Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025

Đáo bỉ ngạn – Ai đã “đến bờ bên kia”?

 Nguyễn Hồng Anh

“Sang đò có một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò”.

Đó là câu mở đầu truyện ngắn “Sang sông” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cũng là kịch bản do ông tự chuyển thể, mà sân khấu Thiên Đăng chọn dàn dựng và trình diễn. Ngày tôi đi xem là mùng 7 Tết, với ý định chỉ là chọn bất kì một vở kịch nào còn vé để đưa mẹ đi xem kịch. Và khi biết xem trúng vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp - tôi chờ đợi gấp đôi…

Khác với câu mở đầu truyện hiển lộ tất cả từ đầu, các nhân vật trong vở kịch xuất hiện tuần tự hầu giới thiệu cho khán giả nhân cách riêng của từng vai:

- nhà thơ: nghệ sĩ - kẻ mơ mộng - người dẫn truyện - người kết nối (nhân vật chức năng có nhiều vai trò nhất)

- nhà giáo: một trí thức bất phùng thời

- hai tên buôn đồ cổ (kịch bản đã sửa lại vai trò thành tên buôn đồ cổ đồng thời là người thu thuế): kẻ gây xung đột và bất công

- tên cướp: kẻ thi hành công lý bằng bạo lực

- người thiếu phụ và đứa con (kịch bản cũng đã sửa lại vai trò người mẹ trong truyện vốn là nhà đạo đức): giềng mối gia đình

- một cặp tình nhân: tình yêu và tuổi trẻ (trong truyện thực ra nhấn mạnh vào tình dục)

- nhà sư: kẻ tu hành (nhưng không thoát tục lụy)

- chị lái đò cùng con đò: phương tiện sang “bờ bên kia”

Ai cũng thấy ngay, đó là “thập loại chúng sinh”, cùng trên “Chuyến đò định mệnh” (như tên được đặt cho vở kịch). Ai cũng muốn lên đò để đến được bờ bên kia, nơi có ngôi chợ mang tên Phù Vân – tiếc là không ai rõ bên kia là bờ mê hay bến giác.

Nếu gõ từ khóa “Sang sông - Nguyễn Huy Thiệp”, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy phân tích kĩ lưỡng về triết lý đạo-đời thâm thuý trong truyện ngắn độc đáo này của nhà văn. Khi xem kịch, tôi chỉ ngẫm suy về hai phạm trù trên chuyến đò này: Hiện thực và Sự thật.

1. Hiện thực:

Nếu 10 người (trừ cô lái đò) trên con đò là thập loại chúng sinh, thì cũng có 10 loại hiện thực khác nhau trong mắt họ. Nhà thơ nhìn hiện thực qua thơ nên đồng thuận với sự mơ mộng, thực-tại-tưởng-tượng của đứa trẻ. Người mẹ nhìn hiện thực qua nỗi sợ nên luôn nơm nớp cho sự an toàn của con mình. Nhà sư nhìn hiện thực qua lời niệm “Nam mô A di đà”, tưởng chỉ cần vậy là tâm an trú. Hai kẻ buôn cổ vật nhìn hiện thực qua cái bình cổ, nên xét đoán thực tại thành hai loại: giá trị và vô giá trị. Cặp tình nhân nhìn hiện thực qua tình yêu (và tình dục) nên thế giới chỉ thu lại còn mỗi hai người và bản năng ở giữa. Tên cướp nhìn hiện thực kiểu thực dụng cái gì thấy mới tin nên bác bỏ thế giới tưởng tượng của đứa trẻ và nhà thơ.

10 loại hiện thực – nghĩa là không có hiện thực nào. Thực tại Trần thế chỉ tồn tại và được tạo nghĩa qua cái nhìn của cá nhân. Nên việc thực tại của người này không giống của người kia là tất yếu. Đó là nguồn cơn của xung đột, của bạo lực, chia rẽ, thù hằn – dù nhân loại có đi chung trên một chuyến đò đi nữa.

2. Sự thật:

Trái ngược với mỗi người một hiện thực, cả 11 con người này, không ai sở hữu Sự thật. Quy tắc khi lên đò là ai cũng phải mang mặt nạ – một tình tiết ước lệ mang nghĩa: mặc lấy kiếp người (bước lên đò) đồng nghĩa với đóng vai, diễn trò, đồng nghĩa với sự tự che mắt, chấp nhận “không thấy”.

Ngay cả kẻ tu hành – là người duy nhất chọn đi trên con đường đến với Sự thật – cũng là người biết mình không thể tìm thấy, là người duy nhất nhận ra (sau khi đã trải qua chặng hành trình) “bờ bên kia” chỉ là bờ mê, không phải bến giác, nên cũng duy nhất mình ông từ chối lên bờ. Dù là nhân vật bị cười giễu khá nhiều trong vở kịch (một câu thoại tôi rất “khoái”, làm cả khán phòng cười ồ, là khi chiếc đò chao đảo, tất cả bị ngã khỏi chỗ ngồi, người thiếu phụ tự nhiên thốt lên: “Nhà sư rơi khỏi tòa sen rồi kìa!”), nhưng chọn lựa cuối cùng đó của nhà sư khiến người xem chợt hiểu ra, ông cũng giống tất cả các nhân vật khác đều thất bại trong kiếp làm người – duy chỉ mình nhà sư biết mình thất bại. Cái “khả giác” là ở sự biết đó, nhờ đó, nhân vật này dù chưa đạt tới nhưng đã tiệm cận nhất với Sự thật. Đó là lí do tôi đã nổi hết gai ốc và cảm tưởng như có một năng lượng tâm linh thật sự bao trùm cả khán phòng khi một mình nhân vật nhà sư – do Hữu Châu đóng – còn ở lại trên sân khấu cảnh gần kết vở, hai tay chắp lại, miệng đọc lời kinh. Màn hạ.

Sự thật là gì? Không ai trả lời được. Chỉ có con mắt (nền cảnh cao trào, cũng là nhân vật siêu hình nhất) đang nhìn tỏ cõi ta bà, đòi nhân loại phải bỏ lại của cải hư vinh, cùng chiếc bình cổ đã vỡ, để nếu có qua tới bờ, thì thân xác cũng đã tàn tạ, tâm hồn đã nếm trải cực cùng khổ đau – để có thể nhờ vậy mà trở nên rộng lượng hơn, bao dung và tha thứ hơn, để “biết sống” hơn, để tiếp tục sang bờ bến mới.

Vì nên nhớ, bờ bên kia mà 9 nhân vật đã bước lên, dù sao cũng chỉ mới là bến chợ – với tên gọi “Phù Vân”.

Sài Gòn, mùng 7 Tết Ất Tỵ

P.S.1: Với vở kịch này, Sân khấu Thiên Đăng đã bước lên một tầm vóc mới, một tầng bậc mới của truyền bá tri thức nghệ thuật.

P.S.2: Nếu có điểm chê thì xin phép không ưng lắm tên vở kịch (đã được đặt lại so với tên gốc kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp).