Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Trở lại quê nhà 2024 (2)

 Nguyễn Xuân Thọ

 

NHỮNG CUỘC GẶP GỠ MUỘN

Mỗi lần về nước tôi đều tranh thủ gặp gỡ bạn bè, ôn lại các kỷ niệm xưa. Chúng tôi về Hà Nội đúng dịp “Ngày nhà giáo Việt Nam” nên vợ tôi rất bận rộn. Có đến ba lớp học sinh cũ, rồi trường Ngô Sĩ Liên mời vợ tôi dự các cuộc gặp mặt. Các bạn học cũ còn rủ vợ tôi đi thăm các thầy cô từ cấp một, cấp hai. Người Việt vô địch thế giới về việc giữ gìn các mối liên hệ xưa. Người Tây thua xa chúng ta về việc họp lớp, gặp gỡ tổ hưu, hội trường, v.v. Các thầy cô giáo Đức nói như vậy mỗi khi chúng tôi về thăm trường cũ ở Königs Wusterhausen. Đây có lẽ là một yếu tố giúp xã hội gắn kết được trước những vấn nạn mà người ta vẫn kêu là “Suy đồi đạo đức”, “Băng hoại xã hội”. Những cuộc gặp gỡ phi vụ lợi này giúp con người sống bền với những ký ức xưa.

Nhưng xung quanh ngày 20.11 tôi cũng nhận ra cảnh người ta hối hả, chen chúc đi mua quà, cảnh các cửa hàng hoa “cháy hàng”. Mạng xã hội bị quá tải bởi các hoạt động “tri ân”. Đây là mặt trái của bức tranh, là khúc nổi của vấn nạn “Suy đồi giáo dục”. Nguyên nhân đến từ nhiều phía: thể chế, đạo đức làm thầy và nếp sống của cha mẹ. Cùng các căn bệnh nhờn thuốc khác như “Mua quan, bán chức”, “Kinh tế chùa”, “Kinh doanh sức khỏe”… chúng đang gặm nhấm sức lực của toàn xã hội.

Ở Hà Nội vài hôm, tôi được nghe về lễ kỷ niệm “70 năm tập kết ra Bắc”. Là đứa con theo mẹ tập kết ra Bắc năm 1955 trên chiếc tàu Kilinski của Ba Lan, tôi đã kể chuyến đi đầy sự cố này trong bài viết: Chuyến tàu tập kết [1]. Giờ đây tôi buồn vì người ta chỉ nhắc đến cuộc “Tập kết ra Bắc” của 150.000 người kháng chiến, mà không dành một chữ nói về số phận của hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam cùng thời gian đó. Phải chăng cuộc di cư đó không tồn tại trong lịch sử nước nhà? Hay họ di cư ngược chiều nên không phải là đồng bào? Tôi mong những người di cư vào Nam, nếu còn sức, hãy viết về sự kiện đó để lịch sử không bị xóa nhòa.

Đợt này tôi cũng may mắn gặp được những người mà tôi tìm kiếm lâu nay. Đáng kể nhất là em Ngọc, vợ của Chính, bạn học từ thời niên thiếu.

Bạn bè gọi hắn là "Chính Té" vì hắn lẩn nhanh như chạch. Mỗi khi phải làm cái gì mất công, Chính đều “té”. Năm 1970 Chính đi bộ đội, vào Nam. Hết chiến tranh Chính trở về, người ốm yếu xanh rớt vì sốt rét và bệnh gan. Từ một tay thanh niên nhanh nhẹn, hóm hỉnh, Chính chỉ còn sống như một cái bóng. Ở tầng một nhà 26 Trần Hưng Đạo có một cô bé mà Chính gọi là Bé Ngọc. Ngọc học cùng em gái tôi, bé nhỏ, ít nói, hay chạy theo mấy anh em chúng tôi để bắt ve, hái sấu. Một hôm Ngọc khóc hu hu chạy về báo tin là anh Chính bị bọn khác đánh, để chúng tôi ra giải cứu.

Giờ đây Bé Ngọc đã làm cho Chính muốn sống. Thời kỳ Chính ở trong Nam, Ngọc vẫn lên tầng trên chăm sóc bà Khảm, mẹ Chính. Giờ thì nàng chăm sóc anh bộ đội phục viên sốt rét, trầm cảm. Tình yêu đó đã thổi hơi ấm giúp Chính gượng dậy. Họ cưới nhau và Ngọc sinh cho Chính một bé gái, đặt tên Ngọc Linh. Không có của hồi môn, không có nghề nghiệp ổn định, nhưng họ hạnh phúc. Gặp tôi, Chính chỉ kể về Bé Ngọc.

Năm 2003 tôi về thăm nhà, gặp Chính ngồi chữa đồ điện ở phố Lý Thường Kiệt, đối diện Thư viện Khoa học Trung ương. Chủ nhà thương anh thương binh, cho ngồi ngoài cửa, không lấy tiền. Lần nào đi qua tôi cũng ghé nói chuyện và rủ đi uống nước. Vậy mà vài năm sau về, nghe tin bạn đã ra đi vì bạo bệnh. Còn Ngọc thì lâu lắm, phải đến 40 năm nay tôi chưa gặp.

Không chỉ găp may, mà phương châm “Cứ tìm rồi sẽ thấy” đã giúp tôi tìm thấy chị Giao, chị ruột Chính. Chị lấy chồng, vào Huế từ năm 1975. Đã có lần chị ra Bắc, về 14 Lý Thường Kiệt thăm ba má tôi. Khi đó tôi đang ở Đức nên không gặp chị. Má tôi trước khi mất có kể như vậy, nhưng hồi chị ra Hà Nội chẳng ai có điện thoại cả.

Ngay sau khi có số điện thoại của chị Giao, tôi gọi cho chị. Chị òa khóc nức nở kể từ chuyện cái áo dài má tôi tặng chị ngày cưới, cho đến những cái phiếu mua gạo nhà tôi không dùng hết mang sang cho mẹ chị. Tôi hứa khi vào Huế sẽ đến thăm chị để còn tâm sự nhiều.

Ngay sau khi check in khách sạn ở Huế chiều 26.11, vợ chồng tôi đi ngay taxi đến thăm chị Giao. Anh đã mất từ lâu, chị ở với hai người con trai. Chị cảm động lắm. Bà già 85 tuổi cứ nhắc đi, nhắc lại những kỷ niệm cũ, từ chiếc áo dài đến cái tem gạo, rồi đến thằng Chính xấu số. Chị cho tôi số điện thoại của cháu Ngọc Linh.

Lát sau tôi liên lạc được với Ngọc. Khi Chính còn sống, cuộc sống của hai vợ chồng đã khó khăn rồi. Sau khi Chính ra đi, cuộc đời của Ngọc còn gian truân hơn nữa. Tôi tiếc là đã rời Hà Nội, nhưng hứa lần sau về sẽ đến thăm em.

Cách đây vài năm tôi ngồi cà phê với Châu, một chuyên gia đầu ngành về Răng-Hàm-Mặt (RHM), trưởng khoa ở Viện RHM phố Tràng Thi. Hắn kể rằng một hôm Chính mang tiền và quà đến nhà để xin cho con gái vào làm ở viện RHM. Châu mắng: “Mày cất tiền, mang quà về, để hồ sơ lại đây. Việc của tao thì tao phải lo”.

Bây giờ Ngọc kể thêm: Ngọc Linh không học y nên vào bệnh viện chỉ làm công việc văn phòng. Cháu chán quá nên một thời gian sau xin thôi việc, chuyển ra ngoài làm nghề dạy học ngoại ngữ.

Tiếc cái suất làm việc ở viện RHM, Chính đến xin cho Hoa, con gái anh Đài mới học y tá ra trường, vào làm thế. Anh Đài (em chị Giao, anh của Chính), bệnh tật, đau yếu nên gia đình rất khó khăn. Châu đồng ý cho Hoa vào thế chỗ của Ngọc Linh. Rồi Châu đào tạo cháu thành một y tá trưởng hàng đầu ở Viện.

Cháu Lộc, em trai của Hoa cũng thất nghiệp dài dài. Biết vậy, Châu xếp cho cậu sinh viên đại học dở dang vào làm bảo vệ cho viện. Rồi hắn cho Lộc đi học khóa kỹ thuật viên. Giờ đây Lộc ngồi làm răng giả trong xưởng của Viện.

Thằng Châu con nhà nòi, học giỏi có tiếng, thành đạt, nhìn đời bằng nửa con mắt. Nhưng không vì thế mà hắn quên bạn bè.

Rồi chúng tôi đến thăm một bạn gái từng học phổ thông với tôi. Hồi đó tôi khoái bạn bởi cặp mắt sáng và giọng hát truyền cảm. Bố bạn là cán bộ cao cấp nên năm sau bạn sang Quế Lâm (Trung Quốc) học. Năm 1976 tôi đã đến thăm bạn trong tòa biệt thự của ông cụ ở trung tâm An Cựu, có bộ đội canh gác.

Thế nên lần này tôi ngạc nhiên khi đến một căn nhà nhỏ trong một hẻm vắng ở ven thành phố. Căn nhà đơn sơ, nhưng bài trí ngăn nắp và sạch sẽ đến từng chi tiết.

Sau khi bố mất, bạn đã trải qua một cuộc đời vất vả, chứ không hề như tôi nghĩ về thanh thế gia đình bạn. Rồi bạn phải bỏ Huế, theo chồng vào Nha Trang sinh sống. Người chồng sao nhãng. Mọi gánh nặng trùm lên vai bạn, nuôi ba đứa con. Không việc làm, không hộ khẩu, không nơi bấu víu.

Bỗng một hôm một ông cán bộ già tìm đến đến chỗ trọ, hỏi đúng tên bạn và tên ông cụ. Ông nói là ngày xưa cùng hoạt động với bố bạn.

Làm sao ông biết là con gái bạn ông đang sắp chết đuối và tìm ra nó thì không rõ. Nhưng ba hôm sau bạn được nhận vào làm tại Sở Thương nghiệp Khánh Hòa. Tuy chỉ là cái phao nhỏ trong cả cuộc đời chìm nổi, nhưng bạn không bao giờ quên.

Trưa ngày 27.11 chúng tôi hẹn gặp một số đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Huế năm 1975. Các bạn Nguyễn Văn HảoThai Binh Nguyen đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này rất chu đáo. Cái đài truyền hình gọn nhẹ, xinh xắn ngày trước ở ngã ba đường Hà Nội/Lý Thường Kiệt đã biến mất, nhường chỗ cho một tòa nhà đồ sộ, cao ngật ngưỡng. Bạn bè đã tụ tập đông đủ. Có những người mà đúng là sau gần 50 năm mới gặp lại. Tay bắt mặt mừng, hỏi nhau đủ chuyện.

Tôi gọi ngay cho anh Vũ Chí Đạo, cựu Phó Giám đốc Đài Truyền hình Huế thời VNCH. Anh là dân Bắc di cư, cháu nhà văn Vũ Hoàng Chương, được đào tạo kỹ thuật truyền hình ở New Zealand. Anh còn dạy thêm môn Vật Lý ở Viện Đại học Huế. Tôi nhớ hồi tháng 5.1975, cả anh Từ Tôn Sa, nhà báo, cựu Giám đốc Đài Truyền hình Huế của VNCH cũng đến gặp đài. Đương nhiên anh không được nhận vì là dân tuyên truyền. Chị Trang, vợ anh Đạo cũng là xướng ngôn viên của VNCH. Chị thuộc dòng dõi trâm anh ở Huế, đẹp nền nã và rất khéo tay. (Năm 2006, khi Tổng thống Bush đi thăm Việt Nam, chị được chọn nấu món ăn Huế để đãi ông.) Nhưng chị cũng không được tiếp tục làm việc ở đài.

Anh Đạo may mắn được nhận làm lưu dung cùng với khoảng 10 nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ. Anh hay tâm sự với tôi. Sau khi tôi đi khỏi Huế anh cũng vào Sài Gòn sinh sống, mất liên lạc. Nhờ viết bài Ký ức Huế 1975 [2], chúng tôi tìm được nhau.

Lần này tôi gọi mãi mà anh không nghe. Tôi phải gọi cho chị Trang, nhờ chị mở Zalo cho anh. Cả bọn mừng rỡ nhìn thấy một ông già ốm yếu, râu tóc bạc trắng nhưng vẫn cố vui vẻ chào, nhắc tên anh Thái, em Ai Hoa Hoang. Một cuộc gặp gỡ rất cảm động nhưng ngắn ngủi trên mạng. Vài hôm sau, tôi vào đến Quy Nhơn thì nhận đươc tin anh Đạo qua đời. Không ngờ video chat đó là dịp cuối cùng mấy anh em gặp nhau.

  

Tàu Ba Lan, Liên Xô chở bộ đội kháng chiến tập kết ra Bắc, trong khi tàu Pháp, Mỹ chở đồng bào di cư vào Nam. Hai dòng người di dân trong thời gian 300 ngày sau hiệp định Geneve 1954.

Găp nhau trước cửa đài Truyền Hình ở Huế, Ai Hoa Hoang, Thai Binh Nguyen, Nguyễn Văn Hảo

Anh Đạo và chị Trang trong những năm 1980 (nguồn FB của anh Đạo)

Gặp gỡ các bạn học ở CHDC Đức thời 1967-1971 Nguyễn Thu Đức, Trần Văn Thái, Hien Nguyen, Lanminh Bao