Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 7)

 Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

Chương 5

TỪ CHAKLENG ĐẾN FUKUSHIMA…

Trở lại Chakleng

21 giờ, tối 12-3-2011

Từ Sài Gòn tôi xuống xe về quê vừa kịp ông Shito bước lên và cầm lấy cái micrô. Tôi đến, gật đầu chào ông, ngồi vào chiếu. Ông xã bà Hani, Min - cô thông dịch nói. Ông cúi đầu chào tôi. Hani cho biết, ông là triệu phú, còn triệu phú ngành nghề gì không ai hay, chỉ biết ông rất yêu văn hóa Cham.

Ông vừa nói vài câu thì đột ngột từ túi áo ông, điện thoại reo tiếng khá lạ. Ông xin lỗi mọi người, nghe máy, nói câu gì đó bằng tiếng Nhật rồi tắt máy. Sắc mặt tím tái, ông thừ người ra hồi lâu, nhíu mày. Rồi tiếp tục.

Sáng, trên đường lên tháp Pô Klong Girai, Min cho tôi biết, Nhật Bản vừa xảy ra thảm họa kép. Thảm khốc lắm, chú Sara à – Min nhấn. Nhà ông Shito cách nhà máy Điện hạt nhân chưa tới ba mươi cây số, con gái ông báo cho biết, và dặn bố đừng về. Ông trả lời con tối qua, chính vì thế bố mới cần về, sớm nhất. Và ông đã về thật, ngay tối hôm sau.

Đến đón tôi ở sân bay Okinawa, có ông Sato người phụ trách website No Nukes, cô Michiko đương nhiên, hai mục sư người Việt gốc Cam Ranh, và… ông. Nghe tin tôi qua Nhật, ông từ quê nhà đi ôtô đến đón tôi, bắt tay, rồi về. Hẹn gặp ở nhà ông, Fukushima.

8 năm vèo qua như gió, ông dáng vẫn khỏe khoắn như xưa, riêng sắc mặt có vẻ khắc khổ và trầm buồn hơn. Nở nụ cười hiền, ông quay sang nói điều gì đó với Michiko.

Trên đồi tháp Pô Klong Girai, ông hỏi tôi đây cách Nhà máy dự án của Nga bao nhiêu, cô thông dịch cho tôi nghe. Tôi nghe ngạc nhiên về câu hỏi, chả liên quan gì đến chuyến du lịch. Hai mươi lăm cây số - tôi nói, mở cặp lấy cho ông từ giấy thống kê in hồi tuần trước.  

CÁC LÀNG CHAM NINH THUẬN

[tư liệu riêng của Inrasara 2012]

Hiện tại, người Cham ở Ninh Thuận sống ở 27 làng, trong đó 22 làng thuộc huyện Ninh Phước, 3 làng thuộc Ninh Hải, 1 thuộc Ninh Sơn và 1 thuộc Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

- Thành Tín (Cwah Patih, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước): cách Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 8 km; 4.600 người - 800 hộ

- Tuấn Tú (Katuh, xã An Hải) 10 km; 2.100 người - 328 hộ

- Nghĩa Lập (Ia Li-u & Ia Binguk, xã Phước Nam) 8 km; 2.257 người - 312 hộ

- Văn Lâm (Ram, xã Phước Nam) 11 km; 7.200 người – 1.424 hộ

- Nho Lâm (Ram Kia, xã Phước Nam) 14 km; 1.577 người – 360 hộ

- Hiếu Thiện (Palau, xã Phước Ninh) 17 km; 2.270 người

- Vụ Bổn (Pabhan, xã Phước Ninh) 18 km; 3.100 người

- Chung Mỹ (Bal Caung, thị trấn Phước Dân) 11 km; 2.150 người

- Mỹ Nghiệp (Caklaing, thị trấn Phước Dân) 11 km; 3.606 người – 664 hộ

- Bàu Trúc (Hamu Crauk, thị trấn Phước Dân) 13 km; 2.700 người

- Hữu Đức (Hamu Tanran, xã Phước Hữu) 17 km; 6.800 người

- Tân Đức (Hamu Tanran Biruw, xã Phước Hữu) 18 km; 1.400 người

- Thành Đức (Bblang Kathaih, xã Phước Hữu) 16 km; 1.350 người

- Hậu Sanh (Thon, xã Phước Hữu) 17 km; 2.300 người

- Như Bình (Padra, xã Phước Thái) 20 km; 1.780 người - 333 hộ

- Như Ngọc (Cakhauk, xã Phước Thái) 21 km; 1.480 người - 282 hộ

- Hoài Trung (Bauh Bini, xã Phước Thái) 24 km; 2.102 người - 333 hộ

- Hoài Ni (Bauh Bini Biruw, xã Phước Thái) 24 km; 2.002 người - 325 hộ

- Chất Thường (Bauh Dana, Phước Hậu) 22 km; 2.250 người - 500 hộ

- Hiếu Lễ (Cauk, xã Phước Hậu) 20 km; 3.200 người - 600 hộ

- Phước Đồng (Bblang Kacak, xã Phước Hậu) 19 km; 2.400 người - 520 hộ

- Phú Nhuận (Bauh Dơng, Phước Thuận) 22 km; 2.000 người

- Thành Ý (Tabơng, TP Phan Rang-TC); 21 km; 1.900 người

- An Nhơn (Pabblap, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) 26 km; 2.100 người

- Phước Nhơn (Pabblap Biruw, xã Xuân Hải) 28 km; 4.200 người

- Bính Nghĩa (Bal Riya, xã Phương Hải) 30 km; 2.200 người

- Lương Tri (Cang, huyện Ninh Sơn) 30 km; 1.800 người (450 hộ)

Tất cả bao nhiêu, ông hỏi.

- Bảy hai ngàn rưỡi, - tôi nói.

Ông nhờ cô thông dịch yêu cầu tôi cụ thể hơn. Năm 1908, Cham Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng một thế kỉ sau, con số tăng gấp 12 lần: 72.000 người. Đói khát, họ vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, họ vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ – mênh mông thơ được viết ra trong giai đoạn này. Chưa qua kĩ thuật in ấn, họ chép truyền tay nhau thứ chữ “con giun” đầy mĩ thuật. Sống xen cư và cộng cư với người Việt, Cham nhanh chóng hòa đồng nhưng chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.

Còn trước đó, - ông hỏi.

Pangdurangga là khu vực địa lí lịch sử cực nam trong bốn khu vực thuộc vương quốc Champa. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của vương quốc, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị đoàn quân Khmer xâm lăng mà nó phải đơn thương chống cự, rồi sau đó khi vương quốc suy yếu, Pangdurangga đã đứng trụ chính chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại. Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga. Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc nó tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được tôi luyện thế hệ này qua thế hệ khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm. Do đó chẳng ngạc nhiện khi không ít lần, nó gây phiền hà cho chính triều đình trung ương.

Tôi dẫn ông đi xuống mé đồi phía nam, dừng lại trước tấm bi kí hơi nghiêng.

… vì người ở vùng Pangdurangga này ngang bướng, ngu ngốc, hung ác luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. Những kẻ chống đối muốn tôn người Pangdurangga lên ngôi vua. Nhưng bằng trí thông minh khôn khéo của mình, ngài đã chinh phục được tất cả…

Tôi thêm, ông biết chính sự “ngu ngốc, ngang bướng” đó đã tôi luyện dân Pangdurangga để nó được là chính nó. Thế nên, thế kỉ XVIII, khi Chúa Nguyễn cai quản phần phía nam và Tây Sơn thống ngự phần đất phía bắc Pangdurangga, người Pangdurangga vẫn trụ vững. Hai nhà đã phải dành cho người Cham khu vực quyền tự quản và tự quyết. Rồi khi Gia Long thống nhất đất nước, người Cham vẫn phần nào còn làm chủ mảnh đất quê hương mình. Để đến khi vua Minh Mạng quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của Champa vào năm 1832, Champa mới bị xóa tên hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới.

Cảm ơn, cảm ơn... ông hơi nghiêng mình, lẩm bẩm hai nhăm cây số, nguy quá.

Khởi nghĩa và bị càn quét. Chết chóc và chạy loạn đến không còn sinh linh nào trụ lại. Nhưng đất Pangdurangga vẫn thở, dưỡng nuôi mầm sống chờ đứa con trở về.

Trở về, chịu đựng và dung nạp tất cả cư dân các nơi khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tinh thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền. Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Ấn Độ giáo và Islam để tạo nên đạo Bà-ni có một không hai trong lịch sử loài người.

- Người Cham ông rất giỏi, ông nói - Thế kỉ thứ VII, người Cham đã có những giao lưu quan trọng với Nhật Bản. Chắc ông biết chuyện một đại sư Champa đã qua Nhật Bản, và dạy người Nhật chúng tôi bao nhiêu thứ ở đó… - Ông nói rõ hơn, - tôi nói.

- Người Nhật đã học được rất nhiều. Rồi đột ngột ông trở nên hào hứng, đến cô thông dịch không theo kịp.

- Phật Triết, ông nói – vị đại sư này có vai trò sớm nhất trong việc truyền bá văn hóa Ấn Độ và Phật giáo Mật tông của Champa vào Nhật. Ngài còn đem hệ thống chữ Phạn, Cham, Sittan đến Nhật Bản qua đó người Nhật tạo ra hệ thống chữ Nhật Bản.

Ông dừng lại, đợi Mi, và như để lấy hơi.

- Lâm Ấp nhạc với điệu vũ nhạc Long Vương rất nổi tiếng ở Nhật là từ Champa truyền sang.

Tôi biết ông đang diễn lại phát hiện của Onishi.

- Người Cham ông rất giỏi, ông lặp lại. Tôi cũng biết một nghiên cứu sinh Nhật đã làm luận án Tiến sĩ về cái đập thủy lợi do ông cua này dựng lên từ thế kỉ XIII, - ông nói khi chúng tôi bước khỏi công khuôn viên tháp.

Tôi nhìn điện thoại, mới 9g12.

Trên đường xuống đồi cát Nam Kương, tôi bảo tài xế ngừng lại ở tiệm quen photocopy bài viết ngắn, nhờ Min dịch cho ông nghe.

ĐẬP CAKLING

Đập do vua Pô Klong Girai xây dựng vào thế kỷ XII.

Đập Nha Trinh từ năm 1889 được người Pháp trải bêtông và đến nay đã gia cố lại nhiều lần nhưng nền cốt của con đập thì từ thế kỷ 12 đến nay vẫn chưa hề suy suyển. Thân đập được tạo thành bằng tảng đá nặng hàng vài tạ, xếp đều nhau. Giữa các tảng đá là những bụi cây phun chai, một loài cây thủy sinh có rễ bám chắc vào thân đá để giữ đập.

Con đập dài hơn 500m, tượng hình nên những cánh đồng xanh tốt ở xứ hoang mạc này đã mang trong mình những trầm tích về kỹ thuật trị thủy của người Cham mà các kỹ thuật tiên tiến của người Pháp, người Nhật sau này khi xây dựng lại hệ thống kênh Chàm đều phải kế thừa.

Tài liệu thủy nông còn ghi năm 1889 khi người Pháp cho tu bổ hệ thống kênh Chàm, họ đã không đủ tin tưởng vào con đập chỉ là đá được xếp chồng lên nhau và giữ chắc hơn bằng những đụn rễ cây phun chai nên đã dời đập Nha Trinh lên thượng nguồn khoảng 50m, ngay đoạn nước trũng sâu nhất, chảy mạnh nhất nhưng thất bại. Chỉ sau một mùa lũ con đập bêtông của người Pháp đã bị cuốn phăng, nay vẫn còn móng nằm sâu trong nước.

Trong khi sử cũ của người Cham chép rằng vua Pô Klong Girai chọn địa điểm xây đập chỉ bằng việc thả một thân cây chuối từ thượng nguồn, đến khúc sông nào cây chuối trôi chậm lại và tấp vào bờ thì nơi đó được chọn. Ông Dương Tấn Ngọc nói đó không phải là sự tích truyền miệng, bởi các vua Cham xưa đã không chọn cách cưỡng lại dòng nước mà thuận theo nước để xây đập. Nơi cây chuối tấp vào là nơi sông uốn khúc, dòng chảy chậm và sức phá nước sẽ giảm đi. Còn thân đập, những tảng đá được xếp kề nhau vẫn đủ tạo ra những khe hở để nước có thể luồn qua và tạo thành khe nhỏ chảy về xuôi nên không bao giờ bị tức nước. 

“Người Cham không chặn luôn dòng nước mà chỉ đắp đập để dâng cột nước, đủ chảy về ruộng đồng... Không bao giờ để tức nước” - ông Dương Tấn Ngọc giải thích thêm. Triết lý ấy không chỉ được đặt vào đập Nha Trinh mà tất cả các con đập khác của người Cham ở xứ hoang mạc này đều chọn.

Dọc đường, và cả tiếng lang thang đồi cát, ông Shito không nói gì. Ông hết nhìn ra biển rồi nhìn đồi cát, xa và gần, đăm chiêu. Cát đồi Nam Kương di động theo từng cơn gió, tạo dáng cát nhiều hình thù đẹp, lạ mắt. Hình thù tạo cho ta cảm nhận nỗi vô thường của vật thể, cả của kiếp người. Sáng thế này, hai tiếng sau nó đã đổi khác, đến ta không nhận ra nơi mình vừa ngồi điểm tâm. Lùm chà gai ban sáng còn cho ta bóng mát, nay chỉ còn trồi cái ngọn như muốn làm ngộp thở.

Tôi bảo Min giải thích thêm cho ông khách về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân do Nga xây dựng, chỉ cách chỗ chúng tôi đang đứng không quá hai cây số. Min nói, chi chỏ, và dường ông không chú ý lắm. Đột ngột ông quay sang tôi:

- Tôi biết anh Inrasara không chỉ là nhà nghiên cứu, mà còn là thi sĩ, chắc chắn anh hiểu rõ tâm hồn dân tộc mình hơn ai hết. Xin hỏi, nếu xảy ra sự cố hạt nhân, anh có nghĩ người Cham có bỏ đất này ra đi không?

- Không, - tôi trả lời ông.

Ông nbìn tôi hồi lâu, hỏi:

- Tại sao?

- Người Cham quan niệm về đất rất khác, ít ra, khác người Việt. Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Với ông bà Cham thì phải là: “[Nơi] chôn nhau đặt viên gạch” mới là đất của mình. Nhìn sang Mi, tôi nói tiếng Cham Dar thook padook kiak. Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.

Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất, không phải mảnh đất của mình, mà thuộc về một phần mình, gắn chặt với thân xác và tâm linh mình. Cham sẽ không bao giờ bỏ đi, tôi nhấn.

- Đúng, không bỏ đi, đừng bỏ đi… - ông nói, không phải với tôi hay với Mi, mà với chính mình.

Xế chiều, trước khi tiễn ông vào Sài Gòn, tôi rất muốn đưa ông ghé qua khu di tích lịch sử, có thể nói quan trọng nhất khu vực Pangdurangga. Ông vâng.

- Vua Pô Klong Girai đã dàn trận ở đây, - tôi nói, chỉ quanh khu vực - nơi cánh đồng chúng ta đang đứng này, dồn mọi nguồn nhân lực và tài lực xua đuổi quân xâm lược Khmer thống nhất đất nước. Hai mươi lăm năm, ông hãy tưởng tượng, bao nhiêu máu đã đổ… thế nên, - tôi lặp lại câu cả quyết hồi trưa với ông ở đồi cát Nam Kương Cham sẽ không bao giờ bỏ đi… không bao giờ.

Tôi bắt chặt tay ông, chúc ông và gia đình may mắn và cầu bình an cho ông. Tôi nói: Thuk siam, đưa cho Min bản photocopy.

Patuw Tablah là một tảng đá có bề ngang gần 3,50m và bề cao gần 4,75m. Tảng đá có khắc 17 hàng chữ bằng chữ Cham cổ với nét chữ rất đẹp. Patuw Tablah được xem là một bia ký bề mặt lớn nhất Ðông Nam Á.

Nội dung:

Vua cha Sri Jaya Rudravarman hóa thân thần Shiva từ trần, dân chúng Pangdurangga tôn hoàng tử tiểu vương quốc là Sri Jaya Harivarman I lên ngôi năm 1147. Quân Khmer lúc đó đang chiếm giữ thủ đô Vijaya với sự yểm trợ của quân Champa ở miền Bắc xuất quân tiến đánh Pangdurangga. Chiến cuộc diễn ra ở đồng bằng Caklaing (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay), quân xâm lược bị đẩy lui. Năm 1148, cũng đoàn quân này trở lại tấn công vào thủ đô Virapura và biến cánh đồng Kayev (làng Chung Mỹ hiện nay) thành bãi chiến trường đẫm máu. Sri Jaya Harivarman I anh dũng đánh bại đoàn quân Khmer và nhóm quân đội Bắc Champa. Năm 1149, vua Champa lần nữa đánh bại quân thù ở cánh đồng Mahi trong cùng khu vực. Năm 1159, Sri Jaya Harivarman I rời Pangdurangga với một đoàn quân hùng mạnh tiến đến miền bắc để giải phóng Vijaya khỏi ách nô lệ của quân Khmer. Sau ngày chiến thắng, ngài thống nhất hai miền nam bắc thành một quốc gia liên bang hùng mạnh và có uy quyền như thời trước.

Khác với nhiều bia kí khác nội dung thường nêu tên vị vua, năm xây dựng đền tháp cùng các lễ vật cúng tế thần linh, riêng bia kí Patuw Tablah có một vị trí đặc biệt, minh văn mang nội dung lịch sử rõ nét trong thời gian khá dài: 1147-1266.

Sáng nay ông đến đón tôi, chưa được mươi phút, ông lên ôtô, đi. Lặng lẽ như gió.

Okinawa, mưa

20-6-2019

Sáng sớm, trời đổ mưa lớn. Rồi rả rích cả ngày. Là những tháng Okinawa đang mùa mưa, giáo sư Michiko cho biết. Ngôi nhà nữ giáo sư có kiến trúc đơn sơ, thanh lịch, nằm trên ngọn đồi nhỏ lộng gió, từ hành lang cánh phải có thể nhìn toàn cảnh thành phố.

9:30 giờ, chúng tôi đi xe qua Đại học Okinawa, gặp giáo sư Sakurai Kunitoshi, nguyên Hiệu trường Đại học Okinawa. Có cả ông Makishi Yoshikazu và ông Shimoji Teruaki ở đó. Giáo sư chờ chúng tôi. Bắt tay. .k mời vào văn phòng trà nước, không nghỉ.

- Vòng qua vài căn cứ Mỹ nhé, - giáo sư nói.

Okinawa có nhiều căn cứ Mỹ. Sau thế chiến II, dân Okinawa di tản, trở về thì đất bị Mỹ chiếm dụng làm căn cứ, người dân dựng nhà tạm trú vùng ven rồi trụ ở đó luôn.

Là tỉnh nằm ở cực nam Nhật Bản, Okinawa từng có nhà nước riêng từ năm 1429 đến năm 1879: vương quốc Ryukyu. Hội nhập Nhật Bản, dân tộc bản địa chấp nhận thảm cảnh sống chung với mấy căn cứ quân sự trời ơi đó.

Có vậy thôi đâu! Trong khi đại bộ phận binh sĩ Mỹ trú trong căn cứ, không ít lính chơi sang thuê nhà riêng dưới phố. Phố có nhiều quán Bar, tối tối lính Mỹ bát phố uống rượu, làm đủ chuyện đời lính tráng có thể làm. Thêm món chất thải từ căn cứ thải ra dân không được quyền kiểm tra, đành chịu. Ngán nhất là kho vũ khí. Cả mấy chục ụ đồi lừng lững không biết ở trỏng chứa thứ gì, càng chẳng biết số lượng bao nhiêu nữa. Không quân Mỹ tập trận, đang lên lớp, giảng viên phải ngưng. Ức chết đi được.

Okinawa là tiền đồn, dân bản địa luôn chịu trận khi chiến tranh xảy tới. Không lạ, ở đó không ít người cảm tình với Tàu hơn Nhật. Buổi thuyết trình của tôi ở Đại học Okinawa, trăm tờ thăm dò ý kiến, có hai ý kiến muốn Okinawa độc lập.

Nhà thơ nói Cham là thiểu số, nhưng tôi biết dân tộc Cham là người bản địa. Ở Việt Nam, đã có hiến pháp bảo vệ quyền dân tộc bản địa chưa? - Nữ phóng viên Miki Aoki của báo The Asahi Shimbun, bất ngờ hỏi.

Dường hiến pháp Việt Nam chưa đề cập tới quyền này. - Tôi trả lời bừa.

Nói Cham dân tộc thiểu số, là do thói quen. Người Cham đã có một vương quốc hùng mạnh một thời, ngự trị gần suốt dải đất miền Trung Việt Nam hiện nay. Vương quốc kia nay chỉ còn lại chưa đầy 20 vạn lưu dân, trong đó Ninh Thuận chiếm non một nửa. Nghĩa là thiểu số. Thiểu số ấy cư ngụ ở vùng đất này trên hai ngàn năm, nghĩa là rất bản địa, không sai.

Mưa rả rich cả ngày.

Từ đồi nhỏ nhìn sang US Marine, đài tưởng niệm dành cho quân sĩ các đảo và lính thuộc dân tộc khác nhau chết trận, có cả Đại Hàn lúc đó là thuộc địa Nhật, tất cả chỉ chiếm khoảnh đất chưa tới trăm mét vuông. Khiêm nhường thế! Chứ Việt Nam có mỗi tỉnh mà đã nuốt trọn ngàn tỉ tiền xây cất chưa tính mênh mông đất khu trung tâm.

Khác với dân Đông Nam Á, người Okinawa cả đời không thấy lúa nước là gì. Hiện tại thì ăn gạo nhập, chứ xưa, tổ tiên họ chỉ biết nhai khoai! Không giống các tỉnh khác của Nhật, đảo chưa có hệ thống tàu điện ngầm, đường nêm chật xe hơi các loại. Thời mới, du lịch biển phát triển, dân từ các đảo khác, cả dân Đài, Hàn, Hoa ùn ùn kéo đến, là cơ hội lớn cho tỉnh đảo nghèo này. Vậy mà căn cứ Mỹ cứ nằm ì đó, thúc mãi không chịu đi.

Biểu tình thôi!

Biểu tình!

Bên kia đường là căn cứ Mỹ, bên này là lán trại dựng sơ sài với những chiếc ghế gỗ dài. Thứ Bảy, 1:00 giờ chiều. Khoảng 30 người ngồi chờ nhóm khác tới, để 2:30 giờ, biểu tình. Đủ lứa tuổi, thành phần, màu áo.

Mưa. Đoàn chúng tôi rời chiếc xe, chạy qua trú dưới lán dành cho “chủ tịch đoàn”. Mươi người cả thảy. Sinh viên có, giảng viên, nhà báo có, mỗi người tuần tự giới thiệu ngắn gọn về mình trước đám đông hiếu kì. Tôi được mời thuyết năm phút. Tôi nói, hứng hết biết, bởi lần đầu tiên trong đời đi biểu tình, lại là ở hải ngoại.

Đây là đất của tổ tiên các bạn, đất ngàn năm - tôi nói. Hòa bình thì cần, thế nhưng cái chúng ta cần hơn, là môi trường sạch, để sống. Để sống sót, trên mảnh đất thương yêu này, bãi biển xanh trong này, vườn cây tươi đẹp này.

Cũng như các bạn ở đây, hôm nay, người Cham chúng tôi là một dân tộc sống sót, qua bao cơn cuồng bạo của lịch sử. Chúng tôi cũng đang chiến đấu để tồn tại, trên mảnh đất nóng bức, khô cằn trong một đất nước nghèo vừa trải qua nạn binh đao dài dặc. Đó là đất của chúng tôi, của ông bà tổ tiên chúng tôi. Như các bạn ở đây, trong giờ phút này…

Lên tiếng, hay là chết!

Vỗ tay, và vỗ tay.

Chiếc xe thiện nguyện chực sẵn, ai nhu cầu vệ sinh hay ăn uống ở tiệm tạp hóa cách đó 300 mét, là xe chuyển đi. 

Đúng giờ, như giờ Nhật! Hơn 60 người bước qua bên kia đường, hàng đứng hàng ngồi trước cổng lớn căn cứ. Và như Nhật, tất cả nề nếp, trật tự. Họ hát, và hô Mỹ biến đi! Mươi phút sau, đoàn xe tải chở ‘hàng’ về căn cứ, theo hiệu lệnh, dừng lại ở hai đầu đường. Cũng rất đúng giờ, cảnh sát tới! Người dễ bảo thì được dìu qua đường; kẻ cứng đầu hơn bị ba cảnh sát khiêng vào vòng rào chắn lập sẵn, giữ lại đó. Không tiếng chưởi rủa, không có những cú dùi cui, càng không thấy đâu máu me. Chỉ qua hai ca khúc, lối vào thông thoáng, đoàn xe tải chạy vào, cánh cổng từ từ đóng lại.

Khoảng chục sinh linh vừa bị nhốt được thả ra, ới nhóm bên kia đường tụ lại trước cổng. Ngồi, đứng, hát, và hô: Mỹ cút đi. Cuối cùng, đúng nửa tiếng sau, mọi người ai về nhà nấy, trong trật tự.

Kể rằng, 60 người là con số thấp nhất. Có lẽ do mưa đầu mùa lâm dâm từ sáng sớm, còn thì tuần năm buổi, đều đặn nhóm người trăm mạng trở lên. Cá biệt có ngày đoàn biểu tình gom đến con số ngàn, cả tỉnh trưởng nhập bọn, cùng hô: Mỹ biến đi.

Chiều tối, tôi vào buổi thuyết trình đầu tiên: “Người Cham và vấn đề Điện hạt nhân”. Hơn trăm người có mặt trong giảng đường vừa vặn. Sinh viên, giảng viên, và cả thính giả là thường dân các nơi đến. Giáo sư nguyên Hiệu trưởng giới thiệu “Inrasara là nhà thơ nổi tiếng thế giới được biết đến rộng rãi”, là người lãnh đạo phong trào chống Dự án Điện hạt nhân ở Việt Nam.

Tôi thuyết, giáo sư Michoko dịch.

Một sinh viên Đại học Okinawa hỏi, mở màn:

- Sau khi ít nhiều hiểu biết về Okinawa, theo nhà văn công cuộc đấu tranh của cư dân thiếu điều gì? Cuộc biểu tình có hòa bình quá không?

Sáng nay, tôi đã nói chuyện trước trăm người biểu tình. Ôn hòa, tốt lắm, có nhiệt thêm chút cũng chả sao. Theo tôi, điều các bạn thiếu chính là câu chuyện. Các bạn còn chưa có nhà văn kể câu chuyện của mình đến với thế giới, do đó thế giới ít biết về thân phận cùng bao nỗi của các bạn. Nhớ, câu chuyện của tôi hôm nay đã kết thúc với ý ấy, kể câu chuyện Cham ra thế giới.

Nếu không có căn cứ Mỹ

Thời chiến tranh Việt Nam, nhiều chuyến B52 xuất phát từ Okinawa, theo nhà thơ biết người Việt Nam có ghét dân chúng tôi không, vì nghĩ chúng tôi đồng lõa với Hoa Kỳ tấn công Việt Nam? - Nữ thính giả ở Đại học Okinawa, hỏi.

Không, hoàn toàn không, bởi người Việt không nghĩ xa xôi thế, - tôi trả lời ngay.

Buổi sáng, trên ngọn ngồi ướt mưa trước căn cứ đầu tiên, tôi hỏi ông kĩ sư già người thiết kế Đại học Okinawa, có họ nửa Nhật nửa Hoa:

- Nếu không có căn cứ quân sự Mỹ, điều gì sẽ xảy ra cho các bạn?

- Đảo Okinawa sông an bình, như thuở người Nhật chưa tới. Chớ tồn tại mấy căn cứ Mỹ ở đây, nguy cơ chiến tranh luôn cận kề, - ông khẳng định.

Có thật thế không? Tôi tự đặt câu hỏi với mình. Nếu không có lực lượng quân sự Hoa Kỳ trấn giữ, Trung Quốc dễ uy hiếp Nhật Bản và các nước trong khu vực. Dẫu sao, tâm tư của dân đảo không thể bỏ qua. Họ đa số là dân tộc bản địa, bị Nhật xâm chiếm. Thứ đến, căn cứ Mỹ lấn chiếm hết phần đất tốt của đảo, ở đó còn chứa cả đống vũ khí hạng nặng. Rồi tiếng ồn của phi cơ đủ loại, chất thải từ căn cứ gây ô nhiễm qua đó mất khách du lịch, cá biệt lính Mỹ đã gây vài sự cố, như hãm hiếp phụ nữ trong làng, uống rượu đánh nhau cũng không chừa. 

Người dân phản đối, là chí phải. Bầu cử tỉnh trưởng mới, 70% dân chúng ủng hộ ông là người chống sự hiện diện của căn cứ Mỹ, và ông bỏ xa ứng viên thứ nhì, không ngoài mấy nguyên do kia. Làm gì? Hoặc dời các căn cứ ra vùng đảo hoang xa hơn, còn nếu muốn giữ lại, thì hãy biết tính tới lòng dân. Chẳng phải sao?

Phi tang lịch sử

21-6-2019. Buổi sáng.

Trước khi ra sân bay Sendai, chúng tôi qua Lâu đài Shuri được xếp vào Di sản Văn hóa vật thể thế giới. Lâu đài dựng khoảng thế kỉ XIV-XV ngự ngay trung tâm Okinawa. Khi ba xứ nhỏ hợp nhất, thôi đánh đấm nhau, và khi vũ khí trong dân bị thu hết, dân Okinawa được hưởng thái bình trọn vẹn. Cho đến khi người Nhật kéo quân qua.

Lâu đài bị ba lần thần lửa đến viếng trong những năm 1453, 1660, 1715, sau đó bị bom đạn thế chiến II hủy phá phần lớn. Mãi sau lâu đài mới được dựng dậy lại.

Thế chiến II, các trận đánh dữ dội nhất diễn ra tại đảo này. Ngày 20-5-1945, quân đội Mỹ chiếm trọn bốn ngọn đồi phía Bắc, để sau mấy ngày vật lộn, Nhật tái chiếm. Có ngày bốn lần màu cờ thay nhau kéo lên hạ xuống trên đỉnh đồi. Cuối cùng quân Nhật thua trận chạy xuống phía Nam. Ở đó diễn ra các trận đánh khác, ác liệt không kém. Chính các trận đánh này khiến 1.300 lính Mỹ sau đó bị tâm thần.

Dân Okinawa chết như rạ. Con số tăng vọt, từ 3.081 vào tháng 3-1945 lên 46.826 trong tháng 6-1945. Nếu ngưng chiến sớm thì đâu đến nỗi! - Nhà hoạt động hòa bình hướng dẫn cho đoàn, chậc lưỡi. Ông dẫn chúng tôi qua khu vực phía bắc lâu đài, nơi dựng bảng di tích.

Họ giấu nhẹm sự thật, - ông nói bằng thứ giọng đượm buồn - Hai vết nhơ lịch sử không được ghi. Dân đảo nào bị nghi “theo Mỹ”, là giết; riêng khu vực lâu đài, 90% người mất mạng. Cả sự vụ vô số cô gái Hàn bị bắt về phục dịch tình dục lính Nhật và chết hay sống trong sự chấn thương tinh thần sau đó, bảng di tích được dựng vào tháng 3-2012 cũng bỏ quên. Hai vết thương, hỏi có đau không? Như thể một thứ phi tang lịch sử. - Ông tiếp, - Chủ tịch tỉnh Okinawa vừa đắc cử mới hứa với chúng tôi, ông sẽ cho dựng lại bảng mới, vẫn giữ cái để làm chứng cho cố tình phi tang này.

Có khác gì Việt Nam đâu! Bảng nhỏ trước giếng vuông ở Cù Lao Chàm chẳng có lấy một từ “Cham” nào làm tin, mãi khi một thi sĩ Cham bắt gặp và lên tiếng, Ban quản lí di tích mới vội vã sửa lỗi

Mới đây, ở Giếng Bá Lễ - Hội An, họ có sực nhớ không, chả biết nữa!

Fukushima - đi vào đất chết

Chủ nhật, 8:30 giờ sáng.

Từ khách sạn nhà ga Fukushima sang trọng, đoàn chúng tôi cả thảy sáu mạng cầm giấy thông hành chết, theo đường số 114, đi vào vùng đất chết. Mỗi người được phát cái máy đo phóng xạ RAE cùng bản đồ màu chấm mức phóng xạ qua các vùng.

- Mỗi đầu tuần, Tokyo đã chịu làm thế, - ông Baba, nông dân nghị sĩ tình nguyện làm hướng dẫn viên, nói.

Xe quẹo vào con đường nhỏ, tách hẳn với thế giới người. Bon bon. Đường đẹp dẫn qua con sông đẹp đi vào vùng thiên nhiên xanh và đẹp cực kì. Nhà dân thưa thớt dần, rồi tắt hẳn. Tôi biết mình vừa giáp mặt vùng đất chết. Namiemachi!

Bảng cấm. Không bảng cấm, tôi cũng thừa biết đây là đất cấm.

Một con heo tính băng qua đường, nghe tiếng động cơ, vội thụt vào bụi cây, biến, rớt lại vài cục phân bẩn. Ruộng bẩn và cả đống bao đất bẩn chờ xử lí. Cây kim từ RAE lên xuống bất thường. Rồi lên đột ngột. Xe qua hơn mươi cây số mới thấy bóng người, lại là hai nhân viên gác cổng làng: NO ENTRY. Chúng tôi trình giấy từng người một, rồi cho xe vào.

Tháp hoang và vài ngôi nhà hoang. Khách sạn hoang và nhà hàng hoang. Nhà trẻ hoang và sân trường trung học vắng hoang. Chuồng bò hoang và ruộng lúa bỏ hoang đang biến thành rừng hoang.

Trung tâm Namie là khách sạn bỏ hoang, ông Baba kể: Chủ khách sạn đang khởi kiện Nhà nước – kiện củ khoai! Sát cạnh khách sạn là nhà trẻ, trước cửa ghi câu thơ rất… hậu hiện đại: “Cảm ơn TEPCO đã bạn tặng cho tôi nhà tạm để lưu trú qua ngày đoạn tháng.”

Sóng thần ập đến, cả vạn dân Namie chạy qua khu trung tâm lánh nạn. Trớ trêu thay, đây lại là khu vực bị nhiễm xạ nặng nhất vùng! Trong khi khu nhà máy bình an vô sự. Tất cả do gió, gió và gió. Ông xã trưởng đã khóc ròng khi hay tin. Khám, cả chục trẻ lánh nạn ở đây bị nhiễm xạ nặng.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Hai bên đường là nhà cửa hoang xanh màu rong rêu không người, thi thoảng ở lối vào hẻm xuất hiện bóng lính canh ngõ vào; phía biển là hoang trắng.

Và đây, nó đây rồi!

Bên kia là Nhà máy Điện hạt nhân-1, cách nhà máy chưa tới 3km là trường tiểu học ngói đỏ đứng chơ vơ, rồi là nhà xử lí rác thải hạt nhân trắng toát, nhô lên. Ông Baba cho biết, trước đó, nhà cửa ở ngoài bờ biển đầy ra, trường tiểu học dựng lên cho con cháu dân khu vực. Ông hiệu trưởng biết lo xa, tập trận cho học sinh của mình, đã cứu sống được 75 em khi sóng thần ập tới, trong khi học sinh các trường khác chịu chết thảm.

Bên này là nghĩa trang nạn nhân thảm họa với đầy đủ tên họ. Tại đất này ít năm trước sự cố, Công ty Điện lực Đông Bắc còn ý định xây dựng ở đây nhà máy Điện hạt nhân mới chiếm mất 40ha đất dân, dân trong vùng làm dữ, họ mới lủi đi. Đời!

Vào sâu trong làng là nhà riêng bác sĩ già tình nguyện không bệnh nhân. Làm gì có bệnh nhân về cho khám cơ chứ!

Ngôi nhà một triệu phú

Sau cơm trưa, rời bỏ thói quen cố hưu là phải nghỉ mươi phút, tôi xin phép đoàn lên xe ông Shito đang chờ. Hai giờ chiều tôi trả nhà thơ về với anh chị, ông Shito nói.

Ông cho xe chạy chậm, quá chậm so với đường sá tỉnh lẻ Nhật Bản không bóng người. Lặng lẽ. Như thể chúng tôi đang chạy xe trong vùng đất ma mị đầy nắng. Dọc đường ra khỏi thành phố, thi thoảng, anh chàng phóng viên giải thích với tôi mấy điểm nhấn. Con sông, ngôi trường, dãy bia mộ, hàng lô lốc bao đất sắp được chở đi tấy độc.

Nhà ông Shito nằm ngoài vùng ven thành phố, đơn sơ như không thể đơn sơ hơn. Không bờ rào, ba căn nằm tách rời nhau chưa tới dăm bước chân, ngăn nắp, sạch tinh tươm như thể ông chăm sóc từng ngày, từng giờ. Ông pha ấm trà, rót ra cốc, mời tôi.

- Vợ với hai đứa của tôi đã dời qua Tokyo, ông nói.

Tôi không nói gì, sau khi nghe thông dịch.

- 8 năm 4 tháng 7 ngày, tôi như sống trong mơ, ông Inrasara à.

Ông cầm dĩa bánh lên, xin mời. Tôi nhón một miếng.

- Do tôi làm ở đây… không việc gì đâu… con gái tôi không cho… nó muốn gửi cho tôi từ Tokyo… tôi nhận… tôi bảo… không vấn đề gì cả đâu, - ông nói.

- Tôi biết chuyện người Cham các ông đã qua, mừng cho bà con Cham, mừng cho mảnh đất Pangdurangga thương yêu của ông nhà thơ.

- Dạ, cảm ơn ông…

- Tôi biết cộng đồng Cham ông sẽ ở lại… như… tôi đã trụ lại đất này… nếu điều ấy xảy ra… tôi có đọc bài thơ ấy được dịch ra tiếng Nhật… cho tôi gửi lời hỏi thẳm cô nhà thơ ấy… cô ta sẽ ở lại

Lạ quá, tôi không nói được gì với ông. Không cả một câu xã giao.

- Lát nữa họ sẽ dẫn nhà thơ qua ngôi chùa… tôi đọc thấy chương trình ghi như thếngôi chùa Phật ấy bị bỏ hoang… sư ông ở lại… tháp Chàm chắc chắn rồi cũng bị bỏ hoang… nhà thơ ở lại…

Ý tôi không phải để cúng tế… mà ở lại với tháp

Con người ta hơn thú vật ở chỗ đó… không bỏ chạy… khi bị hăm dọa… dù đó là đối thủ ở tầm nào… có thể vô hình như phóng xạ hạt nhân…

Bắt tay từ biệt, tôi nhìn vào mắt ông và nhận ra từ thẳm sâu hốc đôi mắt ấy, hai giọt nước mắt đang nhỉ ra.

Câu chuyện nhà sư

3:40 giờ chiều, xe vòng lên chùa Phật Hokyoji, ngôi chùa cổ có mặt từ cuối thế kỉ XIV. Chùa nằm gỏn lọn trong khu rừng, cách nhà máy Điện hạt nhân-1 15km, và nhà máy Điện hạt nhân-2 vỏn vẹn 5km đường chim bay.

Sư Hayakawa Tokuo về trụ trì từ năm 1962. Năm 1958, thầy từng sống qua năm với sư Việt Nam Tâm Giác tại một ngôi chùa ở Tokyo để học đạo, - sư kể. Và ông say sưa kể về mình, về chùa, về 100 hộ dân cư sau sự cố Fukushima, đã bỏ đi trống trơn làng. Có đến 11 gia đình bỏ đi cùng mồ mả tổ tiên, mãi mãi. Số hộ còn lại chịu về, và chỉ về những người già.

- Thế hệ này mất đi, chùa thành chùa hoang là cái chắc, - ông lắc đầu ngán ngẩm.

Ông đã đi Đức, Đan Mạch, Ailen, Mỹ… nhặt những viên đá từ lò bên ấy về kỉ niệm, và làm bằng chứng… chống Điện hạt nhân.

Tháng-1972, ngay khi nhà máy Điện hạt nhân-1 đi vào hoạt động, ông đã bắt đầu vận động dân trong vùng phản kháng. Tháng 9-1973, lần đầu tiên vận động được nhân dân cả tỉnh kết hợp với nhiều tỉnh thành khác đòi hỏi Chính phủ Nhật công khai về an toàn Điện hạt nhân, để đến tháng 4-1974 Chính phủ mới ra Báo cáo - một báo cáo vòng vèo, né tránh nhiều câu hỏi trực tiếp.

Cả sau sự cố Điện hạt nhân ở Ailen năm 1979, hay thảm họa Tchernobyl 1986, Chính phủ Nhật vẫn khăng khăng mấy vụ lặt vặt đó không thể diễn ra ở đất nước mặt trời mọc được. Thế là năm 1992, sư kết hợp với các chuyên gia tổ chức xuất bản tác phẩm: Họa Hạt nhân sẽ xảy ra tại Nhật, nêu đủ nguyên do, và yêu cầu Chính phủ có biện pháp đề phòng. Và như mọi mọi nơi khác, họ cứ hứa, để chẳng làm gì cả!

- Đó là chuyện đã… xa. Thảm họa Fukushima đã xảy ra, hậu quả nó chưa được giải quyết rốt ráo. Hôm nay, và ngày mai, điều cụ thể nhất thầy mong muốn ở Chính phủ là gì?

- Tôi yêu cầu Chính phủ, thứ nhất, trả lại đời sống cũ cho người dân địa phương chúng tôi bằng bồi thường thiệt hại về vật chất với thái độ nghiêm túc nhất có thể, cạnh đó trả lại sinh hoạt xưa cũ cho chùa này. Thứ hai, ngưng mấy cái lò hạt nhân kia lại ngay bây giờ đi.

Cảm ơn các bạn còn nhớ đến kẻ hèn này.

Nhà thơ và thơ

Wakamatsu Jataro, nhà thơ tuổi quá bát thập cô đơn trong ngôi nhà nhỏ cô độc đón chúng tôi với nụ cười lành đầy chịu đựng. Hôm qua tôi được đọc trước bài thơ đầu tiên trong tập thơ mới xuất bản của ông:

WHAT MAKES US

We humans, long ago, learned to grow crops,

learned to raise animals too.

The crops we grow, the animals we raise:

all living proof we’re human.

 

Along the way, though, things changed.

A field waiting to be planted,

but from now on, no crops must be grown.

A barn full of animals,

but raising them just adds to the damage.

Fish are there in the sea,

but the fisherman’s catch

is no longer fit to eat…

 

which is where we stand.

 

What makes us human?

 

- Nhà thơ là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc. Ông có thể kể câu chuyện đáng kể lại với thế giới bên ngoài nhất về vùng đất này? Và sự kiện hay câu chuyện nào găm vào tim ông sâu nhất từ trong và sau sự cố Fukushima?

Ông nói mình là dân “Nhật” từ phương xa theo vợ về đây, thế nên không biết nhiều về vùng đất này. Tôi nghe lạ, ông đã bám trụ Fukushima hơn nửa đời hư cơ mà! Giữa buổi trò chuyện, ông nhắc tôi nên thay chữ “sự cố” bằng “thảm họa” Fukushima. Ông kể:

- … xưa Fukushima là đất dân tộc Emishi, năm 1200 người Nhật từ miền nam tràn lên Đông Bắc đánh đuổi và đồng hóa. Hiện không còn ai nhận mình là tộc Emishi nữa. - Những kẻ chống Điện hạt nhân là người Emishi, có lẽ - ông thêm, và cười móm.

Tôi đọc cho ông nghe bài thơ của nhà thơ nữ Cham, Kiều Maily.

KHI NÓ XẢY ĐẾN…

 

Và lúc ấy gió sẽ làm gì?

thổi, vô tư như chẳng có gì vừa xảy ra

sông Dinh làm gì?

chảy, có vẻ hơi lưỡng lự

 

Và lúc ấy, nông dân làm gì?

ngưng tay cày  nhìn trời          nhăn trán

những kẻ có tiền làm gì?

hối hả gom của cải tháo chạy

thi sĩ làm gì?

làm thơ và buồn và phẫn nộ

nhà nghiên cứu làm gì?

háo hức khảo tả bức tượng vừa được khai quật

phó giáo sư làm gì?

miệt mài giảng             bài giảng năm ngoái

 

Và lúc ấy biển…

biển làm gì?

giận dữ một hồi, rồi thôi

tiếp tục gầm gừ điệu nhạc muôn năm cũ.

 

Nhà thơ già Wakamatsu Jataro tiễn tôi ra tận cửa bằng câu: Nhà thơ không chỉ lưu giữ kí ức dân tộc, mà còn sáng tạo ước mơ của dân tộc.

Đất chết!

Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trăm phần, và không thể chối cãi. Ở đó mỗi Bảo tàng TEPCO nghĩ nó còn sống, và tạo ảo tưởng đất đang sống. Bảo tàng được dựng lên cuối hành trình, sang trọng, khoa học và hiện đại. Có đủ, từ phòng quảng cáo, phòng chiếu phim, khu “tập trận” cho đến nhà tập thể dành cho công nhân viên, nhà hàng và nhà trẻ cũng không thiếu. Nhưng rồi… Đường sá vắng hoe xe cộ, ngôi nhà không bóng người, tiếng hát karaoke hay tiếng cãi vã nhau - không, tiếng cười trẻ thơ càng không. Không, không và không…

“Những cảnh ấy trên đường về tôi đã gặp”, câu thơ Chế Lan Viên tôi thuộc thuở Trung học ám tôi suốt. Theo tôi ra tận ga xe điện dẫn qua ga tàu điện thẳng hướng Tokyo để thả chúng tôi xuống ga trung tâm thủ đô đất nước mặt trời mọc, mãi khi nhìn thấy cặp tình nhân nắm tay nhau từ đường hầm trồi ra phố đón taxi, tôi mới biết mình vừa ra khỏi đất chết. 

Trên xe, tôi cầm tờ  Kyodo News, ra sáng 23-6-2019, nhờ anh chàng nhà báo dịch.

Nhà thơ Việt Nam thăm khu vực cấm

"Tôi đã mất ký ức về con tôi, là tiếng than đầu tiên của một nông dân đầu tiên tôi gặp”, - Inrasara nói.

Sáng ngày 23-6, Inrasara, một nhà thơ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đã đến thăm tỉnh Fukushima và thăm một khu vực khó khăn như Nhà máy điện hạt nhân Tokyo, Công ty Điện lực hạt nhân Fukushima Daiichi.

Nhật Bản và các nước khác đã nhận được đơn đặt hàng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, nhưng rồi dự án đã bị hủy bỏ.

- "Trong vụ thảm họa hạt nhân, ký ức tuổi thơ của các cháu bị hủy hoại", - Inrasara phát biểu, khi chứng kiến một trường trung học cơ sở bị đóng cửa, và nói rằng đây là điều gây ấn tượng mạnh với ông.

Trời buổi sáng ướt át, ông Inrasara bước vào khu vực trở về khó khăn của thị trấn Namie với sự hướng dẫn của đại diện Hiệp hội Nông dân Fukushima. Ghé qua khu tháp mà trước khi xảy ra sự cố, các hoạt động lễ hội đều vô vị lợi, ở đó những cây măng bị những con lợn rừng ăn làm rơi vãi bên lề đường.

Cảm tưởng cuối của Inrasara: "Đó là thị trấn hoang, như thể một thị trấn ma."

Ghi chép

TỪ ĐỒNG RUỘNG, TRƯỜNG HỌC ĐẾN TEPCO

Nông dân Baba mất trắng.

Ngôi tháp Tsushima Inani Jinja nằm trong khu làng cấm, rải rác có những ngôi nhà bỏ hoang có cây mọc phủ tường và leo lên tận mái. Tháp được dựng từ năm 1181, là nơi hội tụ khoảng 200 dân địa phương trong các dịp lễ mỗi năm. Hàng tre xanh măng non vươn thắng, đây kia có dấu vết ăn phá của loài heo hoang. Mùa xuân rừng đồi cung cấp nhiều món ăn lạ cho dân làng, mùa thu là nấm, bạt ngàn nấm. Hôm nay nấm là loài nhiễm xạ nặng nhất, thành thứ lạ với người quen, Ayako Oga nói mạnh.

_____________________

Tôi nhận thư Ayako Oga, sáng 7-5-2023

Hello, Inra Sara!

Tôi rất vui khi nhận được tin nhắn của anh. Ý anh muốn có tên tôi góp mặt vào cuốn tiểu thuyết, như là một nhân vật. Tôi hy vọng tác phẩm anh hấp dẫn và sớm ra mắt công chúng.

Thực tế đã xảy ra vài hiểu lầm đáng tiếc. Hầu hết những người di dời đều thất nghiệp. Cá nhân tôi cũng đã mất việc, cái nghề nông khiêm tốn của mình. Hơn nữa, cần phải khẳng định rằng chất phóng xạ cesium tồn tại trong nấm (đặc biệt là nấm mọc hoang) rất cao, và người dân không thể thu hái loài nấm ấy như lâu nay họ đã. Do đó văn hóa ẩm thực cũng như các phong tục và lịch sử quan trọng của chúng tôi đã bị tổn hại nặng.

Trước năm 311, nhiều cư dân thích đi lên núi hái nấm tự nhiên, ở kỳ nghỉ vào mùa thu. Có lẽ anh đã nhìn thấy bức ảnh trên namecard của tôi, đó là năm 2005, tôi đã cắn miếng nấm dại, và mỉm cười. Tai họa hạt nhân gậy thiệt hại chung, không phải riêng công việc của tôi. Tôi nghĩ rằng anh biết rõ về thiệt hại đó, và lúc này tôi chỉ nói một câu ngắn gọn: "Chúng tôi không thể hái nấm dại nữa".

Thân mến!

_______________

Đoàn dừng xe ngoài cổng một trường Trung học, chầm chậm đi vào. Đập ngay vào tầm mắt tôi là chiếc xe kéo đỏ chóe đứng ngáng ngay mé phải cổng trường. Dường chưa sử dụng được bao lăm. Giá mà ở quê tôi, anh nông dân Cham mừng hết biết. Sân trường rộng rinh, bộn đám cỏ mọc chen chúc nhau che nền đất loang lổ, dày mỏng không đều. Ở bậc tam cấp lên tầng, hai cặp giày bốt, có lẽ của công nhân làm cỏ bỏ lại nằm chỏng chơ, một chiếc đứng, ba chiếc nằm, so le trong đám rêu xanh.

Tôi hỏi ông Sato mình có thể đi vào trong được không, ông nói ok. Phòng hiệu trưởng, phòng đọc, phòng lab... hai chúng tôi dạo qua một lượt. Tủ sách đóng, qua cửa kính hiện ra các hồ sơ đều đặn, lịch làm việc treo tường, dăm cái laptop còn trên bàn viết bị xô lệch. Bàn đối diện, một cuốn sổ tay mở với cây bút mở nắp hờ, bên cạnh là cuốn tập học sinh gấp lại. Như thể hai bạn học nghe báo động gì đó vừa chạy ra ngoài. Như thể trường vừa trải qua kì nghỉ hè dài hạn. 

Bảng đồng hồ ở cột chính lối lên lầu đứng ở con số: 07:18.

Chúng tôi bước xuống, lặng lẽ. Văn xuôi không thể nói hết bao nỗi. Một tứ thơ hiện ra mồn một trong tôi ngay thời khắc đó.

 

TUỔI HỌC TRÒ BỊ ÁM SÁT

 

Người chạy nạn đến và đi

chiếc xe trắng bỏ lại

dưới bầu trời xám

 

Chồng sách, tập vở, tấm bảng, phòng học chỏng chơ

lũ học trò bỏ đi

không biết bao giờ trở lại

không một lần nụ cười tìm lại

 

Ngôi trường làm hoang

sân trường làm hoang

kỉ niệm mưng mủ làm hoang nơi trái tim tuổi trẻ

chiếc đồng hồ chết đứng

với kim giờ và kim phút

làm hoang

 

Tuổi học trò bị ám sát

sau túi tham loài quạ đen

đen hơn con tim nhiễm xạ trắng tính người

 

Tuổi học trò bị cắt rời khỏi bàn ghế

bàn tay thơm cắt rời khỏi màu mực ngoan

tiếng cười thơ ngây cắt rời khỏi cặp môi hồng

hồng từng trang lưu bút

nằm câm lặng dưới hộc bàn xám đang làm hoang.

Ông Sato kể, bên bờ sông Kitakami cách bờ biển khoảng bốn cây số, trường tiểu học Okawa là một trong những nơi đầu tiên bị sóng thần ập tới vồ chụp lên. Ban giám hiệu đã tiên liệu tất cả. Ngôi trường được thiết kế làm địa điểm tạm trú của địa phương một khi thiên tai xảy tới.

Ngay khi có động đất, tất cả các em học sinh đã được hướng dẫn chạy ra khỏi tòa nhà và đợi ở dưới sân chơi. Sau khi có cảnh báo sóng thần, các em cũng bắt đầu được đưa đi sơ tán tới ngọn đồi ở phía Nam của ngôi trường, nhưng cơn sóng dữ cao tới 8,6 mét đã chồm tới lưng đồi nhấn chìm bao tính toán cùng nỗ lực cuối cùng. 108 em, chỉ có 34 em, và duy một trong số 11 giáo viên sống sót.

Cách trường trung học năm cây số về miệt nam, là nhà ông Baba Isao, Nghị sĩ Namie, người đang đưa chúng tôi vào vùng đất cấm. Ông vốn nông dân khấm khá, sau mươi phút thảm họa, ngoảnh lại ngôi nhà, ông hiểu mình trắng tay.

Hàng quần áo cũ đang phơi sau nhà, còn nguyên; cả ba căn nhà ông vẫn vững chãi. Chính quyền muốn quay phim giữ lại hình ảnh cũ, rồi phá đi, ông không chịu. Máy xới đất mới tậu bốn triệu yên chưa xuống ruộng ngày nào, cũng đang đắp bạt. Chục con bò bị bán tháo, thay vào đó là lũ heo nhà biến thành heo rừng tự do đi vào chuồng trống làm ổ, đẻ con và ỉa. Loài này sinh sôi dữ, đến chính quyền địa phương phải đánh bẫy đem tiêu hủy. Trước sân nhà bên kia đường là hơn hecta ruộng lúa đang biến thành rừng hoang, không biết bao giờ ông cơ hội gieo cấy trở lại. Hiện ông đang sống ở Otama cách nhà cũ 70km với người vợ không con cái.

Không chỉ tài sản của cả đời người nông dân, ông còn mất luôn kỉ niệm gắn bó, mất cả tương lai. 

Tôi liếc qua RAE bên cạnh: Kim chỉ độ nhiễm xạ là: 5.8!