Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Dương Thu Hương – Người nước ngoài nghĩ gì về tiểu thuyết “Chốn vắng”?

Ninh Dương (tóm lược từ các bài điểm sách Anh và Pháp ngữ)

“Mười bốn năm sau chiến tranh, một người đàn ông trở về ngôi làng của mình ở Việt Nam, nơi mà từ lâu anh đã được báo là đã chết. Vợ anh rời bỏ cuộc sống tái hôn đang hạnh phúc để đi với anh lần nữa. Ba số phận giằng xé nhau, cùng cam chịu nỗi bất hạnh, mắc kẹt trong một xã hội cổ xưa, mỗi người đều chìm lắng trong ký ức hạnh phúc của quá khứ. Tác giả, người Việt Nam, đã kết hợp các yếu tố của bi kịch Hy Lạp với chủ nghĩa lãng mạn nóng bỏng, triển khai ngôn ngữ đầy gợi cảm trong một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc đặc biệt. Một mê hoặc văn học, một tác phẩm kinh điển tương lai.” K. P. (1)

clip_image001

Giới thiệu

Ngày 21 tháng 4 năm 2023, trong khuôn khổ Lễ Hội Sách Paris, ông Daniel Rondeau, Viện Hàn Lâm Pháp (Académie française) đã công bố tên người đoạt giải “Prix mondial Cino Del Duca”: Nhà văn Dương Thu Hương. (2)

Prix mondial Cino Del Duca là một giải thưởng văn học lớn do bà Simone Del Duca (1912–2004) sáng lập tại Pháp vào năm 1969. Giải thưởng mang tên người chồng quá cố của bà, giám đốc nhà xuất bản Cino Del Duca (1899–1967). Sau khi bà qua đời năm 2004, Học viện Pháp (Institut de France) tiếp tục công việc điều hành giải này. Với 200,000 €, Prix mondial Cino del Duca là giải thưởng văn học có số tiền thưởng lớn thứ nhì trên thế giới sau giải Văn Chương Nobel.

“Prix Mondial Cino Del Duca” – Giải thưởng thế giới Cino Del Duca, dành để vinh danh những nhà văn có tác phẩm văn học hoặc khoa học góp phần truyền bá thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại. “Ta bắt gặp những con người yêu cái tuyệt đối, những trái tim thuần khiết vấp ngã, những ý chí cam chịu, những anh hùng đôi khi lỡ cơ, và dù gì đi chăng nữa, vị ngọt của cuộc đời. Bởi vì tất cả các tiểu thuyết của bà là một thiền định về sức mạnh của cuộc sống.” Daniel Rondeau, Viện Hàn Lâm Pháp, thành viên Ban giám khảo.

Sách của nhà văn Dương Thu Hương được dịch sang nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Thụy Điển. Trong số các tác phẩm đã phát hành, “Chốn vắng” (No Man’s Land 2005, Terre des oublis 2006, …) là cuốn sách có số lượng độc giả cao nhất. Tiểu thuyết này cũng đã từng đoạt Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) vào năm 2007.

clip_image003

Biên tập viên và nhà phê bình Donna Seaman, American Library Association đã viết về “No Man’s Land” trong booklist, như sau: “Một cuốn tiểu thuyết đẹp mê hồn phân tích một cách sắc sảo bản chất của chiến tranh và hòa bình, sự nghèo nàn và giàu có về vật chất và tinh thần, bản thân và cộng đồng, sự ép buộc và tình yêu.” (3)

Kirkus review: “Một bước đột phá hấp dẫn vào địa hạt ít được biết đến: chấn thương do chiến tranh Việt Nam gây ra cho ‘những người chiến thắng’” (4)

David Smyth, Gale, 2009: “Cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao nhất và cũng đầy kịch tính nhất của Dương cho đến nay. Truyện lấy bối cảnh ngay sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Miên, ngoài 30 tuổi, có cuộc hôn nhân hạnh phúc với Hoan, một chủ đồn điền thành công. Ở đoạn mở đầu truyện, cô trở về khu xóm của mình ở miền Trung Việt Nam và thấy dân làng tụ tập trước cổng nhà. Cô được cho biết là người chồng đầu của mình, Bon, người được coi là đã chết như một anh hùng thời chiến, vẫn còn sống và nay quay về để đòi lại cô. Trước sức ép dữ dội của dân làng và của Đảng, Miên đồng ý bỏ người chồng thứ hai và đứa con trai của mình để sống cảnh nghèo khó với Bon.” (5)

Trang mạng vietnamlit.org-wikivietlit đăng bài của dịch giả Nina McPherson trong Encyclopedia on Southeast Asian Literature (sắp xuất bản) viết về nhà văn Dương Thu Hương và liệt kê, ghi tóm lược những tác phẩm của bà, trong đó có “No Man’s Land”: “No Man’s Land có thể hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng như bản cáo trạng khốc liệt nhất của Dương đối với một chế độ mà bà và thế hệ của bà đã hy sinh tuổi trẻ của mình để đưa nó lên đỉnh cao quyền lực. (6)

Người nước ngoài nghĩ gì về “Chốn vắng”?

Đạo lý và Nghĩa vụ xã hội? Sự Hy sinh và Chủ nghĩa anh hùng? Đầu hàng số phận? Miên, Nàng Kiều trong bối cảnh hiện đại? Bất lực và Trốn chạy, Từ bỏ và Lối thoát? Đây là những nhận định, lời phê bình, đánh giá, những cảm nghĩ của độc giả, các cơ quan ngôn luận, giới báo chí, các nhà văn dành cho tác phẩm “Chốn vắng”. (Ninh Dương dịch tóm lược từ các bài viết Anh ngữ, các tiểu tựa là do người dịch đặt)

Dông bão và Cơn mưa phùn cuối mùa xuân

“Khi trời đổ mưa ở trang một trong “No Man’s Land” của Dương Thu Hương, bạn biết là sẽ có chuyện sắp xảy ra. Trong tiểu thuyết Việt Nam, ông trời luôn (cố gắng) can thiệp vào các sự việc, dội nước ngập hoặc thiêu đốt nhân vật, để chứng tỏ rằng sự nguy hiểm sẽ xảy ra đã được biết trước hoặc đâu là nguyên nhân phát sinh.” “Ở trang một, trời mưa, “một cơn mưa lạ lùng quá đỗi”, “nước lạnh và hơi nóng giao hòa”, “tất thảy tan lẫn vào làn nước tưới xuống.” Ngay cả sau khi mặt trời ló dạng, kịch tính vẫn tiếp tục tuôn trào: “Dường như sau khoảnh khắc cách biệt, tình yêu mù dại với đất với rừng càng sôi sục, lửa ghen tuông thiêu đốt vạn vật như cơn ái ân cào cấu.”Brendan Wolfe, writer and editor living in Iowa City (7)

“Người ta có thể nói ngay từ đầu rằng câu chuyện này sẽ không có một kết thúc có hậu cho tất cả mọi người, và điều này xảy ra không chỉ vì nó bắt đầu với ”một cơn mưa lạ lùng quá đỗi” – rất gần với “một đêm tối và dông tố.” Brian Walsh (8)

“Không tiết lộ nhiều, nhưng ở cuối truyện, trời cũng mưa, và đây dường như là cách Hương nói rằng, ngay cả sau 27 chương đầy ẩn dụ về thủy triều và dòng chảy, về những cơn gió cả kết thúc thời niên thiếu và tình yêu nảy sinh từ một lần suýt chết đuối, về những linh hồn trôi dạt ra biển và bơi trở về bến, điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể hy vọng là một cơn mưa phùn cuối mùa xuân ẩm ướt.” Brendan Wolfe (7)

Đạo lý và Nghĩa vụ xã hội, Sự hy sinh và Chủ nghĩa anh hùng

“Vòng xoay bi thảm của những số phận này tạo tiền đề cho câu chuyện đầy mê hoặc của Dương Thu Hương về ba con người định mệnh đã gắn chặt với nhau và bị biến đổi không hoán chuyển được bởi sự phi lý của chiến tranh. Khi câu chuyện ngoạn mục mở ra, mỗi người trong mối tình tay ba tiền định này phải đấu tranh để dung hòa hạnh phúc cá nhân với các giá trị truyền thống về nghĩa vụ và lòng vị tha. Bên nhau, những nhân vật này tạo nên một bức chân dung tàn khốc về một dân tộc đã hy sinh trên bàn thờ chiến tranh cho chủ nghĩa sùng bái anh hùng.” Susana Lea Associates (9)

“Và không lẽ ta yêu Bôn đến độ phải làm những điều ngu xuẩn ấy? Ta không yêu Bôn, cuộc trở về này là một phận sự, cái phận sự đã được quy ước từ thời xửa thời xưa dù chẳng ghi rõ trên giấy trắng mực đen nhưng đã thành luật lệ. Nếu ta chống lại luật lệ ấy dù bỏ làng ra đi cũng chẳng được sống bình yên…” Trong vòng vài chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, người ta làm quen một chút với chủ nghĩa giai cấp và sự tôn thờ anh hùng ở Việt Nam. Hệ thống phân cấp ở đây tựa như có tầng lớp trên và dưới và đặt các cựu chiến binh vào trong một tầng lớp của riêng họ….

Khi Bôn trở về nhà lần đầu tiên, tất cả người dân thị trấn tập hợp lại và nói rõ ý ​​​​của họ với Miên: “Thế nào, chị đã hiểu phận sự của mình rồi chứ? Hay cuộc sống giàu sang đã khiến chị tối tăm mắt mũi, khiến chị quay lưng lại với người chồng thuở hàn vi? Ðừng quên rằng tất thảy mọi gia đình trên dải đất Việt Nam đều có người ra trận, số phận của Bôn cũng là số phận chung của những người trai đã hy sinh tuổi trẻ nơi trận mạc, đã lãnh phần thua thiệt cho kẻ khác an hưởng thanh bình. Trong nỗi mất mát của anh ấy có một phần đau khổ của thân nhân chúng tôi. Chúng tôi đứng về phía Bôn.”

Sự tôn thờ anh hùng dành cho Bôn này đặt anh ta lên một bục đài.” A critial review – No Man’s Land – Dan Hess (10)

“… thế giới này thuộc về cả một tiểu đoàn gồm những người lính liên kết nhau tiến về phía cô, hết lớp này đến lớp khác, trong y phục ngụy trang. Sau đó, đến tổ tiên xa xôi của cô, họ mặc quần áo bằng sợi gai thô, vải bạt hay lụa, bọc trong vỏ cây sồi hay lụa tussah màu nâu, hoặc che đầu bằng những chiếc lọng vương giả hay quấn những chiếc khăn xếp màu đen đơn giản. Và cuối cùng, giữa hai đám đông này – những cựu chiến binh và tổ tiên của họ, cô đối mặt với những người cùng thời: người chủ tịch trong chiếc áo sơ mi trắng hồ cứng, bí thư Đảng trong bộ quân phục màu xanh bạc màu với chiếc áo rách rưới lòi ra ngoài quần; những thanh thiếu niên ăn mặc lịch sự trong những chiếc áo phông có hoa đính kim loại; những người phụ nữ trong làng trong bộ đồ ngủ buồn tẻ hàng ngày của họ. Tất cả bọn họ đều nhìn cô chằm chằm với ánh mắt buộc tội” Will Kirkland (11)

“Trách nhiệm của đàn ông và phụ nữ rất rõ ràng trong “No Man’s Land”. Nhiều trách nhiệm trong số này kết chặt với Nho giáo truyền thống. Một số trách nhiệm khác có liên đới với Đảng Cộng sản Việt Nam. Dương Thu Hương đã xoay chuyển những trách nhiệm này trong nhân vật Miên của mình. Trách nhiệm của người phụ nữ Miên được thể hiện qua bổn phận của một người vợ Việt Nam và niềm tin vào Nho giáo…, … Theo truyền thống ở Việt Nam với tín ngưỡng Khổng giáo, người phụ nữ phải trung thành với chồng và gia đình. Tuy nhiên, ở đây tác giả thách thức niềm tin đạo Khổng bởi vì trách nhiệm của Miên đối với gia đình đã trở nên rất phức tạp qua sự trở về của người chồng đầu tiên, Bôn, một cựu chiến binh từng phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam. Miên bị buộc phải đi đến một quyết định chống lại niềm tin Nho giáo hoặc quay lưng lại với Đảng” Dan Hess (10)

“Hy sinh là chủ đề trong nhiều tiểu thuyết của Dương Thu Hương. Dương đã làm một công việc tuyệt vời trong việc miêu tả những hy sinh mà nhiều người phải đối mặt ở Việt Nam. Những hy sinh này bao gồm cả hy sinh cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cho gia đình. Sự hy sinh rõ ràng nhất trong No Man’s Land là hy sinh của Miên. Cô từ bỏ đời sống xa hoa và gia đình để đến với cuộc sống nghèo khó với Bôn. Miên tiếp tục hy sinh cho Bôn, khi ở đoạn sau trong tiểu thuyết, cô mời Bôn đến sống cùng cô và Hoan. Làm như vậy, một lần nữa, cô hy sinh cuộc hôn nhân truyền thống của mình với Hoan để chăm sóc cho Bôn.” Dan Hess (10)

“Mặc dù rất yêu người chồng hiện tại của mình, Hoan, và con trai của hai người, nhưng cô cảm thấy áp lực bởi sự nghiêm ngặt của cộng đồng cộng sản, nên phải quay về với người chồng đầu tiên của mình, Bôn, nhằm tôn vinh sự hy sinh của anh ấy cho đất nước.” Publishers weekly (12)

“Độc giả Mỹ, ngay cả những người cùng than vãn với Robinson về sự thiếu trung thành đáng buồn của chúng ta với nhau, khó có thể đổ lỗi cho việc chần chừ khi Miên đầu hàng Bôn. Đối với họ, đối với chúng tôi, đây là một sự bất công man rợ và “No Man’s Land” là một chiến dịch kéo dài và không hoàn toàn đúng mực để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, No Man’s Land không được viết cho chúng tôi. Nó được viết cho người Việt Nam, những người tiếp cận vấn đề từ một phối cảnh hoàn toàn ngược lại: Rắc rối nào sẽ xảy ra khi chúng ta quá trung thành, thay vì không trung thành đủ?” Brendan Wolfe (7).

clip_image005

Đầu hàng số phận

“Miên trở về lán của Bôn, nơi vẽ lên sự nghèo khó cùng cực, thấy bất hạnh ngay từ những giây phút đầu tiên. Họ đang chia sẻ khoảng không gian với bà chị gái dị hợm của anh ta, người mà ‘trời phú cho… một ham muốn tình dục điên cuồng, gần như dã thú.’ Những đứa con của bà ta là loài quỷ sứ đói khát. Những điều này, trái ngược với cuộc sống an nhàn của cô với Hoan, thành đạt, có gia nhân, và họ yêu nhau sâu đậm. Chủ đề thường có về ‘số phận’ xuất hiện ở đây và hòa quyện suốt cuốn tiểu thuyết. Miên tự hỏi: “Vì sao, vì sao số phận du đẩy ta đến cảnh trớ trêu này? …Có lẽ kiếp trước ta có nợ với Bôn, và kiếp này chưa trả hết…”

“Hoặc khi cô ấy nhận ra là mình sẽ ở lại với Bôn, bất chấp tất cả những gì trái tim và khối óc mách bảo, cô ấy nói: “Em đã chấp nhận số phận, giọng nói của em không còn là giọng nói của một người tỉnh táo mà là những âm thanh vô chủ, là mệnh lệnh của thầy mo kí thác nơi cửa miệng hồn ma”

“Có lẽ đây là sự miêu tả chính xác về những người tin rằng số phận là thứ mạnh mẽ nhất trong cuộc đời họ. Tất cả những gì họ có thể làm là điều chỉnh để thích nghi với nó, thay vì quyết định nó sẽ như thế nào. Trong mọi trường hợp, nó khiến tôi sẵn sàng tát tai một vài nhân vật xung quanh và nói, ‘Hãy làm gì đó!’ Will Kirkland (11)

“Hương đã khéo léo và mỉa mai soi gương so hai người đàn ông này – tình yêu của họ dành cho Miên, những mưu cầu ngoài học đường, sự bất tài trong khả năng chinh phục xác thịt của họ – để quy ra rằng tất cả chúng ta đều là nạn nhân của số phận. Trong tiếng Việt, từ ngữ dành cho những nạn nhân như vậy là oan, hay “bất công”, có nghĩa là ông trời điên rồ và thật là tùy tiện.”

Cô sẽ phải rời bỏ thế giới êm ả của cuộc đời mình ở đây, ngược dòng thời gian để sống với một bóng hình xa lạ giữa đống tro tàn của một mối tình đã mọc bên gốc cây đa cổ thụ mười bốn năm trước. Cô biết mình có thể chết đuối ở đó lần thứ hai. Nhưng cô không có lựa chọn nào khác; cô biết rằng mình phải nhảy, phải chấp nhận bánh xe số phận đã sắp đặt sẵn cho cô. Bredan Wolfe (7)

“Một biến thể của truyện Kiều”

“Thật thú vị khi xem “Chốn vắng” như một biến thể đầy khiêu khích đối với kiệt tác thơ ca Việt Nam của Nguyễn Du: Truyện Kiều. Được viết vào đầu thế kỷ 19 bởi một vị quan không yên lòng khi vị hoàng đế yêu kính vừa bị lật đổ, truyện kể câu chuyện về Kiều, một thiếu nữ phải lòng chàng trai nhà bên. Khi chàng vắng mặt trong một chuyến đi xa, cha và em trai của Kiều bị xử ngồi tù. Nàng Kiều xinh đẹp và tài năng phải từ bỏ tình yêu của mình (được viên mãn đúng lúc) để lo gia đình, điều mà vào thời đó đồng nghĩa với việc phải làm gái lầu xanh, ả đào và người hầu trong một thời gian dài. Trong “No Man’s Land”, có những trận chiến bạo lực, tình yêu đan xen và rất nhiều tình dục. Tuy nhiên, cuối cùng thì sự kiên nhẫn và lòng trung thành cũng được đền đáp. Sau 15 năm vắng bóng (dài hơn 1 năm so với thời gian Bôn ra trận), Kiều và chàng Kim đoàn tụ trong một lễ cưới huy hoàng, ngọt ngào chen lẫn đắng cay. Trong phòng riêng, họ ngại ngùng nâng ly chúc nhau trong mối quan hệ mới, run rẩy nhớ lại tình xưa. Vì từ lúc chàng, một mầm hoa sen, lần đầu tiên gặp nàng, một nụ đào tươi, mười lăm năm tròn đã trôi qua. Yêu đương, chia tay, đoàn tụ – cả hai đều cảm thấy vui buồn lẫn lộn dưới ánh trăng.”

“Hãy so sánh với cuộc hội ngộ ít ngọt ngào, nhiều cay đắng của Miên với Bôn, người mà cô gặp lần đầu khi anh cứu cô khỏi chết đuối. “Miên rên rỉ. Biết rằng chẳng ai trả lời chị. Chị sắp phải từ bỏ cuộc sống ấm nồng này để bơi ngược dòng sông, tìm lại một bóng hình mờ ảo, tìm tro tàn của mối tình cũ, tìm gốc đa già trên bến nước mười bốn năm xưa. Chị biết chị sẽ chìm nghỉm dưới dòng sông ấy, nhưng vẫn phải liều thân nhảy xuống, phải cam chịu điều số phận đã đặt bày: Có lẽ kiếp trước ta có nợ với Bôn, và kiếp này chưa trả hết..”.

“Đột nhiên không còn chủ nhân và dưới áp lực phải chịu thể hiện tình yêu với chế độ mới, Nguyễn Du đã sử dụng Kiều để đưa ra quan điểm chính trị rộng lớn hơn rằng ngay cả trong thời kỳ biến động, các nguyên tắc chung thủy và trong sạch phải được bảo vệ bằng mọi giá.”

“Ngược lại, Hương nói với chúng ta rằng mối quan hệ gia đình – cuống não của tư tưởng Nho giáo – đã trở nên “giống như một vết hằn trên mặt nô lệ hoặc tù nhân thời sơ khai.”. Việt Nam thời nay, băn khoăn giữa hai ngã rẽ Đông Tây, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, đây vừa là một ý tưởng chính trị sâu sắc và cũng là một sự lăng mạ bất kỳ mà bà có thể ném vào Cơ quan Kiểm soát Nhân dân Tối cao” Brenda Wolfe (7)

Bất lực và Trốn chạy, Từ bỏ và Lối thoát

“Dương Thu Hương mô tả nhân vật Bôn của bà như một sự ám chỉ trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người ở Việt Nam. Cô Hương nói ”Anh ấy là một ẩn dụ cho người Việt Nam. Anh ấy đại diện cho cả một thế hệ, toàn thể dân tộc của chúng ta, đã ra trận, đã hy sinh và trở nên bất lực, cả về tinh thần lẫn thể chất.” Dan Hess (10)

“Chúng ta đấu tranh như khi anh ấy đấu tranh để hiểu thế giới đã thay đổi, và anh ấy đơn thuần chỉ là một hồn ma – giống như hồn ma của người đàn ông mà anh ấy giết đã đến thăm anh trong rừng nhiều năm trước. Trong khi cuốn sách này, theo cách nói của chính Hương, nhắc đến lòng dũng cảm để chết chứ không phải để sống, thì nó cũng đề cập một cách tinh tế hơn về những hoang tưởng, về những người đang yêu và những người được yêu. Tại một số nơi trong truyện, mỗi nhân vật đều cố gắng hiểu những điều khó hiểu. Tại sao tôi không được yêu? Tại sao điều này xảy ra với tôi?” Treasa Bane, Librarian at University of Wisconsin-Baraboo / Sauk County (13)

“Khi trở về sống với Bôn, Miên sử dụng nhiều hình thức trốn chạy để giải tỏa tâm trí và cơ thể của cô ấy trong cuộc sống mới. Miên liên tục lấp đầy thời gian của mình với tất cả các trách nhiệm mà cô ấy có thể tìm ra. Bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ, Miên tận dụng thời gian dành cho việc dọn dẹp nhà cửa như một lối thoát khỏi phải dành thời gian cho Bôn. Khoảng thì giờ cô có cho Bôn là vào ban đêm khi anh ấy thực hiện những nỗ lực yếu ớt để quan hệ tình dục với cô. Mỗi tối sau khi Bôn xuất quân, Miên lui về tắm rửa bằng thứ “Cỏ trinh nữ” (chú thích của người dịch: trong truyện ghi là “thạch trinh hương”) mà Hoan, chồng nàng đã cho. “Cỏ trinh nữ” được dùng trong các nghi lễ thanh tẩy, và hương thơm của nó được dành riêng cho những người chọn cuộc sống độc thân, những người đã từ bỏ đám đông và những tiêu khiển của họ cho một cuộc sống xa cách.” (Hương, 2005). Bằng cách tắm mình trong thứ cỏ trinh nữ này, Miên đang cố gột rửa Bôn, không chỉ mồ hôi hay mùi của anh ấy, mà ngay cả những suy nghĩ về anh ta. Đây là lối thoát của Miên để cô quay lại cuộc sống mà cô từng sống với Hoan.” Dan Hess (10)

“Điều dễ dàng để đổ lỗi là sức hấp dẫn của các giá trị và truyền thống gần như vô nghĩa của Việt Nam. Cộng đồng xã hội cảm thấy vô cùng tự hào và đắm mình trong đó cùng các nghi thức mà nó đem đến – ngay cả khi nó mang lại bất hạnh cho họ. Đó là lý do tại sao Miên tìm sự giải thoát khi cuối cùng đã chọn cách từ bỏ nó. Rời khỏi Bôn để về lại với Hoan, cô đã chuẩn bị sẵn một ”dòng thác ngôn từ không phải thứ ngôn ngữ của những kẻ uyên bác” – sẵn sàng để bảo vệ quyền được sống theo ý muốn của mình. Nhưng thật là lý thú, trong một phần của cuộc nổi loạn này vẫn có sự quan tâm đến Bôn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bị Hoàn từ chối.” Treasa Bane (13)

“Bôn, giống như tác giả, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ đất nước, bị bỏ lại sau lưng bằng cái chết không người thừa kế, là cha của một con quái vật chết non, không đầu. Thai nhi, bị biến dạng bởi chất độc màu da cam, là biểu tượng tối hậu của những lời hứa không được tuân thủ của Đảng và sự lừa đảo, sùng bái chủ nghĩa anh hùng đã giúp nó nắm giữ quyền lực. Trong khi cuốn tiểu thuyết chứa đầy bi kịch đen tối, Miên, nhân vật nữ anh hùng của Dương cuối cùng đã chiến thắng trong sự lựa chọn hạnh phúc cá nhân của mình bằng quyết định trở về với Hoan. Và dân làng, cũng như Miên, chọn mẫu người “anh hùng” mới của thời đại trong con người Hoan, một người có tầm nhìn về tương lai, khước từ hy sinh cá nhân cho một giấc mơ hoang tưởng.” David Smyth, (5).

clip_image007

Thay lời kết

Xin được chấm dứt bài tóm lược điểm sách này bằng trích đoạn lời bình luận của Will Kirkland và Dan Hess:

“Trong một sự đối xứng gần như hoàn hảo, tác giả Dương Thu Hương đang nói về cuộc đời của bà – không phải với hai người chồng riêng lẻ, mà là với biểu tượng của họ trên thế gian – mối tình đầu của bà, Đảng thời trẻ, tham gia cuộc đấu tranh giải phóng, mối tình thứ hai là khi bà bắt đầu viết, nhận rõ mình là một cá nhân hành động tự do, một nhà văn với tình yêu thứ hai, sự cởi mở và không kiểm duyệt trong một thế giới rộng lớn hơn. Đảng đã khai trừ bà. Bà ngày càng nhập vai ‘người vợ’ của cuộc đời mới của mình, nhưng cảm giác tội lỗi tấn công bà; bà đã sống với và hiểu tiếng gọi của Đảng cho nghĩa vụ cách mạng nhưng ngày nay không còn yêu nó nữa. Bà yêu sự độc lập của mình, yêu ngôi nhà mới ít nhơ bẩn hơn, sáng sủa hơn, sung túc hơn – không phải về mặt vật chất mà là ngôi nhà tinh thần của con người. [Và thực vậy, thế giới; hiện nay bà đang sống ở Paris.] Cuốn sách là kết quả, là một câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa nghĩa vụ và tình yêu, nó được viết bằng ‘ngôn từ không phải thứ ngôn ngữ của những kẻ uyên bác’ mà là dung nham nóng bỏng của một người phụ nữ phẫn nộ.” Will Kirkland (11)

“Người Việt Nam đang chật vật tìm kiếm một cuộc sống tử tế sau cuộc chiến Việt Nam. Bản thân Dương Thu Hương đã trải qua những giai đoạn khó khăn này. Bà đã nỗ lực trong “No Man’s Land” để khắc họa chuẩn xác những cuộc đấu tranh mà người Việt Nam đã phải đối mặt. Bà làm điều này bằng cách nêu lên các chủ đề cụ thể. Các chủ đề về phân biệt giai cấp, tôn giáo, hy sinh, chạy trốn, thực phẩm và nghèo đói đều diễn đạt những gì mà những người sống ở Việt Nam phải chịu đựng. Việc kiểm duyệt tiểu thuyết này được thực thi chủ yếu là vì những tham khảo xã hội mà Dương Thu Hương đã thực hiện…

Tuy nhiên, giá trị văn học trong “No Man’s Land” nói riêng được đánh giá cao và cá nhân tôi cảm thấy rằng qua sự kiểm duyệt cuốn sách, các nhà kiểm duyệt ở Việt Nam đang tước bỏ những tác phẩm văn học tuyệt vời của người Việt Nam.” Dan Hess (10)

Ninh Dương tóm lược từ các nguồn:

(1) https://www.20minutes.fr/culture/78477-20060403-culture-terre-des-oublis-de-duong-thu-huong-imparfait-triangle-amoureux

(2) https://www.institutdefrance.fr/actualites/le-prix-mondial-cino-del-duca-2023-remis-a-duong-thu-huong/

(3) https://www.amazon.com/Mans-Land-Duong-Thu-Huong/dp/1401366643

(4) https://www.kirkusreviews.com/book-reviews/duong-thu-huong/no-mans-land-4/

(5) https://www.gale.com/intl/databases-explored/literature/duong-thu-huong

(6) https://vietnamlit.org/wiki/index.php?title=Duong_Thu_Huong

(7) https://www.januarymagazine.com/fiction/nomansland.html

(8) http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/DuongThuHuong/NoManLand.htm

(9) https://www.susannalea.com/sla-title/no-mans-land/

(10) https://niucensorshipinliterature.wordpress.com/2013/05/11/critical-review-no-mans-land-2/

(11) https://www.allinoneboat.org/no-mans-land-a-novel-from-vietnam-by-duong-thu-huong

(12) https://publishersweekly.com

(13) https://glli-us.org/2018/02/22/international-banned-book-no-mans-land-by-duong-thu-huong/

Nguồn: https://diendankhaiphong.org/duong-thu-huong-nguoi-nuoc-ngoai-nghi-gi-ve-tieu-thuyet-chon-vang/