Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (46)

 Đông Ngàn Đỗ Đức


KHI HỌA SĨ VẼ CHÂN DUNG

(Về họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam)

Hai năm trời cho hơn một trăm bức chân dung trong đó là họa sĩ bạn bè, có các bậc tiền bối, có thầy dạy, và có cả lớp đàn em. Mỗi chân dung khuôn khổ 80x100 dù thể hiện chỉ bằng màu bột thì thì họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam cũng mất không ít thời gian.

Với họa sĩ, việc tìm ra những thể nghiệm mới cho mình luôn là một sự thôi thúc. Ông đã từng bỏ màu bột, dồn thời gian mấy năm cho sơn mài, nghĩ rằng chất liệu sẽ đem lại cho mình cái gì mới mẻ. Lúi húi mấy năm rồi ông mới phát hiện ra mình lầm lẫn. Sơn mài cũng chỉ là một chất liệu làm nghề, sơn mài không làm nên tác phẩm. Sự thức tỉnh với nghệ thuật luôn phải qua thử nghiệm là vậy, có người nhanh, có người lâu. Với Phạm Viết Hồng Lam thì vào lúc không còn trẻ nữa.

Không trẻ nữa mà lại rơi vào lúc sức khỏe có vấn đề. Cả năm vẽ được gần năm chục chân dung thì lăn ra ốm. Sức khỏe vừa bình phục ông lại hăm hở trở lại với giá vẽ cho đến con số một trăm

Ông bỏ giàn bầu dàn bí, bỏ nhà rơm mái rạ bờ ruộng luống cà vườn rau, ngoắt sang chân dung ở cái tuổi gần 70 mới thấy cái nội lực cũng gớm. Nhiều họa sĩ vào tuổi ấy sau khi cầm sổ hưu thì dành thì giờ ngao du đâu đó khi có tí lưng vốn để dành. Đó cũng là cách hưởng thụ chính đáng, nhưng ông thì lại như trời đày, không thể buông bút, xa hộp màu, vẫn trò chuyện với nghề như thứ nghiệp chướng bám rát lấy cuộc đời mình.

Ông vẽ chân dung không giống người thường. Ông vẽ nét và đệm những mảng màu mạnh theo lối trang trí. Trên trang khổ giấy 80x100 bức chân dung ông muốn thể hiện một phần cuộc đời họa sĩ chứ không phải chỉ tô vẽ cái mặt cho giống! Mỗi chân dung là một sự nghiên cứu công phu về con người đó. Kia là Lê Liên, ông lấy hình ảnh “ghẹo gái” của đình Tây Đằng lắp đầu Lê Liên vào, rất ra cái chất trào lộng của nhà điêu khắc. Bức chân dung họa sĩ Dương Bích Liên với nét bút trân trọng đặt trên nền tác phẩm Hào của ông, một tác phẩm lớn bị ruồng bỏ mà sau bức tranh đó ông trở nên lặng im không vẽ nữa. Một chân dung gây ấn tượng khá mạnh là cụ Nguyễn Đỗ Cung với bức tranh tiêu biểu cuối cùng của đời Mời chị em ra họp bình bầu lao động cuối ngày. Chân dung cụ Trần Văn Cẩn cho thấy ông là người hào hoa trong cô đơn. Chân dung Nguyễn Thụ thì thật đặc biệt đôn hậu trong bộ y phục đạo sĩ như tính cách ông… Hoặc Lê Công Thành, Nguyễn Hải hai nhà điêu khắc lớn được ông trân trọng trong từng hình tượng chọn lọc kĩ dù chỉ chi tiết nhỏ. Trong bộ chân dung này, ta gặp cụ Hoàng Tích Chù rất “phong lưu” trên bầu trời tiên cảnh. Phạm Viết Hồng Lam bảo tôi: “Đấy là một gia đình danh giá, con cái toàn những người tài hoa thành danh thành đạt, cho nên cuộc sống của chính cụ cũng thăng hoa”. Khi khắc họa chân dung Lý Trần Quỳnh Giang, ông bảo tôi lấy tên là Khai minh, họa sĩ đã tìm ra ánh sáng cho tác phẩm của mình, đó là việc chúng ta hết sức trân trọng. Cũng như vậy, có những tác giả danh tiếng vang lừng, nhưng xem xét kĩ thì vẫn chưa vượt qua vai trò nghệ nhân. Nhưng rồi ông cũng loay hoay tìm cho ra cách thể hiện theo ý mình! Tôi ngồi nghe miên man tâm sự về những chân dung ông đã thể hiện mới thấy cái sâu sắc của nghề, cũng như cái nghiêm khắc của nghề khi động thủ. Người nghệ sĩ hãy sống với hiểu biết và chân thành với điều đó đừng để cho sự nịnh bợ vấy bẩn nét bút, nhất là khi vẽ tranh chân dung. Tôi hoàn toàn nhất trí với ông điều đó.

Với sêri tranh chân dung này, Phạm Viết Hồng Lam đã đặt chân sang một lĩnh vực chưa từng thử sức để khám phá và tìm hình thức thể hiện mới. Một bước chuyển hướng bất ngờ và cũng hiệu quả.

Nhưng cái đáng nói nhất về phòng tranh chân dung của Phạm Viết Hồng Lam là thái độ sống tích cực. Ông yêu nghề đã đành, mà ở đây thấy rõ ông rất yêu bạn bè. Ông nhìn ra những cái tích cực nhất trong bạn bè để đưa vào chân dung. Một điều xưa nay chưa mấy ai làm, mà cũng không dễ làm nổi. Tôi yêu những nét vẽ hồn nhiên ông dành cho bạn bè với cách diễn tả sảng khoái không chút vụ lợi. Ở cái thời thóc cao gạo kém, vẽ để kiếm sống gần như nó đè nặng trên ngọn bút sáng tác của nhiều họa sĩ, vậy mà ở Hồng Lam như không thấy điều đó. Tôi nhìn cả trăm chân dung của ông thấy như cái bản đồ du lịch ông đi thăm bạn bè với những câu chuyện vui tặng cho cố nhân. Nhân văn lắm một phòng tranh chân dung mà tôi chưa từng thấy bao giờ, dù đã có vài họa sĩ chuyên vẽ chân dung bày ở Hà Nội. Bởi ông có cách nhìn khác, một quan niệm khác về thể loại chân dung và trên cả là cái tình bạn bè được ông nâng niu trân trọng.

Ông mới lộ bí mật với tôi: Đang tiến hành một bộ chân dung gồm các nữ họa sĩ. Đang làm rồi. Ông nóng bỏng như nồi súp de đang sôi sùng sục! Tôi chỉ còn biết chúc ông thành công thôi chứ còn biết nói gì.

8/8/2016