thật thú vị: từ mọi ngách sâu chúng chầm chậm bước ra: một đám đông/ chờ nghe một buổi hòa nhạc cổ điển/ cần phải tỏ ra lịch thiệp/ bằng việc đứng cách nhau vừa đủ những khoảng trống/ một số chữ, trong chớp mắt, đã quyết định rút lui/ trước khi được nhìn thấy. Chỉ cần một đoạn ấy thôi đủ để đánh bay mọi thứ lí thuyết thô thiển về quá trình sáng tạo của nghệ sĩ. Trong một bài viết trước đây, tôi đã phản đối cách các nhà lí thuyết mô tả quá trình sáng tác. Họ mô hình hóa, công thức hóa quá trình ấy. Nhưng họ quên mất một điều: nếu mô hình hóa được, mô tả được thành quy trình thì đó là sản xuất hàng hóa, không phải là nghệ thuật. Thơ là một ví dụ điển hình cho sự bất quy tắc, cho những “chèo kéo”, “xúi bẩy” kì lạ từ cõi nào đó sâu thẳm của người nghệ sĩ. Đoạn thơ trên của Linh Văn không chỉ dựng lên cảnh tượng sống động của thực hành nghệ thuật, quan trọng hơn nó khiến người đọc hiểu rằng đó là một sự kiện vô cùng phức tạp. Sự kiện đó sánh ngang với sự ra đời của một sinh thể với những “phản ứng hóa học” xảy ra liên tục, bằng tốc độ lượng tử và những lựa chọn diễn ra ở bề sâu. Cái cuối cùng hiện diện trong bài thơ chưa chắc là cái đầu tiên và duy nhất. Đọc thơ, nếu đủ sức là phải đọc ra cả những lựa chọn tối ưu, và đọc ra những chữ đã chết trước khi ra đời.

Linh Văn không diễn tả sự viết bằng những ngôn từ có tính trang sức như “quằn quại”, “đau đớn”, “ám ảnh”, “mê man”… Anh viết bằng những liên tưởng chỉ có qua trải nghiệm máu thịt: viết thêm một chữ/ tôi biết mình đang bước thêm một bước/ xa khỏi bài thơ của chính mình (sẹo ánh sáng). Anh không chắc đây là một bài thơ/ khi bóng tối chầm chậm chôn ta/ vào phúc âm của đêm/ nghìn sợi dây thòng lọng thả xuống và treo ta lên/ cái giá lơ lửng của đời sống/ anh nghĩ tốt nhất là mình bắt đầu viết/ một bài thơ kỳ vĩ về ánh sáng (khả thể). Có lẽ không có lời mô tả nào tốt hơn cho niềm thúc giục từ bề sâu tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu anh ta biết chắc về điều mình định viết, anh ta là nhà khoa học. Chỉ có thơ là dẫn nhà thơ đi theo một lối không định trước. Và chính anh ta, đến cuối cùng vẫn cứ nghi hoặc: nhưng/ em có chắc đây là một bài thơ?

Không chỉ một lần Linh Văn gọi bài thơ, chữ trong thơ là sẹo trên trang giấy. Cách nói đó hàm chứa một thái độ trung dung trước thơ. Không tôn sùng thơ như linh vật của đời, không tỏ ra nhạo báng vờ vịt, thơ là một tạo tác khách quan mà cuộc đời không đòi hỏi. Làm thơ chỉ là nhu cầu của nhà thơ, không phải nhu cầu tất yếu của nhân thế. Chữ, nhìn ở góc độ phi tâm linh hóa, chính là vết sẹo trên tờ giấy. Chỉ có thái độ ấy mới cho phép nhà thơ tự do với sáng tạo. Chỉ có thái độ ấy mới không đẩy nhà thơ và thơ vào cái bẫy của thần thánh hóa thơ ca. Và đó là sự tôn trọng đúng mực dành cho thơ.

Có lẽ chính những điều trên giúp tạo ra một phẩm tính nổi bật của thời gian ăn tôi bằng mọi giác quan: cảm giác trừu tượng trôi chảy. Khả năng tự nhìn sâu vào tâm trí, “thấy” những ý nghĩa khác thường của đời sống, sự kiện, con người là yếu tố kiến tạo linh hồn bài thơ. Cách nhà thơ để cho chữ tự chuyển động, tìm kết nối và tự “trò chuyện với nhau” là yếu tố kiến tạo thần thái bài thơ. Nét hiền hòa trong suy tư, cảm xúc là yếu tố kiến tạo giọng điệu bài thơ. Hiện đại và bình tĩnh là chất chung của tập thơ. Và điều này thật sự quan trọng, nhà thơ là người tin yêu độc giả vô cùng khi anh viết: nếu mỗi bài thơ là một căn phòng trống/ chắc hẳn những mảnh vụn tình yêu/ sẽ làm đầy nó lên/ người lạ đến và đọc trộm nó/ với đôi mắt của kẻ thứ ba nấp sau cánh cửa/ họ sẽ thấy thứ chúng ta không thấy, họ sẽ nghe thứ chúng ta bỏ lỡ/ đó là cách họ mở những cánh cửa khác/ mang họ rời khỏi họ, và chúng ta / rời khỏi chúng ta, để tìm đến với những bài thơ khác (khả thể). Đó là cách nhà thơ tạo nên thứ thời gian nằm ngoài mọi thời gian trong thơ.

Hà Nội, 6/2/2025