Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 6)

Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

5.

Ở lại ‘palei’ Cham một tuần, tôi quay lại Sài Gòn.

- Thôi, spam hết mấy email với cãi vã nhau của mấy ông bà trí thức kia đi, em. - Tôi phone cho em. - Hôm nay ‘palei’ có gì lạ không em?

- Không gì lạ đâu anh, - em nói.

- Lẽ nào chả có chút gì mới?

- Dạ, cũ xì vậy đó.

- Ít ra cũng phải có cái gì đó mới lạ chứ? Cả một cộng đồng mà…

- Tối qua nhà bác Kai anh họ của cha bị trôm rinh nguyên chuồng gà, có nên gọi là mới không? - Em nói, cười lanh lảnh ở đầu bên kia.

- Cũ, quá cũ rồi, nhưng nghĩ lại vẫn mới. 

- Anh cũng quan tâm chuyện mất cắp gà sao? Em chưa biết đó.

- Chuyện lớn, em. Lớn không thua kém gì Điện Hạt nhân đâu.

- Lớn là sao?

- Vụ việc xảy ra hơn chục năm rồi mà không mò được lối ra. Chính quyền địa phương bất lực thế, thì dân lấy đâu cái lòng để tin khả năng của họ. Lủng nồi cơm gia đình là rõ rồi, bởi còn có ma nào dám nuôi gà nữa. Katê năm ngoái, hơn nửa làng phải đi tậu gà ngoài chợ để cúng. Bậy là, cứ mặc đám nhóc con lộng hành, tạo cho chúng tâm lí khinh nhờn người lớn. Chuyện xảy ra rồi, đau lắm, anh biết. Cuối cùng, bà con nông dân chân chất sống dựa vào nhau, không lâu thì chả còn ai tin ai nữa. Đấy, đấy mới đáng sợ nhất.

- Và năm là… - Em lại cười.

- Em kìa!

- Em thấy chính anh hôm nay mới lạ.

- Không lạ đâu em. Anh nhớ có văn Inrasara viết:

Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào cuộc sống nông thôn lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ hoặc sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà ngay tại làng mình, để giúp chính quyền địa phương ổn định đời sống, mà không vấn đề gì cả!

Đoạn văn có liên tưởng lạ, anh đọc một lần, thuộc lòng luôn.

- Dạ, em hiểu. - Em nói, - Nhưng kêu là nó lớn ngang bằng Điện Hạt nhân thì em chịu.

- Chẳng thua kém nhau đâu.

- Nhưng hôm nay dường như bà con ta hết sợ Điện Hạt nhân rồi, anh yêu ơi! - Em kêu.

- Vậy à?

- Gần như thế.

- Là tin lạ, vô cùng lạ đấy. - Im lặng.

- Hay đã có gì đó thay đổi?

- Em không biết. Khác với năm ngoái, không nghe ai nhắc đến nó nữa. Như thể người ta quên bẵng nó, hay hệt nó chưa có vậy.

- Để anh xem đã nhé. Nit mei “Yêu em” - Tôi cắt máy.

 

Tôi mở lap top truy tìm bài mới nhất về Điện Hạt nhân, chữ "đới đứt gẫy'. Xuất hiện ngay trang đầu là bài viết trên báo Nhân dân số ra ngày 24-10-2012 đề cập đến Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận.

 

Ông Phan Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, sau sự cố Fukushima, Việt Nam vẫn đang có những bước tiến mới trong tiến trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Chúng ta chưa có gì thay đổi mà vẫn theo lộ trình đã đưa ra. Một mặt, chúng ta vẫn đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, nhưng mặt khác vẫn kiên định với việc phát triển năng lượng hạt nhân.

 

Tôi cứ tưởng sau vụ Fukushima to đùng, ta đã biết sợ. Hay sau hàng loạt phản biện, phản đối của trí thức với nhà hoạt động xã hội khắp nơi, hoặc ít ra là sau khi ngài Bộ trưởng trả lời báo chí rằng giới chuyên gia cho biết vừa phát hiện ở thềm lục địa biển Ninh Thuận có nhiều đới đứt gẫy, thì ta đã tạm ngưng. Nhưng không. Tôi quả là thậm ngu. Không có gì gọi là có dấu hiệu thay đổi cả. Ta vẫn có những bước tiến mới, vẫn theo lộ trình, vẫn kiên định… Lạ, sao bà con Cham lại hết sợ? Hay do mấy thanh niên kí tên phản đối Dự án bị kêu lên làm việc? Chắc không rồi. Hay bị tuyên truyền một chiều mà tin theo? Chưa hẳn. Hoặc do nhiễm phải thứ tâm lí phó mặc như bác Tùng đã kêu có nổ thì chết chùm cả Đông Nam Á này chứ riêng gì Chàm đâu.

 

Chiều, tôi gọi em:

- Em có nghe phong thanh đâu dự án ngưng thi công không?

- Vẫn tiến hành, dù chậm, anh.

- Thỉnh thoảng phố Phan Rang thấp thoáng bóng các ông Nga đi mua sắm. - Em tiếp.

- Bà con không có một ai bàn gì về nó à?

- Anh, kì… Đã nói là không gì mà.

- Em biết nguyên do tại sao không?

- Bà con quên nó rồi.

Khủng quá! Tôi không trả lời, tôi nghĩ em đúng. Tôi không còn biết trời trăng gì nữa. Quần chúng chìm nghỉm trong tìm sinh nhai với lo lắng thường nhật, trong cãi cọ vụn vặt, trong bao nhiêu mối lo trước mắt, nên đã quên. Quên béng đi mối đe dọa đang còn ở rất xa. Dù nó lớn tới đâu hay khủng khiếp cỡ nào, dù nó có mang mầm mống tiêu diệt cả cộng đồng đang bị khuất lấp trong chuyện chạy ăn từng bữa. Nó vẫn còn đang ở rất xa. Xa, nên mơ hồ.

- Mốt anh về, em. - Tôi nói, - yêu em nhiều.

 

Tháng trước, tôi đèo em trên chiếc xe Dream qua làng Thái An, nơi dự định xây Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận 2. Trưa nắng gắt. Khác Vĩnh Trường đã san lấp mặt bằng, đã xây khu định cư, đã có đường sá, đã… Ở đây, chưa có gì rõ ràng cả, ngoài tấm bảng treo lơ lửng cạnh đường lộ mới trải nhựa mờ chói dưới nắng trưa Phan Rang. Đây là vùng đất của người Raglai làng Cát Gia. Xưa, tôi hay theo mẹ qua đây đặt làm gùi với ciet. Mẹ mua mấy thứ đặc sản này, vừa bán cho người hàng xóm có nhu cầu vừa dành để dùng. Người Raglai khéo tay, có nghề nên hàng vừa đẹp vừa chắc. Từ ‘palei’ tôi qua đây non ba mươi cây số. Sáng sớm hai mẹ con lên xe lam, xuống làng Tri Thủy, rồi mẹ dắt tôi lội bộ qua. Mặt trời khuất núi là tới. 

Làng người Raglai nhà thưa thớt. Vài đứa trẻ bụng ỏng mình trần chơi nghịch đất dưới nắng. Hôm nay, bốn thập kỉ trôi qua, làng vẫn không thay đổi. Các cụ già cwak yut với mẹ đã về với ông bà, chắc thế. Vài đứa trẻ đã lớn, thế hệ con cái gùi bó củi, măng tre đang đi dưới nắng chang chang. Cuộc sống như lặp lại. Khác chăng, là đồi núi chập chùng cây rừng xưa đã thành trọc. Trọc lóc.

Tôi dừng xe, bảo em xuống bấm vài tấm ảnh. Bọn trẻ con người Raglai ngó chúng tôi, cười. Vẫn những nụ cười vô tư ấy. Chúng đang bước về phía bảng hiệu “KHU TÁI ĐỊNH CƯ NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN 2”. Tôi tự hỏi, chúng có sợ không? Chắc không. Vì không ai biết, mà sợ. Không ai nói cho chúng biết, để sợ. Chúng vừa rẽ vào lối mòn đi lên rẫy. Những thân phận mỏng manh kia, ngày mai sẽ bị quăng ném về đâu, ai biết được.

Tôi chợt nhớ đến Heidegger. Ông nói con người sinh ra đời như bị quăng ném vào thế giới. Tuyệt! Tôi rất mê triết học của ông. Tôi nhớ, và bật cười thành tiếng.

- Anh cười gì thế? - Em hỏi.

- Cười mình thôi.

- Anh đang nghĩ họ sắp bị ném ra khỏi thế giới quen thộc của họ. - Tôi nói.

Em không nói gì. Tôi cũng không nói gì, suốt đường đưa em xuống bãi biển Ninh Chữ. 

 

________________

 

Thời gian qua, dư luận và phản ứng của bà con, anh chị em Cham về Dự án Điện Hạt nhân thì nhiều. Để làm rõ hơn tâm thế “hết sợ” hiện tại của chương tiểu thuyết, tôi miễn phép tác giả Chay Mala cut and paste bài viết cuối của anh [chị] trong mục “Chủ đề Bất an Dự án Điện Hạt nhân - Ninh Thuận” đăng trên Inrasara.com non năm trước.

 

KHÚC TÂM TÌNH GỬI LÒ HẠT NHÂN

25-5-2012

 

Tôi không phải chuyên gia về điện hạt nhân, thì hẳn rồi, còn phải om xòm la lối. Tôi cũng không dám nổ như bác Inrasara rằng mình “chuyên gia về ý kiến về ĐHN”. Tôi càng không vỗ ngực lép nhận mình dũng cảm to gan gì ráo, cũng nhát bỏ xừ. Thời buổi này mà đi làm anh hùng có mà cạy nồi mà cạp. Nhưng do tôi phó thường dân trong cộng đồng Chàm mình, tôi hiểu tâm tư Chàm hơn tí (tí, là so với mấy cha tự nhận chuyên gia Cham học) nên tôi không thể không nhắc đến ĐHN, là món nóng. Đáng lẽ tôi không viết bài này, bởi do ông bạn Inrasara nhắn bài viết của tôi có đụng chạm tự ái ai đó, rồi bác Lưu Văn từ Mỹ thúc cùi chỏ cái, nên tôi phải xông ra đỡ đạn… cho mình.

Về vụ liên quan đến Điện hạt nhân, có thể phân thân cây cộng đồng Chàm làm ba nhánh:

 

[1] Quần chúng lao động Chàm. Họ thấp cổ bé họng, không biết kêu vào đâu, họ chỉ biết trông cậy vào ‘Po Yang’. Hồi tôi còn bé, mẹ nói mỗi khi có Chàm đi xe đò, thì xe đó bảo đảm chớ bị nạn, xui xẻo lắm nó bị thì mọi Chàm đều thoát. Là nhờ ‘Po Yang’. Về Điện hạt nhân cũng vậy, sợ thì có sợ nhưng họ còn đó ‘Po Yang’ để mà lạy để mà tin mình thoát hiểm ngon ơ.

 

[2] Giới có học Chàm. Tôi tránh kêu giới trí thức, mà là “có học”, không thì người ngoài nói Chàm ưa nổ. Chị Hương Đại biểu Quốc hội thì miễn giảm rồi, tôi hiểu chị lắm, rất cảm thông cho chị nữa. Còn lại giới có học Chàm mình thì hầu hết làm việc trong cơ quan Nhà nước, anh chị em và các bác ấy thuộc cơ chế. Chuyện cơm áo gạo tiền chi phối tất. Các bác không nói năng thì chả có chi lạ cả. Tôi cũng không dại gì mà đi xem thường coi nhẹ các bác. Toàn người giỏi giang không à. Nhưng tại sao tôi phải nhắc đến các bác ấy? Vì tôi hiểu tâm tư cộng đồng mình, với lại tôi muốn nhắc họ nhớ rằng họ vẫn còn cả đống vạn bà con anh chị em ở quê.

Phần bản thân, tôi hiểu và cảm thông cho các bác ấy còn hơn là cảm thông cho cái đời mạt rệp của tôi nữa. Ôi, sao mà trái tim tôi nó bát ngát thế chứ…

 

[3] Thế nào rồi sẽ có người bác lại, vậy sao bốn mạng làm thơ dám? Họ cũng cơm áo gạo tiền như ải như ai vậy thôi. Thế mới kẹt! Đang nghĩ lung thì may quá bác Lưu Văn gợi ý rất hay cho tôi gỡ gạc chút chút. Bác này không biết đọc ở đâu thấy rằng đĩ, ăn mày, nhà thơ và ca sĩ thuộc nhóm xã hội khác. Nghe nói có một nền văn hóa xếp nhóm sinh linh này nằm giữa thần linh và người phàm, giữa người phàm và ma quỷ. Ở vài nước, họ thuộc xướng ca vô loài, không có gì mất mà cũng chả gì được.

Chàm không có đĩ điếm , không có ăn mày, duy còn hai bông hoa nhỏ là nhà thơ và ca sĩ. Bốn nhà thơ Chàm thì đã nổi lửa lên em rồi, chỉ còn chờ mỗi ca sĩ Chế Linh! Nhưng mấy ngày qua tin báo đài cho hay ngài danh ca này sắp về Việt Nam làm “lai său”, nên chắc cũng biết điều, mà nhịn.

Nói thêm: nhóm xã hội này thường nói và làm tùy hứng, đồng bóng hết biết, không tính toán thiệt hơn, nghĩa là thiếu khôn ngoan trầm trọng, nên bọn họ khoái làm liều.

 

6.

Tháng 10-2013

Xuống xe đò, tôi bắt xe ôm chạy một mạch về ‘palei’. Chính xác hơn về ‘Thang Halam’ của chúng tôi. Của em và tôi. Mặt trời chưa mọc nhưng đã hơi rạng. Là giờ bà con nông thôn thời buổi nông nghiệp định hướng xã hội chủ nghĩa đang rục rịch ra đồng, chứ ngày trước thì nông thôn đã rộn từ gà gáy. ‘Thang Halam’ hiện lên giữa sương sớm quê hương nghe thanh bình lạ. Chính nó cũng lạ. Tôi đứng đầu đường nhìn ngôi nhà nhô mình trong khu vườn hồi lâu. Từ ngày em dựng nó lên, cả trăm lần ngắm từ xa, rồi ngần ấy lần nghía nó qua ảnh em chụp gửi đến, tôi vẫn thấy nó lạ. Nó lạ và mới với tôi, mỗi ngày.

Dĩ nhiên, tiểu thuyết có anh em thì không thế thiếu món người yêu ra ngoài cửa đón.

- Em lạ lắm. - Tôi nhìn em thật lâu, nói.

Và cũng là điều đương nhiên, tiểu thuyết đang ở điểm hai người yêu tình tứ thì cũng không thể không có món em đấm vài miếng võ yêu vào vai tôi, kêu nhỏ:

- Anh cứ vậy thôi.

- Thiệt mà! Mái tóc nè, đôi mắt nè, dáng đi nữa… luôn mới lạ. Người lạ trong ‘Thang Halam’ mới lạ…

 

Chúng tôi nằm đó và nghe tiếng động của ‘palei’. Tiếng gió thối vào khoảng trống. Tiếng gọi bò. Tiếng lưỡi cày xé nước ở mảnh ruộng nhà bên. Tiếng côn trùng. Tiếng chim - ít hơn rất nhiều so với ngày đất nước chưa thống nhất, nhưng rõ hơn. Và, tiếng em.

Năm qua - em kể - nhà mình đón khoảng nửa trăm “lượt” khách khác nhau. Họ đến không kể giờ giấc, cà phê, lai rai tán chuyện rồi đi. Dĩ nhiên không quá 9 giờ tối. Em phân bé Hân phục dịch họ. Từ sai vặt cho đến nấu nướng, nhờ chụp ảnh hay ngồi tán chuyện cũng xong, nhưng tuyệt đối không sàm sỡ.

- Đã có vị nào phạm quy chưa? - Tôi hỏi.

- Rượu vào mấy ông mục đó thì hẳn nhiên rồi. Được cái khi bà chủ của nó đi xuống đọc bản quy ước một hai bận, là thôi.

- Ừa, bà chủ của anh mà.

- Con bé học được lắm điều hay với khối chuyện ẹ. Em tính mỗi năm thay người mỗi lần. Cho mấy cháu mới hết Trung học mà hãy còn nhà quê này biết thế nào là xã hội. Em cũng nghe được khối chuyện về cộng đồng, cũ lẫn mới. - Em nằm đây, và nghe. Hoặc xuống dưới vừa làm việc vừa hóng hớt. Nghe thôi, không can dự vào cuộc của họ.

- Ít người quen biết à?

- Nhiều nữa là khác. Có người ngồi cà phê một mình một ghế cô độc góc vườn. Còn lại đa phần họ mang mồi và rượu bia đến, tụm từng nhóm khác nhau, hoặc ráp sòng chung có khi lên đến mươi người, và bắt đầu… lên tướng. Vớ vẩn có, trí thức có, chuyện đồng áng mùa màng có, chính trị xã hội có… Nhiều điều em muốn hỏi để biết thêm, hay muốn góp lời để biện minh điều bất công hay chưa đúng nào đó, nhưng rồi nghĩ lại, không can dự thì hay hơn.

- Hay lắm, em. Em thấy họ thế nào?

- Thú vị, nhưng buồn lắm.

- Buồn?

- Lắm tâm sự buồn không lối thoát. Chuyện riêng hay chung gì cũng buồn. Nhiều kế hoạch lớn không thành, không phải vì họ bất tài, mà nguyên nhân khách quan - như ông Tâm hay nói. Cả khối giấc mơ chết yểu. Rồi bao nhiêu tài năng bị thui chột. Những đổ vỡ không thể cứu vãn…

- Anh rành quá mà, - em tiếp - Cham nòi mơ mộng và nòi nghệ sĩ. Cuối cùng họ giải quyết tất cả bằng gõ chén làm khúc Kate ‘palei’ Cham. Coi như xong chuyện. Có ngài còn đọc tẩm ngẩm đọc thơ thẩn nữa cơ. Hôm kia, cái anh ‘palei’ Katuh đang cơn hưng phấn, kêu em xuống múa.

- Một lần trong đời thôi, mai anh chết cũng cam, - anh ta nói. Em bảo:

- Miễn cho em đi. Đây là nguyên tắc mà.

- Ai ra nguyên tắc thế?

- Ông chủ. Thế là anh ta bỏ đi.

- Em có thích không?

- Nhớ anh, em cũng muốn xuống với họ lắm chứ.

- Sao không?

- Hỏi thế mà hỏi. Một lần được thì có thể hai, ba lần. Một người được thì không thể không ba, bốn người. Có mà bệnh…

- Em giỏi lắm. Thế họ nghĩ sao về ‘Thang Halam’?

- Còn nói gì nữa…

 

- Hôm nay có đám thiêu Cả sư bên ‘palei’ Bauh Bini đó anh.

- Ừ. Em rủ Mân đi nhé, anh nghỉ xíu.

Cả ngày hôm nay, tôi nằm ‘Thang Halam’ đợi em về kể có gì lạ không, bên ấy.

 

- đám thiêu cả sư mà hay ho gì…

- Chàm mình bao giờ mới ngóc đầu được với đời…

- coi thử cái xã hội này mai mốt nhúc nhích tới đâu…

- lại đục sọ cho thiên hạ quay phim chụp ảnh… chán mụ nội…

- để ông Quân gọi là món đặc trưng văn hóa dân tộc…

- dẹp đi… coi như không có nó là xong… Hân ra biểu nè cháu…

 

Hân chạy tới. Nó dạ dạ với người đàn ông ngồi xoay lưng lại tôi không nhận ra. Nó vụt chạy đi.

 

- hai anh thế nào chứ… tôi thì cần đạp đổ… đập nát nó đi…

- nhất trí cao…

 

Tôi nghe tiếng đập tay lên bàn đá đánh bộp, rất to. Ba bóng đàn ông hiện ra lờ mờ qua màn cửa sổ ‘Thang Halam’. Quân nữa, người khá thân quen. Tôi nhấc cái sơ-mi tính đi xuống, nhưng thôi. 9:12 giờ. Tôi chắc giờ này em cũng đang thưởng lãm món lạc hậu đáng bị mấy ông đây đập nát với đạp đổ ấy.

 

- phải dám bắt đầu…

- bắt đầu từ đâu nào…

- dẫu sao cần phải thay đổi tận gốc rễ…

- phải thế thôi…

- chú Lành cho ta vài cục đá đi…

- xin lỗi… tui không…

- không… tôi lavie…

- không ba cùng với quần chúng là không thể thâm nhập thực tế…

- hèn gì cái Vân không chịu nổi ông…

- các ông làm như mình ham uống lắm…

- tối qua arsenal đá chán chỉ muốn đập cái tivi…

- nào… giải khát đi…

 

Tôi nghĩ họ sắp cãi lộn. Nhưng không…

 

- hai bác nên biết qua đoạn văn này… sau đó chúng ta cùng thảo luận…

Vương quốc Champa sụp đổ, dân tộc chìm vào trận đại khủng hoảng, ba thái độ [ba giải pháp] chủ đạo được trí thức Cham đưa ra. Chúng thể hiện rất rõ qua văn chương, mà hôm nay con cháu còn được biết. Có thể cho đó là ba thái độ mang tính quyết định. Twơn Phauw, Glơng AnakPauh Catwai là các khuôn mặt tiêu biểu. Twơn Phauw chủ trương bạo động [cả hành động], và đã thất bại. Hậu quả của nó thật khôn lường. Glơng Anak: cần bảo vệ dân đen đang trong cơn khốn quẫn. Và Pauh Catwai: bảo tồn nền văn hóa to lớn tổ tiên đã dựng nên.

- thôi thôi… cũ rích rồi…

- ừ… thế giới khác rồi… Chàm cũng khác rồi…

- biện chứng lịch sử các bác à… có cũ mới có mới… có quá khứ mới có hiện tại… tôi nghĩ khám phá của nhà văn này rất đáng rút ra cái gì đó…

- văn hóa là văn hóa nào… nếu là từ cái lò của Ấn thì có đáng không…

- mấy thứ nhát gan ấy phải chịu trách nhiệm trước lịch sử… trách nhiệm về vụ Chàm này phá gia bại sản…

- rõ như bàn tay rồi… à… vụ gì muốn nói lại quên hè…

- dẫu sao cần phải có cái nhìn biện chứng các bác ạ…

- biện chứng cái con khỉ… bác Chinh để râu quai nón vậy oách hơn đấy…

- giờ này ai còn muốn oánh nhau nữa… Chàm còn mấy mống mà oánh…

- chú Lành thủ hai lon đi…

- dạ… để em…

- thì cứ để cho tôi trình bày xong xuôi đâu đó đã… rồi ta cùng đóng góp để hoàn chỉnh…

- Chàm mình ngu thế chứ…

 

Sau vài đợt gió lạnh và khô, mới mười giờ trưa nắng Phan Rang đã làm hanh. Ngoài hành lang ‘Thang Halam’ trông ra vườn, ba ông tuổi U40 tụm quanh cái bàn đá tròn, ngực ưỡn như sẵn sàng đối phó với đối thủ vô hình. Lạ, ba người mỗi kẻ mỗi điệu. Một, trước mặt là thùng bia Sài Gòn với cái ly đầy muốn tràn, một là phin cà phê đang nhỏ giọt, một nữa đang lưỡng lự, một còn lại lon coca cola chưa khui. Quân cầm ly lên, tu một hơi rõ dài. Em nói ‘Thang Halam’ chưa bao giờ gọi là thiếu phong cách ấn tượng.

 

- dù gì thì gì… là thành viên trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam thống nhất… bạo động thì không được rồi…

- có ai kêu bạo động đâu…

- tui nói ông Inrasara mãi quay đầu nhìn ra sau lưng là vậy…

- hượm đã… thì nhất trí với ông… chứ ai có nói bạo động đâu… chúng ta có mỗi chọn lựa… là tồn tại dân tộc và bảo tồn văn hóa…

- văn hóa là văn hóa nào cơ chứ…

- ông bình tĩnh giùm đi nào… bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền… tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… để sáng tạo ra cái mới… là chủ trương của Nhà nước… bà con ta toàn tâm toàn ý hử… không lo bị đồng hóa mà còn theo kịp đà tiến bộ của nhân loại…

- mi học lại hệt những gì mi nói đâu hồi cuối thế kỉ trước rồi…

- vẫn còn nóng bỏng tính thời sự bác à…

- kéo Chàm tiến về thời đồ đá thì chết bỏ mụ…

- chú Lành nói phải đó… đây không bàn về nhà thơ Inrasara mà là ông bà ta… sau thời chạy loạn ấy… ông bà ta đã có một chiến lược hành động… để vượt qua định mệnh… hiện nay thời đại toàn cầu hóa đặt Chàm vào thách thức khác…

- đồng hóa là cái chắc… không cách này thì kiểu kia…

- hôm nay có anh Chinh… ta thử thảo luận thật nghiêm túc vào nào…

- ồ… bác Abdul khui đi chứ…

- tôi không biết mình có nên làm vài lon không…

- anh tài hội tụ… cũng nên lắm…

- vài ông Đảng viên làm to thì đều lấy vợ Kinh… còn cái bà nghị Chàm mẫu hệ dạy con nói tiếng Việt…

- Hân ra đây biểu cháu…

 

Hân chạy tới. Con mắc trong bếp, cei ở trỏng vừa về, - nó nói.

 

- tôi hiểu ý bác Chinh… nhưng đó chỉ là hiện tượng…

- bản chất là gì… nếu không là đống hiện tượng gộp lại…

- à… anh nào nói thế nhỉ… à Mác đúng rồi Mác… vậy mà suýt quên…

- tối qua cái Vân nó la ông mua cái sộp chi để mỗi bận thua mỗi bận đòi đập…

- tậu thứ chân gỗ Bentner về làm tiền đạo… đập là trúng rồi…

- mi hiếp cái Vân quá có ngày… ta cảnh báo đó con…

- cần phải thực tiễn các bác à… như tôi Đảng viên đây… có mất bản sắc hồi nào đâu…

- nên ông Quân mới ì ạch… có lên ông lớn cho tụi này nhờ được đâu…

- xưa ấy ông Les Cosem nhận quách một đảo Indo cho khỏe… Quân phụ trách mấy lon này đi…

 

Im lặng.

- lâu lâu có anh Chinh về… mình thử bàn chuyện nghiêm túc… nếu anh em Chàm tin đấng Allah… sẽ không còn phản bội hay đi đêm… không còn vụ đâm nhau sau lưng… chỉ đến lúc đó ta mới có thể nghĩ đến chuyện lớn…

- ông tiếp đi…

- Chàm sẽ có nội lực… thêm sức mạnh từ bên ngoài…

- nói ông đừng giận… ở Ả Rập còn có mỏ dầu hút lên để mà xài… Chàm đất nắng này nuôi cừu còn không đủ ăn… mà suốt ngày mấy ông quanh đi quẩn lại cãi nhau vụ mỗi ngày tám lượt hay chục mười hai bận lạy… có mà gặm đất con à…

- tôi nói về tập hợp sức mạnh tâm linh…

- mèng… tâm linh… chớ suốt trăm năm của thế kỉ hai mươi… có anh khoa học nào ở xứ dầu mỏ Ả Rập nuôi dậy mà giật được cái Nobel không… còn tập hợp… Hồi giáo phân cành tẻ nhánh bát ngát đang oánh nhau nát bấy kia ở đó mà kêu tập hợp…

- công nhận Abdul có sức tưởng tượng bay bổng phải biết… bỏ bầy cừu vào Sài Gòn làm thi sĩ mới xứng…

- bác Chinh muôn năm… cạn rồi làm lon mới đi…

- mi nhảm quá xá…

- mới sớm mà ông Quân làm hết nửa thùng gan chịu sao thấu…

- đồng đội từng sống chết phản bội nhau là chuyện cơm bữa…

- nên Chàm mới cần tâm linh…

- đâu phải ông hô biến một tiếng là mọi mọi Chàm thành Muslim đâu… ông phải truyền đạo… phải biết dỗ ngon dỗ ngọt…

- thì truyền đạo…

- ông phải đấu lại tôn giáo khác… đấu với mấy phái Hồi linh tinh nữa… rồi sao biết không…

- chân lí không chiến không giành được…

- rồi thì xã hội Chàm bé chuột nhắt này hộc máu thêm lần nữa cho mà coi… lúc đó sinh linh Chàm tháo chạy chả còn mống nào cho ông truyền đạo nữa không chừng… 

- dzô đã mới tin… chứ mấy vụ ôm bom kia đào ở đâu ra… nếu không phải…

- anh Chinh thành kiến thế là không được rồi… bản chất của giáo lí nưbi Mohammed khác cơ… nhóm cực đoạn ai mà tính…

- sức tưởng tượng bay bổng kia không làm thơ phí quá…

- đủ thứ chuyện trên đời…

- nè ta hỏi thật mi… tại làm sao Bà Trời hốt cái nắng đổ xuống Phan Rang này…

- làm sao…

- để ông nuôi cừu đó… vậy thì ông hãy dồn tâm trí nuôi cừu cho mập vào đi là được việc…

- nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân e hai bác bảo tôi học sách… Chàm ôm cả đống thuốc phiện đang tự lôi nhau xuống bùn…

- lắm thần mới ra nông nỗi… tin tôi đi… chục năm nữa thôi Chàm nát bét hết…

- chưa chi nắng oi vậy coi chừng chiều mưa đó…

- Chàm mình ngu thiệt… thằng nào khôn thì quá trời khôn…

 

‘Thang Halam’ bỗng chốc vắng lặng. Em bảo mọi người qua đám thiêu cả sư, sáng nay anh mặc sức nằm nghe tiếng động đồng quê.

 

- chưa bàn về chuyện nhất thần hay đa thần… cứ ngó lịch sử lưu vong Chàm… kéo qua Cam Bốt theo Islam Chàm thành Java Kur… chạy sang Mã Lai theo Hồi giáo thì hết còn kêu mình Chàm… lặn lội tận Thái Lan cũng thế… thằng Hòa bạn ta thế mà ranh…

- ông cứ bề tối mà nhìn…

- em không nói Chàm hiện tại mà quá khứ cơ… chả còn mống nào biết chơi trống ginơng hay baranưng… quên luôn cả akhar thrah… chả còn ma nào ý định trở lại cố quốc… hai ông tin tui đi… không phải cuồng tín… còn thực tế… hai ông cứ nhìn sang các dân tộc thiểu số Tây Nguyên…

- họ sao nào…

- rất nhiều cái được… họ vẫn hát sử thi… vẫn ở nhà rông… vẫn nói tiếng dân tộc họ… có mất là mất nếp uống rượu bét nhè… mất mấy tập tục lạc hậu… họ vẫn là dân tộc Giarai, Bana, Êđê… theo Tin Lành thì được chớ không mất… 

- à… khéo chú Lành lôi Chàm chui qua cửa Chúa rồi…

- Chàm biết gì về Chúa… lại học đòi… lại gánh thứ ngoại nhập lạ huơ lạ hoắc ấy vào…

- tôn giáo tân tiến anh à…

- hay… Chúa tân tiến ok lắm… hàng nhập khẩu từ Mỹ với Hàn mà lị… nhưng cho ta hỏi Đức Chúa nào đây… Đức Chúa Trời của bà M hay của chú C… của anh B hay của cô A… rồi mai mốt thêm Đức Chúa Trời khác… cậu nó bảo ông anh tin theo ai đây…

- rối thêm chứ chả được mẹ gì… trong khi truyền thống Chàm đã theo Islam…

- tôn giáo do con người hãi quá đẻ vội từ thuở còn ăn lông… thời nhân loại còn con nít…

- tôi hỏi cậu Bà-ni là Islam chớ gì nữa…

- ông vô thần biết gì… đi mà liếm…

- nói ông đừng giận… thế giới đâu có Hồi giáo là có nổ bom… Việt Nam đâu có Tin lành là có lộn xộn… hỏi làm sao chính quyền có thể thương người dân tộc cơ chứ…

- thương với chả thương… thôi không nói nữa… ông cứ cắp rổ đi ăn mày lòng thương… con nhỏ Tâm nói thế mà có lí…

- bám váy nó có ngày váy nó tụt đấy con… đến đó chớ trách ta không cảnh báo…

- chỉ là tai nạn của đợt bão cấp năm ngoái…

- nó thì kể nó tránh mà mi cứ lao vào…

- Chàm mình chán thiệt… tôi đi đây…

- thế nào chớ theo em đạo Chúa văn minh hơn hết thảy…

- dzô đi… ông Quân cho tui mượn cái ly…

- phải thế chứ… bác Chinh bia luôn đi…

- hết rồi à… nhanh thế… hay qua nhà tôi…

- dân Do Thái giết Chúa nên bị Chúa đày… dân châu Phi da đen khổ sở cũng do thờ sai Chúa… Chúa cả chục Chúa khác nhau… mục sư cả đống cả vạn… thế thì hỏi đâu là khuôn mặt Chúa nhân từ chính hiệu con nai vàng…

- vứt mẹ Chúa Phật… vứt mẹ Allah hết đi… cứ Chàm mà sống… tới đâu hay tới đó…

- nhỏ Tâm nói chí phải… hai ông Chàm túm tụ là cãi nhau…

- không nói không nói nữa…

- nói ra thì các anh kêu nịnh bợ Đảng… đầu óc Chàm cứ là thiếu thực tế… cả ngày nghĩ trên sao rua… giả dụ nhiều Chàm học cho giỏi vào… vô Đảng cho thật nhiều vào… thì ai mà dám hiếp mình…

- ông Quân nằm mơ rồi… đạn có đạn 89 li có đạn một li rưỡi… có đạn nổ to có đạn xịt… có đạn thật đạn giả… thôi qua nhà ông bảo cái Vân kiếm mồi đi…

- em đi đây…

 

Phía dưới kia bỗng im bặt. Như thể cúp điện.

Tôi mở cửa sổ nhìn ra. Họ vẫn còn đó, cả bốn, không ai nhìn ai, mỗi người ngó mỗi hướng. Những con người đang ôm hoài bão vạch định tương lai cho cộng đồng Cham ấy. Gần như mọi sợi dây liên hệ giữa họ đột ngột bị ai đó giật đứt. Chỉ còn vài tiếng chim trưa quanh khu vườn ‘Thang Halam’ kêu lạc lõng.

Cũng cần hỏi thăm mấy sinh linh đầy cá biệt này, tôi khoác vội áo sơ-mi, đi xuống.

- Xalam!

Họ quay lại, cười. Như thể cái máy vừa bật công tắc.

- Không đi đám à?

Không ai trả lời tôi. Cái cười vẫn còn đọng trên mặt cả bốn. Tôi đặt nhẹ chai Whisky xuống bàn đá.

- Vắng nhỉ, - tôi nói, rót rượu vào ly nhỏ. Tôi cố ý rót thật chậm.

- Nản lắm, anh à. - Quân nói.

- Thì cũng cần ngó qua cho biết.

- Em không nói cái đám, mà về tình hình Chàm.

- Chuyện muôn năm cũ thôi, anh. Bà-ni một đường, Chăm một nẻo. Rồi mạnh ai nấy làm. Mỗi thầy mỗi khác mỗi ‘palei’ mỗi khác. Anh quá hiểu mà… - Chinh nói một hơi. Tôi thò tay qua bắt tay anh.

- Bia với tụi em luôn nhé?

- Thôi, lỡ rượu rồi. Thế các bạn muốn họ thống nhất à? - Tôi hỏi.

- Hẳn nhiên rồi… Giọng Abdul nhiệt tình lộ rõ.

- Vậy thì thống nhất theo ai đây?

Abdul khựng lại. Tôi ngó sang Quân, rồi Chinh. Họ quay lại nhìn nhau rồi ngó lãng đi.

- Tôi có ý này cũng vui vui. Có phóng viên nọ hỏi một nhà văn Cham, sao ông không tập trung nghiên cứu văn hóa Cham đi, mà bõ tốn công sức cho phê bình văn học đương đại? Ông ta nói sao, các bạn biết không?

- Anh nói luôn đi.

- Đại ý như vầy. Phê bình hậu hiện đại nỗ lực giành lại sự công bằng cho các dòng văn học ở phía ngoại vi. Nó đạp đổ bức vách ngăn mang tinh thần đối xử phân biệt tệ hại. Văn chương là một phần của cuộc sống. Phê bình văn chương hậu hiện đại, cách nào và phần nào đó, là nói cho văn chương Cham và xã hội Cham. Nó tác động đến sự nhìn nhận của cộng đồng khác về Cham, trước mắt hay lâu dài. Đại ý thế.

Tôi ngưng, nhìn quanh xem phản ứng của ba người khách. Không gì cả.

- Trả lời thế là rất oách đó. Nhà văn này tiếp rằng hậu hiện đại chấp nhận Cái Khác, đòi hỏi những Cái Khác cần được đối xử bình đẳng với mấy món từng được xem là chính thống.

- Lại lí thuyết thôi. - Abdul nói. - Chàm mình quanh đi quẩn lại cư mỗi món nói nói và nói.

- Ẹ, căng nhỉ. Thôi, Quân cho anh ly bia luôn đi cho khí thế. - Tôi nói.

- Ta vào thực tế nhé. Sáng nay, trong khi đám thiêu cả sư đang diễn ra, thì có bốn ông Cham đến ngồi ghế đá vườn ‘Thang Halam’ chê nó lạc hậu đáng bị đạp đổ đi. Vì bốn ông có suy nghĩ khác. Trước cái bàn nhỏ đó, bốn ông Cham cũng có đến bốn thứ khác. Abdul coca, Quân bia Sài Gòn, cậu Lành nước suối, ông Chinh thì cà phê. Bây giờ thêm tôi vào là rượu Tây. Vậy mà chúng ta vẫn ngồi với nhau được. Thử ngó xa hơn, Abdul là Muslim, cậu Lành nó tín đồ Tin Lành, ông Chinh vô thần, Quân đảng viên Đảng Cộng sản, còn tôi Phật tử. Nghĩ vui xíu, nếu có mạng Cham nào vào ngồi đây có lẽ phải thêm món khác nữa. Vậy mà năm mình cứ là Cham, mới khoái. Bảo tôi dẹp rượu Tây hay Abdul tạm bỏ cà phê để uống bia cho hòa khí thì được, chứ buộc kẻ nào từ bỏ cái của mình để theo ai đó, thì có bà Trời cũng chịu thua, không phải sao?

Im lặng.

- Hay cứ nói như ông nhà văn kia đi, học biết chấp nhận Cái Khác thế nào rồi Cái Khác của ta sẽ được đối xử bình đẳng. Thì nói cho có lí thuyết tí, khi nào nội bộ Cham biết chấp nhận những cái Khác của mình, ta mới đòi hỏi Việt Nam chấp nhận và đối xử công bằng với những cái Khác trong đất nước này. Việt, Cham, Giarai, Churu, Tày, Miên, Kơho… rồi cả khối cái khác khác nữa.

- Thế nào cũng phải cụng xíu chứ... - Quân giơ cao cái ly.

 

Tôi làm một hơi hết ly bia lớn, rồi xin kiếu. Tôi tệ quá, can thiệp vào chuyện của khách. Còn thua cả em. Lại lên giọng trịnh trọng nữa chứ.

Biết em đi đám thiêu cả sư có gì lạ không?

 

- trời đất thời này ngán thật… muốn nắng nắng thích mưa mưa…

- ‘Thang Halam’ thiếu bà chủ mất đến một nửa cái hứng…

- nó đi xíu về ngay thôi mà…

- sao ông bảo đạp đổ mẹ nó đi…

- hay qua tôi đi… tôi ngó giàn nho xíu rồi làm tiếp… không con vợ nó lại bảo…

- thì cũng cần biết qua vụ cả sư thời nay chớ…

- hết nho đến cừu mất giá… không biết kiếp nào Chàm này ngóc đầu lên với thiên hạ…

- không biết thằng cả tao có gieo phân cho đám gò chưa…

- thôi tôi đi đây…

 

- Chiều nay ‘Thang Halam’ vừa đón khách đặc biệt đó. - Em chạy vào, kêu lên.

- Đặc biệt à?

- Anh không nhận ra cái giọng trầm vang đó sao?

- À, bác Hòa. Đúng rồi, không lẫn được. - Tôi nói.

- Hàng độc đấy.

Cei Trăng kể, năm kia giữa trưa nắng, bác xuống biển Ninh Chữ tắm. Đang bơi ngon lành thì hai mẹ con cá sấu xuất hiện. Sấu con phát hiện ra mồi thì ham, muốn tấn công ngay. Đánh hơi thấy lạ, sấu mẹ mới kêu giật lại: - Khoan con, để mẹ coi đã. Sau khi lượn vài vòng quan sát, sấu mẹ quay lại nói nhỏ vào tai con: - Con ơi, mẹ sống gần hết đời sấu chưa thấy thứ gì hình thù kì dị như thứ này. Tránh xa là khôn hơn. Cả hai mẹ con bị xơi tái không chừng. Thế là hai mẹ con sấu lặng lẽ bơi đi.

- Cái anh này, khéo bỡn.

- Thì chính bạn thân bác ấy kể mà.

- Biển làm gì mà có sấu. Làm gì bác ấy dị dạng đến hai con sấu cũng phải bỏ chạy!

- Thì mới nói. Cei Sara còn kể thuở trung học bác ấy đẹp giai học giỏi con nhà giàu, bây giờ thành ra thế mới biết công phu biển dâu của Hóa công. 

- Bạn nối khố chơi nhau thế là cùng.

- Đạo sĩ Bà-la-môn sá gì đẹp xấu của cái thân tứ đại. Anh đọc đâu đó cei Sara khẳng định Hòa là đạo sĩ Bà-la-môn chính hiệu. 

- Có cei Sara không em? - Tôi hỏi.

- Đương nhiên. Cả cei Trăng nữa. Em tưởng thiếu cei Huynh, rốt rồi cũng đủ mặt anh hào.  

- Bộ tứ nguyên tử ấy mà. Có nước đi theo ông bà họ mới chịu thiếu nhau.

- Có nên xuống với các chú không, anh?

- Cứ ngồi đây đi, em.

- Em thấy đó. Mập ốm với cao thấp khác nhau, hoàn cảnh vị thế khác nhau, tâm tính hay sở thích cũng khác nhau mà sống với nhau được đến nửa đời người, vậy mà cứ hô Chàm mất đoàn kết.

 

- Bà chủ nhỏ đâu rồi? - Hòa lớn tiếng.

- Thôi ta tùy nghi đi, - Huynh nói.

- Nói như Sara, cứ tùy tiện chủ nghĩa là chẳng phiền ai. - Trăng nói.

- Bà chủ ra chào khách một tiếng chứ!

- Dạ, cháu đây ạ. - Hân chạy tới. Cei Sara nói cái gì đó, nó chạy đi.

- Nói chủ nghĩa tùy tiện mình mới nhớ, hôm qua đọc ông Sử Văn Ngọc ghi akhar thrah trong ấn phẩm Di sản văn hóa Chăm bằng năm dạng kí tự mà cười đến tận sáng nay vẫn còn thèm cười.

- Có gì hay ho nào?

- Này nhé, chẳng dông dài chi cho mất lòng. Ổng viết xakawi, phunti, di, kami… khỏi cần có tut mưk dalam luôn. Miễn tốn giấy mực.

- Bậy nào! Ai lại viết thế chứ. Yut dòm kĩ chưa, hay lỗi kĩ thuật.

- Kĩ thuật thì nói làm gì. Đó mới đúng bản sắc Cham. Tiếp nhận truyền thống với cá tính sáng tạo. Hai món này đi kèm mới đúng điệu đậm đà. - Cei Sara cười to. - Truyền thống tùy tiện chủ nghĩa. Và sáng tạo độc quyền.

- Cham mỗi người mỗi thế giới. Chưa ngó qua cuốn sách mình cũng tin là thiệt.

- Vậy thì hết thuốc chữa rồi còn gì. Tùy tiện sao chớ, xưa nay ông bà ai làm vậy bao giờ.

- Thế mới gọi là đỉnh cao của chủ nghĩa tùy tiện. 

 

- Cham mình buồn cười anh nhỉ? - Em nói.

- Không buồn cười đâu. Cei Sara truy thì miễn cãi. Để xem các chú bàn sao đã.

- Ý em sao lại có người nghĩ ra trò đó chứ.

- Thì chủ nghĩa nào cũng cần đến sự phong phú đa dạng…

 

- Nè, mấy yut xem, chữ nghĩa rành rành đây nè. - Cei Sara xòe một tờ giấy photo ra. 

- Trời đất! - Huynh kêu lên.

- Viết sai quá cha sai sao lại đi kêu là chủ nghĩa?

- Chủ nghĩa, chả sai đâu. Trật tự… trật tự nào…

Này nhé! Cộng đồng nhỏ bé Cham ai mà chả biết ông Liêm giỏi Xakawi. Mỗi năm là mỗi làm Xakawi cho bà con xem ngày cưới tháng lễ. Mà yut biết sao không? Thế nào rồi cũng có mươi ông làm Xakawi khác cho mà xem. Chỉ cần xê xích cho khác cái ông kia chút đỉnh, là thành đặc sản rồi. Lẽ nào thế giới Cham mỗi ông Liêm là biết Xakawi! Đơn giản thế.

- Thì lịch Việt cũng vậy, có chi mà tùy tiện?

- Chính xác. Xakawi mênh mông thiên địa, biến thiên sao cũng được. Chứ chữ nghĩa thì sao? Sara viết “cảm ơn” là ‘đwa karun’, lôi ra bao nhiêu là luận cứ sách vở khoa học làm chứng. Đụng chuyện, mấy thầy hạ quyết tâm xài chữ khác. Dứt khoát là phải khác. Và khác cả nhau nữa. Hết ‘đwa dhar’ đến ‘đwa dhar phôl’, rồi ‘đwa ơn’ nữa đâu có chừa. Dễ lắm, ta thua gì cái ông Inrasara! Tội là họ cứ nghĩ cái chữ đwa karun này do mình đẻ ra, mới oan. 

- Biết đâu họ đúng…

- Moa không nói đúng sai, mà là tùy tiện. Tùy tiện này có truyền thống hẳn hoi. Hai thế kỉ trước ‘Xakawi’ tùy tiện đến thành ‘Xakawi bak nưgar Lịch tràn xứ sở. Thế mới xảy ra vụ tác giả Ariya Harei Mưlơm đã thề độc, ai dùng ‘Xakawi’ sai thì tàn mạt cả dòng họ. Mình nghĩ nhà thơ này hơi độc đoán. Độc đoán hệt vài trí thức mấy năm nay.

Thôi, ta cụ thể xíu nhé. Chữ “buồn”, Từ điển Aymonier đầu thế kỉ XX ghi ba cách, chữ “hoa” có đến mười cách viết khác nhau. Chú ý con số này: 10 chẵn chòi, không thiếu 1. Hỏi không tùy tiện thì kêu là nỗi gì? Qua hậu bán thế kỉ, cha Moussay cùng bảy trí thức Cham thấy như vậy thì hơi phiền liền ra tay rút gọn, để mỗi chữ còn một hay hai cách viết. Đến cuối thế kỉ, Ban Biên soạn sách chữ Chăm gồm non hai chục ông toàn trí thức gạo cội sáng mở mắt ra thấy thế vẫn chưa ổn, bèn phát huy truyền thống kia, dấn thêm một bước. Thế là ‘akhar thrah chuẩn hóa ra đời. Tưởng vậy là đã ăn ngon ngủ yên, đùng cái bước qua thế kỉ XXI, chục ông cũng là trí thức cồ chán đã hô to rằng cần phục hồi lối viết thời Moussay. Ai kêu lối đó truyền thống là ăn gian, chỉ là truyền thống Moussay thôi. Hay gọi là truyền-thống-đời-giữa cũng được.

- Khoa học luôn có cái nhìn xét lại, yut không thấy cần thiết sao?

- Đúng lắm. Nhưng hãy tưởng tượng, giả sử ta giao cho ông Sử Văn Ngọc làm cái từ điển mới cho Cham, điều gì sẽ xảy ra? He he… Giống như ta viết tiếng Việt: tat nươc băt cá!

 

- ‘Yut bồ đồng ý lối làm kiểu đó à?

- Thế là bố đậm đà rồi còn gì. Đậm đà cần cấp giấy chứng nhận.

- Chính tinh thần tùy tiện làm nên đặc trưng văn hóa Cham. ‘Xakawi’ với ‘akhar thrah’ tùy tiện thì rõ rồi. Chứ xưa ngày tháng ăn Katê ông bà ta còn chả ngán tùy tiện nữa là. Yut không để ý, ngay quý Ông Mưdôn hát damnưy trong các lễ Rija ứng tác trên văn bản cũ, tùy hứng đáo để. Tùy tiện ngay trong lễ linh thánh. Dân tộc mình tồn tại và phát triển trên nền tảng đó.

- He he… Thế là không tùy tiện mới phi truyền thống. - Huynh nói. 

- Mình thấy Sara ủng hộ lối viết chữ Cham của Ban Biên soạn mà. Nghĩa là muốn tiêu diệt trọn gói tinh thần tùy tiện đặc trưng kia.

- Dạy trẻ con thì phải thế, hoặc không cần thế cũng chả sao. Lớn lên, chúng tiếp thu truyền thống ông bà mà tùy nghi, tùy tiện. Cứ để cho chúng làm thế. Chả vấn đề gì trầm trọng cả. Còn lâu Cham mới để cho mất ‘akhar thrah’. Bát ngát tùy tiện, vậy mà ông cha ta xưa có ai mù chữ Cham đâu. Thế mới là kì tích. Rắc rối chỉ xảy đến, khi kẻ nào đó nổi hứng học đòi duy ý chí Tây phương muốn mọi người theo ta. Vỗ cái ngực lép cho rằng ta luôn đúng, là trật to.

 

- Buồn, anh nhỉ?

- Đà này chắc ngày nào đó dân tộc Cham nên tính đến việc xuất khẩu chủ nghĩa tùy tiện ra thế giới quá, - tôi nói.

- Thứ chủ nghĩa ai có quyền theo hay không theo cũng được, đúng cốt tủy tinh thần tùy tiện. Bà Trời sinh ra dân tộc này đích thị là nòi cá biệt, không sai.

- Dạ, - em cười mà như mếu. 

Tôi kể…

Em biết không, anh có ông anh họ xa. Thông minh thì có thừa. Thường tài cỡ đó thiên hạ đổ xô vào Y, Dược. Vừa giải quyết khâu oai vừa tính đường xa kiếm bộn tiền sau này, chứ ảnh thì miễn chấp. Gặp thời khoán trắng, anh thi vào Đại học Nông lâm, ôm lí tưởng cách cái mạng lối làm ăn cò con của nông dân Cham. Qua tháng đầu năm nhất về quê Katê, cha nhờ ra thăm ruộng. Ngó thấy đám ruộng ba sào lúa mới qua nửa tháng mà lênh láng nước, không thấy đâu đầu ngọn lúa. Làm ăn thế này thân lúa mang bệnh có ngày. Thế là, a-lê hấp. Anh tháo và canh chừng mực nước xuống vừa hai phân rưỡi tính từ gốc lên, rất đúng bài. 

Chiều, ông bố biết chuyện, kêu trời: - Mầy hại tao, mầy hại tao rồi.

Ông anh sách vở kia không biết đó chính là ngón tủ của người làm ruộng nhà nghề. Bà con Cham kêu là pagrơk harơk’, tức là diệt cỏ bằng phương pháp “nhận” nước. Sau ba ngày “nhận”, đố còn mầm cỏ nào sống sót, thế là cây lúa không bị ai giành đất, cứ thế mà lớn nhanh lớn mạnh lớn vững chắc. Còn miễn được cả mấy chục công nhổ cỏ. Đơn giản vậy thôi.

Sau vụ đó, có túng tới đâu, ông bố chả còn dám nhờ tới kĩ sư tương lai này nữa. 

Chuyện khác. Bốn năm dùi mài rồi cũng ra trường. Lí lịch tốt với điểm cao chót vót, là nhất rồi. Anh được Huyện khoanh dấu tròn, tuyển ngay về Phòng Nông nghiệp, dăm ba năm sau ngồi vào ghế Phó Trưởng Ban Kế hoạch, chớ có đùa. Thế nhưng chân ướt chân ráo vào, ngày đầu còn giữ phép với nhau, ngay hôm sau đám ma cũ biến anh thành nhân viên sai vặt lúc nào không hay. Tuần thứ nhất, tuần thứ hai anh còn chịu, đến tuần thứ ba anh nổi cơn phản kháng. Mấy ông chưa học xong trung học, biết quái gì mà lãnh đạo. Anh muốn làm thầy, và quyết làm thầy. Ừ, thì làm thầy. Và anh làm thầy đến cuối tháng, kí nhận đồng lương đầu đời, thì hết giai đoạn… thử việc. Cũng là ngày cuối cùng anh ngồi chốn chả đáng ấy.

Chưa hết phim đâu. Ông anh được trời cho năng khiếu viết ‘akhar thrah’ thuộc loại siêu. Ban Biên soạn sách chữ Chăm nghe tin anh hết công tác ở Huyện, như thể bắt được vàng. Thế là khỏi cần vận dụng văn hóa chạy, tất tần tật hồ sơ anh được chuyển lên… Tỉnh. Hú vía! Thông minh, thêm món cần cù lại có lí tưởng, cái Ban lương chết đói này còn đòi gì nữa. Cuối năm, anh được phân công ôm bản thảo thô lên tàu lửa ra Hà Nội viết can. Vốn kĩ tính, anh ngày đêm cắm cúi đọc. Đọc, để mở to mắt, liên tục chậc lưỡi, rồi lắc đầu và… sửa. Sao ‘phwơr lại đi viết thành ‘phôl’, ‘pamaung’ viết thiếu ‘dar sa’ rồi nè, ‘lin talin’ ai đi bỏ ‘tut kai mưk dalam’ vào đây nữa… Các bác làm ăn thế nào chớ. Bốn, năm tác giả cặm cụi cả năm trời ít oi gì cho cam. Anh tiếp tục chương trình sửa và sửa. Bực thì có bực, nhưng vui. Vui, vì chính cán bộ trẻ tuổi nhất Ban này chứ không phải ai khác đã phát hiện ra hàng loạt lỗi, và sửa giùm. Nghĩa là bước đầu mà đã có đóng góp đáng kể.

Cuối tháng, hí hửng ôm công trình về. Tổ chuyên môn ngó qua bản in bông, chết lặng. Họ không phải kêu trời nữa, mà mời thủ trưởng đến, xin bàn giao cha nội tùy tiện với thành phẩm tùy ý này cho Trưởng Ban tùy nghi xử lí.

- Phim bộ này kéo dài thêm mấy tập nữa, nghe đồn thế.

Tôi cười. Em cười theo.

 

7.

- Anh à, em thấy bác Tùng này kì dị lắm.

- Là thế nào, em?

- Bác ấy hay nói to và nói xốc, mấy bận mọi người bỏ đi. Vườn ‘Thang Halam’ là để người anh em hỗ trợ anh T’Maung, chớ chiến kiểu bác ấy gay quá.

- Em tính sao?

- Không biết làm sao nữa. Hôm trước em định xuống nói với bác ấy, nhưng rồi thôi. Bác ấy qua Cam khi bên đó đã xong xuôi, người ở đây nói bác ấy bị đứt vài sợi gì đó.

- Để anh xem đã nhé.

 

[Câu chuyện ghi lại]

- Ta nói Chàm muốn hay không cũng chỉ làm con cờ. Muôn năm thế. Không phải con rối cho người giật dây, mà là con cờ theo nghĩa đen thui ấy. To hay bé, ngắn hay dài hạn, không thế này cũng thế nọ, muôn đời là con cờ. ‘Aih di palak tangin kuw ni’ Ỉa vào bàn tay ta nè.

- Ông chỉ có mỗi món nói ngược mang ra xài.

- Ta ba bận chết hụt… hiểu hết… biết hết. Cùng nòi mạng cùi Chàm cả thôi. Tây đạp thì chưa là gì cả, mấy thằng lính Pôn Pôt đạp mới biết thế nào là địa ngục. Thằng T’Maung hâm ấy, ta biết bố nó, biết cả ông Pỏn bố của bố nó. Đào hầm với giấc mơ một nhân loại mới, mấy thứ đó không đáng cho con nít cười. Chàm phá Chàm thôi cũng đủ tiêu đời chớ đừng nói ông Từ Tâm cưỡi ngựa về phá.

Chớ như mấy mụ đàn bà ngoài chợ kêu ta đứt. Ừ thì cứ cho ta đứt bảy sợi đi, thằng này biết hết… hiểu hết… dỏng tai lên mà nghe…

Bốn thập niên tuần tự bốn con cờ được mang ra thí nghiệm. Ông kê ra nè…

Con cờ thứ Nhất, tạm gọi là Ông Tốt Số.

Lý lịch tốt thì hẳn rồi. Không tài cán gì đặc biệt, càng tốt. Còn trình độ học ví mà trung bình, thì ta bổ túc. Bằng cấp thời buổi này dễ ợt. Cứ đặt vào đít ông ta cái ghế tầm tầm đã, sau đó mỗi năm ta đôn lên. Từ quần chúng, lên tới đâu mà chả được. Thế là, hai chục năm sau ngoảnh lại cái ghế ông cao chót vót. Kẹt cái, làm chính quyền có to cỡ nào đi nữa, phó thường dân có buộc khăn lạy đố có ai tin. Thế nên nói con cờ này được dựng lên cho có lệ là vậy. Họp hành, ông cứ gật hay nói hàng hai là trúng. Mọi cuộc lễ, ông đóng thùng thật oách, lên đọc diễn văn kính thưa trên thân mến dưới, cuối cùng vỗ tay lốp bốp là xong. Lương lậu nhận về đưa cho bà xã đầy đủ, là đến hẹn lại lên. 

- Không cho Cham làm lớn thì bảo chèn ép, cho thì kêu con cờ, có trời mới vừa ý ông.

- Chưa hết đâu, con cờ thứ hai mới tợn.

 

Đặt tên khai sinh Ông Phó Ỡm là trúng bài.

Trí thông minh tầm trung bình yếu. Nói ra thì kêu phân biệt đối xử, không nói thì bụng dạ chứa hết kham. Ngày trước hử, giỏi thì vô Y, sang thì vào Văn, chứ chui vô mấy khoa nhếch nhác chỉ có dân đầu óc trung bình trở xuống. May, chuột sa chĩnh gạo, Liên Xô sắp sập cho vét đợt chót lùa qua xếp hàng phát cho cái bằng hữu nghị tồn kho. Ngài giáo sư Hoàng Ngọc Hiến còn kêu, dắt con bò qua Liên Xô ba năm nó cũng đút túi loại bằng này nữa là.  

- Ông đúng là lắm chuyện ám chỉ này nọ…

- Ám chỉ cái con khỉ. Chuyện to như con bò kia thằng chột còn nhìn thấy, huống chi. Đất nước cả ngàn chớ riêng mỗi Chàm ta đâu. Rồi ta cho ổng lên chức, cho ổng dạy dỗ. Cơm chấm cơm. Ối tiến sĩ ra lò từ món cơm chấm này trở thành quốc nạn. Đám sinh viên thời buổi này có bói cũng không ra ma nào dám trái ý thầy. Cúi đầu mà nghe theo. Nhắm mắt mà tin theo. Tệ thế, ngữ đó cho qua Mỹ có nước đi ăn chực. Quen xơi món Theo-ism thành lậm, thứ bệnh nan y khó chữa trị. Sinh viên thì vậy, do thế buộc hay vì hèn mà tin nghe, chứ ngoài trần gian muôn màu ai mà tin thứ giáo ỡm ờ này. Dẫu sao con cờ này cũng tạm xài được.

- Đầu óc ông đúng là thứ vứt đi, nhìn đâu cũng thấy toàn màu đen tối…

- Còn đỡ nhé! Con cờ thứ ba mới đích thị cao tay ấn.

- Ông làm ơn nói nhỏ giùm, cái miệng lưỡi ông nghe phát ớn…

 

Nên đặt tên con cờ này là gì nhỉ? Ông Trí Ngạo, trúng ngay phốc rồi. Công chức thì bị người đời cho là ăn theo, còn ông giáo thì chỉ lừa mỗi bọn con nít. Đây kể luôn cả bọn to xác mà đầu óc con nít. Trí thức nói thì quần chúng dưới đó chịu nghe, ta tin thế. Cho dù ông Mao có dạy “trí thức là cục phân”, chứ ta vẫn biết cứt vẫn có giá của cứt. Thế là ta xài, ta biến nó thành con cờ.

- Ông quá quắt thật đó, ông điên rồi…

- Ông này thông minh thì phải biết, trí thức miễn chê luôn. Ta cho nó vô Hội Nhà văn. Ta cho nó ẵm khối giải thưởng. Ta đôn nó lên thành nhân vật, để dễ xài. Xui cho ta. Hắn nghĩ mình thiên tài thứ thiệt, sanh tâm cao ngạo. Ừ, thì cao ngạo. Đằng này nó vừa rinh giải thưởng ta, còn chẳng chừa cầm giải thưởng tây. Tội là, ta quên nhà văn muôn đời nòi phản phúc. Cái thứ nhà văn đích thực ấy chẳng bao giờ học biết vâng lời, dù ta có ưu ái cỡ nào. Mất dạy thế chứ. Chàm có mỗi nó nhà văn, lại đi làm nhà văn đích thực, mới ngu! Không ngậm miệng ăn giải cho êm chuyện đi, mà cứ nói nói nói. Thêm vài tay tập tò làm thơ còn học đòi hắn làm nhà văn đích thực nữa.

- Đích thực mà ông còn chê ngu, ông đúng là đồ…

- Đích thực nên ta mới hết xài. Hết xài thì ta mất công bày ra con cờ khác.

 

Con thứ tư nè. Nó siêu đến ta gan to bằng cua cũng không dám đặt tên.

- Ông mới kê ba con mà tui đã muốn độn thổ rồi, thêm món này nữa, tôi chạy mất giỏ quá…

Không đâu, có mất gì gì ông này ho một tiếng là ra ngay mà. À, nói lỡ miệng mà lại được việc. Có thể kêu con cờ này là Ông HO! Tại sao ư? Ông này xuất thân bí hiểm. Ta moi đâu ra được cũng rất kì khu. Nhưng ta thấy xài được nên đã chấm. Tay này tài năng đâu chả thấy, bằng cấp nọ biết, chức vụ cao thấp trong chính quyền không có, công trình khoa học hay văn học càng không nốt. Âm âm u u vậy đó. Vậy mà Chàm kẹt đâu, ông HO một tiếng là đâu vào đấy. Phù phép thế không siêu thì còn kêu bằng nỗi gì? Lễ lạt Rija Nưgar, Chabbur hay Katê gì gì, cuốn sách nào không in được, trại hè hay tết nhất tất tần tật, kẹt đâu ông HO lên trung ương là hanh thông ngay. Mà ông đâu có làm liền, ông biết chơi trò khoan thai từ từ, đủng đỉnh như ông từ vào đền. Cho mọi người chạy mỏi giò cẳng đã đời, để giờ chót đã, ông mới ra tay nghĩa hiệp.

Đấy, đấy! Ghi bàn vào phút bù giờ mới cao cờ. 

- Có vụ này à?

- Ông mơ ngủ thì có. Vậy mới siêu! Từ nay bà con anh chị em Chàm mình miễn lo nhé, có gì tâu lên ông, ông HO một tiếng là êm ru.

- Mẹ chúng nó, chúng không biết có leo lên tới tận đẩu đâu chúng vẫn cứ là mạng cùi Chàm…, im lặng.

Đột ngột, tôi nghe tiếng ông la lớn.

- Tận thế! Tận thế đến nơi rồi... Chàm đang rủ nhau chơi trò tự hủy.

- Thôi đi bác ơi, mấy bọn trẻ đang nhìn kia kìa!

- Ta không còn thấy tiếng đập cánh của bầy quỷ dữ nữa, mà chỉ nghe tiếng loài côn trùng trườn lướt lên thân thể cộng đồng này. Chàm không còn cho ngọn lửa thiêng thiêu cháy xác phàm để linh hồn siêu thoát lên thwơr riga nhanh gọn nữa, mà cứ bỏ mặc nó cho loài sâu bọ đục khoét gặm nhấm. Tiêu rồi…

- Về thôi. Đi về với tôi này, lối này nè…

- Tàn cuộc rồi! Tàn đời rồi…

 

- Buồn nhỉ? - Tôi nói. - Anh thử gặp bác ấy một buổi xem sao.

- Dạ. - Tôi nghe tiếng em rất nhỏ.

Tôi đã hiểu Cham chút nào chưa, không biết. Cha nói để ngày mai con có đường trở về. Chưa hiểu, dẫu sao tôi cũng đã trở về.

- Sáng mai anh qua T’Maung, - tôi nói với em.

Ngoài kia trời bắt đầu nổi gió.