Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Trần Dần ở giữa ngã tư (3)

 Thái Kế Toại


Hoài Thanh đánh

Ngày mùng 1 tháng 3 năm 1956, báo Văn nghệ số 110 có đăng bài Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần do Hoài Thanh viết.

“Toàn bài của Trần Dần toát ra một sự hằn học sâu sắc đối với chế độ tươi sáng ở miền Bắc, đối với sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, thống nhất của nhân dân ta. Tôi không kết luận về người. Tôi chỉ căn cứ vào bài văn. Tự nó, bài “Nhất định thắng” trong lời và chữ của nó, chứa đựng những tư tưởng phản động, đứng về phía địch chống lại nhân dân ta, chống lại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong nền văn nghệ chúng ta đầy tin tưởng ở hiện tại và tương lai của chế độ, của dân tộc, bài “Nhất định thắng” của Trần Dần thật đúng như lời đồng chí Nguyễn Tuân nói, là một thứ mụn lở trên một cơ thể lành mạnh.

Nhưng chúng ta vốn đã biết trong cuộc đấu tranh quyết liệt của chúng ta, những phản ứng như vậy của tư tưởng địch là chuyện tất nhiên. Nó tuyệt đối không thể cưỡng lại sức mạnh của chính nghĩa, của nhân dân đang tiến mau như thác cuốn.”

Gió lật chiều: Nhận lỗi

Sau lớp học 18 ngày do Nguyễn Hữu Đang tổ chức, bước đầu khuynh hướng cấp tiến thắng thế trong một bộ phận lãnh đạo và văn nghệ sỹ. Hoài Thanh đã phải viết bài Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần. Bài viết này được đăng trên báo Văn nghệ ngày 20.9.1956.

“Tôi đã không làm như thế. Thường vụ Hội Văn nghệ tổ chức cuộc họp để phê bình bài “Nhất định thắng”. Kể muốn tập trung vào một bài mà phê bình cũng được. Nhưng ý thức của tôi trong khi tham gia điều khiển cuộc họp ấy là muốn cô lập anh Trần Dần và tranh thủ những người khác có bài trong Giai phẩm. Cái lối cô lập và tranh thủ ấy dựa trên ý định lấy nhiều người đàn áp một người là một điều trái với nguyên tắc đấu tranh tư tưởng.
Hôm ấy lại không có mặt anh Trần Dần hình như lúc bấy giờ anh còn ở nông thôn nhưng chúng tôi không hề nghĩ đến việc cần phải tìm anh về và mời anh phát biểu. Cuộc phê bình rõ ràng là không bình đẳng.
Nhất là chúng tôi trong chủ tịch đoàn lại không hề uốn nắn nhiều lời phê bình quá đáng. Nên trước sau hội nghị chỉ phát biểu một chiều.
Vẫn sự lầm lẫn nghiêm trọng ấy trong bài phê bình của tôi đăng trên báo Văn nghệ. Trong bài này tôi đã nói: tính chất phản động của bài “Nhất định thắng” bài “Nhất định thắng” chứa đựng những tư tưởng phản động, v.v. Tôi đã dùng hai chữ phản động không cân nhắc. Nhưng thực ra không phải chỉ là vấn đề dùng chữ. Toàn bài phê bình của tôi đều cùng một tinh thần ấy. Tôi nói tôi không kết luận về người chẳng qua chỉ có nghĩa là tôi không nói anh Trần Dần là ở trong một tổ chức của địch. Kết luận thế nào được? Có chứng cớ gì đâu mà kết luận? Nhưng trong ý nghĩ của tôi thì đúng là địch rồi dầu chưa có thể kết luận là ở trong một tổ chức địch. Tôi nhặt từng câu từng chữ để chứng minh rằng tác giả đã cố ý nói xấu chế độ ta cố ý vu khống miền Bắc. Nay tôi bình tĩnh đọc lại bài “Nhất định thắng” thì thấy tuy có câu không được rõ nghĩa nhưng không có gì để kết luận như thế. Không có chứng cớ mà kết luận như vậy thực là coi rẻ một cách quá đáng sinh mệnh chính trị của một người. Do đâu mà tôi đã kết luận như vậy?
Phải trở lại hoàn cảnh đầu năm nay. Lúc bấy giờ là lúc mới bước vào Cải cách ruộng đất đợt 5 chúng ta bắt đầu đánh vào dinh lũy cuối cùng của đế quốc phong kiến ở miền Bắc. Trước nguy cơ bị tiêu diệt địch phá hoại điên cuồng. Nhưng có khi chúng ta đã đánh giá địch quá cao tưởng chừng như chỗ nào cũng có địch. Riêng trong địa hạt văn nghệ những tin tức về vụ Hồ Phong bên Trung Quốc cũng vừa truyền sang. Trong trí tôi nẩy ra ý nghĩ: Trung Quốc có Hồ Phong biết đâu chúng ta lại không có một Hồ Phong. Rồi một số dư luận về những quan hệ gia đình và xã hội của anh Trần Dần trong quá khứ và trong hiện tại tuy không có căn cứ gì nhưng cũng đã ảnh hưởng đến tôi. Hơn nữa cái không khí phẫn nộ chung đối với bài “Nhất định thắng” và một số bài khác của anh Trần Dần như bài “Anh Cò Lấm”  đăng trên báo Tổ quốc nhất là việc có người đọc Giai phẩm tức quá xé ngay làm cho tôi càng thêm yên trí.

Sự yên trí ấy làm sai lạc cả nhận xét của tôi. Lúc đầu đọc bài “Nhất định thắng” tôi chỉ có cảm giác đây là một tâm trạng âm u điên loạn không chịu được ánh sáng của chế độ ta nhưng chẳng mấy chốc tôi đã chuyển sang nghĩ đây là một sự cố tình vu khống.
Làm cái việc phê bình mà mang sẵn thành kiến trong mình lại dựa dẫm vào ý kiến chung quanh không thực sự cầu thị không bình tĩnh suy xét thì thật là nguy hiểm nhất là khi đứng trong cương vị lãnh đạo thì lại càng nguy hiểm.
Bài phê bình của tôi đăng báo hồi tháng 3 đến tháng 4 Đảng phê bình chúng tôi tôi bắt đầu thấy sai nhưng vẫn xem rất nhẹ cái sai của mình. Sau đó chúng ta học tập nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 một luồng gió mới thổi rất mạnh vào trong Đảng và trong nhân dân. Liền đó là lớp học lý luận văn nghệ do Hội tổ chức; dưới ánh sáng của những nguyên tắc cơ bản về văn nghệ anh em văn nghệ phê bình việc này rất sôi nổi. Lúc bấy giờ tôi mới đo được cái sai lầm của tôi. Nhưng đi theo với những lời phê bình rất chính đáng cũng có nhiều những lời đả kích những lời bịa đặt. Tôi nổi tự ái lên tôi không tự phê bình. Rồi những công việc sự vụ hàng ngày lôi cuốn tôi đi. Tôi cứ thế buông xuôi. Mãi đến hôm Quốc khánh vừa rồi ở Quảng trường Ba Đình trước hàng chục vạn đồng bào Hồ Chủ tịch sau khi nhắc lại những thắng lợi của ta nói rõ ràng cái điều trước đó đã đăng báo nhưng hôm ấy tôi nghe như rất đột ngột là ta cũng đã phạm những sai lầm lớn tôi cảm thấy sâu sắc cái vĩ đại của chế độ của Đảng đang vươn mình lên trên mọi sĩ diện tự ái động cơ cá nhân nhỏ nhặt để sửa chữa khuyết điểm khắc phục khó khăn đưa nhân dân đến những thắng lợi mới. Tôi thấy tôi không thể nào không đấu tranh quyết liệt với mình để góp phần vào sự nghiệp chung của Đảng.
Nhưng nghĩ lại đấu tranh với sai lầm của người sao mà tôi vội vàng thế đến khi đấu tranh với sai lầm của mình lại chậm chạp thế? Và cả hai thái độ trên đây đều đã gây rất nhiều tai hại.
Trước hết tôi đã làm cho nhiều người nhất là những bạn đọc ở xa không hiểu rõ đầu đuôi cũng nhận định sai lầm như tôi. Thật là một điều oan ức đối với anh Trần Dần. Không có một chứng cớ gì rõ rệt mà đã bị buộc tội trên mặt báo trước hàng vạn người! Một đồng chí Trung ương Đảng nói: “Gắn một chữ phản động vào tên người ta như vậy là một điều đến mấy đời sau này con cháu người ta còn lấy làm khổ”. Tôi rất thấm thía về điều này.
Sự lầm lẫn bạn thù trong việc phê bình còn gây một không khí e ngại không có lợi. Có người đã phải nói: “Làm văn nghệ khó thật”. Người sáng tác cũng như người biểu diễn có có được cái tư thế của những con người hoàn toàn giải phóng thì công trình sáng tác biểu diễn mới có điều kiện thực sự thành công.
Một điều tai hại hơn nữa là những sai lầm của tôi cùng với những sai lầm khác có thể làm cho một số người hiểu lầm về bản chất của văn nghệ ta là nền văn nghệ hoàn toàn tự do thực sự tự do đầu tiên trong lịch sử văn nghệ Việt Nam.
Những sai lầm của tôi trong cuộc phê bình bài “Nhất định thắng” đối với tôi là một bài học lớn.”

Những người viết bài đánh Trần Dần

So với những yếu nhân của Nhân văn Giai phẩm, Trần Dần được coi là đối tượng cốt cán bị rất nhiều bài đấu tố. Trong đó nhiều người vốn là bạn thân của ông.

Huy Vân viết bài Một tâm hồn đồi trụy: Trần Dần đăng trên tờ Nhân dân, ngày 25-4-1958:

“Nhiều người ở Nam Ðịnh đều biết Trần Dần là con một nhà địa chủ và tư sản đã dựa vào thế lực thực dân để bóc lột nhân dân lao động. Sống trong một gia đình “ngồi mát ăn bát vàng” như vậy, Trần Dần đã sớm đi vào con đường truỵ lạc, bê tha. Khoảng từ năm 1943, Trần Dần đã là học trò của một bọn văn sĩ tơ-rốt-kít.
Cách mạng tháng Tám thành công, trong lúc số lớn thanh niên ta đều đem trái tim và tuổi trẻ của mình cùng với cha, anh đón chào thắng lợi của cách mạng, thì “trái tim, khối óc” của Trần Dần vẫn ngập trong khói thuốc phiện. Ở Hà Nội cuối năm 1946, cả dân tộc sắp đi vào kháng chiến toàn quốc, thì Trần Dần cùng với Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch đã lập ra nhóm “thi sĩ tượng trưng” viết báo Dạ Ðài để cho ra cái tuyên ngôn ngày 16-11-1946 với những câu: “Chúng tôi, một đoàn vong gia thất thổ, đã đầu thai nhằm lúc sao mờ...”. Rồi giữa đêm 19 tháng Chạp, trong lúc bộ đội và nhân dân thủ đô xông vào khói lửa chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, thì Trần Dần và những kẻ cùng nhóm vẫn còn chạy chọt để hòng cho ra số 2 của báo Dạ Ðài sặc mùi thuốc phiện! Những việc kể trên đây có thể tóm tắt phần nào cái thái độ lạc lõng xa lạ của Trần Dần đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của toàn dân ta. Trần Dần cũng đi vào kháng chiến, nhưng vẫn không chịu từ bỏ những quan điểm nghệ thuật sa đoạ của hắn. Trong “Nhóm văn nghệ Sơn La”, hắn đã vẽ toàn lối tối tăm khó hiểu, biến hình ảnh anh dũng và đẹp đẽ của bộ đội ta thành những hình thù rất quái gở, làm thơ cũng vậy. Ở Sơn La, cái lối sống và quan niệm sáng tác đã đưa Trần Dần đến nhiều sai lầm, bị thi hành kỷ luật.
Mặc dù tư tưởng của Trần Dần có nhiều bê bết của cái cũ, Ðảng và quân đội ta vẫn hết lòng giáo dục, cải tạo. Chính vì muốn cải tạo Trần Dần có kết quả hơn, mà sau các kỳ chỉnh huấn, tổ chức của ta đã giúp cho hắn đi vào thực tế chiến đấu của bộ đội, tạo điều kiện cho hắn viết được cuốn Người người lớp lớp với ít nhiều tiến bộ về nội dung, song nghệ thuật vẫn còn non kém. Với cuốn sách đó, đáng lẽ Trần Dần phải tự thấy mình còn phải cố gắng nữa, nhưng trái lại, hắn đã vội dương dương tự đắc, lấy đó làm cái vốn để yêu sách Ðảng và quân đội.”
Hữu Mai, một người bạn cùng quê và rất thân Trần Dần trong quân đội viết bài Để rõ thêm chân tướng phản động của Trần Dần trên tờ Văn nghệ Quân đội số 5, tháng 5/1958:

“Trần Dần đã phản bội lại quyền lợi của nhân dân không phải vì ngẫu nhiên.
Bản thân gia đình Dần, cái nôi chăm ẵm Dần từ khi lọt lòng, là một cuộc chống đối nhau kịch liệt để tranh giành quyền lợi giữa những kẻ cùng sống trên mồ hôi nước mắt của người khác; quan hệ vợ chồng, cha con, anh em nhiều khi rất tàn nhẫn. Mẹ Dần, người Dần yêu quý nhất, hồi đầu chiến tranh sau mấy tháng tản cư, quay về thành phố thấy mấy chục ngôi nhà bị bom đạn tàn phá, đã tiếc của phát điên mà chết. Cùng với những tư tưởng ăn trên ngồi trốc hưởng lạc đồi trụy, Dần còn mang thêm trong dòng máu một sự hằn thù giai cấp. Trước cách mạng, cái xã hội do đế quốc thống trị đã bước vào thời kỳ phát-xít, chỉ cho phép Dần phá phách và mưu đồ danh vọng bằng cách làm thơ lập dị (thực tế chỉ là học mót tư tưởng nghệ thuật quẫn loạn mới nhập cảng của giai cấp tư sản phương Tây), và trốn vào sinh hoạt sa đoạ nhầy nhụa, để thoả mãn mọi dục vọng điên cuồng của mình.
Dần đã mang tất cả những cái đó đi vào cách mạng. Với những điều kiện thực tế tham gia kháng chiến của Dần, chất thù địch trong người Dần mới chỉ co lại.
Về Hà Nội, con người cũ của Dần hồi sinh mau chóng. Vì bị dồn ép một thời gian khá dài, nó bật tung ra. Gặp khi cách mạng vấp khó khăn, các tư tưởng phản động của bọn Hồ Phong, trốt-kít, của bọn “xét lại” quốc tế, bọn gián điệp đế quốc, bọn tư sản phản động, cũng đang quẫy, Dần hút những cái đó vào mình như nam châm hút sắt. Dần đã phá phách hung hãn. Được ngụy trang bởi cái áo khoác “10 năm kháng chiến”, đeo thêm cái chiêu bài bịp bợm ”chống công thức tìm cái mới”, Dần càng có điều kiện tác hại.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong một thời gian khá dài, Trần Dần đã chạy theo bọn thù địch điên cuồng chống phá lại chúng ta.”

Đỗ Nhuận một người bạn trong quân đội đã cùng Trần Dần ký tên vào Bản kiến nghị đồi thay đổi đường lối lãnh đạo văn nghệ trong quân đội cũng viết bài Bộ mặt thực của Trần Dần trong nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm trên Văn nghệ số 12, tháng 5 năm 1958:

Xuất thân từ một gia đình địa chủ kiêm tư sản có nhiều ruộng muối, có nhiều nhà cho thuê ở Nam Định và cho thuê xe tay, bản thân lại đi thầu khoán, Trần Dần đã ăn chơi trụy lạc từ hồi còn ít tuổi.
Trần Dần đọc nhiều sách Tây trụy lạc, và đã nhiễm phải những tư tưởng phản động của sách báo tư sản phản động Pháp từ hồi đó.
Năm 1946 sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Dần cùng bạn bè lập ra nhóm “thi sĩ tượng trưng” và tờ báo Dạ đài. Nhóm này chuyên hút thuốc phiện, chơi gái và làm thơ trụy lạc, bế tắc điên cuồng, giữa không khí cách mạng sôi nổi, lại có một tờ báo lạc điệu như vậy, có người đã phải gọi tờ báo này là tờ Dạ đái, ra được một số rồi chết.
Toàn quốc kháng chiến, Trần Dần về Nam Định làm công tác thông tin. Nhờ hoàn cảnh kháng chiến và nhờ sự dìu dắt của Đảng, năm 1948 Trần Dần vào bộ đội Sơn La, làm cán bộ tuyên truyền mặt trận Sơn La, nộp đơn xin vào Đảng và được Đảng kết nạp.
Do hoàn cảnh kháng chiến, không có điều kiện ăn chơi, nhưng với cái đuôi nghệ thuật tư sản cũ vẫn thòi ra trong thời kỳ ở nhóm văn nghệ “Sông Đà” ví dụ: làm thơ bí hiểm, vẽ tranh theo lối góc cạnh rất bị quần chúng phản đối.
Năm 1951, sau khi dự một lớp chỉnh huấn có kết quả, Trần Dần được điều về ban phụ trách đoàn văn công quân đội, có địa vị, sinh ra độc đoán, đả kích cán bộ sáng tác, chụp mũ diễn viên, khi định yêu một chị nữ diễn viên Trần Dần nói bịp là: “tôi rất trong sạch về chuyện ái tình”. Bị thi hành kỷ luật, Trần Dần về cục tuyên huấn viết báo và trong chiến dịch Điện Biên Phủ viết được quyển truyện Người người lớp lớp.
Khi hòa bình lập lại, Trần Dần hiện nguyên hình là con người trụy lạc phản động.”
Ngoài ra còn Từ Bích Hoàng một người bạn bạn trong Phòng Văn nghệ Quân đội với bài Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số cầm đầu trong nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm. Nhà thơ Huyền Kiêu có bài Con người Trần Dần - một thủ đoạn chính trị bất lương của nhóm “Nhân văn”.

Ý chí sắt đá vì chân lý

Nhà văn phải phục tùng sự thực hay phục tùng chính sách, chỉ thị, phục tùng tuyên huấn? Trần Dần trả lời:

“... Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào... Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách. Không bao giờ được biến chính sách, chỉ thị thành định kiến “đinh ninh”... [...]

“... Người viết chỉ viết do thôi thúc của thực tế. Những chân lý lớn, nhỏ, anh ta tự giác thấy ở cuộc sống, ở quân đội. Không phải viết để vừa lòng Tuyên huấn, vừa lòng cấp trên. Để có cái danh phục vụ kịp thời. Một triệu lần, không có mùi mè giác ngộ, phục vụ gì cả! Cái áo không thể che được mùi thối trong ruột. Cách mạng không cần những người vỗ tay hoan hô nhắm mắt. Những anh hót ca chính sách. Thậm chí những anh “thày cúng chính sách”, leng keng bóp méo, nghèo nàn... [...]

“... Liệu cứ viết như một anh thày cúng ê a căm thù yêu nước xông lên, có phải là trách nhiệm không?”

Tập Trần Dần ghi 1954-1960 là một trong những tư liệu do nhà xuất bản Văn Nghệ tại California in năm 2001.

Sự ghi ấy đến với chúng ta như thế nào, sau nửa thế kỷ? Nó cho biết một phần sự thật về thế giới đã bị chôn vùi, dĩ nhiên là dưới con mắt chủ quan của người ghi. Một sự chủ quan đầy ý nghĩa vì đây là những hàng nhật ký chứ không phải hồi ký. Đây là những ghi chép hàng ngày, tại chỗ, còn nóng hổi, chỉ để giúp trí nhớ của riêng mình, không có hậu ý cho người khác đọc. Mà dù có muốn người khác đọc, thì cũng không chắc có một ngày người ta sẽ đọc. Bị xếp trong hòm, nó còn mang tính cách trăng trối, trăng trối với mình, trăng trối với người, trăng trối với nghệ thuật. Vì không cốt yếu viết cho “người khác” đọc, cho nên nó không cần phải “làm đẹp” lên hoặc “làm xấu” đi, không phải giả đò tự phê phán mình để tỏ niềm trung thực, như một số hồi ký viết về thời kỳ này, cốt viết và in cho người khác đọc.

Trần Dần ghi:

Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã mất mát và thu hoạch được những gì. [...] Tôi nói rằng chúng ta mất nhiều hơn. Tại vì tôi nghĩ tới chiến tranh và tội ác của nó. Và tại vì tôi so sánh những cái thu hoạch 9 năm chiến tranh vừa qua với những cái thu hoạch lớn hơn gấp bội nếu 9 năm qua là 9 năm kiến thiết Hoà Bình. [...] Vì thế tôi muốn viết nhiều, muốn viết những cái tôi chưa dám viết. Và tôi muốn viết không có kiểm duyệt. [...]

Tôi vừa viết xong cuốn “Người người lớp lớp”. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi đã chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi thấy ít sự thực của bản thân trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh và chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: “Anh đã thấy” (mes douleurs) trên dưới có 6 trang! Vài trang thơ này tôi còn thấy chiến tranh nhiều hơn, và thấy tôi nhiều hơn 300 trang “Người người lớp lớp”.

[...] Tôi muốn tả những người chiến sĩ. Người rất già người rất trẻ. Người bần cố và người con địa chủ. Người con tư sản và người công nhân. Người học sinh và người không biết chữ. Người đã làm sư và người đi ăn cướp. Người đi buôn và người đã bị buôn. Người đã lừa lọc và người đã bị lừa lọc. [...] Người anh hùng và người dút dát. Người lấy súng bắn địch và người lại lấy súng tự thương. [...] Người thuần, người ngổ ngáo. Người chỉ biết phục tùng, người hay cãi bướng. Và đa số là ngại học tập, ngại nghe đả thông. Ngại nghe cán bộ nói nhiều. Ngại bị “nắm tư tưởng”. Nắm, nắm con cặc.

[...]

Tôi nghe người ta nói đừng viết cuộc sống telle qu'elle est (chú thích: cuộc sống như nó đang diễn ra) mà phải viết la vie telle qu'elle doit être! (cuộc sống như nó phải được diễn ra) - Tôi lại hiểu rằng: viết cuộc sống telle qu'elle est tức là viết cuộc sống telle qu'elle doit être.- Tôi hiểu rằng không có gì đẹp hơn, không có gì cao cả hơn, không có gì cộng sản hơn là: Sự Thực không tô điểm, Sự Thực trần truồng. Và cũng không có gì xấu hơn, không có gì yếu ớt hơn, phi cộng sản hơn là Sự Thực tô điểm, Sự Thực mặc áo hồng, áo xanh, áo hoa. Tôi nói rằng, dù áo hoa đó thích hợp, dù sự tô điểm đó là tô theo phương hướng thực của cuộc sống thực, thì cái áo đó và sự tô điểm đó vẫn cứ là không đáng tán thành. Cuộc sống cởi truồng, nó có ý nghĩa như những sự tô điểm và những bộ áo đẹp và lý tưởng nhất. Màu da của cuộc đời toute nue, đó là tất cả các bộ áo của trần gian rồi [...]

Chính vì vậy tôi muốn viết chiến tranh telle qu'elle est. 10 cây số máu. Xương phơi đầy đường. Người đáng sống thì chết. Kẻ đáng chết thì sống mãi. Tôi tưởng rằng, nếu mà nói giáo dục, thì không gì giáo dục hơn là sự thực ở trần. Chiến tranh cởi truồng là có thể giáo dục Chiến tranh, lại giáo dục cả Hòa Bình [...]

Cho nên tôi rất muốn viết về chiến tranh. Viết thật trần truồng. Không gì lớn hơn Sự Thực. Vì vậy cho nên không bao giờ tôi viết được Sự Thực [...] Nhưng mà cũng không bao giờ tôi lại không muốn tả cho đúng Sự Thực.” (trích những dòng ghi từ 16/9 đến 1/10/54, trang 43-48).

Lời ghi trên đây là một tuyên ngôn trần trụi về mục đích của văn học, về nhân cách của nhà văn. Suốt cuộc đời, Trần Dần đã tôn trọng nó: ông đã ghi lại cuộc sống của mình, của những người xung quanh, bằng trái tim, một trái tim dù bị dìm dẫm, bằm vặp, nhầu nát nhưng vẫn giữ tròn nhiệm vụ lọc máu để nuôi sống con người.

Bi kịch nội tâm hay con người mềm yếu

Trong hai lớp học kiêm đấu tố ở Thái Hà, trước áp lực của cái nồi áp suất tập thể rất kinh khủng nhóm chủ chốt Nhân văn đã đầu hàng. Mặc dù sau này các ông nói là giả hàng nhưng chết nỗi sự giả hàng lại rất thành khẩn, tội lỗi được nhận lớn hơn cái nó vốn có. Vừa hài kịch vừa bi kịch! Trần Dần là một điển hình cho sự phân thân đó.

Trong nhật ký Trần Dần ghi ông ghi lại rằng sau khi đi học chỉnh huấn chính trị, ông đã nhận ra việc Nhân văn Giai phẩm lợi dụng văn nghệ để hoạt động chống đối chính trị, và tỏ ra hối hận khi tham gia phong trào này:

Nhân văn Giai phẩm thế là đã đứng về phe tư bản chủ nghĩa, phản đối xã hội chủ nghĩa; hơn thế, lớp học trình bày sự thực, làm cho tất thẩy đều thấy rõ chân tướng bọn cầm đầu Nhân Văn - Giai Phẩm, đó là một công ty phá hoại bao gồm những kẻ phản cách mạng, đứa là phần tử Quốc Dân Đảng cũ (Phan Khôi), đứa là mật thám (cho Pháp) trước đây, đứa là tên bất mãn chống Đảng có lịch sử, đi đến chủ nghĩa trotskisme (Nguyễn Hữu Đang)... chúng ngoặc với bọn trotkistes Trương Tửu, Trần Đức Thảo, và với bọn gián điệp vẫn liên lạc với mật thám Pháp Sainteny, là Thụy An

Sớm mai toà xử Thụy An gián điệp và Nguyễn Hữu Đang phá hoại... Tôi đã từng có đứng với nhóm do Đang cầm đầu. Tôi đã ly khai với “lý tưởng” (Nhân văn Giai phẩm) đó... Đang đã thấy cái sai lớn của Đang chưa? [...] Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này. Chao ơi!

Về những sôi động ở Thái Hà ấp, ngày 16/4/1958, Trần Dần ghi:

Hiện nay Nguyễn Hữu Ðang, Thụy An, Minh Ðức đã bị bắt, chẳng bao lâu sẽ ra tòa. Báo chí vẫn tiếp tục diệt đánh Nhân Văn Bộ 6 Giai Phẩm Mùa Xuân [Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Ðạt, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tử Phác]. Bộ 6 đã buông nhau ra. Bọn Nhân Văn Giai Phẩm cũng ô-rơ-voa nhau hết [...] Sỹ Ngọc đóng cửa, miễn tiếp khách. Bản thân tôi, do chỗ đã tự giác đình bản tư tưởng thù địch (thứ tự giác kết quả của áp lực...) nên mọi mặt khác, tôi cũng đình bản cả giao du, đình bản cả việc viết lách. Có nên đi gặp những đồng chí lãnh đạo để hỏi những việc cần phải làm không? Ði thì lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nếu ngồi nhà, tiêu cực đợi, có khi còn bị hiểu lầm gấp bội. [...]

Bọn Ðang - Minh Ðức - Thụy An thân thì bị cầm tù, tội ác thì đem bêu đầu trên báo chí. Vai trò của bọn chúng trong các vụ phá hoại 3 năm đang được vạch trần. Phan Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo. Trương Tửu, Trần Ðức Thảo làm gì? Còn cả loại B chúng tôi hiện ra sao? Làm gì? Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Ðạt đang tiếp tục kiểm thảo ở cơ quan, cùng với những Quang Dũng, Trần Lê Văn, v.v...

Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình. [...] Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ [...] Tôi vừa là một tội nhân, vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn.” (trang 244, 245- 260)

Phải nhận tội, phải cắt bỏ những suy nghĩ ưu tú của mình, phải tự chửi rủa mình, phải tìm gặp lãnh đạo, phải tố cáo bạn bè để xin một chút ơn huệ thừa, nhưng rồi cũng không ai thoát được guồng máy, không ai tránh khỏi bị ninh rừ.

Con người Nhất định thắng ấy, sau trận đánh Thái Hà, đã thua, đã hàng, đã nhận tội, đã ly khai những lý tưởng ngày trước, đã phải đứng về phía bên này, để nhìn “bọn” bên kia: gồm những “tên thủ lĩnh chủ nghiã xét lại” Nguyễn Hữu Đang, “tên phá hoại” Minh Đức, “con mụ gián điệp” Thụy An... đã xuống đến nấc thang cuối cùng của sự “giẻ rách hoá” con người.

10/12/ 59, Trần Dần ghi:

Người có một cái gì văng vắng. Tôi đã có đứng với nhóm Ðang cầm đầu. Tôi đã ly khai với “lý tưởng” đó. Cả khi đứng ở đó, cả khi ly khai, cả bây giờ, tôi vẫn cứ rớm máu. Chao ơi! Con đường để đi đến chỗ “Đúng” mới nhiều máu làm sao? Tương lai có để dành cho tôi nhát dao nào nữa không? Đang đã nhìn thấy cái sai lớn của Đang chưa?[...].

Ngoài trời mưa bụi. Rét xoàng. Không có gió. Ðôi lúc vài tiếng chuông xe đạp. Năm nay rét muộn. Ðang ra tòa cuối năm. Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này. Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ “Ðúng” mới nhiều máu làm sao!” (Trần Dần ghi, trang 376)

Trích:

Tôi là cái gì?

Trước Cách Mạng, tôi là một thứ hổn lốn phản động của những tư tưởng tư sản, địa chủ: hưởng lạc đến đồi trụy, hám danh to đến bệnh “vĩ đại cuồng”, vô chính phủ đến phá phách mọi trật tự, thoát ly đến rơi vào sinh hoạt sa đọa, và đi vào các trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tượng trưng, lập thể, siêu thực và vào triết học ru ngủ tối phản động của Bergson.

Trong Kháng Chiến, con người phản động đó bị trấn áp, hoàn cảnh chiến tranh và chân lý vô sản đè cổ nó xuống, nhưng việc nạo rửa mới chỉ được một phần nào.

Trở về hòa bình, nhân cơ hội cách mạng gặp khó khăn khắp thế giới và trong nước, lại gặp hoàn cảnh một thành phố “Mỹ hóa” như Hà Nội, tức thì con người phản động cũ của tôi nó lộn lại. Nó không hiện nguyên hình như cũ, mà khoác áo mới, những “chống công thức”, “đi tìm cái mới”, thực chất đó chỉ là cái vỏ che đậy cho cái ruột thối của chủ nghĩa xét lại và tư tưởng trotskiste. Con người phản cách mạng như thế phát triển với tốc độ “tử vì đạo”, nó phá phách khi hung hãn, khi tinh vi mọi cản trở, tức là mọi nguyên tắc và lý luận cách mạng, nó húc đầu bướng bỉnh và tàn nhẫn vào quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Nó đấu tranh ở bộ đội, ra Giai Phẩm Mùa Xuân, làm thơ phá hoại, đứng cùng hàng ngũ bọn NVGP, bắn lại cách mạng, bắn lại Ðảng, trong khi Ðảng vẫn dang lớn hai cánh tay kêu gọi nó lộn về, ngực Ðảng hở, vô tình, bị viên đạn nhẫn tâm nó bắn đến bị thương.

Không thể đếm hết được những viên đạn ròng rã trong ba năm qua tôi đã bắn vào Ðảng, khi thẳng mặt, khi bắn sau lưng, lợi dụng tình thương của Ðảng mà phản bội. Cứ thế, đối Ðảng, đối nhân dân, đối bạn bè, đối gia đình, đối văn học, tôi đã gây biết bao tình tội, mà suốt một đời còn lại, làm việc và ăn năn hết lòng, cũng khó mà xóa đi cho hết.”

Thụy Khuê trong Trần Dần, mỹ học khổ đau (http://thuykhue.free.fr/tk04/trandan1.html) viết:

“1958, "Ghi trở nên một hình phạt". Nhưng vẫn ghi. Cuốn sổ 1958 ghi lại con đường nhiều người muốn ngoi lên để đi đến chỗ "Đúng". Ai cũng muốn tìm một đường "máu" để thoát thân: biết đâu Đảng chả đoái thương mà nghĩ lại? Phương tiện nào cũng tốt kể cả "khai". Cả "tố". Bao nhiêu khuôn mặt đã bước trên con đường "nhiều máu "ấy. Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã đạt được sự "Đúng " ấy. Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã vo ve sự "Đúng" ấy. Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã "Sai ". Trần Dần vẫn ghi. Cả đúng lẫn sai đều lầm than, đều dần đi tới chỗ tha hóa. Họ tan tác cả.”

[…]

“Những người "Nhân Văn" không chết, nhưng họ bị rút máu, rút gân, rút dần sinh lực. Họ đều rời rã, đều muốn đầu hàng, nhiều người đã đầu hàng. Họ muốn được lãnh đạo thương xót, họ muốn được lãnh đạo đoái thương. Họ đã xuống đến đáy vực thẳm, họ chịu hết nổi. Họ sẵn sàng "chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa" nhưng người ta vẫn lạnh lùng quay đi. Người ta vẫn không cho ngoi lên. Cái phận người nhỏ nhoi. Cái phận người Nhân Văn phải đi vài sa lầy, phải lún xuống, phải chịu nhận cái thời không nhân văn của dân tộc mình. Câm và điếc. Như là đã chết. Và điều đó chỉ có mỹ học khổ đau của Trần Dần mới viết nên được”.

Một sự kiện đáng ghi nhớ về 30-4-1975

Tôi được đọc một bức thư của Trần Dần gửi một lãnh đạo sau ngày 30- 4- 1975 trong hồ sơ.

Đây là một đoạn:

Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút... Tôi hy vọng... vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng...

Tôi vẫn hy vọng. tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù là bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn...

Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc. Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại... Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức.

Cũng như Trần Dần những văn nghệ sỹ bị án về Nhân văn Giai phẩm đều có hy vọng như vậy. Văn Cao đã viết bản nhạc Mùa xuân đầu tiên.

Tiếc rằng lãnh đạo đất nước và những người đứng đầu nền văn hóa, văn nghệ đã im lặng. Không có ai lên tiếng. Mùa xuân đầu tiên cất tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi im bặt. Thêm mười năm, vào lúc con người còn đang sung sức có thể làm việc tốt hơn... Nếu như cánh cửa mở ra sớm hơn, nguyện vọng của các ông được thực hiện sớm hơn...

Cuộc chiến tiếp tục với con chữ, với Khát vọng Dạ đài

Tuyên ngôn ngày 16 tháng 11 năm 1946 với những câu: “Chúng tôi, một đoàn vong gia thất thổ, đã đầu thai nhằm lúc sao mờ...” Đến ngày ngày 19 tháng 12 năm 1946, ông cùng nhóm Dạ đài ra số báo Dạ Đài 2.

Thi phái Dạ đài khát khao đổi mới thơ Việt cũng xuất phát từ quan niệm về sự cạn kiệt, bất lực của các thi sĩ lãng mạn đã được khai mở từ hơn mười năm trước: “Vả lại, làm sao người ta cứ lặn lội mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động cũ? Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều, và thu hẹp tâm tư ở bảy dây tình cảm! Chúng ta còn có nghèo nàn thế nữa đâu?”

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946 đã làm gián cách quan niệm thơ Dạ đài. Khát vọng của Dạ đài rụi tắt trong không gian văn học lớn nhưng nó không tắt trong con người Trần Dần. Trong Nhân văn Giai phẩm một số người lụi tắt hẳn nhưng một số thì vẫn tồn tại được với nền văn học. Họ đã chiến thắng số mệnh trong cuộc chiến âm thầm tại cái giường của mình, trong vuông nhà chật hẹp của mình.

Nhà thơ Dương Tường gọi Trần Dần là một “ca đặc biệt” trong văn học Việt Nam. Ông cũng cho rằng, tác giả của Đi! Đây Việt Bắc!, Cổng tỉnh chính là nhà cách tân số một của văn học hiện đại nước nhà.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng nhận định tại buổi tọa đàm Thơ Trần Dần tối 1/3 ở L’Espace, Hà Nội: “Nếu đời viết của đa số người cầm bút là công cuộc tìm tòi, gom nhặt, sàng lọc chữ nghĩa, thì Trần Dần là người chế tạo chữ nghĩa mới”.

joạc jờ jêrô… vòng tròn
thằng truồng bị vây trong vòng tròn.
tôi không hiểu tôi bò 2 chân trên sẹojoạc jờ nào?
sao cứ thun thút những sẹo mưa jọc jài ỗng ễnh bầu mưa?
chứ tôi đâu phải thằng quíc-ss? mà tôi vẫn
bị ngửa thì jờ ướt mưa jòng mùa jọc nịt joạc
vườn jịch ngực joạt đùi jầm mùi jũi lòng.
tôi biết jành jạch sử kí cả những luồng phùn mọc lọc người đi.
hôm nọ lơ thơ bình minh tôi bóc lịc mịch ngày tôi đi
song song cơn mưa to juỳnh juỵch jạng đông
tôi gặp một con nữ vận động viên ướt jượt toàn thân
chạy joạch vòng mưa jòng jòng
1 – 9 – 6 – 3 min mét nữ.
jờ jạchx nở jòn jọtx
chính ja tôi thíc cái yếm
nín cái nịt thịt của các kilômét đùi joạcx.
Tôi gương trong jập mùng đùi sẹo nữ.
tôi là một cái sẹo mòng mọc khoái jữa các
sẹo bàn ghế tủ nam nữ đồ đạcx.

Dương Tường: “Ở Việt Nam, nếu có một người xứng đáng được nhận giải Nobel thì người đó là Trần Dần.

“Trần Dần là một người khổng lồ, không dưới 30 tập thơ, ba tiểu thuyết, không kể những bản thảo bị mối mọt hay thất lạc… Còn phải nhiều năm nữa người ta mới đánh giá được kho tàng văn học do Trần Dần để lại”.

Dương Tường từng khẳng định Trần Dần là nhà cách tân thơ số một của Việt Nam. Ông giải thich:

“Suốt một thời gian dài, thơ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Thơ Mới. Người đầu tiên tạo nên một vết cắt, đưa thơ Việt Nam ra khỏi quỹ đạo đó là nhà thơ Nguyễn Ðình Thi. Nhưng Nguyễn Ðình Thi không đi hết con đường của mình. Còn Trần Dần, từ những ảnh hưởng của Maiakovski, ông chuyển sang viết Jờ Joạcx, Mùa sạch… với những cuộc tìm kiếm không ngừng đến cái mới. Thơ Trần Dần đầy chuyển động, không bao giờ lặp lại chính mình, nhưng vẫn giữ nguyên cái cốt cách Trần Dần”.

Trần Dần từng kêu gọi “Phải chôn Thơ Mới” ….” phải viết khác đi, phải cách tân, phải quên những thành tựu của tiền chiến để sáng tạo nên những thành tựu mới, phải cướp được độc giả của tiền chiến”…

“Tệ” hơn, ông còn đòi “chôn” cả Nguyễn Du:

“Với tôi, Du (Nguyễn Du), Hương (Hồ Xuân Hương), Khiêm (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Quát (Cao Bá Quát) hay Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương là thầy. Nhưng học trò phải “chôn” thầy. Thơ nay hầu như vẫn đặt nghĩa. Tôi đặt thơ là chữ. Con chữ nó làm nghĩa. “Mai sau dù có bao giờ” là con chữ “Chữ tài liền với chữ tai một vần” là đặt nghĩa”.

Bởi vì, ông tuyên bố:

Tôi đã leo nhiều ngõ cụt cổ điển” (Sổ bụi – 1979).

Ông đòi hỏi nhà văn phải là:

Kẻ viết đạp đổ chân trời? Xổng xích các chân mây?” (Sổ bụi – 1985).

Trong quyển một Trần Dần ghi 1954-1960, có những dòng sau:

- Người Sáng tạo là đại biểu cho Tương lai. Nên hắn mâu thuẫn rất mạnh với Hiện tại.

- Người Sáng tạo chỉ làm chủ được ở Tương lai. Còn ở Hiện tại, hắn phải chịu như là thua, nhường cho những kẻ tầm thường khác làm chủ.

- Nếu có chịu được búa rìu của thành kiến mới có thể làm người sáng tạo được. Phải có dạ lim trí sắt.

- Phải có gan đứng lên trên dư luận, chửi mắng, mưa bão. Phải biết đạp mưa xéo gió. Phải phá vỡ cái luân-lý-hiện-hành, những nguyên tắc tục lệ hiện nay đang làm chủ. Ðó là bỏ cái ba lô của hiện tại, mới có thể xốc tới tương lai.

- Số phận người sáng tạo bao giờ cũng phải chịu hiểu lầm, chịu những sấm sét của cái cũ nó phản công. Vì người sáng tạo là kẻ thù không đợi trời chung của cái cũ. Mà cái cũ nó không chịu chết ngay, nó nhiều kế độc, hại ngầm và hại ra mặt.

Ðiều kiện tiên quyết để sáng tạo: Tự do

Nhà văn Phạm Thị Hoài (Thủ lĩnh trong bóng tối, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=900&rb=0102) viết:

“Trong văn học Việt Nam, tôi chưa biết một trường hợp nào mà ham muốn sáng tạo và cách tân quyết liệt như ở Trần Dần. Nghĩa là ham muốn vượt qua, hoặc ít nhất là khác đi với cái cũ, hoặc cái đã trở thành cũ, ở bên ngoài mình đã đành, lại còn liên tục tự mới với chính mình, tự vượt qua mình, mà lại làm điều ấy trong từng chi tiết, cho đến tận nét chữ chẳng hạn.”

[…]

“Từ 1958 đến nay Trần Dần làm cái việc mà ông gọi là “làm quốc ngữ”, trong bóng tối, cách bức với những phong trào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cứ thỉnh thoảng lại ồn ào dấy lên bên ngoài. Công trình quốc ngữ của một cá nhân lẻ loi lặng lẽ như Trần Dần hoàn toàn khác. Con chữ nào qua tay ông là mang một cuộc đời mới.”

[…]

“Tôi thuộc lớp trẻ, nợ ở ông một lòng ưu ái, mang theo lời đúc kết rất Trần Dần: nhân cách của nhà văn chính là văn cách của anh ta. Tối thiểu tôi phải có được một văn cách.”

Ông vẫn thầm lặng sáng tác, từ năm 1954 đến 1989 vẫn đều đặn viết nhật ký, những số đầu tiên có tựa là Ghi vặt, từ năm 1973 thành Sổ thơ và từ năm 1979 thành Sổ bụị. Nhận xét về giai đoạn này, ông có nói: ”Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra, có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình. (Ngô Minh, Ba buổi sáng với Trần Dần, Sông Hương số 154-12-2001)

Ông vẫn kiên trì công cuộc cách tân thơ của mình. Ở Sổ bụi 1988 khi nói về Thơ mini ông có viết: “Tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết. 90 có hoàn thành không? có thành công không để mà đốt đi? Tôi đã đốt tôi đi không phải chỉ đôi lần… cái chưa biết- cái khó - thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuối tôi”. Sổ bụi cuối cùng viết năm 1989, trước khi những năm cuối cuộc đời bệnh tật đã cướp đi của ông trí nhớ và sự minh mẫn (di chứng của những lần xuất huyết não, lần đầu tiên ông bị là vào năm 1983)

Sau khi ông mất, trong di cảo của ông, các con ông đã tìm thấy một loạt bản thảo ở bên dưới có ghi “Trần Dần tự xuất bản”, và tập thơ Bao giờ em đi lấy chồng ông đã tự trình bày và minh họa sẵn cách đấy 35 năm. (Lương Thị Bích Ngọc 1998, Những người bay có chân trời, Đại Đoàn Kết, ngày 17.01.1998)

Đôi khi trong cõi viễn du mù mịt Trần Dần bỗng phát sáng một mệnh đề thơ bất tuyệt, một chân lý:

- “Tôi khóc những

                  chân trời

                          không

                                  có

                                     người bay

Lại khóc những người bay

                                   không có

                                             chân trời

- “Mưa rơi không cần phiên dịch

- “tôi khóc những chân trời - bụi đỏ

ở đó: vắng người

không có người biết khóc – các chân mây

- “Họ cứ vu oan mặt trời ngủ

- “kẻ viết? đạp đổ chân trời? xổng xích các chân mây?

Một tập bản thảo

Những ngày đầu đầu đổi mới tôi được giao chuẩn bị báo cáo về tình hình số văn nghệ sĩ trong vụ Nhân văn Giai phẩm để đề xuất với Trung ương việc giải quyết chế độ chính sách cho các ông.

Tôi hay lại nhà Trần Dần vì số 7 Vũ Lợi rất gần cơ quan tôi.

Tôi hay ngồi với Trần Dần, có lúc im lặng rất lâu, ngắm cuốn sách Phân tâm học bằng tiếng Pháp của Carl Jung cũng im lặng nằm trên tay ông. Một ông già nhỏ bé gương mặt nhàu nát vì dấu vết của quá nhiều biến cố đau đớn đi qua. Giọng nói ông cũng đã yếu ớt, thều thào chậm rãi. Chỉ có cặp lông mày và đôi mắt là còn nguyên vẻ quắc thước, nhất là đôi mắt, đôi mắt sáng và sâu.

Thế rồi cái gì phải đến cũng đến. Hội Nhà văn làm quyết định khôi phục hội tịch cho các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt, Phùng Quán. Thực ra không phải là khôi phục hội tịch. Cả năm ông chỉ bị khai trừ có thời hạn, người thì 1 năm, người 2 năm, người 3 năm kèm theo là treo bút trong thời gian đó. Rồi kỷ luật đã hết nhưng không ai đứng ra đề nghị cho các ông trở lại sinh hoạt bình thường. Cứ lãng quên như vậy và các ông tưởng như bị lãng quên...

Đến nay trong số 9 người này, các ông Trần Dần, ông Lê Đạt, vợ chồng ông Phùng Quán, ông Hoàng Tích Linh, ông Nguyễn Khải, ông Xuân Thiều và đại tá Quốc Minh đã mất. Ông Hoàng Cầm cũng mất. Tôi đã gác kiếm nghỉ hưu đi chơi với anh em.

Dạo ấy, trong các tập hồ sơ nhàu cũ từ những năm 60, 70 tôi thấy mấy cuốn sổ tay khổ nhỏ chép tay các tập thơ mới của Trần Dần. Đây là các tập Tờ vụn, Jờ joạcx, Sổ bụi... mãi đến năm 2008 mới ra mắt bạn đọc trong tuyển tập Trần Dần Thơ. Các cán bộ thuộc cấp của tôi gần như không hiểu các bài thơ đó là thế nào. Tôi cho rằng Trần Dần rất sòng phẳng, tự ông nộp các tập bản thảo chép lại này cho cơ quan quản lí để người ta biết ông đang làm gì. Ông không giấu giếm công việc sáng tác của mình, kể cả cái việc thể nghiệm thơ có vẻ như là quái gở.

Ở một cặp khác dày cộp là bản thảo bản dịch tiểu thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu nhà văn Rumani, bản thảo tiểu thuyết thơ Cổng tỉnh, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn.

Tôi bỏ ra vài ngày ngồi đọc. Những người chân đất thì đã được xuất bản với tên người dịch khác. Cổng tỉnh không có vấn đề gì. Những ngã tư và những cột đèn thì quá tốt.

Một anh ngụy binh sau khi quân Pháp rút chạy khỏi Hà Nội, không đi theo chúng mà ở lại thành phố làm lại cuộc đời mình. Anh tìm mọi cách vượt qua các định kiến xã hội hăng hái tham gia công tác bảo vệ trị an khu phố. May mắn có một người cảnh sát khu vực nhân hậu giúp đỡ anh. Anh đã tìm thấy hạnh phúc cho mình, cho cái tổ ấm của anh. Ở chỗ ngã tư, anh đã nhìn thấy những cột đèn.

Tìm hiểu, tôi được biết năm 1963 ông Trần Dần đã đến Bộ Công an đề nghị tạo điều kiện cho ông được đi tìm hiểu thực tế sáng tác, phục vụ cho thành phố một công việc có ích. Thế là ông được bố trí tìm hiểu công tác cải tạo những người lính Việt trong quân đội Pháp đang sống tại các khu phố trong thành phố Hà Nội. Người cảnh sát khu vực đã giúp đỡ ông tận tình sau trở thành nguyên mẫu của nhân vật trong tiểu thuyết chính là ông Hoành sau làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Năm sau, 1964 ông hoàn thành tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn. Điều quan trọng là cuốn tiểu thuyết đã được viết với bút pháp hiện đại đang thịnh hành ở châu Âu. Cũng như nhiều nhân vật khác của Nhân văn Giai phẩm ông thường chép bản thảo ra làm nhiều bản. Khi thì tự chép, khi thì bắt con cái chép. Trần Dần nói có nộp bản thảo cho Công an Hà Nội. Có thể ông cũng nộp cho đơn vị tôi trên Bộ một bản. Hoặc công an Hà Nội đã chuyển tập bản thảo này lên đơn vị tôi.

Tôi đề xuất với cấp trên trả lại bản thảo cho ông Dần. Tôi thấy Những ngã tư và những cột đèn có nội dung về công tác bảo vệ trật tự an ninh của ngành công an nên gợi ý ông Dần để tôi gặp các nhà xuất bản xem có xuất bản được không.

Rất tiếc là ở vào thời điểm đó Những ngã tư và những cột đèn lại chưa thích hợp, những tập bản thảo như thế lại chưa được coi là thứ kỷ vật quý giá. Các ông Lữ Huy Nguyên, Lê Tri Kỷ, Vũ Tú Nam Giám đốc các nhà xuất bản Văn học, Công an, Hội Nhà văn không thể nhận lời. Một phần chưa có tiền lệ cho các cuốn sách như thế. Mãi đến 1991 trường ca Bài thơ Việt Bắc của ông mới được in ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Đấy là cuốn sách đầu tiên được in lại của ông. Tôi buồn rầu đem tập bản thảo trả lại Trần Dần, nói với ông hãy đợi một thời gian. Sau vài tháng ông khoe với tôi cuốn Tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Sơn Bình đã mạnh dạn in hai chương Những ngã tư và những cột đèn. Sau một thời gian sửa chữa Những ngã tư và những cột đèn cũng đã ra đời, gây hiệu ứng bất ngờ. Người ta không ngờ lại có một Trần Dần mới mẻ thế, kỳ lạ thế trong nền văn xuôi đương đại. Nó đã được tái bản nhiều lần. Bản gần đây nhất cả bìa, minh họa, được trình bày theo phong cách Trần Dần.

Một bạn đọc viết:

“Với cuốn tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, cuốn tiểu thuyết lần đầu ra mắt sau 44 năm nó được hoàn thành ở dạng bản thảo, người ta lại biết thêm một tác phẩm của quá khứ làm xạm mặt hiện tại: những gì là cách tân theo lối phương Tây như tự sự đa điểm nhìn, trùng phức thời gian – không gian, xóa bỏ thời tính, hình thức tiểu thuyết – nhật kí, tiểu thuyết – trinh thám, dòng ý thức,… thường được dùng như lời khen tặng với các nhà văn ham tìm tòi của Việt Nam thời đang sống, Trần Dần đã “thể nghiệm” cả. Mà Trần Dần chắc chắn không phải là gia tài ngoại biệt của Quá Khứ – phải viết hoa. Cũng vậy, với Dương Nghiễm Mậu, Bình Nguyên Lộc,… và nhiều các tác giả văn – thơ khác. Khoan bàn đến giá trị, chỉ riêng việc Quá Khứ đó được hiện diện trở lại, đã là những tài sản quý, và sẽ gạt bớt đi những nỗ lực-thừa. Người ta nói rằng người trẻ hiện nay nên nối tiếp quá khứ. Nhưng tôi nghĩ phải biết thêm: nối tiếp cái quá khứ nào?

Dostoievski, tác giả tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt mà hình bóng nó chập chờn các trang văn của Những ngã tư và những cột đèn, được coi là một nhà thơ dù không làm thơ. Trần Dần vốn dĩ không phải một nhà–văn xuôi. Ông là nhà thơ mọi lúc. Từ góc độ một cuốn tiểu thuyết–văn xuôi, cá tính các nhân vật (dù được xây dựng với lời kể từ ngôi thứ nhất, xưng “tôi”) dường như bị xóa nhòa, đúng hơn, bị đồng nhất với cái Tôi–Trần Dần. Ông không giỏi dựng cốt truyện mạch lạc, không giỏi “cá tính hóa” nhân vật bằng tâm lý, bằng lời thoại. Nhìn tổng thể, Những ngã tư và những cột đèn đích thị một bài thơ-trường thiên. Nhân vật thực sự của cuốn tiểu thuyết–thơ này là một Tôi đa nhân cách: một Tôi luôn “sinh sự” với Bóng, với Sọ, với Chữ. Xin dẫn dụ một đoạn: “Tôi đưa tay lên sọ. Không phải vì đau đầu. Tôi lại dừng chân bên một ngã tư: tôi rụt rè không định rẽ ngả nào. Biết đâu rẽ ngã tư kia tôi không gặp gió độc? Biết đâu ngả nào không gió thổi? Tôi đưa tay lên sọ. Tôi đứng im: hình như giữa một ngã tư. Tôi không có cả một ai để bắt chước. Tôi đến dưới một cột điện sáng đèn. Nhưng tôi nghĩ lung tung rồi. Tôi giẫm phải bóng tôi trong phố. Bóng tôi đêm nay lúc nào cũng im.” (tr 274). Người đọc có lẽ nên tạm gạt ra ngoài mọi chờ đợi về cốt truyện, nhân vật, tâm lý, triết lý để thưởng thức sự phong phú và độc đáo của ngôn từ, cả lối trình bày chữ riêng biệt, như trong các bài thơ của ông. Đây là một tác phẩm bất khả tóm tắt, mà đoạn đối thoại của các nhân vật trong truyện có thể góp phần lí giải lựa chọn về phong cách của Trần Dần: “Kể ra thì dài. Mày muốn nghe tóm tắt hay nguyên văn? Tôi nói: “Vừa tóm tắt vừa nguyên văn. Miễn lí sự. Miễn tả cảnh” (tr 225).” (Nhã Thuyên (2011). Trần Dần giữa những cơn mưa, http://nhanambook.wordpress.com/2011/07/07/exclusive/)

       

Hơn nửa thế kỷ vẫn gặp định kiến

Tháng 2-2008, nửa thế kỷ từ sau biến cố Nhân văn Giai phẩm, cuốn Thơ Trần Dần dày gần 500 trang, do NXB Đà Nẵng và Công ty Nhã Nam ấn hành, được xem là tác phẩm bề thế nhất từ trước tới nay của nhà thơ được in chính thức ở Việt Nam. Nhà sách Nhã Nam đã dành khá nhiều công sức cho việc giới thiệu quyển thơ của Trần Dần, nhân vật được coi là đi đầu trong phong trào Nhân văn Giai phẩm, một thời gian dài bị lên án, bị cấm tại Việt Nam, nhưng gần đây được công nhận trở lại, được đánh giá công trạng.

Tuy nhiên, trong ngày thứ Ba 26-2, tin đồn về chuyện tập thơ vừa mới xuất bản của Trần Dần có thể bị thu hồi trở thành đề tài liên tục được các blogger trên mạng bàn tán. một đoàn cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản... tới công ty Nhã Nam lập biên bản ngừng phát hành tập thơ, niêm phong toàn bộ sách trong kho. Tuy nhiên số sách này, nói như ông Chánh thanh tra Bộ thì “hình như họ in nhiều, giờ trong kho chẳng còn đáng mấy”. Tuy vậy, thái độ của giới lãnh đạo văn nghệ tại Việt Nam có vẻ vẫn còn ít nhiều e dè với cả lý lịch lẫn tư tưởng cách tân của nhà thơ Trần Dần.

Trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu hôm 21-2, tập Thơ Trần Dần đã không được phép bày bán tại đây. Mấy cái poster về Trần Dần do Nhà sách Nhã Nam trình bày cũng không được trưng bày.

Trước mắt, tin đồn trên mạng khiến một số người yêu thơ chạy đi mua những quyển thơ đang còn nằm trong hiệu sách.

Từ Hà Nội, những người có trách nhiệm ở nhà sách Nhã Nam từ chối trả lời chính thức bất cứ câu hỏi nào của BBC.

Đây là sản phẩm do Nhã Nam cộng tác với NXB Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc NXB Đà Nẵng và cũng là người chịu trách nhiệm biên tập di cảo thơ của Trần Dần, không khẳng định với BBC là tập thơ có bị thu hồi hay không. Nhưng ông nhấn mạnh nếu có quyết định thu hồi, thì đó là quyết định sai lầm.

“Tất cả quy trình chuẩn bị cho việc xuất bản tập thơ được làm rất kỹ và đúng luật. Bản thảo giao cho chúng tôi là 2006, nay mới xuất hiện. Không có lý do gì mà thu hồi cuốn sách.

Ngày 5 tháng 3 năm 2008, 134 các nhà văn hóa, học giả, khoa học lên tiếng đề nghị thu hồi lại quyết định ngừng phát hành tập thơ, viết thư ngỏ gửi đến Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Lý do họ viết thư ngỏ bởi vì: “chúng tôi lấy làm hoài nghi lý do được đưa ra để ngưng phát hành Trần Dần – Thơ”, sợ rằng “Trần Dần Thơ” sẽ lại bị thu hồi và thủ tiêu với lý do vi phạm hành chính giống như tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (2000) và việc gỡ bỏ tác phẩm đang triển lãm của hai họa sĩ Trương Tân và Nguyễn Quang Huy (2007). “Hai vụ việc này đều được thực hiện với lý do vi phạm hành chính, mặc dù ai cũng hiểu bản chất thực của việc cấm đoán là gì”, mà “không bao giờ có một văn bản đàng hoàng nói rõ lý do sách hoặc tranh bị cấm ra mắt công chúng”.

Ngày 7 tháng 3, công văn số 145/QĐ- XPHC do ông Nguyễn Thanh Hải ký, không nói gì đến tiêu hủy hay đình chỉ, mà là: nhắc nhở và phạt Nhã Nam “Xuất bản Thơ Trần Dần không có quyết định của Giám đốc Nhà xuất bản”. Cụ thể: Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam không kiểm tra giấy ủy quyền của Phó Giám đốc, đã ký hợp đồng với Phó Giám đốc vào ngày 10 tháng 8 năm 2007, nên đã thực hiện hợp đồng vô hiệu. Phạt Nhã Nam tiền mặt 15 triệu đồng và hình thức phạt bổ sung là: Tịch thu 19 cuốn “Thơ Trần Dần” (vốn bị niêm phong từ hôm 26/2) và tiếp tục cho phát hành tập thơ.

Chuyện ngoài lề

Tôi có vài lần nói chuyện với bà Khuê về đời sống gia đình những năm khó khăn trong nghề dạy học của bà, khó khăn trong việc học hành của ba đứa con ông bà. Để chống đói bà được bạn bè mách cho cách sau mỗi lần nấu cơm bớt lại một bát để ghế lại vào đợt sau cho cơm nhiều lên để xới ra bát được nhiều hơn, để đánh lừa con mắt và cái bụng bọn trẻ. Có nhiều Tết không có gì, đến Ba mươi còn phải chờ bạn bè, người nhà, người quen chạy qua tiếp tế một chút. Ông anh của ông Dần thỉnh thoảng đạp xe đến cho quà cháu nhưng không bao giờ vào nhà, Ông vẫn ngồi trên yên xe đạp, chống chân, hỏi vài câu xong đạp xe đi luôn. Có năm đến cuối chiều 30 vẫn chưa có tấm bánh nào, bà vừa quay vào bếp thì quay ra thấy có cặp bánh chưng ở cửa, chạy ra người cho đã biến mất và phải hai mươi năm sau mới biết được người cho bánh là ai. Ông Dần cũng bị cô độc vì bạn bè rời bỏ. Có người trông thấy ông ở đầu phố liền quay lại đi đường khác.

Nhiều năm tôi thường được Trần Trọng Văn con giai trưởng của Trần Dần mời dự giỗ ông. Tại bữa giỗ tôi thường gặp nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, có lần cả hai vợ chồng Quân, nhà thơ Hữu Việt con trai nhà văn Hữu Mai. Lớp trẻ bây giờ buông bỏ những thành kiến của cha mình nhẹ nhàng hơn.

Để kết bài này tôi muốn gửi cho mọi người một đoạn thơ của Trần Dần để suy ngẫm:

Tôi yêu đất nước này, có cỏ cây làm chứng

Tôi yêu chế độ này, cờ đỏ cãi cho tôi.

Trước Tết Giáp Thìn 2024