Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025

Nguyễn Hữu Đang – một kiếp nhân sinh giữa thăng trầm lịch sử

 Tô Văn Trường

Cách đây tròn 18 năm, ngày 8/2/2007, Nguyễn Hữu Đang – một trong những trí thức tiêu biểu của thế kỷ XX – qua đời trong lặng lẽ, đánh dấu chặng cuối của một cuộc đời nhiều biến động. Ông là người con của quê lúa Thái Bình, từng góp phần quan trọng trong sự kiện ngày 2/9/1945, khi được giao nhiệm vụ chỉ huy dựng lễ đài để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Thế nhưng số phận trớ trêu lại đẩy ông vào chuỗi dài những năm tháng cô độc, khó khăn. Dẫu vậy đến cuối đời, ông vẫn giữ trọn lòng yêu nước, khí tiết và phẩm giá của một trí thức chân chính.

Nhìn lại 94 năm cuộc đời ông, ta không chỉ thấy một số phận đặc biệt, mà còn thấy cả những bài học sâu sắc về trí thức, nhân cách và thời cuộc.

Tôi nhớ có lần được nghe một vị trưởng thượng kể lại những mẩu chuyện về Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán chịu nhiều oan khuất về vụ Nhân văn - Giai phẩm mà người bị quy đứng đầu chính là Nguyễn Hữu Đang. Ông sinh ra trên mảnh đất Thái Bình giàu truyền thống hiếu học, nơi những cánh đồng xanh bạt ngàn như nuôi dưỡng ý chí vươn xa của bao thế hệ. Ngay từ thời trẻ, ông đã được biết đến như một trí thức xuất sắc với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Ông tham gia hoạt động yêu nước từ trước Cách mạng Tháng Tám, sau đó được bầu vào Ủy ban Lâm thời Giải phóng dân tộc, rồi Thứ trưởng Bộ Thanh niên. Nếu mọi việc diễn ra bình thường, chắc trước lúc nghỉ hưu ông Đang đã ở một cương vị cao lắm rồi.

Có lẽ một trong những đóng góp lớn nhất của Nguyễn Hữu Đang là vai trò của ông trong việc tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là sự kiện trọng đại, không chỉ đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn ghi nhận sự cống hiến âm thầm nhưng to lớn của ông – người đứng sau lễ đài bảo đảm từng chi tiết được thực hiện hoàn hảo.

Thế nhưng lịch sử đôi khi thật nghiệt ngã. Những biến động chính trị sau đó đã đẩy ông vào vòng xoáy của những hiểu lầm và bị kết án. Nguyễn Hữu Đang bị quy tội tham gia Nhân văn - Giai phẩm, một phong trào lúc đó bị xem là phản động, dù mục đích thực sự của ông chỉ là khát vọng xây dựng một nền văn hóa dân tộc, tiến bộ.

Nguyễn Hữu Đang bị kết án 15 năm tù vì vụ Nhân văn - Giai phẩm với tội phản Đảng. Sau khi ra tù, ông còn bị quản thúc một thời gian dài ở Thái Bình, sau đó ông lên Hà Nội sống cho đến cuối đời. Mãi đến năm 1986 ông mới được phục hồi danh dự, được coi là “lão thành cách mạng” và được hưởng lương hưu trí bậc chuyên viên 8.

Trong những năm tháng bị giam cầm và quản thúc, Nguyễn Hữu Đang vẫn giữ nguyên phẩm chất của một trí thức yêu nước. Ông sống giản dị, trầm lặng nhưng chưa bao giờ tắt hy vọng. Khi nhắc về những nỗi oan khuất, ông không hề oán trách, mà chỉ xem đó là một phần của hành trình gian khó mà mình phải đi qua.

Cuộc đời của ông Nguyễn Hữu Đang như một tấm gương phản chiếu rõ nét những thăng trầm của đất nước trong thế kỷ 20. Ở ông, chúng ta thấy được phẩm chất cao quý của một trí thức cách mạng: hết lòng cống hiến, bất chấp mọi nghịch cảnh. Nhưng đồng thời, số phận của ông cũng khiến ta phải suy ngẫm về cách chúng ta từng ghi nhận và đối xử với những người đi tiên phong, đổi mới.

Tôi cũng nghe kể lại, nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Nhân văn - Giai phẩm, có một cuộc gặp mặt đặc biệt đã diễn ra giữa ba nhân vật “trong cuộc” cuối cùng còn sót lại. Nhà thơ Lê Đạt, với sức khỏe đã yếu, chậm rãi leo lên cầu thang bộ. Nhà thơ Hoàng Cầm, sức khoẻ còn tệ hơn, được các bạn trẻ cõng lên. Còn ông Nguyễn Hữu Đang đã gắn chặt mình với chiếc giường bệnh, tinh thần lúc tỉnh, lúc mê. Trong căn phòng nhỏ, hai người bạn Lê Đạt và Hoàng Cầm lặng lẽ ngồi đối diện, ánh mắt đượm buồn. Họ không nói nhiều, chỉ trao đổi bằng những lời thì thầm hay những dòng chữ viết vội trên tờ giấy, như muốn gửi gắm tâm tư cuối cùng đến người bạn đồng hành Nguyễn Hữu Đang, trước khi tất cả bước vào cõi vĩnh hằng.

Đó không chỉ là tình bạn mà còn là tình “đồng chí” sâu nặng, được hun đúc qua những năm tháng gian truân của cuộc đời. Tình cảm ấy vượt lên trên mọi thăng trầm, chia ngọt sẻ bùi, kể cả khi hoạn nạn bủa vây. Một khoảnh khắc nghẹn ngào và đầy trớ trêu trong cuộc đời của những con người từng in dấu trong lịch sử văn học và chính trị.

Nguyễn Hữu Đang đã ra đi nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng những người yêu công lý và sự thật. Cho dù ông đã được phục hồi danh dự, coi như đó là một “lời xin lỗi” – cho dù lời xin lỗi ấy chưa bao giờ chính thức được nói ra. Phải chăng người ta nghĩ rằng có thể sửa sai bằng cách đền bù một số quyền lợi về lương bổng, vật chất nhưng lại không thừa nhận đã sai để sửa một cách triệt để, nhất là những giá trị tinh thần hay chính trị.

Nguyễn Hữu Đang đã yên nghỉ 18 năm tròn, nếu linh hồn ông còn hiện hữu, hẳn ông sẽ mỉm cười thanh thản khi nghe người đời luận bàn về những người như ông, với giá trị đích thực ở sự ghi nhận của lịch sử – điều mà thời gian không thể bào mòn.

Đó chính là lời nhắc nhở sâu sắc rằng, những đóng góp thực chất, những cống hiến tâm huyết sẽ được khắc sâu không chỉ trong lòng nhân dân mà còn trong dòng chảy bất tận của lịch sử. Đó mới là đích đến cao cả mà mỗi người chân chính nên hướng tới. Cuộc đời Nguyễn Hữu Đang là một tấn bi kịch lớn. Ông ra đi trong lặng lẽ, nhưng tư tưởng và nhân cách của ông vẫn để lại những suy ngẫm sâu sắc cho hậu thế. Dù lịch sử có những khúc quanh nghiệt ngã, nhưng công lao và tinh thần của ông xứng đáng được ghi nhận như một phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử dân tộc.