Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Người đi, kẻ ở

Lê Học Lãnh Vân

Một bạn thân cũng là nhà báo nhắc ngày hai mươi mốt tháng tư bốn mươi chín năm trước, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức ra đi. Hình đính kèm dưới đây mượn từ trang Phây của bạn.


clip_image001

1) Năm giờ rưỡi chiều hôm đó Vương từ trường Khoa học Sài Gòn về nhà, lòng còn vương vấn giọng nói nhẹ êm dưới vành nón lá. Cành phượng cổng trường xanh lá trong nắng chiều, gió bay tà áo tím, cô bạn đứng đó đợi chỉ để cho nhóm bạn học gần gũi biết rằng ba cô không đi. Ba tui nói từ nay người Việt không còn giết người Việt, Cộng sản, Quốc gia cũng đồng bào, từ nay người Việt sống với nhau, đất nước thống nhất chắc phải tốt hơn chia hai, sẽ mau chóng giàu mạnh… Ba cô là trung tá Việt Nam Cộng Hòa, dân Bắc di cư năm 1954.

Gia đình Vương ăn cơm sớm, dọn dẹp, rửa chén sớm để hồi hộp, xúm xít trong phòng khách chờ nghe Tổng thống Thiệu lên ti-vi nói chuyện.

- Giờ này ổng từ chức thì ai lên thay cũng không làm gì nổi!

- Ổng xuống cho có hòa bình. Ổng còn ngồi đó tụi kia còn đánh hoài!

Buổi nói chuyện khép lại khi từng người tham dự tiến tới bắt tay từ biệt ông Thiệu.

- Ủa, anh Liêm kìa, chị Hai!

- Đúng rồi, nó đó. Không biết sắp tới đời nó ra sao. Tội nghiệp, cái thằng hiền!

Vương kêu “anh Liêm” và bà Trọng kêu “” bởi vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thanh Liêm là bạn thân với gia đình. Ông là bạn học với chị Hai và ông kêu Vương là Út.

Trong nhóm bạn học thân thiết của chị Hai, ngoài anh Liêm còn có vài anh chị nữa, trong đó có một anh ốm ốm, nói năng từ tốn, cũng từng được bà Trọng nhắc tới bằng câu “Tội nghiệp, cái thằng hiền!”. “Cái thằng hiền” thứ hai một thời chưa xa ở tù Côn Đảo vì tội làm quốc sự, theo Việt cộng!

2) Cả hai anh hiền lành thiệt. Hơn một tuần sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi, Miền Nam chấp nhận thua trận, quân đội Miền Bắc tiến vào các thành phố còn được Miền Nam giữ nguyên vẹn. “Anh hiền” Thứ trưởng đi Mỹ còn “anh hiền” Côn Đảo thì, khi trường học mở lại, được cử làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Trương Vĩnh Ký đã đổi tên thành trường Lê Hồng Phong.

Kỷ niệm ngày trước về hai anh còn tươi nét. “Anh hiền” Côn Đảo mỗi khi tới nhà hút thuốc liền tay, “anh hiền” Thứ trưởng thì thường nhắc người bạn mình với câu nói của tình bạn bè thông cảm, “Ảnh có đường đi của ảnh”. Cả hai anh đều sống đời hợp đạo đức truyền thống, đều nghĩ mình đang đóng góp cho xã hội, đất nước. Điều khác biệt duy nhứt chỉ là con đường đi.

Trước ngày ba mươi tháng tư năm 1975, hai con đường chỉ là hai phương tiện khác nhau để thực hiện ước mơ, hoài bão của hai người bạn thiết, đại diện cho hai nhóm người. Có ai ngờ, sau ngày ba mươi tháng tư đó, hai con đường khác nhau đã chia lìa họ sâu sắc tới như vậy! “Anh hiền” Thứ trưởng thành “ngụy”, “anh hiền” Côn Đảo thành “cách mạng” với các hệ lụy đau đớn như một vết chém nửa thế kỷ sau vẫn chưa biết bao giờ liền miệng…

Cuộc tái ngộ anh em giữa “cách mạng” và “ngụy” không phải bằng cái ôm trùng phùng ngập tràn thương nhớ. Trại giam giữ kéo dài từ Nam ra Bắc do cách mạng dựng lên để đưa ngụy vào cải tạo đã xé đất nước làm hai!

Áo bà ba xanh sậm đen thay chiếc áo dài tím trước kia, cô bạn đưa bàn tay ra với vết trầy sâu còn chảy máu, nói, do tui chen lấn sát hàng rào kẽm gai thăm ba tui bịnh nặng trong tù cải tạo...

Cuộc chiến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc càng làm suy kiệt đất nước đã ba mươi năm chiến tranh. Thuyền nhân Việt đánh động lòng trắc ẩn thế giới trong suốt thập niên tiếp theo...

3) Mười lăm năm sau năm 1975, khối xã hội chủ nghĩa vỡ tung và Trung Quốc trở thành đối cực với Phương Tây như tác phẩm Chính đề Việt Nam tiên đoán chính xác. Cuộc chiến tàn khốc do Nga tấn công vào Ukraine hiện nay chưa biết kết quả ra sao, phải chăng là một hệ quả tích tụ kéo dài của cách cai trị độc tài, bám vào quyền lực một cách ích kỷ mặc kệ chục ngàn, trăm ngàn sinh mạng người dân?

Nhớ lại cuộc “hai mươi năm nội chiến từng ngày” tương tàn xưa kia, ngó Việt Nam hiện nay đang hòa bình, niềm cảm khái lịch sử trong Vương thật mênh mông…

Chỉ mong Việt Nam không để bị kéo vào các cuộc xung đột lớn đang có nguy cơ toàn cầu hóa. Mèo trắng mèo đen, mèo nào biết bắt chuột cũng được. Cây tre cây xoài, cây nào làm hình tượng ngoại giao cũng được, miễn Việt Nam giữ được hòa bình để phát triển!

Để phát triển đất nước giàu mạnh, người dân ấm no, chỉ mong Việt Nam học bài học suốt nửa thế kỷ nay, anh em một nước chém giết, bỏ tù nhau thì kẻ ngoài đạp lên xương sống không cách nào ngóc đầu nổi!

Câu nói trên Vương nghe từ xa xưa lắm, khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa mà người Việt vẫn tiếp tục bày binh bố trận bắn giết nhau. Khi lớp lớp tinh hoa của phân nửa quốc gia bị giam cầm trong trại cải tạo cho một tầng lớp người Việt khác nắm chặt quyền bính...

4) Thế giới đang tiến vào loạn. Quốc gia nào hòa bình và phát triển, quốc gia ấy sẽ có ưu thế tương lai…

Bốn mươi chín năm trước, Tổng thống Thiệu ra đi. Và trong mười năm tiếp theo lớp lớp người Việt tháo chạy khỏi nước trong thảm nạn thuyền nhân vì vỡ mộng để lại một quốc gia tan hoang “Việt Nam con cháu vua Hùng”. Bây giờ, trong hy vọng về viễn cảnh quốc gia giàu mạnh ấm no, bài viết này không mong ai phải ra đi, chỉ mong Việt Nam đủ sức yên vui, hòa hợp giữ chân người trong nước. Và mong người Việt xứ ngoài muốn về có rộng đường trở về trong tư cách công dân đầy đủ quyền làm chủ đất nước ông cha để lại chung cho tất cả con cháu.

Kẻ ra đi nên là cách quản trị xã hội chậm tiến kềm hãm sự phát triển. Túi khôn, các nguồn lực khác của người Việt cùng các giá trị truyền thống và văn minh nhân loại ở lại. Tinh thần kỳ thị và thù địch nên ra đi, lòng bao dung, nhân ái cùng tình yêu tổ quốc, đồng bào ở lại. Tinh thần đặt phe phái trên quốc gia dân tộc nên ra đi để mảnh đất chữ S này phát triển hạnh phúc lâu dài…

Ngày 21 tháng 4 năm 2024