Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

Gặp gỡ đầu năm: Song Chi & Nguyễn Viện

 

Nhà báo Song Chi:

Trong năm qua bản thân anh có sáng tác được nhiều không? Là một người “sống và viết ngoài lề/ngoài luồng”, anh nhận thấy tình hình sống và sáng tác vài năm gần đây có sáng sủa hơn, dễ thở hơn hay vẫn vậy?

Nhà văn Nguyễn Viện:

Trong năm qua, tôi có 3 tác phẩm Thảo mai trên dốc gió, Cõi người ở lại Nu na nu nống – xứ Mêman được xuất bản bởi Nhân Ảnh (Canada) và phát hành trên Amazon. Ngoài ra, NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) cũng in cho tôi cuốn mới nhất Ở phía đông âm phủ. Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm này đều được sáng tác từ trước đó. Tôi rất vui. Riêng cuốn Ở phía đông âm phủ đã được giới thiệu trên VOA, BBC, Việt Báo, Da Màu, Văn Việt… bởi các cây bút Nguyễn Đức Tùng, Ngu Yên và Nguyễn Thị Thanh Bình. Khi viết xong Ở phía đông âm phủ, tôi tưởng như đã cạn kiệt, nhưng may thay, cuộc sống vẫn hiến tặng tôi những cảm xúc đẹp, vì thế tôi cũng làm được khá nhiều thơ. Và tôi rất không muốn khiêm tốn để nói rằng, đó là những bài thơ rất thanh xuân, cho dù thân xác tôi đã sắp thành phế liệu.

Về tình hình sống và sáng tác như chị muốn hỏi, có lẽ báo chí cũng đã nói nhiều. Kinh tế có chút trì trệ, nhưng cuộc sống của người dân cũng không phải vì thế mà khó thở. Cho dù, không khí – theo mọi nghĩa, vẫn ô nhiễm. Tuy nhiên, bản thân tôi hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. 

Nhà báo Song Chi:

Cứ mỗi khi đến mùa trao giải Nobel Văn chương hoặc Giải thưởng Oscars cho điện ảnh là nhiều người Việt lại mơ Việt Nam sẽ có giải. Theo anh, cho đến giờ văn chương, phim ảnh Việt tại sao vẫn chưa có những giải thưởng như vậy? Thiếu cái gì, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Viện:

Như tôi đã từng phát biểu trong cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh được đăng trên Giai phẩm Xuân Saigon Nhỏ, rằng văn chương nghệ thuật của chúng ta thiếu cái nền là vị thế quốc gia, cũng như thiếu cái bản sắc cá nhân của những tác phẩm nghệ thuật.

Nhà báo Song Chi:

Có nhiều người cho rằng làm văn hóa nghệ thuật thì cứ lo làm văn hóa nghệ thuật đi, đừng quan tâm gì đến chính trị mà phiền hà ra. Còn anh, anh nghĩ sao?

Nhà văn Nguyễn Viện:

Chính trị vốn không xa rời cuộc sống. Thậm chí, chính trị chi phối đến từng bữa ăn, giấc ngủ của chúng ta. Bởi thế, một nghệ sĩ hay nhà văn không quan tâm đến chính trị (thực ra chỉ vì người ta sợ hãi nó), thì những điều anh ta thể hiện trong tác phẩm chỉ là những cái xác rỗng.

Đời sống cá nhân hay xã hội vốn là cuộc phiền hà, khốn khổ… nhà văn mà trốn tránh phiền hà, hệ luỵ thì sao anh ta có thể tiếp cận được sự thật?

Nhà báo Song Chi:

Nếu chọn 1 gương mặt, 1 sự kiện cho văn hóa nghệ thuật năm 2024 ở Việt Nam, anh sẽ chọn ai, sự kiện gì và tại sao?

Nhà văn Nguyễn Viện:

Năm 2024, trong lĩnh vực điện ảnh cũng có một vài phim nghệ thuật được đánh giá cao, được giải quốc tế, nhưng trong cách nhìn nhận của tôi thì lĩnh vực mỹ thuật mới sôi động nhất. Hàng trăm cuộc triển lãm hội hoạ đã được tổ chức cả ở Hà Nội và Sài Gòn do sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ khác nhau. Đã thành danh hay mới bắt đầu, già trẻ cùng hoan hỉ vì sự góp vui của các nhà sưu tập cũng như người đi xem tranh. Và trong số những người đi xem tranh ấy, không thiếu người trẻ.

Đã có sự kiện thì tất nhiên phải có người tạo sự kiện. Ý kiến chủ quan của tôi, tôi sẽ chọn hai ông nhà thơ bỏ nghề nhảy ngang qua mỹ thuật, đó là Lý Đợi và Bùi Chát.

Lý Đợi đã lâu không thấy thơ xuất hiện, nhưng rất nhiều các sự kiện mỹ thuật ở Việt Nam trong mấy năm qua đều có sự góp phần của Lý Đợi, vừa với tư cách nhà tổ chức, đồng thời là giám tuyển, giám khảo.

Bùi Chát cũng không làm thơ nữa. Làm sách thất bại, Bùi Chát biến hình thành hoạ sĩ và anh nổi tiếng ngay từ cuộc triển lãm đầu tiên. Bùi Chát cũng chiếm kỷ lục triển lãm trong năm (với 12 cuộc trong 2 năm) và có nhiều đột phá trong cách tiếp cận người thưởng ngoạn như tranh bán ký, sỉ/lẻ. Cùng với hoạ sĩ Ngô Lực, Bùi Chát đang chuẩn bị một không gian nghệ thuật khác với những gallery truyền thống, họ gọi đó là Chợ Nghệ Thuật, một mô hình của các chợ phiên dân gian.

Cũng như hồi nhóm Mở Miệng tuyên ngôn thơ Rác, hai thành viên này luôn “lập thuyết” cho sáng tạo của họ. Tôi không xác nhận điều gì về giá trị nghệ thuật của họ, nhưng tôi đánh giá cao việc họ làm như một ý thức về dấn thân và khai phá.

Nhà báo Song Chi:

Những vấn đề, đề tài nào nào trong xã hội Việt Nam theo anh là cần phải được đề cập đến nhất trong tác phẩm văn học nghệ thuật? Và nhà văn nhà thơ họa sĩ nhà làm phim Việt Nam đã làm được điều đó chưa? Còn đối với nhân loại, trong năm 2025 này và sắp tới, những vấn đề nào cần phải đặt ra và đưa vào tác phẩm?

Nhà văn Nguyễn Viện:

Nói vấn đề hay đề tài nào cần phải được đề cập nhất, tôi nghĩ cũng hơi gượng ép. Tác phẩm nghệ thuật vốn mang bản sắc cá nhân của mỗi nghệ sĩ. Đề tài hay vấn đề hoàn toàn thuộc về tâm tư hay ý chí của mỗi tác giả, mỗi bối cảnh sống. Điều tôi quan tâm là sự trung thực, cả trong hiện thực lẫn hư cấu. Và điều khác biệt tạo nên một phong cách, một tư thế cho nhà văn chính là khả năng biểu cảm tâm thức chung của thời đại và dự cảm nó cho tương lai. Như một sử lịch. Nhưng rất tiếc, chúng ta thiếu những tài năng và sự dũng cảm.

Tiên đoán của tôi về 2025 đối với Việt Nam cũng như thế giới sẽ là một năm hỗn loạn, nhưng đó cũng sẽ là khởi đầu cho một trật tự mới. Trong tình huống này, nếu nhà văn hay người làm nghệ thuật có thể tạo ra được những diễn ngôn thể hiện được nỗi hoang mang, xao xuyến trước những điều bất định của thời cuộc, tôi nghĩ sẽ là đáng kể.

Nhà báo Song Chi:

Nhìn lại mấy thập niên qua internet, mạng xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân loại, theo cả hai chiều hướng – tích cực và tiêu cực. Anh có quan tâm đến AI (trí tuệ nhân tạo, trí thông minh nhân tạo)? Anh nghĩ cuộc sống của nhân loại nói chung và sáng tác văn học nghệ thuật nói riêng sẽ thay đổi như thế nào với sự phát triển của AI?

Nhà văn Nguyễn Viện:

Khoa học đang có những đột phá bất ngờ. AI sẽ có những bước tiến làm thay đổi đời sống nhân loại, từ vật chất đến tinh thần. AI không chỉ phục vụ con người như một tiện nghi, AI cũng sẽ tác động vào tư duy và sáng tạo của con người. Tôi nghĩ sự khác biệt duy nhất giữa con người và sản phẩm của nó như AI sẽ chỉ còn là tình cảm và đức tin.

Tình cảm và đức tin sẽ mãi mãi là phẩm chất tối thượng của sinh vật sống như con người mà AI không thể có được bởi tính bất định của nó. Vì thế, tôi không sợ AI cạnh tranh. Tình cảm và đức tin của tôi thuộc về tôi. Nghệ thuật cũng thế.

1/2025

Nguồn:

https://diendantheky.net/song-chi-gap-go-dau-nam/