Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

“Quyền làm người” và “quyền làm người tốt”

Nguyễn Hoàng Văn

 

Giữa hai lý tưởng đấu tranh, cho “quyền làm người” và cho “quyền làm người tốt”, cái nào cao qúy hơn cái nào?

Nhân loại hãy còn dang dở với “nhân quyền” vậy mà đất nước chúng ta lại hách lên với “hảo nhân quyền” mà, thoạt nhìn, không rõ là một lý tưởng mới hay chỉ là trò miệng lưỡi do những rắc rối từ việc sử dụng “hiền tài” của Hội Nhà văn? Trong khi “tài” thì vẫn chưa chắc mà “hiền” lại gây ra bao nhiêu là phản ứng dữ dội, những tiếng kêu cứu thống thiết với những cáo buộc xác đáng và khả tín, người chịu trách nhiệm cao nhất lại gồng mình lên rằng con người, dẫu có... “phản hiền” đến đâu đi nữa, cũng phải được để yên với “quyền làm người tốt”.[1]

“Lý tưởng” này mà ra đời sớm hơn thì có lẽ văn chương Việt sẽ nghèo đi bởi làm sao Nam Cao có thể thai nghén nên Chí Phèo? Khi vung dao lao vào Bá Kiến với tiếng gầm “Ai cho tao lương thiện?”, anh Chí chẳng đã bộc lộ những uất hận dồn nén của bởi đã bị tước đoạt “quyền làm người tốt” là gì? Và nếu tác phẩm của Nam Cao, phân loại theo sách vở nhà trường, thuộc dòng văn học “hiện thực phê phán” thì, khi hách lên như vậy, nhà hoạt động “hảo nhân quyền” này có hàm ý “phê phán hiện thực” hay, ngược lại, chỉ gồng gân “bảo vệ hiện thực”, với những Chí - Bá đã cập nhật của ngày hôm nay?

Nhưng có “cập nhật” đến đâu thì những Chí - Bá cũ - mới đều chia sẻ một mẫu số chung là thú tính, như là bản năng con người. Con người chúng ta, có thể nói, là những thực thể nửa người nửa thú và vấn đề là phần người có chế ngự được phần thú hay đầu hàng vô điều kiện, để mặc cho phần thú đè bẹp phần người. Bá Kiến có làm hại anh Chí là do sự giày vò của thú tính của con người bản năng: đau đớn với ẩn ức bất lực của ông chồng già nhìn cô vợ bé trẻ tuổi mơn mởn thịt da như thể đã rụng hết răng mà thòm thèm nhìn miếng thịt bò lựt sựt, Bá Kiến càng đau hơn trước cảnh cô vợ bé phổng phao này cũng nhìn anh Chí lực điền y như là mình nhìn… vợ, cũng thòm thèm, cũng chảy nước miếng. Nhưng Bá Kiến còn là đỉnh cao quyền lực ở làng Vũ Đại. Và lão ta đã hãm hại anh Chí bằng phần phản nhân tính của con người chính trị.

Đến bậc “hiền tài” đang được bảo vệ “quyền làm người tốt”. Theo cáo buộc thì anh ta không chỉ thèm suông, chỉ chảy nước miếng suông, tức là đã đầu hàng, để phần thú chế ngự phần người nên đó, nhất định, là những cáo buộc cần phải làm sáng tỏ trên khía cạnh pháp lý lẫn đạo đức. Vậy nhưng, trong khi những nạn nhân bị tước quyền kể chuyện suốt một thời gian dài, anh ta không chỉ được bao che mà còn được cất nhắc nên, nhất định, phần “người”, của những kẻ chịu trách nhiệm, như những con người chính trị, đã bị đè cho bẹp dí, không thể ngóc lên.

Ồn ào “quyền làm người tốt” lại bùng ra đúng dịp Hội Nhà văn tổ chức hội thảo 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi (20/12/2024); một nghệ sĩ tài hoa trên đủ lĩnh vực văn, thơ, nhạc, kịch; một nhà chính trị quyền biến trong vai trò Tổng Thư ký Hội Nhà văn rồi Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật. Hiển hách như thế nhưng ngày nay, có nhắc lại, dường như hậu thế chỉ muốn nhắc đến những vần thơ nhức nhối cuối đời ở đó con người tài hoa và quyền biến này đau đớn phân trần việc mình từng là một người… không tốt:[2]

Người tôi còn nhiều bùn tanh

Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ

Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ

Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm

Quên cho những dối lừa khoác lác

Tôi biết tôi đã nhiều lần ác

Và ngu dại còn nhiều lần hơn

Mong anh em hiểu đừng cười

(“Gió bay”, Nguyễn Đình Thi)

Nếu một nhà thơ tìm cách giải toả ẩn ức bằng thơ thì, như một cố nông, nếu không bị dồn đẩy đến mức phải mượn tới con dao oan nghiệt, anh Chí biết giải tỏa bằng cái gì?

Để hiểu số phận của một nhà thơ, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ ngợi xa hơn về số phận của một cố nông như anh Chí. Là một lực điền hiền lành, anh, theo bài bản giáo khoa – đã bị “xã hội phong kiến tàn ác và thối nát đẩy vào con đường lưu manh hóa”. Nhưng giả dụ Bá Kiến không ác, không bất lực, không bị bà vợ trẻ trêu thèm mà lên cơn ghen, đẩy anh vào con đường tội lỗi, đời anh sẽ như thế nào? Anh sẽ sống nghèo khổ, lương thiện như một cố nông không mảnh đất cắm dùi và, đến một lúc nào đó, sẽ đổi đời, vươn lên “làm chủ vận mệnh của mình”. Nhưng đến lúc này thì, để được xem như là một “chủ nhân tốt” của xã hội, anh phải hăm hở đấu tố bất cứ ai bị xếp hạng là kẻ thù giai cấp, bất kể họ có ác, có ân oán gì với anh hay không: càng hăng say ác liệt trong các cuộc “đấu tranh giai cấp” ấy bao nhiêu, càng được xem là “tốt”, là “tích cực” bấy nhiêu.

Nhưng càng như thế bao nhiêu thì nghiệp báo của anh sẽ dày nặng bấy nhiêu, như là quân “ăn thịt người”, nói theo Donald S. Sutto, sử gia chuyên về Trung Quốc, Giáo sư Đại học Cambridge ở Anh. Quan sát cảnh người Trung Quốc đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, nhà Trung Quốc học này nhận xét rằng, thực chất, người Trung Quốc đang “ăn thịt lẫn nhau” và đấu tố chính là một “văn hóa và nghi thức ăn thịt người”.[3]

Ở một mức độ khác hơn, Nguyễn Đình Thi cũng từng bị “ăn thịt” như thế và, để sinh tồn, rồi để ngoi lên trong cái “văn hóa” đó, con người nghệ sĩ này đã xoay trở sang vị trí của kẻ… ăn thịt. Tài hoa, khao khát cách tân và, ngay vào giữa đầu thập niên 1950 đã đi trước với thơ tự do, Nguyễn Đình Thi làm phật lòng cả Tố Hữu lẫn Xuân Diệu nên bị căng ra như một con mồi trong một cuộc đấu tố văn chương.[4] Sau những kinh nghiệm hãi hùng như thế – với thơ, với kịch, với văn – ông ta đã quay ngoắt 180 độ để từ con mồi thành kẻ săn mồi, như cuộc đấu tố về “quản lý văn chương” với nhà văn Nguyên Ngọc, hơn hai thập niên sau đó.[5]

Nếu đấu tố là nghi thức “ăn thịt” thì, nhẹ hơn, “phê bình kiểm điểm”, như một hình thức vận hành của thể chế nhằm “giúp đỡ nhau tiến bộ”, lại là nghi thức tạt nước sôi, cạo lông ở đó, nói theo của Tô Hoài, “những cái đúng và những cái sai và phương hướng sửa chữa” được lôi ra “dội lên đầu nhau”, sau những rào đón “nhưng”, “tuy nhiên”, “mặc dầu đã”, v.v.[6]

Làm thế nào để sinh tồn trong một thiết chế vận hành như thế? Thích nghi để làm kẻ ăn thịt, không áy náy, nhằm tiến thân? Ác nghiệt “dội lên đầu nhau” những “cái đúng cái sai” trong trình tự dội nước sôi và cạo lông sau những lời rào đón chiếu lệ, ít ra cũng được yên thân? Nhưng càng tiến hay yên như thế bao nhiêu thì, cuối đời, càng phải gục đầu sám hối bấy nhiêu, như một Nguyễn Đình Thi đã nhắc hay một Chế Lan Viên bốn mặt:

Anh là tháp Bay-on bốn mặt

Giấu đi ba, còn lại đấy là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình

(“Tháp Bay-on bốn mặt”, Chế Lan Viên)

Không thế thì hoặc, phải tự mình rút phép thông công, như Nguyên Hồng[7] hay chọn lấy cái chết, như Ngô Tất Tố.[8]

Chọn lựa đau đớn của Ngô Tất Tố hay như Dương Bích Liên sau này làm tôi nghĩ đến cảnh cuối trong phim Last Samurai khi Minh Trị Thiên Hoàng thắc mắc với nhân vật Nathan Algren về cái chết của Katsumoto, như là “Last Samurai”, và người Mỹ này đã bẩm tấu với nhà vua rằng anh chỉ muốn nói về cách mà Katsumoto “đã sống”.[9]

Đó là câu chuyện bi hùng về những samurai gắn bó với truyền thống võ sĩ đạo giữa lúc nước Nhật đang hăm hở canh tân và họ đã trả giá đúng theo tinh thần võ sĩ đạo, ngay giữa trận tiền, khẳng khái, không nao núng và đây, phải chăng, là một trong những cái khác giữa người Nhật và người Trung Hoa?

Dễ dàng lẩn trốn và sinh tồn trên một đất nước mênh mông nên, cho dù tình thế có tuyệt vọng đến đâu, người Trung Hoa vẫn có thể nhẫn nhục với ý đồ “quân tử trả thù mười năm vẫn chưa muộn” nhưng người Nhật thì khác. Giữa một đất nước chật hẹp, lại càng hẹp hơn với sự cắt xẻ của hệ thống sứ quân chằng chịt, triết lý quân tử báo thù này không có đất sống nên cách duy nhất để cứu vãn danh dự là bước ra khỏi cuộc đời, sao cho oanh liệt, sao cho khí tiết. Nhưng như thế thì cách chết cũng chính là một phần của cách sống và, cũng chẳng thua sút gì tình trạng bị kiểm soát chặt chẽ của những samurai Nhật ngày ấy, những số phận bi thảm vừa kể của chúng ta có khá hơn gì? Cũng một lãnh thổ chật hẹp. Cũng sự kiểm soát chính trị chặt chẽ, của một xã hội đoàn ngũ hóa vô cùng chặt chẽ. Tất cả, như những sợi dây trói buộc vào “số phận” của từng cá nhân, mỗi người mỗi số, tùy theo chọn lựa. Có “số phận” với những dằn vặt sám hối lúc cuối đời. Có “số phận” mà cái chết, như một chọn lựa, trở thành một phần của cách sống, chết để khỏi sống xấu.

Tất cả, diễn dịch theo lời của nhân vật chính trong Last Samurai nói trên, thì không ai biết trước số phận của mình cả, vấn đề là họ phải “làm tất cả những gì có thể trước khi số phận ấy phơi bày”.[10] Như thế, khi một người cầm bút trăn trở về mùi tanh, trò ác hay khuôn mặt đau đớn “trong cõi ẩn hình” của mình thì, phải chăng, họ đã ngộ ra rằng, cái “số phận” oan nghiệt kia là do mình đã không cố làm tất cả những gì có thể làm được?

Không ai có thể trả lời thay cho người trong cuộc nhưng rõ ràng là họ đã sám hối bởi đã dự phần vào những nghi thức “ăn thịt người” hay “tạt nước sôi”, “cạo lông”. Nhưng dẫu là ai đi nữa, đứng đầu một Hội hay Liên Hiệp Hội, thì đó cũng chỉ là những sám hối cá nhân. Cái đáng mong mỏi hơn là sự sám hối tập thể hay một “văn hóa sám hối” bởi cội nguồn của những hối tiếc kia là một “văn hóa” hay một “nghi thức” mà, nếu không có tập thể, làm gì có “nghi thức”, có “văn hóa”?

Chính “tập thể” và “văn hóa” ấy đã dồn đẩy con người trước những chọn lựa tốt xấu nên, thực chất, “quyền làm người tốt” cũng chính là “quyền làm người”, quyền được sống trong một môi trường hay tập thể không xúi giục và bao che việc ác, việc trái với lương tâm. Nói cách khác, “nhân quyền” chính là quyền được làm tất cả những gì có thể để nhận diện số phận của mình, thay vì bị “tập thể” hay “văn hóa” đó an bài, định hướng một cách áp đặt, khiên cưỡng.

Như thế, với câu hỏi đã đặt từ đầu, sẽ không có cái nào cao quý hơn cái nào và, cách đặt vấn đề này, xét cho cùng, cũng thuộc về… văn hóa. Thứ văn hóa ở đó “quyền làm người tốt” của một nghi can gắn bó với hệ thống được xem là “cao quý” hơn là “quyền làm người” của nạn nhân bé bỏng bên dưới; cái văn hóa ở đó “uy tín” của một nhân vật “cao quý” hay sự ổn định giả tạo của tập thề phải được coi trọng hơn là những đau đớn có thật và sâu tận tim gan của từng nạn nhân…


[1] Sự việc liên quan đến việc ông Lương Ngọc An được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống ngày 5/12/2024. Quyết định bị phản đối dữ dội vì ông An từng bị tố cáo cưỡng dâm nhà thơ Dạ Thảo Phuong và Bùi Mai Hạnh từ lâu mà vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.

https://infonet.vietnamnet.vn/da-thao-phuong-toi-con-quoc-tich-viet-nam-san-sang-ve-nuoc-giai-quyet-vu-viec-

Trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 sáng 12.12.2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu về việc bổ nhiệm: “Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được. Chúng ta mới chỉ nghe một phía cách đây hai mư... hai mươi ba năm. Vậy anh An có quyền trở thành một người tốt. Cũng như tôi cũng có quyền trở thành một người tốt. Ngày hôm qua, tôi có thể là là không tốt, nhưng hôm nay tôi có quyền trở thành người tốt.”

https://drive.google.com/file/d/1jVwcDaGMBsEF_E1xQINmBejkjwA937Ml/view ?fbclid=IwY2xjawHWKcNleHRuA2FlbQIxMAABHeZQZTXGxDZsfJtZeEnQ-4D0hs37Uu1K3YA06TPCqcDylnJT53sFmt5mKQ_aem_E-H0FG-8TA9IlYMyeEV-dA&pli=1

[2] https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/100-nam-ngay-sinh-nguyen-dinh-thi-mong-anh-em-hieu-dung-cuoi/

[3] Donald S. Sutton, “Consuming Counterrevolution: The Ritual and Culture of Cannibalism in Wuxuan, Guangxi, China, May to July 1968”, Comparative Studies in Society and History số 37, Jan 1995.

[4] http://lainguyenan.free.fr/MMCC/DauHieu.html

[5] https://vanviet.info/van/may-ky-niem-lng-van-bi-tri-1/

[6] Tô Hoài ( 2013), Cát bụi chân ai, NXB Hội Nhà văn, trang 113-114.

[7] Tô Hoài, sđd, trang 137.

[8] https://vanviet.info/van/nhung-chuyen-b-an-trn-doi-chy/

[9] - Meiji: Tell me how he died. - Algren: I will tell you how he lived. (- Minh Trị: Cho ta biết anh ta chết ra sao. - Algren: Thần sẽ kể hầu bệ hạ anh ấy sống thế nào).

Phim thực hiện năm 2003, đạo diễn: Edward Zwick, kịch bản: John Logan.

[10] Katsumoto: You believe a man can change his destiny? Algren: I think a man does what he can, until his destiny is revealed. (Katsumoto: Ngươi tin con người có thể thay đổi số phận ư? Algren: Tôi nghĩ người ta làm tất cả những gì có thể trước khi số phận của họ phơi bày.