Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (48)

 Đông Ngàn Đỗ Đức


DUYÊN NGHIỆP

Ở đời, thích cái gì rồi gắn với nó thì thành duyên phận. Đi mải miết theo nó thì thành duyên nghiệp. Tôi đến với khắc gỗ cũng như thứ duyên phận mà không thành duyên nghiệp.

Năm 1970 tốt nghiệp trung học mỹ thuật, tôi được phân công về báo Việt Nam Độc lập khu tự trị Việt Bắc đóng ở thị xã Thái Nguyên làm trình bày và sửa mo-rat. Công việc gắn với nhà in nên gặp bác Ngô Thành. Bác là tổ trưởng tổ chữ nhà in Việt Bắc và có nghề tay trái khắc gỗ. Ngoài việc sửa nhíp (bản bông đầu tiên) bác còn khắc các vignette cho báo để nhồi vào chỗ trống cuối bài, hoặc minh họa theo bài, hoặc tranh cổ động trang đầu. Cũng có lúc khắc tranh truyện in trang văn nghệ. Những việc đó bác làm ngoài giờ. Hồi ấy hầu hết in tipo, sắp chữ chì, việc lê thê tốn rất nhiều thời gian.

Công việc bù đầu, chẳng lúc nào rảnh. Có lúc báo lên khuôn, bản khắc chưa có, mọi thứ líu tìu rối canh hẹ. Thấy thế tôi bảo: “Cháu trực in, sửa mo-rat nhiều lúc nhàn rỗi, bác chỉ việc cháu giúp khắc cho”. Như bắt được vàng, cụ hấp háy đem đồ nghề và mang bản gỗ đã dán minh họa rồi hướng dẫn cho làm. Tuổi trẻ sức khỏe mắt tinh, những việc đó với tôi dễ dàng chẳng có gì phải tính toán. Tôi được bác hướng dẫn khắc. Kể cũng không khó lắm, tay phải cầm dao, mũi dao ấn sâu lên bản khắc sát nét vẽ, ngón cái tay trái đẩy lưỡi dao men theo nét dễ như gọt khoai. Bác dạy mài dao. Đá mài là đá xanh mịn. Dao khắc mài bằng dầu luyn lưỡi mới bén. Khi mài, tay phải giữ đúng độ nghiêng để khỏi mất lưỡi. Việc đó khó, nhưng mãi thành quen.

Cứ mỗi bản khắc là hai đồng rưỡi (bằng một cân thịt gà lúc ấy). Tôi khắc bác lấy tiền công, chẳng cho mình xu nào. Nhưng tôi vui vì coi đó là được học miễn phí, biết thêm nghề khắc. Còn một thủ thuật nữa mà sau này về trường Đại học, chẳng thấy thầy nào biết. Hồi ấy khắc toàn trên gỗ thừng mực. Sau khi dán bản can lên mặt gỗ, bác bôi dầu luyn lên, lấy hai bản khắc úp mặt vào nhau ném gầm giường. Ít thì một ngày, nhiều thì một tuần, dầu ngấm xuống thớ gỗ vài zem, gỗ mềm ra, lúc ấy khắc, mặt gỗ hút lưỡi dao mềm như khoai, đi nhẹ tay mà không mẻ nét. Gỗ ngấm dầu, không ngấm nước nữa, bản khắc lại giữ được lâu.

Bác Ngô Thành mất đã lâu, còn trong tôi vẫn bác vẫn là thầy. Người thầy gặp ngang đường có khi học được nhiều hơn thầy trên bục giảng.

Đến khi lên Đại học làm bài thi ra trường tôi chọn khắc gỗ là vì đã thuần thục kĩ thuật khắc. Trong khi bạn cùng lớp tóe máu tay vì lưỡi dao cùn thì tôi làm nhẹ nhàng như gọt khoai. Còn khắc hộ đồng đội nữa ngon xớt. Ở trường thầy Nguyễn Thụ hay khắc gỗ, tôi nói kĩ thụật ấy thầy mới biết. Thầy cứ ngạc nhiên sao giỏi thế. Cho nên nói đến nghề, thì chỉ có thợ mới biết nhiều thủ thuật.

Cái duyên đến với khắc gỗ là thế. Nhưng rồi cũng không bền vì rơi đúng thời thóc cao gạo kém, những năm đầu 1980 lạm phát, tiền mua gỗ khắc không có, chỉ trụ nổi 5 năm nên không thành nghiệp. Từ 1985 tôi bỏ khắc quay sang vẽ giấy dó rẻ tiền hơn. Duyên với nghề khắc đứt từ đấy, mặc dù tranh khắc của tôi cũng được nhiều người nể khi biết đến. Với 6 tác phẩm tranh khắc được nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật thì cũng coi như kẻ có danh.

Vậy đó, cái duyên nghiệp gắn với mỗi con người nhưng nó cũng bị nhiều thứ chi phối. Cũng như ở đời có người chỉ một, còn có người có đến năm bảy tình yêu. Không thể biết hết và cũng chẳng biết tại sao!

6/1/2025

Một số tranh khắc gỗ của tôi:

C

Chợ bán thảo quả

Bạn già - 1980

Sớm đi nương

Nhà sàn - 1982

Bát rượu thề - 1985

Chuyển hàng - 1981

Miền Tây

Đèo Gió

Thiếu nữ bên sen

Buổi sớm trên bản

Đà Then

Cô gái Lô Lô Hoa

Say

Trăng trên bản Thái