Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Bên trong vỏ kén vàng – Tìm kiếm linh hồn mình

Hồ Anh Thái

image

Cảnh trong phim "Bên trong vỏ kén vàng"

Cảm tưởng khi mới xem một nửa Bên trong vỏ kén vàng là bộ phim cần được phản biện.

Trước hết là việc chọn diễn viên. Anh chàng Thiện lờ đờ chậm chạp ban đầu có vẻ không hợp vai. Nhân vật bà xơ trẻ tên là Thảo ở những cảnh đầu gần như tĩnh, trong trang phục bà xơ và nói vài câu kiềm chế thì tạm ổn. Nhưng khi gặp lại Thiện trong nhà trẻ, gương mặt cô trở nên đanh sắc có phần tinh quái, diễn viên khó làm người xem tin đấy là một bà xơ đã quyết tâm bỏ lại phần đời đã qua. Đài từ của diễn viên vai Thảo và vài diễn viên phụ khác bị lướt và dính, có lúc nếu không đọc phụ đề tiếng Anh thì không hiểu hết đối thoại.

Những trường đoạn máy quay cố định hoặc bám theo hành trình một chiếc xe hoặc theo chân nhân vật… dù chủ ý nhưng kéo quá dài. Những đối thoại hoặc độc thoại quá thừa thãi, như trường đoạn với ông già từng là lính Cộng hòa, hoặc có tính khai sáng mà lẩm cẩm như bà già trong quán nước bên đường. Kịch bản cũng có thể coi là để mở, lỏng lẻo theo kiểu tiện đâu kể đấy, thiếu sự dồn nén và chọn lọc.

Cảnh trí dường như thiếu mỹ cảm. Ba mươi phút đầu lấy bối cảnh một Sài Gòn của người lao động, xô bồ và lầm than. Đường phố bày bừa ngổn ngang. Nội thất cũng đầy vật dụng quăng quật làm rối mắt người xem. Không cần tô vẽ nhưng nếu muốn phô bày cái nghèo cũng cần nghệ thuật. Ví dụ phim của Trương Nghệ Mưu, mỗi khuôn hình cũng là một bức tranh đẹp hiện đại: bức tường đất trước căn nhà chỉ treo phơi mấy bắp ngô vàng là một bức tranh đẹp, mà vẫn gợi được cảnh đơn sơ nghèo nàn.

Khi đưa nhân vật ra khỏi Sài Gòn, đến với rừng núi cao nguyên, từ trong bức bối quẩn quanh đã ra nơi thoáng rộng. Cảnh trí mơ màng hơn nhưng khi các khuôn hình thu lại trong không gian hẹp như nội thất nhà, sân, vườn, thì vẫn là sự bày bừa theo chủ ý “tự nhiên như đời”, không sửa sang, không tô vẽ.

Nhưng chịu khó đi theo hết bộ phim thì lại thấy những điều khác.

*

*     *

Với Bên trong vỏ kén vàng, người xem cần chuẩn bị trước rằng sẽ xem một bộ phim dài ba tiếng đồng hồ. Sự chuẩn bị là cần thiết cho một bộ phim nhịp độ rất chậm. Các trường đoạn đều rất dài, có khi ống kính đi theo chân một nhân vật đến hết một đoạn đường đèo. Rất nhiều trường đoạn thử thách lòng kiên nhẫn của những người xem dễ sốt ruột. Nhưng sự kiên trì sẽ được đền bù. Trong gần một trăm tám mươi phút, cảm xúc dâng dần, rất dịu nhẹ rồi ngấm dần từng chút.

Phim hầu như không kịch tính, dù tình huống chính là một vụ tai nạn giao thông. Người chị dâu bị chết. Đứa cháu nhỏ bị thương. Thanh niên tên là Thiện đưa quan tài chị dâu về quê và dự định trao lại đứa cháu cho cha nó. Nhưng người anh của Thiện không còn ở quê mà đã bỏ đi đâu đó nhiều năm rồi. Anh chàng Thiện này lại phải mượn xe máy, đi lang thang khắp vùng cao nguyên để tìm người anh.

Một kiểu tìm kiếm vô định, tìm mà không thấy. Người xem dễ liên tưởng đến tiểu thuyết Linh sơn của Cao Hành Kiện. Suốt chiều dài bộ phim là cuộc tìm kiếm của một anh chàng lơ ngơ chân chất. Có những người không tìm mà lại gặp. Đó là cô bạn gái ngày trước của Thiện, giờ là một bà xơ dạy trẻ trong giáo xứ.

Bên trong vỏ kén vàng gợi nhớ phương pháp tân hiện thực (neo-realism) mà điện ảnh châu Âu bắt đầu sử dụng từ gần một thế kỷ trước. Cảnh trí không sửa sang hoặc sắp xếp lại theo kiểu mỹ thuật điện ảnh, mà bừa bộn ngổn ngang như bê nguyên ngoài đời vào. Dàn dựng và dẫn dắt câu chuyện theo kiểu phim tài liệu, nguyên liệu nhiều khi thô ráp không trau chuốt. Các cú máy kéo dài, thậm chí có khi bất động. Nếu biên tập vội vàng chắc sẽ cắt bớt những cảnh “thừa”, giảm được một phần ba thời lượng. Đạo diễn hầu như dùng ánh sáng tự nhiên, mà không có can thiệp của đèn chiếu sáng, gợi bầu không khí u ám và u uất. Diễn viên dường như không chuyên, ngoại hình không nổi bật, ít trang điểm, mộc mạc như đời - đi hết phim càng thấy việc chọn diễn viên không nhầm lẫn. Sự bề bộn thô mộc rất ít chất thơ của cảnh trí và cả diễn viên đi đến cuối hành trình lại rất thơ. Đây chính là kiểu phim mà liên hoan phim Cannes ưa chuộng. Rất nhiều phim kiểu này đã đoạt giải lớn ở Cannes, như một số phim Iran: Hương vị anh đào, Bảng đen… hoặc phim Con voi của Gus Van Sant.

Khúc dạo đầu prelude khoảng ba mươi phút, bối cảnh ở Sài Gòn, các góc máy nhấn vào sự xô bồ hỗn tạp của cuộc mưu sinh và tụ điểm cho dân nghèo như quán rượu, quán mát xa. Không khí ngột ngạt bức bối của đô thị tan đi khi tiếp theo đó là chiếc xe tang đưa quan tài về miền cao nguyên Lâm Đồng. Xứ sương mù mở ra thoáng rộng, một nhà thờ mái tôn của xứ nghèo, một căn nhà hoang giữa rừng, vườn cà phê hoa trắng, con suối róc rách và dòng thác nhỏ bên đường… Ra khỏi đô thị bức bối nhưng ở giữa núi rừng tưởng như thoáng rộng cũng có điều gì tù hãm và ghìm nén. Những nhân vật từ đâu xuất hiện như ngẫu nhiên: một bà xơ trẻ, một ông già từng là lính Cộng hòa, một anh chàng nuôi gà mồi để bắt gà rừng, một người chuyển hàng bằng xe máy gặp giữa đường đèo… Xuất hiện như vô tình như không có sắp đặt, nhưng lại trong chủ ý của kịch bản và đạo diễn, nhằm gây ấn tượng về một bộ phim cốt truyện mỏng manh và theo kiểu phim tài liệu.

Rất thật như phim tài liệu nhưng trong tận cùng cái thật lại có màu hư ảo. Cái quán nước và sửa xe bên đường trong một đêm mưa đã biến thành căn nhà hoang. Từ căn nhà nuôi tằm với những tấm kén phơi vàng óng, một thiếu phụ dẫn Thiện vào rừng đi gặp người anh trai rồi cô ta bỗng nhiên biến mất.

Cứ thế, kiên trì theo suốt bộ phim, từ những điều lan man tưởng như không có gì, người ta vẫn cảm nhận được một điều gì. Một cuộc tìm kiếm, không phải tìm người anh trai mà như lời bà già lý sự lẩn thẩn và bí ẩn trong quán nước bên đường, đây là cuộc tìm kiếm linh hồn của chính anh chàng tên là Thiện.

Hiệu sửa xe máy và quán nước bên đường, sau một lần chợp mắt đã trở thành huyễn tưởng. Thiện hoang mang bỏ đi trong đêm trên đường đèo, rồi lúc gần sáng anh ta gặp một cái cây lạ hoa trắng muốt có cả đàn bướm trắng chấp chới. Cái cổ thụ trong lúc tranh tối tranh sáng ấy có phải chính là cây linh hồn hay không?

Dù có thể gây nhiều tranh luận, một điều cần nhìn nhận rằng Bên trong vỏ kén vàng làm được một việc quan trọng cho điện ảnh Việt: giải thưởng chính thức đầu tiên trên diễn đàn điện ảnh lớn bậc nhất. Các giải thưởng quốc tế mà điện ảnh Việt Nam nhận được lâu nay mới chỉ là giải phụ hoặc ở những liên hoan tầm cỡ nhỏ. Việc Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải chính thức ở Cannes đủ khiến người mê phim tò mò, và lần tò mò này không gây thất vọng.

Riêng với Cannes, Trần Anh Hùng cũng từng đoạt giải Camera Vàng cho phim đầu tay và giải đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng (khác với Trần Anh Hùng) Phạm Thiên Ân làm phim này khi còn ở Việt Nam và bộ phim in rất đậm tâm hồn và khí hậu Việt.

 

------

* Bên trong vỏ kén vàng, kịch bản và đạo diễn: Phạm Thiên Ân. Diễn viên: Lê Phong Vũ, Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Vũ Ngọc Mạnh, Nguyễn Thịnh… Phim đoạt giải Camera Vàng cho phim đầu tay tại LHP Cannes 2023, được chiếu tại các rạp Việt Nam từ ngày 11.8.