Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2025

“Bà Hoàng” nhóc (2) (Tập Nhật ký - Tùy bút dành cho con gái)

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Ngày…

Trong những ngày tên Sa Hoàng mới cho tàn phá đất nước Ukrraine xinh đẹp, bố bỗng nhớ đến kiệt tác kỳ lạ Những linh hồn chết của N. Gogol – văn hào người Ukraine, một bậc thầy của văn học Nga nửa đầu thế kỷ thứ 19 –, lát nữa sẽ tìm ngay cho con đọc. Những linh hồn chết đã mô tả một cách xác thực xã hội Nga thời nông nô với tầng lớp thống trị đáng ghê tởm, với “những linh hồn chết” giữa địa ngục trộn lẫn dương gian – nơi con người chỉ là nô lệ, những thân xác không có linh hồn, nơi lương tri và tự do bị tước đoạt tàn tệ. Chichikov, nhân vật chính của tác phẩm với những chuyến phiêu lưu đầy phi lý khắp nước Nga để mua những tá điền, những nô lệ đã chết nhưng chủ đất chưa khai báo, chưa xoá tên trong sổ với mục đích cầm cố, vay tiền nhà nước và bịp người khác, thông qua các địa chủ tham lam, nhàn rỗi, bóc lột nông dân một cách dã man… Cuốn tiểu thuyết trên mang tính cảnh báo sâu sắc, mạnh mẽ đối với những ai đã/ đang đánh mất lòng Nhân đạo, nhắc người ta nghĩ tới một nhân vật lịch sử hiện đại đang tạo ra những binh đoàn của “những linh hồn chết” kiểu mới gieo rắc sự tang thương cho con người…

Nhiều người lớn hôm nay trên thế giới, và ở nước ta cần/ có thể tim thấy lời cảnh báo đó của Gogol trong tác phẩm này: “Làm sao mà con người lại có thể sa đọa đến thế, trở thành hèn hạ đến thế, đê tiện đến thế?… Người thanh niên hăng hái hôm nay trông thấy ông lão là hình ảnh của nó một ngày kia, mà ghê sợ. Khi từ giã những năm tháng đáng yêu của tuổi trẻ, bạn bước vào con con đường gay go của thời trung niên, bạn hãy mang theo, làm tiền ăn đường, những tình cảm nhân đạo đầu tiên của bạn; nếu không, bạn sẽ chẳng tìm thấy được những tình cảm ấy nữa. Tuổi già đe dọa bạn, cái tuổi già khốc liệt không để cho ta lấy lại bất cứ cái gì ta đã trót bỏ đi. Nấm mồ còn rộng lượng hơn, vì trên mộ người ta còn đọc được mấy chữ: “Ở đây an nghỉ một người”, còn trên những nét ảm đạm và lạnh ngắt của tuổi già vô nhân đạo, ta chẳng đọc được gì cả” (Những linh hồn chết, Hoàng Thiếu Sơn dịch, NXB Văn học, 2001, tr. 199).

Ngày…

Con hỏi bố: NƯỚC NGA ĐANG XÂM LƯỢC UKRAINE LÀ NƯỚC NGA NÀO?

Thì đây, câu trả lời tốt nhất là do chính những nhà điện ảnh Nga trung thực, từ gần chục năm trước – qua một số bộ phim dòng “hiện thực ám ảnh”, tiêu biểu là phim Quái vật Leviathan (sản xuất năm 2014), bộ phim được sự hỗ trợ tài chính của Bộ Văn hóa Liên bang Nga, đã đoạt giải kịch bản phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2014, và sau đó đoạt hàng chục giải thưởng danh giá tại các Festival Film khác.

Đó là nước Nga đang nuôi dưỡng bọn cầm quyền địa phương với quyền lực vô hạn, không có đối thủ, và có khả năng điều khiển cả Trung tâm: trong bộ phim, những kẻ như viên Thị trưởng Vadim và đồng bọn “mafia”, đã bằng mọi thủ đoạn nhằm hạ gục anh thợ Kolia và người vợ trẻ Lilia để chiếm đoạt đất đai và thao túng xã hội… Nhưng trong một bài viết dài và uyên bác, một nhà phê bình phim tên tuổi Nga đã cố tình lờ đi cái biểu tượng Quái vật Leviathan chính là ám chỉ một chính thể xa rời các mục tiêu nhân đạo mà họ vẫn rêu rao. (Rất vui là sau đó, chính nhà phê bình phim này đã chạy trốn khỏi nước Nga và những lời đe dọa của ông Tổng thống đòi trừng phạt những ai nói lên sự thật!).

Leviathan là gì? Trong Kinh Cựu ước, Leviathan được nhắc tới nhiều lần, là tên của loài thủy quái điển hình của các sức mạnh chống lại Chúa. Trong các chuyên luận về triết học chính trị (tiêu biểu là tiểu luận Leviathan của nhà triết học Thomas Hobbes), Leviathan thường tượng trưng cho Nhà nước – cái Nhà nước tự ban cho mình quyền lực tối cao tuyệt đối, sánh ngang Chúa Trời, tựa một con quái vật độc đoán, tàn ác, chuyên quyền, mặc sức hoành hành không chút từ tâm. Trong phim, bên cạnh hình tượng Thủy quái khổng lồ luôn ám ảnh số phận các nhân vật, là bọn mặc áo thầy tu hiện đại có vẻ mặt đạo mạo, trang trọng, nhưng tâm hồn đã bán đứt cho quỷ sứ! “Quái vật Leviathan” hiện đại ấy đã thâm nhập vào đời sống – trong gian phòng làm việc của Thị trưởng Vadim tàn ác, ở phía sau hắn là ảnh Lãnh tụ nhà nước như một thứ “bùa hộ mệnh”, như “bảo kê” cho những lời lẽ đe dọa của Thị trưởng với cấp dưới-đồng bọn và với người hắn sẽ đè bẹp bằng mọi giá khi đụng chạm tới quyền lợi và quyền lực của hắn.

Trong Wikipedia Nga giới thiệu về bộ phim Leviathan có dẫn nhận định của nhà nghiên cứu văn hoá Nga Boris Paramonov về sự liên hệ giữa Leviathan trong phim và cuốn sách của triết gia Hobbes: hình tượng bộ xương cá voi trên bờ biển phản ảnh thực tế khắc nghiệt: nhà nước (chính quyền, thần quyền và xã hội dân sự) với chức năng cao cả là hướng dẫn và bảo vệ con người nơi trần thế ĐÃ CHẾT trong xã hội Nga hiện đại, nơi chỉ có sự lộng quyền của những kẻ tội phạm đang ngự trị!

(Con gái xem toàn bộ bài viết của bố về phim Leviathan: http://vanviet.info/.../tu-anh-hng-ilia-muromet-toi-qui.../)

Ngày…

Con hỏi bố: “Hôm qua bố có nói về một nhà phê bình điện ảnh Nga nào đó đã chạy trốn khỏi nước Nga đang xâm lược đất nước Ukkraine. Vì sao? Ông ta là ai thế ạ?”. Con đọc bài này của bố:

QUYẾT ĐỊNH CỦA MỘT NHÀ PHÊ BÌNH PHIM DŨNG CẢM

Cái tin: nhà phê bình điện ảnh, Tổng biên tập tạp chí Nghệ thuật điện ảnh của Liên bang Nga Anton Dolin quyết định rời khỏi nước Nga sau 10 ngày nước Nga xâm lược Ukraine, tôi được biết đồng thời với tin: “Chính quyền Nga hôm thứ Sáu 04/03, đã thông qua một đạo luật mới ngăn chặn "thông tin sai lệch", “tin giả” về cuộc chiến ở Ukraine, mà người bị kết tội có thể bị xử phạt tối đa 15 năm tù”.

Trong bài viết Tôi không còn ở đây (nhà văn Trần Hậu cung cấp), nhà phê bình Nga thổ lộ nguyên nhân rời Tổ quốc: “Không thể sống trên một đất nước, thậm chí là thân thuộc và yêu dấu, nơi bạn bị khóa miệng. Đặc biệt là đối với một người chỉ có công cụ duy nhất là ngôn từ”.

Thế là tôi chợt nhớ lại các bài phê bình phim của Anton Dolin đối với hai bộ phim Leviathan và Thiếu tình yêu trên Fb Khoảng lặng nước Nga. Tôi có tâm sự với người dịch là chị Phan Bạch Yến và một số bạn đồng nghiệp: Người trong nghề lẫn ngoài nghề đều phải kính nể trước sự uyên bác, tinh tế của nhà phê bình này trong các bài viết; song nếu ai có dịp xem kỹ hai phim trên, sẽ thấy nhà phê bình đã cố tình né tránh những điều có liên quan tới bản chất thật sự của chính quyền – sự thật khủng khiếp về những kẻ điều hành quốc gia đang dung túng, nuôi dưỡng những “quái vật Leviathan đời mới”…

Tôi đã viết hai bài về hai bộ phim Nga trên cùng bức xúc của mình về thái độ lảng tránh của nhà phê bình danh tiếng nọ: Từ anh hùng “Ilia Muromet” tới quái vật khổng lồ “Leviathan” (Xem bộ phim Nga “Leviathan” 2014)Sự tiếp nối của “Leviathan”: Thời đại trống vắng tình người (Xem bộ phim Nga "Нелюбовь", 2017). Kết luận của tôi về phim Leviathan cũng có thể nói về xã hội Nga hiện đại trong hàng loạt phim Nga khác, như: Yarik, Aika, Thiếu tá, Xạ thủ Vorosinhov, Cửa hàng thực phẩm số 1, Thằng điên, v.v: “Mặc dù chính quyền trong phim Leviathan vẫn nhân danh chính quyền dân chủ, có luật pháp, song người xem thấy rõ đó là chính quyền sẵn sàng đạp lên luật pháp, và ngang nhiên tự vỗ ngực: “Chính tao là luật pháp, và được Chúa che chở”! Đó là thứ quyền lực của kẻ cầm quyền trong xã hội hiện đại mang chất man rợ nguyên thủy, giống Leviathan – biểu tượng của địa ngục trong Kinh Thánh, dường như bất khả xâm phạm, có lẽ chỉ bị tiêu diệt trong ngày Tận thế… Chính quyền đó, đại diện là viên Thị trưởng – kẻ với bản tính khôn ngoan như sói và hung dữ như quái vật trong truyền thuyết, sẵn sàng bóp chết mọi sự chống đối mà vẫn tồn tại trong lòng dân chúng mê muội như một nhà lãnh đạo Kính Chúa – Thương Dân! Hắn cùng với quyền lực như “Chúa Trời” đó mới là hiện thân của Leviathan, mà nhà phê bình Nga danh tiếng nọ đã không dám vạch ra!”.

Và thế là tôi hiểu: vì sao nhà phê bình đáng kính Anton Dolin đã buộc phải né tránh, tảng lờ những sự thật kinh khủng nằm trong các hình tượng nghệ thuật; và giờ đây càng thêm kính nể ông, khi ông đã tìm cách “ly khai” khỏi cái thế lực đã “bịt miệng” ông và những ngòi bút trung thực, để ít nhất là cho những người xem phim bình thường như tôi khỏi áy náy, băn khoăn về thái độ cần có mà không thực hiện được của nhà văn - nhà phê bình trước sự thật trong một xã hội toàn trị độc tài…

Không dám vạch ra sự thật, song sau đó nhà phê bình phim đã có một quyết định sáng suốt và dũng cảm! Hoan nghênh ông!

Ngày…

Quanh sự kiện “Chiếc xe nôi Ukraine” bố nói hôm nọ, là câu chuyện giữa bố và một sinh viên đạo diễn cũ, giờ là Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình một tỉnh miền núi, “hạ sơn” về Thủ đô – con cũng biết anh ấy trong một lần đến nhà mình để bố hướng dẫn làm phim tốt nghiệp, và con cũng tham góp vào cuộc trò chuyện này (dù chỉ bằng ánh mắt mở to và cái gật đầu tán thưởng). Giờ bố miêu tả lại, như kiểu xi-nê mồm quen thuộc của bố: Quanh quẩn một lúc những chuyện chỉ thầy trò mới biết, lại nhảy ngay sang chuyện nóng chiến sự Nga - Ukraine. Bố nói vui: “Chẳng mấy khi bản Đài “xuất tướng”, em vốn là một đạo diễn - phóng viên giỏi, hành nghề đi thôi, thầy có sẵn máy quay và mic chuyên dụng đây!”. Chẳng ngờ anh ấy hào hứng: “Hay quá thầy, em cũng đang muốn thực hiện một phóng sự về dư luận - phản ứng của dân ta về cuộc chiến này cho khán giả miền núi… Thầy sẽ là nhân vật đầu tiên của chúng em! Đồ nghề lúc nào em cũng mang theo!”. Bố biết mình đã trót dại, song chẳng còn cách nào khác, đành chỉnh sửa qua loa cổ áo nhàu nát sau những ngày nằm bẹp đọc sách và gõ kịch bản trong khi cậu ta xăng xái chuẩn bị…

Bố bảo: “Nhưng này em, có những vấn đề nhạy cảm lắm, lại liên quan tới “nhóm lợi ích chính trị” trong cách nhìn nhận về Nga và Ukraine. Hôm trước, thầy chỉ mới đưa lên hình ảnh bé gái Nga chắp tay khóc như cầu xin các vị “đầu têu” chiến tranh, cùng mấy lời cảm ngôn, thế mà đã có những lời hằn học, chửi rủa cay độc, như: “Diễn vậy đủ rồi, mồ cha không khóc đi khóc đống mối” – “Cái bác nhà thơ này. Bác nghĩ bác là thiên thần đầy nhân ái còn người ta là ác quỷ thích hút máu người thì phải. Chính phủ nào mà chuyện gì cũng phải tâm sự mặn với từng người dân được, phải ghé tai với từng ông văn nghệ sĩ mộng mơ như bác để giải trình cái việc người ta phải làm? Bác nghĩ người ta điên hay tâm thần hoặc rảnh quá lại phải điều quân đội đi cả đống con người vất vả, dù biết thừa là sẽ phải đau đầu đối phó với cả đống lệnh cấm vận? Bao người sẽ phải chết? Chiến tranh là trò đùa à? Rồi nghe đến cả triệu thằng dân đen chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao chửi bới rủa xả, cộng thêm một đống những ông nhà văn nhà thơ cám hấp lẻn chửi kháy người ta nữa?” - “Trước hết cháu nên gửi cho thằng này và chính phủ của nó cùng bầy đàn đang hùa theo. Sau nữa là gửi cho thằng tác giả. Khi trẻ em các nước Nam Tư, Afgan, Lybia, Syria, Iraq bị dội bom lên đầu thì thằng chó đó nó ở đâu. Bọn đạo đức giả chó hùa!” - “Hôm qua Putin có nói rằng: mạng sống của 14000-15000 người dân và trẻ em Donbass bị Ukr. giết, họ là chó hoang à mà các người im lặng”. Vậy, có ai từng thương khóc cho những đứa trẻ ở đấy không? Từng gào lên đòi công lý cho họ không? Hay mạng của người này là vàng còn mạng của người khác là rác?”, v.v. Đó là nhóm FB “Matxcơva-tình yêu của chúng ta” (Москва-наша любовь) – chắc hầu hết là những người từng học hay làm việc ở Liên Xô, đại diện cho số đông người ủng hộ Putin và cuộc xâm lược của Nga hiện nay. Chẳng trách họ, bởi ngay cả một số vị tướng tá nhà ta, kiến thức và bản lĩnh chính trị đầy mình mà cũng có não trạng như thế – cái não trạng bị nhồi sọ, chất đầy thói tự kiêu tự mãn đáng phì cười, thậm chí còn vô tình ảnh hưởng cả chủ nghĩa sô vanh và chủ nghĩa phát xít mới của người ta mà không tự biết…

Nhưng thôi, thầy trò ta hẵng tạm quên cái đám đông “cuồng Pu” và cả cái ông Tổng thống “cuồng chiến tranh” kia, để trò chuyện về nghề nghiệp cho vui. Mà vẫn không xa rời thời sự, như chức năng nhiệm vụ của các Đài địa phương và Đài Trung ương. Như thế, thầy và em sẽ đỡ bị “ném đá” thảm khốc, thầy đỡ bị vu là “nhà thơ nhà thẩn”, còn công sức lao động của em sẽ dễ được duyệt để phát sóng… Ví dụ, lấy cái hình ảnh này làm chi tiết trung tâm: những chiếc xe nôi tại nhà ga của những bà mẹ trẻ ở Ba Lan để sẵn dành cho phụ nữ trẻ tị nạn có con nhỏ từ Ukraine tới…”.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:

Tuyệt lắm thầy! Trên trang của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn mới đưa bài báo của nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế Nguyễn Văn Vĩnh, phàn nàn: “Nga đánh vào Ukraine mà nhóm phóng viên đang thường trú tại Moscow của VTV lại không hề có một thông tin nào đặc biệt "tại chỗ" cả. Có chăng là cứ ngày vài lần một chị phóng viên hiện hình, với sự xào xáo tin tức từ các bản tin quốc tế của nước khác…” Nếu là em… với tư cách là phóng viên mặt trận…

NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN (Ngắt lời):

Nếu là tôi, tôi cũng vứt máy quay và bút để cầm lấy khẩu súng cùng đàn ông đàn bà Ukraine bảo vệ đất nước của họ…

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ôi, máu thế, thầy! Nhưng khi chưa tìm được súng, và chưa được người có trách nhiệm quân sự đồng ý, với máy quay trong tay cũng là một thứ vũ khí, em sẽ ghi lại thật nhiều hình ảnh về sự ngoan cường của người dân – cả trẻ em nữa – trong việc ngăn chặn những bước chân xâm lược…

NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Thế nhà báo - đạo diễn trẻ quên mất quy ước giữa chúng ta là chỉ xoay quanh những chiếc xe nôi à? Cũng lỗi tại tôi trước…

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Em bỗng nhớ tới bộ phim kinh điển Chiến hạm Potemkin mà thầy bắt chúng em phải xem học tập ở năm đầu, có cảnh người mẹ trẻ bị đạn bắn trúng bụng, chị ta ngã xuống và sau đó chiếc xe nôi có một em bé liền tự lăn xuống các bậc đá của Cung điện, qua các xác người cùng những bước chân lính Sa hoàng giẫm lên xác người…

NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Được đấy, liên tưởng khá hay, và nhất là nhắc khéo người ta sự trùng hợp giữa Sa hoàng xưa với Sa hoàng nay... Nhưng một đằng là biểu tượng của sự chà đạp - bỏ rơi quyền sống của trẻ thơ, một đằng lại là biểu tượng của tình hữu ái giữa Con người hiện đang mất dần đi trong thế giới bạo tàn này… Nếu cảnh những con sư tử đá trong phim Chiến hạm Potemkin như chồm lên được dựng theo lối montage độc đáo của Eisenstein, thì cảnh chiếc xe nôi đơn độc trôi đi, nhảy xuống từng bậc đá là cảnh thực – có điều, nó đã được phát hiện bởi một trái tim nghệ sĩ lớn, và được miêu tả không phải bằng ống kính khách quan lạnh lùng… Và thầy hy vọng là em sẽ liên tưởng tới cả những điểm sửa xe miễn phí, điểm nấu hàng trăm suất ăn, những chốt phát tiền cho bà con về quê trong cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn trong đại dịch năm ngoái…

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Thú thực, em tới thăm thầy lần này một phần cũng bởi đọc được một stt. của thầy hôm trước viết về những Tấm lòng nhân hậu Ba Lan: “Đó là Đất nước của nhạc sĩ thiên tài F. Chopin, của nhà thơ vĩ đại Adam Mickiewicz, của văn hào đoạt giải Nobel Henryk Sienkiewicz… Đất nước từng bị bọn phát xít đày đọa, dựng lên bao trại tập trung rùng rợn, lò thiêu người, đất nước đã cùng các binh đoàn Hồng quân Xô Viết sát cánh tiêu diệt từng tên lính dã thú đeo thập ngoặc… Lòng Nhân hậu Ba Lan được nhân lên trong những cơn “Đại hồng thủy” – như tên một tác phẩm của Sienkiewicz, duy trì cho tới hôm nay, để vô tư, hết lòng cưu mang người dân lành của nước bạn đang lâm nguy… Tôi đã chảy nước mắt xúc động, và bởi niềm vui nữa, trước lòng Nhân hậu cao cả của người dân Ba Lan – trong một thời đại sắt máu, trống vắng tình người, khi mà tham vọng của những kẻ độc tài đang là mối đe dọa khủng khiếp của Hòa Bình”. Và hôm nay lại nghe thầy nói về những chiếc xe nôi Ba Lan cụ thể dành cho các bà mẹ trẻ Ukraine chạy nạn…

NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Hiện tại, thầy chỉ là dân làm phim viết báo tự do, đã ở “Dưới đáy” (tên một tác phẩm của M.Gorki) của giới báo chí - nghệ thuật, còn em dù là lãnh đạo của một Đài thì cũng chỉ là tỉnh lẻ; và tiếng nói của báo chí - nghệ thuật nói chung ở nước ta xét cho cùng chỉ là tiếng nói cần phải được “định hướng cho mục tiêu chính trị”, vì vậy em đừng có tham vọng gì quá sức mà để thất vọng… Có điều, chúng ta có một thứ “vũ khí” riêng, đó là sức mạnh của hình tượng nghệ thuật để nói về nỗi khổ đau chất chồng và nghị lực sống phi thường của dân tộc mình. Hơn thế, các vị lãnh đạo lớn của ta chẳng đã khuyến khích nhà văn ta phấn đấu đoạt giải Nobel trong văn học (và dĩ nhiên là cả giải Oscar hay Cannes trong điện ảnh) là gì! Các ông ấy có lý đấy, bởi bao lâu nay cứ tự hào chiến thắng hết giặc này đến giặc nọ (kể cả thắng “thế lực thù địch” tưởng tượng), đâm ra cũng hơi bẽ bàng, bởi trên bản đồ Văn học - Điện ảnh - Văn hóa thế giới chẳng thấy Việt Nam đâu cả – ngoài mấy cái đồ mây tre đan, thổ cẩm trong vài cuộc triển lãm vội vàng của các Đại sứ quán nhằm báo cáo thành tích…

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Vâng, em hiểu… Nhưng liên quan gì tới câu chuyện “Những chiếc xe nôi Ba Lan” kia ạ?

NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Có đấy em! Nếu một nhà sản xuất phim kiểu “Ông hoàng Hollywood” (tên tác phẩm của F. Scott Fitzgerald) xuất hiện, họ sẽ đưa tấm hình “Những chiếc xe nôi Ba Lan” đang chờ đợi người tới nhận kia như một ý tưởng hay (không phải mua bản quyền) cho các nhà biên kịch & đạo diễn phù hợp để hình thành kịch bản điện ảnh, rồi làm thành phim ăn khách. Cái chất ăn khách của họ thực ra gắn chặt với giá trị nhân bản toàn cầu và tâm lý mong đợi ở khán giả Mỹ và khán giả khắp thế giới… Trong lúc chưa có một nhà sản xuất như vậy (ở Việt Nam ta thì chẳng biết bao giờ có), thầy thử “đặt hàng” em và Đài bên em, sẽ hay hơn đứt tất cả những phim Điện ảnh & Truyền hình nước ta đã “ăn theo” kịch bản nước ngoài một cách sống sượng và đáng xấu hổ:

Bối cảnh nhà ga vắng tanh. 7 chiếc xe nôi như “7 võ sĩ đạo” (phim Nhật). 7 người mẹ trẻ Ba Lan, 5 người không hề quen biết nhau, không hẹn mà cùng tới nhà ga chưa có chiến sự nọ – nơi họ đoán chắc sẽ có những người mẹ Ukraine ôm con tới đây để chạy qua biên giới. Trong số đó, có đến 4 người là cháu của các cựu binh đã hy sinh trong tận chiến chống phát xít, họ thấm hiểu nỗi khổ chiến tranh qua bố mẹ, ông bà. Có hai cô, sau khi để lại xe nôi, đã gửi con mình cho bạn gái mới quen, để ra trận cùng chồng chống xâm lược… Rồi những người mẹ trẻ Ukr. ôm con chạy tới đây, mỗi người một số phận, và đã thể hiện sự xúc động, lòng biết ơn của từng người với những chủ chiếc xe nôi không gặp mặt kia ra sao… Một tình tiết này khá thú vị: số người mẹ trẻ Ukr. có con nhỏ là những 10 người, trong đó chỉ có 7 chiếc xe nôi. Sự nhường nhịn tất yếu của họ, nhường nhịn một cách tinh tế, không ra vẻ đàn chị, cũng là một bài ca của lòng nhân hậu – tiếp nối sự nhân hậu của những bà mẹ trẻ Ba Lan…

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Thực quá hóc đối với em, và với Đài tỉnh lẻ của em. Chắc ngay cả Đài Trung ương cũng khó mà thực hiện nổi… Nhưng em cũng cám ơn thầy…

NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Thực ra thầy trò ta phải cám ơn những người dân Ukr. đang đổ máu cho không phải chỉ Đất đai, Tổ quốc của họ, mà còn cho cả nhân loại yêu Hòa Bình… Và Những chiếc xe nôi này không chỉ là một gợi ý đề tài cho những người làm phim, mà còn là lời kêu gọi hữu ích đối với những người tâm hồn đã bắt đầu nguội lạnh với số phận Con người…

Khi trái tim nguội lạnh, nhỡn tiền là sự xuất hiện HỘI CHỨNG SÚC SINH đó, con gái ạ! Hôm qua, những cái tát kinh hoàng trút vào các em học sinh PTCS đáng thương vô tội, sau hàng loạt vụ học sinh TH hành hạ lẫn nhau, các sự bạo hành với trẻ mẫu giáo, v.v., có thể nói chỉ là những nhọt bọc lâu ngày tới lúc vỡ tung mủ, hé toang cho xã hội thấy sự bất ổn, hỗn loạn, sai sót trầm trọng của cả ngành Giáo dục trên các mặt Cơ chế, Tổ chức, Chính sách, Triết lý giáo dục… cần phải thay thế, làm lại tất cả.

Ngày…

Sau khi bố đưa lên đoạn trích của Đài “CNN” Mỹ: “LỜI KHAI TỪ CÁC TÙ BINH CHIẾN TRANH vạch trần hành động phi lý của quân đội Nga”, có một bình luận đáng chú ý: “Truyền thông phương Tây 90% là sai”. Bố trả lời: “SỰ THẬT Ở ĐÂU? THẾ NÀO LÀ SỰ THẬT? Phải, nếu đứng ở góc nhìn của truyền thông Nga đang bịt miệng người dân hiện nay, thì truyền thông phương Tây sai đến 99% ấy chứ!”. Tưởng thế là xong, thì bạn đó tiếp lời: “Họ cấm đưa tin không có thật”. Vì thế, tôi đành “đâm lao phải theo lao”, có đôi dòng mong giúp nhiều người trẻ – trong đó có con gái tôi nhiều nhà báo trẻ hiểu thêm bản chất vấn đề.

Xin thưa trước ngay một điều: các hãng truyền thông phương Tây tồn tại chủ yếu bằng độc giả, khán giả, và không được “nuôi bằng ngân sách Nhà nước” (dĩ nhiên trừ vài ba Hãng truyền thông có chỗ dựa lưng của một tập đoàn tài phiệt nào đó để làm công cụ cho họ), và các nhà báo phương Tây bắt buộc phải chạy đua bằng các tin tức sớm nhất và đúng sự thật nhất. Nếu họ cố tình, hay vô tình đưa tin sai sự thật, thì sự nghiệp của họ đi tong, nồi cơm bị tự mình đập bỏ, Hãng truyền thông bị tẩy chay liền tắp lự! Điều đó cũng gắn liền với danh dự nghề nghiệp, đôi khi bằng cả mạng sống nữa – như trường hợp mới nhất là Brent Renaud, nhà báo kiêm nhà làm phim người Mỹ khi lăn lộn tác nghiệp nơi khói lửa để phản ánh chiến sự Nga - Ukr. một cách trung thực nhất, đã bị bom đạn Nga giết chết!

Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm “Quyền lực thứ tư” cả thế kỷ nay gắn với Truyền thông như báo chí và truyền thanh, và giờ gồm cả Internet như blog, mạng xã hội – Facebook, Twitter và Youtube… Trong hệ thống chính trị phân chia quyền lực, bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp, thế là còn có “quyền lực thứ tư”. Thomas Carlyle mô tả trong cuốn sách On Heroes and Hero Worship (Về các anh hùng và việc sùng bái anh hùng): "Burke nói rằng có ba đẳng cấp tại Quốc hội, nhưng, trong phòng Phóng viên, có ngồi một đẳng cấp thứ tư quan trọng hơn nhiều so với tất cả". Học giả Pháp, Alexis de Tocqueville, trong tác phẩm De la démocratie en Amérique (Về nền dân chủ Mỹ - 1833) xác định bốn quyền lực, và rất coi trọng Quyền lực của báo chí - truyền thông đối với chính quyền và xã hội, trong việc kiểm soát, bổ sung và cải chính những sai sót mà cả hệ thống điều hành - quản trị quốc gia cùng các đảng phái vấp phải.

Còn với những Hãng truyền thông ở các xã hội không có “Tam quyền phân lập”, hay có chỉ là hình thức, việc truyền thông có “định hướng” cao nhất là để làm lợi cho chính thể đó (cùng các cá nhân của nó), thì nói như bạn rằng: “Họ cấm đưa tin không có thật” là một trò đùa, chứng tỏ bạn ngây thơ thật hoặc vờ ngây thơ. Nếu họ quả tôn trọng sự thật với tiêu chí “cấm đưa tin không có thật”, thì nữ nhà báo Nga Marina Ovsyannikova có hai con nhỏ, cầm bảng phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine ngay trên sóng truyền hình trực tiếp của kênh tin tức quốc gia, dù biết trước lệnh trừng phạt “đưa tin sai sự thật” là 15 năm tù, sẽ được tôn vinh là “Anh hùng” không kém nữ Anh hùng Zoya năm xưa!

Ngày…

Những ngày con ôn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, bố đi làm phim phía Nam ra thì bị nghi dính F0, phải cách ly cả nhà nằm trên gác ba và viết: CÔ ĐỘC TRONG NHÀ VÀ CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI MẸ. Có đoạn này liên quan đến thời sự chiến tranh, con đọc vui:

“…Nhưng điều hắn phấp phỏng lo sợ là những cuộc cãi cọ quanh chiến sự Nga - Ukraine sẽ nổ ra trong ngôi nhà này, ngôi nhà bé nhất trong ngõ song cũng được gọi là “ngôi nhà hạnh phúc” hay “ngôi nhà tạm hạnh phúc”, hay “hạnh phúc trong giờ nhất định”. Tuy vậy, nhờ giời, cuộc cãi cọ bằng điện thoại, bằng lời la hét ném từ tầng trên xuống tầng dưới tới độ mạt sát, lăng mạ nhau về cái vụ thời sự nóng kia – như hắn nghe được từ bên hàng xóm – đã không xảy ra với vợ chồng hắn. Cũng bởi cô ta mệt nhoài với việc nhà, với con cái, với mẹ hắn đang nằm liệt, và cả với hắn nữa, nên chẳng còn hơi sức đâu quan tâm đến thời cuộc. Nhưng nếu cô ta mà biết được hắn đã bị ném cả một “rổ đá” từ hạ cấp bẩn thỉu nhất đến thâm thúy cay độc nhất sau khi đưa lên FB tấm hình bé gái Nga đẫm nước mắt chắp tay cầu xin người lớn đang làm chiến tranh – nghĩa là rất “trung dung” – thì nhất định cô ta sẽ nhảy dựng lên, không phải vì cô ta hay người nhà bên ngoại thuộc phe “gây chiến tranh”, “ủng hộ kẻ đầu têu chiến tranh”, mà là vì – theo “ngôn ngữ kinh điển” của cô ta –:“Ông đừng dính đến chuyện phản biện gì gì, đi ngược lại chính thống! Con gái ông sắp thi đại học rồi đấy, ảnh hưởng tới nó, nó oán ông cả đời!”.

Ngẫm lại, và nếu thật thà để khai báo với cô ta thì cái “phản biện” cao nhất của hắn chỉ là lên án việc phá rừng, và nói về quá khứ của một số vị Nhân văn Giai phẩm là bạn hoặc đối tượng hâm mộ của bố hắn, giờ đã được an ủi hết bằng giải thưởng Nhà nước! Mới có thế mà đã xù lông nhím lên, còn nếu như cô ta đọc được “âm mưu” của hắn trong việc dạy dỗ hai con gái hắn, thì không biết chuyện động trời gì sẽ xảy ra. Hắn phải tìm cách làm ra vẻ “ngoan ngoãn” nghe lời vợ mà không trở thành kẻ dối trá – điều khiến hắn hao tâm tổn sức không ít, trước hết là vì mẹ hắn… (https://vietvanmoi.fr/index3.9202.html)

Ngày…

Hôm qua, một số học trò cũ/ mới của bố có hỏi: Trong rất nhiều bài viết trong nước và nước ngoài gần đây, nhân vật lịch sử Peter Đại đế đã được nhắc đến với tần suất cao, gắn chặt với “Sa Hoàng” Vladimir Putin ngày nay, và khẳng định: Peter Đại đế là người anh hùng của Putin! Vậy Peter Đại đế là ai? Sao lại so sánh với Tổng thống Nga hiện tại?

Bố khuyên các anh chị ấy rằng: Có rất nhiều sách vở, tài liệu nói về nhân vật lịch sử này, và để tiết kiệm thời gian đồng thời giải trí nữa, nên đọc tiểu thuyết Pie Đệ nhất của A. Tolstoy và cuốn khảo cứu Pyotr Đại đế - Người con vĩ đại của nước Nga của nhà sử học, nhà văn người Mỹ Robert Kinloch Massie; có thể thêm truyện: Người da đen của Piốt Đại Đế của A. Puskin – tất cả đều đã được dịch sang tiếng Việt bởi những dịch giả tin cậy. Riêng cuốn tiểu thuyết Pie Đệ nhất thì được tái bản mấy lần – lần cuối mang tên Piốt Đại đế. Những sách trên có thể giúp chúng ta hiểu khá đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử ngoại hạng: Pyotr I Đại đế (1672-1725), là Pyotr của nước Nga cũ và sau đấy là Hoàng đế của Đế quốc Nga. Là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và gần đây được nhân dân Nga bình chọn là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại, người đạt thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước ông. Ông đã đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu dường như hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước Châu Âu còn lại phải nể vì. Các cải cách của Pi-e đã hình thành nước Nga trên thực tế và có hiệu lực lớn cho đếnnăm 1917.

Pie Đệ nhất của A. Tolstoy có một hệ thống nhân vật đồ sộ, nhiều nhân vật được nhà văn miêu tả từ thuở hàn vi, như A. Menshikov – bạn và cận thần thân tín nhất, Anna Mons – người tình Đức của Pie, Ekaterina – hoàng hậu thứ hai và sau trở thành nữ hoàng Ekaterina I, v.v. Nhà văn đã bỏ rất nhiều công sức trong việc nghiên cứu các nguồn sử liệu và các phong tục tập quán, xây dựng sinh động hình tượng vị Sa Hoàng đặc biệt cùng cả xã hội Nga dưới cái nhìn đa chiều – từ điện Kremlin lộng lẫy cho đến túp lều khốn khổ của một gia đình nông dân, từ những người dân Nga hiền lành đến những tên lãnh chúa mất hết nhân tính…

Trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ này có một đoạn rất thú vị về cách tiến hành chiến tranh chớp nhoáng và sự vơ vét binh lính ném vào cuộc chiến giúp chúng ta hôm nay liên tưởng tới quân đội của Sa Hoàng mới tại Ukraine:

“Pie: - Ta đã đọc bản bày trận của nhà người, kể thì lý luận đúng đấy… Ta chỉ phản đối một điều: phải chiếm lấy Nacva không phải trong ba tháng mà là trong ba ngày!”

“Đại nguyên soái Oginvư: - … Quả thật tâu bệ hạ, thần có kéo dài thời gian công thành song le cũng vì lý do độc nhất rằng hiện giờ người lính Nga chưa phải là một người lính mà mới chỉ là một tên mujic cầm súng…” (Pie Đệ Nhất - Tập 2, Nguyễn Xuân Thảo & Trịnh Như Lương dịch qua bản dịch Pháp văn, NXB Văn học 1971). Bố sẽ tìm cả hai tập cho con đọc.

Ngày…

Con gái à, qua Tết lục tìm tư liệu, tình cờ bố tìm lại được tấm hình về tượng bé gái Ukraine gầy gò ôm bông lúa giữa một quảng trường – cô bé bằng tuổi em gái con, bố chợt nhớ đến tâm trạng của nhà văn Kertész Imre người Hung trong cuốn sách đau buồn của ông: Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, và hiểu vì sao người từng trải qua địa ngục trần gian khủng khiếp Auschwitz đã quyết định không sinh con, bởi ông thấy rõ rằng ông không có quyền trao tương lai, trao số phận Do Thái cho đứa con chưa ra đời của vợ chồng mình trong một hoàn cảnh phi nhân tính, của xã hội toàn trị phát-xít… Cái hoàn cảnh đó đã lặp lại hôm nay ở nhiều nơi trên trái đất, và khiến không ít người làm cha mẹ ở góc trời Đông Âu khói lửa kia chắc đang trải qua tâm trạng đau đớn của Kertész Imre khi phải thốt lên từ “Không” – quyết định vô sinh đầy tuyệt vọng… Ông nhà văn (được trao giải Nobel văn chương năm 2002) đã viết cuốn sách trên với thôi thúc nội tâm: “Tôi không viết để tìm niềm vui, trái lại tôi viết để tìm nỗi đau đớn… có lẽ vì đau đớn là sự thật” (Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời - Giáp Văn Chung dịch, Nxb Lao động 2011, tr. 139). Khi con bước vào Đại học, đây là một trong những cuốn sách con cần đọc.

Ngày…

Con đi thực tập, mấy hôm nay lúc trở về nhà có vẻ mệt mỏi, chán nản. Con cần đọc bài này của bố viết mấy năm trước, giữa những ngày Đại dịch và bà nội con đang đau, may ra giúp con có thêm ý chí:

NGHĨ VỀ SỐNG CHẬM GIỮA NGÀY ĐẠI DỊCH

Sáng sớm, tiếng đàn dương cầm thánh thót vọng tới, như một đôi cánh âm thanh trang trọng đưa tôi ra khỏi giấc mộng nặng nhọc đêm qua… Bản nhạc Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của Mozart mở đầu cho một ngày đầy căng thẳng của cả xã hội trước những diễn biến về đại dịch mỗi lúc một dồn dập trên khắp thế giới… Trong những hợp âm chuyên nghiệp của bà giáo già dạy nhạc hàng xóm, bỗng dưng tôi nhớ đến một bài viết đã rất lâu, của đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh in trên tạp chí Thông tin UNESCO viết về Sống Chậm… Triết lý “Sống Chậm” này, thế giới người ta đã nói đến nhiều, nhưng qua một nhà điện ảnh từng trải nghiệm nhiều và sâu về xã hội Việt Nam, nó đã như một lời kêu gọi thống thiết, như một trong những giải pháp hữu hiệu để thanh lọc nội tâm, góp phần chữa lành những vết thương xã hội đang mưng mủ, và mong níu giữ lại cái đạo đức xã hội đang xuống cấp không phanh với tốc độ phi mã! Nhưng phải đến những ngày hôm nay, những điều mà bài báo nói trên nêu ra chắc mới có thể bình thản và chậm rãi lọt vào tai người nghe, như một giai điệu của nhạc buồn Chopin trong đêm vắng…

Chỉ trong mấy ngày vừa qua, cái cuộc sống hối hả, gấp gáp, chen lấn, xô bồ dường như đã trở thành quá khứ xa lắc; người ta vội ra ngoài mua sắm rồi trở về với nỗi lo lắng thành thật cho gia đình mình, cho người dân ở nước Ý, nước Tây Ban Nha… Tốc độ Sống đang chậm lại, giống như một cuốn phim chiếu chậm, đôi khi lại ở dạng Âm bản (négatif), giúp người ta bàng hoàng nhận ra, bằng cả trực giác, những gì là Thật & Giả – mà cái Giả nhiều người thường ngày vẫn đem ra để làm vũ khí tùy thân hoặc ứng xử với nhau… Cái con số hơn triệu người nhiễm dương tính COVID-19 và hàng chục ngàn người đã chết ở toàn cầu, cùng cái không khí đe dọa hơn cả chiến tranh thế giới đang đè nặng lên tâm tư mỗi quốc gia, mỗi con người kia, khiến cho cái tâm lý “tham sống sợ chết thông thường” dần chuyển thành sự tiếc nuối, nhớ thương những gì tốt đẹp của quá khứ mà lắm khi người ta bỏ quên, thậm chí hắt hủi… Tôi nghĩ đó cũng là tâm sự của nhà văn Đức Thomas Mann khi viết cuốn sách Chết ở Venice – đã được đưa lên màn ảnh –, nhân vật chính Aschenbach cũng đã chết một cách vô nghĩa bởi bệnh dịch trong khi muốn hưởng thụ biết bao vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người nước Ý… Cuộc sống của con người thật quý giá, nhất là khi nó đã hiểu và được hưởng Hạnh phúc đích thực, khi nó có dịp sống với hồi ức đau buồn thống khổ để thấm thía cái giá của Hạnh phúc hiện tại… Mà hiểu được những điều đó, đâu phải bằng cách mà các nhân vật trong một phim Mỹ kinh điển: The Quick and the Dead (tức là phim Nhanh thì sống chậm thì chết), chỉ nhanh hơn nhau tích tắc là lấy đi một mạng người để thành kẻ chiến thắng, có tiền và có người đẹp! Cái thời các nhân vật lưu manh bắn súng lục hai tay nhanh như chớp đó đã qua lâu rồi, nhưng cái thói quen giành giật bằng bạo lực, chỉ huy và thống trị người khác bằng bạo lực đã in sâu trong tập quán của nhiều thế hệ người và nhiều chế độ xã hội! Đại dịch hôm nay cũng có thể coi là một dịp hiếm có để không ít người trên khắp thế giới Sống Chậm lại để tỉnh ngộ đôi điều – ít nhất là tỉnh ngộ về Cái ác do mình hay người khác đã gây ra cho đồng bào, đồng loại. Phải, cần có sự “Chậm rãi” để đạt tới “Bản nguyên”, và sau cùng là “Sự bất tử – như tên ba tác phẩm của nhà văn M. Kundera, người đã thốt lên: “Họ đâu rồi, những con người thong thả của đời xưa”, những con người đã “biến đi cùng với thiên nhiên” ấy là “những con người sung sướng” có khả năng dẫn dắt người ta chạm đến đáy những điều sinh tử của đời sống – dĩ nhiên trên cả bình diện triết học – để sống một cách có ý nghĩa hơn trong cõi đời “sinh ký” này… Đại thi hào Nguyễn Du, trong những ngày bệnh dịch lan tràn khắp Kinh đô Huế, dính bệnh nằm chờ ôn dịch bắt, chắc cũng đã ngẫm nhiều về sự hỗn loạn, bạo liệt của thời thế, về nỗi đau thương đồng bào ông gánh chịu, mà nếu những người cầm quyền chỉ cần tĩnh tâm, hồi tâm đôi lúc thôi chắc sẽ có thêm chút tình thương dân để dân bớt đau khổ; nhưng ông không nói được với ai điều gan ruột này, vì thế đã im lặng ra đi… Tôi thiển nghĩ: trong những mối hận Kim Cổ của ông để lại cho đời, có mối hận đau đáu khôn nguôi là máu và nước mắt của dân lành chưa biết đến khi nào mới ngừng chảy trong những cuộc chém giết huynh đệ tương tàn, tranh cướp quyền lợi và danh vọng của tầng lớp tự xưng là "cha mẹ dân" (dân chi phụ mẫu)… Một nhà nghiên cứu văn học, một nhà Kiều học uy tín đã nói với khán giả, qua ống kính máy quay của tôi : “Thiên tài của Nguyễn Du, trước hết là Tình thương Con người” – theo tôi, đó là một trong những nhận định hay nhất, xứng đáng nhất xưa nay về đại thi hào dân tộc, mà nhờ sự chậm rãi, tỉ mỷ nghiên cứu, vị giáo sư đáng kính đã giúp các học trò và độc giả của ông thấm hiểu một chân lý lớn: cuộc đời Nguyễn Du đã lắng sâu vào mọi kiếp người, cụ nâng niu, trân trọng, xót xa cho mọi biểu hiện nhỏ bé nhất của nỗi khổ đau, kể cả ở số phận một con vật nhỏ bé…

Những ngày này, tôi dần hiểu ra một điều giản dị: Có sự chậm rãi, chuyên tâm, và cả thời gian cần thiết nữa, mới có thể có được sự thẩm thấu, sự lắng đọng, sự chắt lọc tinh túy – như chuyện anh thợ hót rác Samet đã kỳ công nhặt từng bụi vàng để tạo ra “Bông hồng vàng” cho cô bé Suyzan mà K. Pautovski từng rung động kể ở truyện Bụi quý… Bố tôi, trong những ngày cuối đời, giữa lúc đau đớn bởi bệnh tật giày vò vẫn kiên nhẫn dạy cháu gái câu ngạn ngữ Latin: “Shi va piano, va sano; shi va sano, va long tano” (Ai đi một cách nhẹ nhàng như tiếng dương cầm, sẽ đi được tốt, ai đi được tốt, sẽ đi được xa).

“Chậm” trong dòng chảy Sống, cũng có nghĩa là Êm đềm, Bình yên, Thanh thản, Tâm tư trong sáng, Trái tim bớt đi những hờn giận, những tham vọng vô nghĩa mà Đạo Phật vẫn gọi là Tham - Sân - Si, còn Đạo Lão thì định nghĩa là “Vô vi” – tức là hãy thuận theo quy luật của tự nhiên, mà cái tự nhiên vốn có dòng chảy êm đềm, hài hòa…

Những ngày Sống Chậm này giúp tôi nhiều lúc dừng lại mạch suy tư trăn trở nghề nghiệp quen thuộc để giật mình, rồi xót xa cho Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa đáng tự hào của nước ta giờ đang nhiễm mặn một cách kinh hoàng và có nguy cơ trở thành một “Cánh đồng chết” (The Killing Fields, tên một bộ phim Mỹ nói về họa diệt chủng của bọn Kh’mer Đỏ) mà một tác giả Việt Nam mới cảnh báo, bởi vì người ta đã vi phạm một cách man rợ những quy luật của Tự nhiên!

Và thốt nhiên tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Dịch hạch (Nguyên tác: La Peste, Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Văn học, 2002) của nhà văn Pháp Albert Camus. Những điều Camus viết về những gì đã diễn ra một thành phố Pháp trên bờ biển Angiêri, trong một nạn dịch hạch hoành hành khủng khiếp vào những năm chủ nghĩa phát-xít đang thống trị toàn châu Âu kia, cũng là những điều tiên báo cho tương lai của nhân loại, buộc con người trong các thời đại, các chính thể xã hội phải suy ngẫm một cách thực sự nghiêm túc về lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đồng loại. Những điều tưởng bình thường, xa lạ, bị chìm đi giữa các chương trình giải trí vô bổ và “Tinh thần thể dục”, bỗng hiển hiện về thực tại với mức độ dày đặc, trong tình thế cấp bách. Với sự lan tràn của đại dịch mới, người ta chợt nhận ra rằng: sự hủy hoại môi trường sinh thái đã trở nên nguy hại và cấp bách đến thế nào; người ta đã từng dửng dưng cười cợt trước sự đau khổ của người khác và tình đồng bào đã từng bị dày xéo lăng nhục rồi bị giết chết thê thảm ra sao... Những lò thiêu người bị bệnh dịch hạch ở châu Âu, châu Á, châu Phi trong các thế kỷ trước được nhớ lại khiến người ta rùng mình liên tưởng tới những lò thiêu người Do Thái của bọn Na-zi… Ý thức công dân được thổi bùng lên, tình đồng bào được nhen nhóm lại, một “tâm lý đám đông” mới được khơi dậy một cách vừa theo định hướng vừa tự phát, cứ như một cuộc tỉnh ngộ mới mẻ, tựa câu chuyện trong tác phẩm Suối thép của nhà văn Sêraphimôvích (Liên Xô cũ) và đã lên màn ảnh lớn: sau khi đoàn hồng quân đói khát rệu rã được chính ủy cố tình đưa đi qua một đoạn đường thử thách, gian khổ, đầy hy sinh của đồng đội, thì đoàn quân ấy như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần ghê gớm, và họ đã trở thành một "suối thép" để có thể chiến thắng quân thù…

Trong những nỗ lực chống dịch hiện tại, đã xuất hiện biết bao câu chuyện cảm động, bao “người anh hùng” kiểu mới mà người dân Việt vốn nhạy cảm với khổ đau và đang thiếu thốn tình thương đã nhận ra và tỏ lòng kính yêu, quý trọng hết mực; đó là những “vị cứu tinh” thời hiện đại, xuất thân từ dân, đứng trước họ là các bệnh nhân, quan điểm chính trị không quan trọng bằng tính mạng và sự an toàn của các cá nhân và các gia đình. Trong cuốn tiểu thuyết Dịch hạch mà tôi nhắc ở trên, có các nhân vật “người hùng” như vậy: bác sĩ Riơ, nhà báo Rămbe, linh mục Panơlu, luật sư Taru. Nhưng điều khiến tôi nhắc đến cuốn tiểu thuyết này, chính là suy nghĩ trĩu nặng tình xót thương con người của nhân vật Taru, người mà ngay giữa cao trào của dịch hạch đã nói tới nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch, đó là cái ác của con người. Taru, sau khi nghe lời buộc tội độc ác của cha mình và chứng kiến tòa kết tội tử hình một bị cáo, đã rời bỏ cuộc sống nhung lụa và lao vào cuộc chiến đấu chống lại sự giết người. Albert Camus đã nói rõ tư tưởng của các nhân vật tích cực đang chống lại dịch hạch nói riêng và cái ác nói chung: “Cái ác trên đời này hầu như bao giờ cũng bắt nguồn từ sự dốt nát, và thiện chí cũng có thể gây tổn thất như tà dâm nếu không được soi đường… và tính xấu tồi tệ nhất là của những kẻ dốt nát nhưng lại cho là mình biết hết thảy và lúc đó tự cho mình chém giết. Tâm hồn đứa giết người là một tâm hồn mù quáng, và sẽ không có lòng tốt chân chính và tình yêu cao đẹp nếu không có toàn bộ sáng suốt cần thiết”. Dịch hạch thực ra là ngụ ngôn ám chỉ "bệnh dịch" của chủ nghĩa phát-xít, con đẻ của tên đồ tể Hitler, kẻ đã tự coi mình có sứ mạng thánh thần sắp xếp lại trật tự thế giới – kết quả của sự ngu xuẩn – để lý giải hành động tàn ác của mình và đồng bọn. Đến hôm nay, những lời cảnh báo của nhà văn vẫn còn nguyên giá trị, cái nhìn tiên tri của ông vào thế giới phi lý của con người dường đã ứng nghiệm, khi toàn cầu hôm nay cũng đang đương đầu với một đại dịch thế kỷ!

Những ngày Sống Chậm, tôi mới có dịp lan man nghĩ nhiều về cái gọi là đạo lý dân tộc mà hệ thống Giáo dục của chúng ta nhiều lúc đã coi nhẹ, để những khẩu hiệu cao siêu nhưng vô bổ lấn át, khiến lũ trẻ đáng yêu đang có nguy cơ dần biến thành những “Người máy” vô cảm – chuyện những bảo vệ trẻ ở cửa hàng nọ đã trói một bé gái ăn trộm hai cuốn truyện tranh mỏng, treo biển “Tôi là ăn trộm” trước ngực bé rồi chụp ảnh quay phim tung lên mạng, là một ví dụ điển hình cho sự giáo dục kiểu ấy – kiểu sẽ chỉ cho ra “lò” những “Kiêu binh” thời mạt Lê -Trịnh, những “Hồng vệ binh” bên Tàu dạo nọ!...

Sống Chậm, không có nghĩa là sự chậm chạp, giết thời giờ, kéo dài thời gian vô ích, đối lập hoàn toàn với kiểu sống vội vã, chụp giựt, buông thả, được chăng hay chớ, tùy tiện, vui đâu chầu đấy… – những tật mà không ít thanh niên thành phố lẫn nông thôn hiện nay đã nhiễm phải và nướng mình trong các chầu bia rượu kéo suốt buổi. Họ “tăng tốc độ” số lần các cuộc kề cà nhâm nhi các thức đặc sản, giọt rượu quý hiếm, trong những chuyện vô bổ quanh các điện thoại đời mới, chiến công về các cuộc “săn bắt” tình yêu, hay chuyện cá cược, những scandal về ca sĩ, người mẫu nổi danh…

Nhà thơ Hy Lạp Ianit Ritsôt – người từng ví Hồ Gươm như một lẵng hoa đẹp giữa lòng Thủ đô Hà Nội, là người có những câu thơ thấm thía về giáo dục & tự giáo dục thế này: Ai cũng một mình đi đến Tình yêu, đến Vinh quang và Cái chết/ Tôi lặp lại thơ tôi/ Thế là/ Sự thèm khát phải có bánh mỳ và cái hôn/ Không làm tôi thấp hèn, sa sút (Đào Xuân Quý dịch). Ông bảo: “Tôi lặp lại thơ tôi”, cũng có nghĩa là ông Sống Chậm lại, trải nghiệm lại những gì mà trường học và cuộc đời đã dạy để có thể sống thì hiện tại như một Con người đúng nghĩa…

Và trong những ngày Sống Chậm này, tôi mới có nhiều thời gian hơn để nghĩ về mẹ tôi. Bà hàng ngày vẫn sống bên tôi, tôi vẫn chăm sóc mẹ với phận sự của người con trai trưởng… Nhưng trong vắng lặng, tôi chợt nhớ da diết tiếng đàn của bà, tiếng đàn đã mấy tháng nay im lặng bởi bà không thể ngồi trên đàn được nữa… Bao năm qua, một cô giáo dạy nhạc bình thường như bà đã là một cành dương kỳ diệu che chở giúp cho một gia đình nhà giáo nghèo vượt qua những cơn bão táp, máu lửa, nghèo đói của Đất nước… Sau những buổi lặn lội chở gạo, thức ăn cho các con tới nơi sơ tán, sau những lúc chen chúc mua từng lít nước mắm, từng chai dầu hỏa bằng tem phiếu, bà lại trở về với việc dạy các con và học trò xướng âm những bản nhạc mới, hoặc lặng lẽ mê mải bên cây đàn, tiếng đàn của bà đã đưa con cháu vào thế giới của âm thanh – cũng là thế giới của Bình yên, của khát vọng làm người tử tế… Đêm nay, qua tiếng đàn nhớ lại của mẹ, tôi càng thấm thế nào là Sống Chậm; những tempo nhanh chậm của bất cứ bản nhạc nào xét cho cùng chỉ là ước lệ, tạm thời, còn trong thẳm sâu của người nhạc sĩ và người thể hiện chính là sự Chậm rãi, Trang nghiêm, hướng tới sự Cao cả của Tâm hồn và cái Thiện của cuộc sống… Cái Thiện đó, chính là cái đích mà tất cả những người lương thiện đang hướng tới, dù phải đối mặt với các thảm họa khủng khiếp như Chiến tranh, Dịch bệnh… Con người đã phải cảnh giác quá nhiều và quá lâu rồi theo lời kêu gọi, cảnh báo của một nhà báo Tiệp Khắc, còn giờ đây, chỉ Tình thương đồng loại mới là “cây đũa thần” hiệu nghiệm cứu giúp nhân loại – “cây đũa thần” mà Thánh Gandhi, văn hào Lev Tolstoy, Vua Phật Trần Nhân Tông, đại thi hào Nguyễn Du… đã nhiều lần gửi gắm và kêu gọi thống thiết trong nước mắt hòa máu…

Trong những ngày này, chắc chắn những lời cảnh báo của hai tác giả Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật) viết những năm cuối thế kỷ trước chợt có sức vang vọng và đồng cảm đáng kể, cũng có tác dụng thức tỉnh nhân loại đang u mê trong vòng xoáy của danh lợi, tuân theo định mệnh và từ chối chiến đấu với cái xấu, cái ác, sự vô luân: “Tình hình toàn cảnh thế giới đang trở nên xấu đi, và một điều rất thực tế là mối nguy hiểm do những cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra đang trở nên nghiêm trọng hơn... Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta”. Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó... Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…” (Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia, 1993).

Hy vọng rằng, với công cuộc “tự hoàn thiện mình từ bên trong” bắt đầu từ lâu và đặc biệt trong những ngày thử thách cam go này, Đất nước tôi và đồng bào tôi sẽ không bao giờ bị sụp đổ!

MA NAT