Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Người bất học không đáng ở ngôi cao

 Phan Khôi

 

Quan chức của Nam triều ở Kinh bấy lâu tuy giảm nhiều chớ bây giờ kể lớn nhỏ hết thảy: bên văn cũng còn được mười bốn nha môn, bên võ cũng còn được chín. Trong số đó, trừ ra Nội vụ, Thái y viện và Hộ lăng do mấy ông quan tam, tứ phẩm đứng đầu, còn ngoài ra đều là quan nhất, nhì phẩm cả. Các ông quan nhất, nhì phẩm đứng đầu một nha môn ấy, từ xưa gọi là bậc chánh khanh hay đại thần, làm lãnh tụ cho triều sĩ, không luận là bên văn hay bên võ cũng vậy.

Bởi vậy thuở trước một người làm quan lên được nhất nhì phẩm, đứng đầu một nha môn, dù là bên võ đi nữa, không học nhiều thì học ít, cũng phải là người có học. “Người có học” đây cốt nói là người có liêm sỉ. Có liêm sỉ thì mới làm tiêu biểu cho liêu thuộc được, mới làm lãnh tụ cho cả triều sĩ được.

Vài mươi năm nay hình như chỗ triều đình không còn giữ cái nền nếp ấy nữa. Đôi khi có người bất học, xuất thân vi tiện không đủ tư cách mà cũng được lên làm lớn.

Không biết từ ai bày dầu bỏ mất đi nền nếp ấy. Chính tại người ấy làm cho cái cao trở nên thấp, cái trong trở nên đục, cái tôn nghiêm trở nên khinh nhờn.

Theo sự thực, bao giờ cũng vẫn có người xứng đáng, nhưng “một con sâu làm rầu nồi canh”, hễ có lấy một người không xứng đáng là câu tục ngữ ấy ứng nghiệm ngay.

Cho đến sau ngày cải cách 2 Mai 1933 [a] mà cái người không xứng đáng ấy cũng vẫn còn, hôm nay người ta mới thấy.

Ông Lưu Văn Mậu làm Đề đốc Hộ thành, hàm chánh nhì phẩm, đứng đầu một nha môn bên võ, vừa rồi bị các quản suất thuộc hạ ông đứng lên khống cáo ông. Trong đơn họ kiện có đến những mười điều mà toàn là những điều tham ô nhũng lạm như chúng tôi sẽ kể đằng sau đây trong một bài báo khác. [b] Thật là một sự mới: một ông quan đứng đầu một nha môn ở Kinh mà bị người dưới phản đối một cách nhục như vậy, xưa nay chưa hề có.

Làm quan nhì phẩm mà bị phát giác ra những sự chứa bạc lấy xâu, cho vay lấy lãi, sự lấy đó lại toàn ở người dưới tay mình cả, như thế đủ tỏ ra con người không có một chút phẩm cách gì, nếu có, là phẩm cách của anh “trùm thị”!

Ấy vậy mà con người ấy đã lên làm ông quan nhì phẩm những mười năm nay, đứng đầu một nha môn khá lớn tại Kinh đô!

Hỡi ôi thương thay!

Theo ngày trước, một ông thủ hiến của một nha môn ở Kinh mà bị kiện như thế, phải giải chức ngay tức thì. Nếu bề trên có ý khoan thứ không vội giải chức thì ông quan ấy cũng phải tự động xin từ chức. Người nào dày mặt không biết làm như thế, các quan ngự sử họ sẽ đứng ra đàn hạch.

Như thế không phải nghiêm khắc gì cả. Một ông quan trên mà đã bị người dưới chỉ trích thế là đã mất tín dụng và mất cả lòng tôn kính của người dưới với mình rồi, còn làm trên ai? Không đợi vụ kiện ấy xử ra thế nào, người bị kiện phải từ chức để tỏ ra rằng mình còn biết liêm sỉ, mình không mặt mũi nào còn làm lớn những kẻ chẳng phục mình.

Ấy thế mới là phải. Ấy thế mới là một triều đình có kỷ cương, một quan trường có thể thống, một cá nhân có giáo dục và học thức.

Ông Đề đốc Hộ thành ta không làm như thế. Bị kiện đã ba tuần lễ rồi mà ông vẫn yển nhiên tại chức như thường. Vỡ việc ra, ông gọi người đứng đầu đơn đến mà dọa, đòi trục xuất khỏi Kinh đô. Dọa không được rồi ông xây lại bỏ nhỏ, bỏ nhỏ đến từng anh lính một. Thật cái chỗ hèn của ông không xiết nói.

Cố nhiên là trong lúc nguy cấp đó cửa nào ông cũng rúc. Ông vào nhà trong một quan Thượng nhiều lần quá đến nỗi người ta phải đuổi ông ra. Ông còn đến nhà riêng một ông quan tam phẩm (nhỏ kém ông) mà van siết khất ai.

Có lẽ cũng nhờ ông khéo kêu ca mà vụ kiện hình như bỏ qua thì phải, rồi bề trên chỉ xích trách ông nhẹ nhẹ thôi: giáng làm Lãnh binh Thanh Hóa.

Không chừng, người ta nói đâu chính cái ngày bài báo này ra thì ông cũng bái mạng và lên đường ra làm một ông quan lớn tỉnh Thanh!

Chúng tôi chẳng muốn làm hại ai làm gì. Kẻ nào nói có lẽ cách chức hay là xử trượng ông Lưu Văn Mậu thì mới thỏa bụng chúng tôi, ấy là vu chúng tôi đó. Những sự ấy có ích gì cho chúng tôi mà chúng tôi mong?

Chúng tôi chỉ mong rày về sau những người bất học vô liêm sỉ như thế không được ở ngôi cao, nếu ngôi cao còn cứ có. Tại họ ở ngôi cao họ đã làm hư phẩm cách và tâm thuật của dân tộc chúng tôi nhiều rồi, chúng tôi không muốn nữa.

Người dốt nát đê hèn như ông Lưu Văn Mậu xuất thân từ lính tập, cao tay chỉ làm đến quản suất là cùng; ai đã cho ông ấy mang hia đội mão đứng giữa sân chầu rồi hôm nay ông xuất xú ra như thế?

Nam triều muốn cho người ta trọng mình thì Nam triều phải tự trọng.

Và chánh phủ Bảo hộ muốn cho Nam triều được nhân dân tôn đái thì cũng phải coi trọng các quan chức của Nam triều.

 

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 62 (1 er Octobre 1935), tr. 1.

Chú thích

[a] “ngày cải cách 2 Mai 1933”: chưa thật rõ sự kiện. Có lẽ ở đây muốn nhắc đến một trong một loạt sự việc từ khi vua Bảo Đại sau 10 năm học tại Pháp (1922-32), trở về nước, chính thức chấp chính (đạo dụ số 1, ngày 19/9/1932), ban hành một số cải cách, cải tổ nội các, đưa một số người ở giới học giả và hành chính lên làm thượng thư (Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn), lập viện Dân biểu, v.v…; có nguồn nói ngày 2/5/1933 là ngày vua ban bố cải tổ nội các; nội dung miễn nhiệm 5 Thượng thư và bổ nhiệm mới 5 Thượng thư được giữ kín đến lúc ban bố. Có lẽ chính sự kiện này được Phan Khôi gọi là “ngày cải cách 2 Mai 1933” như trên.

[b] Đó là bài phóng sự đăng 2 kỳ Tràng an (s. 62, ngày 1/10/1935; s. 63, ngày 4/10/1935) nhan đề: Ông Lưu Văn Mậu, đề đốc Hộ thành bị vật ngã của Tiêu Diêu Tử (Nguyễn Đức Bính), – tác giả này đi gặp và hỏi chuyện viên chánh quản Lễ về các tội trạng của Đề đốc Lưu Văn Mậu mà viên chánh quản này cùng các nhân viên khác nêu trong đơn tố cáo gửi lên thượng thư bộ Lại.

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân