Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Trở lại quê nhà (3)

Nguyễn Xuân Thọ


SỨC ÉP CỦA THAY ĐỔI

Lần này vợ chồng tôi dành thời gian đi thăm khá nhiều nơi, kể cả lên Trường Sơn để thăm bà con nông dân đã gắn bó với tôi trong nhóm “Vườn rừng Cao Quảng”. Nhóm chúng tôi mừng vì đã giúp được họ về tài chính và khả năng tiếp cận với thị trường. Ngược lại bà con giúp chúng tôi hiểu được giá trị của rừng và các vấn đề liên quan đến “Chứng chỉ carbon”. Tôi sẽ viết về đề tài này sau.

Chúng tôi đi qua Đồng Hới, qua Vĩnh Linh, Quảng Trị, Đông Hà, đến đâu cũng dừng lại cho vợ tôi thăm quan. Những địa danh bão lửa này tôi từng đi qua nhiều lần, nhưng giờ đây dừng lại vẫn thấy bồi hồi. Hai vợ chồng ra chân cầu Hiền Lương chụp ảnh để được sống lại cảnh anh Vận, chị Hoài 65 năm trước [1]. Chiếc loa nén Trung Quốc để gần đó nhắc tôi về cuộc chiến tranh tuyên truyền giữa hai hệ tư tưởng. Nam-Bắc đua nhau lắp hàng trăm chiếc loa nén công suất lớn dọc hai bên bờ sông, chĩa sang nhau, không ai chịu thua. Kết quả là dân ca Bắc bộ và cải lương Nam bộ phát hết công suất chỉ làm khổ lỗ tai dân chúng hai miền. Ngày xưa đánh nhau đành là vậy. Ngày nay cái loa phường đánh ai?

Nếu chỉ quanh quẩn ở Hà Nội hay Sài Gòn, du khách sẽ bức xúc về các vấn nạn ô nhiễm, tiếng ồn, tắc đường... Việc Hà Nội, Sài Gòn luôn đứng đầu danh sách các đô thị ô nhiễm nhất hành tinh là điều khỏi phải bàn cãi. Nhà má tôi dùng một bộ lọc nước máy, kèm thêm vài cái ống lọc với lời khuyên sau 3 tháng thay một lần. Nhưng chỉ sau 4 tuần là máy lọc tắc tịt vì ống lọc bị chất bẩn bịt kín. Còn tắc đường gần như là căn bệnh vô phương cứu chữa. Rất nhiều cầu vượt, đường cao tốc được xây lên, nhưng tốc độ xây cao ốc khủng còn nhanh gấp đôi. Lượng xe máy, ô tô lưu hành cũng tăng nhanh diện tích đường.

Biết rồi khổ lắm nói mãi!

Nông thôn Việt Nam đem lại cho tôi bức tranh khác. Cuộc sống người dân được cải thiện nhiều. Điện và viễn thông về đến mọi nơi. Trước kia tôi về Gò Bồi đi thăm mộ ông bà phải lội ruộng cả cây số rồi leo cầu khỉ. Nay nông dân làm đường đất để chạy máy cày nên chỉ cần đi bộ vài trăm mét là ra đến nơi. Nét mặt các cháu bé ở vùng sâu, vùng xa như Cao Quảng cho thấy các cháu cũng có một tuổi thơ như trẻ em thành thị. Nhiều khu công nghiệp mọc lên tạo cơ cấu mới cho nông thôn. Nông dân ít bị phụ thuộc hơn vào giá nông sản.

Mạng lưới đường cao tốc và quốc lộ cũng được nâng cấp trông thấy. Quốc lộ 1a có nhiều đoạn hai làn xe mỗi chiều, đó là chưa kể đường “Cao tốc Bắc-Nam” hơn 2.300km chạy dọc theo Đông Trường Sơn.

Tuy nhiên lượng xe tải lớn trên các quốc lộ cũng như xung quanh các khu chế xuất ở Hà Nội, Sài Gòn chứng tỏ tốc độ công nghiệp hóa cao hiện nay khiến cho qui hoạch luôn chạy theo sau. Cùng với câu chuyện quy hoạch đô thị (nghe khổ lắm mà cứ nói mãi) thì đây chính là một điểm nghẽn mà người ta nói đến.

Người ta coi qui hoạch lạc hậu là yếu kém của chính quyền, nhưng về cơ bản là sự vắng bóng của tri thức, của tính chuyên nghiệp. Thảo Điền ở quận 2 Sài Gòn từ lâu được coi là “miền đất hứa”. Khi đến đó tôi thất vọng vì một khu đô thị mới, nhưng manh mún, chen chúc, ô nhiễm và sẵn sàng chịu ngập úng khi triều lên. Người giàu than phiền vì chỉ đi bộ cũng không tìm ra vỉa hè. Trong khi đó Phú Mỹ Hưng lại khác hẳn, đường ra đường, vỉa hè không bị lấn chiếm, nhà cửa ngăn nắp. Một số khu phố mới ở Quy Nhơn cũng vậy.

Điều này chứng tỏ vẫn có người làm được, chỉ có điều là rất hiếm.

Thiếu người tài một phần là do không có nền giáo dục tự do. Vì thế tự do học thuật, tự do học đường là một đòi hỏi mà đã đến lúc các nhà lãnh đạo kỹ trị không thể bỏ qua.

Nhưng không trọng trí thức, không chịu sử dụng nhân tài mới là nguyên nhân chính cho bệnh chảy máu chất xám. Cũng vì “Cánh cửa đóng sập lại trước mặt một kỹ sư không vào đảng” mà tôi phải ra nước ngoài lập nghiệp. Đó là thời của sự u muội duy ý chí. Đi dép lốp bay vào vũ trụ, quyết xây bằng được chủ nghĩa xã hội từ bèo hoa dâu.

40 năm sau, thời thế đã thay đổi. Khi đã chấp nhận xóa bỏ công hữu, phát triển kinh tế tư bản tư doanh, cho phép nhà tư bản lãnh đạo công nhân trong xí nghiệp, hầm mỏ mà vẫn giữ khư khư đặc quyền của đảng viên trong khu vực nhà nước thì quả là mâu thuẫn. Cái quy định vi hiến, bất thành văn nhưng ngự trị xã hội: “Chỉ đảng viên mới được giữ các chức vụ then chốt, mới được thăng tiến” đã khiến những kẻ có máu tham tìm mọi cách chui vào đó để vụ lợi. Dù không phải tất cả đảng viên đều vụ lợi, nhưng chắc chắn rằng các vị trí để kiếm được lợi, để dễ tham nhũng đều do đảng viên nắm giữ. Việc đốt lò là sẽ chỉ là một sự nghiệp vô ích, chừng nào cái hố trũng đạo đức đó không bị lấp.

Một cậu em là bác sĩ giỏi ở Sài Gòn chỉ thích làm chuyên môn, không khoái việc vào Đảng. Bệnh viện nhiều lần muốn kết nạp anh để đưa lên làm chủ nhiệm khoa, vì cần trình độ như anh ở vị trí đó. Anh chỉ ừ hữ bỏ ngoài tai. Nhưng khi biết kẻ kém và tệ hơn sẽ lên phụ trách mình thì anh chặc lưỡi cho xong. Năm ngoái anh được phong chủ nhiệm khoa. Mỗi người một cuộc đời, tôi mừng cho anh. Biết tôi về, anh đến thăm. Anh nói hối hận vì đã nhận làm quan.

- Áp lực quá anh. Mấy năm rồi nhiều người ở viện bị bắt, bị kỷ luật. Giờ ai cũng sợ bị biến thành củi nên không dám quyết gì cả. Vật tư không mua được, bệnh nhân ùn tắc. Mình nhảy vô giải quyết. Nhưng mua đồ tốt thì đấu thầu xong bị tố mua đắt, mà mua đồ rẻ thì chỉ hại bệnh nhân.

Nhiều bạn làm doanh nghiệp cũng than phiền về sự đình trệ trong kinh tế ba năm qua, một phần vì hậu quả của Covid, nhưng phần lớn do “ở trên không dám làm gì cả”.

Nhà nước là một cỗ máy từ hàng vạn chi tiết. Nếu tất cả các bánh răng, dây xích, trục chuyền đều có chất lượng cao thì máy sẽ hoạt động tốt trong mọi hoàn cảnh. Nhưng nếu các chi tiết then chốt đều bị chiếm giữ bởi các linh kiện hoen rỉ thì chúng sẽ làm thất thoát năng lượng khi tăng tốc và kìm không cho máy chạy khi vướng mắc.

Khác với thời bao cấp, người tài giỏi như cậu em bác sĩ không việc gì phải bám vào nhà nước nữa. Cuộc cạnh tranh ở bên ngoài nhà nước cũng khốc liệt, nhưng chỉ dựa vào năng lực chuyên môn. Anh sẽ thoát cái bẫy đấu thầu và các cuộc họp hành liên miên. Nhưng nếu người tài luôn bị đào thải khỏi cỗ máy đó thì xã hội không bao giờ qua khỏi những chỗ nghẽn.

Bức tranh xã hội Việt Nam mà tôi thấy, không chỉ là màu đen, sáng, tối hay chỉ màu hồng. Có điều chắc chắn là nền kinh tế đã tiến khá xa.

Sau 1975, những sai lầm trong quản lý kinh tế, xã hội và hòa giải dân tộc đã đẩy lùi Việt Nam rất xa về phía sau. Theo Database.Earth [2] thì Việt Nam sau chiến tranh có GDP/ đầu người khoảng 200 USD. Năm 1990 con số này thấp hơn 100 USD vì mất toàn bộ viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu. So với các nước láng giềng thì năm 1990 Việt Nam thua tất cả (xem đồ họa). Đến 2022 thì mức sống ở Việt Nam đã vượt qua Philippines và Ấn Độ, đang đuổi sát nút Indonesia. Đây là thống kê của các tổ chức quốc tế đưa ra, không bị ai bóp méo có dụng ý.

Việt Nam sau cải cách vẫn tiếp tục mắc các sai lầm về thể chế mà vẫn có tốc độ phát triển cao hơn những nước láng giềng xưa nay vẫn theo chủ nghĩa tư bản. Vậy thì việc gì phải thay đổi?

Câu trả lời là nếu so sánh với Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore thì rõ ràng chúng ta tự kìm hãm nên bỏ mất rất nhiều cơ hội hóa rồng. Điều quan trọng là việc phát triển con người tụt hậu xa. Nếu không phá những yếu tố tự kìm hãm này thì Intel, Nvidia hay ai đó nhảy vào Việt Nam cũng chỉ tìm chỗ có nhân công đóng vỏ giá rẻ mà thôi.

Tôi ngắm nhìn tòa nhà sừng sững ở ngã ba Ngô Văn Sở / Quang Trung Hà Nội mà nghĩ đến một hình ảnh rất là Việt Nam.

Phía trên, thượng tầng của tòa nhà đang ngự trị Nhà Xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật. Hạ tầng bên dưới là LPBank (Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát). Sòng phẳng ra thì cái nhà xuất bản phía trên sẽ không đủ nuôi sống nó. Ngân hàng, một cấu thành của chủ nghĩa tư bản đang nuôi số cán bộ ở tầng trên.

Để cho cả tòa nhà cùng sinh lợi là mục tiêu và cái giá của sự thay đổi. Nhiều người đã thấy rõ.

...

[1] Phim Chung một dòng sông (1959) kể về tình yêu xuyên qua sông Bến Hải.

[2] https://database.earth/economy/viet-nam/gdp-per-capita

Dàn loa phóng thanh bên chân cầu Hiền Lương. Biểu tượng của cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc. Nguồn Dân Trí

Tầng trên là của nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật. Tầng dưới cho LPBank thuê.

Mức sống của người Việt Nam bị suy giảm nặng từ 1986-1990 khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cắt viện trợ. Sau chính sách mở cửa, mức thu nhập liên tục tăng cho đến nay. Nguồn Database.earth.

Bảng tổng hợp mức thu nhập bình quân đầu người của một số nước Á Châu từ 1975-2022


 Các cháu bé nông thôn nay đã được học hành và có cuộc sống văn minh.