Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Một quá khứ không dễ bị chôn vùi

Nguyễn Thông

Đọc Đoạn đời niên thiếu của Phan Thúy Hà

BIA DOAN DOI NIEN THIEU 1

 

Phan Thúy Hà, nữ nhà văn (tạm coi là cây bút trẻ dù tuổi đã ngoại “tứ thập bất hoặc”), tác giả của những cuốn sách dậy sóng văn đàn và xã hội trong 6 năm qua như Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Những trích đoạn của các anh, và nhất là cuốn Gia đình (ghi chép từ những nhân chứng sống về cải cách ruộng đất), vừa cho ra mắt “đứa con” mới nhất của chị: Cuốn Đoạn đời niên thiếu ( Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, tháng 7.2023).

Cũng xin mở ngoặc để ghi nhận: Giám đốc-Tổng biên tập nhà xuất bản này là nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ông Thiều râu kẽm là đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Những cuốn sách của Hà luôn chứa rất nhiều điều để trao đổi, về các mặt. Những cái ấy, sẽ nói sau. Tôi chỉ te tái khoe sớm điều này: Cuốn mới toanh Đoạn đời niên thiếu có thể coi như tập 2, hoặc phần 2, của cuốn Gia đình lừng danh. Một thứ vĩ thanh nặng trình trịch 250 trang, chứa đầy xót xa đau buồn về thân phận con người; dựng lại lịch sử từ chính những người trong cuộc mắt thấy tai nghe, về một thời kỳ u ám, đen tối, được tái hiện bởi lối văn mô tả phi hư cấu.

Gia đình Đoạn đời niên thiếu đều ghi chép về cuộc cải cách ruộng đất, một trang sử bi thương đẫm nước mắt của dân tộc.

Như đã nói ở trên, đó là một quá khứ không dễ bị chôn vùi. Nhất là khi nó bị người ta cố ý lãng quên, cố lờ đi, xóa nhòa mọi dấu tích. Người ta (nhà cai trị) bằng quyền hành của mình đã sử dụng “công cụ thời gian” để nó (vết nhơ cải cách ruộng đất) lặng lẽ dần trôi qua và sẽ biến mất. Những nhân chứng “cải cách ruộng đất”, nay đều đã ngoài 75 - 80 tuổi, nói phỉ phui cái miệng, chả mấy nữa sẽ đem tất tật những điều tai nghe mắt thấy xuống mồ.

Khi lịch sử chính thống được vo nặn bởi ý muốn nhà cầm quyền thì nhiều thứ trong dòng lịch sử sẽ chỉ mờ mờ ảo ảo, hư hư thực thực, thế hệ sau sẽ rất khó lòng biết nó đã thật sự diễn ra thế nào.

Cuộc cải cách ruộng đất là mảnh lịch sử kinh hoàng, dữ dội, dù chỉ tồn tại trong khoảng 4 năm (1953-1956) và đã cách nay hơn nửa thế kỷ, và cũng chỉ có trên một nửa đất nước, từ vĩ tuyến 17 trở ra.

Nói gì thì nói, người miền Nam từ sông Bến Hải trở vào thật may mắn khi không phải chịu đựng kiếp nạn này. Và đến giờ, cả bắc lẫn nam, có vẻ chẳng mấy ai còn nhớ.

Nhà cầm quyền lúc đắc thế đã gọi nó là “cuộc cách mạng vĩ đại long trời lở đất”, còn cái tên gọi bình dân/thông dụng của nó là “cải cách ruộng đất”.

Viết về cải cách ruộng đất – thứ đề tài nhạy cảm, khó chịu, khó được bộ máy quyền lực chấp nhận – cũng đã xuất hiện lẻ tẻ trong hơn nửa thế kỷ nay. Nói lẻ tẻ bởi số lượng tác phẩm chỉ đếm đủ trên một bàn tay, cả dạng công khai lẫn “bất hợp pháp”.

Những ghi chép của “đám Nhân Văn” Trần Dần, Phùng Quán, báo cáo của luật sư Nguyễn Mạnh Tường… ngay sau sự kiện “long trời lở đất” mọi người đã ngấm ngầm chuyền cho nhau đọc, chả mấy ai biết. Đáng kể hơn là 3 cuốn Ba người khác của Tô Hoài, Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập đã công khai vượt lên sự che giấu cấm đoán để phơi bày sự thực, chỉ có điều chúng ở dạng tiểu thuyết nên không tránh khỏi những hư cấu, khiến độ tin cậy bị giảm đi, chất văn chương át cả tính lịch sử.

Còn dạng biên chép về cải cách của nhà sử học Hoàng Văn Chí ở miền Nam thì dân ngoài vĩ tuyến 17 gần như mù tịt (xin nhớ rằng ông Hoàng Văn Chí người Mường xứ Thanh là anh em cọc chèo với nhà văn Vũ Ngọc Phan và tướng Nguyễn Sơn, đều là những đấng bậc của một thời).

Điểm lại như thế để thấy cô gái hậu sinh Phan Thúy Hà đã làm được điều mà người đi trước đã không làm được, không dám làm. Tất nhiên cũng phải kể tới sự may mắn khi thời cuộc đã ít nhiều thay đổi, sự cấm đoán không còn nghiệt ngã, kinh khiếp như lúc trước.

Đọc Gia đìnhĐoạn đời niên thiếu, cũng như mấy cuốn tôi kể ở trên của Phan Thúy Hà, đúng là không thể nào coi một mạch.

Mở sách trong sự háo hức được biết thêm sự thật, nhưng cũng là trong tâm trạng buồn bã, đau đớn, ngậm ngùi, căm giận. Thậm chí cứ mươi trang, hoặc đôi phần, lại phải dừng. Có gì đó cứ ứ lên cổ, bốc lên óc, không thể tiếp được.

Và khóc. Khóc thương cho dân mình, đất nước mình chịu một kiếp nạn quá kinh khủng. Mỗi chữ mỗi dòng như xé lòng, hiện ra trước mắt ta thứ lịch sử chân thật như nó vốn có. Hà không làm văn chương. Cô ấy đã viết sử, làm cái điều mà những nhà sử học quốc doanh vì lý do nào đó đã cúi đầu không dám làm.

Gõ những dòng này sau khi đã mất mấy đêm để dừng ở chữ cuối cùng trong lời kể của nhân chứng Mai Văn Niệm, nhân vật cuối của cuốn sách “phi hư cấu”, tôi thật sự bàng hoàng.

Tôi sẽ không lược lại nội dung sách, nhất là khi các anh Thái Kế Toại, Trương Huy San, Tạ Duy Anh… đã làm rồi. Trong sách, 25 người tự kể về đời mình, là 25 mảnh ghép lịch sử về cải cách ruộng đất.

Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao một người thầy giỏi giang, đạo đức, tài năng như thầy Ngụy Cao Hiền mà người ta đang tâm vu cho là Quốc dân đảng rồi lôi ra xử bắn. Hiền tài như thầy Hiền (người đã dạy đám học trò nghèo thành những con người tài giỏi của đất nước, trong đó có nhà sử học lừng danh Hà Văn Tấn), liệu nước này có được mấy người?

Xin chép lại đôi dòng trong cuốn sách, lời kể của chứng nhân-nạn nhân Trần Văn Kinh:

Lên cấp hai, chúng tôi là học trò cưng của thầy hiệu trưởng Ngụy Cao Hiền. Thầy Hiền dạy các môn Văn, Sử. Thầy thông thạo tiếng Pháp, Anh, Latinh, Hán, làm được thơ bằng mấy ngôn ngữ đó. Thầy nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã… Năm 1954, khi chúng tôi bước vào giảng đường đại học thì ở quê nhà thầy Ngụy Cao Hiền bị bắt giam. Vào dịp ấy, vợ thầy sinh con và mất. Thầy chỉ xin hoãn bắn một tháng để có thời gian xin sữa cho con, nhưng không được...”.

Cuộc cải cách ruộng đất, hay mở rộng ra là chế độ đang nắm quyền này, đã làm “biến mất” bao nhiêu nguyên khí quốc gia như thầy Ngụy Cao Hiền, tôi không rõ cụ thể, nhưng dám chắc là nhiều, rất nhiều.

Người Pháp đã đào tạo cho xứ ta không ít Ngụy Cao Hiền, còn chính quyền mới chỉ cần một viên đạn là xóa sạch. Tôi vẫn nhớ, thầy tôi, GS Nguyễn Tài Cẩn, một người Nghệ Tĩnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An), đầu thập niên 1970 có lần nhắc tới cái tên Ngụy Cao Hiền. Thầy bảo so với những đấng bậc như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phan Kế Bính, cụ Ngụy Cao Hiền còn nhỉnh hơn, có nhẽ tài ngang ngửa đấng bậc Trần Trọng Kim.

Khi ấy, lần đầu tiên tôi nghe tới cái tên Ngụy Cao Hiền, rồi bặt luôn, giờ nhờ có cuốn sách ni nên mới biết. Buồn vô kể.

Cách đây vài năm, khi tôi biên một bài kể lại chuyện tìm mộ chú ruột tôi, liệt sĩ, mất và chôn ở đồn điền bà Năm ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên, nhân đó nhắc lại chuyện bà Năm, chuyện cải cách ruộng đất.

Đọc xong, một đàn anh của tôi, anh Lê Văn Sơn (đồng môn, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, con địa chủ bị xử oan sai thời cải cách) nhắn bảo, “Chú muốn viết về cải cách ruộng đất thì phải hỏi anh, còn sống sờ sờ đây”. Nói đâu xa, ngay anh rể chồng chị cả tôi, cứ mỗi lần nhắc tới cải cách ruộng đất mắt lại ngầu lên, dù con người anh bản tính rất hiền lành. Cụ thân sinh anh làm chánh tổng kháng chiến (do phe kháng chiến sắp đặt lên làm chánh tổng), làm lợi cho cách mạng, nhưng năm 1956 họ vu là Quốc dân đảng, bắt-xử-bắn chỉ trong một ngày, tịch thu hết tài sản, đuổi mấy mẹ con anh ra ở bờ ao.

Khi sửa sai, họ trả lại nhà nhưng tới nay vẫn không một lời xin lỗi, người chết không được trả lại danh dự, con cái dù học rất giỏi nhưng không được lên đại học, chỉ có lối thoát duy nhất là làm công nhân hoặc lao động tự do, thậm chí không được đi bộ đội. Anh bảo “Tôi không bao giờ tha thứ cho tội ác của họ”.

Phan Thúy Hà mới khai thác mỏ tư liệu ở vùng Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh), đương nhiên 2 vùng này cải cách ruộng đất khốc liệt nhất, nhưng cả miền Bắc còn hàng vạn người tốt, người lương thiện bị hàm oan, bị gục ngã bởi súng đạn của “đội”, còn hàng chục vạn con cái của nạn nhân, như Hà Văn Tấn, Trần Văn Kinh, Nguyễn Thị Nhuần, Nguyễn Sĩ Ba, anh Sơn, anh rể tôi… vẫn thấm đòn cải cách cho tới tận bây giờ.

Một quá khứ không dễ bị chôn vùi.

Tôi có may mắn được nhà văn Phan Thúy Hà tin cậy, cứ có bản thảo (những cuốn gần đây) lại cho đọc trước. Có lẽ do hiểu nhau, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đoạn đời niên thiếu cũng vậy. Tôi cũng biết số phận nó (cuốn sách) rất lận đận, truân chuyên.

Một nhà xuất bản từng ra nhiều tác phẩm của Hà, sau khi nâng lên đặt xuống Đoạn đời niên thiếu đã từ chối do… sợ, đã trả lời không dám in.

Ngay nhà xuất bản cho ra cuốn này, nhờ có thủ lĩnh Thiều mà ra tấm ra món. Dù rất cảm ơn anh Thiều, nhưng phải nói thực, tôi rất tiếc khi bản thảo bị biên tập và cắt bỏ nhiều quá, mà lại tinh những chi tiết hay, giá trị, vì bị cho là “nhạy cảm”.

Nhưng thôi, biết sao, khi còn quá lắm lưỡi dao oan nghiệt vẫn đang treo lơ lửng trên đầu họ.

Có những cuốn sách làm vinh dự cho nhà xuất bản, cả trước mắt và về sau. Từ chối in là đáng tiếc, là dại.

Thời bây giờ, công nghệ số đã phổ biến, người ta ít đọc sách. Nhiều khi ai đó rủ nhau ra đường sách, phố sách, không phải vì sách mà vì… thứ khác. Cũng ít người khoe tủ sách nhà mình thế này thế nọ.

Sự hãnh diện về sách không còn nữa.

Chỉ xin nhắn với những người còn ham đọc sách và yêu sách:

Nên có và cần đọc những cuốn sách loại phi-hư-cấu của Phan Thúy Hà, giữa một nền văn học đang quá mức tàn tạ.

N. T