Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Trung Quốc đã tự sáng chế ra mình thế nào (kỳ 9)

Tác giả: Bill Hayton

Việt dịch: Phan Văn Song

New Haven & London: Yale University Press, 2020

8

SÁNG CHẾ YÊU SÁCH BIỂN

ansha (ám sa)- bãi ngầm

Cuối tháng 5 năm 2019, sà lan khoan Sapura Esperanza đang hoạt động ở khu vực phía nam của biển Đông. Chiếc sà lan nổi cách khoảng 100m trên khu vực đáy biển được chính quyền Malaysia chính thức xác định là lô thăm dò SK320. Ba ngàn mét dưới đáy biển là mỏ khí đốt Pegaga. Khi giếng này, được gọi là F14, được khoan và sẵn sàng, khí sẽ được bơm xuống một đường ống 38 inch, với tốc độ nửa tỉ feet khối mỗi ngày, đến thành phố Bintulu, cách đó khoảng 250 km, ở đó nó sẽ phát sinh ra điện cho người dân và doanh nghiệp của bang Sarawak.

Quản lí một ống khoan dài 3 km khi lênh đênh giữa biển Đông là một hoạt động phức tạp; điều cuối cùng các kĩ sư còn thiếu là các quấy nhiễu. Nhưng sáng sớm tháng 5 đó, một khách không được chào đón đã đến: Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc CCG 35111. Tàu này không đi trên đường đến một cảng thân thiện; CCG 35111 đến để chạy bừa vào và quấy rối. Nó chạy vòng quanh sà lan khoan với tốc độ cao, cản trở việc qua lại của các tàu phụ trợ, vi phạm rõ ràng các quy tắc hàng hải quốc tế. Trong khoảng một tháng, kể từ khi sà lan bắt đầu khoan, Hải quân Hoàng gia Malaysia đã dự kiến điều như thế này. Do đó, tàu tuần tra của họ, KD Kelantan, đã nằm sẵn chờ. Vào thời điểm phát hiện tàu ​​Trung Quốc, KD Kelantan đang ở phía đông của một rạn san hô được gọi là Luconia Breakers, một phần của loạt đảo đá lớn hơn được gọi chung là bãi Luconia, được đặt tên theo một tàu Anh vẽ ra vị trí của bãi năm 1803. Malaysia gọi nó là Beting Hempasan Bantin. Chạy cẩn thận qua những vùng biển cạn nguy hiểm, tàu KD Kelantan di chuyển để len vào giữa tàu Trung Quốc và sà lan khoan. CCG 35111 đã nhận ra tín hiệu và rời đi. Nhưng ngày hôm sau nó quay trở lại, và thêm một lần nữa vào ngày hôm sau nữa. Trong ba ngày, cả hai chơi trò mèo vờn chuột quanh rạn san hô trước khi tàu Trung Quốc di chuyển đến một khoảng cách an toàn. Thậm chí sau đó nó không di chuyển hoàn toàn mà vẫn nằm ở phía chân trời quan sát hoạt động khoan tiếp tục cho đến khi CCG 35111 được một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn thay thế, ba ngày sau đó.

Đã có ít nhất một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc quanh quẩn gần bãi Luconia kể từ giữa năm 2013. Nhìn bề ngoài thì có thể khó hiểu tại sao: đó là một vị trí khó sinh sống trên bề mặt trái đất. Đôi khi đá cuội tích tụ tạo thành một bãi cát nhỏ trên một trong những rạn san hô, nhưng có thể lại bị cuốn trôi trong một cơn bão. Các nhà hàng hải châu Âu đã đánh dấu phần này là ‘vùng biển nguy hiểm’ trên bản đồ và phần lớn cố tránh xa nó. Tuy nhiên, có những lí do để các nước thèm muốn vùng biển này: các rạn san hô có nhiều cá, và đá bên dưới thậm chí còn có nhiều khí và dầu hơn. Đó là một trong những lí do tại sao, vào năm 1982, hầu hết các quốc gia đều đồng ý các quy tắc phân chia tài nguyên dưới nước của thế giới. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã phân bổ cho mỗi quốc gia có bờ biển một ‘Vùng đặc quyền kinh tế’, trải dài tới 200 hải lí (khoảng 400 km) tính từ bờ biển của mình. UNCLOS được cho là để ngăn ngừa các tranh chấp như cuộc tranh chấp xảy ra xung quanh bãi Luconia. Tuy nhiên, Cảnh sát biển Trung Quốc vẫn ở đó, cách đảo Hải Nam, mảnh đất gần nhất không có tranh chấp của Trung Quốc, 1 500 km.

Trung Quốc khẳng định bãi cạn Luconia là một phần lãnh thổ quốc gia của họ, mặc dù thật sự không có lãnh thổ nào ở đó, ngoài một bãi cát đang dịch chuyển. Khẳng định của họ thậm chí còn trở nên phi thực tế hơn tại một nơi được gọi là bãi ngầm James cách đó 120 km về phía tây nam, có thể được đặt tên theo một trong những ‘Rajahs trắng’ (vua da trắng) của Sarawak, ngài James Brooke. Ở đó không có đất, chỉ là một mảnh biển cạn, sâu khoảng 22 mét. Tuy thế, bãi ngầm James lại chính thức là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Thậm chí ngày nay, một nhiệm vụ điển hình trong một giờ học địa lí ở trường học Trung Quốc là đo khoảng cách giữa các điểm xa nhất của đất nước: từ biên giới với Nga ở phía bắc đến một vùng biển cách bờ biển Borneo 100 km. Các giáo viên không giải thích cho bọn trẻ tại sao mảnh biển không-lãnh thổ này lại phải thuộc về Trung Quốc một cách chính đáng. Hầu như không ai ở Trung Quốc thật sự biết. Một câu trả lời điển hình cho câu hỏi đó là nói rằng nó đã là của Trung Quốc ‘từ thời xa xưa’. Câu chuyện thật là nó chỉ trở thành một phần trong khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông vì một loạt các vụ nhầm lẫn của các quan chức Trung Quốc trong những năm 1930. Không có chính phủ Trung Quốc nào nghĩ đến việc đòi chủ quyền bãi James và bãi Luconia trước năm 1946.

Không chỉ Malaysia thấy mình là đối tượng của sự chú ý không mong muốn. Trung Quốc cũng cản trở hoạt động khoan dầu khí ở các địa điểm bên dưới mặt biển khác. Ngoài khơi bờ biển Đông Nam Việt Nam là một vùng biển cạn có tên là bãi Vanguard (Tư Chính), được đặt theo tên một tàu Anh đã phát hiện ra nó vào năm 1846.2 Chỗ đó cũng có nhiều dầu khí và cũng là địa điểm của một số cuộc đối đầu trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990. Philippines cũng trong hoàn cảnh tương tự, gần một địa điểm có tên bãi Sea Horse (Hải Mã), cũng được con tàu trên phát hiện vào năm 1776. Philippines đã giành được phán quyết từ Tòa Trọng tài Quốc tế vào năm 2016, nói rõ rằng họ là chủ sở hữu hợp pháp của tất cả tài nguyên biển trong khu vực này. Trung Quốc không chấp nhận phán quyết đó theo tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa ông ta về viễn cảnh chiến tranh nếu Philippines cố phát triển khí đốt tự nhiên ở gần đó.

Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ cơ sở pháp lí chính xác của yêu sách của họ đối với các nguồn tài nguyên biển rất gần bờ biển của các nước khác. Tất cả những gì chúng ta biết là nó có liên quan đến một đường lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc vào năm 1948. Trong bản hình thành đầu tiên, ‘đường chữ U’ gồm 11 vạch bao quanh hầu hết biển Đông. Vào năm 1953, hai vạch trong vịnh Bắc Bộ đã được bỏ đi, có thể như là một phần của thỏa thuận với đảng cộng sản ở Việt Nam, cho chúng ta ‘đường 9 đoạn’ trong tít lớn báo chí hiện nay. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nâng vị thế của đường này lên mức gần như tín ngưỡng với việc in nó trong hộ chiếu và đưa vào luật để đảm bảo rằng mọi bản đồ được xuất bản trong nước đều có chứa nó. Các lãnh đạo thề sẽ bảo vệ từng tấc của nó và đe dọa chiến tranh với bất kì ai tìm cách xâm phạm nó. Nhưng đường này được vẽ ra như thế nào và tại sao nó lại có hình dạng như vậy? Phần bi thảm nhất của các tranh chấp biển Đông là thế giới có thể chứng kiến ​​một cuộc xung đột giữa các siêu cường chỉ do sự non yếu về dịch thuật và sự kém cỏi trong việc lập bản đồ vào giữa thế kỉ 20.

Ngày 11 tháng 6 năm 1907,3 Liu Sifu (劉思復: Lưu Tư Phục) đang vội vàng lắp ráp bom. Đêm hôm trước, anh đã thức khuya, viết những lá thư chia tay cho bạn gái và một số người thân nữ của mình, rồi ngủ quên. Bây giờ Phục đang khom người trên một chiếc bàn trên tầng ba của một ngôi nhà ở Quảng Châu, trộn fulminat thủy ngân và đổ vào vỏ kim loại. Ngôi nhà do một giáo viên địa phương sắp xếp cho anh ta thuộc một trường tư thục nhỏ và nằm ngay góc đường cạnh yamen (衙門: nha môn), văn phòng của quan chức cấp cao nhất trong vùng, tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Đông).4 Tuy nhiên, Phục ở đây không phải vì tổng đốc, mà là vì một vị khách ông đang trông đợi.

Vị khách này đã bị điểm tên để ám sát vì vào thời điểm đó, quân đội dưới quyền chỉ huy của ông đang trên đà tiêu diệt một cuộc nổi dậy của quân nổi dậy ngay bên ngoài thành phố Huizhou (Huệ Châu), cách nha môn của tổng đốc khoảng 120 km về phía đông. Thiếu Tướng Li Zhun ( 李準: Lí Chuẩn) đã trở thành một đối tượng căm thù đặc biệt của những người cách mạng. Tháng trước, quân đội của ông đã đàn áp một cuộc nổi dậy khác, ở Huanggang (Hoàng Cương). Theo lời của nhà sử học Edward Rhoads, Tướng Lí Chuẩn đang ‘nhanh chóng trở thành nhân vật quân sự nổi trội’ ở Quảng Đông.5 Ông có thói quen đến báo cáo quan tổng đốc vào ngày mồng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng. Những người cách mạng biết điều này và đã sẵn sàng.

Nhưng trước khi kế hoạch của họ có thể được triển khai, một số lượng fulminat thủy ngân mà Lưu Tư Phục đang vội vã pha chế trong căn phòng ở tầng ba lại phát nổ. Zhang Gushan (張谷山: Trương Cốc Sơn), giáo viên đã thu xếp phòng và giữ vai trò như người canh chừng, chạy lên lầu. Anh ta thấy Phục nằm trên giường, người bê bết máu và bị mất cánh tay trái. Vẫn còn tỉnh táo, Phục hướng dẫn Sơn nhẹ nhàng ngâm những quả bom còn sót lại trong nước tiểu trong chậu và giấu đi những bức thư từ biệt. Vào thời điểm nhà chức trách đến, mục đích chính xác của hoạt động của những kẻ đánh bom vào sáng hôm đó đã được che giấu. Tuy nhiên, Phục bị bắt và, khi phần dưới cánh tay của anh ta bị cắt đi, sẽ bị bỏ tù mà không cần xét xử. Mặt khác, Tướng Li Chuẩn vẫn sống, không hề hấn gì. Thêm một âm mưu cách mạng không thành công. Điều đó đã trở nên quen thuộc.

Trong khi tất cả những điều này đang diễn ra ở Quảng Châu, màn mở đầu của một vở kịch trầm lắng hơn nhiều đang được dàn dựng cách đó 450 km về phía Tây Nam. Đảo Pratas (TQ gọi là Đông Sa - ND) như một viên ngọc trai gắn trên một rạn san hô giống như chiếc vòng nằm ở vùng biển giữa Hong Kong và Đài Loan. Đó là một đảo gần như hoàn toàn hoang vắng: điểm cao nhất chỉ vài mét so với mặt biển, những bãi biển được bao quanh với một vài cây dừa và một đầm phá đầy vơi theo thủy triều; có thể bắt rùa và cá ở các chỗ cạn. Tuy nhiên, dòng chảy rất nguy hiểm và san hô rất sắc nhọn. Đôi khi, ngư dân dũng cảm đến đây để nghỉ ngơi và vá lưới của họ nhưng không có đất màu mỡ và nước ngọt tối thiểu. Nhà tự nhiên học người Anh Cuthbert Collingwood đã đến đó vào năm 1867, khi đi với tàu HMS Serpent, và thuật lại rằng 'thỉnh thoảng có ngư dân Trung Quốc ghé vào đó’, và thấy có một ngôi miếu gỗ đổ nát.6 Những du khách duy nhất khác là chim: hàng triệu con. Chính những con chim đã khiến Pratas trở thành một phần thưởng hấp dẫn cho một doanh nhân Nhật.

Lực lượng lao động công nghiệp của Nhật Bản cần gạo rẻ hơn, nông dân trồng lúa cần phân bón và Pratas được phủ đầy phân. Đảo này có lớp phân chim sâu hàng mét, phân chim hóa đá giàu nitơ, phốt phát và kali. Năm 1910, các nhà hóa học người Đức Fritz Haber và Carl Bosch mới hoàn thiện quy trình xúc tác để sản xuất amoniac. Trước đó, phân chim là thứ giữ cho các cánh đồng xanh tốt trong thế giới công nghiệp hóa. Hoạt động thương mại đã mang lại sự giàu có thoáng qua và sự tàn phá môi trường vĩnh viễn cho hàng chục hòn đảo trên Thái Bình Dương, và các thương nhân Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn cho phần thưởng đó. Vì vậy, giữa năm 1907, Nishizawa Yoshiji, một doanh nhân từ Osaka đến Pratas để tìm kiếm vận may. Ông mang theo hơn 100 công nhân đến thiết lập chỗ ở, văn phòng và đường ray xe lửa trên đảo để chuyển phân chim từ nơi chim thải ra xuống tới bãi biển.

Khi các chuyến hàng bắt đầu đến Osaka, nhiều lời đồn đãi bắt đầu lan ra về những gì đang thật sự xảy ra trên Pratas. Từ đầu tháng 9 năm 1907, các bài báo lo lắng xuất hiện trên các tờ báo phương Tây cho rằng một căn cứ hải quân có thể đang được xây dựng. Người Mĩ đặc biệt lo ngại, do việc Pratas nằm gần với thuộc địa gần đây của họ là quần đảo Philippines. Vì vậy, khi Bộ trưởng Chiến tranh của Hoa Kì, William H. Taft, đến Thượng Hải vào tháng 12 năm 1907 (trên đường trở về sau khi dự lễ khai mạc Quốc hội đầu tiên của Philippines), ông nhận được một bức điện khẩn từ Washington chỉ thị ông hỏi chính phủ nhà Thanh xem họ biết gì về vấn đề này. Theo tất cả các tường trình, quan lại nhà Thanh hoàn toàn không biết gì về vấn đề này nhưng bề ngoài lại khẳng định rằng đảo này ‘không thể chối cãi là thuộc về Đế chế nhà Thanh’.7

Tuy nhiên, không có điều gì được làm về sự hiện diện của một thương nhân nước ngoài đánh cắp tài nguyên phân chim của đế chế trong hơn một năm. Các tường thuật báo chí cạn dần và nhà chức trách chuyển sự chú ý sang các vấn đề biển cấp bách hơn. Không lâu trước chuyến thăm của Bộ trưởng Taft, nhà chức trách Anh tại Hong Kong đã quyết định làm điều gì đó về vấn đề cướp biển đang ngày càng tồi tệ ở vùng biển xung quanh thuộc địa của họ. Khi trật tự từ từ sụp đổ khắp Quảng Đông, đôi khi rất khó để phân biệt kẻ phạm tội nào là quân cách mạng, kẻ phạm tội nào là kẻ cướp và kẻ phạm tội nào có quan hệ với chính quyền. Có rất ít sự tin cậy vào chính quyền tỉnh, và các thương nhân Hong Kong đòi hỏi phải có hành động. Do đó, Anh và các cường quốc châu Âu khác tuyên bố sẽ phái các pháo hạm tuần tra trên sông Tây Giang, từ Quảng Châu dẫn vào nội địa.

Điều này đã gây ra phản ứng rất lớn từ các bộ phận công dân. Ngày 22 tháng 11 năm 1907, một nhóm sinh viên đã thành lập ‘Hội phục hồi quyền dân tộc’ để vận động chống lại hoạt động của người Anh. Họ được ‘Hội tự quản Thương nhân Quảng Châu’ tham gia và được sự ủng hộ ngầm của tổng đốc. Cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết vào tháng 1 năm 1908, khi tổng đốc bổ nhiệm tướng Lí Chuẩn chỉ huy hải quân cấp tỉnh với cấp bậc đề đốc và có nhiệm vụ truy quét cướp biển. Người Anh sau đó quyết định rút các pháo hạm của họ đi, một điều được những người theo chủ nghĩa dân tộc chào đón như một chiến thắng to lớn. Đề đốc Lí Chuẩn đã trở thành anh hùng của thời đại. Uy tín của ông chỉ tăng cao vào tháng sau đó khi ông chỉ huy một chiến dịch thu giữ một lô hàng vũ khí buôn lậu cho quân cách mạng trên một chiếc tàu chở hàng của Nhật Bản, Tatsu Maru.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật đã yêu cầu có lời xin lỗi chính thức về việc bắt giữ Tatsu Maru, cộng với việc bồi thường và trừng phạt các quan chức liên quan. Kết quả là, 20 000 người đã tham gia một cuộc biểu tình ở Quảng Châu vào ngày 18 tháng 3, do Hội tự quản tổ chức. Mặc dù vậy, nhà chức trách nhà Thanh đã đồng ý xin lỗi, thực hiện động tác chào cờ Nhật mang tính biểu tượng và thả con tàu. Nhưng họ không đồng ý trả súng và đạn dược đã bị thu giữ. Thay vào đó, họ đã trả cho chính phủ Nhật Bản khoản bồi thường 21 400 yên.8 Hai ngày sau, Hội tự quản đã chỉ định ngày Tatsu Maru được thả là ‘Ngày quốc sỉ’.9 Hội cũng tuyên bố tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, mà chính quyền trung ương ngăn cấm dưới áp lực của các nhà ngoại giao Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng đã qua đi, nhưng sự phẫn uất vẫn còn.

Li Chuẩn là trọng tâm của màn kịch này và người Nhật muốn trừng phạt ông ta. Tuy nhiên, tổng đốc nhà Thanh đánh giá cao ông như một chỉ huy hiệu quả và người Anh đánh giá cao nỗ lực chống cướp biển của ông nên ông vẫn tại vị. Ông đã dành phần còn lại của năm 1908 để trấn áp loạn lạc ở Quảng Đông và Quảng Tây và ngày càng trở nên nổi tiếng ở cả Hong Kong lẫn Quảng Châu. Ông đã rất vui khi trả lời phỏng vấn cho báo chí tiếng Anh và rõ ràng rất thích sự quảng bá sau đó. Không lâu sau vụ Tatsu Maru, ông được một nhà báo hỏi về những báo cáo từ Pratas. The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser đưa tin, ‘Khi được hỏi liệu tuyên bố về việc Nhật Bản chiếm giữ một hòn đảo ở phía Nam Hong Kong, được gọi là đảo Pratas có đúng hay không, đề đốc [Li Chuẩn] trả lời rằng ông đang điều tra và đã không thích nói nhiều về câu hỏi đó.’10 Thực tế, gần một năm trước đó ông ta chẳng nói bất cứ điều gì.

Hải quân nhà Thanh hầu như không tồn tại vào những năm 1900. Kết quả của hai thập kỉ với chính sách ‘tự cường’, nhằm tạo ra các bến tàu, các kĩ thuật viên lành nghề và lực lượng hàng hải hiện đại (các chính sách có hậu quả ngoài ý muốn là cho phép các bản dịch lí thuyết chính trị và xã hội phương Tây tới tay các độc giả Trung Quốc - xem Chương 3) đã bị đánh chìm, hoặc bị bắt đúng theo nghĩa đen trong chiến tranh với Nhật Bản năm 1894/5. Những con tàu còn sống sót quá nhỏ không thể làm gì nhiều hơn là tuần tra các con sông hoặc đường bờ biển ngay gần kề. Tổ chức duy nhất có khả năng đi xa hơn là Sở Hải quan Đế quốc, mặc dù là một cơ quan chính phủ, nhưng lại là một tổ chức hỗn hợp, chủ yếu do người nước ngoài điều hành. (Như chúng ta đã thấy trong Chương 1, tổ chức này cũng chịu trách nhiệm du nhập nhiều ý tưởng phương Tây vào xã hội Trung Quốc.)

Do không có hải quân đích thực, Sở Hải quan được giao nhiệm vụ điều tra các diễn biến trên Pratas. Nguyên nhân dường như là những lời phàn nàn từ ngư dân bị các công nhân của Nishizawa đuổi khỏi đảo. Một tàu hải quan được phái đi Pratas, đến đảo vào ngày 1 tháng 3 năm 1909 chở theo một sĩ quan trẻ người Anh, Hamilton Foote-Carey.11 Sau một cuộc thảo luận ngắn, con tàu quay trở về cảng. Hai tuần sau nó quay trở lại, đi cùng với một pháo hạm Trung Quốc chở đề đốc anh hùng Li Chuẩn. Họ kinh ngạc khi thấy hơn 100 lao động khai thác phân chim dưới lá cờ Mặt trời mọc. Tuy nhiên, Nishizawa sẽ không bị buộc phải rời đi. Anh ta đã tìm thấy phân chim, và vì không có ai chiếm đóng đảo này nên anh khẳng định đảo đó là của mình.

Khi tin tức này đến Quảng Đông, với tình cảm chống Nhật đã dâng cao, đám đông đã đổ ra đường. Tờ báo chính của Hong Kong, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), lưu ý rằng ‘Tâm trí người Trung Quốc địa phương đã bị kích động phần nào’ và rằng ‘người Trung Quốc ở phía Nam không xem xét vấn đề một cách tử tế’. Ngày 19 tháng 3, tờ báo đưa tin rằng tổng đốc ‘đã coi là cần thiết vì lợi ích của hòa bình, để cấm báo chí bản ngữ [tiếng Trung] tạo thêm các liên hệ đến chủ đề có tính chất khiêu khích này hay khác’. Hội Tự trị và những tổ chức khác bắt đầu hồi sinh phong trào tẩy chay Nhật, bất chấp việc tẩy chay đó là bất hợp pháp. Với xuất khẩu bị sức ép, chính phủ Nhật Bản đã đồng ý đàm phán về số phận của Pratas. Nếu chính quyền nhà Thanh có thể chứng minh rằng họ sở hữu nó, thì Tokyo sẽ công nhận yêu sách của họ.

Điều này khởi động một cuộc săn lùng tiếp tục cho đến ngày nay: tìm kiếm bằng chứng để chứng minh rằng các đảo ở biển Đông thuộc về Trung Quốc. Nó đã trở thành một sự nghiệp cuồng nhiệt đối với những kẻ kích động chủ nghĩa dân tộc và cả các quan chức. Một số đến phỏng vấn các ngư dân, tìm kiếm thông tin chi tiết về các chuyến đi, nhưng đề đốc Lí Chuẩn đã đến văn khố, tìm kiếm tài liệu. Trong lời tường thuật của chính ông, được công bố nhiều năm sau đó, ông nói rằng điều đó không phải dễ dàng: ‘Chúng tôi đã tìm kiếm các bản đồ, sách vở cũ của Trung Quốc, và Địa chí tỉnh Quảng Đông và không thể tìm thấy một cái tên như vậy [Pratas]. Nhà quan sát Wang Xuecen (王雪岑: Vương Tuyết Sầm), đọc rất nhiều sách vở, cho tôi biết: “Trong thời hoàng đế Càn Long cai trị [1735–1796], Chen Lunjiong (陳倫炯 : Trần Luân Quýnh), tổng binh trấn Gaoliang (高良: Cao Lương), có viết một cuốn sách với tựa đề Hải quốc văn kiến lục (海國聞見綠), trong đó có ghi tên đảo đó.” Chúng tôi sử dụng cuốn sách đó để đàm phán với người Nhật về vấn đề thu hồi đảo này.’ Nói cách khác, bằng chứng duy nhất mà nhà Thanh có thể thu thập được là một cuốn sách xưa ít nhất một thế kỉ. Tuy nhiên, phía Nhật sẵn sàng chấp nhận, miễn là Nishizawa được bồi thường vì phải từ bỏ hoạt động của mình.

Sau đó đã có 5 tháng đàm phán về giá cả cho khoản bồi thường này. Tháng 10, tổng đốc đồng ý trả 160 000 đô la bạc cho Nishizawa để đổi lại việc ông từ bỏ các hoạt động của mình và Nhật Bản công nhận chủ quyền của nhà Thanh. Nishizawa đồng ý trả $20 000 vì đã phá hủy một ngôi miếu của ngư dân mà ông thấy có trên đảo. Các bên đều thỏa mãn. Tổng đốc hi vọng sẽ bù đắp được chi phí bằng cách tiếp quản hoạt động phân chim và chuyển lợi nhuận về cho Quảng Châu. Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế khó khăn hơn ông những tưởng. Gần một năm sau, vào tháng 8 năm 1910, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cố khởi động lại hoạt động khai thác phân chim ở Pratas. Thiếu kiến ​​thức cần thiết, họ đã kí hợp đồng với công ti của Nishizawa để điều hành thay cho họ!12

Trong khi tất cả những điều này đang diễn ra, đề đốc Lí Chuẩn lại nghe nói về một vùng lãnh thổ biển khác mà trước đây ông chưa từng biết đến: quần đảo Hoàng Sa, phía tây nam Hong Kong về hướng Đông Dương. Theo lời kể của Lí Chuẩn sau này, ông ta chỉ được báo về sự tồn tại của các đảo này từ chỉ huy của ‘Hạm đội Trái’, Lin Guoxiang (林國祥: Lâm Quốc Tường), một thủy thủ giàu kinh nghiệm. Đề đốc Lí Chuẩn đã vận động tổng đốc chi trả cho một chuyến đi Hoàng Sa nhằm cố ngăn chặn bất kì người khai thác phân chim Nhật nào xâm nhập vào đó. Tuy nhiên, lực lượng hải quân của Lí Chuẩn không có khả năng đi xa đến mức đó, một lần nữa, Sở Hải quan được yêu cầu vào cuộc. Cuối tháng 3 năm 1909, tàu tuần dương Kaiban (開辦: Khai Biện) của Hải quan đã chở ba quan chức của tổng đốc tới quần đảo này. Khi quay trở lại Hong Kong vào ngày 15 tháng 4, tàu này dường như ‘gây ngạc nhiên cho người dân địa phương với việc trưng bày khoảng 20 con rùa khổng lồ được mang từ các đảo hoang vắng này về’, theo lãnh sự Pháp.13 Sự chú ý tới các con vật hiếm này và tâm thế bất ngờ chung cho thấy rằng trước năm 1909 hiểu biết của quan lại Trung Quốc và công chúng về quần đảo này hết sức ít ỏi. Ngoài một ít ngư dân, hầu như không ai quan tâm đến sự tồn tại của quần đảo này trước khi người Nhật xuất hiện. Điều đó giờ đã thay đổi đáng kể.

Sau thành công nhỏ này, đề đốc Lí Chuẩn đã thuyết phục tổng đốc chi trả cho một chuyến đi thứ hai đến Hoàng Sa. Chuyến đi này có hai mục đích: tạo thành một tuyên bố chính thức về chủ quyền đối với quần đảo, và việc phất cờ tiếp theo sẽ tạo ra sự ủng hộ rất lớn vì các quan chức được thấy là dám đứng lên chống lại người nước ngoài. Nhiệm vụ này dính dáng tới ba ‘pháo hạm nhỏ của Quảng Đông’ (như lãnh sự Pháp mô tả) - Fupo (為伏: Phục Ba), Chinhao (琛航: Sâm Hàng) và Kwongkum (振威: Chấn Uy) - với 106 người trên tàu, bao gồm cả đề đốc, giám sát khu vực (daotai 道台: đạo đài), thư kí sở tài chính tỉnh và ủy viên về muối của tỉnh: nói chung là một phái đoàn cấp cao. Trên tàu còn có một kĩ sư vô tuyến người Đức tên là Herr Brauns có nhiệm vụ chuyển thông tin chi tiết về tiến trình của đội tàu về cho báo chí ở Hong Kong, cộng với một nhà báo của tờ báo Zhongguo Ribao / Chung kuo jih pao (TQ nhật báo) của Hưng Trung Hội theo phe cách mạng của Tôn Dật Tiên, có trụ sở tại Hong Kong. Đề đốc Lí Chuẩn muốn chuyến đi được đăng thành tin trên trang nhất. Một điều không được đề cập trong các tường thuật là chuyến đi thật ra còn được một người Đức thứ hai dẫn đường: phó giám đốc của công ti buôn Carlowitz & Co., có trụ sở tại Hong Kong. Người châu Âu nói chung quen thuộc với Hoàng Sa hơn các quan lại địa phương rất nhiều, vì họ thường chạy thuyền đi về ngang qua đó. Họ coi quần đảo này là một mối đe dọa đối với hàng hải hơn là một vấn đề gây tranh cãi dân tộc chủ nghĩa.

Nhóm 3 tàu rời Quảng Châu vào khoảng ngày 14 tháng 5 năm 1909 và dừng lại ở Hong Kong cho đến ngày 21 tháng 5. Sau đó, nó hướng đến đảo Hải Nam, luôn giữ gần bờ, với các điểm dừng ở Hải Khẩu, vịnh Sama (Tam Á) và cảng Yulinkan (Du Lâm), ở đó bị một cơn bão phải dừng lại chờ. Tại địa điểm này, Chấn Uy phải quay về Hải Khẩu. Hai tàu kia chạy nhanh tới Hoàng Sa và bỏ ra 3 ngày để khám phá quần đảo này. Li Chuẩn tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo theo cách quen thuộc đối với các cường quốc: bắn đại bác, treo cờ và đặt tên mới cho các đảo. Một đảo được đặt tên là Fubo (伏波: Phục Ba) và một đảo khác là Chenhang (琛航: Sâm Hàng) theo tên tàu. Một đảo khác nữa được đặt tên là Ganquan (甘泉: Cam Tuyền) vì trên đó có một giếng nước ngọt, và những đảo khác được đặt theo tên của các quan chức cấp cao. Việc này giống y như hành động của người Anh, gần đúng một thế kỉ trước, đặt tên một số đảo của Hoàng Sa theo tên tàu của họ (trong đó có Antelope Reef [Linh Dương / Hải Sâm] và Discovery Reef [Đá Lồi]) và những đảo khác đặt tên theo các nhà quản lí của Công ti Đông Ấn: Drummond (Duy Mộng), Duncan (Sâm Hàng / Quang Hoà), Money (Kim Ngân / Quang Ảnh), Pattle (Hoàng Sa) và Roberts (Hữu Nhật).

Khi hai tàu này quay về lại Hong Kong vào ngày 9 tháng 6, đó lẽ ra phải là cơ hội để Lí Chuẩn và chính quyền Quảng Đông công bố các bằng chứng yêu nước của họ. Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) tường thuật rằng ‘các quan chức tham gia chuyến đi cực kì thận trọng khi nói chuyện với phóng viên của họ.’14 Có vẻ như họ đã bị choáng ngợp bởi những gì họ đã khám phá ra. Không phải là vùng đất cơ hội mà họ tưởng tượng, hóa ra Hoàng Sa nhỏ bé và cằn cỗi. Vào cuối tháng 6, kì vọng thấp đến mức chính quyền Quảng Đông đã đề xuất ‘chuyển đổi các phần có thể sinh sống của Hoàng Sa thành một khu định cư cho tội phạm, những người bị kết án được làm việc trong các hoạt động nông nghiệp và lấy gỗ trên đảo Cây,’ theo SCMP.15 Ngay cả ý tưởng vô vọng này cũng không đi đến đâu. Tổng đốc đã được chuyển sang một chức vụ mới và mọi người quên mất toàn bộ sự việc.

Tuy nhiên, phái đoàn đi đòi Hoàng Sa cho Trung Quốc đã đạt mục đích của nó. Nó đã giúp củng cố một chế độ đang sụp đổ ở Quảng Đông và tập hợp người dân chống lại người nước ngoài trong vài tuần. Cuộc thực hành quan hệ công chúng kéo dài ba ngày đó vẫn tạo nền tảng cho yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông ngày nay. Nhưng đây là lần cuối cùng có quan chức Trung Quốc đến quần đảo này trong gần hai thập kỉ. Họ có nhiều việc quan trọng hơn phải làm. Trong khi đó, các thương nhân phân chim Nhật khác đã bước lên quần đảo này, hoàn toàn không để ý tới câu hỏi về chủ quyền. ‘Công ti Công nghiệp Thịnh vượng Miền Nam’ và những công ti khác đã khai thác một lượng lớn phân bón mà không bị ai ở đất liền làm gì trong suốt những năm 1910 và những năm 1930.

Trong khi đó, đề đốc Lí Chuẩn quay lại công việc thường xuyên của ông là trấn áp các cuộc nổi dậy. Đến năm 1911, theo Edward Rhoads, ‘Đối với những người cách mạng, Lí Chuẩn là quan chức bị ghét nhất ở Kwangtung [Quảng Đông]. Lực lượng của ông đã tham gia vào việc đàn áp mọi cuộc nổi dậy của họ từ năm 1907.’ Ông sắp trở thành mục tiêu của họ một lần nữa. Cuối năm 1909, vài tháng sau chuyến đi của đề đốc Lí Chuẩn đến Hoàng Sa, người ám sát ông, Lưu Tư Phục, đã được thả ra. Những người thân của Phục, là các quan lại, đã giật dây để đưa anh ta về tỉnh nhà và sau đó, hai năm sau vụ đánh bom, anh ta được trả tự do. Thay vì cải tạo anh ta, nhà tù đã biến Phục thành một người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Ngay sau khi được trả tự do, anh trở về Hong Kong và góp phần thành lập một tổ chức mới, Quân đoàn ám sát Trung Quốc. Tuy nhiên, trước khi nó có thể tiến hành hoạt động đầu tiên, một nhà cách mạng đơn độc đã cố bắn Lí Chuẩn khi ông đi xem một cuộc trình diễn máy bay ở Quảng Châu. Vì không thể nhắm rõ vào Lí Chuẩn, tay súng này đã giết một quan chức khác, người này hóa ra là một tướng Mãn Châu, Fuqi (孚琦: Phu Kì). Do đó, an ninh được thắt chặt khiến việc đến gần Lí Chuẩn càng khó hơn.

Trong lần nỗ lực thứ ba, vào ngày 13 tháng 8 năm 1911, nhóm của Phục đến gần chiếc kiệu của Lí Chuẩn đúng tầm để ném bom. Một số lính canh của Lí Chuẩn đã bị giết nhưng đề đốc chỉ bị gãy hai xương sườn.16 Vết thương đủ nặng để đưa ông ra khỏi cuộc sống công trong vài tháng, mà theo một tường thuật, ông đã viết chữ Hán lên quạt để tặng cho những người hảo tâm và dự đám cưới của anh chị em ông.17 Ông vẫn đang trong thời gian nghỉ dưỡng thương khi cuộc cách mạng nổ ra. Một cuộc binh biến ở thành phố Vũ Xương vào ngày 10 tháng 10 đã lan ra các khu vực xung quanh và lần lượt hết tỉnh này đến tỉnh khác tuyên bố độc lập với Đế quốc Thanh. Dù tình hình chính trị ngày càng tồi tệ, Lí Chuẩn đã phớt lờ hàng loạt lệnh triệu tập của tổng đốc mới, Zhang Mingqi (張鳴岐: Trương Minh Kì), để góp sức bảo vệ chế độ. Đây là chuyện cá nhân. Trước đó Trương Minh Kì đã tước quyền chỉ huy của Lí Chuẩn đối với lực lượng trừ bị và Lí Chuẩn không thấy có lí do gì để giúp cho ông ta bây giờ. Cũng có gợi ý rằng Lí Chuẩn trở nên cảm thông hơn với chủ nghĩa dân tộc Hán vào khoảng thời gian này và quyết định không ủng hộ chế độ Mãn Thanh nữa.18

Hai tuần sau, vị tướng được Bắc Kinh cử đến thay thế Fuqi bị ám sát lại bị ám sát trong vòng vài phút sau khi đến Quảng Châu bằng một quả bom được chế tạo dưới sự chỉ đạo của nhà vô chính phủ Lưu Tư Phục.19 Thành phố bắt đầu hoang mang. Lo sợ trước các cuộc tấn công của các nhóm nổi dậy, trước khả năng những kẻ phân biệt chủng tộc Hán sẽ tàn sát người Mãn, cùng nạn cướp bóc và hôi của đã khiến các cửa hàng đóng cửa và mọi người rời khỏi thành phố. Phản ứng của Lí Chuẩn là tìm cách thương lượng để đầu hàng với những người đã cố giết ông trong 4 năm qua. Ông đã liên lạc với hai nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc ở Hong Kong có liên hệ với phe cách mạng. Trong vài ngày, ông đã trao đổi thư từ với Hồ Hán Dân, nhà lí luận hàng đầu của Tôn Trung Sơn vốn vừa từ Sài Gòn trở về Hong Kong. Ngày 7 tháng 11, Chuẩn và Dân gặp nhau và đạt thỏa thuận, theo đó Chuẩn sẽ giao Quảng Châu cho quân cách mạng để đổi lấy mạng sống cho mình cùng gia đình. Ngày 9 tháng 11, tổng đốc đã chạy trốn đến nơi an toàn ở Hong Kong thuộc Anh và đề đốc Lí Chuẩn trở thành người kế nhiệm một ngày. Ông đã tham gia các buổi bàn giao cho phe cách mạng và sau đó ông cũng bỏ trốn đến Hong Kong. Ông đã tiêu tốn gần một thập kỉ để cố đàn áp phe cách mạng nhưng cuối cùng ông đã trao cho họ thắng lợi lớn đầu tiên.

Đây không phải là kết cuộc cho sự nghiệp của Lí Chuẩn. Ông biết cách để sống còn và sớm tìm ra cách để làm cho mình có ích cho chế độ mới. Trong một bước ngoặt trớ trêu, chính quyền cách mạng mới đã phong ông làm ‘Ủy viên Bình định’ tại tỉnh cũ của ông, Quảng Đông, vào tháng 8 năm 1913.20 Tháng 7 năm 1914, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy quân sự tỉnh Phúc Kiến và tháng sau, sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, được phong làm ủy viên thanh tra quốc phòng.21 Tuy nhiên, những người khai thác phân chim ở đảo Pratas không có may mắn như vậy. Sau khi tuyên bố sở hữu rạn san hô theo nghi thức vào năm 1909, chính quyền Quảng Đông đã cố gắng khởi động lại hoạt động sản xuất trên đảo. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng 1911/12, những người lao động ở đó đã hoàn toàn bị lãng quên. Chính quyền đại lục không thể tiếp tế tiếp cho họ và họ đã bị chết đói.22

Nhà chức trách thuộc địa Pháp ở Đông Dương đã theo dõi việc đề đốc Lí Chuẩn tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa với vẻ ngạc nhiên vô tư. Vào thời điểm đó, họ rất ít quan tâm đến các đảo này nhưng điều đó sẽ thay đổi. Trong suốt thế kỉ 18 và 19, triều đình Việt Nam cho phép cho ngư dân trục vớt súng thần công và các vật có giá trị khác từ các tàu bị đắm trên các rạn san hô. Nhưng sau khi Pháp chiếm đóng (bắt đầu ở Sài Gòn năm 1859 và đạt đến biên giới với nhà Thanh năm 1887), những chuyến đi ra đảo dường như đã ngừng lại. Chỉ cho đến khi nhà sinh vật học biển táo bạo, Armand Krempf, tìm cách củng cố danh tiếng khoa học bậc trung của mình bằng nghiên cứu về sự hình thành san hô thì nhà chức trách Pháp mới bắt đầu quan tâm. Krempf và các nhà nghiên cứu đồng bạn từ Viện Hải dương học Đông Dương đã thực hiện chuyến hành trình đầu tiên đến Hoàng Sa vào năm 1925. Ngay sau đó, các doanh nhân lấy được một xuồng phân chim và một số nhà công nghiệp bắt đầu kiến ​​nghị chính quyền thuộc địa Pháp cho phép khai thác quần đảo này.23 Tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương, Pierre Pasquier, viết thư cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp tại Paris, kêu gọi sáp nhập quần đảo.24 Paris không muốn làm như vậy vì sợ phản ứng đi ngược lợi ích của Pháp có thể có ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyến đi năm 1931 của Krempf tới quần đảo này có một kĩ sư khai mỏ, ông này đã ước tính rằng chỉ riêng số phân chim còn lại trên đảo Hữu Nhật, ngay cả sau hoạt động của các công ti Nhật, có thể đáp ứng được nhu cầu của Đông Dương trong 20 năm.25 Đồng thời, chính phủ của cả hai nước Pháp và Anh ngày càng trở nên lo ngại về quan tâm quân sự của Nhật Bản ở quần đảo này và mối đe dọa tiềm tàng đối với các thuộc địa của họ ở Đông Nam Á. Hai động lực này dường như đã đủ để Paris vượt qua sự dè dặt của mình và ngày 4 tháng 12 năm 1931, đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa. Chính phủ Trung Quốc đã để ra gần 8 tháng mới có phản ứng, đến ngày 27 tháng 7 năm 1932, phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở Paris mới được chỉ thị chính thức bác bỏ yêu sách của Pháp. Công thư của họ đưa ra quan điểm rằng Hoàng Sa là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc.

Sau đó, ngày Bastille (quốc khánh) năm sau, 14 tháng 7 năm 1933, chính phủ Pháp thông báo rằng họ đã sáp nhập 6 trong số các đảo ở Trường Sa, một nhóm đảo hoàn toàn tách biệt, cách Hoàng Sa 750 km về phía nam. Có một sự náo động ở Trung Quốc, nhưng cũng có sự nhầm lẫn. Rõ ràng là từ các báo cáo và tài liệu của chính phủ thời đó, cả giới chức Trung Quốc và công chúng đều không biết Trường Sa thật sự ở đâu. Có một giả định chung rằng chúng cũng gồm chính các thể địa lí - ở Hoàng Sa - mà Pháp và Trung Quốc đang tranh chấp. Một bức điện chính thức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi cho lãnh sự Trung Quốc tại Manila ngày 17 tháng 7 năm 1933 có chứa các câu hỏi: ‘Những đảo này đích xác ở đâu? Có phải chúng là quần đảo Hoàng Sa?’ Một bức điện tương tự đã được Bộ này gửi cho hải quân mà câu trả lời của họ đáng ngạc nhiên, khi so với những khẳng định hiện nay rằng Trung Quốc đã cai quản quần đảo ‘từ thời xa xưa’. Chen Shaokuan [陳紹寬: Trần Thiệu Khoan] thuộc Bộ Hải quân trả lời, nói với Bộ Ngoại giao: “Không có ‘9 đảo’ nào ở 10° 0’ N 150° 0’ E giữa Philippines và Việt Nam. Chín đảo giữa Philippines và Việt Nam nằm xa hơn về phía bắc. Những đảo này là quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] và rất gần với Quỳnh Châu [Hải Nam ].”26 Thêm nhầm lẫn nữa nẩy sinh ở một số khu vực qua việc đề cập đến một nhóm đảo khác, Qizhou (Thất châu) , hay ‘7 đảo’ (tiếng Anh gọi là quần đảo Taya), thực tế nằm về phía đông bắc của Hải Nam, cách Hoàng Sa 300 km về phía bắc.

Hồ sơ của Mĩ cho thấy rằng lãnh sự Trung Quốc tại Manila, Kuang Guanglin [鄺光林: Quảng Quang Lâm (K. L. Kwong)], đã đến phòng Khảo sát Trắc địa và Bờ biển Hoa Kì ở đó ngày 26 tháng 7 và ngạc nhiên khi phát hiện ra Trường Sa và Hoàng Sa là hai quần đảo riêng biệt. Thông tin này được truyền về cho chính phủ Trung Quốc vốn vẫn còn đang băn khoăn không biết phải làm gì. Trong khi họ thảo luận, các tờ báo tràn ngập thư phản đối, tin tức về các cuộc biểu tình và chỉ trích của các quan chức không hài lòng với sự lãnh đạo của chính phủ Quốc Dân đảng. Sự đối chọi trong tường thuật của Trung Quốc và nước ngoài về vấn đề này là rõ ràng. Trong khi các quan chức và nhà báo Trung Quốc tỏ ra rối rắm, thì SCMP và các tờ báo quốc tế khác quen thuộc hơn với địa lí của biển Đông. Trong một số bài báo, họ chỉ ra rằng Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo khác nhau, một sự rạch ròi hoàn toàn không có trong các cuộc thảo luận ở Trung Quốc.

Vào khoảng thời gian này, đề đốc Lí Chuẩn vốn đã nghỉ hưu, từ trong bóng tối quay lại, thực hiện một can thiệp để lại một di chứng lẫn lộn kéo dài cho đến ngày nay. Vào ngày 15 tháng 8, một tháng sau khi tin tức về việc sáp nhập nổ ra, tờ Shenbao (申報: Thân báo) có trụ sở tại Thượng Hải đã đăng một bài báo dài kể về chuyến đi ban đầu (1909) của Lí Chuẩn đến Pratas và Hoàng Sa. Một tuần sau, vào ngày 21 tháng 8, tờ tuần báo Guowen zhoubao (國文週報: Quốc Văn chu báo) tường thuật rằng Lí Chuẩn ‘đã đến cơ quan của chúng tôi và nói chuyện trực tiếp với phóng viên về nó’ và cũng in những gì mà báo này khẳng định là lời tường thuật gốc của ông, nói rằng ông ‘đã khám phá 11 đảo san hô’ của quần đảo Hoàng Sa. Đến cuối tháng, hầu như các tờ báo Trung Quốc đều có in một phiên bản nào đó về lời kể của Lí Chuẩn. Do đó, hầu hết mọi người đọc báo Trung Quốc đều được kể rằng các đảo mà người Pháp vừa sáp nhập là Hoàng Sa.

Vào thời điểm này, Bộ Ngoại giao của THDQ đã nhận được thông tin từ nhân viên của họ ở Manila và Paris và biết rằng Hoàng Sa khác với Trường Sa. Đáng chú ý là Bộ này đã quyết định rằng Trung Quốc không có căn cứ để yêu sách Trường Sa và do đó sẽ không phản đối việc sáp nhập của Pháp. Bộ sẽ dàn xếp cho Hoàng Sa. Điều này đặt chính phủ ở thế đối đầu với hàng đống dư luận vốn đã tự thuyết phục mình, qua sự can thiệp của đề đốc Lí Chuẩn, và những người khác, rằng Trung Quốc đã sáp nhập Trường Sa vào năm 1909. Trung Quốc bấy giờ có hai yêu sách biển: của chính phủ, chỉ bao gồm Hoàng Sa, và của công chúng giận dữ, đã bắt đầu mở rộng đến tận Trường Sa, ngay cả khi họ không hiểu đầy đủ về điều này. Sự nhầm lẫn này sẽ có hậu quả sâu đậm tận thế kỉ 21.

Để cố gắng giải tỏa tỏ sự nhầm lẫn này, chính phủ đã ra lệnh cho một cơ quan, chưa từng hoạt động trước đó, tiến hành điều tra. ‘Ủy ban Thẩm tra Bản đồ Đất và Biển’ (水陸地圖審查委員會: Thuỷ lục địa đồ thẩm tra ủy viên hội) đã được thành lập vào năm 1930 để cố gắng chính thức hóa việc vẽ bản đồ của đất nước và xác định biên giới của nó (xem Chương 7) nhưng chưa từng hội họp trước tháng 6 năm 1933, ngay trước khi việc Pháp sáp nhập Trường Sa được công bố. Một khi cuộc khủng hoảng lắng xuống, ủy ban được giao nhiệm vụ đảm bảo rằng những hiểu lầm tương tự sẽ không xảy ra nữa.

Tuy nhiên, ủy ban không có khả năng thực hiện các cuộc khảo sát của riêng mình. Thay vào đó, họ thực hiện cách thực hành trên bàn giấy: phân tích bản đồ do những người khác tạo ra và hình thành sự thống nhất về tên gọi và vị trí. Theo tạp chí riêng của ủy ban, họ đã kiểm tra 630 bản đồ và 120 cuốn sách về lịch sử quốc gia của Trung Quốc và một số lượng không xác định bản đồ của nước ngoài. Khi xét đến biển Đông, rõ ràng từ kết luận của ủy ban rằng các nguồn tham khảo hàng đầu là của Anh, một điều có hậu quả vượt quá mức. Ngày 21 tháng 12 năm 1934, Ủy ban Thẩm tra đã họp phiên thứ 25 và nhất trí về tên tiếng Trung cho 132 thể địa lí ở biển Đông. Tất cả đều là các tên dịch hoặc phiên âm của những cái tên được ghi trên bản đồ của Anh. Ví dụ ở Hoàng Sa, đá Antelope (Hải Sâm) trở thành Lingyang jiao (羚羊礁: Linh Dương tiêu) và đảo Money (Quang Ảnh) trở thành Jinyin Dao (金銀: Kim Ngân đảo) - cả hai đều là những từ được dịch trực tiếp. Những cái tên mà đề đốc Lí Chuẩn đã đặt cho Hoàng Sa vào năm 1909 đã không được để ý tới. Ở Trường Sa, đá North Danger trở thành Beixian (北險: Bắc Hiểm), một từ được dịch khác từ tiếng Anh. Đảo Spratly (Trường Sa) trở thành Si-ba-la-tuo (斯巴拉脫: Tư Ba Lạp Thoát, phiên âm từ tên của thuyền trưởng người Anh, Richard Spratly), và bãi cạn Luconia được phiên âm là Lu-kang-ni-ya [盧康尼亞滩: Lô Khang Ni Á].’

Chúng ta biết chính xác danh sách các tên đảo của ủy ban từ đâu ra vì nó có chứa một số sai lầm chỉ thấy có trong một tài liệu khác: ‘China Sea Directory’ (Danh bạ biển Trung Quốc) do Phòng Thuỷ văn Vương quốc Anh xuất bản năm 1906. Danh sách này của Anh là gốc gác của tất cả các tên được Trung Quốc sử dụng bấy giờ. Một vài cái tên trong danh sách có nguồn gốc từ Trung Quốc, chẳng hạn như đá Subi (渚碧 : Zhǔ bì) ở Trường Sa, trong khi những cái tên khác có nguồn gốc Mã Lai (chẳng hạn như Passu Keah [Bạch Quy] ở Hoàng Sa), nhưng hơn 90% là do các nhà hàng hải Anh đặt ra. Việc dịch những cái tên này gây ra một số khó khăn và là một di sản gây xáo trộn khu vực cho đến ngày nay.

Rõ ràng là các thành viên ủy ban đã nhầm lẫn hai từ tiếng Anh ‘bank ‘shoal’. Cả hai từ đều có nghĩa là một khu vực biển cạn: từ bank mô tả một khu vực nâng cao của đáy biển, từ shoal là một cách diễn đạt hàng hải bắt nguồn từ tiếng Anh cổ có nghĩa là ‘cạn’. Tuy nhiên, ủy ban đã chọn dịch cả hai sang tiếng Trung thành tan [滩: than] vốn là cách dịch nhập nhằng cho ‘sandbank’ (bãi cát), một thể địa lí có thể ở trên hoặc dưới mặt biển. Bãi Sea Horse, ngoài khơi Philippines, được gán cái tên là Haima Tan (海馬滩: Hải Mã than); bãi ngầm James, chỉ cách bờ biển Borneo 100 km, được đặt tên là Zengmu tan (曾姆滩: Tăng Mẫu than), và bãi Vanguard (Tư Chính), ngoài khơi bờ biển đông nam Việt Nam, được đặt tên là Qianwei tan (前衛滩: Tiền Vệ than). Zengmu (Tăng Mẫu) đơn giản là phiên âm của ‘James’, Haima (Hải mã) là từ tiếng Trung có nghĩa là seahorse, Qianwei (Tiền Vệ) là dịch từ ‘vanguard’ và tan, như đã đề cập ở trên, là từ dịch sai của ‘bank’ và ‘shoal’. Kết quả của sai lầm quan liêu này là những thể địa lí ngầm đó, cùng với một số thể địa lí khác, đã bị biến thành những hòn đảo trong trí tưởng tượng của người Trung Quốc. Rốt cuộc, sự cố này là lí do tại sao Sapura Esperanza bị quấy rối khi đang khoan tìm khí gần bãi ngầm James 85 năm sau đó. Trung Quốc sẵn sàng đi tới đánh nhau vì một lỗi dịch thuật.

Như một lần hưng phấn cuối cùng, vào tháng 4 năm 1935, Ủy ban Thẩm tra đã in một bản đồ biển Đông với tất cả các tên ‘mới’ trong đó. Bản đồ có tựa đề không rõ ràng, Zhongguo nanhai ge daoyu tu (中國南海各島嶼圖: TQ Nam Hải các đảo tự đồ), có thể được dịch là ‘Bản đồ các đảo của Trung Quốc ở biển Nam’ hay ‘Bản đồ các đảo ở biển Nam của Trung Quốc’. Không có bằng chứng nào cho thấy, ngay cả vào thời điểm này, ủy ban đã thật sự khẳng định một yêu sách lãnh thổ đối với Trường Sa. Không có đường ranh giới nào được đánh dấu trên bản đồ và không có dấu hiệu nào về các thể địa lí nào mà ủy ban coi là của Trung Quốc và thể địa lí nào không. Các thành viên ủy ban đã chọn sử dụng tên Nam Sa - ‘bãi cát phía nam’ - để chỉ bãi ngầm Macclesfield, một thể địa lí ngầm vốn thật ra nằm ở trung tâm của biển Đông. Có vẻ các quan chức đã làm điều này bởi vì, vào thời điểm đó, đó là thể địa lí cực nam do Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Nó trở thành điểm thứ ba của tam giác được đánh dấu bởi Đông Sa (East Sand / Pratas), Tây Sa (West Sand / Paracels), và Nam Sa (South Sand / Macclesfield Bank) lúc bấy giờ. Ủy ban đã đặt tên tiếng Trung cho Trường Sa là Tuansha (團 沙: Đoàn Sa). Cái tên này dịch một cách mơ hồ như là ‘vùng cát’. Năm 1935, cả ủy ban lẫn chính phủ Trung Quốc đều không sẵn sàng để tung ra yêu sách đối với Trường Sa.

Người đã khiến Trung Quốc yêu sách các đảo không tồn tại cách bờ biển của họ hàng trăm kilomet là một người Mãn Châu có lẽ chưa bao giờ đi biển trong đời. Bai Meichu (白眉初: Bạch Mi Sơ) sinh năm 1876 với gốc gác khá khiêm tốn tại vùng đất ngày nay là tỉnh Hà Bắc, cách Tử Cấm Thành 200 km về phía đông. Lớn lên ở hạt Lô Long, cuộc sống ban đầu của ông chắc hẳn đã bị bao quanh với đau thương: nạn đói lớn năm 1876/9, lần đầu tiên khuấy động lương tri cấp tiến của Timothy Richard; chiến tranh Trung-Nhật năm 1894/5 và loạn Quyền phỉ (Boxer) 1899–1901. Bạch Mi Sơ (BMS) thuộc thế hệ cuối cùng được đào tạo cho bộ máy thư lại cũ: gia đình có đủ tiền để cho ông đi học trường tư và ở tuổi 15, ông đã giành được danh hiệu xiucai (秀才: tú tài), bậc thang đầu tiên trên nấc thang truyền thống đi đến thành công. Tuy nhiên, trước khi ông có thể leo lên, chiếc thang đó đã bị kéo đi mất khi nước Đại Thanh bước vào giai đoạn suy tàn cuối cùng. BMS thuộc thế hệ bị cuốn vào thời kì cực kì bất ổn. Mượn câu nói của Antonio Gramsci, thế giới cũ đang chết dần xung quanh ông nhưng thế giới mới vẫn chưa thể ra đời.

20. Bạch Mi Sơ, giáo sư địa lí tự học mà bức bản đồ tệ hại do ông vẽ ra đã giúp tạo ra các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Bạch Mi Sơ đã dạy các sinh viên mà sau này họ đã tư vấn cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc về việc yêu sách chủ quyền lãnh thổ nào sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tập bản đồ xây dựng Trung Quốc mới năm 1936 của Bạch Mi Sơ đã dựa trên trí tưởng tượng dân tộc chủ nghĩa của ông cũng nhiều như trên thực tế địa lí.

BMS được gửi đến một trong những trường ‘hiện đại’ mới thành lập, trường Cao đẳng Jingsheng ở Vĩnh Bình (nay được gọi là Lô Long) ở Hà Bắc, có dạy cả tiếng Trung lẫn các môn học phương Tây. Ông là một trong những người đầu tiên trải nghiệm sự đụng độ giữa những ý tưởng truyền thống về địa lí được thể hiện trong các sách vở xưa và những ý tưởng mới đến qua các nhà truyền giáo và các cảng điều ước. Trong cuộc sống sau này, ông đã mô tả việc đọc kinh sách cổ điển ‘Sơn Hải kinh’ (山海經), ‘Vũ cống’ (禹貢) và ‘Thượng thư’ (尚書), nhưng những tài liệu xưa 2000 năm này là một hướng dẫn nghèo nàn về những thay đổi mà BMS đang chứng kiến ​​xung quanh mình. Ông có thể đã từng mong học chúng để vượt qua các kì thi cần thiết nhằm gia nhập bộ máy thư lại, nhưng vào tháng 9 năm 1905, chế độ thi cử của triều đình đã bị bãi bỏ. Thay vào đó, cùng năm đó, ở tuổi 29, BMS ghi danh học tại Trường Sư phạm Bắc Dương vốn có mục tiêu là đào tạo giáo viên cho một hệ thống giáo dục cải cách mới.

Ông tốt nghiệp năm 1909 với học vị ‘juren’ (舉人: cử nhân), một bước quay lại hệ thống thi cử cũ. Ông trở thành giáo viên và sau đó là giảng viên tại Trường Sư phạm nữ ở Thiên Tân. Tại đây, ông dạy Deng Yingchao (鄧穎超: Đặng Dĩnh Siêu), một cán bộ cao cấp tương lai của Đảng Cộng sản và là vợ của Chu Ân Lai. Đồng thời, ông đã trở thành người tiên phong trong môn học địa lí mới. Đây chưa phải là địa lí như thế hệ sau thời Zhu Kezhen (竺可楨: Trúc Khả Trinh) và Zhang Qiyun (張其昀: Trương Kì Quân) sẽ xác định nó (xem Chương 7) mà là một hỗn hợp giữa những ý tưởng cũ và chủ nghĩa dân tộc mới. Năm 1909 BMS trở thành một trong những người sáng lập ‘Hội Địa học Trung Quốc’ (中國地學會: Trung Quốc Địa học hội). Theo nhà sử học Tze-ki Hon (韓子奇: Hàn Tử Kì), không có hội viên nào của hội được đào tạo chuyên nghiệp về chủ đề này. Thay vào đó, hội tuyển lấy hội viên từ các trí thức cũ. Họ, giống như BMS, là những người đã từng mong được gia nhập bộ máy thư lại nhưng giờ đang phải vật lộn để thích nghi. Nhiều người trong số họ tìm được công việc kém uy danh hơn, dạy ở các trường trung học và trường nữ sinh.27

Các thành viên của Hội Địa học Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc thuyết Darwin-Xã hội. Trong số đầu tiên của ‘Tạp chí Địa học’ (地學雜誌: Địa học Tạp chí), hội có tuyên bố chung: ‘Nguyên nhân [của sự thăng trầm quyền lực] là do trình độ hiểu biết địa lí của mỗi nhóm. Do đó, trình độ kiến ​​thức địa lí có ảnh hưởng trực tiếp đến một quốc gia, và nó có thể gây ra sự tàn phá cho một chủng tộc. Đó thật sự là [một biểu hiện của] quy luật chọn lọc tự nhiên dựa trên sự cạnh tranh.’ Nói cách khác, kích cỡ lãnh thổ của bất kì nhóm nào tăng lên hay giảm xuống tùy thuộc vào nền văn minh tương đối của họ. Xét về mặt xã hội, Trung Quốc đã sớm tiến bộ nhưng sau đó lại thụt lùi trước những tiến bộ của phương Tây. Cách duy nhất để lấy lại sức mạnh là thông thạo địa lí. Theo lời của chính BMS vào năm 1913, ‘Yêu dân tộc là ưu tiên hàng đầu trong việc học địa lí, còn xây dựng đất nước là mục đích của việc học Địa lí’.28 Ngày 28 tháng 8 năm 1917, ghi nhận những nỗ lực yêu nước của ông, BMS đã được Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhận vào làm việc.

Những nhà địa lí này đặt mình vào việc phụng sự đất nước, trước lẫn sau cách mạng 1911/12. Đổi lại họ nhận được trợ giúp tài chính đáng kể. Bản thân BMS đã kiến ​​nghị với chính phủ Dân quốc mới những ý tưởng về cải cách ranh giới chính quyền địa phương và về nơi đặt thủ đô quốc gia (ông ủng hộ Bắc Kinh hơn Nam Kinh). Một bước ngoặt đối với BMS, cũng như rất nhiều trí thức khác thời bấy giờ, là kết quả của hội nghị hòa bình Versailles năm 1919. Quyết định giao vùng đất cũ của Đức ở Sơn Đông cho Nhật Bản đã khiến các sinh viên và thành viên của Hội Đia học phẫn nộ. Tạp chí của họ đã đăng một số bài báo phản đối quyết định này và thúc giục chính phủ ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản trên bán đảo. Các học sinh của BMS nhớ đến ông như một người đấu tranh nhiệt tình cho các quyền của dân tộc. Các bài giảng của ông được cho là đã ảnh hưởng nhiều nhất đến các học sinh tại trường Sư Phạm Nữ Thiên Tân.

Vào khoảng thời gian này, BMS trở thành thầy đỡ đầu cho một thanh niên tên Li Dazhao (李大釗: Lí Đại Chiêu), cũng từng học tại trường Cao đẳng Jingsheng và sẽ trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản vào năm 1921. Vào ngày đầu năm mới 1919, Lí Đại Chiêu đã giới thiệu BMS với một người trẻ cấp tiến khác, Mao Zedong (Mao Trạch Đông), và cả ba đã dành hàng giờ để thảo luận về các vấn đề lãnh thổ của đất nước. Có vẻ như khó xảy ra, nhưng BMS, học giả cổ điển trường phái cũ, và Lí Đại Chiêu, nhà cách mạng cộng sản mới, vẫn là bạn thân cho đến khi Lí Đại Chiêu bị giết vào năm 1927. Có thể một số quan điểm năng động của BMS về địa lí và lãnh thổ quốc gia đã được chuyển trực tiếp vào phong trào cộng sản.29

Tương tự, năm 1923 Hội cũng thẳng thắn khi yêu cầu chính phủ thu hồi các cảng Đại Liên và Lữ Thuận (cảng Arthur) khi hết hạn cho Nga thuê. BMS tiếp tục công việc này cho đến cuối đời. Từ năm 1928 đến năm 1930, ông đã viết một bài luận thuyết dài nhiều kì về tranh chấp biên giới Pian Ma (片馬: Phiến Mã) với người Anh. Đối với BMS, mảnh đất ở biên giới Vân Nam-Miến Điện này, dù nhỏ bé, là một biểu tượng hết sức to lớn. Ông kêu gọi chính phủ sử dụng vũ lực để đòi nó để ‘những điểm yếu của công dân chúng ta sẽ không bị phơi bày trước thế giới’. BMS ngày càng trở nên hiếu chiến. Ông không còn coi những dàn xếp lãnh thổ là phản ánh những thăng trầm của văn minh mà là kết quả của những âm mưu của các nước sài lang nhằm cướp đoạt những nước yếu hơn. Việc bảo vệ các biên giới xa xôi trở nên cực kì quan trọng, đặc biệt khi kiến ​​thức về tài nguyên khoáng sản ở các vùng sâu vùng xa được biết đến rộng rãi hơn. Theo quan điểm của ông, người dân Trung Quốc phải bảo vệ đất đai của quốc gia.

Nhưng kiểu cách của BMS ngày càng lỗi thời, đặc biệt là với sự xuất hiện của những nhà địa lí mới, được đào tạo chuyên nghiệp như Trúc Khả Trình và Trương Kì Quân (chúng ta đã gặp ở Chương 7), những người đã lập ra hội riêng và không liên quan nhiều đến hội Hội Địa học Trung Quốc cũ. Tháng 9 năm 1925, BMS xuất bản một cuốn sách 4 triệu chữ về địa lí khu vực của Trung Quốc, nhưng nó bị các nhà địa lí kiểu mới lên án vì phương pháp phi khoa học của nó. Có vẻ như BMS vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những sách vở kinh điển mà ông đã học ở trường. Năm 1929, ông mất vị trí giảng dạy tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh và thay vào đó chuyển sang vị trí tương đương ở trường Sư Phạm Nữ. Năm 1935, ông bỏ hẳn việc giảng dạy đại học. Tình cờ ông xem được 'Chương trình tái thiết đất nước' (建國方略 Jianguo fanglue Kiến quốc phương lược - xem Chương 5) mà Tôn Dật Tiên công bố năm 1920 lúc chưa nắm chính quyền. Từ lời kể của chính BMS, cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho ông cống hiến những năm còn lại của mình cho sứ mệnh của Tôn Văn: sử dụng địa lí giúp tái thiết quốc gia.

Năm 1936, BMS đã để lại cho thế giới di sản lâu dài của mình: một đường vẽ qua biển Đông. Nó được đưa vào một cuốn sách bản đồ mới, Tập Atlas mới về kiến thiết Trung Hoa (中華建設新圖 Zhonghua jianshe xin tu: TH kiến thiết tân đồ) mà BMS xuất bản để sử dụng trong trường học. Ông đã đưa vào một số thông tin mới về địa danh và biên giới được Ủy ban Thẩm tra Bản đồ của chính phủ thống nhất, vốn đã được xuất bản năm trước. Như là điển hình của các bản đồ thời kì này, tập Atlas, ở nhiều chỗ, là một công trình hư cấu. Một đường biên giới màu đỏ tươi kéo dài quanh đất nước, phân chia rạch ròi Trung Quốc với các nước láng giềng. Bên trong đường biên giới là Mông Cổ, Tây Tạng và Mãn Châu cộng với một số khu vực khác không thật sự thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Dân quốc. Tuy nhiên, độ hư cấu đã đạt đến mức ngoạn mục khi đi vào biển Đông.

21. Bản đồ Biển Đông do Bạch Mi Sơ, vẽ cho Tập bản đồ kiến thiết Trung Quốc mới năm 1936. Bãi ngầm James (ngoài khơi Borneo), bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam) và Bãi cạn Seahorse (ngoài khơi Philippines) được vẽ dưới dạng đảo, tuy nhiên trên thực tế chúng là các thể địa lí ngầm dưới nước. Hầu như không có đảo nào mà Bạch Mi Sơ vẽ ở phần trung tâm và phía nam của biển Đông thật sự tồn tại, dù có trên bản đồ này,

Rõ ràng là BMS khá xa lạ với địa lí biển Đông và không tự thực hiện công việc khảo sát nào của riêng mình. Thay vào đó, ông chỉ đơn giản là sao chép các bản đồ khác và thêm vào đó hàng tá lỗi do chính ông gây ra - những lỗi vẫn tiếp tục gây ra nhiều vấn đề cho đến ngày nay. Cũng giống như Ủy ban Thẩm tra Bản đồ, ông hoàn toàn lúng túng trước việc khắc họa các khu vực biển cạn trên các bản đồ của Anh và của các nước khác. Dựa trên những cái tên trong danh sách năm 1934 của ủy ban, ông vẽ các đường liền nét xung quanh các thể địa lí này và tô màu chúng, hiển thị trực quan chúng trên bản đồ của mình thành những đảo trong khi trên thực tế chúng nằm bên dưới mặt biển. Ông đã phù phép làm hiện ra cả một nhóm đảo ở giữa biển và đặt tên cho nó là Nansha Qundao - ‘quần đảo Nam Sa’. Xa hơn về phía nam, song song với bờ biển Philippines, ông chấm một vài dấu chấm trên bản đồ và đặt tên cho chúng là Tuansha Qundao , ‘quần đảo Đoàn Sa’. Tuy nhiên, ở chỗ xa nhất, ông đã vẽ ba hòn đảo, được viền bằng màu đen và tô bằng màu hồng: Haima Tan (bãi ngầm Hải Mã), Zengmu Tan (bãi ngầm Tăng Mẫu [James]) và Qianwei Tan (bãi Tiền Vệ [Tư Chính]).

Do đó, các 'shoal’ (bãi ngầm) và 'bank’ (bờ cát) nằm bên dưới mặt biển đã trở thành những bãi bờ nằm trên mặt biển trong trí tưởng tượng của BMS và trên nét vẽ thực tế của bản đồ. Sau đó, ông đã thêm một điều mới của chính ông: đường biên giới quốc gia mà ông đã vẽ vòng quanh Mông Cổ, Tây Tạng và phần còn lại của lãnh thổ 'Trung Quốc', được kéo dài ra ngoằn ngoèo quanh biển Đông, về phía đông xa tới tận bãi Sea Horse (Hải Mã), về phía nam xa tới tận bãi James và về phía tây nam xa tới tận bãi Vanguard (Tư Chính). Ý của BMS rất rõ ràng: đường màu đỏ tươi đánh dấu 'sự hiểu biết khoa học của ông ta về những yêu sách chính đáng của Trung Quốc.’ Đây là lần đầu tiên một đường như vậy được vẽ trên bản đồ Trung Quốc. Quan điểm của BMS về các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông không dựa trên quan điểm của Ủy ban Thẩm tra hay Bộ Ngoại giao về vị trí thực tế. Đó là kết quả của sự nhầm lẫn do những can thiệp của đề đốc Lí Chuẩn tạo ra trong cuộc khủng hoảng Trường Sa năm 1933, kết hợp với trí tưởng tượng dân tộc chủ nghĩa của một nhà địa lí dư thừa không được đào tạo chính quy. Đây là đóng góp của BMS cho sứ mệnh tái thiết đất nước của Tôn Dật Tiên.

Tuy vậy, bản đồ của BMS không phải là tài liệu nhà nước; nó chỉ đơn giản là công trình của một cá nhân riêng tư, dù là một cá nhân có ảnh hưởng. Chính phủ tiếp tục coi quần đảo Hoàng Sa là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc cho đến Thế chiến thứ hai. Năm 1943, Bộ Thông tin Trung Hoa Dân Quốc xuất bản Cẩm nang Trung Quốc 1937–43, một hướng dẫn toàn diện về địa lí, lịch sử, chính trị và kinh tế của đất nước. Trên trang mở đầu của nó có ghi, ‘Lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc kéo dài từ dãy núi Sajan (薩揚嶺:Tát Dương lĩnh) [ở phía bắc] ... đến đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa).’ Nhưng quan điểm này về lãnh thổ biển của Trung Quốc sẽ thay đổi đáng kể trong vòng 3 năm sau đó. Và sự thay đổi này do hai học sinh cũ của BMS dàn dựng.

Năm 1927, khi là chủ nhiệm Khoa Lịch sử và Địa lí tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trong số các sinh viên mà BMS đã dạy có Fu Jiaojin (Phó Giác Kim 傅角今) và Zheng Ziyue (Trịnh Tư Ước 鄭資約). Sau khi tốt nghiệp, Phó Giác Kim tiếp tục học thêm tại Đại học Leipzig và khi trở về Trung Quốc năm 1938, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải. Còn Trịnh Tư Ước tiếp tục học tại Đại học Tsukuba ở Nhật Bản trước khi được bổ nhiệm làm trưởng khoa địa lí tại Đại học Tây Bắc ở Tây An. Loại địa lí được giảng dạy ở Đức và Nhật Bản trong những năm 1930, ít ra có thể nói là thấm nhuần nhiều quan điểm độc tôn về nhu cầu mở rộng lãnh thổ của các quốc gia. Đây dường như là quan điểm mà Kim và Ước gắn kết vào năm 1946 khi cả hai người được biệt phái khỏi công việc học thuật tới Cục Quản lí Lãnh thổ của Bộ Nội chính Trung Hoa Dân quốc. Kim trở thành tổng giám đốc của Cục và Ước là ‘giám đốc địa lí’ của nó. Công việc của họ là quyết định xem Trung Quốc sẽ yêu sách bao nhiêu lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.30

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà giáo sư Ước đảm nhận là vẽ một ‘Bản đồ phác thảo vị trí các đảo ở biển Đông’ (南海諸島位置略圖: Nam hải chư đảo vị trí lược đồ) cho một cuộc họp của đại diện các bộ của chính phủ vào ngày 25 tháng 9 năm 1946. Cuộc họp đã được triệu tập đặc biệt cho mục đích quyết định đảo nào Trung Quốc nên đòi chủ quyền, mà bản đồ của Ước ít nhiều đã trả lời cho họ câu hỏi đó. ‘Bản đồ phác thảo’ của ông đã sao chép đường vẽ trên bản đồ của BMS, về phía đông, phía nam và phía tây vươn tới tận các hòn đảo tưởng tượng bãi Sea Horse, bãi James và bãi Vanguard. Sự khác biệt lớn duy nhất là đường của Trịnh Tư Ước không là đường liền mà gồm có 8 dấu vạch. Hầu hết mọi đá và đá ngầm ở biển Đông đều được bao bọc bên trong đó. Khi xét tới sự phát triển này, một số cái tên phải được thay đổi. Không còn hợp lí khi Nansha (Nam Sa) nằm ở phần trung tâm của biển Đông, vì vậy cái tên này đã được chuyển xuống phía nam để trở thành tên tiếng Trung cho Trường Sa. Khu vực trung tâm được đổi tên thành Zhongsha (中沙: Trung Sa) - bãi cát Trung tâm - mặc dù trên thực tế, không có bất kì đảo nào ở đó cả! Đó là lí do tại sao, cho đến ngày nay, chính phủ Trung Quốc nói tới 4 nhóm đảo ở biển Đông, mặc dù chỉ có 3 là thật sự tồn tại. Ý nghĩa của bản đồ của Trịnh Tư Ước là nó là tài liệu đầu tiên do chính phủ Trung Quốc làm ra có bao gồm đường chữ U bao quanh biển Đông. Làm như vậy vì nó dựa trên bản đồ do BMS vẽ một thập kỉ trước đó.

Vài tháng sau cuộc họp, Trịnh Tư Ước đã tháp tùng phái đoàn hải quân đầu tiên của Trung Quốc đến các đảo ở biển Đông. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện được nhờ có các tàu chiến do Hoa Kì mới tặng và sự huấn luyện do Hoa Kì và Anh cung cấp. Đội tàu mới có mục đích giúp Dân quốc chống lại mối đe dọa của cộng sản nhưng thay vì vậy, đã chuyển hướng tham gia một cuộc diễn tập phất cờ để củng cố tính hợp pháp dân tộc chủ nghĩa của chính phủ. Ngày 12 tháng 12 năm 1946 Trịnh Tư Ước tham gia nhóm đổ bộ chính thức đầu tiên của Trung Quốc lên Itu Aba (Ba Bình), đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Sau đó, đảo này chính thức được đổi tên thành Taiping (太平: Thái Bình) theo tên chiếc tàu đã chở họ đến đó (vốn bắt đầu hoạt động với tên là USS Decker trước khi được Hải quân Hoa Kì loại đi vì quá hạn).

22. Các nhà lãnh đạo phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc tới quần đảo Trường Sa sẵn sàng khởi hành từ Nam Kinh, trên con tàu Taiping (Thái Bình) của Trung Hoa Dân Quốc (trước đây là USS Decker) vào ngày 23 tháng 10 năm 1946. Thứ ba từ trái sang phía trước là tư lệnh đoàn tàu Lin Zun (Lâm Tuân) và thứ tư từ trái ở phía sau là giáo sư địa lí, cố vấn Bộ Nội vụ, Zheng Ziyue (Trịnh Tư Ước). Ông là người đầu tiên đưa ý tưởng của Bạch Mi Sơ về các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông cho chính phủ.

Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết xong. Chỉ huy chuyến đi Trường Sa, Trung tá Lin Zun (林遵: Lâm Tuân), đã gửi báo cáo cho Bộ Tư lệnh Hải quân vào tháng 2 năm 1947. Trong đó, ông tranh cãi quan điểm cho rằng Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Ông lưu ý rằng quần đảo này cách Hải Nam hơn 500 hải lí và chỉ cách Philippines 200 hải lí và do đó phạm vi ‘tiếp thu’ chúng cần được nghiên cứu thêm. Các cuộc thảo luận trong chính phủ tiếp tục kéo dài thêm hai tháng, cho đến khi cuộc họp tại Bộ Nội chính vào ngày 14 tháng 4 giải quyết vấn đề này. Cuộc họp quyết nghị rằng điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là bãi cạn James, và rằng Trung Quốc nên tuyên bố chủ quyền đối với cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa. Nhưng quyết nghị này đến quá muộn cho bản in năm 1947 của Cẩm nang Trung Quốc. Cẩm nang này khẳng định rằng ‘ranh giới ... cực nam còn phải được xác định. . . và chủ quyền của quần đảo Đoàn Sa [ở đây tên cũ vẫn được sử dụng] ở phía nam còn đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Khối thịnh vượng chung Philippines và Đông Dương.’

Trên thực tế, các tranh luận vẫn tiếp diễn trong nội bộ chính phủ, với Trung tá Lâm Tuân tiếp tục tranh luận rằng Trung Quốc và Philippines mới độc lập nên chia nhau Trường Sa. Một cuộc họp tiếp theo được tổ chức vào ngày 10 tháng 6. Theo học giả Đài Loan Hurng-Yu Chen (陳鴻瑜: Trần Hồng Du), ‘Tổng giám đốc Bộ Nội vụ Fu Chiao-chin (Phó Giác Kim) ... đã phát biểu rằng các ấn phẩm về chủ quyền các đảo ở biển Đông của các cơ quan và trường học Trung Quốc trước Chiến tranh chống Nhật nên được coi là một hướng dẫn trong vấn đề khôi phục lãnh thổ.’ Nói cách khác, chính phủ sẽ dựa trên các yêu sách có tính giả định của các tổ chức dân sự trong những năm 1930. Cuộc họp nhất trí rằng nên yêu sách toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng do trên thực tế chỉ có chiếm đóng Itu Aba (đảo Ba Bình), nên cần đợi cho đến khi thật sự đi đến hết các đảo khác mới yêu sách. Điều này chưa hề xảy ra, nhưng dù vậy yêu sách vẫn đã được khẳng định.

Một phần then chốt trong việc khẳng định yêu sách làm cho tên của các thể địa lí ở biển Đông nghe Trung Quốc hơn. Tháng 10 năm 1947, Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc đã ban hành một danh sách mới tên các đảo. Hầu hết các tên dịch và phiên âm năm 1935 đều đã được thay thế bằng các tên mới, nghe rất kêu. Ví dụ, tên tiếng Trung của đảo Trường Sa được đổi từ Si-ba-la-tuo (斯巴拉脫島: Tư ba lạp thoát) thành Nanwei (南威: Nam Uy) và bãi cạn Scarborough được đổi từ Si-ka-ba-luo (斯卡巴洛礁 : Tư ca ba lạc (phiên âm)) thành Minzhu jiao (民主礁: Dân Chủ tiêu). Tên tiếng Trung của bãi Vanguard (Tư Chính) được đổi từ Qianwei tan (Tiền Vệ than) thành Wan'an tan (萬安灘: Vạn An than). Tên của bãi cạn Luconia được thu ngắn từ Lu-kang-ni-ya (盧康尼亞滩: Lo Khang Ni Á) thành Kang (康: Khang), có nghĩa là ‘sức khỏe’, thôi. Quy trình này được lặp lại trên khắp các quần đảo, che giấu phần lớn nguồn gốc nước ngoài của hầu hết các cái tên. Tuy nhiên, vẫn còn sót một số. Ở quần đảo Hoàng Sa, đảo Money (Quang Ảnh) vẫn giữ tên tiếng Trung là Jinyin Dao (金銀島: Kim Ngân đảo) và đá Antelope (Hải Sâm) vẫn là Lingyang Jiao (羚羊礁: Linh Dương tiêu). Cho đến ngày nay, hai cái tên này lần lượt tôn vinh một người quản lí và một con tàu của Công ti Đông Ấn.

Chính vào thời điểm đó, Bộ dường như đã nhận ra vấn đề trước kia của mình với cách dịch hai từ ‘shoal’ và ‘bank’. Trong khi trước đây họ dùng từ tan (灘: than) trong tiếng Trung để thay cho cả hai (với những hậu quả địa chính trị không lường trước được), thì vào năm 1947, họ đã nghĩ ra một từ mới, ansha (暗沙: ám sa) - nghĩa đen là ‘cát ngầm’- để thay vào. Từ mới này đã được thêm vào một số thể địa lí ngầm, trong đó có bãi ngầm James, được đổi tên thành Zengmu Ansha (曾母暗沙: Tăng Mẫu ám sa) .

Tháng 12 năm 1947, ‘Cục Đo đạc’ của Bộ Quốc phòng đã in chính thức ‘Bản đồ vị trí các đảo ở biển Đông’ (南海諸島位置圖: Nam Hải chư đảo vị trí đồ), gần giống với ‘Bản đồ phác thảo’ mà Trịnh Tư Ước đã vẽ trước đó một năm rưỡi. Nó có chứa ‘đường chữ U’ tạo thành từ 11 dấu vạch bao quanh khu vực xuống tận bãi ngầm James. Tháng 2 năm 1948, bản đồ đó đã được xuất bản thành một phần của Tập bản đồ các Khu vực Hành chính của Trung Hoa Dân Quốc và đường chữ U - hàm chứa một yêu sách đối với mọi thể địa lí bên trong nó - đã trở thành lập trường chính thức.

Như vậy, mãi đến năm 1948, nhà nước Trung Quốc mới chính thức mở rộng yêu sách lãnh thổ của mình ở biển Đông đến quần đảo Trường Sa, chạy xa về phía nam đến tận bãi James. Rõ ràng có điều gì đó đã thay đổi trong những năm từ tháng 7 năm 1933, khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc không biết sự tồn tại của quần đảo Trường Sa, cho đến tháng 4 năm 1947, khi họ có thể ‘tái khẳng định’ rằng điểm cực nam của lãnh thổ là bãi ngầm James. Điều dường như đã xảy ra là trong tình trạng hỗn loạn của những năm 1930 và Thế chiến thứ hai, một kí ức mới đã hình thành trong đầu óc các quan chức về những gì đã thật sự xảy ra vào những năm 1930. Có vẻ như các quan chức và nhà địa lí đã nhầm lẫn cuộc phản kháng thật sự của chính phủ Dân quốc đối với các hoạt động của Pháp ở Hoàng Sa vào năm 1932 với một cuộc phản đối không hề tồn tại đối với các hoạt động của Pháp ở Trường Sa vào năm 1933. Sự nhầm lẫn lại tăng thêm nữa là do sự can thiệp của đề đốc Li Chuẩn và việc ông khẳng định rằng các đảo bị Pháp sáp nhập vào năm 1933 là của Trung Quốc. Yêu sách tưởng tượng được phù phép thành do sự nhầm lẫn giữa hai nhóm đảo khác nhau trong cuộc khủng hoảng đó đã trở thành yêu sách lãnh thổ thật sự.

Đảo Pratas hiện là một khu bảo tồn, và yên bình đang ngự trị nơi mà cuốc xẻng từng khua vang trên phân chim. Cây cối đã mọc lại và công việc chuẩn bị đang được tiến hành cho một lượng khách du lịch đến ‘Công viên Quốc gia Đông Sa’. Trái ngược với hành trình khó khăn một thế kỉ trước, bây giờ có thể đến đảo này bằng các chuyến bay theo lịch trình. Mỗi thứ Năm hàng tuần đều có một chuyến bay khởi hành từ thành phố Cao Hùng ở phía nam Đài Loan, dù du khách cần có giấy phép đặc biệt để mua vé và phải cam kết không tiết lộ chi tiết về các công trình phòng thủ. Cuộc sống có thể yên bình trên Pratas, nhưng nó vẫn ở tuyến đầu trong cuộc đối đầu giữa các siêu cường. Đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan, nhưng đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh, nó chỉ là một phần lãnh thổ nữa của Trung Quốc mà một ngày nào đó, phải được CHNDTH kiểm soát. Các nhà lãnh đạo Đài Loan đã nhấn mạnh ‘quá trình dân sự hóa’ đảo này. Đảo không còn do thủy quân lục chiến mà do lực lượng tuần duyên trú đóng. Nhưng đây là một loại lực lượng tuần duyên đặc biệt: được trang bị súng cối và súng máy để ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm năng.

Bay qua rặng san hô khổng lồ này, hành khách có thể nhìn thấy một vài tàu nhỏ bên dưới: những kẻ trộm cá thường chơi trò mèo vờn chuột với các tàu tuần duyên. Có lẽ họ đã từng nghe câu nói xưa, ‘Nếu muốn giàu, hãy đến Đông Sa’. Ngày nay, nó là một cuộc cờ tế nhị đối với người Đài Loan. Họ có thực thi cứng nhắc các quy tắc bảo tồn và chấp nhận nguy cơ phải chạm trán, hoặc có lúc phải nhắm mắt làm ngơ? Năm 1909 Pratas là tuyến đầu trong các tham vọng lãnh thổ mới nổi của Trung Quốc; đó là nơi tranh chấp biển Đông thật sự bắt đầu. Khẳng định quyền kiểm soát đối với nó là cú đẩy lùi thành công đầu tiên sau hơn nửa thế kỉ lùi bước trước các cường quốc nước ngoài. Hiện nay nó lại là tuyến đầu lần nữa.

Hòn đảo ở phía tây của rạn san hô có dạng giống đầu cá sấu. Đường băng chiếm gần hết ‘hàm trên’, bao quanh khoảng phân nửa một đầm nước nông, một lần nữa là nơi trú ngụ của rùa và chim biển di chuyển ngang qua. Một ngôi làng chịu được bão nằm ở vị trí ‘đầu cá sấu’. Các tòa tháp nguỵ trang nhô lên khỏi đám cây cối, cùng với đó là nơi ở cho các nhân viên tuần duyên và du khách. Một trung tâm nghiên cứu mới là chỗ gặp mặt của các nhà sinh vật biển từ khắp nơi trên thế giới và một bưu điện mới lập thể hiện quyền kiểm soát hành chính của nhà nước. Du khách có thể gửi bưu thiếp về nhà từ hộp thư được một cá mập nhựa trông vui nhộn canh giữ. Cách đó không xa là một chỗ trưng bày khoa học mới giải thích lịch sử tự nhiên của rạn san hô và hệ sinh vật biển phong phú của nó. Nhìn ra công viên (trông giống như một cái chỗ ứ nước mưa) là một bức tượng Tưởng Giới Thạch trong chiếc mũ che nắng, và phía sau ông là một bảo tàng nhỏ trông giống như lâu đài cát của trẻ con.

23. Tượng Tưởng Giới Thạch này sừng sững trên đảo Pratas. Đây là nơi Trung Quốc nhà Thanh lần đầu tiên đưa ra yêu sách đối với một đảo ở biển Đông. Tòa nhà phía sau bức tượng lưu giữ những manh mối có thể mở ra những tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Trên thực tế, bảo tàng này nắm giữ chìa khóa giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Trong khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ, bảo tàng thật sự cho thấy sự khác biệt giữa cách vẽ bản đồ dân tộc chủ nghĩa với việc cai quản thật sự. Bạch Mi Sơ có thể đã vẽ một đường màu đỏ xung quanh nhiều đảo không hề tồn tại vào năm 1936 và khẳng định các đảo đó là của Trung Quốc, nhưng chưa có quan chức Trung Quốc nào từng đến những nơi đó. Các bản đồ và tài liệu trên các bức tường của bảo tàng kể câu chuyện về chuyến THDQ đến Itu Aba (Ba Bình) vào tháng 12 năm 1946 và cuộc đối đầu với một số nhà mạo hiểm Philippines vào năm 1956, nhưng với sự thiếu vắng của bằng chứng khác, bảo tàng cho thấy rằng Trung Quốc chưa bao giờ chiếm đóng hoặc kiểm soát tất cả các đảo đó. Ở Hoàng Sa, nước này chiếm một, hoặc chỉ một vài đảo trước năm 1974, năm mà quân đội CHNDTH xâm lược và đánh đuổi các đơn vị trú đóng của Việt Nam ở đó. Ở Trường Sa, THDQ chỉ chiếm một hoặc hai đảo. CHNDTH đã kiểm soát 6 rạn san hô vào năm 1988 và một rạn san hô khác vào năm 1994.

Trong khi đó, các quốc gia khác xung quanh biển Đông - Việt Nam, Philippines và Malaysia - đã kiểm soát các thể địa lí khác. Lịch sử thật sự về sự hiện diện thực tế trên các quần đảo này cho thấy yêu sách của bất kì quốc gia nào trên thực tế chỉ ở mức độ bộ phận như thế nào. Sự lộn xộn hiện tại về mặt chiếm đóng của các bên đối thủ, với một số ngoại lệ, là lộn xộn duy nhất đã từng tồn tại tới nay. Hiểu được điều này sẽ mở ra một lộ trình giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Bằng cách xem xét các bằng chứng lịch sử về việc chiếm đóng, các bên tranh chấp có thể hiểu rằng không có căn cứ nào để họ tuyên bố chủ quyền đối với mọi thứ. Họ nên nhận ra rằng các nước khác cũng có yêu sách vững chắc đối với một số thể địa lí nhất định và đồng ý thỏa hiệp. Như thành ngữ pháp lí nêu, uti possidetis, ita possideatis - ‘vì đang sở hữu, nên có thể [tiếp tục] sở hữu’. Tại sao điều này lại quá khó khăn? Tận cùng, chính do sức mạnh cảm xúc mà các yêu sách lãnh thổ này tiếp tục tác động. Và những cảm xúc đó được khuấy động lần đầu ở Quảng Châu vào năm 1909.

1. James Horsburgh, India Directory, vol. 2, London: William H. Allen & Company, 1852, p. 369.

2. Bureau of Navigation, Navy Department, 'A List of the Reported Dangers to Navigation in the Pacific Ocean, Whose Positions are Doubtful, Or Not Found on the Charts in General Use', Washington: Government Printing Office, 1866, p. 71.

3. 1st of the 5th lunar month 1907.

4. Edward S. Krebs, Shifu, Soul of Chinese Anarchism, London: Rowman & Littlefield, 1998, p. 44.

5. Edward J. M. Rhoads, China's Republican Revolution: The Case of Kwangtung, 18951913, volume 81, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1975, pp. 111 and 114.

6. Cuthbert Collingwood, Rambles of a Naturalist on the Shores and Waters of the China Sea: Being Observations in Natural History During a Voyage to China, Formosa, Borneo, Singapore, etc in Her

Majesty's Vessels in 1866 and 1867, London: John Murray, 1868, p. 147.

7. 'US Concern Over Pratas', Hong Kong Daily Press, 7 December 1907, p. 2.

8. Wong, Sin-Kiong, 'The Tatsu Maru Incident and the Anti-Japanese Boycott of 1908: A Study of Conflicting Interpretations', Chinese Culture, 34/3 (1993), pp. 77–92.

9. Rhoads, China's Republican Revolution, pp. 135–7.

10. 'The French in South China', Singapore Free Press and Mercantile Advertiser, 20 April 1908, p. 5.

11. 'The Pratas', China Mail, 16 March 1909, p. 4; "The Pratas Island Question', Japan Weekly Chronicle, 15 July 1909, p. 106; ‘A New Pilot for Lower Yangtze', North China Daily News, 28 May 1926, p. 18.

12. Straits Times, 23 December 1910, p. 7.

13. Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, The Hague; Boston: Kluwer Law International, 2000, pp. 200-203.

14. 'Paracels Islands: Chinese Official Mission Returns', South China Morning Post, 10 June 1909, p. 7.

15. 'Local News', South China Morning Post, 21 June 1909, p. 2.

16. Rhoads, China's Republican Revolution, p. 211; Krebs, Shifu, p. 68. 17._'Li Chun Recovering Rapidly', Hong Kong Telegraph, 13 September 1911, p. 4.

18. Mary Man-yue Chan, Chinese Revolutionaries in Hong Kong, 1895–1911, MA thesis, University of Hong Kong, 1963, p. 233.

19. Ibid., pp. 230-32.

20. Woodhead, H.G.W., and H. T. Montague, The China Year Book, London: G. Routledge & Sons, 1914, p. 575.

21. 'Promotion for Li Chun', China Mail, 23 July 1914, p. 7; 'Li Chun', China Mail, 7 August 1914.

22. Li Zhun, 'Li zhun xun hai ji' (On Li Zhun's patrol of the sea), Guowen zhoubao (National News Weekly) 10, 33 (Aug.), 1933, p. 2.

23.Gerard Sasges, ‘Absent Maps, Marine Science, and the Reimagination of the South China Sea, 1922–1939', Journal of Asian Studies (January 2016), pp. 1–24

24. Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, p. 107.

25. Sasges, ‘Absent Maps', p. 13.

26. Republic of China Ministry of Foreign Affairs, 外交部南海諸島檔案彙編 (Compilation of archives of the South China Sea islands of the Ministry of Foreign Affairs), Taipei, 1995, p. 28.

27.Tze-ki Hon, 'Coming to Terms With Global Competition: The Rise of Historical Geography in Early Twentieth-century China', in Robert Culp, Eddy U, Wen-hsin Yeh (eds), Knowledge Acts in Modern

China: Ideas, Institutions, and Identities, Berkeley, CA: Institute of East Asian Studies, University of California, 2016.

28. Wu Feng-ming, 'On the new Geographic Perspectives and Sentiment of High Moral Character of Geographer Bai Meichu in Modern China', Geographical Research (China), 30/11, 2011, pp. 2109-14.

29. Ibid., p. 2113.

30. Tsung-Han Tai and Chi-Ting Tsai, 'The Legal Status of the U-shaped Line Revisited from the Perspective of Inter-temporal Law', in Szu-shen Ho and Kuan-Hsiung Wang (eds), A Bridge Over Troubled Waters: Prospects for Peace in the South and East China Seas, Taipei: Prospect Foundation, 2014, pp. 177–208.