Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông

TS. Tô Văn Trường

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Sau khi dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia được phổ biến tại cuộc họp ở Cần Thơ ngày 23/4/2024, quan ngại của các chuyên gia tại cuộc họp rất đáng hoan nghênh. Phản biện khoa học cần lên tiếng nhưng muốn tiếng nói được lắng nghe, có trọng lượng cần phải có cơ sở khoa học và thực tế.

Một số bài báo vừa qua, có tựa đề “giật gân” như: Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây; Kênh đào Phù Nam - Techo có thể lấy mất đến 50% lượng nước của sông Mekong; Kênh đào Funan Techo có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc làm cho người dân hoang mang và lãnh đạo cũng băn khoan, lo lắng, trăn trở.

1. Xuất xứ các thông tin về tuyến giao thông thủy nội địa Funan Techo

Ngày 8/8/2023, Campuchia gửi thông báo cho Ban thư kí Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo. Một số thông tin về tuyến kênh:

- Dài x rộng x sâu của tuyến kênh: LxBxH = 180 km x 50m x 4,7m;

- Có 3 âu kiểm soát mực nước và lưu lượng tuyến giao thông (LxBxH: 135x18x5,8 m); Lưu lượng lớn nhất bình quân ngày qua âu là 3,6 m³/s.

clip_image002

Minh họa vị trí tuyến giao thông thủy Funan Techo và vị trí 3 khóa âu

2. Tiềm năng nguồn nước sông Mê Công và tiềm năng nước về ĐBSCL

Tiềm năng nguồn nước sông Mê Công

Lưu vực sông Mê Công có diện tích khoảng 795.000 km², chảy qua địa phận của 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam với chiều dài dòng chính là 4.800 km, tổng lượng dòng chảy hàng năm vào khoảng 475 tỷ m³. Sông Mê Công xếp thứ 21 trên thế giới về diện tích lưu vực, thứ 12 về chiều dài và thứ 8 về tổng lượng dòng chảy.

TT Tên quốc gia Diện tích trong lưu vực (km²) % so với tổng diện tích lưu vực % so với tổng diện tích mỗi quốc gia % dòng chảy đóng góp
1 Trung Quốc 165.000 21 - 16
2 Myanma 24.000 3 - 2
3 Lào 202.000 25 97 35
4 Thái Lan 184.000 22 36 18
5 Campuchia 155.000 20 86 18
6 Việt Nam 65.000 9 20 11
  Tổng diện tích: 795.000 100 Tổng dòng chảy năm: 475 km³

Tổng hợp thông tin về diện tích và đóng góp dòng chảy từ các quốc gia trên lưu lưu vực sông Mê Công

Phân bố dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long

Phân bố dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long bình quân giai đoạn từ 1995 đến 2020 qua Tân Châu và Châu Đốc vào khoảng 12.450 m³/s ứng với tổng lượng 394,2 tỷ m³; lưu lượng bình quân tháng nhỏ nhất là 3.114 m³/s với tổng lượng 8,1 tỷ m³/tháng.

clip_image004

Phân bố lưu lượng dòng chảy Mê Công về ĐBSCL hàng năm qua Tân Châu và Châu Đốc

3. Đánh giá tác động của tuyến giao thông thủy nội địa Funan Techo

Xây dựng kịch bản:

Để xem xét ảnh hưởng trong trường hợp bất lợi nhất, vượt ra ngoài thông báo của phía Campuchia, thì tác động của tuyến kênh Funan Techo như thế nào?

- Trường hợp 1: Nếu kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m³/s.

- Trường hợp 2: Các âu mở tự do liên tục cả mùa lũ lẫn mùa kiệt (không kiểm soát lưu lượng qua âu như thông báo của Campuchia là 3,6 m³/s).

- Trường hợp 3: như trường hợp 1 (các âu mở liên tục) kết hợp cấp nước nông nghiệp ở các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.

Theo tính toán thủy lực, và kinh nghiệm của tôi về lưu vực sông Mê Công, thông qua tìm hiểu địa hình, các khu vực canh tác phía Tây Nam của Campuchia, thì diện tích có thể lấy nước tưới từ tuyến kênh Funan đạt khoảng 60.000 đến 80.000 ha tương đương với lưu lượng tưới gia tăng ước khoảng 50-70 m3/s.

Vì thế, đối chiếu với lượng dòng chảy của sông Mekong, những người có chuyên môn về thủy văn và thủy lực nghe thông tin bình luận đào kênh Funan Techo sẽ lấy mất khoảng 50% lượng nước của sông Mekong về phía Việt Nam và đảo lộn hệ sinh thái miền Tây là hoàn toàn “võ đoán”.

Kết quả mô phỏng thủy lực tóm tắt như sau:

- Nếu Campuchia triển khai dự án và vận hành tuyến kênh theo thiết kế đã được thông báo cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế: Kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m³/s so với tiềm năng nguồn nước sông Mê Công về đồng bằng qua Tân Châu và Châu Đốc là 12.450 m³/s thì tác động của dự án đến ĐBSCL của Việt Nam là không đáng kể.

- Tuy nhiên, trong trường hợp 2 và 3 khi các cống để mở hoàn toàn cho nước trên kênh chảy tự do ra cảng Kep, kết hợp tưới thì dự án sẽ gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy và lượng phù sa về ĐBSCL, đồng thời làm gia tăng diện tích xâm nhập mặn vào sâu trong đồng bằng. Với mục tiêu phục vụ mục đích giao thông thủy và nếu kết hợp phục vụ mở rộng diện tích tưới như tôi đã phân tích ở trên thì dự án sẽ có khả năng làm giảm lượng nước trên sông Hậu từ 5-13% trong mùa khô, từ 2-6% trong mùa mưa. Đồng thời khả năng lưu lượng trên sông Tiền sẽ bị giảm từ 2-4% trong mùa khô, từ 1-3% trong mùa mưa.

- Sự sụt giảm lưu lượng dòng chảy về Việt Nam sẽ gây gia tăng xâm nhập mặn sâu hơn trên cả sông Tiền và sông Hậu, phạm vi lớn hơn và sớm hơn (xảy ra ngay tháng 12 và tháng 01 hằng năm). Đồng thời, lượng phù sa về ĐBSCL vốn đã suy giảm những năm gần đây do các đập trên thượng lưu của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị giảm do việc triển khai Dự án. Ngoài ra, sự sụt giảm lưu lượng, mực nước cũng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm giảm không gian sinh tồn của hệ sinh thái nước ngọt.

- Do gia tăng xâm nhập mặn sâu với phạm vi lớn hơn và sớm hơn, có thể trùng với thời điểm cấp nước cho vụ Đông Xuân của vùng ĐBSCL, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của người dân, tác động đến ngành sản xuất lúa gạo của vùng.

Giải pháp và bài học từ hợp tác khai thác sông Mê Công

Để có thêm thông tin, trong khuôn khổ Hiệp định sông Mê Công 1995, Việt Nam hoàn toàn có quyền kiến nghị phía Campuchia hợp tác, cung cấp bổ sung thông tin với Ủy hội quốc tế sông Mê Công và Việt Nam, về: i) Qui trình vận hành 3 khóa âu; ii) Mục đích khác của tuyến kênh như phục vụ sản xuất nông nghiệp, diện tích cụ thể tưới bao nhiêu ha; iii) Kết nối tuyến kênh với hệ thống sông kênh rạch hiện hữu nơi tuyến kênh giao thông thủy cắt qua; iv) Giải pháp đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra.

Khi đó, các tác động bất lợi do tuyến kênh gây ra sẽ được tính toán đầy đủ và kiến nghị giải pháp giảm thiểu. Việc phối hợp giữa hai quốc gia trên tinh thần hợp tác sẽ càng củng cố thêm quan hệ giữa hai nước láng giềng cùng ở hạ nguồn lưu vực sông Mê Công ứng phó với các ảnh hưởng bởi các hoạt động phát triển thủy điện và nông nghiệp phía trên hạ lưu sông Mê Công từ phía Trung Quốc làm dòng chảy lũ giảm, phù sa và nguồn lợi thủy sản giảm, dòng chảy kiệt, trái qui luật.

Không gì tốt hơn là để chính các chuyên gia người Campuchia thuyết phục các nhà chức trách của họ. Nên thành lập nhóm nghiên cứu chung giữa MRCS, Việt Nam và Campuchia. Kết quả các bên sẽ thống nhất quan điểm đánh giá tác động dự án và các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đáp ứng yêu cầu của các cấp có thẩm quyền cả Việt Nam và Campuchia.

Tôi có bài học kinh nghiệm rất đắt giá và thực tế là cuối thập niên 90 phía Campuchia phản ứng phê phán Việt Nam đào kênh đắp bờ ở Đồng Tháp Mười gây dâng mực nước làm ngập lụt phía Campuchia. Tôi cho mời ba chuyên gia người Campuchia sang Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam ngồi cùng nhau tính toán kiểm nghiệm mô hình thủy lực với chuyên gia Việt Nam. Hồi ấy, chưa có bộ mô hình MIKE thông dụng của Đan Mạch, chúng tôi đã chủ động cấp cho bạn phần mềm mô hình VRSAP của cố PGS - Anh hùng Lao động Nguyễn Như Khuê (kể cả chương trình nguồn). Kết quả tính toán mô phỏng cho thấy độ dâng mức nước do tác động của đắp bờ kênh phía Việt Nam không đáng kể và có giải pháp giảm thiểu. Chính các chuyên gia người Campuchia khi về nước đã thuyết phục lãnh đạo nước họ, nên mọi sự kết thức có hậu.

Điều cần rút ra từ các thông tin gây hoang mang dư luận vừa qua cho thấy: i) Các cơ quan chuyên môn của Việt Nam cũng đã có những đánh giá ban đầu dựa trên những thông tin mà bạn chia sẻ cung cấp cho các cơ quan cấp trên, những kết quả tính toán bổ sung cho thấy trong các trường hợp bất lợi thì tác động của tuyến kênh là không lớn; ii) Một số bài viết trước những vấn đề nhạy cảm nhưng lại tiếp cận các nguồn tin thiếu tin cậy, thiếu kiểm chứng, giật tít không đúng sự thực, làm đẩy dư luận đi trái với mục đích quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng như những cam kết thỏa thuận trong hợp tác ở Ủy hội sông Mê Công của các nước trên lưu vực trong đó có Việt Nam và Campuchia.

Sự quan ngại về kênh Funal Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng, đến khi các số liệu được minh chứng qua tính toán và thực tế sẽ làm mất uy tín không chỉ của cá nhân mà cả quốc gia.  

Thay cho lời kết

Tuyến giao thông thủy nội địa Funan Techo của Campuchia nằm hoàn toàn trên đất Campuchia được xem là quyền lợi khai thác phát triển, phù hợp với lợi ích hợp tác và phát triển của nước bạn. Campuchia đã thực hiện thông báo trước, thông tin về dự án theo Hiệp định Mê Công 1995, mặc dù lưu lượng mà họ dự kiến qua tuyến kênh là rất nhỏ.

Giả thiết rằng, dự án giao thông thủy nội địa Funal Techo của Campuchia sau khi xây dựng được giám sát thực hiện đúng như thông báo của Campuchia tới Ủy hội sông Mê Công thì việc mất đi một lượng nước 3,6 m³/s là rất nhỏ so với tiềm năng dòng chảy sông Mê Công. Nếu tuyến kênh này sử dụng đa mục tiêu là kết hợp gia tăng sản xuất nông nghiệp dọc theo tuyến giao thông thủy Funal Techo thì ảnh hưởng của việc mất đi lượng nước sẽ lớn hơn, tuy nhiên cũng không đáng kể so với tiềm năng nguồn nước sông Mê Công.

Hơn nữa, các tác động này là hoàn toàn có thể giảm thiểu thông qua hợp tác Ủy hội sông Mê Công, giám sát và kiểm soát lượng nước chảy qua các cửa van theo thông báo của Campuchia.

 

Ngày nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần nâng cao vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Campuchia và các quốc gia thành viên Ủy hội để thúc đẩy thực hiện nghiên cứu về tác động của Dự án; đồng thời, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động của dự án kênh đào Funan Techo và các phát triển thượng nguồn nói chung để hỗ trợ sát thực hơn công tác quản lý khai thác nguồn tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Công vững bền vì lợi ích chung của cả lưu vực.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/kenh-dao-funan-techo-campuchia-va-bai-hoc-hop-tac-khai-thac-song-me-kong-d383989.html