Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Đêm tử nguyệt

Lưu Thủy Hương                                                                                     Truyện ngắn

 

LUU THUY HUONG.2 (2)

Tác giả Lưu Thủy Hương

Ngọn đèn bão lóe sáng ba lần trong màn sương trắng đục rồi mất hút.

Vùng đầm lầy này không có lối vào, không có lối ra, ban đêm sương khói vây hãm.

Khi mặt trời vừa tắt bóng, tiếng ếch nhái trỗi lên từng chập hung hăng lan đi khắp vùng lau sậy. Hơi nước bốc lên từng lớp dày đặc, càng lúc càng lạnh lẽo. Tôi đi mãi mà không tìm được đường ra, không tìm được căn nhà gỗ của Kan. Đá dưới chân đẫm sương, ướt bùn trơn trợt, nhưng cứ phải bám vào đá mà đi. Cụ Tông dặn, “nếu rời khỏi con đường đá là lạc vào những bãi lầy bất tận”.

Chân tôi bước hụt giữa hai khe đá, cả thân mình tôi bị kéo xuống. Nước lợ tràn vô miệng làm tôi ho sặc sụa. Cái gì trơn tuột quấn lấy chân tôi giật mạnh xuống đầm. Tôi càng vùng vẫy, nó càng kéo mạnh hơn. Eo tôi cũng bị thắt chặt. Những cái vòi trơn tuột bắt đầu rúc vào cơ thể. Tôi hét lên giận dữ, rút thanh thiên tuế ra, chém bất kể vào những cụm lục bình bao quanh. Có tiếng kêu đau đớn trỗi lên dưới đám lá lục bình. Một tiếng kêu, hai tiếng kêu, rồi những tiếng kêu dài tức tưởi lan đi. Đó là bầy đoàn Ru Ru, những oan hồn trăm năm không siêu thoát được của đầm lầy. Chân tôi từ từ được thả lỏng.

Tôi đạp lên gờ đá, níu những cụm việt quất choài người lên. Bên dưới mặt nước, những cánh tay xanh lè vẫn cố chuồi tới như đàn rắn, quyết không buông tha con mồi.

Những bộ mặt tím tái dần hiện ra, họ khóc lóc, họ kêu gào. Tiếng kêu của họ hòa với tiếng ếch nhái bi thương. Tôi hung hăng đưa thanh thiên tuế lên cao. Màu sáng lục như ngọc của nó vừa lóe lên, những cánh tay và bộ mặt thối rữa hoảng sợ lùi lại. Lòng tôi buồn rầu, tiếng hét xua đuổi mà như tiếng thì thầm, an ủi: “Đi, đi! Đi tìm nơi an nghỉ”.

Họ lặng lẽ kéo nhau đi, để lại vùng đầm lầy xám xịt thê lương.

Bỗng rồi tiếng ếch nhái im bặt như có ai cắt dao ngang cổ họng của chúng. Bây giờ sự im ắng còn khủng khiếp hơn tiếng kêu của oan hồn. Màn sương không còn lãng đãng nữa mà dày đặc như bông rồi cứng đọng như vôi bột. Nó ép vào ngực tôi, tưởng như không còn thở được. Nó đậm đặc dần và có mùi phân chim, mùi cá thối, mùi tử khí. Tôi nhảy xuống lùm cỏ lau rậm rạp, lủi vào giữa những đám lá um tùm.

Con vạc đêm ở đâu sà xuống doi đất bên cạnh, đôi cánh của nó run rẩy rồi lặng thinh rũ xuống.

Từ trong bóng đêm, tiếng vó ngựa vang lên lẻ loi, rõ dần rồi dồn dập. Không phải một con mà cả một đoàn ngựa. Tôi chuồi sâu hơn vào bụi lau rậm, cứ sợ thân thể mình run rẩy làm lau sậy cũng run rẩy theo. Miệng tôi cắn lấy tay áo, cả cánh tay cũng đang run lên lập cập.

Họ hiện ra trong màn sương vôi bột. Những chiến binh áo sô trắng rách rưới như từ nhà mồ chui lên, như từ một kiếp nghiệp nào trở về. Tiếng binh khí va vào thân ngựa kêu loảng xoảng. Đôi chân mỏng manh của con vạc khuỵu xuống, nó không chịu nổi sự căng thẳng khủng khiếp bao phủ đầm lầy. Tôi nhận ra ánh mắt tàn ác của tên cầm đầu, nhận ra nụ cười ma quỷ của những đứa theo sau.

Vó ngựa phi qua đầm lầy rồi khuất dần trong màn sương trắng, chỉ còn lại những tiếng lộp cộp xa xăm. Trăng rụt rè hiện ra sau màn mây mỏng, soi ánh sáng u uẩn trên đầm lầy. Dưới ánh trăng vàng vọt, hoa mậu ma đỏ lóe sáng như những giọt máu rải giữa đầm. Tôi bò lên những cụm hoa mậu ma, bây giờ sự phấn khích lớn hơn sự sợ hãi. Tiếng ếch nhái lại trỗi lên oàm oạp khắp miền lau sậy. Con vạc đêm tỉnh giấc, run rẩy vỗ cánh bay lên.

Xa xa, ánh đèn bão dẫn đường nháy lên ba lần rồi tắt ngấm.

Da thịt của Kan có mùi tro ấm, đôi môi của Kan thô ráp như lá cây giấy cói. Ở trong lòng Kan là được che chở trong bầu trời bình yên, tôi quên hết. Đầm lầy biến mất, bọn cướp biến mất, ngôi làng bị giam hãm của tôi cũng biến mất. Đêm chỉ còn có Kan và nỗi đam mê như bão lũ.

Kan nói, chỉ có một con đường duy nhất dẫn qua đầm lầy và con đường đó chỉ mở ra vào một thời khắc trong đêm. Vì sao Kan biết thì tôi không hỏi. Đó là một sai lầm. Tôi yêu Kan điên dại, nhưng chưa bao giờ đặt ra bất cứ câu hỏi nào về Kan. Mỗi đêm được đến với anh để thân hình anh lấp đầy nỗi cô đơn, để đôi môi anh xua tan tuyệt vọng đó là tất cả lẽ sống còn.

“Gần sáng rồi, em phải quay trở về làng”.

Kan hôn tôi, nụ hôn tàn bạo sắc như giấy cói.

“Lơ ngơ như em, khù khờ như em, làm sao tồn tại giữa làng cướp”.

Tôi lại trốn sâu trong lòng Kan, tìm sự che chở an bình. Đêm ngắn ngủi quá, những giờ ở bên Kan không bao giờ đủ. “Em yêu anh, yêu giấc mơ bên anh”.

Con đường trở về trong nỗi buồn thê thiết, sau màn sương là nỗi cô đơn bất tận, là sự sợ hãi hỗn mang. Kan ở lại nơi nào đó trên đầm lầy, trong gian nhà gỗ đơn độc. Không phải đêm nào tôi cũng tìm được anh, có những đêm, bọn cướp chặn tất cả lối ra. Tôi nhắm mắt lại, trong giấc mơ khao khát yêu đương tôi vẫn ở bên Kan.

“Anh nói đi, anh có yêu em không”?

Nụ cười của Kan lạnh lẽo, tinh ma, nhưng tôi yêu cả nụ cười của Kan mà không nghĩ ngợi gì. Tôi kể cho Kan nghe về bạn bè của mình, về tuổi thơ của mình, về những kỷ niệm thật đẹp.

“Em với Gao và Thep là bạn cùng tuổi. Có ngày lên nương, đào được một củ mì, ba đứa nhóm lửa nướng ăn. Gao nhường em phần to nhất. Thep cho em cắn thêm một miếng phần của nó”.

“Bạn em tốt thật”. Kan cười mỉa mai.

“Tốt mà. Tụi em chia sẻ cho nhau bữa đói, bữa no”.

Kan trở mình, giữ lấy khuôn mặt tôi.

“Sao em ngây thơ như vậy? Lũ bạn của em sắp trở về rồi đó”.

Vùng lau sậy lại chìm trong không gian chết chóc. Ếch nhái, côn trùng im bặt, chỉ còn tiếng gió đưa mùi tử khí tràn đến. Thoảng nơi xa có tiếng vó ngựa, tiếng binh khí. Đám hoa mậu ma rũ xuống bên đường như mùa đông tàn tạ vừa đi qua.

Khi ra đi, áo của bọn cướp màu trắng, khi trở về, áo chúng nhuộm đỏ và tanh tưởi mùi oan hồn. Gao cưỡi con ngựa đen đi đầu, móc sắt đen giữ lấy dây cương, khăn đen che ngang mặt. Mắt nó hung hãn sục vào từng góc tối. Nó sẽ giết bất cứ con vật nào nhìn thấy trên đường, dù là chim vạc hay là người. Không ai được phép nhìn thấy Gao trong bóng đêm. Thep và đồng bọn theo sau, vai mang cung tên tẩm độc, trên lưng ngựa đầy những phẩm vật vừa cướp được.

Tôi nín thở ngụp đầu xuống nước. Nỗi buồn bóp nghẹn lòng ngực, suýt nữa hơi thở của tôi tràn lên thành bong bóng. Khi đó ngọn đao hung hãn của Gao sẽ không ngần ngại chém xuống.

Ban ngày, cuộc sống trong làng lặng lẽ hơn. Thep đóng vai cô giáo, khi vui say khật khưỡng lên lớp nói những lời đạo đức. Đám học trò chán ghét, chúng ném vỏ cây vào Thep, tuôn ra những lời nguyền rủa. Có hôm cả cô giáo và học trò đều say khướt, cười khề khà với nhau.

Gao ngủ gật gù trên nhà sàn của trưởng làng, bàn tay trái bị cụt của Gao giấu dưới tà áo. Khi tỉnh dậy Gao hút cỏ nghiện, uống rượu độc, tỉ tê những lời nhân ái. Cả làng no đủ cơm thịt, bình an chìm say giấc ban ngày. Buổi chiều mới có tiếng heo gà kêu ngoài sân mổ. Nhưng ánh mắt Gao cứ tối dần đi, có lẽ hắn biết, câu chuyện cướp bóc này sẽ đến hồi kết thúc. Con đường xuyên qua đầm lầy để ra thế giới bên ngoài đang hẹp dần. Một lúc nào đó, nó chỉ còn mở ra vài khắc mỗi đêm. Một lúc nào đó, nó sẽ biến mất hoàn toàn.

Kan nói:

“Đêm mai là đêm cuối cùng”.

Tôi cuống quýt ôm lấy Kan:

“Cho em ở lại bên anh. Đừng để em phải quay lại làng”.

Kan cười ngạo mạn:

“Ngày nào bọn chúng còn chưa cướp của em, ngày nào dân làng còn chưa cướp bóc lẫn nhau thì vẫn sống được thôi”.

“Nhưng nếu điều đó xảy ra, nếu con đường biến mất, làm cách nào để em gặp lại anh”?

Kan dửng dưng:

“Muốn thì sẽ gặp được nhau thôi”.

Tôi ghét Kan vì điều đó, anh đặt tình yêu của tôi dưới chân anh và tàn nhẫn đạp lên nó. Nụ cười của Kan lạnh lẽo nhưng vòng tay của anh ấm áp quá, tôi mê muội lạc lối. Có những lúc thức tỉnh, tôi tìm sự thật trong mắt Kan, nhưng ở đó là bóng đêm u tối, là đầm lầy không lối thoát.

Con đường qua đầm lầy đã đóng lại. Làng tôi bị giam cầm giữa ngàn lau u uẩn và bão tuyết. Nỗi nhớ nhung chất ngất trong lòng, đêm đêm tôi viết tên Kan trên lòng bàn tay mình và khắc khoải hôn lên đó. Nụ hôn mang tôi đến với Kan, với làn da như tro ấm của anh. Tôi nhớ Kan như điên, như dại, tôi muốn thoát khỏi nơi này.

Bây giờ ngày cũng như đêm, tôi phải lèn chặt cửa nhà, thủ sẵn vũ khí. Hàng xóm bắt đầu cướp bóc lẫn nhau. Ban đầu là cái trứng, con gà. Bây giờ người ta mài dao chuẩn bị sanh sát.

Hết thời đi ăn cướp, trong làng không còn gì để sống. Thói quen câu cá, thả lưới đã mất đi từ bao giờ. Chuyện đồng áng, trồng tỉa cũng đã bị bỏ quên từ rất lâu. Những chiếc thuyền độc mộc đã mục nát. Trong nghiệp ăn cướp, cái ác thường đến trước cái đói.

Tôi hỏi Gao:

“Không có con đường nào ra khỏi đầm lầy hay sao”?

Gao căm hận nhìn qua khoảng sân phủ tuyết. Đôi mắt Gao lóe lên ngọn lửa chết chóc. Tôi nhìn ánh mắt đó thấy buồn bã, đã có một thời chúng tôi là bạn, dành cho nhau tình cảm hiền lành ngây thơ. Thật không thể tưởng tượng nổi, tuổi thơ hay là giấc mơ kéo theo cơn ác mộng. Gao chỉ bàn tay duy nhất xuống sân, gầm lên:

“Con đường nào đi qua đầm lầy”?

Cụ Tông bị trói thúc ké quỳ giữa sân, khuôn mặt nhăn nheo đóng kín mọi cảm xúc. Cánh tay Gao chầm chậm thả xuống, ngọn đao của tên đồ tể đưa lên cao. Tôi thọc tay xuống tấm áo choàng, nắm lấy thanh gươm thiên tuế. Mười tên sát thủ đang vây quanh Gao, tôi ước tính mười nước đi khốc liệt. Nhưng cụ Tông bình thản ngước mắt lên nhìn trời, rồi kiên quyết lắc đầu. Bàn tay của tôi co quắp lại nắm chặt nỗi đau và sự phẫn uất. Ngọn đao đi qua đời cụ, cướp đi một trăm năm tuổi, cướp đi nhân chứng sống cuối cùng. Lời nguyền sẽ không bao giờ có lời giải, ngôi làng này chìm mãi trong kiếp nghiệp trộm cướp.

Lưỡi đao để lại trên tuyết trắng những cánh hoa mậu ma tròn đỏ. Màu đỏ tang thương vương vải khắp sân. Đôi môi cụ Tông mấp máy trong thinh lặng, “giờ tý, hướng đông, đập nát ngọn đèn đêm”. Tôi nhìn những đốm hoa mậu ma đỏ, lặng lẽ hiểu ra lời trăn trối của cụ.

Nửa đêm, tôi trốn khỏi làng. Đằng nào cũng chết, chẳng thà chết giữa đầm lầy để còn có hy vọng gặp lại Kan. Con đường chạy giữa những cụm hoa mậu ma sáng dưới ánh trăng, lung linh từng cụm máu. Nhưng đêm nay lạ lùng quá, ánh trăng tím tái thê lương rải khắp đầm lầy. Chưa bao giờ tôi thấy trăng tím như vậy, cả một vùng nước tím ngan ngát như màu trà câu kỷ tử. Cụ Tông nói, tử nguyệt trong truyền thuyết hàng trăm năm mới xuất hiện một lần. Khi ánh trăng tím rọi xuống đầm lầy, đàn sấu hoa cà sẽ trở nên hung dữ bất thường, chúng tấn công con người dành quyền thống trị. Kẻ nào chiến thắng trong đêm tử nguyệt, kẻ đó sẽ là chúa tể đầm lầy.

Một khúc cây khô trôi lừng lững về phía tôi, tiếng huýt sáo gọi mồi vang vọng khắp ngàn lau. Chẳng mấy chốc những cái miệng đỏ loét đầy răng nhọn lũ lượt kéo đến. Chúng tràn lên bờ, nhanh nhẹn lạ thường. Dẫn đầu là con Lung cụt đuôi, con cá sấu đực hung tợn nhất vùng. Nó to dài như chiếc thuyền độc mộc, nhưng phần đuôi bị mất làm cho nó trở nên tròn ủn một cách kỳ quái. Cái miệng khổng lồ của nó từng nuốt trọn phần thân sau con ngựa của Gao. Suýt nữa Gao cũng mất mạng. Nhờ có đám bộ hạ giải cứu kịp thời mà Gao chỉ mất một bàn tay. Con Lung lần đó mất đi khúc đuôi. Giữa Gao và Lung bây giờ là mối thù sinh tử.

Đồng bọn của Lung có khoảng chục đứa, nối đuôi theo sau. Tôi rút thanh thiên tuế ra, chĩa vào con mắt bên trái của Lung, gầm lên:

“Lùi lại”!

Ánh trăng tím soi lên màu thép ngọc của thanh thiên tuế. Con Lung và đồng bọn khiếp hãi nhận ra bảo vật trấn giữ làng. Trong tay cụ Tông nó có thể chém đứt một lúc mười cái đầu cá sấu. Nhưng trước mắt bọn chúng là một thiếu nữ mảnh mai, ẻo lả, không có gì đáng sợ. Những cặp mắt thú dữ tối sầm trong hoang mang, nghi ngại rồi sáng lên tàn độc. Thanh gươm trong tay tôi lướt đi, mười con mắt cá sấu tóe máu. Chúng đau đớn rú lên những hồi ngắn lảnh lói báo động cả đầm nước lợ. Lau sậy chuyển mình như sóng, vợ con nhà Lung đang kéo tới bày cuộc huyết hải trong đêm tử nguyệt. Bọn súc vật đã biết trước ngày giành quyền chúa tể. Nhưng tôi không muốn cảnh giết chóc ở đây, đầm lầy này đã có quá nhiều chuyện sanh sát. Tiếng cụ Tông thở dài, “người nhiều tình cảm quá khó làm được việc lớn”.

Con Lung chột mắt lùi lại, mấy con cá sấu chột mắt khác lùi lại, tôi cũng lùi lại. Những bộ mặt cá sấu bây giờ một nửa tím tái, một nửa ràn rụa đỏ. Mùi máu cá tanh tưởi bốc lên. Tôi gầm lên một tiếng đe dọa rồi quay lưng phóng chạy trên con đường rải hoa mậu ma. Những khúc cây khô hung hăng trườn đuổi phía sau. Chỉ cần một cái sẩy chân là tôi biến mất khỏi cuộc đời u uẩn này. Nhưng tôi chạy nhanh lắm, đàn cá sấu thương tật bị bỏ lại phía sau. Không phải tôi sợ hãi, mà nỗi nhớ nhung giục tôi chạy đi tìm Kan. Tiếng thở dài vẫn văng vẳng bên tai, “người nhiều tình cảm quá khó làm được việc lớn”. Tôi biết cụ Tông muốn gì khi trao thanh gươm cho tôi, nhưng cụ chọn nhầm người rồi. Tôi không thích chuyện sanh sát, không ưa chuyện tranh giành quyền lực, trong lòng tôi đầy ắp tình yêu.

Ngôi nhà quen thuộc của Kan hiện ra như trong mọi giấc mơ trước đó. Đêm nay tôi không háo hức ùa vào nhà, ôm lấy Kan, vùi vào lòng anh. Chắc là anh không chờ tôi, Kan không tin một mình tôi có thể vượt qua đầm lầy. Anh thường chế giễu sự yếu đuối của tôi một cách tàn nhẫn, những khi ấy tôi lại nép sâu hơn vào lòng Kan tìm hơi ấm và sự che chở. Vách tường nhà Kan treo đầy những bộ da cá sấu, chúng đong đưa giả trá. Kỳ lạ, đã bao nhiêu lần tôi đến đây, bỗng dưng đêm nay lại thấy những bộ da cá sấu đong đưa. Kan thường kiêu hãnh bảo, cá sấu cũng sợ sự tàn bạo của Kan, chúng không bao giờ bén mảng đến đây. Kan kể về những con cá sấu hung tợn nhất và tự cho mình là chúa tể của đầm lầy. Chưa bao giờ tôi cãi lời Kan, tôi chỉ ngoan ngoãn mỉm cười và đắm chìm trong cơn bão yêu đương.

Tôi chậm rãi đi lên bậc thềm, để nỗi nhớ của mình tan chảy như sương. Ánh trăng tím soi một vùng sáng nhạt trên những lùm cây câu kỷ tử. Quanh nhà Kan trồng toàn câu kỷ tử, mùa thu trái ngọt dịu dàng. Ánh trăng soi trên vách nhà, bỗng một tia sáng yếu ớt lóe lên. Nó mong manh lắm, nhưng đủ làm tôi giật mình. Tôi sững người nhìn lên xà nhà, thoạt đầu là ngạc nhiên và rồi nỗi đau kéo qua lòng như sóng lũ.

“Tại sao”?

Bên hiên nhà của Kan, ngọn đèn bão đong đưa trong vùng tối. Ánh trăng soi qua lớp kính, phản chiếu tia sáng mong manh. Ngôi nhà duy nhất ở hướng đông là đây. Ngọn đèn dẫn đường cho lũ ăn cướp là đây. Tôi nghẹn ngào ôm ngực, nước mắt tuôn trào. “Tại sao anh lừa dối em”?

Kan, tại sao anh lừa dối em.

Trong nhà vắng lặng, tối tăm. Đống tro bếp vẫn còn chút than đỏ. Tôi bỏ cỏ khô vào lò, thổi mồi lửa. Ngọn đuốc sáng tỏ soi lên tổ ấm của tôi và Kan. Nơi góc nhà êm đềm kia hai đứa từng có những giờ phút say đắm bên nhau. Tôi nhìn thật lâu những kỷ niệm yêu thương của mình rồi cầm đuốc đi ra.

Lửa lan đi rất nhanh trên mái nhà cỏ, khói đen bốc lên từng cụm, thoáng chốc ửng đỏ trong gió. Những bộ da cá sấu làm bằng giấy cói bốc cháy. Tình yêu dối lừa bốc cháy. Sự phản bội bốc cháy. Con tim cuồng nộ bốc cháy. Tất cả ngùn ngụt cháy. Ánh lửa soi đỏ cả một vùng đầm lầy.

Không gian lại im ắng ghê rợn, tiếng ếch nhái lặn chìm đi đằng nào.

Thoảng trong gió xa là tiếng vó ngựa, tiếng huýt sáo săn mồi của bầy cá sấu. Bọn chúng đang tìm đến. Tôi rút thanh thiên tuế ra, đứng giữa sân bình thản chờ đợi.

                                                                                                                 Berlin, 07. 01. 2024