Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Ký ức năm hào

 Nguyễn Quang Lập


Thủa nhỏ đi học không sợ gì chỉ sợ đến ngày nộp học phí. Lương ba hình như trăm lẻ năm đồng, gọi là lương cao, nhưng bảy, tám miệng ăn, chưa đến nửa tháng đã hết tiền. Suốt cả thời kì ấu thơ của mình, nhà mình khi nào cũng khốn đốn chuyện nợ nần.

Có tám hào học phí, mua được mười sáu cái kẹo văn, mà lần nào về xin học phí mạ cũng gắt um lên, nói, mi đi học sau này có làm vương làm tướng chi không mà tháng mô cũng đòi tiền tau.

Mình ngồi khóc ri rỉ từ sáng đến chiều, cuối cùng mạ cũng cho. Mừng hết lớn. Nhưng tháng sau lại lặp lại y xì tháng trước, khốn khổ vô cùng.

Có lần thấy mình nộp học phí trễ cô giáo hỏi, mình nói nhà em chưa có tiền. Cô cười cái hậc, nói, nhà thầy Đạng mà không có tám hào học phí à, vô lý. Nhục quá đã tính tự tử.

Cho nên khi được giải học sinh giỏi lớp bốn của huyện, hình như giải hai, giải ba chi đó cả văn lẫn toán, được thưởng tám đồng, mừng muốn ngất, trông các thầy các cô nói cho nhanh xong buổi lễ mừng công để chạy ù về đưa tiền cho mạ. Mạ cười xoa đầu, nói, con mạ giỏi hè. Rồi bà rút ra cho mình năm hào.

Sau này đã có lúc làm đến vài trăm triệu nhưng chưa bao giờ có được cảm giác hân hoan như khi cầm năm hào mạ cho ngày ấy. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy rưng rưng.

Mình chạy ù xuống nhà con Hà, xoè tờ năm hào khoe, nói, tau có năm hào! Tưởng nó phục lắm, hoá ra nó vặn lưng quần chìa ra một tờ năm hào, cười he he he. Mình vừa ngượng vừa tức, cứ xử nó tiêu hết năm hào đi để mình nhiều tiền hơn nó nhưng nó kiên quyết không.

Hồi này làng Đông Dương chẳng có quán xá gì. Mọi thứ chỉ chờ đến sáng có phiên chợ thì mua. Chợ họp nhanh, mặt trời chưa quá con sào đã tan, sợ máy bay bắn. Mình thì học buổi sáng, thành ra suốt tuần chẳng mua được gì. Cứ mong đến ngày chủ nhật, nhất định mua hai cái bánh tráng với hai lát bánh đúc ăn một bữa cho đã. Còn lẩm nhẩm tính cho đứa nào, không cho đứa nào.

Con Hà thì nhất định cho nó rồi. Sáng nào đi học nhờ nó mà mình không bị đói. Có bất kì cái gì nó cũng để phần cho mình, kể cả mấy lát khoai deo. Em nó đòi nó không cho, kiên quyết để dành cho mình.

Con Hà dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài (giống Thu Hà báo Tuổi trẻ, he he). Nhà nó 5 chị em gái, ai cũng xinh. Mới mười một tuổi ngực nó đã nhú trái cau. Thỉnh thoảng nó lại vén áo cho mình xem đôi núm vú bé xíu của nó. Mình lấy ngón tay ấn ấn, hỏi, đau không? Nó nói, mới mọc hơi đau đau giờ hết rồi. Mình nhìn đôi núm vú say sưa, nói, hay hè. Nó nói, rồi to bằng người lớn tề. Mình nói tởm hè. Nó lườm mình, nói, tởm răng mà tởm, phải to bằng người lớn để cho con bú chớ. Minh nhăn răng cười, nói, tởm.

Năm hào mình để trong túi, thỉnh thoảng giật mình mò vào túi, vẫn còn, thở phào nhẹ nhõm. Sau sợ mạ hay lấy áo giặt bất thình lình làm nát tiền, mình kẹp vào chính giữa cuốn vở bài tập toán.

Thế mà mất.

Sáng thứ bảy mình soạn vở đi học, mở cuốn bài tập toán ra xem: Năm hào không còn nữa. Đêm qua trước khi ngủ kiểm tra vẫn còn, sáng dậy đã mất. Mình ngồi lặng ngắt, mồ hôi trán ướt đầm, nước mắt cứ thế chảy giàn giụa. Nghi nhất anh Thắng, anh Tường nhưng không bắt được tay day được cánh đành chịu.

Mình đến lớp ngồi im. Con Hà đưa cho củ khoai nướng không ăn, nó hỏi gì cũng không nói. Mãi sau con Hà không hỏi nữa thì mình lại mở mồm, nói, tao mất năm hào rồi. Nó giật cuốn vở bài tập toán lật lật mấy trang rồi chìa ra tờ năm hào, nói, đây nì! Mình nhảy cẫng lên, sung sướng quay cuồng. Mười năm sau mới biết đó là năm hào của con Hà, nó làm vậy cho mình vui, chứ khi đó thì hoàn toàn không biết.

Con Hà nói, để tao cất cho, mi cất mấy anh lấy mất. Mình nói, mai mi đi chợ mua ăn hết luôn. Nó hỏi, mua chi? Mình nói, bánh tráng bánh đúc. Chỉ hai đứa mình ăn thôi, không cho đứa mô hết. Nó nói ừ, không cho đứa mô hết. Mình nói ừ, không cho đứa mô ăn hết. Hai đứa vừa tranh nhau nói vừa nuốt nước bọt ừng ực.

Sáng chủ nhật ngủ dưới hầm, ngủ chán mắt thì thôi, nghe bom nổ ầm ầm cũng không thèm dậy. Đến khi chui ra khỏi hầm thấy mạ đứng nói chuyện với mấy người hàng xóm, nói, bom thả trúng chợ chết hết rồi. Lúc đầu cũng chỉ ngồi nghe thế thôi, sau sực nhớ sáng nay con Hà đi chợ, mình ù té chạy xuống chợ.

Chợ ở đầu làng, nằm dưới rặng trâm bầu. Mình chạy xuống chẳng còn ai, chỉ có mấy anh dân quân đang dọn dẹp. Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cá lẫn trong máu, cát và thịt người. Mấy anh dân quân đuổi mình đi, nói, chạy mau lên không máy bay quành trở lại đó!

Mình chạy về nhà con Hà. Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú. Mình chen vào. Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ đang nắm chặt khư năm hào.

Mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.