Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Cái chết (2)

 Truyện James Joyce

Trịnh Y Thư chuyển ngữ từ ấn bản Dubliners, NXB Alfred A. Knoff, 1991

Các cặp đôi khiêu vũ đã được sắp xếp xong. Gabriel thấy mình nhảy với cô Ivors. Cô là một phụ nữ trẻ có tật nói luôn mồm và bốp chát, khuôn mặt cô đầy tàn nhang với đôi mắt nâu nổi bật. Chiếc váy dạ vũ cô mặc không khoét sâu trước ngực và trên chiếc trâm khá to cài trước cổ áo có chạm một biểu tượng gì đó của Ireland.


Khi họ đã vào chỗ, cô đột ngột bảo Gabriel:
“Tôi có một việc cần thanh toán với anh [9].”

  “Với tôi?” Gabriel ngạc nhiên hỏi lại.
Cô gật đầu một cách nghiêm nghị.
“Chuyện gì vậy?” Gabriel hỏi, mỉm cười trước thái độ nghiêm trọng của cô.
“G.C. là ai vậy?” Cô Ivors đưa mắt nhìn anh, hỏi ngược lại.
Gabriel đỏ mặt, đang định nhíu mày giả vờ như không hiểu thì cô đã nói thẳng ra:
“Ôi, Amy vô tội! Tôi đã phát hiện ra rằng anh viết cho tờ Express Nhật Báo. Này, anh không thấy xấu hổ sao?”
“Tại sao tôi phải xấu hổ về bản thân mình cơ chứ?” Gabriel hỏi, chớp mắt, cố gượng gạo mỉm cười.
“Chà, tôi thấy xấu hổ vì anh lắm,” cô Ivors nói thẳng thắn. “Nói rằng anh viết cho một tờ báo như thế, quả tình tôi không thể tin được. Tôi không nghĩ anh là người Tây Anh [10].”

Vẻ bối rối hiện rõ trên nét mặt Gabriel. Đúng là anh có giữ một chuyên mục văn học mỗi thứ Tư hằng tuần trên tờ Express Nhật Báo và được trả mười lăm shilling mỗi bài. Nhưng điều đó chắc chắn không khiến anh trở thành người Tây Anh. Những cuốn sách từ khắp nơi gửi về, anh nhận đọc rồi viết bài điểm hầu như được anh chờ đợi nhiều hơn là những tấm ngân phiếu rẻ bèo. Anh thích cảm giác cầm lên cuốn sách bìa đẹp và lật từng trang sách mới in. Gần như mỗi ngày sau khi kết thúc việc giảng dạy ở trường đại học, anh thường đi lang thang dọc theo bến cảng đến những gian hàng bán sách cũ, như Hickey trên đường Bachelor, Web hoặc Massey trên bến cảng Aston, hoặc O’Clohissey ở con phố bên cạnh. Anh không biết phải phản ứng như thế nào trước lời buộc tội của cô Ivors. Anh muốn nói rằng văn chương nằm trên chính trị. Nhưng hai người là bạn thân từ lâu năm và sự nghiệp của cả anh lẫn cô tiến triển song song nhau, thoạt tiên ở trường Đại học và sau đó cả hai đều trở thành giảng viên: anh không thể bừa bãi nói một câu gì đó kêu đôm đốp với cô. Anh tiếp tục chớp mắt, cố gắng mỉm cười và nói lúng búng trong miệng rằng anh không thấy có gì dính líu đến chính trị khi viết phê bình sách.
Đến lượt họ giao nhau trong điệu luân vũ, anh vẫn còn bối rối và thiếu chú ý. Cô Ivors nhanh nhẹn nắm tay anh một cách ấm áp và nói với giọng điệu thân thiện, nhẹ nhàng:
“Tất nhiên, tôi chỉ nói đùa thôi. Nào, đã đến lượt chúng ta giao nhau.”
Lượt giao nhau kế tiếp, cô kể những chuyện trong trường Đại học và Gabriel cảm thấy thoải mái hơn. Một người bạn cho cô đọc bài phê bình của anh về thơ Browning. Nhờ đó cô phát hiện ra bí mật: nhưng cô thích bài phê bình đó của anh lắm. Đoạn cô đổi đề tài đột ngột, nói:
“Ồ, Conroy này, anh có ý định đi thăm viếng quần đảo Aran vào mùa hè này không? Chúng tôi sẽ ở đó cả tháng. Đại Tây Dương rất đẹp. Anh nên đi. Anh Clancy sẽ đến, cùng với anh Kilkelly và cô Kathleen Kearney. Gretta sẽ rất vui nếu cùng đi. Gretta là người gốc xứ Connacht, phải không?”
“Người nhà cô ấy thôi,” Gabriel nói ngắn gọn.
“Nhưng anh đi được, phải không?” Cô Ivors nói, trìu mến đặt tay mình lên cánh tay anh.
“Sự thật là,” Gabriel nói, “tôi vừa sắp xếp để đi…”
“Đi đâu?”
“Ừm, cô biết đấy, năm nào tôi cũng đi đạp xe với một số bạn bè và vì vậy…”
“Nhưng đi đạp xe ở đâu cơ chứ?”
“Ồ, thường chúng tôi sang Pháp, Bỉ hoặc có lẽ Đức,” Gabriel lúng túng nói.
“Tại sao lại sang Pháp và Bỉ, thay vì đi thăm quê hương mình?”
“Ồ, một phần là để có dịp kết nối với ngôn ngữ và một phần là để thay đổi.”
“Chẳng phải anh có ngôn ngữ riêng để kết nối hay sao – tiếng Ireland?” Cô Ivors hỏi.
“Ừm,” Gabriel nói, “nếu nói đến chuyện đó thì cô biết đấy, tiếng Ireland không phải là ngôn ngữ của tôi.”
Những người xung quanh bắt đầu quay sang tò mò nghe ngóng cuộc thẩm vấn. Gabriel bồn chồn liếc sang phải sang trái và cố gắng giữ sự hài hước của mình trước những câu hỏi hóc búa tới tấp của cô Ivors khiến trán anh đỏ bừng.
“Và chẳng phải anh có vùng đất riêng của mình để đến thăm đấy ư,” cô Ivors không buông tha mà tiếp tục, “những vùng đất nước mà anh không biết gì về con người, cảnh thổ?”
“Ồ, nói thật với cô,” Gabriel đột nhiên vặn lại, “tôi chán ngán đất nước của mình lắm rồi, vô cùng chán!”
“Tại sao?”
Gabriel không trả lời vì câu trả lời sẽ khiến anh nổi nóng.
“Tại sao?” Cô Ivors lặp lại.
Nếu đi thăm những nơi ấy, vợ chồng anh sẽ phải đi chung, và vì anh im lặng nên cô Ivors đổi giọng ấm áp, nói:
“Tất nhiên là anh không có câu trả lời.”
Gabriel cố gắng che giấu nỗi bực đọc của mình bằng cách tập trung tinh thần vào điệu luân vũ một cách hăng hái. Anh tránh ánh mắt của cô Ivors vì anh nhìn thấy vẻ chua chát trên khuôn mặt cô. Nhưng khi họ giao nhau trong dãy người dài, anh ngạc nhiên khi thấy tay mình bị cô ấn chặt. Đôi mắt cô ngước lên nhìn anh một lúc lâu đầy thắc mắc cho đến khi anh mỉm cười. Sau đó, khi hàng người chuẩn bị bắt đầu lại nhịp luân vũ, cô kiễng chân lên nói thầm vào tai anh:
“Đồ Tây Anh!”
Khi buổi khiêu vũ kết thúc, Gabriel đi tới một góc khuất căn phòng, nơi bà mẹ ông Freddy Malins đang ngồi. Bà là một bà già mập mạp nhưng yếu ớt, mái tóc bạc trắng. Giọng nói bà có âm hưởng giống như anh con trai, lại thêm tật hơi nói lắp. Bà đã được thông báo rằng Freddy đã đến và anh ấy gần như chẳng sao cả. Gabriel hỏi bà đi đường có vui không. Bà sống với người con gái lấy chồng ở Glasgow, đến thăm Dublin mỗi năm một lần. Bà thong thả trả lời rằng bà có một chuyến đi thật tuyệt vời và thuyền trưởng đã quan tâm đến bà nhiều nhất. Bà cũng kể về ngôi nhà xinh đẹp mà con gái bà làm chủ ở Glasgow, về tất cả bạn bè họ có ở đó. Trong lúc nghe bà chậm rãi kể đủ thứ chuyện vặt vãnh, Gabriel cố xua đuổi khỏi tâm trí mọi ý nghĩ về sự việc khó chịu xảy ra giữa anh và cô Ivors vừa rồi. Tất nhiên cô gái hay người đàn bà đó, bất kể cô là ai hay là gì, là một người nhiệt tình nhưng luôn có thời gian dành cho mọi thứ việc trên đời. Có lẽ anh không nên trả lời cô như vậy. Nhưng cô không có quyền gọi anh là đồ Tây Anh trước mặt mọi người, kể cả trong lúc đùa bỡn. Cô biến anh trở thành kẻ lố bịch trước mặt mọi người, tra hỏi anh và nhìn anh chằm chằm bằng đôi mắt thỏ của mình.
Anh thấy vợ mình đang len lỏi xuyên qua những cặp đôi đang khiêu vũ đi về phía anh. Khi đến cạnh anh, cô nói vào tai anh:
“Gabriel, dì Kate muốn biết liệu anh có thể xẻ thịt con ngỗng như thường lệ, được không. Cô Daly sẽ thái thịt giăm-bông còn em cắt bánh pudding.”
“Được,” Gabriel nói.
“Dì sẽ cho đám trẻ vào trước ngay sau khi điệu valse kết thúc để chúng ta có bàn riêng.”
“Vừa rồi em có khiêu vũ không?” Gabriel hỏi vợ.
“Có chứ! Anh không thấy em à? Anh cãi nhau gì với cô Molly Ivors vậy?”
“Làm gì có chuyện cãi nhau. Tại sao em hỏi? Cô ấy nói vậy à?”
“Đại khái thế. Em đang cố gắng thuyết phục ông D’Arcy ra hát. Em nghĩ ông ta là người đầy tính tự phụ.”
“Không có cãi vã gì cả,” Gabriel lừng khừng nói, “chỉ có điều cô ta mời anh đi du lịch tới miền Tây Ireland và anh nói là không đi.”
Vợ anh hào hứng chắp hai bàn tay lại, nhún nhảy một chút.
“Ồ, đi đi, Gabriel,” cô kêu lên. “Em rất muốn về thăm lại Galway một chuyến.”
“Em muốn đi thì đi một mình,” Gabriel lạnh lùng nói.
Cô nhìn anh một lúc rồi quay sang bà Malins, nói:
“Đây là một người chồng tốt cho bà đấy, bà Malins ạ.”
Trong khi cô băng ngang phòng quay về chỗ cũ, bà Malins, không hề để ý đến sự gián đoạn, tiếp tục kể cho Gabriel nghe về những nơi chốn đẹp đẽ và phong cảnh tuyệt vời ở xứ Scotland. Anh con rể bà hằng năm đều đưa vợ và mẹ vợ đi chơi hồ và họ thường đi câu cá. Con rể bà là một tay câu cá cừ khôi. Một ngày nọ, anh ta câu được một con cá lớn rất đẹp và người đầu bếp trong khách sạn đã nấu cho họ ăn một bữa tối tuyệt ngon.
Gabriel hầu như chẳng nghe bà nói gì. Sắp đến giờ ăn, anh bắt đầu suy nghĩ lại về bài phát biểu của mình và các lời trích dẫn. Khi trông thấy Freddy Malins băng qua phòng để đến hỏi han mẹ, Gabriel để trống chiếc ghế cho ông ta ngồi và lui vào khung cửa sổ. Căn phòng đã thưa người và từ phòng phía sau vang lên tiếng dao đĩa va chạm nhau. Những người còn lại trong phòng khách có vẻ đã chán khiêu vũ và đang tụm thành từng nhóm chuyện trò to nhỏ. Gabriel gõ nhẹ những ngón tay run rẩy nhưng ấm áp lên ô kính cửa sổ lạnh lẽo. Bên ngoài chắc lạnh lắm! Thật thú vị biết bao được đi dạo một mình, thoạt tiên dọc theo bờ sông và sau đó qua công viên! Tuyết đóng trên các vòm cây tạo thành một chiếc mũ lung linh sáng trên đỉnh tượng đài Wellington [11]. Ở đó sẽ dễ chịu hơn biết bao so với bàn ăn tối ở đây!
Anh lướt qua các tiêu đề của bài phát biểu: lòng hiếu khách của người Ireland, những kỷ niệm buồn, Three Graces [12], Paris [13], trích đoạn thơ của Browning. Anh lặp lại với chính mình một câu anh viết trong bài phê bình: “Người ta có cảm tưởng như đang nghe một khúc nhạc bi thương.” Cô Ivors khen ngợi bài viết của anh. Nhưng liệu cô ấy khen thật lòng không? Liệu cô ấy thực sự có cuộc sống riêng đằng sau tất cả những lời nói hoa mỹ phù phiếm đó không? Giữa hai người chưa bao giờ có cảm giác khó chịu nào cho đến tối nay. Anh cảm thấy không mấy vui khi nghĩ rằng có thể cô sẽ ngồi chung bàn ăn với mình, ngước đôi mắt dò xét đầy phê phán nhìn anh trong khi anh trò chuyện. Có lẽ cô sẽ không thấy tiếc nếu bài phát biểu của anh thất bại, chẳng được ai tán thưởng mà còn bị dè bỉu khinh chê. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu anh đem lại cho anh sự can đảm phần nào. Anh sẽ nói, ám chỉ từ vị thế của dì Kate và dì Julia, rằng: “Kính thưa quý vị, thế hệ đang già nua và suy tàn hiện nay của chúng tôi có thể có những lỗi lầm, nhưng về phần tôi, tôi thiết nghĩ nó có những phẩm chất nhất định như lòng hiếu khách, tính hài hước, tính nhân văn, những điều mà đối với tôi, thế hệ mới ngày nay, tuy rất nghiêm túc và có trình độ học vấn cao đang lớn lên xung quanh chúng ta, hình như thiếu sót.” Rất tốt: đó là nhát bổ vào mặt cô Ivors. Việc gì anh phải quan tâm các dì của anh chỉ là hai bà già ngớ ngẩn, chẳng biết gì?
Trong phòng bỗng có tiếng xì xào nổi lên thu hút sự chú ý của anh. Ông Browne đang từ cửa ra vào tiến lại, ông lịch sự khoác tay hộ tống dì Julia, đầu dì tựa vào cánh tay ông, hơi ngước lên, miệng mỉm cười. Một tràng pháo tay không đều đặn theo dì đến tận chiếc đàn piano và sau đó, khi Mary Jane ngồi xuống ghế, dì Julia, không còn mỉm cười nữa, quay người để hướng mặt về phía người nghe, cũng từ tốn đứng lại. Gabriel nhận ra ngay khúc dạo đầu. Đó là bài hát tủ của dì Julia, một bài hát rất cũ – Dàn hàng đón cô dâu [14].

Giọng hát dì còn mạnh và trong trẻo lắm, dì đặt hết tinh thần vào bản nhạc, những đoạn hát nhanh dì không bỏ sót dù chỉ một nốt luyến láy nhỏ nhất. Nghe hát mà không cần nhìn vào mặt ca sĩ là cảm nhận và chia sẻ niềm phấn khích như trong một chuyến du hành mau chóng và an toàn. Gabriel vỗ tay thật to cùng tất cả những người khác khi bài hát kết thúc, và cũng có tiếng vỗ tay vang dội từ phía bàn ăn phòng bên kia. Tiếng vỗ tay nghe có vẻ nhiệt tình, chân thật chứ không giả dối cốt chỉ để lấy lòng người hát, khiến một chút sắc đỏ hiện lên khuôn mặt dì Julia khi dì cúi xuống đặt lại tập nhạc cũ kỹ bọc bìa da có tên viết tắt của dì trên bìa lên giá nhạc. Ông Freddy Malins, lúc nghe hát nghiêng đầu sang một bên để nghe cho rõ, vẫn vỗ tay khi những người khác đã ngừng và quay sang nói gì đó một cách hào hứng với bà mẹ, đầu bà khe khẽ gật gật theo mỗi câu nói như hoàn toàn đồng ý với anh con trai. Cuối cùng, khi không thể vỗ tay được nữa, ông đứng bật dậy và băng thật nhanh qua phòng đến chỗ dì Julia, hai tay ông nắm lấy hai tay dì, rồi cứ thế lắc lắc, và có lẽ ông nói không nên lời hoặc có cái gì đó mắc nghẹn trong cổ họng khiến ông cứng lưỡi.
Cuối cùng ông nói to với dì Julia:

“Tôi vừa nói với mẹ tôi rằng chưa bao giờ tôi nghe bà hát hay đến thế! Chưa bao giờ! Không, tôi chưa bao giờ nghe giọng bà hay như đêm nay. Nào! Bà có tin điều đó không? Đó là sự thật. Tôi dám thề trên danh dự của tôi, đó là sự thật. Tôi chưa bao giờ nghe giọng hát bà tươi vui và trong trẻo đến thế, chưa bao giờ.”
Dì Julia cười rạng rỡ và nói nhỏ điều gì đó về những lời khen ngợi khi bà rút tay ra khỏi tay ông Malins. Ông Browne vừa giơ hai cánh tay mở rộng vừa đi về phía dì Julia, ông nói dõng dạc để những người xung quanh nghe rõ như thể ông là ông bầu chương trình ca nhạc đang giới thiệu một thần đồng với khán giả:
“Bà Julia Morkan, một khám phá mới nhất của tôi!”
Ông phá lên cười thích thú với câu nói này của mình trong lúc Freddy Malins quay sang ông, nói:
“Ừm, ông Browne này, nếu ông nghiêm chỉnh thì có thể ông sẽ khám phá ra một điều tệ hơn thế. Tất cả những gì tôi có thể nói là trong suốt thời gian lui tới ngôi nhà này, chưa bao giờ tôi nghe bà Julia hát hay bằng một nửa đêm nay. Và đó là sự thật tôi nói với tất cả lòng mình.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” ông Browne nói. “Tôi nghĩ giọng hát của bà Julia tiến bộ rất nhiều.”
Dì Julia nhún vai nói với vẻ khiêm tốn song không giấu được niềm kiêu hãnh:
“Từ ba mươi năm trước, giọng hát tôi chưa bao giờ tệ cả.”
“Tôi thường nói với Julia rằng,” dì Kate chen vào, nhấn mạnh, “trong dàn hợp xướng họ đã không đối xử đẹp với cô em tôi. Nhưng cô ấy chẳng bao giờ chịu nghe lời tôi.”
Bà quay sang những người khác đang đứng xung quanh như kêu gọi sự đồng tình của họ đối với một đứa bé bướng bỉnh, trong lúc dì Julia bơ bơ nhìn ngơ ngác về phía trước, miệng nở một nụ cười mơ hồ, khuôn mặt mơ màng như hồi tưởng lại điều gì xa xôi lắm trong quá khứ.
“Không được, nhất định không được,” dì Kate lại nói tiếp, “Julia nhà này không thể để ai muốn nói gì thì nói, muốn sai gì thì sai! Cái gì? Làm việc quần quật như con ở trong cái dàn hợp xướng đó cả ngày lẫn đêm. Cả ngày lẫn đêm! Giáng Sinh, phải dậy từ sáu giờ sáng! Tất cả để làm gì?”
“Ồ, chẳng phải đó là vì vinh danh Chúa sao, dì Kate?” Mary Jane hỏi, cô xoay người trên chiếc ghế đàn piano, mỉm cười.
Dì Kate quay sang cô cháu gái mình, gay gắt nói:
“Cháu Mary Jane này, dì biết tất cả mọi điều về sự vinh danh Chúa, nhưng dì nghĩ thật không vinh dự chút nào khi Đức Giáo hoàng đuổi tất cả phụ nữ ra khỏi dàn đồng ca sau khi suốt đời họ làm nô lệ trong đó, và đặt những thằng con trai tào lao lên đầu họ. Đức Giáo hoàng làm điều đó, dì cho rằng vì lợi ích của Giáo hội. Nhưng điều đó không công bằng, và không đúng nữa.”
Dì Kate hăng hái tiếp tục bảo vệ em gái mình vì đó là một vấn đề nhức nhối đối với bà, nhưng Mary Jane, khi thấy tất cả các người khiêu vũ đã quay lại, bèn tìm cách dàn hòa:
“Dì Kate ơi, dì chỉ làm khó cho ông Browne thôi, ông ấy không nghĩ như dì đâu.”
Dì Kate quay sang ông Browne thấy ông đang chành miệng cười trước sự ám chỉ đến tôn giáo của ông, dì vội vàng nói:
“Ồ, tôi không hề đặt vấn đề Đức Giáo hoàng đúng hay sai. Tôi chỉ là một bà già ngu ngốc và tôi không hề dám nghĩ như vậy. Nhưng có điều gì đó như sự lịch sự và lòng biết ơn thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Và nếu tôi ở vào địa vị của Julia, tôi sẽ nói thẳng vào mặt Cha Healey điều ấy…”
“Ngoài ra, dì Kate ạ,” Mary Jane nói, “sự thực là tất cả chúng ta đã đói bụng lắm rồi, và khi đói người ta hay cãi vã nhau.”
Ông Browne nói thêm: “Và khi khát, chúng ta cũng hay gây gổ.”
Mary Jane nói: “Vậy tốt nhất chúng ta nên đi ăn tối và kết thúc cuộc thảo luận sau.”
Ở đầu cầu thang bên ngoài phòng khách, Gabriel thấy vợ mình và cô Mary Jane đang cố thuyết phục cô Ivors ở lại ăn tối. Nhưng cô Ivors đã đội mũ và cài khuy áo choàng, không chịu ở lại. Cô bảo cô không cảm thấy đói chút nào và cô đã ở lại quá thời gian được phép của cô.
“Nhưng chỉ mười phút thôi, Molly,” vợ Gabriel nói. “Mười phút thì đâu đến nỗi khiến cô về trễ.”
“Chỉ ăn một chút thôi [15],” Mary Jane nài nỉ thêm, “sau những màn khiêu vũ vừa rồi, chắc hẳn cô phải đói bụng lắm chứ.”
“Thật tình tôi không thể ở lại được.” Cô Ivors đáp lời hai người.
Mary Jane nói một cách tuyệt vọng: “Tôi e là cô chẳng thấy vui chút nào.”
“Rất vui, tôi đảm bảo với cô như thế,” cô Ivors nói, “nhưng bây giờ cô phải để tôi chạy đi ngay.”
“Nhưng làm sao cô về nhà được?” Gretta hỏi.
“Ồ, nhà tôi chỉ cách bến cảng hai quãng đường ngắn thôi mà.”
Gabriel do dự một lúc rồi nói:
“Cô Ivors, nếu cô cho phép, tôi sẽ đưa cô về nhà nếu cô thực sự phải đi ngay.”
Nhưng cô Ivors đã phóng chân chạy nhanh.
“Thôi nhé,” cô kêu lên. “Chúa ơi, anh cứ vào ăn tối đi và đừng bận tâm đến tôi. Tôi có thể tự lo cho bản thân được mà.”
“Ồ, cô đúng là một phụ nữ khôi hài đấy, Molly ạ,” Gretta nói với theo một cách thẳng thắn.
“Beannacht libh [16],” cô Ivors vừa cười vừa nói vọng lại trong lúc chạy xuống cầu thang.

 Mary Jane nhìn theo cô, vẻ mặt bối rối không vui, trong khi Gretta nhoài người qua lan can để nghe tiếng cửa ra vào. Gabriel tự hỏi phải chăng anh là nguyên nhân khiến cô bỏ về đột ngột. Nhưng có vẻ như cô không tỏ ra khó chịu: cô vừa đi vừa cười. Anh ngơ ngác nhìn xuống cầu thang.
Ngay lúc đó dì Kate xệch xạc bước ra khỏi phòng ăn, gần như vặn vẹo đôi tay vì tuyệt vọng.
“Gabriel đâu rồi?” Bà kêu lên. “Gabriel ở chỗ quái nào vậy? Mọi người đang ngồi đợi cả trong này, sẵn sàng khai tiệc mà chẳng có ai xẻ thịt con ngỗng!”
“Cháu ở đây này, dì Kate ơi!” Gabriel kêu lên, anh bỗng sôi động hẳn lên, “cần xẻ thịt một đàn ngỗng, nếu cần, cháu cũng làm được.”
Một con ngỗng màu nâu béo ụ nằm ở đầu bàn và ở đầu bên kia, trên mảnh giấy dính dầu mỡ rải đầy những nhánh mùi tây, có đặt một khúc giăm-bông lớn, lớp vỏ bên ngoài được lột kỹ, vỏ bánh mì rắc vụn lên trên, quấn xung quanh đùi con ngỗng là diềm xếp nếp bằng giấy gọn gàng đẹp mắt, và bên cạnh đó là những khoanh thịt bò tẩm gia vị cay. Giữa hai đầu bàn có vẻ như thách đố nhau này, bày la liệt những món ăn phụ để ăn kèm: hai hộp thạch nhỏ, hai màu đỏ vàng; một chiếc đĩa nông đựng đầy những thỏi bánh blancmange [17] và mứt đỏ, một chiếc đĩa lớn hình chiếc lá màu xanh lục có tay cầm hình cuống, trên đó đặt nho khô màu tím và hạnh nhân đã bóc vỏ, bên cạnh là một đĩa khác ăn kèm có những quả sung Smyrna [18] xếp ngay ngắn thành hình chữ nhật, một đĩa sữa trứng trên rắc hạt nhục đậu khấu bào nhuyễn, một chiếc bát nhỏ đựng đầy sô-cô-la và đồ ngọt bọc trong giấy vàng giấy bạc và một chiếc bình thủy tinh, vài cọng cần tây ló lên miệng bình. Ở giữa bàn, giống như những người canh gác quầy bán trái cây, cam và táo Mỹ được xếp thành hình kim tự tháp, bên cạnh hai chiếc bình thủy tinh kiểu xưa, một chiếc đựng rượu đỏ ngọt và chiếc kia đựng rượu sherry màu vàng sẫm. Trên chiếc đàn piano vuông đã đóng nắp có đặt một chiếc đĩa lớn màu vàng với chiếc bánh pudding đang chờ sẵn và đằng sau là ba dãy chai gồm có bia đen, rượu và nước khoáng, được xếp gọn ghẽ theo màu chai, hai hàng đầu màu đen với nhãn hiệu màu nâu và đỏ, hàng thứ ba ít hơn, màu trắng, viền ngang màu xanh lục.
Gabriel mạnh dạn ngồi vào chỗ đầu bàn, anh nhìn lưỡi dao rồi chọc mạnh cái nĩa vào con ngỗng. Lúc này anh cảm thấy khá thư thái trong lòng bởi anh vốn quen tay xẻ thịt gà ngỗng và chẳng gì thích hơn là được ngồi ở đầu một chiếc bàn đầy ắp đồ ăn đồ uống.
“Cô Furlong, cô muốn ăn phần nào của con ngỗng đây, tôi sẽ cắt cho cô? Cánh hay ức?” Anh hỏi cô Furlong ngồi gần đấy nhất.
“Một lát nhỏ thịt ức thôi.”
“Cô Higgins, còn phần cô?”
“Ồ, ông Conroy, ông cắt cho tôi cái gì cũng được.”
Trong khi Gabriel và cô Daly chuyển xuống bàn cho khách khứa những đĩa thịt ngỗng, giăm-bông và thịt bò tẩm gia vị ngon lành, thì Lily đi từ vị khách này sang vị khác với một đĩa khoai tây chiên bột nóng bọc trong một chiếc khăn ăn màu trắng. Đây là ý kiến của Mary Jane, cô cũng gợi ý món thịt ngỗng ăn với nước sốt táo nhưng dì Kate gạt đi, bảo rằng món ngỗng quay đơn giản không có sốt táo đã đủ ngon đối với bà lắm rồi, và bà hy vọng mình sẽ không bao giờ phải ăn uống tệ hơn thế. Chính tay Mary Jane phục vụ các học viên của cô, cô bỏ vào đĩa những lát thịt ngon nhất, trong lúc hai dì Kate và Julia mở chai đem bia rượu từ nắp chiếc đàn piano  cho quý ông và nước khoáng cho quý cô, quý bà. Cảnh tượng trông vô cùng náo nhiệt, tiếng cười, tiếng ồn ào, tiếng ra lệnh, tiếng đẩy đưa, tiếng dao nĩa, tiếng mở nút chai và nút thủy tinh. Xẻ thịt con ngỗng xong đợt đầu, Gabriel lại bắt tay ngay đợt thứ hai, mà vẫn chưa ăn miếng nào. Thấy mọi người phản đối ầm ỹ, anh bèn uống một hơi gần nửa cốc bia đen vì công việc cắt ngỗng này làm người anh nóng bừng. Mary Jane lặng lẽ ngồi xuống ăn nhưng dì Kate và dì Julia thì vẫn chạy quýnh quýu xung quanh bàn, giẵm cả lên chân nhau, cản đường nhau, người này sai người kia làm chuyện này chuyện nọ mà chẳng ai nghe ai. Ông Browne thấy vậy nài nỉ họ ngồi xuống ăn, Gabriel cũng nói vậy, nhưng hai bà dì nói vẫn còn sớm chán, chúng tôi ăn sau cũng được. Thế là ông Freddy Malins đứng dậy túm lấy dì Kate và ấn dì ngồi xuống ghế giữa tiếng cười vang phòng của mọi người.
Khi mọi người đã có đầy đủ thức ăn, thức uống, Gabriel mỉm cười nói:
“Bây giờ ai muốn có thêm một chút thứ mà kẻ thô lỗ gọi là đồ nhồi thì xin hãy lên tiếng.”
Một loạt tiếng nói đồng thanh yêu cầu anh bắt đầu cầm dao nĩa, Lily bước tới với ba miếng khoai tây chiên bột cô để dành cho anh.
“Được rồi,” Gabriel thân thiện nói và uống thêm một ngụm bia khai vị khác, “xin quý vị tạm thời trong vài phút quên sự có mặt của tôi.”
Anh bắt đầu ăn và không tham gia vào cuộc trò chuyện quanh bàn trong lúc Lily đi thu dọn bát đĩa. Chủ đề của cuộc nói chuyện là đoàn ca kịch lúc đó đang có buổi công diễn ở Hí viện Hoàng Gia. Ông Bartell D’Arcy, giọng tenor, một người đàn ông còn trẻ tuổi, nước  da ngăm đen với bộ ria mép lịch sự, không tiếc lời ca ngợi nữ ca sĩ giọng contralto [19], nhưng cô Furlong thì cho rằng vở nhạc kịch nói chung khá thô sơ, không được hoành tráng cho lắm. Ông Freddy Malins nói có một ca sĩ chính người da đen hát trong phần hai của vở kịch câm Gaiety, anh ta là một trong những người có giọng tenor hay nhất mà ông từng nghe.
“Ông nghe anh ta hát bao giờ chưa?” Ông hỏi ông Bartell D’Arcy ngồi ở phía bên kia bàn.
“Chưa bao giờ,” ông Bartell D’Arcy thờ ơ trả lời.
“Bởi vì,” Freddy Malins giải thích, “tôi rất tò mò muốn biết ý kiến của ông về anh chàng ca sĩ da đen. Tôi nghĩ anh ta có một giọng hát tuyệt vời.”
“Chỉ Teddy mới cất công tìm tòi khám phá ra những điều thực sự tốt đẹp,” ông Browne nói như quá quen với khách trong bàn ăn.
“Và tại sao anh ta không thể có một giọng hát tốt chứ?” Freddy Malins gay gắt đặt câu hỏi. “Có phải chỉ vì anh ta là người da đen?”
Không ai trả lời câu hỏi này và Mary Jane xoay câu chuyện trong bàn trở lại đề tài vở opera. Một trong những học viên của cô biếu cô một tấm vé vào cửa rạp Mignon. Tất nhiên điều đó thật tuyệt vời, cô nói, nhưng nó khiến cô nghĩ đến cô Georgina Burns tội nghiệp. Ông Browne nhắc lại chuyện quá khứ xa hơn, về những đoàn opera của Italy thuở trước từng đến Dublin trình diễn – những giọng hát lẫy lừng như Tietjens, Ilma de Murzka, Campanini, Trebelli, Giuglini, Ravelli, Aramburo. Ông nói chỉ ở Dublin này thuở đó người ta mới biết ca hát là gì. Ông cũng kể về nhà hát Royal cũ đêm này qua đêm khác chật kín khán giả như thế nào, về chuyện có đêm nọ, một ca sĩ người Italy đã phải hát năm lượt theo yêu cầu của khán giả bài “Hãy để tôi gục ngã như một chiến sĩ,” và lần nào cũng hát nốt Đô cao, và về chuyện các chàng trai làm việc trong nhà hát đôi khi hứng chí đến độ tháo con ngựa ra khỏi xe của một nữ diễn viên nào đó và hè nhau kéo chiếc xe qua các con phố về khách sạn của bà. Ông hỏi mọi người, tại sao bây giờ không ai trình diễn những vở opera hoành tráng nữa, như vở Dinorah, vở Lucrezia Borgia? Bởi vì họ không tìm đâu ra giọng hát nào để hát những vở opera đó: đó là lý do.
Ông Bartell D’Arcy nói, “Ồ, tôi cho rằng ngày nay cũng có những ca sĩ hát hay như ngày xưa.”
“Họ ở đâu?” Ông Browne thách thức hỏi.
“Ở London, Paris, Milan,” ông Bartell D’Arcy ôn tồn trả lời. “Tôi cho rằng Caruso chẳng hạn, cũng khá hay, nếu không muốn nói là hay hơn bất kỳ ca sĩ nào ông vừa đề cập.”
“Có lẽ thế,” ông Browne nói. “Nhưng tôi có thể nói với ông rằng tôi rất nghi ngờ điều đó.”
“Ồ, tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được nghe Caruso hát,” Mary Jane nói.
“Đối với tôi,” dì Kate bây giờ lên tiếng, dì vừa nói vừa gặm một khúc xương, “chỉ có một giọng tenor. Ý tôi muốn nói là chỉ có một giọng tenor khiến tôi ưng ý nhất. Nhưng tôi cho rằng chưa ai trong  quý vị từng nghe nói về ông ta.”
“Ông ta là ai vậy, thưa bà Morkan?” Ông Bartell D’Arcy lịch sự hỏi.
“Tên ông ta là Parkinson. Tôi nghe ông ta hát vào thời kỳ phong độ nhất của ông ta và tôi nghĩ đấy là giọng tenor trong trẻo nhất từng có.”
“Lạ thật,” ông Bartell D’Arcy nói. “Tôi chưa bao giờ nghe nói về ông ta.”
“Vâng, vâng, bà Morkan nói đúng đấy,” ông Browne nói. “Tôi nhớ đã từng nghe nói về ông già Parkinson nhưng ông ấy ở vào thời quá xa xưa đối với tôi.”
“Một giọng tenor Anh thật hay, trong trẻo, ngọt ngào và êm dịu,” dì Kate nói một cách sôi nổi.
Gabriel ăn xong, chiếc bánh pudding khổng lồ được bưng ra bàn. Tiếng thìa nĩa lại vang lên. Vợ Gabriel cắt từng lát bánh và chuyển đĩa xuống bàn cho mọi người. Khi đĩa bánh chuyển đến tay Mary Jane, cô giữ lại, thêm vài quả dâu rừng hoặc thạch cam hoặc blancmange và mứt. Chiếc bánh pudding, do dì Julia làm và được mọi người khen ngon. Dì bảo nó chưa đủ sắc nâu.
“Ồ, bà Morkan này,” ông Browne bảo dì, “tôi hy vọng là tôi đủ sắc nâu đối với bà bởi vì, bà biết đấy, da thịt trên người tôi toàn màu nâu.”
Tất cả các quý ông, ngoại trừ Gabriel, đều ăn một ít bánh pudding để khen dì Julia. Vì Gabriel không bao giờ ăn đồ ngọt nên cần tây được đem đến cho anh. Ông Freddy Malins cũng lấy một cọng cần tây ăn cùng với bánh pudding. Có người bảo ông cần tây bổ máu và lúc đó ông đang được bác sĩ chăm sóc. Bà Malins, ngồi im lặng suốt bữa ăn, bỗng lên tiếng nói rằng khoảng một tuần nữa con trai bà sẽ lên chơi vùng núi Melleray. Thế là cả bàn xoay sang nói về Melleray, rằng không khí ở đó trong lành biết bao, rằng các tu sĩ hiếu khách như thế nào, họ chẳng bao giờ xin xỏ khách viếng một đồng xu.
“Ý ông muốn nói là,” ông Browne hỏi một cách hoài nghi, “bất cứ một tên cầu bơ cầu bất nào cũng có thể lên đó ở như thể đó là một khách sạn và sống thong dong sung sướng trong một thời gian rồi ra đi mà không phải trả đồng nào ư?”
“Ồ, hầu hết khách vãng lai đều tự nguyện đóng góp một số tiền cho tu viện khi đi.” Mary Jane bảo ông.
Ông Browne thẳng thắn nói: “Tôi ước gì chúng ta có một tổ chức như thế trong Giáo hội của mình.”
Ông tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng các tu sĩ không bao giờ nói chuyện, rằng họ thức dậy từ hai giờ sáng và ngủ trong quan tài của mình. Ông hỏi họ làm vậy để làm gì.
“Đó là quy định của tu viện,” dì Kate nói một cách chắc nịch.
“Ừ, nhưng tại sao?” ông Browne hỏi ngược lại.
Dì Kate nhắc lại rằng đó là quy định, chỉ thế thôi, nhưng ông Browne có vẻ vẫn chưa hiểu. Ông Freddy Malins lại cố gắng hết sức mình để giải thích cho ông ta nghe rằng các nhà tu cố gắng bù đắp những tội lỗi mà tất cả những kẻ phạm tội trên thế gian bên ngoài đã gây nên. Lời giải thích không rõ ràng lắm, ông Browne chỉ nhăn răng ra cười toe toét, nói:
“Tôi rất ưng cái ý tưởng đó nhưng liệu một chiếc giường nệm lò xo thoải mái cũng có tác dụng tốt như một chiếc quan tài hay không?”
“Chiếc quan tài,” Mary Jane bảo ông, “là để nhắc nhở họ về kết cục cuối cùng của họ.”
Khi câu chuyện trở nên buồn tẻ, nó bị chôn vùi trong sự im lặng của bàn ăn, người ta chỉ nghe tiếng bà Malins nói với người ngồi bên cạnh bằng một giọng không rõ ràng:
“Họ là những người rất tốt, những thầy tu ấy, những người rất ngoan đạo.”

(Còn tiếp)


Chú thích của người dịch:

[9] Nguyên tác câu này là “I have a crow to pluck with you.” Nhóm từ A crow to pluck (Ireland) hoặc A bone to pick (Anh) là một thành ngữ có nghĩa là có điều gì không đồng ý và muốn tranh cãi để làm sáng tỏ. Ở đây, Joyce sử dụng phương ngữ Ireland, một lần nữa, biểu hiện tinh thần bài Anh của ông.

[10] Tây Anh / West Briton: Người Ireland nhưng có cảm tình với Anh quốc, vốn là kẻ thù chung của Ireland, tỏ ý miệt thị khi dùng để gọi ai.

[11] Wellington [1769-1852]: Công tước Ireland gốc Anh, người đã đánh bại Napoléon trong trận Waterloo lừng lẫy năm 1815.

[12] Three Graces / Ba Nữ thần: Theo truyền thuyết thần thoại Hy Lạp cổ đại, là Aglaia, Euphrosyne và Thalia, biểu trưng cho Cái Đẹp, Sự Duyên Dáng và Niềm Vui.

[13] Paris: Cũng theo truyền thuyết Hy Lạp, Paris là con trai của Priam, vua thành Troy. Trong số ba nữ thần Aphrodite, Athena và Hera, Paris đã chọn trao tặng quả táo vàng của Discord cho Aphrodite, và để đổi lại, bà đã trao Helen, vợ của Menelaus, cho chàng, do đó, gây ra Chiến tranh thành Troy. Ở đây ý của Gabriel là không biết phải vinh danh ai, giữa hai bà dì và cô em họ, là người xứng đáng nhất.

[14] Arrayed for the Bridal: Một ca khúc trong vở đại nhạc kịch Puritani của Vincenzo Bellini.

[15] Câu nói này trong nguyên tác là “To take a pick itself,” một cách nói của người Ireland, rất lạ.

[16] Beannacht libh: Tiếng Ireland, có nghĩa là chào tạm biệt. Phải hiểu nhân vật Ivors trong truyện là biểu tượng của chủ trương đòi độc lập về chính trị, ngôn ngữ và văn hóa cho Ireland của James Joyce.

[17] Blancmange: một món ăn tráng miệng ngọt, dẻo, giống như thạch được làm từ tinh bột, sữa, hương liệu và các thành phần khác.

[18] Smyrna: Vùng biển Aegean, Hy Lạp.

[19] Contralto: Giọng nữ trầm