Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025

"Bi kịch nhỏ" của Lê Minh Khuê, câu hỏi về cái ác

 Lê Hồ Quang

1. Bi kịch nhỏ (in trong tập truyện ngắn cùng tên vào năm 1993 [1]) thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và lối viết của Lê Minh Khuê giai đoạn hậu chiến và Đổi mới. Lần đầu đọc truyện ngắn này, tôi đã viết: “Từ góc nhìn của người cháu, một nữ phóng viên, về người bác ruột của mình, vốn là một cán bộ cấp cao trong bộ máy chính quyền nay đã nghỉ hưu, tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn sự duy ý chí trong quản lí xã hội, sự trả thù cá nhân tàn độc nấp sau những chiêu bài chính trị, sự trớ trêu của đời sống hay là sự trả thù tàn khốc của số phận,... Trên thực tế, đấy không chỉ là bi kịch của cá nhân mà còn là bi kịch của xã hội và lịch sử. Con người đối mặt với số phận kì thực là đối mặt với tội ác và sự tàn độc của chính mình”[2]. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tôi nhận ra Bi kịch nhỏ không chỉ nói về luật nhân quả hay nỗi cảm thương về sự trớ trêu của số phận, dù đây rõ ràng là những yếu tố tác động mạnh đến nhận thức và xúc cảm của độc giả. Hơn thế, Bi kịch nhỏ đã trình bày hiện thực đời sống ấy như một trạng thái hiện sinh có tính phổ quát, ở đó, cái ác, hoặc nói cách khác –  sự dữ, bạo lực, nỗi đau khổ –  chi phối tất thảy. Xuyên qua hiện thực khắc nghiệt được tái hiện, Bi kịch nhỏ đặt ra những câu hỏi khá trực diện về cái ác và qua đó, thúc đẩy những suy nghĩ “nhiều hơn và khác đi” về nan đề này.

2. Theo một góc nhìn triết học phổ biến, cái ác là “cội nguồn chung của tội lỗi lẫn sự đau khổ”[3], nó gắn liền với bạo lực và nỗi đau mà hành động bạo lực gây ra. Điều này được chứng thực trong Bi kịch nhỏ: cái ác hiện diện trước hết bằng hình tượng kẻ ác và hành động ác. Đó là kẻ giết cha vô danh ở huyện V có vẻ ngoài “tái ngắt”, “dửng dưng” và “cực kì lạnh lẽo”; đó là nhân vật “bác Tuyên tôi”, lãnh đạo cao cấp của một tỉnh, “người đã giết, một cách gián tiếp bao nhiêu sinh mạng, và làm lao đao bao số phận khác”, có “nụ cười lạnh lẽo ẩn sau hàng ria mép hoa râm”. Sợi dây liên hệ giữa hai nhân vật này là tội ác và nỗi đau mà họ đã gây ra cho gia đình và cộng đồng xã hội. Nhưng đấy mới chỉ là những nút thắt đầu tiên dẫn vào mạng lưới đan dệt chồng chéo nhiều mối quan hệ đạo đức, xã hội, ở đó, nhiều cá nhân vừa là kẻ thủ ác đồng thời cũng là nạn nhân và ngược lại. Lần theo sợi dây này để đi vào mạch truyện, ta có thể nhận ra một số lớp diễn ngôn sau đây.

Diễn ngôn trừng phạt. Vốn là nạn nhân của cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc giai đoạn 1953-1956, sau khi trốn thoát và chối bỏ nguồn gốc, nhân vật chính (bác Tuyên) đã leo lên một vị trí quyền lực trong bộ máy chính quyền và âm thầm trả thù xã hội bằng việc sát hại (gián tiếp) hàng ngàn người dân vô tội thông qua những mệnh lệnh chính trị tàn bạo. Đó là hành động, như một nhân vật phóng viên trong truyện nhận xét, của kẻ “thích nhìn người ta chết. Thích nhìn người ta bất lực”. Từ nạn nhân, ông ta đã trở thành một tội phạm đáng ghê tởm. Sự loạn luân (do vô tình) của hai đứa con ông ta khiến một đứa tự sát và đứa kia tan nát cuộc đời, nếu nhìn ở góc độ này, chính là “nghiệp báo” của người cha, kẻ đã gieo nhân ác và giờ phải nhận lãnh kết cục. Ta có thể thấy một diễn ngôn triết lí khá quen thuộc ở đây: ngoài luật đời còn có luật trời. Bằng cách này hay cách khác, con người luôn phải trả giá cho những tội ác đã phạm của mình.

Diễn ngôn số phận. Xuyên suốt Bi kịch nhỏ là cái nhìn đầy xót thương, trắc ẩn đối với những nạn nhân của bạo lực và tội ác. Những gì họ phải chịu đựng không hoàn toàn do họ gây ra mà dường như còn do một thế lực định mệnh nào đó quyết định. Diễn ngôn số phận này thể hiện trước hết trong cuộc đời những con người vô tội, không liên quan đến cái ác phạm phải (do người khác thực hiện), như người vợ đầu của ông Tuyên, anh Quang và chị Cay,... và nhìn rộng hơn, vô số nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất, bao gồm cả gia đình người kể chuyện (mẹ chết vì bệnh hậu sản và bị bỏ đói, cha bị đánh đến chết, anh trai bị dồn ép đến mức phải nhảy vào gầm xe lửa tự sát) hoặc hàng ngàn thanh niên xung kích phơi xác giữa bom Mỹ vì lệnh của bí thư tỉnh uỷ,… Ngay cả nhân vật chị Cay, được xây dựng như một con người được số phận chiều đãi từ bé đến lớn và thản nhiên hưởng thụ sự nuông chiều của số phận, cũng cho rằng “số phận thôi, đều có trả giá cả. Chắc chị đang trả giá cho một cái gì đó chị chưa biết”. Từ góc nhìn của người kể chuyện, Lê Minh Khuê viết: “Có lẽ rất nhiều người như thế. Toàn những thân phận mong manh không có gì che chở”. Nhưng bản thân nhân vật ông Tuyên hay kẻ giết cha ở huyện V cũng đâu phải ngẫu nhiên mà trở thành tội phạm? Bản thân những kẻ phạm tội ác tày trời này, bao gồm cả những tội ác “được biết hoặc không biết”, cũng là nạn nhân của những tội ác khác, những thế lực hắc ám và tàn bạo khác. Về điều này, Paul Ricoeur nhận xét: “Trong cấu trúc tương quan – có tính song thoại (dialogique) – của nó, cái ác đã phạm tìm thấy cái tương ứng trong cái ác người khác phải gánh chịu. Chính ở đây, nơi điểm giao thoa này, tiếng thở than cất lên thống thiết nhất: Đó là khi con người trải nghiệm mình là nạn nhân của sự tàn ác của con người”[4].

Diễn ngôn trách nhiệm. Từ góc nhìn về cái ác, Bi kịch nhỏ đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội. Về phương diện cá nhân, mỗi con người đều tồn tại trong mối quan hệ liên đới với người khác và bởi vậy, họ không vô can với những gì diễn ra với người khác và với đời sống xung quanh họ. Nói cách khác, họ đều phải chịu phần trách nhiệm của mình trong cuộc đời này thông qua ý thức, thái độ và hành động. Thái độ thản nhiên hưởng thụ đặc quyền đặc lợi của chị Cay; việc vô tình không biết về nguồn gốc xuất thân của anh Quang phải đâu không liên quan đến kết cục bi thảm của họ? Về phương diện gia đình, truyện cũng có nhiều chi tiết minh chứng cho mối quan hệ ràng buộc trách nhiệm mang tính “báo ứng” giữa các thế hệ trong gia đình, dòng tộc. Nói một cách đơn giản, làm ác sẽ phải trả ác, con cháu sẽ phải “trả giá”, phải “gánh tội” cho sự phản bội, tàn bạo, vô luân của cha ông họ. Với kẻ giết người ở huyện V, hành động hắn giết cha rồi moi gan hẳn vì một tội ác gì đó ghê gớm mà cha hắn đã phạm phải. Với gia đình ông Tuyên, sự tan vỡ của gia đình ông ta xuất phát từ nguồn cơn trước đó: ông ta đã hèn hạ “bỏ rơi một người vợ, một đứa con trong cái vạc dầu đã sôi sùng sục hai mười mấy năm”, và khi đã thay vợ đổi con, trèo lên ở trên vị trí xã hội cao ngất, đã thực hiện những cuộc trả thù bằng giết chóc đẫm máu. Nhìn rộng ra, về phương diện xã hội, cái ác đã gieo mầm từ những sai lầm trong thiết chế quản lí và điều hành xã hội đẩy con người vào một vòng tròn của tội ác, bạo lực và sự hận thù kéo dài, không lối thoát. Trong guồng quay của nó, dường như mỗi cá nhân là một nạn nhân đồng thời là một tội phạm, một kẻ thủ ác hoặc đồng loã.

3. Cảm hứng nhân sinh, thế sự trong Bi kịch nhỏ gắn chặt với những sự kiện lịch sử cụ thể của đất nước trong giai đoạn từ khoảng giữa đến cuối thế kỉ XX, một thời kì “chỉ toàn lưu lạc, chiến tranh, đau khổ”. Ở đó, các yếu tố lịch sử - chính trị, cá nhân, gia đình, xã hội,… trở thành chất liệu để nhà văn khắc hoạ rõ hơn về hành trình của cái ác. Từ góc nhìn này, ta thấy cái ác không phải sinh ra từ khoảng không, nó luôn gắn liền với môi trường đã dung dưỡng và giúp nó phát triển. Một môi trường mà ở đó, cái thiện, lòng tốt và nhân tính bị triệt tiêu, bị huỷ hoại bởi chiến tranh, bạo lực, bởi lòng hận thù được giấu kín sau mặt nạ hào nhoáng, bởi sự dửng dưng vô cảm, bởi sự bất lực, bởi sự vô tình, nhầm lẫn,… Những minh chứng bi thảm càng cụ thể và sáng rõ càng khiến nhà văn bàng hoàng, tê tái. Những câu hỏi thống thiết đã ngầm cất lên từ trên các câu chữ và hình tượng. Tại sao cái ác có thể sống lâu đến thế, dai dẳng đến thế, tàn bạo đến thế? Cái ác có đơn thuần chỉ là tội ác hay cái ác còn là nỗi đau khổ và sự thù hận? Điều gì đã tạo nên một kẻ ác, nếu không phải là từ một nỗi đau đớn kinh khủng “một cái gì thúc mạnh từ bên trong”, biến thành sự tàn bạo ráo hoảnh, sẵn lòng giết chết cha đẻ của mình theo một cung cách dã man nhất, hoặc dưới các chiêu bài chính trị, tàn sát hàng ngàn thanh niên và “không hề giơ tay cứu giúp một ai”? Kết thúc của cái ác là những thảm kịch, đó là quả hay là nhân của đời người, bởi dường như vòng lặp oan khiên ấy hoàn toàn chưa có dấu hiệu dừng lại?... Chưa chắc Lê Minh Khuê đã muốn lí giải về nghiệp báo từ góc nhìn của triết học hay tôn giáo (cụ thể là Phật giáo), dù đúng là có một vòng tròn nhân quả trong cuộc đời của nhiều nhân vật. Nhằm phá vỡ nhãn quan định mệnh đơn giản hoặc sự “chẩn đoán” và “điều trị” căn bệnh trầm kha của xã hội theo kiểu hình thức, duy ý chí, nhà văn đồng thời muốn tìm đến một cách giải thích hợp lí hơn, có căn cứ thực tiễn hơn về nguyên nhân của tấn bi kịch mà mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng đang phải đối mặt - tình trạng sống “hỗn loạn thương tâm”, “phi lý”, “ngu xuẩn độc ác”. Nhưng Lê Minh Khuê không chỉ muốn truy nguyên nguồn gốc lịch sử, xã hội của cái ác, qua Bi kịch nhỏ, bà còn muốn chất vấn về vấn đề đạo đức xã hội và trách nhiệm của con người: Vì sao cái ác có thể tồn tại hoành hành kinh khủng thế, dưới nhiều bộ mặt và chiêu bài thế? Vì sao nó có thể làm lũng đoạn tất thảy, từ mỗi cá nhân cho đến mỗi gia đình, dòng tộc, đến cả quốc gia, đều không thể thoát ra khỏi bóng tối vô minh tàn bạo của nó? Đâu là khởi nguồn, là cội rễ của cái ác và cách để con người và xã hội thoát ra khỏi nó?... Truyện ngắn này, vì thế, cũng toát lên một nhu cầu, một đòi hỏi khẩn thiết về một câu trả lời công tâm, sòng phẳng trước công luận, lịch sử và xã hội chứ không phải bằng thái độ im lặng tránh né và “nụ cười lạnh lẽo” của kẻ phải chịu trách nhiệm.

4. Bi kịch nhỏ là một câu chuyện được kể theo lối cổ điển, ở đó, tạo nên xương sống của truyện vẫn là hệ thống các sự kiện với diễn biến theo trình tự mở đầu – phát triển – thắt nút – cao trào – kết thúc và sức nặng tập trung ở phần kết thúc. Ngôn ngữ, giọng điệu kể chuyện ôn tồn, trầm tĩnh, có tính tiết chế (khác với ngôn ngữ bỗ bã, chao chát, cố tình gây sốc trong những truyện khác như Máu hồ, Ngỗng non, Thằn lằn, Đồng đô la vĩ đại, v.v.). Tác giả thường chỉ để tình huống hoặc cảnh tượng tự nói (hãy đọc lại đoạn đối thoại của người kể với các phóng viên trên cùng chuyến xe hoặc đối thoại giữa người kể với nhân vật bác Tuyên,…), kết hợp nhiều chi tiết tinh tế, đan xen các yếu tố ngoại đề hợp lí. Tuy vậy, dễ nhận thấy tác giả quan tâm đến vấn đề tư tưởng – nhân sinh đặt ra trong truyện hơn là việc gia công tìm kiếm, thể hiện các kĩ thuật viết tân kì. Sự gặp gỡ tình cờ dẫn đến kết cục bi thảm của hai anh em ruột trong một gia đình sau những biến cố lịch sử, xã hội (một sự kiện then chốt của câu chuyện) ít nhiều vẫn lộ vẻ sắp đặt. Điểm nhìn gần, kết hợp giữa việc mô tả, kể chuyện với sự nhận xét, đánh giá trực tiếp vốn tạo nên tính chất trữ tình đậm đà (vốn là thế mạnh của nhiều truyện ngắn Lê Minh Khuê) đồng thời có thể hạn chế tính chất tượng trưng, khách quan (cần có, nên có) của hình tượng.

5. Theo Paul Ricoeur, tác giả của Cái ác, một thách thức đối với triết học và thần học, cái ác là một nan đề đối với triết học và thần học và có một lịch sử suy niệm hết sức phức tạp, lâu dài. Với nhiều nước (chủ yếu là  phương Tây), nền tảng triết học và thần học Ki tô giáo đã tạo nên một điểm tựa tư tưởng trong nhiều tác phẩm văn học. Cái ác, như một ý niệm triết học và tôn giáo, đã trở thành xuất phát điểm để nhà văn xây dựng hình tượng tư tưởng trong nhiều tác phẩm văn học kinh điển, ví dụ Đồi gió hú của Emily Brontë, Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt (Fyodor Dostoyevsky), Vụ án, Lâu đài (F. Kafka)[5],… Lê Minh Khê không tư duy về vấn đề theo lối triết học, thần học, nhưng chính câu hỏi về cái ác/ bạo lực/ sự dữ trên những “vật liệu” xã hội, lịch sử cụ thể của xã hội Việt Nam thời hậu chiến và mở cửa thị trường đã đưa bà – một cách tự nhiên – đến với cái nhìn mang tính triết học. Có thể nói, trong Bi kịch nhỏ nói riêng, văn xuôi của Lê Minh Khuê sau 1975 nói chung, suy tư về cái ác như một ý niệm mang tính triết học - luân lí là kết quả kéo theo, một giá trị nhận thức - tư duy được “tưởng thưởng”  trên cơ sở ý thức đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân mạnh mẽ, nồng nhiệt của tác giả, chứ không phải ngược lại.

6. Đã 31 năm kể từ khi Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê công bố lần đầu tiên. Truyện cho thấy cái nhìn phê phán sắc sảo, đan cài giữa cảm hứng thế sự, đời tư và ý thức nhận thức lại nhiều vấn đề của xã hội, chính trị, lịch sử. Đây cũng là cảm hứng xuyên suốt trong sáng tác của Lê Minh Khuê thời kì này, ví dụ Trong làn gió heo may (1999), Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (2008), Nhiệt đới gió mùa (2012), Làn gió chảy qua (2016),… Xuất phát điểm của sáng tác Lê Minh Khuê là các vấn đề thế sự, xã hội (là điều ta thấy rõ trong tác phẩm của nhiều tác giả cùng thời như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh,…). Bà vẫn muốn giải quyết các vấn đề bằng nhãn quan lịch sử - xã hội cụ thể, gắn liền với một thiết chế, thể chế xã hội nhất định chứ không phải từ nhãn quan triết học phổ quát, cách có thể giúp bà nhìn vấn đề rộng rãi hơn nhưng lại khó lòng giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Nói cách khác, bà không tìm kiếm một giải pháp triết học, tôn giáo tư biện, có thể làm nhoà đi yêu cầu về trách nhiệm đạo đức, chính trị ở mỗi cá nhân. Bà muốn có câu trả lời căn cứ trên những trải nghiệm xã hội có thực và đầy đau khổ của con người. Trước sau bà vẫn là một nhà văn công dân, với tinh thần đạo đức - thẩm mĩ hướng về thực tại, với lối viết chứa nhiều trắc ẩn, xúc cảm.

7. Tôi nghĩ rằng, đến nay, câu hỏi về cái ác đặt ra trong Bi kịch nhỏ vẫn mang tính cảnh báo thời sự - xã hội sắc nét. Dĩ nhiên, nó đồng thời hướng người đọc đến những suy tư, hành động, cảm thụ cần thiết, như một ứng xử minh triết với cái ác. Bởi vì, xét cho cùng, “vấn đề cái ác không chỉ có tính tư biện: Nó đòi hỏi sự hội tụ giữa suy tư, hành động (theo nghĩa thực hành luân lí và chính trị) và một thay đổi những cảm thụ về “tâm linh” (spiriruelle)”[6]. Văn học nói về cái ác đương nhiên không phải để cổ xuý cho bạo lực và tội ác, mà để giúp người đọc, từ hiểu biết về cái ác, nhận thức sâu hơn, đúng đắn hơn về ý nghĩa và giá trị của cái thiện, làm sao cho tình yêu, lòng tốt và nhân tính của con người được bảo vệ và phát triển, ngay cả trong một môi trường xã hội đầy bất lợi. Nói theo cách của Georges Bataille trong Văn học và cái Ác, nó yêu cầu một “siêu đạo đức”[7]. Riêng với cá nhân tôi, việc đọc lại Bi kịch nhỏ cũng giúp nhận thức thêm một số vấn đề hữu ích. Rõ ràng, đọc là một quá trình, trong đó, nhiều quan điểm, nhận thức, sau một thời gian suy ngẫm, có thể thay đổi, mở rộng, thậm chí khác đi. Văn bản dĩ nhiên không thay đổi về cấu trúc, dung lượng, nhưng cùng với sự đổi mới trong cách tiếp cận, diễn giải của người đọc, nó có thể “tiết lộ” thêm nhiều nghĩa và ý nghĩa mới, phong phú.

Vinh, 10/8/2024

L.H.Q.


[1] Lê Minh Khuê  (1993), Bi kịch nhỏ, Nxb Hội Nhà văn. Các trích dẫn tác phẩm trong bài viết đều lấy từ văn bản này.

[2] https://lehoquang1312.blogspot.com/2019/03/cam-hung-su-trong-truyen-ngan-le-minh.html[3] Paul Ricoeur (2020), Cái ác, một thách thức đối với triết học và thần học, Bùi Văn Nam Sơn dịch, chú thích và giới thiệu, Nxb Hồng Đức, trang 35.

[4] Paul Ricoeur (2020), Cái ác, một thách thức đối với triết học và thần học, Bùi Văn Nam Sơn dịch, chú thích và giới thiệu, Nxb Hồng Đức, trang 35-36.

[5] Xin xem thêm: Georges Bataille (2016), Văn học và cái Ác, Ngân Xuyên dịch, Nxb Thế giới.

[6] Paul Ricoeur (2020), Cái ác, một thách thức đối với triết học và thần học, Bùi Văn Nam Sơn dịch, chú thích và giới thiệu, Nxb Hồng Đức, trang 71.

[7] Georges Bataille (2016), Văn học và cái Ác, Ngân Xuyên dịch, Nxb Thế giới, trang 18.