Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Hơn 60 năm trước, một nhà thơ Hy Lạp

Hà Nhật

Mùa hè 1956, tròn hai năm sau ngày chia cắt, việc tái thống nhất nước nhà đã trở nên một câu hỏi đau đáu cho người Việt Nam.

Thời gian này, trong hàng chục nhà văn đến thăm Việt Nam, có một nhà thơ Hy Lạp: MENELAOS LOUDEMIS (1912-1977).

Đấu tranh cho dân chủ và hoà bình, ông từng bị chính quyền độc tài Hy Lạp bắt giam và hành hạ nhiều năm. Ra tù ông sống lưu vong nhiều nơi. Ông sang thăm nước ta vào khoảng cuối năm 1960 và ở lại Việt Nam chừng tuần lễ, trong đó có chuyến đi đến bờ sông Bến Hải. Sau chuyến đi, ông viết bài thơ này trước khi ra Ga Hàng Cỏ để lên tàu rời Việt Nam.

Sau hơn sáu mươi năm, tôi tìm ghi lại bài thơ này. Có lẽ không có nhà thơ nước ngoài nào viết về Việt Nam được như bài thơ này.

Thời gian không hề làm phai mờ giá trị của bài thơ, mà còn trái lại. Biết ơn Menelaos Loudemis, nhà thơ Hy Lạp!

Hôm nay, đọc lại bài thơ, vẫn thấm thía, yêu thương và tự hào!

 

 

LỜI TỪ GIÃ VIỆT NAM

Việt Nam - Đất nước biếc xanh

Và dài như một chiếc đàn bầu

Mà sợi tơ đàn bỗng bị đứt ngang

Ngay giữa lẫy đàn: sông Bến Hải,

Bờ sông đó hãy còn lệ chảy

Và tiếng ca đang hát nửa chừng!

Việt Nam, lìa đứt nửa thân mình

Gươm đâm chém còn trong tay thù địch!

Việt Nam, trên cổ trên tay anh

Tôi còn thấy

Dấu ách nặng và dấu dây xiềng xích.

Việt Nam… Tôi mang từ đất nước xa xôi

Bàn tay đầy thương tích của quê tôi

Để đặt giữa lòng tay anh

Đẫm mồ hôi của chiến tranh và nỗ lực!

Việt Nam… Tôi không bao giờ quên được

Những đám cháy mặt trời,

Hay hạt bụi vàng những vì tinh tú,

Không thể nào quên những đóa hoa tươi

Và tên đẹp những cô thiếu nữ…

Tôi không bao giờ quên được sông Hồng

Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội

Và nhấp nhô trôi nổi

Những cánh buồm và chứng tích

những thời xưa…

Tôi không bao giờ quên được hồ Gươm

(Lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố)

Những đóa sen hồng, những ngôi chùa

xám cổ,

Nghiêng mình xuống nước

tìm thánh thần xưa

Nhưng chỉ gặp những con người hiện tại.

Việt Nam… Lâu đài anh bằng nứa bằng tre,

Từng thế kỷ quân thù đốt cháy,

Nhưng anh liền dựng lên trở lại

Vì mỗi lâu đài là một chiếc nhà anh

Mỗi nơi đó, một anh hùng sinh trưởng.

Những ngày hạnh phúc của anh

Sẽ nhiều hơn những hạt vàng của lúa

Sẽ chói ngời hơn hoa phượng đỏ,

Ôi đất nước những căn nhà nhỏ

Có những con người, tầm vóc không cao

Nhưng chiến công hiển hách lớn lao…

Việt Nam… Đất nước của Ngày Mai vĩ đại

Hạnh phúc đang dâng

Ngời chói hơn trăng

Chạy nhanh hơn gió

Chảy xiết hơn sông nước của anh…

Đất nước của nông dân

Mà bao giờ

Một con trâu cũng thân hơn một ông

hoàng đế,

Một cây tre cũng quý hơn quyền trượng

nhà vua,

Chiếc đòn gánh đúng hơn cả cán cân thần

công lý!

Đất nước không thể nào quên!

Những tiếng gần xa anh luôn nghe thấy

Sẽ không còn tiếng quân thù quay trở lại

Mà chỉ là giọng bạn bè hướng gọi

tương lai…

Việt Nam… Tôi đi càng đơn độc:

Vì khi bánh con tàu

Chuyển lăn về phía trước

Trái tim tôi đi ngược về sau…

Sẽ có ngày, tôi đến tìm trái tim tôi trở lại,

Việt Nam ơi! Chào nhé, thôi chào!

                                                   1960

Hoàng Trung Thông dịch

Chú thích của Văn Việt:

clip_image002_thumb

Tên thật là Dimitris Valassoglou. “Valassoglou” có “-oglou” (“con trai của”) có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta không biết chính xác ông sinh năm nào và ở đâu. Theo một số nguồn tin, ông sinh năm 1906 tại Constantinople trong một gia đình người Hy Lạp; nhưng, nhiều khả năng hơn, ông sinh ra ở Agia Kyriaki, một thị trấn nhỏ ở Tiểu Á, vào ngày 14 tháng 1 năm 1912.  10 năm sau, cuộc chiến Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ buộc gia đình Valassoglou chạy nạn đến Hy Lạp, từ đây Valassoglou trở thành “Valassiadis”.

Từ năm 1934, ông bắt đầu xuất bản những bài thơ và truyện dưới bút danh Menelaos Loudemis: "Loudemis" bắt nguồn từ tên của Loudias, con sông chảy qua làng Agia Kyriaki nơi ông (có lẽ) sinh ra. Trước chiến tranh và sự chiếm đóng của phát xít Đức ở Hy Lạp, Loudemis cũng đã trở thành thành viên của Hiệp hội các nhà văn Hy Lạp, khi đó do Nikos Kazantzakis làm chủ tịch.

Menelaos Loudemis tham gia EAM, Mặt trận Giải phóng Hy Lạp nhằm đánh bại cánh hữu. Năm 1946, Menelaos Loudemis bị bắt, bị xét xử và bị kết án tử hình vì tội "phản quốc"; tuy nhiên, bản án đã được chuyển thành trục xuất. Ông được trả tự do vào năm 1955, nhưng điều này không có nghĩa là ông có thể bắt đầu viết và xuất bản tự do trở lại. Năm 1958, cuốn hồi ký trong tù của ông có tựa đề Βουρκωμένες μέρες “Những ngày đầy nước mắt” bị cấm xuất bản. Năm 1967, sau cuộc đảo chính ngày 21 tháng 4, Menelaos Loudemis đã trốn thoát được; ông đã tìm thấy lòng hiếu khách ở Romania của Nicolae Ceauşescu. Bị tước quốc tịch Hy Lạp, ông nhận quốc tịch Romania. Sau khi thông thạo ngôn ngữ Romania đến mức hoàn hảo, ông đã dịch một số cuốn sách của các tác giả Romania sang tiếng Hy Lạp; đồng thời ông thực hiện các chuyến đi đến Trung Quốc và Việt Nam, lưu lại một thời gian ở Romania ngay cả sau khi chế độ độc tài ở Hy Lạp kết thúc.

Quyền công dân Hy Lạp của ông chính thức được khôi phục vào năm 1976, và Menelaos Loudemis trở về Hy Lạp. Sáng ngày 22 tháng 1 năm 1977, ông qua đời sau một cơn đau tim.

Theo https://www.antiwarsongs.org/canzone.php?id=60300&lang=fr