Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025

Người đại sứ lặng thầm của văn học Việt Nam

 Nguyễn Phan Quế Mai

 

Wayne Karlin có vẻ bề ngoài hiền lành và trầm tĩnh. Chỉ những người đọc tác phẩm của ông mới hiểu rằng cuộc đời đã giáng xuống thân phận ông nhiều nỗi đau, để rồi ông phải nỗ lực vượt qua, để sống và nhận ra rằng văn chương là vũ khí của hòa bình, là phương thuốc xoa dịu những nỗi đau, là chiếc cầu cho tình hữu nghị.

Nhiều năm trước, nếu ai từng kể với tôi rằng có một người đàn ông Mỹ từng là xạ thủ trực thăng, cầm súng đứng trên máy bay bắn trả những làn đạn của người Việt, và rồi sau này cũng chính người đàn ông ấy đã buông súng, cầm bút lên để viết về Việt Nam với sự day dứt, yêu thương và hy vọng, tôi sẽ không tin.

Nếu câu chuyện tiếp diễn rằng người xạ thủ trực thăng ấy đã bỏ ra rất nhiều năm tháng của đời mình sau chiến tranh để tình nguyện dịch rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam; tiêu tốn tiền bạc, thời gian và công sức của riêng mình để đưa các nhà văn Việt Nam sang Mỹ giao lưu; thậm chí còn lấy thân mình chở che cho những nhà văn Việt Nam từng đối đầu mình trong chiến tuyến trước sự gây hấn của các đối tượng không thiện chí trong những năm tháng quan hệ Mỹ-Việt còn căng thẳng, tôi chắc chắn sẽ nói đó là một câu chuyện không có thật.

Nhưng rồi số phận run rủi khi tôi được trực tiếp nói chuyện với người cựu binh Mỹ ấy vào tháng 6.2018 khi sang Mỹ giao lưu văn học. Hơn 6 năm qua khi cộng tác và làm việc với người cựu binh ấy, tôi thấy câu chuyện đau đớn và kỳ diệu trên hoàn toàn có thật. Wayne Karlin (sinh ngày 13.6.1945 tại thành phố Los Angeles, bang Carlifornia, Mỹ) không phải là nhân vật của một câu chuyện cổ tích. Ông tồn tại giữa đời thường. Hiện ông là giáo sư, nhà văn đã được vinh danh với rất nhiều giải thưởng.

Việt Nam, tình yêu và nỗi ám ảnh

Đến thăm ngôi nhà của Wayne Karlin, giữa một khu vườn rộng thênh thang, nơi bóng mát của những hàng cây dường như cũng sà xuống bầu bạn với ông, tôi đã rất ngạc nhiên. Phòng khách của ông được hàng ngàn quyển sách bao quanh, và ở vị trí trang trọng nhất là hàng trăm tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có rất nhiều tác phẩm mà ông đã dịch, hiệu đính hoặc viết lời giới thiệu.

Những năm gần đây, tuổi tác và sức khỏe không cho phép Wayne Karlin trở lại Việt Nam thường xuyên như trước, nhưng dải đất hình chữ S vẫn là máu thịt của ông: ông luôn tình nguyện hỗ trợ cho các dự án giới thiệu văn học Việt Nam. Ông đọc hầu hết các tác phẩm văn học Việt vừa được dịch ra tiếng Anh, giới thiệu chúng với bạn đọc của mình, với học trò và với nhóm đọc sách của các cựu binh Mỹ mà ông là thành viên. Ông thầm lặng quảng bá cho văn học Việt Nam, như thể đó là một trách nhiệm lớn lao của mình.

Tác giả bài viết và nhà văn Wayne Karlin (trái) cùng người hàng xóm thân thiết của ông: giáo sư Hồ Nguyễn. Ảnh: CTV


Có thể nói, Wayne Karlin là một trong những người đặt nền móng cho văn học đương đại Việt Nam trên trường quốc tế. Từ những năm 1990s, khi Việt Nam hầu như chỉ được bạn đọc thế giới biết đến như một cuộc chiến tranh, giáo sư Wayne Karlin đã tham gia biên tập và thúc đẩy xuất bản hàng loạt bản dịch tiểu thuyết, truyện ngắn và hồi ký của nhiều tác giả Việt Nam như Nguyễn Khải, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Dạ Ngân, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Đoàn Lê, Trần Văn Thủy… Những quyển sách này đã được những nhà xuất bản uy tín của Mỹ ấn hành và để lại ấn tượng trong lòng người đọc.

Sinh năm 1945 và đã có nhiều năm công tác ở vị trí giáo sư văn học và ngôn ngữ tại Đại học Nam Maryland, nhà văn Wayne Karlin có vẻ bề ngoài hiền lành và trầm tĩnh. Chỉ những người đọc các tác phẩm của ông mới hiểu rằng cuộc đời đã giáng xuống thân phận ông nhiều nỗi đau, để rồi ông phải nỗ lực vượt qua, để sống và để nhận ra rằng: văn chương là vũ khí của hòa bình, là phương thuốc xoa dịu những nỗi đau, là chiếc cầu cho tình hữu nghị.

Trong tiểu thuyết mới nhất của mình, The Genizah (nhà xuất bản Publerati, được ấn hành vào tháng 9.2024), Wayne Karlin đã hé lộ quá khứ đau buồn của gia đình mình. Ông có nguồn gốc Do Thái, từ Ba Lan, và nếu cha mẹ ông không sang Mỹ thì chắc chắn họ sẽ chung số phận với rất nhiều họ hàng của ông – những người đã bị phát xít Đức giết hại vào năm 1941.

Thời trẻ, Wayne Karlin mơ đến một cuộc sống thanh bình, không biến động. Là một người đam mê đọc sách, ông đã đắm mình trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Richard Matheson, Arthur C. Clark, Robert Heinlein. Nhưng các mơ ước của Wayne Karlin tan vỡ vào năm 1966, khi 21 tuổi, ông tham chiến ở Việt Nam.

Wayne Karlin cho biết khi mới đặt chân sang Việt Nam, ông đã có một niềm tin cháy bỏng rằng ông sẽ giúp quân đội Mỹ thực hiện một nhiệm vụ cao cả: bảo vệ người Việt. Nơi ông đóng quân đầu tiên là một căn cứ trực thăng phía bắc Chu Lai. Tiểu đội của ông có nhiệm vụ bảo vệ một ngọn đồi, doanh trại phía sau và một số ngôi làng gần đó. Người lính trẻ Wayne Karlin hay vào một ngôi làng, trò chuyện với dân làng, rồi kết thân với một ông già, người từng tham gia kháng chiến chống Pháp và rất am hiểu về lịch sử Việt Nam. Ông già ấy đã truyền những kiến thức lịch sử đó cho Wayne và đối xử với Wayne ân cần như một người bạn. Nhưng khi chứng kiến ngôi làng nhỏ hiền hòa ấy bị lính Mỹ biến thành tiệm rượu và nhà chứa, Wayne cảm thấy bị phản bội vì nhận ra quân đội Mỹ đang gây ra những tổn hại đến cấu trúc xã hội và đất nước, con người Việt Nam.

Sau đó, Wayne Karlin đảm nhiệm một công việc khác: xạ thủ máy bay trực thăng, đóng quân ở núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và ở Quảng Trị. Trực thăng của ông có nhiệm vụ thả lính xuống những nơi có chiến sự, sau đó đưa họ về nơi an toàn; lấy xác lính và giải cứu những người lính bị thương. Những chuyến bay ấy ám ảnh Wayne cho đến tận bây giờ bởi vì trực thăng của ông thường gặp phải những làn đạn từ bên dưới và người xạ thủ buộc phải bắn trả. Nhưng Wayne không bao giờ bắn xuống một ngôi làng vì ông luôn nhớ gương mặt những người dân làng hiền hòa mà ông đã trò chuyện.

Wayne Karlin đọc sách bên hầm cá nhân giữa chiến trường Việt Nam. Ảnh: TLNV


Chiến tranh luôn đi đôi với cái chết và hủy diệt, vì thế để sống sót qua chiến tranh, Wayne Karlin đã trốn vào các quyển sách, vào các tác phẩm của Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, Dos Passos, James Jones và Norman Mailer. Các tác phẩm đó đã giúp ông hiểu về những gì đang xảy ra với ông.

Nhưng để sống sót qua sự tàn khốc của chiến tranh, con người ta cũng rất cần may mắn. Vào tháng 2.1967, chàng trai 22 tuổi Wayne Karlin làm nhiệm vụ trên một chuyến bay tiếp tế khẩn cấp. Khi trực thăng đang đáp xuống một ngọn đồi gần Đà Nẵng, hàng loạt đạn từ mặt đất bắn lên xối xả, và một viên đạn đã xuyên qua thân thể của người xạ thủ trên chiếc trực thăng ấy, giết chết người đó gần như ngay tức thì. Người xạ thủ đó đáng lẽ là Wayne Karlin, nhưng một người xạ thủ khác – James Childers – đã thế chỗ cho ông vào giây phút cuối, và vì thế đã chết thay ông. Những ai làm bạn với Wayne Karlin trên Facebook luôn thấy rằng hàng năm, vào ngày 26.5 (ngày Tưởng niệm của quân đội Mỹ), Wayne Karlin đều có bài viết tưởng niệm chàng trai 19 tuổi James Childers – người đã cho ông cơ hội sống tiếp.

Bước qua thương đau, xích lại thật gần

Nhận ra sự tàn bạo của chiến tranh, sau khi giải ngũ, Wayne Karlin đã làm tất cả để giúp chấm dứt cuộc chiến. Ông đã xuống đường biểu tình kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Ông nhận ra rằng mình phải học, và phải viết để cất lên tiếng nói. Và người lính vừa buông súng ấy đã chọn ngành nghệ thuật và nhân văn, để rồi có bằng đại học vào năm 1970.

Wayne Karlin quyết định rằng mình phải phản đối cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng không phải bằng bạo lực mà bằng văn học. Ông đã đóng góp tác phẩm và đồng biên tập tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Tuyển tập Free Fire Zone (Vùng oanh tạc tự do) ra đời năm 1973, vạch trần những đau thương mất mát mà chiến tranh đang gây ra cho cả người Việt và người Mỹ. Toàn bộ nhuận bút của quyển sách được đóng góp cho các dự án vì hòa bình, trong đó có quỹ giúp xây dựng lại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội – nơi bom Mỹ đã ném xuống năm 1972.

Nhận bằng thạc sĩ viết văn năm 1976, Wayne Karlin vừa sáng tác, vừa đảm nhiệm công tác giảng dạy, để rồi vào năm 1993, một sự kiện văn học đã thay đổi cuộc đời ông. Chương trình viết văn mùa hè, trung tâm William Joiner, đại học Massachusets cho ông cơ hội gặp gỡ các nhà văn Việt Nam đã từng đứng ở phía bên kia cuộc chiến, để rồi những tình bạn đặc biệt đơm hoa kết trái. Khi gặp nhà văn Lê Minh Khuê và nghe bà kể đã từng làm thanh niên xung phong ở Quảng Trị, gần Khe Sanh, ông rùng mình nhớ lại mình đã từng bay qua khu vực đó. Một lần, ông đã được ra lệnh phải bắn xuống những lùm cây trong khu rừng. Ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu nhà văn nổi tiếng của Việt Nam – Lê Minh Khuê – đã ẩn nấp trong những lùm cây ấy. Sau này, ông đã viết rất nhiều về Lê Minh Khuê, trong đó có bài thơ Gương soi. Bài thơ có đoạn:

Tôi nghĩ về việc cô đã rạp người

dưới tầng tầng rừng rậm

khi súng của tôi khạc ra những tràng lửa dài

dội xuống hướng cô.

Hơn hai mươi năm trước

tôi đã săn lùng cô trên mặt đất

khi cô săn lùng tôi trên bầu trời

nhưng tôi đã không tìm thấy cô

dưới những tàng cây dày đặc

nhưng khi cô đã không nhìn thấy tôi

giữa những ngọn cây rung chuyển

ánh sáng run lên

như sự hoảng sợ

xuyên qua những cành cây

cho đến tận bây giờ

thật giản đơn

như đã quên

như một giấc mơ

chúng tôi nhìn nhau

gương mặt chúng tôi hiện ra

như thể từ lá

như thể từ trời”.

Wayne Karlin luôn tâm niệm văn học là chiếc gương soi để những người từng là kẻ thù có thể nhận ra được gương mặt của nhau – gương mặt ấy đã bị chiến tranh xóa bỏ. Vì thế những năm sau đó, ông đã miệt mài làm việc cùng nhà văn Lê Minh Khuê và nhà văn Trương Vũ để tập hợp bản thảo tuyển tập truyện ngắn mang tên The Other Side of Heaven (Phía bên kia góc trời). Dày 412 trang, đây là một quyển sách tiên phong, bởi nó bao gồm tiếng nói từ nhiều phía của cuộc chiến: những cựu binh quân đội miền Bắc Việt Nam, những cựu binh quân đội Việt Nam Cộng hòa và các cựu binh Mỹ.

Tuyển tập được nhà xuất bản Curbstone Press ấn hành vào năm 1995, được độc giả đón nhận và được Hiệp hội các nhà phê bình văn học Mỹ bình chọn là một trong những cuốn hợp tuyển hay nhất năm. Tất cả nhuận bút từ việc phát hành quyển sách trong hai năm đầu tiên được dành tặng cho khoa Sản, bệnh viện Huế. Nhuận bút trong những năm sau được đóng góp cho Project Renew, một tổ chức rà phá bom mìn còn sót lại ở Quảng Trị.

Từ năm 1995 đến năm 2010, trong vai trò chủ biên loạt sách Voices from Vietnam (Những tiếng nói từ Việt Nam) của nhà xuất bản Curbstone, Wayne Karlin đã biên tập và thúc đẩy việc xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị của nền văn học Việt Nam đương đại. Các quyển sách bao gồm: The Stars, The Earth, The River (Những ngôi sao, trái đất, dòng sông – tuyển tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê, xuất bản năm 1997); Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra – tuyển tập tiểu thuyết và truyện ngắn của Hồ Anh Thái, in năm 1998); Against the Flood (Ngược dòng nước lũ – tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, xuất bản năm 2000); Past Continuous (Thời gian của người – tiểu thuyết của Nguyễn Khải, ra mắt năm 2001); The Cemetery of Chua Village and Other Stories (Nghĩa địa xóm chùa và các truyện ngắn khác – tập truyện ngắn của Đoàn Lê, in năm 2005); Crossing the River (Sang sông – tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, in năm 2003); An Insignificant Family (Gia đình bé mọn – tiểu thuyết của Dạ Ngân, xuất bản năm 2009).

Để giới thiệu đầy đủ hơn sự trù phú của văn học Việt Nam, ông và nhà văn Hồ Anh Thái đã đồng chủ biên tuyển tập Love After War: Contemporary Fiction from Viet Nam (Tình yêu sau chiến tranh) – tuyển tập truyện ngắn dày 600 trang của 45 tác giả Việt Nam, xuất bản năm 2003. Đây có thể nói là giai đoạn khởi sắc của tiến trình quảng bá văn học Việt Nam.

Làm việc miệt mài cho loạt sách “Những tiếng nói từ Việt Nam” của nhà xuất bản Curbstone, nhưng Wayne Karlin không nhận lương cho vị trí này. Khi tôi biết và gặng hỏi, ông cười hiền: “Có được sự hậu thuẫn của một nhà xuất bản Mỹ cho văn học Việt Nam là một điều hiếm hoi và rất quý. Quý hơn nữa là nhà xuất bản Curbstone cho tôi quyền được chọn và giới thiệu các tác phẩm Việt Nam có giá trị. Họ rất chuyên nghiệp trong việc thiết kế, in ấn và phân phối sách. Tôi muốn dành tất cả nguồn lực tài chính cho việc in ấn và phát hành các tác phẩm văn học Việt Nam vì thế không cần nhận lương bổng hay thù lao”.

Nhưng rồi điều may mắn hiếm hoi ấy không tồn tại mãi mãi: NXB Curbstone đóng cửa. Loạt sách “Những tiếng nói từ Việt Nam” được chuyển sang NXB Northwestern University Press, nơi đảm nhiệm việc lưu hành những cuốn đã in nhưng không xuất bản những tựa sách mới.

Dẫu gặp khó khăn, Wayne Karlin không bỏ cuộc. Ông tin vào tầm quan trọng của văn học Việt Nam và bắt tay hợp tác với các NXB uy tín khác. Các tác phẩm văn học dịch do ông biên tập gần đây bao gồm Apocalypse Hotel (Cõi người rung chuông tận thế – tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, 2012, NXB Texas Tech University Press); The Women on the Island (Những người đàn bà trên đảo – tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, NXB University of Washington Press, 2010) và In Whose Eyes (Chuyện nghề của Thủy – hồi ký của đạo diễn Trần Văn Thủy, NXB University of Massachusetts Press, 2016).

Được gặp gỡ với những nhà văn như Dạ Ngân và Lê Minh Khuê, Wayne Karlin hiểu thêm về người phụ nữ trí thức Việt Nam – những người mà nếu ông đối đầu trong chiến tranh, không biết điều gì sẽ xảy ra bởi họ là người đứng ở bên kia chiến tuyến. Cảm thông với thân phận phụ nữ sau chiến tranh, ông đã viết lời giới thiệu ấm áp và chân tình cho bản dịch tập truyện Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê và bản dịch tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân. Ông luôn trân trọng sự cộng tác với các dịch giả và cho biết các quyển sách dịch mà ông từng biên tập không thể nào ra đời được nếu không có công sức cần mẫn của các dịch giả như Nguyễn Quí Đức, Phan Thanh Hảo, Dương Tường, Bắc Hoài Trần, Dana Sachs, Rosemary Nguyen… Ông cũng vô cùng biết ơn sự giúp đỡ quý báu của những người bạn Việt Nam.

Không chỉ về Việt Nam để gặp gỡ các nhà văn Việt Nam và thực hiện những dự án dịch văn học đầy vất vả, Wayne Karlin còn truyền tình yêu dành cho dải đất hình chữ S cho các sinh viên Mỹ. Trong nhiều năm, ông đã đưa sinh viên của mình về Việt Nam để họ tìm hiểu văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Ước ao sâu thẳm của ông là người Việt và người Mỹ xích lại gần nhau hơn. Ước ao đó cũng được thể hiện rõ nét trong nhiều quyển sách của ông về Việt Nam, các tiểu thuyết Lost Armies (1988), Us (1993), Marble Mountain (2008), Prisoners (1998), cùng ba quyển sách phi hư cấu Rumors and Stones (1996), War Movies (2005) và Wandering Souls (2009). Vào năm 2023, quyển sách Memorial Days:Viet Nam Stories của ông đã được xuất bản, bao gồm các truyện ngắn mà ông đã sáng tác về Việt năm trong vòng 50 năm qua (từ năm 1973 đến năm 2022).

Nhiều nhà văn Mỹ khi sáng tác về chiến tranh Việt Nam thường đặt người Mỹ làm trung tâm mà không hề đề cập con người và văn hóa Việt Nam. Nếu được đề cập, những nhân vật Việt Nam và bối cảnh Việt Nam xuất hiện thoáng qua, với mục đích làm nền cho những câu chuyện của người Mỹ. Tuy nhiên nhà văn Wayne Karlin có cách tiếp cận đầy nhân bản: trong những quyển sách của ông, người Việt và người Mỹ có những vị trí bình đẳng: bình đẳng trong sự phức tạp của cá tính, bình đẳng trong sự sâu hoắm của nỗi đau. Có thể nói, trong các tác phẩm của Wayne Karlin, những nhân vật người Việt – dù họ là người lính, thường dân hay một người con lai đã bị cha mẹ ruồng bỏ – được ông đặt ngang hàng với người Mỹ, không bị ông phân biệt đối xử. Dưới ngòi bút của ông, Việt Nam hiện ra như một đất nước, một nền văn hóa lâu đời và giàu bản sắc chứ không chỉ là một cuộc chiến tranh.

Khi tôi hỏi Wayne Karlin rằng có phải ông viết để giúp làm lành những vết thương của chính mình hay không, ông bảo trái lại, đôi khi với việc viết, ông phải đào sâu hơn, khiến những vết thương đó đau đớn hơn. Nhưng ông không thể không viết.

Những tác phẩm của Wayne Karlin có giá trị bởi chúng đầy ắp tính nhân bản. Tính nhân bản ấy được thể hiện rõ trong quyển sách Wandering Souls (Những linh hồn phiêu dạt), một quyển sách kỳ lạ. Quyển sách ấy khởi nguồn từ nhiều năm trước, khi cựu binh Homer Steedly – người từng đối đầu và bắn chết một người lính Bắc Việt – liên lạc với Wayne Karlin và cho biết ông vẫn đang giữ quyển sổ của người lính ấy. Wayne Karlin cùng bạn bè ở Việt Nam ra sức tìm kiếm thông tin về người lính Việt Nam với hy vọng có thể trả lại quyển sổ cho gia đình anh. Và họ đã tìm ra chủ nhân của quyển sổ: chiến sĩ quân y Hoàng Ngọc Đảm ở Thái Bình. Wayne Karlin đã trở về Việt Nam, trao trả lại quyển sổ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Sau đó ông đã thuyết phục cựu binh Homer Steedly cùng trở lại với ông. Họ đã cùng gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đi tìm hài cốt của anh.

Câu chuyện xúc động và có thật này đã được Wayne Karlin ghi lại trong quyển sách Wandering Souls (Những linh hồn phiêu dạt), phát hành ở Mỹ tháng 9.2009, và đã được NXB Thông Tấn dịch ra tiếng Việt và ấn hành vào ngày 30.4.2010. Những linh hồn phiêu dạt không chỉ là câu chuyện của chiến tranh, mà về con người: của Hoàng Ngọc Đảm và Homer Steedly – hai người lính nông dân từ hai đầu trái đất, cũng như về làng quê, gia đình và người thân của họ. Đó là câu chuyện về hành trình xuyên qua máu lửa chiến tranh, cái chết, để rồi kết thúc trong sám hối, cảm thông. Theo nhà văn Lê Minh Khuê, “Những linh hồn phiêu dạt một lần nữa chứng tỏ tài năng của Wayne Karlin trong việc phát hiện ra vẻ đẹp của tâm hồn con người giữa cảnh đổ nát của chiến tranh và mất mát”. Thêm vào đó, với quyển sách này, Wayne Karlin thể hiện sự am hiểu của mình đối với văn hóa Việt Nam, trong đó có thế giới tâm linh của người Việt.

Ở độ tuổi 79, Wayne Karlin hiện đang sống một mình, sau khi người vợ thủy chung của ông – bà Ohnmar Thein Karlin – qua đời vào bốn năm trước. Nhưng ông không cô đơn bởi vì ông luôn sát cánh với các bạn bè văn chương, đặc biệt là các nhà văn Việt Nam. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, ông lại miệt mài cho các dự án văn học. Và ông rất hạnh phúc khi người con trai của ông – Adam Karlin – đã tiếp nối nghiệp viết của cha, với nhiều bài báo có giá trị cũng như quyển sách vừa được xuất bản, Luna and the Heart of the Forest.

Trả lời câu hỏi của tôi, rằng làm thế nào để nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản ở thị trường quốc tế, giáo sư Wayne Karlin cho biết: “Trước hết cần các tác phẩm văn học giá trị, các bản dịch hay, và sự giúp đỡ của những người đại diện văn học. Ở hoàn cảnh hiện tại, ít nhất là ở Mỹ, những NXB sẽ không hào hứng với những cuốn sách mà họ cho rằng không bán chạy. Vì thế những quyển sách và những câu chuyện liên quan đến những vấn đề toàn cầu được viết qua lăng kính văn hóa của một nhà văn sẽ có cơ hội được đón nhận”.

Khác với một số nhà văn, nhà thơ Mỹ từng tham gia dịch và giới thiệu văn học Việt Nam, giáo sư Wayne Karlin chưa từng có cơ hội đến Việt Nam để dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam. Ông cũng chưa từng được nhận bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc huân, huy chương của Chính phủ Việt Nam hoặc Hội Nhà văn Việt Nam. Khi tôi nói với Wayne Karlin rằng tôi rất ngạc nhiên về điều đó, ông chỉ cười và nói rằng tình bạn với các nhà văn Việt Nam là những phần thưởng cao quý nhất mà ông mong ước và đã được nhận.

Không màng đến tư lợi, trong những năm qua, giáo sư Wayne Karlin luôn thực hiện công việc quảng bá văn học Việt Nam một cách kiên trì, bền bỉ. Gần đây, ông đã viết lời giới thiệu để in trên bìa cho các tác phẩm văn học Việt Nam như  Her: The Flame Tree (tiểu thuyết của nhà văn Khánh Hà), Chronicles of a Village (Những tin tức về một ngôi làng – tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện qua bản dịch của Quyên-Nguyễn Hoàng), Stories from the Edge of the Sea (tập truyện ngắn của Andrew Lam). Ông cũng vừa hiệu đính xong bản dịch Burning Van Gogh (Tranh Van Gogh Mua Để Đốt – tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái qua bản dịch của Paul Christiansen). Tiểu thuyết này sẽ do NXB Texas Tech University Press phát hành vào năm 2025.

Các nhà văn Wayne Karlin, Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê trong một buổi giao lưu văn chương. Ảnh: TL


Kiệm lời, hiền lành và khiêm tốn, Wayne Karlin được rất nhiều trí thức Việt Nam yêu mến. Theo lời kể của nhà văn Dạ Ngân, mùa hè 2006, sau khi tiểu thuyết Gia đình bé mọn được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, bà được được các nhà văn Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê mời gặp nhà văn Wayne Karlin lúc đó đang ở Việt Nam. Trước đó, tuyển tập truyện ngắn Love After War (Tình yêu sau chiến tranh) do Wayne Karlin và Hồ Anh Thái chủ biên được xuất bản đình đám ở Mỹ đã mang lại niềm phấn khích lớn lao cho các nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Dạ Ngân chia sẻ: “Dấu ấn chiến binh ở Wayne Karlin khá đậm, đặc biệt qua đôi mắt rất đa cảm, tư lự. Chúng tôi hay nói đùa để không khí thân tình bớt trang nghiêm, trêu rằng ông đã từng ngồi trên trực thăng xả những tràng trung liên xuống Lê Minh Khuê và Dạ Ngân đang chạy lúp xúp dưới những tán cây vật vã bên dưới. Ông vừa cười vừa rưng rưng nước mắt. Ông hay ứa nước mắt khi nhắc chuyện súng ống, hành quân, bắn giết và những linh hồn mà ông có hẳn một cuốn sách về họ, cuốn Những linh hồn phiêu dạt.

Vậy đó, gặp nhau, ngồi với nhau đi chơi với nhau hàng tuần, làm việc, chuyện trò, lên kế hoạch mới, phỏng vấn, ghi chép, nói cười nghiêng ngả… như chưa hề có giết chóc và hận thù. Nhưng chỉ cần chạm đến chuyện cây trung liên, cánh quạt trực thăng và những cuộc càn là ông ứa nước mắt. Sâu xa, những nhà văn Việt Nam như chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và cảm động về “một tấm tình” của người từng là cựu thù, người trực tiếp cầm súng trong đội quân viễn chinh, người bên kia chiến tuyến và cũng là bên kia Thái Bình dương xa vời.”

Theo nhà văn Dạ Ngân, công sức của giáo sư Wayne Karlin trong việc quảng bá văn xuôi Việt Nam rất đáng trân trọng. Ông chính là người đưa tác phẩm Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái ra với thế giới. Riêng với Gia đình bé mọn của nhà văn Dạ Ngân, khi giúp biên tập bản dịch và viết viết lời giới thiệu, ông đã tiếp cận với tác phẩm với cảm xúc và tình cảm của một nhà văn lão thành. Vì thế ông đã trao đổi với nhà văn Dạ Ngân và đề xuất bà nên viết thêm mấy trang cho bản tiếng Anh để bạn đọc Mỹ có thể dễ dàng tiếp cận với tác phẩm hơn. Trân trọng đồng nghiệp, khi Gia đình bé mọn được tái bản lần thứ 5 ở Việt Nam, nhà văn Dạ Ngân đã in lời giới thiệu của nhà văn Wayne Karlin cùng tiểu thuyết của mình (lời giới thiệu ấy đã được nhà văn Nguyễn Quang Thân chuyển ngữ).

Tôi và nhà văn Dạ Ngân cùng ước ao rằng, chúng tôi sẽ cùng được chào đón nhà văn Wayne Karlin quay trở lại Việt Nam vào năm mới Ất Tỵ. Sẽ tuyệt vời biết bao khi ông có thể vượt qua trở ngại sức khỏe và độ tuổi 79 của mình để có để đi thăm bạn bè và bạn đọc của mình từ Bắc vào Nam, được ăn những món ăn mà ông mong nhớ, được sống trong sự ấm áp và thân tình của người Việt. Chuyến đi ấy là món quà mà ông xứng đáng được nhận vì biết bao năm tháng mà ông đã âm thầm và lặng lẽ làm công việc rất đáng trân trọng của một đại sứ văn học và văn hóa Việt Nam.

 

Một tấm lòng tận tụy với Việt Nam

Giáo sư Wayne Karlin là tác giả của chín tiểu thuyết và ba quyển sách phi hư cấu, và một tập truyện ngắn. Các tiểu thuyết của ông đã được vinh danh với sáu giải thưởng nghệ thuật cá nhân từ tiểu bang Maryland, hai giải thưởng từ Quỹ nghệ thuật quốc gia Mỹ, giải thưởng Paterson, giải thưởng nghệ thuật xuất sắc của Hiệp hội cựu binh Mỹ, và gần đây nhất là giải thưởng Juniper năm 2019.

Theo Niên giám từ điển văn học Mỹ, hai tiểu thuyết của Wayne Karlin Prisoners (Tù binh) và The Wished-For Country (Xứ sở ao ước) là những quyển sách xuất sắc của năm 1998 và 2002. Tuyển tập Love After War (Tình yêu sau chiến tranh), chủ biên cùng nhà văn Hồ Anh Thái, được tờ báo San Francisco Chronicle bình chọn là một trong những quyển sách hay nhất của năm 2003. Bạn đọc ở Việt Nam có thể tiếp cận các tác phẩm của Wayne Karlin qua quyển sách Những linh hồn phiêu dạt (Nhà xuất bản Thông Tấn, 2013) cũng như bộ phim “Vũ phúc con cò” – do Việt Nam và Singapore hợp tác sản xuất năm 2002, kịch bản do nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Thu Bồn và nhà văn, cựu chiến binh Mỹ Waynes Karlin cùng viết.