Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 9)

 Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

Chương 6

DUY RÁC HẠT NHÂN LÀ MUÔN NĂM

Ngày 16-9-2019

No nukes Taiwan Đài Loan

Đài Loan, dân số 23 triệu, diện tích 36.197km2. Trước, Liên Hiệp quốc công nhận Trung hoa Dân quốc tức Đài Loan, sau Trung quốc lớn mạnh, đã buộc đảo quốc dân chủ này thành Trung quốc Đài Loan.

Mà đất này đâu phải của tộc Hán! Thổ dân cư trú trên đảo từ thời cổ đại, người Hán chỉ lai rai nhập cư đến đảo, mãi đầu thế kỉ XVII mới tràn vào số lượng lớn ở thời kỳ thực dân Hà Lan và Tây Ban Nha. Sau đó là thời Quốc Dân đảng, từ đất liền chạy giặc Tàu Đỏ qua ở đầu thế kỉ XX.

Đài Bắc dù hệ thống giao thông hiện đại tới đâu, vẫn tồn tại bộn xe đạp. Xe đạp được dành ưu tiên lề đường và vỉa hè song hành với xe bốn bánh và xa máy chạy tốc độ đến 50-60km/h.

Lần đầu tiên chỉ quá cảnh Đài Loan đi Nhật, lần này tôi mới đến thiệt, chín ngày chớ chẳng phải đùa, được bố trí ở khách sạn Đại học Quốc gia Đài Bắc sang trọng.

Buổi chiều trống không, tôi tản bộ qua khu thư viện Đại học, rồi tạt qua Công ty Điện lực Đài Loan Taiwan Power Company cạnh đó. Ở đây họ mới thay mô hình quảng cáo Điện hạt nhân bằng mô hình các nguồn điện năng sạch. Cũng thức thời chớ bộ! Nhưng chớ vội tin.

Sáng mai lên tàu ra đảo rồi!

Orchid Island Taiwan, hòn đảo quá nhỏ bé đến nỗi cả người Nhật cạnh đó cũng không đếm xỉa tới hồi thế chiến II, còn hiện nay nửa vạn dân bản địađang phải gánh chịu khối rác thải hạt nhân, - nhà báo Nanami cho hay. Hỏi đời còn khốn nạn tận đâu?

Háo hức chờ, chịu khó đợi đến hơn ba tiếng đồng hồ. Thế rồi Sân bay báo hoãn, đoàn bốn mạng nằm lại khách sạn tỉnh lẻ. Buồn hiu.

Cũng cần hiểu sơ bộ về Orchid Island Taiwan, nguyên buổi chiều tôi vào ngồi Thư viện Người bản địa của Đại học Đài Bắc. Đại học rộng mênh mông, đi từ khu này sang khu khác, sinh viên phải dùng xe đạp. Thư viện chiếm một phòng trang trọng trong Main Library của Trường. Bao nhiêu là sách, tiếng Hoa lấn át, may có một góc nhỏ bằng tiếng Anh, cũng đủ xài.

Ngủ lại đêm tỉnh lẻ Taidong. Đêm yên tĩnh kì lạ, như miền quê. Chốc chốc tiếng máy bay quân sự rú xuyên màn đêm. Như thể Okinawa. Như thể Ninh Thuận thời chiến.

Lên tàu ra đảo. Non hai tiếng đồng hồ, - bạn ngồi cạnh cho biết. Anh còn tin cho hay nếu chỉ được một phần ba, khách đành chịu ở lại. Ẹ thế! May, hôm nay hơn nửa số trên 400 ghế được lấp đầy. Sóng dập dồn, biển mênh mông dọa nạt.

Orchid Island Taiwan nhiều chuyện lạ, và thú vị - thứ thú vị buồn.

Tại sao tầm nhà văn như Inrasara không chọn chỗ sang, chốn sướng mà đi, lại cứ đâm đầu vào đất khổ ải, cõi người khốn cùng? Phóng viên đi cùng hỏi thế, câu hỏi khá là bất ngờ.

Ừ nhỉ! Muốn làm anh hùng chăng? Anh hùng với ai? Nữa, anh hùng mà chi về thứ quái quỉ này? Tôi nói, nhà văn là kẻ chọn đứng về phía kẻ chịu đựng lịch sử, chứ không phải người làm lịch sử. Hắn cần hiểu phận người mọi nơi trên thế giới, cảm thông và chia sẻ.

Có đi vào đất Fukushima, có dấn vào cõi Orchid Island Taiwan ta mới thấu sinh phận con người khốn cùng cỡ nào. Ta như chạm vào đáy cùng của đau khổ nỗi người. Con người đột ngột bị bứng ra khỏi nhà mình, khỏi đất mẹ, ném về đâu không biết. Còn nếu cứ bám vào nó, thì chính mảnh đất quen kia mang ra mấy thứ bệnh lạ tặng ta, và con cháu ta lúc nào không biết.

Đó là định phận của nhà văn. Còn ai muốn sung muốn sướng, thì tùy.

Akokey Kamo yamai do Pongso no Tao: Chào bạn đến Đảo của Con người.

Chín ngày Đài Loan, thì ba ngày tôi ra và ở lại cái đảo nhỏ xíu như tách biệt với thế giới. Bốn mạng: Tôi, một giáo sư, thêm hai nhà báo. Rác hạt nhân từ đảo chính đổ về đây. Dân đảo kêu, chính quyền ngưng, nhưng đồ cũ mang đi đâu? Không biết!

Và chúng tôi đến.

Đảo Lanyu (đảo hoa lan) nằm phía đông nam Đài Loan, vỏn vẹn 45 cây số vuông. Tên Lanyu do chính quyền đặt, chớ dân vẫn thích gọi “đảo của con người” Tao. Người Tao di cư đến Đảo khoảng 800 năm trước, từ Batanes thuộc Philippines cách Đài Loan 190 km về phía nam.

Núi dốc đứng, cư dân sống ven bờ biển quanh đảo. Khu vực phía nam đảo lớp lớp sóng dữ bạc đầu, ở phía bắc biển yên lạ thường. Sân bay nhỏ nằm tại đây, rồi tới bến tàu, cạnh bến tàu là khu trung tâm. Từ khu trung tâm đi xuống phía nam ba cây số là Homestay nhà ông Siyaman Fengayang. Kho rác hạt nhân nằm ở cuối phía nam của Đảo.

Bốn kẻ lạ lên con tàu bồng bềnh vượt sóng suốt hai tiếng đồng hồ, lên được Đảo thì mệt phờ.

Từ Homestay, xe đưa đoàn đi một vòng đảo. Nhiều hòn lớn nổi lên giữa biển sóng trắng xóa. Mỗi hòn đều có tên riêng. Hòn Hai Người vui vẻ, Hòn Lính canh, qua sân bay cũ của Nhật vẫn còn dấu vết công sự, là Hòn Nón an toàn, Hòn Mũi. Xa xa là Đảo Lanzu Nhỏ không người, chỉ có loài dê cư trú đùa giỡn với nắng đối diện với kho rác hạt nhân được xây thành cao che tầm mắt người.

Con Tàu và Dê dân đảo gọi là ‘kaling’ được xem là hai biểu tượng của Đảo.

Miền đất núi dựng đứng nên rừng vắng thú. Dân tuyệt không biết đến dụng cụ săn bắn dù thô sơ nhất. Họ chủ yếu sống bằng đánh bắt cá biển, tàu nhỏ lại cố ý làm đẹp, đáy tàu phẳng thì không thể đánh bắt xa bờ.

Đồ dùng toàn gỗ, chỉ khi Bồ Đào Nha tới dân Đảo mới biết đến sắt, lại không được bà con ưa dùng.

Dê là vật nuôi chính, rồi tới heo mọi. Khi có lễ, bà con mới mổ thịt đãi khách. Bữa ăn hàng ngày vẫn là cá biển, khoai lang, bắp, chuối. Dừa được trồng nhiều nhưng rất ít thấy có cây mang trái. Đất có nhiều khoảnh thừa, cũng hiếm thấy luống rau.

Nhà bộ ba có nhà ở, sau đó là nhà dành cho công việc như phơi cá, bắp, trên cùng là nhà họp mặt nho nhỏ diện tích khoảng 2x2mét.

Nhà bao bằng đá, tường bằng gỗ và đá, mái lợp lá. Để chống bão, nhà được dựng rất thấp, nóc nhà chỉ nhô khỏi mặt đất tới đầu gối, cao lắm là ngang đầu người, có khi còn thấp hơn mặt bằng đất. Cửa hẹp và nhỏ, muốn đi vào phải khom lưng chui qua. Ngôi nhà chuẩn trưng bày ở Bảo tàng được lót bằng gỗ rắn chắc, có ba gian không cửa sổ và vách ngăn, nhà có bốn cửa ra vào.

Rẫy thì được rào bằng tường đá cao ngang lưng.

Đảo không taxi, cũng không người chạy xe dịch vụ. Một lần đoàn chuẩn bị qua bảo tàng, hụt chuyến bus, phải quá giang xe đi nhờ, hai vợ chồng trẻ vui vẻ cho đi vậy thôi, chứ không lấy tiền. Và dân Tao cũng không cần tiền. Thập niên 1950 trở về trước người ta không dùng tiền nữa là, nhà nào có cá hay khoai cứ mang đi đổi chác.

Xưa người chết được thủy táng, nay địa táng.

Hoạt động hiện nay dù đã được hiện đại hóa, nhưng dân Đảo phần nào vẫn cứ theo nếp bộ lạc mà sống.

Câu chuyện nữ đại biểu Mavivo Sinan

Tôi hứa với lòng sẽ viết dài về một nữ sinh “dân tộc thiểu số” tuổi 17 làm thay đổi cách nghĩ của cả cộng đồng. Và hơn thế nữa. Nhưng hưỡn đã...

Biểu hiện tình cảm mùi mẫn cải lương trước công chúng, là điều tối kị với tôi. Tôi hay đưa lời bỡn nó, lắm lúc rất đau. Rủi thay, ‘lingik pah’ trời thộp ngay đất khỉ ho cò gáy này! Thành ngữ Cham mạnh chục lần hơn tục ngữ Việt: Ghét của nào Trời trao của nấy. Không phải một, mà hai bận, cách nhau không quá ba tháng, tôi bị.

Tại Fukushima, chia tay ở bến tàu điện để qua Tokyo, tôi đã ôm ông nông dân Nghị sĩ Baba thật chặt. Trước đó, ngay trong chuồng bò rỗng ruột ở nhà ông, tôi đặt tay lên vai ông. Cái “đặt tay” gợi cho phóng viên Kyodo câu hỏi độc, và tạo cảm hứng anh viết thành bài báo dài!

Hôm nay, cà-phê chiều ở cái đảo bé tí Orchid Island Taiwan, tôi lại bị Bà Trời thộp. Sau buổi phỏng vấn, chia tay nữ đại biểu tuổi tứ thập, vừa hay tin chị đang bị chứng tiền ung thư do rác hạt nhân, tôi đã ôm chị. Không bố trí chuẩn bị - như ông bạn thơ yêu mến của tôi ở Hà Nội, và không lời, hai vòng tay của hai sinh linh tìm đến nhau. Rất nhanh, và buông ra cũng rất nhanh. Nhanh đến hai nhà báo có nghề ở đó không kịp bấm máy.

Ở cả hai lần, tôi như chạm vào đáy khổ đau của con người. Một, mất tất cả gia sản và tương lai trong nháy mắt. Một, đang đứng trước lưỡi hái của thứ định mệnh ngu ngốc. Không thể diễn tả khác hơn.

Mavivo Sinan chữ dân Đảo gọi mẹ JaSinan, sinh 1973, là [nữ] đại biểu Đảo thuộc Hội đồng Dân tộc Bản địa Đài Loan Council of Indigenous Peoples.

Thập niên 1960-70, xứ Đảo nảy ra nhiều vụ cộm, như dân nghèo phải dắt con gái đi bán, bị phân biệt đối xử, làm việc nặng và nguy hiểm mà không được bảo hộ. Chính quyền Quốc Dân đảng cứ để họ sống chết mặc bây. Dân Đảo vẫn còn chưa có tên gọi, trên cứ kêu chung là dân tộc sống trong núi, hệt “người Thượng” ở Việt Nam xưa vậy.

Coi thường nhau kì vậy chớ!

Năm 1982, Công ty Taipower dựng xưởng chứa rác thải hạt nhân ở đây, chả thèm hỏi họ lấy một tiếng. Bà con bị lừa hồ hởi phải biết, bởi không dưng điện nước từ đâu cho xài miễn phí, vài tiện nghi được biếu không. Mãi năm 1986, tin về tai họa Chernobyl bay đến, dân Đảo mới biết lâu nay mình đang sống chung với cái hòm.

Đây đó rục rịch phản đối. Phản đối thì mua chuộc.

Một đoàn người Tao được mời sang Nhật Bản tham quan. Biết tin, sáu chàng trai Đảo ra sân bay ngăn cản. Đó là năm 1989, sự vụ gây tiếng vang lớn. Dù sau đó đoàn vẫn [trốn] đi được, sự kiện đánh dấu việc dân Tao lần đầu tiên thể hiện ý thức bằng hành động cụ thể.

Tốt nghiệp Trung học, nghèo - không đủ tiền ra Đài Bắc học, cô gái Mavivo càng thấm phận mình, thân phận dân tộc mình.

Nữa, khi ấy trên đang cho tiến hành thực hiện chính sách phá bỏ nhà cổ, xây nhà kiểu mới mà chẳng đâu vào đâu. Còn đòi lấy Đảo làm công viên quốc gia nữa. Sự thể đẩy cô quyết tâm hơn. Mavivo bắt đầu hoạt động mạnh, đòi chính quyền trả lại đất [do Nhà nước quản lí] cho bà con, đòi có tên riêng cho dân tộc và tên ấy phải được Hiến pháp công nhận.

1990, được qua Đài Bắc học Cao đẳng, Mavivo vận động sâu vào giới trẻ. Dù - như Việt Nam, hay các nơi trên thế giới - nhiều người nghi ngờ hoạt động ấy, khối bạn học của cô vô tư với thảm họa hạt nhân. Thêm dân Đảo vừa yếu vừa thiếu, ý thức quyền bản địa mơ mơ hồ hồ, muốn hành động cũng chả biết bắt đầu từ đâu. Mavivo quyết đi một bước liều lĩnh: Vận động các nhà hoạt động ở đảo chính xin tiền mời bà con qua Đài Bắc biểu tình.

Tháng 6-1996, biểu tình lớn diễn ra trước Công ty Điện lực Quốc gia.

Lúc này kho chứa rác đã đầy, hạn thuê đất đã hết. Chính quyền tính kế lấn đất mở rộng bãi cũ, và lập bãi mới. Chơi kiểu cũ đâu có được. Năm 2002 và 2012, hai cuộc biểu tình lớn lại nổ ra. Lần này do chính người dân địa phương phát động, đòi Taipower hốt thứ của nợ này đi cho khuất mắt.

Dân làm mạnh thì chính quyền hứa: Không chở rác mới về, và sẽ dời rác cũ đi. Nhưng đi đâu? Và bao giờ? Chưa ai trả lời được, vì có đất nào dại dột chịu nhận thứ quái quỉ này.

Đành phải chờ kì bầu cử sắp tới.

Dẫu sao, dù cư trú nơi mảnh đất như một chấm nhỏ giữa mênh mông biển cả, dân Đảo vẫn có đại biểu như là đại biểu của mình. Lại là nữ, mới ác chứ - khác với nữ Chàm nho-me nhà ta lăm lắm.

Hội đồng Dân tộc Bản địa được thành lập gồm 16 đại biểu. Đại biểu là người đại diện cho tiếng nói của dân, ý dân được nói qua Đại biểu và buộc Trung ương phải trả lời. Còn nếu ông bà nào một mực theo đuôi chính quyền, Hội đồng bỏ phiếu truất phế như bỡn. Vậy thôi, cũng đủ!

Câu chuyện mới qua nửa chặng, trong khi ở Homestay, ông chủ đang đợi đoàn cho một câu chuyện khác. Mavivo Sinan hẹn gặp riêng tôi ở Đài Bắc. Với một thông dịch viên giỏi hai thứ tiếng Hoa và Anh, chứ ở đây phải qua hai lớp: Hoa sang Nhật mới tới Anh, mất giờ lẫn hụt ý.

Thế rồi, hai ngày hội thảo với ba ngày thực địa nuốt hết thời gian tôi rồi, còn đâu.

Câu chuyện ông Siyaman Fengayang

Xuống tàu, mệt phờ. Cô Si Pebbowen đón. Muộn non hai chục phút.

Cô là con gái Siyaman Fengayang sinh 1964, ông bố của bốn đứa con. Lái xe là anh hai 27 tuổi, có vợ là người từ đảo chính. Vẫn da ngăm đen, cặp mắt hệt anh chồng là người dân Đảo chính gốc. Nước da, khuôn mặt, ánh mắt giống Cham lạ. Ngạc nhiên nữa, họ nói tiếng Nam Đảo, như Cham. Càng thú vị hơn là lúc phỏng vấn Mavivo Sinan, mở lon Taiwan Beer, tôi rót xuống vài giọt, chị la lên: Sao anh làm thế? Và kêu rằng mấy ông dân Đảo chúng tôi cũng làm hệt vậy!

Gia đình ông Siyaman làm Homestay, tiếp khách tùy hứng, và rất thiếu chuyên nghiệp. Được cái là vui vẻ và thoải mái, như ở nhà.

Chiều đầu tiên, đang bị cuốn hút qua câu chuyện Mavivo thì người nhà bảo ông đang chờ. Rút kinh nghiệm từ mất thời gian cho hai lần dịch. Đoàn đề nghị ông nói bằng tiếng Anh.

Vừa ngồi vào bàn, ông bắt đầu “mở máy” bằng thứ tiếng Anh đặc sệt dân Tao. Về câu chuyện của ông. Ông chồm người tới, vung tay, cả làm thao tác chém cạnh bàn tay vào hông tôi, vân vân. Tự hào hứng hết biết.   

Vị giáo sư hiểu 20%, tôi 30%, mỗi ông khách người Áo quen ông lâu ngày mới nắm được một nửa. Và ông thông dịch lại cho chúng tôi.

Chuyện đang hấp dẫn, ông cũng đang gây cấn, thì phải đi cho cuộc hẹn khác.

Câu chuyện thứ hai dở dang. Ông đi, hẹn sáng hôm sau tiếp chuyện chúng tôi bài bản hơn, cuối cùng chờ mãi chả thấy đâu. Té ra, lão lai rai bằng hữu cả tối qua, đang li bì không thể ngồi dậy. Cũng rất… Cham. 

Cô con gái mê cha phải biết. Là nhân vật chính chăm lo Homestay, ông bố chỉ có mỗi việc ngồi hay đi với khách, kể câu chuyện về Đảo, và người dân Đảo. Ngay vụ ông cầm đầu phong trào chống rác hạt nhân, gia đình ông không ai không ủng hộ, và cả cộng đồng nhỏ bé của Đảo cùng đứng sau lưng ông.

Ước gì tôi có được hai thứ này! Trong khi ở Pangdurangga, tôi khả năng mươi lần hơn hoàn cảnh cha con kia.

Thế kỉ XI, Cham trôi giạt qua đảo Sulu thuộc Philippines, bị quấy rối, đã tản đi các nơi, một phần lưu lạc đến Đảo, có lẽ. Dân Đảo có ngôn ngữ, mà không văn tự, là chí nguy. Và nguy thật. Thế hệ mới dần bỏ quên nó mất rồi. Bọn trẻ hiện nói tiếng Hoa là chính. Vài ông bà lão thế hệ 1930 còn nói được tiếng Nhật, do Nhật dạy ở thời chiếm đóng.

Lịch sử là sử truyền khẩu oral history, truyền qua dân ca mà vợ chồng người Áo đang nằm Đảo dài ngày mong cứu vãn.

- Vô cùng khó khăn, ông cho biết.

Người có tuổi thiếu truyền thống kể sử thi, như người Tây nguyên. Nhật, Tây, rồi Hoa tới mang văn minh hiện đại đến. Dân Tao Nam Đảo ấy rồi về đâu? Đã có nhiều cô gái Đảo qua Đài lấy chồng. Ngôn ngữ mất một ngày không xa. Kí ức bị hao mòn nhanh chóng…

Buồn không!

TAM TẤU ORCHID ISLAND TAIWAN

Translated from the Vietnamese by Nguyễn Thị Phương Trâm

Duy rác hạt nhân là muôn năm

Sông núi biến đổi

Triều đại chuyển đổi

Quốc gia dời đổi

Lòng người bấp bênh thay đổi không lường

Duy rác hạt nhân là vĩnh cửu.

 

Terrains changing

Rise and falls of empires

a changing nation

a constant changeable human heart

except forever is nuclear waste.

 

Modernization

 

Và họ hiện đại hóa đời sống chúng tôi

Và họ tạo thêm nhiều, nhiều hơn nữa

Nhu cầu mới lạ cho ngày thường của chúng tôi

[Nhu cầu chúng tôi chưa bao giờ cần]

Và họ mang cô gái đẹp nhất của chúng tôi đi mất

Và họ chở thứ rác lạ về

Cùng với rác lạ

Bệnh lạ về

Nỗi lo lắng lạ về

Và ở lại…

 

They modernizing our life

making more, adding more

day to day newer wants

[Wants we do not need]

They steal our beautiful women

in return give us alien rubbish

With the rubbish

the alien diseases

the alien worries

Stayed…

______________

 

Cực nam Đảo, một cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân được xây dựng vào năm 1982. Dân Đảo không được hỏi ý lấy một tiếng. Rác hạt nhân từ ba nhà máy ĐHN từ đảo chính được công ty Taipower đổ về. Và ở lại.

Bốn chúng tôi trình giấy, bước vào.

Trước khi thăm xưởng rác, các bạn cần biết trước đây an toàn cỡ nào. Nghĩa là phải qua phòng chiếu video clip quảng cáo An toàn hạt nhân. Ừ, thì nghiêm chính chấp hành. Mà nó an toàn thiệt, chớ không giỡn. Độ phóng xạ chỉ bằng 0,0345, như ở Cơ sở Công an, hay tại sân bay của Đảo.

Tất cả chìm trong một màu xanh mát mắt. Hàng cây như loại cây “chang” vùng Cham với chòm lá xanh rì. Cả mươi vạn thùng rác cũng màu xanh nốt. Gió khu vực này thổi mạnh, và mát. Phía sau bọt sóng trăng xóa ven bờ là cả một vùng biển xanh mát.

Phiền nỗi là mới qua một phần tư thế kỉ, các thùng rác kia một lần bị rò rỉ thải phóng xạ ra biển. 80% dân Đảo bị vấn đề liên quan đến tam giác trong. Nguyên do từ đâu không biết. Mơ mơ hồ hồ vậy thôi.

__________

Ở nơi ấy, em đã khóc

 

Và chúng tôi trôi giạt về hoang đảo xa hơn

Và chúng tôi chạy lên dốc núi cao, cao hơn nữa

Và tôi thấy tôi một mình giữa phố đường xa lạ

Và tôi thấy đời tổ tiên tôi đang góc bảo tàng

Và tôi thấy

đời tôi

sắp bảo tàng.

 

Us drifting deeper into the wilderness

Us running up the mountain, ascending higher

I saw myself amidst an alien city

I saw the lives of my ancestors cornered in a museum

I saw

My life

In a museum inducted.

_______

Sau buổi nói chuyện, tôi hỏi em về nơi tuổi thơ em hay ngồi chơi nhất. Em dẫn tôi đến một góc nhỏ nhìn ra biển. Em cho tôi biết em đang năm cuối Đại học, đã có người yêu ở thành phố, và sẽ làm cái gì đó có ích cho cộng đồng nhỏ bé của em.

Em đã để rơi rụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhiều, tiếng Hoa thì tạm dùng được, và đang học tiếng Anh cho công việc sắp tới.

Ngồi một lát, tôi đọc cho em nghe bài thơ vừa làm xong. Tôi bảo:

- Tôi sẽ đọc thật chậm, từng câu một. Em nghe, đừng cố gắng hiểu, mà hãy để trí tưởng tượng trôi theo câu chữ của thơ.

Thơ hết. Em nín lặng. Trong nắng chiều tàn nhòa với khói sóng biển nơi một góc vắng của một đảo hoang, tôi thấy đôi mắt em ngấn nước. Chúng tôi quay trở về nơi mọi người đang chờ cơm.

Trước cửa restaurant nhỏ miền quê, em đấm như đẩy thật mạnh vào vai làm tôi suýt ngã chúi tới. Tôi quay lại:

- Có gì không em?

- Làm sao Sara có thể đọc được tâm hồn em?

- Bởi đó cũng là tâm hồn Sara - tôi nói nhỏ, như thì thầm.

Em mở to mắt nhìn chằm chằm tôi, đứng đó một đỗi, rồi quay đi.

Ngôn ngữ là ngôi nhà an cư của con người. Em vừa đánh mất ngôi nhà cũ, và chưa có ngôi nhà mới để an cư. Tôi biết, em đã mất đất đứng, và còn hơn thế - đã mất ngôi nhà. Vĩnh viễn.

___________________

Sáng 22-9

Orchid Island từ dân tộc bản địa biệt lập đột ngột bị đẩy rơi tõm vào cõi văn minh hiện đại. Cả tâm thức và sinh hoạt chuyển đổi nhanh không kịp thở. Hành xử của người dân nửa này nửa nọ, rất lạ. Bữa ăn ít rau, hiếm trái cây, ngày qua ngày mỗi sandwich với vài món mì. Xe bốn bánh vẫn còn cho khách quá giang không, cũng đủ biết. Sinh linh chống hạt nhân là những người ít học, nghèo; họ chống với mục đích giữ sạch mảnh đất ông bà.

Đài Bắc ngược lại, nhịp sống hiện đại, văn minh, nề nếp đâu vào đấy. Đại biểu là thành phần có học, và học cao, sang trọng, và nổi tiếng. Họ chống hạt nhân là để bảo vệ xanh sạch cho trái đất.

Từ mươi nước, 100 khách đính kèm 12 nhà báo, thêm hơn chục sinh viên phục vụ đáo để. Ngoài Đài Loan chủ nhà nhiều nhân vật khá trẻ, đại biểu Nhật chiếm số lượng đông nhất, cạnh đó là đại biểu từ các nước, mỗi nước vài người. Có Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Philippines, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kì, Hàn quốc, Trung quốc, Bangladesh, và… Việt Nam là ngài Inrasara.

Nhà Nobel Vật lí 1986 Lee Yuan Tseh, với cả Dave Sweeney nhân vật từ International Campaign to Abolish Nuclear Weapons vừa đoạt Nobel Hòa bình 2017 đến dự cuộc. Các quan lớn thành phố Đài Bắc, cùng hai trưởng Ban tổ chức Nhật và Đài nữa.

Quà tặng: Áo thun, và khăn chít đầu quảng cáo No Nukes. Tiệc tùng thì miễn chê. Cùng đất nước cùng mục tiêu, mà vậy. Con người mà!

Hội thảo chung. Nhà vật lí mở màn, được dành nửa tiếng giảng bài khoa học về tai hại của Điện hạt nhân, xiển dương năng lượng sạch cho trái đất. Ông hòa bình Dave Sweeney thuyết hay miễn chê. Nghề của họ mà.

Không thể thoát vài đại biểu ham nói. Lại là đại biểu Mỹ và Trung quốc. Thiên hạ cho 12-15 phút mà mình chơi gấp đôi thì tầm Nobel rồi còn gì. Kẹt là nội dung ấy cần đến thời lượng ấy, không thể khác. Tôi nghe không sót một từ.

Phiền là ba đại biểu giọng đọc bài, phát âm hệt trẻ tập đánh vần. Nhớ, họ toàn tầm giáo sư, tiến sĩ không hà. Còn lại thì rất được.

Lecture của Inrasara thu hút ánh mắt hội trường. Dòm xuống không thấy ai chuyện riêng hay lướt smartphone, khoái phải biết. Giờ giải lao Cham poet được khen nói có power points, hình ảnh nổi bật, nhịp điệu thuyết chậm mà chắc. Dĩ nhiên có vài từ, phrases phát âm thiếu [và thừa] do nhiễm từ cách dạy ngoại ngữ kiểu thầy cô Việt Nam, may – diễn đàn trang bị slide, nên ý tứ không bị bắt hụt hay trật. Tôi còn dễ thương hơn, khi là một trong hiếm đại biểu nói ngắn gọn nhất!

Ờ, thì đâu cũng là con người.

Sáng 23-9

34 đại biểu chọn được phó Tổng thống tiếp ngay trong phòng khánh tiết Phủ Tổng thống.

NNAF hội tụ sinh linh từ khắp nơi về, loài sinh linh bán trời không chứng. Chả ngán ai.

Tổng kết hội thảo, Ban Chủ trì vừa đọc xong “Tuyên bố chung” (2019-NNAF Statement) thì loạt cánh tay đưa lên. Ta phải có ý kiến, mà nói thì phải ra đầu ra đũa, nghĩa là cần thời gian. Không cho là cãi, cho ít cũng cãi tuốt. 

Ngay 9 đại biểu “cao cấp” được mời phát biểu để truyền cảm hứng cho diễn đàn, thiên hạ cho một phút, thì đến hơn phân nửa chơi quá giờ. Tội nghiệp tay tre trẻ được phân công cầm bảng Time’s up mấy bận đưa lên đặt xuống, ta cũng chả thèm dòm, cứ nói là nói. Tôi ngược lại, tại đây tôi chơi tắt cụt đến đáng phiền:

I would like to say thank this forum

I would like to say thank Taiwan

I would like to say thank everybody

My message is WE’LL KEEP ON FIGHTING!

Sáng vào Phủ Tổng thống, sinh linh đại diện đoàn phát biểu cảm tưởng cũng quyết… nói dài cho bằng được. Ông Sato trưởng đoàn hai bận vỗ tay ra dấu, vẫn không chịu ngưng mới ác chớ. Lời với ý ông vàng ngọc tới đâu, dân làm chánh trị nọ nghe!

Thêm về chuyện tại Phủ Tổng thống. Chốn cơ mật quốc gia, việc khám xét soi mói kĩ càng, hay vụ đứng chờ chụp ảnh độc quyền thì miễn rồi. Long trọng và rườm rà trở thành nghiệp. Nhưng hà cớ đống tai nghe được phát mà chả có mống nào chịu dịch cho nghe? Ông Phó Tổng phát biểu tiếng Hoa, đại biểu Nhật gốc Mỹ dịch cho mỗi ngài Nobel Hòa bình, còn lại thì ngơ ngác. May ông Sara được nhà văn Anh sống ở Nhật 42 năm ghé tai dịch, mới biết ổng nói gì.

Ông Phó hứa với quốc dân đồng bào và trước toàn đoàn rằng, đắc cử kì này, Đảng của ông sẽ cho lò hạt nhân nghỉ chơi luôn từ 2025. Chịu chơi đến thế là cùng! Hay đó chỉ là cách câu phiếu cử tri? Hãy chờ xem.

Sau cuộc, ông bạn nhà văn người Anh - trước đó tôi cảm tác hai bài ngắn đưa ông xem nhờ biên tập - thòng cái câu đáng nhớ:

- Cảnh này đủ gợi hứng cho Inrasara có thêm bài thơ mới!

Buổi cuối vào giờ chót Forum xảy ra sự cố, tạo gia vị cho diễn đàn.

Nữ luật sư Đài Loan tuổi băm khá xinh xắn thuyết xong, vừa bước xuống thì bị một người nữ khác chặn ngay lối cửa, la thẳng vào mặt. Cô ta chả phải tay vừa, đốp chát lại.

Hai người nữ đôi co bằng tiếng Hoa, ồn phải biết. Hỏi đầu đuôi mới hay, tham luận cô nàng đặt câu hỏi rất ư là nhà luật rằng, không phải mọi mọi dân địa phương đều ghét Điện hạt nhân. Khối kẻ khui bia ăn mừng nữa là khác.

Có mấy nguyên do: Điện hạt nhân mang công ăn việc làm đến cho họ, họ được phía Cty Điện lực mơn trớn trợ cấp này khác, và cả chuyện mấy cô gái địa phương thêm cơ hội kiếm tấm chồng kha khá nữa.

Câu hỏi cô luật sư đặt ra là, Chính phủ có giải quyết được nhu cầu tối thiểu đó cho người địa phương không? Còn nếu để họ tự lo, túng quá, họ vẫn cứ chấp nhận thứ kĩ nghệ trời ơi này, chả cần biết nó tai hại lâu dài tới đâu ở một tương lai xa. Dân nghèo - mà Điện hạt nhân chuyên kiếm nơi nào nghèo khó mà đặt - cần thỏa mãn nhu cầu trước mắt cái đã.

Cũng có lí đáo để.

Nhưng sinh linh chống Điện hạt nhân mang thân từ các nơi đến diễn đàn là để CHỐNG, tuyệt đối! Cần loại bỏ nó ngay, chuyện linh tinh khác tính sau. Thỏa hiệp hay đi hàng hai đồng nghĩa với tai họa và cái chết. Thế là choảng!

Vụ này không thể không nhớ đến sự cố ý kiến trái chiều của nhà văn Di Li về Formosa. Nữ nhà văn này kêu không cần thiết bứng đuổi Công ty này đi, mà Chính phủ Việt Nam phải biết buộc nó thực hiện đúng quy ước hợp đồng. Nếu không thì phạt thật nặng, tái phạm mới đuổi cổ nó. Đúng quá đi chứ!

Kẹt nỗi, khi ấy phong trào chống Trung quốc đang cuồn cuộn, nói lí chả ai nghe, cả dân vốn được gọi là trí thức cũng hệt. Và cô nàng bị đạn.

Thế mới biết, nói đúng chưa hẳn đã hay. Cần đúng nơi đúng lúc nữa! Thế nhưng, không lúc này thì đợi đến thuở nào mới nói?

Trở lại số phận dân Tao

Tôi đã nói những gì ở diễn đàn? Nhiều, rất nhiều. Tạm trích phần kết:

To conclude this talk, I would like to put two questions:

Who can make a change to a harmful project? And how can we stop a bad project?

Firstly, manpower, we need not only the intellectuals but also the large masses to participate in the protest movement.

Secondly, method, this sort of work calls for many different means.

Finally is in action, we need great and constant patience.

Không ít bạn hỏi, hà cớ Inrasara không lo cho Cham đi, mà đi lo tận môi trường thế giới xa lơ lắc? Hỏi vậy chả khác gì mươi năm trước, không ít Cham hỏi tôi: Sao Inrasara không lo cho văn học Cham đi, mà mãi xiển dương văn học hậu hiện đại Việt Nam? Xin nói rõ một lần cho trót. Có ba yếu tố cần và đủ:

Hiểu mình, tâm hồn Cham thể hiện rõ hơn cả qua văn chương và ngôn ngữ Cham. Còn tinh thần phiêu lưu sáng tạo Cham biểu hiện qua hải sử và văn hóa biển. Tôi đã tập trung nghiên cứu sâu hai mảng đó.

Hiểu người, dấn vào văn học Việt để hiểu Việt Nam, đồng thời theo dõi các trào lưu văn chương nghệ thuật, triết học, chính trị đương đại trên thế giới để biết tinh thần con người thời đại.

Hiểu mình, hiểu người mới có thể nói đến đối thoại.

Thời hiện đại, không thể cứ khư khư giữ bản sắc, mà phải mở. Nhập cuộc về hướng mở - qua tinh thần hậu hiện đại, tức là phi tâm hóa, nghĩa là mở ra thế giới, đối thoại để các bên hiểu nhau. Việt Nam, và cả phần nhân loại còn lại.

Hơn nữa, nếu riêng nghiên cứu Cham, Inrasara chỉ được cộng đồng Cham biết đến. Mở, qua việc làm của tôi: Sáng tác, phê bình, diễn thuyết, và qua nổi tiếng của tôi, thế giới biết đến Cham nhiều hơn. Nhiều Cham như thế, ta kết nối với cộng đồng nhân loại.

Bảo tồn văn hóa và con người Cham là bảo tồn sự đa dạng của sắc dân và văn minh nhân loại trên trái đất. Do đó không thể không chống lại thế lực hủy hoại trái đất - trái đất với sự đa dạng của tự nhiên của nó, cho thế hệ đi tới.

Tôi dấn mình vào phong trào bảo vệ môi trường thế giới, là vậy.

Trở lại với dân tộc Tao ở đảo Orchid Island Taiwan. Sống sót, họ di cư đến vùng hẻo lánh là để bảo toàn sinh mệnh. Do không ý thức bảo vệ bản sắc mình [qua ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, vân vân], khi thế giới văn minh ập đến, chỉ qua hai thế hệ, dân tộc này đã bị đánh bật rễ, và mất gốc.

Không chữ viết ghi lịch sử truyền lưu đến thế hệ tiếp nối, không văn chương thể hiện tâm hồn dân tộc, tiếng nói lai căng và dần biến mất. Các cô gái [và cả chàng trai] tản đi lấy chồng [vợ] ngoại tộc. Rồi họ hướng trung tâm, hướng về phía mạnh, phía giàu - là điều khó tránh. Và dân tộc Tao tiêu vong một ngày không xa. Không còn tồn tại, chứ đừng nói tồn tại như là tồn tại.

Có là bài học lớn cho Cham, ngày mai?

Finally is in action, we need great and constant patience.