Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Trên đường đi tìm đoá hồng thất tung

 (Đọc thơ và phiến văn của Nguyễn Tiến Đức) *

Bùi Vĩnh Phúc

Autumn Landscape with Boats (Wassily Kandinsky)

.1.

Nguyễn Tiến Đức là một thi sĩ. Người thi sĩ ấy không còn nữa. Nhưng anh đã để lại cho chúng ta những bài thơ, những câu thơ, những hình ảnh, những nhịp điệu. Và lòng yêu cuộc sống. Yêu cái đẹp. Những thứ ấy vẫn làm tôi nhớ đến anh.

Khi chàng thi sĩ đã ra đi về bên kia đời sống

Thì những câu thơ mơ mộng,

thiết tha, hồn nhiên, bí ẩn, long lanh…

của chàng

Vẫn còn tiếp tục rong chơi trong bầu trời cao rộng

Nhởn nhơ đùa trên những lối mây đi…

Trong thời tuổi trẻ của mình khoảng 50 năm trước, tôi đã viết một câu thơ đại khái như thế trong một bài thơ dài. Trong bài viết này, tôi sẽ thử dò tìm vào tâm hồn của Nguyễn Tiến Đức (NTĐ), nhà thơ, để tìm lại những điều bí mật mang đầy nét thiết tha và thơ mộng của anh. Những bí mật, dù sao, có lẽ cũng là một phần trong cuộc sống của rất nhiều người trong chúng ta. Bởi lẽ, bí mật nằm trong sự sống. Có những bí mật mỗi người giữ lại cho riêng mình. Nhưng cũng có những bí mật mà con người có thể chia sẻ với nhau, cho nhau. Bí mật, thật ra, nằm trong cái nhìn và trong sự rung động của mỗi một chúng ta trước cuộc đời.

Ta có thể biết về NTĐ qua ba tập sách mà anh đã in ở Mỹ, từ năm 1999 đến năm 2022. Đó là Gõ lên niềm im lặng (1999), thơ, Tiết lộ của im lặng (2020), thơ, và Những sinh vật trong bộ nhớ (2022), văn.

Gõ lên. Tiết lộ. Niềm im lặng.

Gõ lên là muốn đánh thức, muồn dò tìm, muốn thử đánh động hay đi vào một điều gì đó. Còn tiết lộ thì có vẻ là kẻ thăm dò đã tìm bắt được cái mình tìm, mình cảm, mình thấy. Vậy thì cái “niềm im lặng” ấy nó cất chứa điều gì? Và nó là cái gì mà nhà thơ muốn “tiết lộ” ra. Trong cái đọc của tôi, “niềm im lặng” ấy ẩn giấu trong nó những cái bí mật. Những “bí mật” như tôi đã thử trình bày ở trên. Thật sự, chúng không cần được “tiết lộ”, vì chúng đã nằm ngay trước mắt chúng ta. Chúng ở trong trái tim chúng ta. Trong ký ức, trong sự rung động, trong sự hòa nhâp, và trong đáy sâu của hồn người. Chúng là những điều bí mật, thoáng hiện, hay mãi ở đó, dưới những lớp rong rêu xanh lục của ký ức, của trí nhớ, của kỷ niệm, của quá khứ. Hay chúng là những bí mật nằm lẫn trong những hình ảnh trá ngụy của đời sống. Của những cái chói loà, lấp lánh, hay của những lớp vôi vữa, những cái rã mục hay những nét sơn phết của cuộc đời. Nếu chú ý đủ, nhậy cảm và yêu thương thiết tha với cuộc đời đủ, người ta sẽ nhìn thấy chúng.

Thi sĩ là kẻ đã thấy được, trong hạnh phúc và khổ đau mình, những bí mật như thế.

Thật ra, nếu có “tiết lộ”, anh ta chỉ “tiết lộ” cái mắt nhìn và tâm hồn mình. Nhưng như thế cũng là quá đủ . Vì tâm hồn nhà thơ cũng chỉ là một mảnh của bức tranh toàn ký (hologram) của cuộc đời. Nó là một hình chiếu 3-D. Nó là một mảnh, và nó chứa đựng toàn thể. Và toàn thể chứa đựng trong nó. Nó ánh xạ và chứa đựng tất cả cái sống và cái chết, quá khứ và hiện tại, xa và gần, trong và ngoài, ký ức và hiện thực, tuổi thơ và thời gian trôi qua.

Hãy nhìn thử vào những gì mà ta vừa chia sẻ với nhau.

Tiếng hát của Mẹ tuổi mười sáu

đến trước tiếng khóc của tôi vào đời

tiếng ru của Mẹ trong vòng tay êm ái

đến trước tiếng rên đau đớn

của đồng đội bị thương trên chiến địa

máu loang mềm đất

ánh mắt của Mẹ luôn ẩn một nụ cười

đến trước ánh hỏa châu từng đêm

soi sáng lính trẻ thấy rõ mặt nhau mà giết

chiếc mũ bê-rê đen Mẹ mua

cho những ngày khai trường mù sương lạnh

lá bàng rơi vàng hè phố tuổi học trò

đến trước chiếc nón sắt mỏng

chống đạn đồng xoáy thịt khoan xương

chiếc áo len Mẹ đan từng mũi

giữ cho tôi được ấm những ngày đông của Hà Nội

đến trước chiếc áo giáp U.S.

chống đạn A.K. xoáy ngực khoan tim […]

(Tôi yêu vài thứ đến trước)

Hay những điều này:

anh muốn nói với em bằng những lời thơ tình

khi màn sân khấu đen chưa được kéo lên

khi chưa có âm thanh của tiếng máu hộc

từ tim con bò mộng bị đâm dưới mưa hoa

chết đứng giữa vòng đấu trường ở Barcelona

khi chưa có âm thanh của những hợp âm rợn óc

từ đất chết được tấu lên

bằng những họng súng và những xiềng xích trại tù […]

khi chưa có âm thanh của tiếng cello bi thảm

mở dạo khúc cho vở Opera 2000

(Opera 2000)

Anh để tiếng hát em

Ngân tiếng nấc giữa những con ngựa chiến

Bọc thây lính trẻ hai miền nam bắc

Nằm chết không lời

Trong suờn đau ký ức

Vương mùi tử cúc phai

Lẫn mùi thép rỉ của vũ khí […]

Anh để tiếng hát em

Ngân bản ai ca biển Đông

Vọng tiếng kinh cầu

Lẫn tiếng khóc từ một thánh đường

Dựng bằng những thân tàu nát

Chìm duới lòng biển sâu […]

(Anh làm gì với tiếng hát em)

Nhưng những điều được ánh xạ trong mảnh vỡ cuộc đời ấy không chỉ là những hình ảnh buồn đau, xa xót. Cuộc sống này còn rung lên những âm thanh và mang đến cho con người những hình ảnh khác.

Anh giành mỏm đá biển của con chim cát đơn độc ngồi chờ sóng mắt em từ một chân trời mất hút ở Crystal Cove. Bầu trời là một tảng đá xám và khuôn mặt em, nỗi ám ảnh cuối cùng là một con bướm trắng dễ vỡ đậu trên đó. Anh nhớ có lần anh hôn em bên một nụ hoa xương rồng mầu vàng như mầu vàng của ly nước cam em mút lúc xuống dốc biển với chiếc quần jeans Guess thủng gối. Như thế anh đã mạ những lớp lửa khát lên môi em hai dấu tích hồng bỏ phế những ngày em xa anh. Anh thay gió biển bằng lốc nhạc Jazz dấy êm anh nghe với em giữa trũng khuya. […]

Nếu em cần chứng tích một cấu trúc thủy tinh, anh yêu giọt nước mắt em đọng thương xót nhỏ xuống cho những niềm đau. Nếu em cần chứng tích một cánh chim trời lạ, anh yêu cánh môi trên của em lượn hồng trong trí nhớ. Nếu em cần chứng tích một đóa hoa chuông blue bell, anh yêu tiếng cười em xanh biếc ngân vọng hồi chuông hoa. Nếu em cần chứng tích một quầng trăng siêu thực, anh yêu quầng ngực em nâu non dưới lụa yếm. Nếu em cần chứng tích một lễ vật dâng thánh thần, anh yêu cụm hoa cỏ trinh diệu nở trắng giữa những ngón chân em. Nếu em cần chứng tích nỗi lưu đầy, anh yêu những đôi giày em đủ sắc chưa một lần em dạo chơi trên hè phố quê hương. Nếu em cần chứng tích nứt rạn của bóng tối, anh đánh dấu những đêm trong trại tập trung một thời không em. […]

(Sân Khấu Được Đánh Số # 092671)

.2.

Nguyễn Tiến Đức viết hầu hết về Tình Yêu. Nhưng vẫn chen vào trong các bài thơ, bài viết của anh là những ám ảnh về cuộc chiến cũ, những khổ đau, những nét mặt, những vết nứt của địa ngục mà con người đã tạo ra cho nhau.

Cái nhìn và ngôn ngữ tạo ra đời sống. Thế giới cuả NTĐ là thế giới của những cái nhìn riêng anh, của tâm hồn anh, của kỷ niệm anh. Và của tưởng tượng anh. Anh hé lộ nó cho chúng ta, tiết lộ cho ta thấy đôi điều về nó. Qua những hình ảnh, những ẩn dụ, những nhịp điệu. Qua ngôn ngữ riêng của anh. Thế nhưng, hình như nó vẫn nằm trong cõi bí mật của riêng NTĐ. Cái thế giới ấy vẫn ôm giữ sự im lặng của chính nó. Sự im lặng, thật sự, vẫn còn được ủ trong nhụy hoa của niềm bí ẩn riêng, mà anh, trong cuộc sống mình, và trong chữ viết mình, đôi khi hé mở ra như một ánh chớp rất nhanh—quét qua mắt người—của những tấm ảnh chụp. Những tấm ảnh Polaroid, những tấm ảnh chạy ra ngay từ máy, của thời ngày xưa. Những tấm ảnh chụp nhanh. Và chúng rồi cũng sẽ phai màu đi rất vội trước bao nhiêu nét đời chao động, phủ lấp cuộc sống con người mỗi ngày. Những tấm ảnh. Chúng chỉ để lộ ra một chút bí mật. Và, có khi, một chút thanh âm nhỏ nhẹ, xa vời nào đó vẫy gọi trong chúng. Nhưng ngay cả chút bí mật ấy rồi cũng sẽ tan loãng, phai phôi đi với thời gian. Hoặc, cho dù thời gian chưa kịp làm chúng phai màu, cái thoáng chớp ấy, cái âm điệu nhỏ nhẹ, xa vời ấy, tự nó, cũng có thể ẩn trốn trong đôi mắt và tâm trí người, khi ta để chúng nhòa mờ hay nhòe đi, tan đi, mất đi giữa những hình ảnh hỗn độn và giữa bao âm thanh cuồng loạn của đời sống.

Nhưng, trước khi những hình ảnh ấy biến mất, ta hãy thử cố chụp bắt chúng. Như cố đưa tay bắt lấy những cánh bướm đêm.

[…] anh mất mặt trời phương đông

rất mau từng buổi sáng

và bóng tối từ sáu hướng khép dần

anh chỉ còn lối thoát cuối

nơi có môi em mở những đóa hoa lửa

như những ngọn pháo bông

được bắn lên bầu trời Paris

từ tám ngàn vị thế trên tháp Eiffel

trong đêm mừng ngàn năm tinh cầu

nơi em hôn anh như một dâng hiến tối hậu

cho nghi lễ hoa của đời sống

[…] nụ cười em mang nắng cho từng dốc xám mù sương

nơi có tiếng em là gió bão dong cánh buồm sáng tạo

tới những vùng biển lạ bồng bềnh giấc mơ xanh

nơi có cổ em đeo sợi dây bạch kim

có tên điệu nhẩy của rắn

nơi có đầu ngực em hồng như cục gôm

trên chiếc bút chì mầu vàng anh thường nháp thơ

cục gôm em có thể tảy hết

những nỗi cô đơn ngày tháng

nơi có rốn em anh vẽ thành nụ hoa cấm

mà trong một giấc mơ anh thấy có con chim

colibri cổ biếc bay đến rúc mỏ

hút mật hoa si cuồng

nơi có cổ tay em đeo chiếc vòng

có tên những vùng đất cỏ lạ

nơi có những ngón tay em tìm đến lòng tay anh

trong những đêm lạnh

như những con én trở lại những tổ bùn

ở tu viện Capistrano đúng kỳ hẹn mùa xuân…

(Cỗ Xe Ngựa Có Cánh)

Và những bức ảnh rất nhanh, chụp vội từ New York. Những bức ảnh có thể nhoè mở hay sắc nét, nhưng lúc nào cũng như có pha trong chúng cái chất mộng mơ man dại của sắc mầu và rượu ngọt:

Bình minh ở New York… Trong quán tình cờ, em và anh uống espresso sáng thứ bẩy New York chưa thức. Những trái tim ở đây thì mệt mỏi. Anh yêu chiếc ly men in bức họa của Chagall với người tình Bella bay bổng trên nóc giáo đường mầu hồng phấn của thành phố Vitebk mầu cẩm thạch. Trong lòng tay Chagall có con chim nương náu. Dưới chân Bella và Chagall mặt đất nở hoa nõn. Buổi sáng ở Third Avenue không nhìn thấy mặt trời nhưng anh có dấu son môi em để lại trên miệng ly làm vệt bình minh lạ.

Hoàng hôn ở New York. Gió New York lùa tóc em cầm nhịp cho những chiếc lá mang nắng cuối khi anh và em từ Greenwich Village trở về Second Avenue. Từng đợt chấn động của những chuyến xe điện ngầm rung dưới lòng đất cầm nhịp cho bước chân em. Anh và em qua những người đàn bà đi ngược đèn cấm. Mùi da thoảng mùi nước hoa ướp cho không khí Manhattan sấy khói. Anh và em qua những hẻm thủy tinh in đám đông hối hả. Những tòa nhà có những khuôn mặt lạnh và những nấc mây trên nóc phố chiều. Anh và em qua những cửa ren sắt khép kín đầy bí ẩn đẹp như chiếc quần lót ren đen em phơi gió đêm bên cửa sổ. Anh và em qua công viên Central Park có những con bồ câu thả hoang sống bấp bênh trên dây điện phố phường đang ăn vội lúa thừa từ miệng những con ngựa mầu bị bịt mắt. Anh và em qua những bao rác dựng ở gốc cây dọc đường về có mầu da trời và mầu báo đen. Rác ở New York thì có cả những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết, kinh và hoa hồng. Anh và em qua những chiếc taxi có mầu hoa mặt trời chạy đôn đáo vòng mặt đồng hồ kiếm ăn. Anh và em qua chiếc xe cấp cứu hụ còi chắc chắn đang chở một trái tim thoi thóp lách giữa đường phố cả hai phía cùng kẹt. Anh và em qua một nhạc sĩ da đen thổi kèn đồng rỉ kiếm ăn bằng bạc cắc Summertime nghe mất mát chơi vơi…

(New York. New York)

Đó là những “pô” ảnh đầy chất man dại mộng mơ của mầu sắc. Của chuyển động. Của âm nhạc. Trong tim và trong gió. Những “pô” ảnh cũng chứa đầy niềm bí mật. Những bí mật như đang được giải mã trong mắt và trong hồn người. Trong những dòng chảy mải miết của điện não. Và của trái tim.

Nhưng với riêng tôi, có lẽ những niềm bí ẩn, thâm trầm hay đầy ánh sắc này, cho dù có đang loang mềm như rượu ngọt, vẫn chỉ là những chớp loé rất nhanh, phô bày một vài trắc diện hoặc mảnh vỡ của hiện thực, của niềm bí mật cuộc sống. Còn rất nhiều điều, đã được nói ra hay chưa được nói ra, vẫn còn được ủ kín, đâu đó, trong lòng anh. Đôi khi, chúng ta cũng có thể bắt gặp những sự bí ẩn, những nỗi im lặng ấy, của cuộc đời, trong chính lòng mình. Trong lòng những ai luôn cố tìm kiếm, hoặc bất ngờ nhìn thấy, những dấu hiệu, những nét vẽ nguệch ngoạc của đời sống, trước ánh mắt nhìn mình vào cuộc đời. Ta nhìn, và thử đọc, thử giải mã những ký hiệu ấy. Và, bất ngờ, niềm bí ẩn có thể sáng lên. Và tự khai lộ. Aletheia. Như cách nhìn, cảm, và chiếu sáng, phân tích mang đầy tính triết lý của Heidegger.Nhưng, có lẽ, chỉ những nhà thơ mới dễ đến gần được những cánh bướm chập chờn, chấp chới đó. Và rồi những con người thấu thị ấy bất ngờ tỏ lộ ra cho chúng ta một vài góc khuất, hay một vài dấu chỉ nào đó, của cái đời sống này.

Đọc thơ Nguyễn Tiến Đức, tôi còn tìm thấy một điều nữa.

Là một người yêu thích điện ảnh, và đã từng tham gia ở phần khuất trong thời gian quay cuốn phim Hè Muộn của đạo diễn Đặng Trần Thức, với Kiều Chinh, Nguyễn Khắc Vinh, Bội Toàn, v.v., ra mắt năm 1972 (không thành công về mặt thương mại, nhưng được 5 giải thưởng Tổng Thống), NTĐ cũng thích áp dụng kỹ thuật điện ảnh, nhất là kỹ thuật montage của điện ảnh trong thơ mình.

Nói thật gọn, montage, tiếng Pháp, là một kỹ thuật dựng phim, dùng một chuỗi các shot ngắn được lắp ghép, kết hợp để đưa vào một cảnh (sequence). Trong phim ảnh nói chung, cảnh này thường được lồng nhạc. Montage bao gồm nhiều phương pháp và mục đích khác nhau, nhưng, ở đây, trong việc áp dụng để nói về thơ Nguyễn Tiến Đức, tôi muốn nhấn mạnh đến một mục đích và hiệu ứng của nó trong cách mà NTĐ đã làm. Đó là hiệu ứng của việc kết hợp nhiều tuyến chuyện vào nhau. Trong thơ anh, đây là việc kết hợp nhiều bài thơ, hay nhiều đoạn thơ từ những bài thơ khác biệt. Chẳng hạn, có những bài thơ, được phổ biến vào những lần khác nhau, anh đã “biến tấu” nó, đặc biệt ghép nó chung vào những đoạn thơ hay những bài thơ khác. Hoặc là từ bản gốc, một bài thơ dài, với nhiều ý tưởng, nhiều themes khác nhau được lắp ghép, kết hợp; sau này, chúng được tách ra, hoặc khôi phục lại, thành những bài thơ riêng, có thể với một vài “biến tấu”. Từ trong nguồn gốc, tách ra hay ráp nối, lắp ghép, khái niệm và kỹ thuật montage đã nằm ở đó. Ba bài Mùa gọi hồn cỏ mục (Da Màu, 17/08/2009), Thuốc lá Kent và diêm Camel (Tiết lộ của Im lặng, 2020), và Sân Khấu Được Đánh Số # 092671 (Da Màu, 23/12/2006) đều có gốc là từ một bài thơ mà ra, với các biến tấu khác nhau. Hai bài Cỗ Xe Ngựa Có CánhLối Thoát Cuối Cùng cũng là một trường hợp như thế, khi ta so sánh chúng từ trong tập thơ Tiết Lộ của Im Lặng và khi chúng là một bài thơ dài được đăng trên báo mạng.

Hoặc, cũng có những trường hợp, như đối với bài thơ New York, New York. Có lần phổ biến, nó là một bài thơ tự do, với nhiều câu và đoạn được tách ra khỏi nhau bằng sự xuống hàng. Nhưng ở những lần phổ biến khác, anh biến nó thành thơ xuôi. Viết dính liền nhau thành một đoạn văn dài. Và cũng có khi, nó lại được kết hợp với một vài (đoạn của một, hai) bài thơ khác. Và tất cả được đặt dưới một cái tên, một tựa đề mới. Việc làm như thế tạo nên các hiệu ứng khác nhau nơi cảm nhận, thẩm thức của người đọc thơ.

.3.

Trước 1975, Nguyễn Tiến Đức cũng đã viết. Những gì anh viết được ghi lại trong hai tập đoản văn/truyện ngắn (hay chỉ là những lát cắt của đời sống) về tình yêu. Hai tập sách mà NTĐ đã in vào khoảng đầu thập niên 1970 này cũng cho thấy tâm hồn dạt dào trước cái đẹp của đời sống, của thiên nhiên nơi anh. Dù cái đẹp đó thường nằm trong những câu chuyện kể về những điều nhỏ bé hằng ngày của những đôi lứa tuổi trẻ yêu nhau, mà NTĐ thường hóa thân khá rõ nét vào những nhân vật chính xưng “Tôi”. Cái chất thơ trong tâm hồn NTĐ, trong cái đọc và trong ký ức của tôi, đã bắt đầu rõ nét từ đó. Những câu văn đủ dạng thức, nhưng luôn mang trong chúng cái nhịp điệu, cái âm vang tươi hồng, nhảy nhót, thông minh, thiết tha và đầy biến ảo của cuộc sống. Những câu văn theo dạng đó, đầy nét sáng tạo, sau này, khi ra nước ngoài, và như ta đã đọc, biến thành những lời thơ, ý thơ, đan kết nhau trong những hồi tưởng, những khám phá của một con người đã trở nên từng trải hơn. Một con người đã đi qua những oan khiên và khổ đau riêng của mình, cũng như của bạn bè, người thân và của cả một dân tộc.

Chúng là những bài thơ nhìn lại đời mình, cũng như nhìn vào đời sống hiện tại mình, nhìn nhận thế giới, với một đôi mắt và một trái tim đã được nhúng vào khổ đau, đầy đọa, như đã nói. Nhưng chính cái trái tim được nhúng vào máu và lửa đó đã hóa thân, bay lên như một cánh chim qua vùng bão tố. Nó hót cho ta nghe về cái hạnh, cái vui và cái sáng (cho dù đôi khi cũng pha vào những khoảng tối) của cuộc đời. Một cuộc đời tìm lại được qua lũ mù sương và lửa khói của đời sống. Của thời gian. Hãy nhúng trái tim của thi sĩ vào khổ đau và hạnh phúc. Rồi nó sẽ bật lên cho chúng ta nghe những khúc bi ca và hạnh ca của cuộc đời. Nhiều khi, nó giống như những tiếng hót của con chim gai trên vòng tròn lửa.

Nguyễn Tiến Đức có con mắt, cái nhìn và tâm hồn của một họa sĩ, một nghệ sĩ. Trong cảm nhận của tôi, những đoản văn/truyện ngắn của NTĐ trước 1975 thường được thả trôi bềnh bồng trong những mầu tươi sáng và mềm nõn của những búp non mùa hạ. Màu xanh bạc hà của nước hồ, nước piscine, màu nõn chuối của đôi dép em. Màu hoa cúc trắng trên robe em. Hay màu hồng phấn trên má người tình, màu vàng hoa trong khung yêu, trong nắng hạ. Ở những cái viết sau này, những màu sắc ấy vẫn còn, đâu đó, nhưng chúng lại được trộn với các màu nâu non của quầng ngực người yêu dưới làn lụa yếm, màu nâu thẳm của mắt em, màu tiết dê của một cụm hoa, màu tro xám, màu đỏ lửa, màu đen của bóng tối, của địa ngục, và của cái chết, màu hoa marguerite trắng, màu tím của hoa tử thảo, màu cổ biếc của một con chim Colibri, màu lân tinh pha xám của mắt một cô gái, màu rêu xám của sông Seine, màu rượu chát của quai xăng đan, màu bụi hồng, nóc ngói hồng, và màu của con dốc xám mù sương, v.v. Những màu sắc ấy ngẫu hiện, hay được đưa vào tâm điểm của một cái nhìn buồn đau hay hạnh phúc. Nhưng cho dù ngẫu hiện hay là điểm focus, những màu sấc ấy, cùng với những hình ảnh kết hợp với chúng, tạo nên những ấn tượng cho bức ảnh chớp lóa của anh. Những bức ảnh mà anh chụp bắt được trong đời sống hay trong dòng hồi tưởng mình. Nỗi nhớ có niềm bí mật quyến rũ của nó.

.4.

Thơ và văn của Nguyễn Tiến Đức đầy những ký hiệu hiện đại. Những hình ảnh và ngôn ngữ của cuộc sống hiện đại. Anh đưa vào đó nhiều câu thơ, tên bài hát và những mảnh vỡ, dấu tích của đời sống, của thế giới Tây phương, Âu Mỹ, như logo con ngựa bay màu đỏ của trạm xăng Mobil, tiệm Ngôi Sao Cười Carl’s Jr. Drive Thru, Saks Fifth Avenue, Greenwich Village, những chuyến xe điện ngầm rung chấn dưới lòng đất ở Manhattan, những tấm bích chương, ánh đèn quang báo ở New York, hình con lạc đà trên hộp diêm, và những ký hiệu đánh nhịp khác của đời sống hiện đại này. Và cả âm nhạc nữa. Của nhịp sống hiện đại.

Anh đã nói trước với em nhạc Jazz rất đen rất người và rất bỏng. Anh đang thấy đám cháy rừng dữ dội hực lửa phừng trong mắt em khát. Rừng tóc em ngẫu hứng bốc lửa như đám cháy rừng khủng khiếp ở lũng Anh Đào Cherry Valley. Tiếng sax của Scott Hamilton chờn vờn cong dướn như một con rắn động tình trườn trên da em. Tiếng trumpet vô luân của Warren Vaché xé toạc bóng đêm đang đồng lõa với Jazz […]

Nghe nhạc Puccini mở tung hết những cánh cửa thiền viện. Một cơn bão ào nghiêng những đỉnh cây thành phố và giọng ca của Te Kanawa xoáy trụi lá lên những tầng trời đang sụp lửa lỏng. Tiếng hát em sà xuống từng ngọn cỏ bay lên những vòm lá vút tới những tầng sao. Tiếng hát em đưa anh vào cổng lửa đưa anh tít đỉnh băng. Tiếng hát em đưa anh qua thung lũng bóng tối đưa anh qua khung cửa hẹp thiên đàng. […]

(Sân Khấu Được Đánh Số 030937)

Türkisches Café (August Robert Ludwig Macke)

Thế nhưng những kỷ niệm quê nhà, những bài đồng dao, những hồi ức tuổi nhỏ, cũng cứ luôn ùa về trong trí nhớ đầy hoa lá cùng với các sinh vật đủ loại trong ký ức, trong mắt nhìn và trong tưởng tượng của anh. Trong tập sách/đoản văn (mà anh gọi là “phiến văn”) Những sinh vật trong bộ nhớ của NTĐ, ta thấy có nhiều bài đồng dao xưa cũ được anh nhắc lại. Sên sển sền sên / mày lên công chúa / mày múa tao xem / đến mai tao may / quần đỏ áo đen cho mày / áo đen mày để đi cày / quần đỏ mày để đến ngày vua ra… Hay, Đom đóm bay qua nóc nhà / thầy tưởng là ma / thầy ù thầy chạy / ba thằng ba gậy / đi đón thầy về / bắt con lợn xề / cho thầy chọc tiết / bắt con cá diếc / cho thầy moi gan / bắt con tôm càng / cho thầy bóc vỏ… Như thế, trong con người NTĐ, ta thấy cái hiện đại đi chung với cái dân dã. Cái thành phố đi với cái đồng quê. Cái tưởng tượng (đặt nền trên những suy nghĩ, tư tưởng, lối sống bây giờ) đi với cái kinh nghiệm sống hồn nhiên, ngây thơ, thiết tha của một thời tuổi nhỏ.

Anh là một người lớn luôn sống với những ký ức trẻ thơ. Anh hay nhớ về Mẹ và Bà ngoại. Trong tập sách Những sinh vật trong bộ nhớ, anh đã kể về một kỷ niệm ngày Tết được Mẹ và Bà ngoại dẫn đi chơi trong bài “Con phượng hoàng của tôi” như thế này:

[…] Năm lên sáu lên bảy tuổi gì đó, tôi đã được hưởng một cái Tết rất vui, rất đẹp và rất khó quên […]. Vào khoảng 28 Tết, bà ngoại và mẹ tôi cho tôi đi chợ tết để mua những thứ cuối cùng chuẩn bị cho cỗ Tết, kể cả bó hoa mùi tắm cho thơm. […]

Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng Xuân trời rất lạnh, trong vườn nhà hoa mận, hoa mai, hoa lê đang độ nở.

Chúng tôi đi chợ Kỳ Lừa. Chợ này không xa lắm nhưng chúng tôi cũng đi bằng xe tay của nhà. […] Trước tiên bà và mẹ tôi đưa tôi đến một hiệu bán Lồng Pàn, một thứ phở chua không nước rất ngon gồm có thịt vịt, bao tử lợn, nước mỡ, giấm đỏ, lạc rang, húng xoăn. Rồi mẹ tôi mua cho tôi mấy con chó rán bằng bột nếp, mấy con chó con này được gói trong một mảnh lá chuối cuốn thành hình phễu, loại bánh này trẻ con rất thích. Cạnh hàng này có một người đàn ông đang nặn tò he. Tò he được làm bằng bột nếp trộn với màu thiên nhiên như lá chuối, gấc chín, nghệ. Chơi chán có thể nướng ăn cũng khá ngon. […]

Cuối cùng bà tôi dẫn tôi đến hàng bán gà vịt. Bà tôi đã đặt mua cho tôi từ làng Quán Hồ một con gà trống trắng. Về đến nhà, bà tôi lấy phẩm nhuộm từng chiếc lông một, nhất là lông cánh và lông đuôi. Bà tôi bảo đó là chim phượng hoàng. Hồi nhỏ, tôi có biết phượng hoàng trông nó như thế nào đâu. Chỉ biết đó là một con gà rất đẹp, rất lạ—lạ với chính cả mấy con gà mái tơ đang kiếm ăn trong vườn đầy hoa đầy quả lúc sang xuân. […]

Câu chuyên còn nữa, và có đầu có cuối, có kết luận hẳn hoi. Nhưng thôi, tôi chỉ kể đến đây. Đúng với tên sách là Những sinh vật trong bộ nhớ, NTĐ viết nhiều câu chuyện, nhiều “phiến văn”, mà bài nào cũng gắn với tên một hai con vật. Như Con chuồn chuồn ớt, Con mèo Fifi, Những chiếc lồng đèn tình yêu (về những con đom đóm), Tiếng hót của Mockingbird trong vườn nhà xưa, Con cánh cam thời hoàng tử bé, Con ễnh ương trên bầu trời Seatle, Ong vò vẽ và hoa bí vàng, Những con voi ảo, Bướm Praha, Tình yêu của hai con bọ rùa, Chim sẻ bướm trắng và lạc đà biết bay, Con rùa của Isabella, Con châu chấu trong thành phố, Sờ mũi lợn rừng. Vân vân. Toàn chuyện ngày xửa ngày xưa thời nhà thơ còn nhỏ, và những chuyện của thời đại bây giờ. Đủ mọi đề tài. Nhưng rồi NTĐ luôn khôn khéo “kéo co” để, cuối cùng, anh cũng liên kết được những câu chuyện anh kể với một con vật nào đấy. Đó là cái tài kết nối, cộng với những loại ký ức, kinh nghiệm, hiểu biết, tưởng tượng được pha trộn một cách hồn nhiên và thành thạo, của một con người thích bay nhảy. Trong đời sống cũng như trong sự mơ mộng đầy hạnh phúc của mình.

“Cần nâng niu cái hồn của tuổi thơ”. Anh hiểu ý nghĩa của câu nói đó. Và anh đã sống đời mình đúng với cái tinh thần ấy.

.5.

Tôi nhớ có lần ngồi nói chuyện với nhau, nhắc đến một bài thơ của anh có khóm hoa hồng Sunset Celebration (…khi anh hôn em ngang tầm trời đụng hoa / khóm hoa hồng mang tên Sunset Celebration), tôi nói hoa hồng này mang tên đẹp. Anh thú vị lắm. Tôi nói khóm hồng ấy là một thứ “tụng ca hoàng hôn”. Và tôi bảo tôi có biết một loài hoa được xem là “tụng ca ban mai”, “tụng ca ánh lê minh”. Anh háo hức hỏi tôi đó là hoa gì. Tôi bảo đó là hoa triêu nhan 朝顔, “nhan sắc (rạng rỡ) buổi ban mai”. “Triêu” là buổi sáng, như “triêu” trong (ánh) “triêu dương”, hay trong “xuân triêu” 春朝 (buổi sáng mùa xuân). Và tên tiếng Anh của loài hoa này là “Morning Glory”. Anh Nguyễn Tiến Đức rất thích cái tên hoa “triêu nhan” này, cứ lặp đi lặp lại mãi, “Tên hoa đẹp quá!”. Tôi bảo tôi cũng thích cái tên ấy. Rồi tôi nói thêm, “Ở Nhật, người ta gọi tên nó là Asagao. Nó xuất hiện trong nhiều bài thơ Haiku của Kobayashi Issa, Matsuo Basho, Natsume Soseki và nhiều nhà thơ khác.” Tôi cũng bảo anh, “Ở Việt Nam mình, người ta gọi nó là hoa bìm bìm”. Nghe thế, anh lại càng thích. Tôi bảo anh, “Triêu nhan hay bìm bìm hay Asagao hay Morning Glory thì cũng chỉ vào một đối tượng. Nhưng cái tên, chúng đem lại cho người ta những ấn tượng. Những ấn tượng và những cảm nhận khác biệt. Nhưng cái bí mật của loài hoa, của loài dây leo này, nằm trong lòng của nó, trong trái tim riêng của hoa. Cũng như trong mắt nhìn và trái tim riêng của người. Với sự gắn bó và yêu thương của người gần gũi. Nó mang trong nó cái đẹp mộc mạc, dân dã và tượng trưng cho sự nhàn dật, hay sự khiêm tốn, hy sinh, kiên định”.

Nguyễn Tiến Đức là người yêu cái đẹp. Hình ảnh đẹp. Ngôn ngữ đẹp. Nhưng anh cũng là một người luôn gắn bó với những nét dân dã của quê hương, của đồng nội, của tuổi thơ, tuổi nhỏ. Anh đi vào thế giới Tây phương với những mơ mộng, tìm tòi, học hỏi, phóng cuồng, thích thú và sáng tạo của mình, nhưng tâm hồn anh sẽ quay lại với những hình, những ảnh, những nét của quê hương, rất nhanh, khi bất chợt có một hình tượng, hay một ký hiệu nào đó, đưa dẫn anh về với những dáng dấp, hồi tưởng hay ký ức, hình ảnh quê nhà.

Một cách nào đó, có thể nói, thơ văn Nguyễn Tiến Đức xoay quanh hai biểu tượng hoa: Sunset Celebration và Morning Glory. Cái đẹp của cuộc đời nằm trong ánh tươi hồng, rạng rỡ của buổi lê minh, và nó biến đổi, biến hóa muôn vẻ, muôn nét, thiên hình vạn trạng, cho đến tận lúc hoàng hôn. Rồi đi vào đêm. Sau đó, một chu kỳ mới lại sẽ tiếp diễn. Cái đẹp lại trở về.

Chợt mơ tìm lại được

Bông hồng thất tung

Trong tiếng chuông chiêu hồn

(Một ngày mùa tro)

Nguyễn Tiến Đức đã sống hân hoan, khổ đau, dịu ngọt, phóng cuồng, xót xa, ngập tràn buồn vui và hạnh phúc. Anh không còn ở bến trần gian. Nhưng, tôi nghĩ, hẳn là anh không đi xa. Anh chỉ đang đi tìm lại “bông hồng thất tung” của mình. Anh vẫn còn ở đâu đó trong trò chơi lớn của cuộc tử sinh này. Tôi tin rồi anh sẽ tìm lại được cho mình bông hồng ấy.

Bùi Vĩnh Phúc

Tustin Ranch

(tháng XII, 2024)

______________________

(*) Nguyễn Tiến Đức (1937-2024). Sinh tại Lạng Sơn, Bắc Việt. Sống tại Hà Nội, rồi Sài Gòn. Sau, cùng gia đình định cư tại California cho đến ngày qua đời. Đã viết cho Người Việt, Tạp Chí Thơ, báo mạng Da Màu.