Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Kỷ niệm với mấy đứa em kết nghĩa vườn đào

Hà Nhật

 

Giữa năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Quảng Bình quê tôi trở thành Miền Bắc sông Hiền Lương. Tôi đành ở lại quê nhà trong khi tất cả giấy tờ liên quan đến học hành (tôi là học sinh giỏi, được cả đống phần thưởng) đều để lại trường Trung học Chuyên khoa Khải Định.

Tôi đã có ý định bỏ học nên cứ nằm nhà mãi.

Đến đầu năm 1955, sau khi các trường đã đi qua hết một học kỳ, do thúc giục của mẹ, tôi đành đi Hà Nội, chưa có ý định đi học thứ gì.

Thế rồi, một ngày nọ, đi bộ đi ngang qua phố Quán Sứ cạnh cái công trình đặc biệt mà cả Hà Nội, cả nước này ai cũng biết: Nhà giam Hoả Lò (trên cổng là dòng tiếng Pháp rất to: Maison Centrale), tôi nhìn thấy một ngôi nhà không lớn nhưng có cái bảng hiệu khá lớn: Trường Trung học tư thục Tân Trào.

Tò mò tôi vào văn phòng, nói rằng mình từ Huế ra, không có giấy tờ gì cả, muốn xin học có được không?

Ai ngờ họ rất nhiệt tình, sẵn sàng nhận cho tôi học thử, còn miễn học phí nữa chứ! Đúng là chỉ có ơn trên phù hộ.

Tôi học những tháng cuối cùng của lớp Đệ Nhị ban B (Toán). Nhưng rồi cuối năm tôi xếp hạng ba, rồi cứ thế mà lên lớp Đệ Nhất, và cuối năm học là thi và đỗ Tú tài Toán.

Một điều rất may, các thầy dạy lớp tôi đều thuộc tầm cỡ đặc biệt. Toán thì thấy Nguyễn Thúc Hào, văn thì thầy Trương Tửu, Lí thầy Dương Trọng Bái, Hoá thầy Lê Khả Kế, Sinh thì thầy Lê Quang Long, đặc biệt Địa thầy Hoàng Thiếu Sơn, tiếng Anh thầy Đặng Thế Bính luật sư từ Mỹ về.

Học ở trường này, tôi liên tiếp gặp mấy cái may: một bạn học ngồi cùng bàn thấy tôi lang thang đi ở trọ, đã xin mẹ đưa tôi về nhà. Thế rồi tôi đã ở cái nhà này liên tục năm năm liền, cuối cùng thì được coi như một người trong gia đình. Đời tôi có một thêm một gia đình, với một người mẹ và các anh em như ruột thịt.

Còn về bạn bè thì, lúc tôi vừa vào học lớp đệ Nhị, ba cậu bé đang học Đệ Lục, sau đến 4 lớp, tự nhiên lại rất quý tôi, cùng nhận tôi làm anh. Ba đứa đó là:

Hoàng Thuỵ Hưng, sau này cũng dạy Văn. Lúc ấy, tôi và Hưng như là anh em ruột thịt, đi đâu cũng có nhau. Khi tôi thân với anh Nguyễn Bính, tôi thường đưa Hưng đến chơi chỗ báo Trăm Hoa. Dù chưa có thơ để đưa lên báo, nhưng Hưng lại được anh Nguyễn Bính nhờ dịch mấy cái truyện ngắn Liên Xô đăng trên tờ tạp chí tiếng Pháp có tên là Les femmes soviétiques (lúc này Hưng đang là học sinh cấp 2, lớp 7!).

Lê Trọng Lân sau này là họa sĩ, giảng dạy tại Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Hồi đó nó đã tỏ ra có tài hội họa rồi!

Đứa thứ ba là Đặng Quý Quyền họa sĩ, em ruột hoạ sĩ Đặng Quý Khoa, tiếc rằng đã mất.

Mấy kỷ niệm không thể quên:

Năm 1968, tôi được một số bạn cho biết là trong lớp nhà thơ trẻ, có những người rất nổi, có một người ký bút danh Hoàng Hưng. Tôi nghe thì chỉ biết vậy.

Hè năm đó, theo triệu tập của cơ quan, tôi đạp xe từ Quảng Bình ra tận Hải Phòng, rồi đến một nơi có cái tên Núi Đèo, kề bên sông Bạch Đằng, dự một cái gọi là chuyên đề. Thế là gặp Hoàng Thuỵ Hưng. Tôi hỏi nó:

- Dạo này có làm thơ không?

- Có ạ.

- Có gửi đăng Văn Nghệ không?

- Có ạ.

- Ký tên gì?

- Dạ Hoàng Hưng ạ.

Chao ôi, mừng quá, mà cũng bất ngờ quá!

Chao ôi, nếu ngày đó, với bằng Tú tài Toán, tôi vào một ngành nào đó, chắc tôi sẽ trở thành một anh kỹ sư, chứ không trở thành một anh giáo viên dạy Văn để rồi dính vào chuyện văn chương với bao nhiêu ghềnh thác trớ trêu! Âu cũng là cái số!

Năm ngoái, một ngẫu nhiên rất đẹp:

Tôi xuất bản tập thơ GIÓ LÀO ĐI RA BIỂN.

Người viết lời bạt tâm huyết là Hoàng Hưng.

Người tạo bìa là họa sĩ Lê Trọng Lân.

Ba anh em, từ 1955 đến nay 2023, gần bảy chục năm rồi nhỉ?

Kể lại chuyện xưa cũ, sao mà ấm lòng!

Hà Nội là cả một tình yêu. Đặc biệt Hà Nội đã cho tôi một thứ cảm xúc đặc biệt: mối tình đầu ngắn ngủi nhưng tuyệt vời, như một bài thơ, để rồi tên gọi người con gái ấy đã gắn với tôi thật lâu dài: bút danh cho bài thơ mà cho đến nhiều người còn biết, lời ca cho một ca khúc.

Hà Nội, rất biết ơn Hà Nội!

Từ một chàng trai tỉnh nhỏ quê mùa, “cà quỷnh”, tôi đã được Hà Nội đón nhận, yêu thương, rồi cho tôi thành một chàng trai Hà Nội.