Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (44)

 Đông Ngàn Đỗ Đức


KẾT TRÊN NỀN HOA

(Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ)


Phấn màu (pastel) là chất liệu cho hội họa, mềm mại nhẹ nhàng thuận tiện khi sử dụng. Nhưng ở Việt Nam ít người vẽ phấn màu.

Không vẽ vì hiếm. Xứ sở ta không phải nơi sản sinh ra chất liệu này.

Trước đây vẽ phấn màu có vài ba họa sĩ như Hoàng Kiệt, Trần Đông Lương, Văn Xương. Họa sĩ Hoàng Kiệt nổi tiếng với những chân dung người dân vùng sơn cước, Trần Đông Lương nổi tiếng với thiếu nữ Hà Nội, còn Văn Xương với những tác phẩm về chiến tranh.

Chỉ riêng Nguyễn Thị Mỹ vẽ hoa bằng phấn màu. Bà cũng rất có duyên với phấn màu. Từ triển lãm tranh những năm chín mươi vẽ hoa bằng phấn màu đầu tiên bà đã gây ngạc nhiên cho bạn bè. Những cánh hoa như rung rinh trước nắng, mềm và mượt với cảm xúc thật xao xuyến. Một triển lãm toàn tĩnh vật hoa mà không nhạt là chuyện khó vô cùng. Những bức tranh hoa để cạnh nhau như những cô gái đẹp xếp hàng do một bà mẹ đẻ ra mà lên bổng xuống trầm, gây được hứng thú cho người xem thật là khó. Vậy mà bà đã làm được.

Bà theo đuổi với chất liệu phấn màu như một duyên phận gắn bó vào đời mình.

* * *

Họa sĩ nào trong đời cũng vài lần vẽ hoa.

Những Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sáng… các ông đều vẽ hoa không nhiều thì ít, hoa như người bạn gần gũi hàng ngày. Nhưng các ông vẽ hoa như là để điểm xuyết cho sáng tác hơn là một theo đuổi.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ vẽ hoa thì có khác. Bà vẽ hoa như một ám ảnh có trước, như một sự theo đuổi tình yêu.

Bà nói mỗi khi nhìn hoa thấy trong người được thư giãn tan dần đi mệt nhọc.

Rồi ngồi lâu ngắm hoa thấy như mình đang tụ thiền, người nhẹ lên hư không…

Chị nhận ra hoa không vô tri, hoa có hồn quê, hoa gợi về tuổi thơ, về thời con gái về tất cả những gì là thanh tân, của thời thanh tân…

Khi vẽ bà cảm nhận thấy như đang trò chuyện với hoa.

Bà cũng không chọn riêng loài hoa nào cho tranh của mình. Bà vẽ nhiều thứ hoa bình dị, từ li ti như các loại cúc đến phấp phới khuê tình như hoa bươm bướm, sắc đỏ mạnh mẽ như hoa hồng , trĩu nặng yêu thương như violet… Bà có thể vẽ hoa mà không cần có hoa trước mặt, nhắm mắt cũng vẽ ra hoa, vẽ hoa gì ra hoa ấy, vẫn lớp lang đậm nhạt đủ cả.

Đỉnh cao trong những tĩnh vật hoa của bà là tác phẩm Rồng nhả ngọc. Đó là loại hoa rất khó vẽ, nó vừa như lá lại vừa là hoa. Màu cánh hoa tím ngan ngát nhưng đôi chỗ lại phớt hồng ửng đỏ hoặc vàng rơm. Hoa giống ngọn lửa liu riu, thứ lửa chập chờn của nùn rơm đang cháy… Ngắm bức tranh đó tôi thật sự sững sờ vì bà đã đọc ra cái huyền ảo của hoa và truyền được cho người xem cảm xúc ấy. Kìa những cánh hoa lợp lên nhau. Những nhụy hoa trắng được phun ra như hạt bạch ngọc ở kẽ bông như hạt sương sớm long lanh. Đó là tác phẩm không nhìn ra lỗi kĩ thuật để mà bắt bẻ mà vẫn trinh nguyên được cảm xúc.

Phấn màu đã cho bà thăng hoa với các loài hoa. Không giống các họa sĩ khác, bà vẽ hoa với sự kĩ lưỡng chỉn chu như bóc tách ra từng cánh hoa. Vậy mà tranh hoa bà không bị khô cứng, vẫn chứa đầy cảm xúc tươi sáng. Những bông hoa bà đưa lên khung vẽ luôn đầy sức sống, với tình cảm nồng thắm.

Hoa đã ùa vào cuộc sống hội họa của bà như vậy.

* * *

Từ sự nhẹ nhàng của phấn màu bà bước sang chất liệu mới là sơn acrylic, một chất liệu khó dùng hơn.

Khá nhiều họa sĩ thành công với màu bột, sang sơn thì thất bại. Vẽ phấn màu mà sang sơn còn khó hơn vài lần…

Vẽ sơn là đặt màu chứ không day di như vẽ phấn. Đặt màu không khéo, kĩ thuật không nhuần nhuyễn dễ cho cảm giác khô cứng, mà day di thì màu sẽ vẩn đục. Kỹ năng vẽ sơn khác hẳn kỹ năng dùng phấn.

Vậy mà bà đã đi một bước đi thật nhẹ nhàng sang sơn gần như không bị vấp.

Vẫn lối nhìn gần với phấn màu, những bức tranh hoa trên toan bằng sơn acrylic của bà vẫn mềm mại trong cảm xúc thăng hoa.

Bước thử nghiệm với sơn của bà thực sự thành công!

Viên mãn với các loài hoa, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ đã giữ riêng cho mình một khoảng trời đầy hương sắc bốn mùa mà ít ai làm được.

Đó là thành công lớn của bà. Nó chúng minh cho một nhận định rằng: Làm việc gì mình hiểu biết và yêu thích nhất và theo nó đến cùng thì bao giờ cũng có kết hậu. Bà đã có cái kết đó trên nền hoa. Một cái kết thật đẹp khiến đồng nghiệp phải kính nể.